Tin khắp nơi – 28/05/2020

Tin khắp nơi – 28/05/2020

Phi vụ đầu tiên của SpaceX đưa phi hành gia vào không gian bị hoãn

SpaceX, công ty hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ của doanh nhân ty phú Elon Musk, buộc phải dời lịch dự trù đưa hai phi hành gia người Mỹ vào quỹ đạo chiều ngày 27/5 từ bang Florida (Hoa Kỳ) do thời tiết xấu. Đây được xem là chuyến bay vào không gian đầu tiên của các phi hành gia NASA từ lãnh thổ Mỹ trong vòng 9 năm.Kế hoạch bị hoãn khi chỉ còn 17 phút nữa là tới giờ tên lửa Falcon 9 được dự trù phóng đi từ Trung tâm Không gian Kennedy để đưa hai phi hành gia Doug Hurley và Bob Behnken tới Trạm Không gian Quốc tế trong cuộc hành trình kéo dài 19 tiếng trên tàu con thoi vừa được công ty thiết kế tên là Crew Dragon.Sau lần hoãn này, lịch phóng mới được lên kế hoạch là vào chiều thứ Bảy tới đây.Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên Air Force 1 đáp xuống Florida và tới Mũi Canaveral để quan sát vụ phóng. Tỷ phú Musk, Phó Tổng thống Mike Pence và giám đốc NASA, Jim Bridenstine, cũng tới đây để chứng kiến buổi phóng.https://www.voatiengviet.com/a/phi-v%E1%BB%A5-%C4%91%E1%BA%A7u-ti%C3%AAn-c%E1%BB%A7a-spacex-%C4%91%C6%B0a-phi-h%C3%A0nh-gia-v%C3%A0o-kh%C3%B4ng-gian-b%E1%BB%8B-ho%C3%A3n/5438456.html

Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, tố Nga vi phạm thỏa thuận quốc tế

Triệu Hằng
Hoa Kỳ hôm 22/5/2020 đã chính thức thông báo quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (Treaty on Open Skies), tố cáo Nga đã vi phạm thỏa thuận quốc tế được 35 nước ký kết.
Hiệp ước Bầu trời Mở có hiệu lực năm 2002, quy tụ các quốc gia châu Âu, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, cho phép các quốc gia ký kết thực hiện các chuyến bay giám sát ngắn qua không phận các nước thành viên, không vũ trang, để thu thập dữ liệu hoạt động quân sự và kho vũ khí, với mục đích hòa bình.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 21/5 cho biết: “Nga không tuân thủ hiệp ước, vì vậy cho đến khi họ tuân thủ, chúng tôi sẽ rút lui”.
Quyết định này sẽ được thực hiện sáu tháng sau khi thông báo.
Theo trang tin NPR, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tố cáo Nga không chỉ “liên tục vi phạm hiệp ước” mà còn cấm bay qua các khu vực nhạy cảm như “vùng Abkhazia và Nam Ossetia của Georgia mà Nga chiếm đóng”.
Ông Pompeo cũng nhắc lại điều Tổng thống Trump đã nói, rằng Mỹ vẫn có thể ở trong thỏa thuận nếu Nga thay đổi cách tiếp cận.
Khả năng Mỹ xem xét lại việc rút khỏi Bầu trời Mở nếu Nga quay trở lại hoàn toàn tuân thủ hiệp ước được giới quan sát nhận định Mỹ chưa đóng hẳn cánh cửa đối thoại với Nga về thỏa thuận này.
https://www.dkn.tv/the-gioi/my-rut-khoi-hiep-uoc-bau-troi-mo-to-nga-vi-pham-thoa-thuan-quoc-te.html

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ: TQ đang đe dọa an ninh ở Biển Đông và nhiều nơi trên thế giới

Phát biểu tại một hội nghị của tổ chức Atlantic Council (Mỹ) chuyên về các vấn đề quốc tế, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alice Wells phụ trách khu vực Nam và Trung Á cho rằng các tranh chấp biên giới – dù là ở Biển Đông hay ở khu Ladakh (thuộc vùng Kashmir phía Ấn Độ kiểm soát) – đều là một “sự nhắc nhở về mối đe dọa từ Trung Quốc”.
Theo bà Alice Wells, bùng phát các vụ đụng độ ở biên giới là lời cảnh báo rằng hành động ngang ngược của Trung Quốc không phải lúc nào cũng chỉ là lời nói. Dù là ở Biển Đông hay dọc theo biên giới với Ấn Độ, chúng ta tiếp tục thấy những hành động khiêu khích và gây rối của Trung Quốc. Những hành động khiêu khích và gây hấn của Trung Quốc đặt ra câu hỏi về cách Trung Quốc tìm cách sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của nước này. Đó là lý do tại sao chúng ta đã chứng kiến sự tập hợp của các quốc gia có cùng chí hướng từ các nước ASEAN hay thông qua các nhóm ngoại giao khác như ba bên với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ nhằm hỗ trợ thương mại tự do và cởi mở. Bên cạnh đó, bà Alice Wells cũng chỉ ra rằng có sự tương đồng giữa tình trạng Trung Quốc hung hăng hơn ở Biển Đông những năm qua và việc tăng xung đột gần đây ở khu vực dãy Himalayas. Nếu nhìn về Biển Đông, các chiến dịch của Trung Quốc đều thực hiện theo một phương pháp và đó là sự hiếu chiến dai dẳng, mưu toan dai dẳng để thay đổi các quy tắc, hiện trạng. Trong khi đó, với những ai “ảo tưởng rằng sự hiếu chiến của Trung Quốc chỉ là sự khoa trương, tôi nghĩ họ cần phải nói chuyện với Ấn Độ. Nó cần phải bị chống lại”.
Đáng chú ý, trong căng thẳng Trung – Ấn ở khu vực biên giới, bà Alice Wells khẳng định Mỹ ủng hộ Ấn Độ và khuyến khích cả Ấn Độ với Trung Quốc cùng giải quyết tranh chấp qua con đường ngoại giao.
Được biết, chuyện mâu thuẫn, xung đột giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới hai nước vẫn diễn ra. Căng thẳng biên giới giữa hai quốc gia đông dân nhất nhì thế giới kéo dài đã lâu. Hai nước từng có chiến tranh biên giới năm 1962. Tới thời điểm này Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền khỏng 90.000 km2 lãnh thổ Ấn Độ đang kiểm soát. Tuần trước, Ấn Độ triển khai thêm lính đến khu Ladakh dọc biên giới với Trung Quốc, sau khi có thông tin Trung Quốc dựng lều gần sông Galwan – địa điểm hai bên từng xảy ra xung đột năm 1962. Sau khi đối đầu và xung đột nhau, cả hai bên đều có binh sĩ bị thương. Một số trực thăng Trung Quốc được nhìn thấy có hoạt động trong khu Ladakh. Không những vậy, gần đây lính biên phòng hai bên xung đột và đánh nhau tại núi Nathu La Pass nối bang Sikkim của Ấn Độ với vùng tự trị Tây Tạng của Trung Quốc.
Trong một động thái mới nhất, Ấn Độ (21/5) đã cáo buộc các quân nhân Trung Quốc chặn đường thực hiện các cuộc tuần tra ở khu vực biên giới tranh chấp chủ quyền dẫn tới xô xát giữa 2 bên trong tháng qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava khẳng định quân nhân nước này vẫn luôn ở khu vực do New Delhi quản lý, ngăn cách với Trung Quốc thông qua Đường kiểm soát Trung – Ấn (LAC). Toàn bộ các hoạt động của Ấn Độ đều được thực hiện ở phía Ấn Độ kiểm soát bên này đường LAC. Trên thực tế, chính phía Trung Quốc gần đây đã có các động thái ngăn cản hoạt động tuần tra bình thường của Ấn Độ.
Trung Quốc không đưa ra bình luận trực tiếp về các vụ việc căng thẳng ở biên giới với Ấn Độ, nhưng nhấn mạnh rằng quân đội nước này liên tục duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu lại phát đi cáo buộc rằng quân nhân Ấn Độ dường như đã đi vào lãnh thổ Trung Quốc và xây dựng cơ sở quốc phòng bất hợp pháp từ đầu tháng. Tờ báo nói rằng Trung Quốc đã gia tăng kiểm soát ở biên giới để chống lại hoạt động của Ấn Độ ở thung lũng Galwan.
http://biendong.net/bien-dong/34931-tro-ly-ngoai-truong-my-tq-dang-de-doa-an-ninh-o-bien-dong-va-nhieu-noi-tren-the-gioi.html

Thượng viện Mỹ thông qua “Đạo luật trách nhiệm giải trình của các công ty cổ phần nước ngoài”

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kenedy và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen đã đề xuất dự luật ngăn cản 1 số công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch Mỹ, trừ khi họ tuân theo tiêu chuẩn về kiểm toán của Mỹ.
Theo thông tin trên, Thượng viện Mỹ (20/5) thông qua dự luật ngăn cản 1 số công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch Mỹ, trừ khi họ tuân theo tiêu chuẩn về kiểm toán của Mỹ. Dự luật này do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Kenedy và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Van Hollen đề xuất. Theo nghị sĩ Van Hollen, trong một thời gian dài, Trung Quốc đã không tôn trọng các tiêu chuẩn của Mỹ, đánh lạc hướng các nhà đầu tư của Mỹ. Tuy nhiên, dự luật này sẽ phải được Hạ viện thông qua và được Tổng thống Trump ký để ban hành thành luật.
“Đạo luật trách nhiệm giải trình của các công ty cổ phần nước ngoài” nghiêm cấm các công ty không được niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ nếu các công ty này không tuân theo quy định về kiểm toán của Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty đại chúng ở Mỹ trong 3 năm liên tiếp. Quy định này cũng yêu cầu các công ty đại chúng đóng cửa nếu họ thuộc quyền sở hữu hoặc quyền quyền kiểm soát của một chính phủ nước ngoài. Dự luật được viết là áp dụng với tất cả công ty nước ngoài nhưng được cho là nhằm vào các công ty Trung Quốc, sau khi các nghị sĩ trong lưỡng đảng Mỹ tán thành những chỉ trích của Tổng thống Trump về Trung Quốc.
Trước đó, các thượng nghị sĩ Mỹ đã trình lên Thượng viện dự luật trao quyền Tổng thống Mỹ áp thêm các đòn trừng phạt nhằm vào Trung Quốc nếu như nước này không chịu trách nhiệm toàn bộ về các sự kiện liên quan tới đại dịch COVID-19. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham phối hợp cùng 8 thượng nghị sĩ đã đề xướng “Đạo luật Trách nhiệm giải trình COVID-19”. Dự luật yêu cầu Tổng thống xác nhận với Quốc hội trong vòng 60 ngày rằng Trung Quốc “đã cung cấp đầy đủ cho bất kỳ cuộc điều tra về COVID-19 nào mà Mỹ, các đồng minh của Mỹ hoặc các cơ quan của LHQ như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu”. Dự luật cũng yêu cầu sự xác nhận rằng Trung Quốc đã đóng cửa tất cả “chợ ướt” (chợ bán đồ tươi sống) có thể gây rủi ro tới sức khỏe của con người. Dự luật mới sẽ cho phép Tổng thống Mỹ áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt, bao gồm đóng băng tài sản, cấm di chuyển và hủy hộ chiếu, ngoài ra còn hạn chế các khoản cho vay của các tổ chức tài chính Mỹ đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và cấm các công ty Trung Quốc được niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ.
Theo Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, ông tin rằng nếu không phải vì “sự lừa dối” của Trung Quốc, virus corona chủng mới đã không lan tới nước Mỹ và không cướp đi sinh mạng của hơn 80.000 người dân Mỹ. Theo ông, Trung Quốc đã không cho phép các nhà điều tra tới nước này để nghiên cứu xem làm thế nào mà dịch COVID-19 bùng phát và Trung Quốc sẽ không bao giờ phối hợp trong một cuộc điều tra nghiêm túc, trừ khi họ bị ép phải làm vậy. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã bóng gió về các lệnh trừng phạt trong tương lai đối với Trung Quốc vì các tác động tiêu cực của dịch bệnh gây ra cho nền kinh tế và đời sống người dân toàn cầu. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Tim Kaine của đảng Dân chủ nói rằng có rất nhiều thứ “rõ ràng là sai lầm ở Trung Quốc”, nhưng cũng cần phải nhìn vào toàn bộ câu chuyện và chính quyền Trump không nên cố thoát khỏi sự phán xét. Đầu tiên là cần phải mang toàn bộ câu chuyện này lên bàn thảo luận và xem xem phần lỗi của từng bên, để sửa chữa vấn đề, sau đó chúng ta mới quyết định về vấn đề trách nhiệm.
Phản ứng trước thông tin trên, Trung Quốc đã đưa ra phản ứng cứng rắn và tuyên bố sẽ có biện pháp trả đũa nếu quốc hội Mỹ thông qua luật trừng phạt nước này vì đại dịch Covid-19. Người phát ngôn Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trương Nghiệp Toại (21/5) cho biết: “Chúng tôi kiên quyết phản đối những dự luật này và sẽ phản ứng cứng rắn cũng như thực hiện các biện pháp trả đũa sau khi xem xét các đạo luật”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (13/6) tuyên bố Trung Quốc cực lực phản đối dự luật này và khẳng định rằng Bắc Kinh luôn cởi mở, minh bạch kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Theo đó, phía Trung Quốc cho rằng “Dự luật do một số thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất hoàn toàn bỏ qua sự thật. Đây là hành động vô đạo đức và là nỗ lực đổ lỗi cho Trung Quốc về sự lây lan COVID-19 ở Mỹ”; khẳng định Trung Quốc luôn minh bạch trong cuộc chiến chống COVID-19 và đã hợp tác chặt chẽ với WHO và “thế giới đã chứng kiến sự đóng góp của Trung Quốc trong việc ngăn chặn đại dịch toàn cầu”. Ngoài ra, ông Triệu Lập Kiên cũng Triệu khẳng định không có cái gọi là “chợ động vật hoang dã ẩm ướt” ở Trung Quốc, nhấn mạnh “Trung Quốc có một số chợ gia cầm sống, chợ nông sản hoặc chợ hải sản không bị luật pháp quốc tế cấm”. Trung Quốc
đã bắt đầu đưa ra luật về việc cấm săn bắn, buôn bán, vận chuyển hoặc tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ ngừng tấn công Trung Quốc, thay vào đó tập trung vào việc bảo vệ sự an toàn của công dân Mỹ và đóng góp nhiều hơn cho nỗ lực toàn cầu trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Covid-19 đã xuất hiện tại 213 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 5,1 triệu người nhiễm và gần 331.000 người tử vong. Theo số liệu thống kê đến ngày 21/5, Mỹ hiện là nước đang bị đại dịch COVID-19 “tàn phá” nặng nề nhất, với 1,58 triệu người nhiễm COVID-19, trong đó có 93.806 ca tử vong. Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 03/2020 giảm hơn 6 %. Theo thăm dò 27/04/2020 do hiệp hội quy tụ các doanh nghiệp Mỹ trên toàn quốc NABE thực hiện, tất cả những người được hỏi đều cho biết “doanh thu và đầu tư đã giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008 tới nay”; 30 % trong số này cho rằng “tình trạng đen tối đó còn tiếp diễn trong từ 3 đến 6 tháng nữa”; 17 % trong số những người được tham khảo y kiến đã phải sa thải nhân viên, 31 % tạm thời cho nhân viên “nghỉ phép” với hy vọng công ty hay cửa hàng được phép mở cửa lại trong “một vài ngày nữa”. Ngân hàng Bank of America dự báo GDP của Mỹ trong quý 2/2020 giảm 30 % và tổng sản phẩm nội địa Hoa Kỳ sẽ thấp hơn so với của năm ngoái hơn 10 %. Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát nặng nề tại Mỹ, căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng khi chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc che giấu dịch bệnh, khiến thế giới lãng phí thời gian chống dịch và đặt giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
http://biendong.net/bien-dong/34925-thuong-vien-my-thong-qua-dao-luat-trach-nhiem-giai-trinh-cua-cac-cong-ty-co-phan-nuoc-ngoai.html

Nghị viện Mỹ thông qua dự luật người Duy Ngô Nhĩ

Quý Khải
Hạ viện Mỹ hôm 27/5 vừa thông qua dự luật Duy Ngô Nhĩ với chỉ một phiếu chống, dọn đường cho các biện pháp trừng phạt quan chức Trung Quốc.
Theo đó, dự luật sẽ trừng phạt các quan chức cấp cao Trung Quốc vận hành các trại lao động cưỡng bức bắt giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương, Trung Quốc, theo the Hill.
Dự luật – được khởi xướng bởi Thượng nghị sĩ Marco Rubio – đã được Thượng viện thông qua với toàn bộ phiếu thuận hồi đầu tháng nên sẽ được đệ trình lên Nhà Trắng để tổng thống Trump ký thành luật.
Theo dự luật, ông Trump sẽ thu hồi thị thực và đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm cho các vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ. Dự luật này cũng kêu gọi Bộ Ngoại giao soạn thảo một báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ.
Những người ủng hộ dự luật ca ngợi đây là một bước tiến cần thiết để ngăn chặn áp bức trong khu vực.
“Bắc Kinh đang tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để đè nén những tiếng nói chỉ trích và vi phạm nhân quyền khủng khiếp của mình. Vì vậy nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo vốn luôn lên tiếng khi bất kỳ nhóm Hồi giáo nào trên thế giới bị xâm phạm nhân quyền, đã bị buộc phải im lặng khi hứng chịu áp lực từ Trung Quốc”, Dân biểu Brad Sherman nói trước cuộc bỏ phiếu.
“Hiện Trung Quốc muốn thế giới lãng quên người Duy Ngô Nhĩ khi chúng ta đang phải vật lộn với đại dịch toàn cầu. Chúng ta phải chống lại. Ngày hôm nay chúng ta muốn phát đi một thông điệp rằng chúng ta sẽ đồng hành cùng những người Duy Ngô Nhĩ, để đấu tranh cho những người bị áp bức, và chúng ta sẽ không lãng quên”.
Dân biểu Michael McCaul, nghị sĩ Cộng hòa hàng đầu ở Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, hoan nghênh dự luật. Ông cho rằng dự luật sẽ buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước tình trạng vi phạm nhân quyền của nó.
“Rốt cục Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ] định làm cái gì nhân danh bảo vệ an ninh quốc gia, ví dụ này đã phơi bày rất rõ. Đó chính là nạn diệt chủng văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số theo Hồi giáo khác ở khu vực phía tây Trung Quốc,” ông nói.
“Trong vài năm trở lại đây, những dân tộc thiểu số này đã bị đưa vào các trại tập trung, nơi họ hứng chịu áp lực tuyên truyền lượng lớn và bị buộc phải làm những công việc nặng nhọc”, ông nói thêm.
Việc thông qua dự luật diễn ra trong bối cảnh căng thẳng mạnh mẽ giữa Mỹ và Trung Quốc đối với việc xử lý dịch Covid-19 của Trung Quốc vào thời điểm ban đầu. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 27/5
cũng tuyên bố Hồng Kông không còn duy trì mức độ tự trị cao với Trung Quốc đại lục, và tình hình này dự kiến ​​sẽ dẫn đến những thay đổi đáng kể trong mối quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước.
Hôm 24/5, hàng ngàn người dân Hồng Kông đã xuống đường phản đối kế hoạch của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước cảnh báo dự luật là “hồi chuông báo tử” đối với quyền tự trị của vùng lãnh thổ này. Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 26/5, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang chuẩn bị hành động chống lại Trung Quốc trong tuần này vì dự luật an ninh Hồng Kông.
https://www.dkn.tv/the-gioi/nghi-vien-my-thong-qua-du-luat-nguoi-duy-ngo-nhi.html

Luật trừng phạt Trung Quốc được Hạ viện thông qua,

sẵn sàng chờ Tổng thống Trump ký phát

Minh Hòa
Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư (27/5) đã thông qua một đạo luật kêu gọi trừng phạt các quan chức Trung Quốc về tội giam giữ và tra tấn những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Đây là lần đầu tiên Hạ viện bỏ phiếu dựa trên mạng máy tính, trong khi các nghị sỹ ngồi ở nhà nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona.
Dù chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề, kể cả việc bỏ phiếu qua mạng, các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ trong Hạ viện đã đạt được một tỷ lệ ủng hộ áp đảo đối với dự luật S.3744, cụ thể có 413 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống.
Dự luật cũng đã được thông qua với đại đa số phiếu thuận ở Thượng viện hồi đầu tháng này. Giờ đây, đạo luật sẽ được đặt lên bàn của Tổng thống Donald Trump để chờ được ký ban hành.
Bloomberg đưa tin, Tổng thống Trump nói với các phóng viên về đạo luật này hôm thứ Ba (26/5): “Chúng tôi sẽ xem xét nó rất kỹ lưỡng”.
Nếu ông Trump ký phát đạo luật S.3744, giới quan sát nhận định mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng.
Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ sẽ trả đũa bất kỳ lệnh trừng phạt nào và bác bỏ những cáo buộc về tình trạng vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác.
Đạo luật trừng phạt Bắc Kinh được thông qua hôm thứ Tư sẽ cho tổng thống Trump 180 ngày để lập danh sách các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các vụ vi phạm. Những quan chức đó sau đó sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Tổng thống Trump có quyền miễn trừ cho một số cá nhân, nếu ông cho rằng việc miễn trừ đó là vì lợi ích quốc gia.
CNBC cho biết, chỉ vài giờ trước khi cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện diễn ra, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã lên án Bắc Kinh về tình trạng đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông, tuyên bố rằng Bộ Ngoại giao Mỹ không còn xem Hồng Kông là tự trị, đồng thời nhắc lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với những người biểu tình ở thành phố này.
https://www.dkn.tv/the-gioi/luat-trung-phat-trung-quoc-duoc-ha-vien-thong-qua-san-sang-cho-tong-thong-trump-ky-phat.html

Hàng ngàn nhân viên thuộc Cơ Quan Di Trú Hoa Kỳ

sẽ phải nghỉ phép không lương

nếu không nhận được trợ cấp khẩn cấp

Hàng ngàn nhân viên thuộc Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) sẽ phải nghỉ phép không lương vào cuối tháng 7 trừ khi cơ quan này nhận được hơn một tỷ mỹ kim tiền trợ cấp khẩn cấp từ Quốc hội.
Nếu Quốc hội không hành động, USCIS – một cơ quan chủ yếu dựa vào lệ phí ghi danh của người di dân để tài trợ cho các hoạt động hàng ngày – có khả năng sẽ phải cho nhân viên của họ nghỉ phép không lương từ ngày 20 tháng 7.
Trong một bức thư gửi nhân viên, phó giám đốc chính sách của USCIS ông Joseph Edlow cho biết ông đã nói chuyện với các nhà lập pháp về “sự sụt giảm đáng kể” trong doanh thu do đại dịch coronavirus.
Ông Edlow đồng thời hy vọng Quốc hội có thể nhanh chóng hành động để “bảo đảm các hoạt động của cơ quan không bị gián đoạn.”
Vào thứ ba (ngày 26 tháng 5), nghiệp đoàn quốc gia đại diện cho hàng ngàn nhân viên USCIS đã được cơ quan này thông báo rằng khoảng 10,800 nhân viên có thể phải nghỉ phép không lương trong hơn 30 ngày, nhưng không cung cấp chi tiết về những văn phòng nào sẽ bị ảnh hưởng trong cơ quan sẽ bị ảnh hưởng.
USCIS ước tính số người di dân nộp đơn sẽ tiếp tục giảm khoảng 61% cho đến tháng 9, và cơ quan có khả năng sẽ hết tiền vào cuối mùa hè. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hang-ngan-nhan-vien-thuoc-co-quan-di-tru-hoa-ky-se-phai-nghi-phep-khong-luong-neu-khong-nhan-duoc-tro-cap-khan-cap/

Covid-19: Hoa Kỳ vượt mốc 100.000 ca tử vong

Trọng Nghĩa
Trong bối cảnh châu Mỹ đang thay thế châu Âu trong vai trò tâm điểm của đại dịch Covid-19 trên thế giới, ngày 27/05/2020, Hoa Kỳ đã vượt mốc biểu tượng 100 ngàn người chết vì virus corona.
Theo số liệu của trường đại học Mỹ Johns Hopkins, số ca tử vong tính đến tối hôm qua đã lên đến 100.271 người, cao hơn rất nhiều so với các nước khác. Số ca nhiễm cũng rất cao: gần 1,7 triệu ca được xác nhận, trong đó khoảng 385.000 người đã được chữa khỏi.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng số ca nhiễm và tử vong tại Mỹ trong thực tế cao hơn nhiều số thống kê, và nhiều người tiếc rằng các biện pháp phong tỏa hay giãn cách xã hội đã được ban hành quá trễ.
Từ San Francisco, thông tín viên RFI Eric de Salve nhận định:
Khi các trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên xuất hiện ở Hoa Kỳ vào cuối tháng Giêng, tổng thống Mỹ Donald Trump đã bảo đảm rằng tình hình hoàn toàn được kiểm soát, và “mọi việc đều sẽ ổn”. Phó tổng thống Mike Pence cũng trấn an: “Nguy cơ (bị nhiễm Covid-19) rất thấp” đối với người Mỹ.
Trong thực tế, lúc đó dịch Covid-19 đã bắt đầu lây lan trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Đến cuối tháng Hai, nước này ghi nhận cái chết đầu tiên vì virus corona, và chỉ ba tháng sau, theo đại Học Johns Hopkins, mốc 100.000 ca tử vong vì dịch bệnh đã bị vượt qua.
Một mình nước Mỹ ngày nay đã chiếm gần 1/3 số ca tử vong vì đại dịch trên toàn thế giới. Đây là những số liệu gây ấn tượng mạnh, nhưng nếu so sánh với 330 triệu dân Mỹ, tỷ lệ tử vong theo dân số ở Hoa Kỳ vẫn thấp hơn ở châu Âu.
Trong thực tế, dịch Covid-19 đã tác hại nặng nề hơn đối với các thành phần nghèo và các cộng đồng thiểu số tại Mỹ. Chẳng hạn ở bang Michigan, trong cộng đồng người da đen chỉ chiếm 14% dân số, tỷ lệ tử vong lên đến 40%.
Thái độ chần chờ của Nhà Trắng vào lúc đại dịch bùng phát có lẽ là một trong những lý do khiến nước Mỹ hiện nay phải trả giá đắt. Theo một nghiên cứu của Đại Học Columbia, hơn 50% số ca tử vong lẽ ra có thể tránh được nếu các biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa sớm được áp đặt tại Hoa Kỳ.
Tình hình rất xấu tại Brazil và Peru
Diễn biến của dịch Covid-19 tại các nước châu Mỹ Latinh đang càng lúc càng xấu.
Tại tâm dịch của vùng châu Mỹ Latinh là Brazil, hai ngưỡng biểu tượng là 25.000 người chết và 400.000 ca nhiễm được xác nhận cũng đã bị vượt qua vào hôm qua.
Tại Peru, nhiều kỷ lục đáng buồn cũng bị phá vào hôm qua: Thêm 6.154 ca nhiễm mới trong vỏn vẹn một ngày, đẩy tổng số người bị nhiễm lên thành 135.905, tăng 36% trong vòng một tuần. Số ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 tiếng đồng hồ cũng đạt kỷ lục là 195, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh lên thành 3.983 người.
Chính quyền Peru vẫn cho rằng dịch Covid-19 đã bắt đầu đà thoái trào tại nước này, dù vẫn ở mức cao, phản bác đánh giá của Tổ Chức Y Tế Liên Mỹ (PAHO), theo đó dịch bệnh đang tăng tốc ở Peru.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200528-covid-19-hoa-k%E1%BB%B3-v%C6%B0%E1%BB%A3t-m%C3%B4%CC%81c-100-000-ca-t%C6%B0%CC%89-vong

Boeing cắt giảm 12,000 việc làm

và sẽ tiếp tục cắt giảm trong tương lai

Tin từ Washington – Công ty Boeing cho biết hôm thứ Tư họ đã cắt giãm 12,000 việc làm ở Hoa Kỳ, bao gồm cả việc sa thải không tự nguyện 6,770 công nhân. Boeing cho biết công ty cần phải tái cấu trúc khi đối diện với đại dịch coronavirus.
Hôm thứ Ba (26/05/2020) một phát ngôn viên của Hiệp hội Kỹ sư Hàng không không gian (SPEEA) đại diện cho 17,600 nhân viên Boeing nói với Reuters rằng công ty đã thông báo cho nghiệp đoàn rằng Boeing sẽ cắt giảm nhân sự vào thứ Sáu (29/05/2020).
Hồi tháng 04/2020, giám đốc điều hành Boeing, Dave Calhoun cho hay công ty đã bắt đầu cắt giảm số lượng nhân viên xuống khoảng 10% thông qua sự kết hợp giữa tự nguyện xin nghỉ việc, thay đổi nhân sự và sa thải nếu cần thiết.
Theo SPEEA, khoảng 1,300 thành viên của họ đã tự nguyện nộp đơn xin nghỉ việc. Boeing đang gặp khó khăn khi lĩnh vực hàng không trên toàn cầu bị tác động mạnh bởi dịch coronavirus khiến nhu cầu đi lại giảm mạnh. Hồi tháng 04/2020, lần thứ hai trong năm nay Boeing không nhận được đơn đặt hàng nào và khách hàng đã hủy 108 đơn đặt hàng khác cho phi cơ 737 MAX bị cấm bay của hãng.
Dịch bệnh bùng phát khiến khủng hoảng của công ty thêm trầm trọng sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng dẫn đến việc phi cơ 737 MAX bị cấm bay hồi tháng 03/2019. Hôm 08/05/2020, giám đốc điều hành Boeing đã nói rằng công ty dự kiến sẽ sản xuất phi cơ 737 MAX trở lại trong tháng này. (BBT)
https://www.sbtn.tv/boeing-cat-giam-12000-viec-lam-va-se-tiep-tuc-cat-giam-trong-tuong-lai/

Các chuyên gia tuyên bố

 rủi ro lây nhiễm COVID-19 tại hồ bơi rất là thấp

Tin từ Los Angeles, California – Trước tình hình thời tiết ngày càng nóng trên khắp Los Angeles, người dân đang phải tìm mọi cách để hạ nhiệt. Mặc dù các hồ bơi công cộng trên toàn quận vẫn đóng cửa theo lệnh của tiểu bang, các chuyên gia nói rằng rủi ro lây nhiễm COVID-19 trong các hồ bơi ngoài trời là rất thấp.
Giám đốc y tế công cộng Quận L.A. khẳng định “đã có nhiều bằng chứng từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh cho thấy việc đi bơi rất an toàn.”Bên cạnh đó, tiến sĩ Michael Hochman, giám đốc Gher Family Center của đại học University of Southern California, cho biết “Chất clorine trong hồ bơi sẽ vô hiệu hóa coronavirus, trong khi nước mặn và đại dương không phải là môi trường tốt để virus này phát triển.”
Ông Hochman cho biết thêm rằng “các bậc phụ huynh cũng không nên lo lắng về khoảng cách xã hội, vì coronavirus cần 5 đến 10 hoặc 15 phút hoặc lâu hơn và trong phạm vi 6 feet để thật sư lây lan.”
Một số nhà cai quản hồ bơi công cộng trên toàn quận L.A cho biết họ đang chờ chỉ thị từ sở y tế trước khi mở. Ông Hochman cũng khuyến nghị những người đi bơi hãy đeo khẩu trang khi ra khỏi hồ bơi. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cac-chuyen-gia-tuyen-bo-rui-ro-lay-nhiem-covid-19-tai-ho-boi-rat-la-thap/

Hầu hết các quận ở California – trừ Los Angeles –

có thể mở cửa tiệm cắt tóc với một số hạn chế

Vào hôm thứ ba (26 tháng 5), Thống đốc California Gavin Newsom tuyên bố nhiều quận tại tiểu bang, ngoại trừ Los Angeles, đã được phép mở cửa trở lại tiệm cắt tóc nam và nữ với một số hạn chế lớn. Tuyên bố này áp dụng cho 47 trên 58 quận tại California cung cấp chứng thực rằng họ đáp ứng các yêu cầu để mở cửa trở lại nhanh hơn – và đã được tiểu bang bật đèn xanh.
Tuy quận Los Angeles, hiện vẫn là một ổ dịch coronavirus lớn tại California, không nằm trong danh sách nói trên nhưng các viên chức công bố rằng họ đã đạt được một số yêu cầu quan trọng và sẽ nộp đơn xin mở cửa trở lại nền kinh tế tại một số khu vực trong quận.
Giám sát viên quận L.A, bà Kathryn Barger, cho biết quận sẽ chờ sự cho phép của tiểu bang trước khi mở lại các dịch vụ chăm sóc cá nhân. Tiểu bang đã ban hành các hướng dẫn cho tiệm cắt tóc để bảo
vệ khỏi sự lây lan của coronavirus tại 47 quận nói trên, bao gồm hướng dẫn khử trùng các bề mặt và khoảng cách xã hội bên trong tiệm.
Bên cạnh đó, các thẩm mỹ viện được mở cửa trở lại chỉ có thể cung cấp các dịch vụ cho phép cả nhân viên và khách hàng đeo khẩu trang trong suốt thời gian thực hiện dịch vụ. Điều này có nghĩa là cắt tóc, nối tóc và bảo dưỡng tóc giả, điều trị thư giãn tóc và nhuộm tóc có thể được cung cấp. Nhưng các dịch vụ như tẩy lông mày, dịch vụ chăm sóc da mặt và lông mi vẫn không được phép vì để thực hiện chúng, nhân viên phải chạm vào mặt khách hàng.
Cũng theo hướng dẫn, các công ty này sẽ phải cung cấp thiết bị bảo vệ cho nhân viên của họ và huấn luyện họ về các kế hoạch phòng ngừa COVID-19, bảo đảm họ vẫn tuân thủ và tuân thủ các hướng dẫn của tiểu bang. Các viên chức cho biết những công ty không tuân theo hướng dẫn sẽ phải đóng cửa tạm thời. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hau-het-cac-quan-o-california-tru-los-angeles-co-the-mo-cua-tiem-cat-toc-voi-mot-so-han-che/

Dịch Covid-19 sẽ thay đổi các nhà thờ Mỹ ra sao?

Các nhà thờ trên nước Mỹ sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch gắt gao khi được mở cửa trở lại thì các tín đồ mới yên tâm mà trở lại sinh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục lây lan ở Mỹ, theo tìm hiểu của VOA.
Theo kế hoạch từng bước mở cửa lại nước Mỹ, một số tiểu bang đã cho phép các nhà thờ mở cửa đón tín đồ trở lại sau hơn hai tháng thực hiện cách ly xã hội.
Tổng thống Donald Trump đã tích cực kêu gọi các tiểu bang cho phép mở cửa lại các nhà thờ. Hôm 22/5, ông đã tuyên bố rằng ông sẽ đưa nhà thờ vào dạng ‘hoạt động thiết yếu’ để có thể được mở cửa lại ngay lập tức. Tuy nhiên, lời kêu gọi này của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích của những người cho rằng điều kiện lúc này chưa an toàn để mở cửa trở lại nơi thờ phượng.
Mới đây nhất, hôm 13/5, một vị linh mục ở nhà thờ Holy Ghost ở Houston, Texas, đã qua đời vì virus corona và năm linh mục khác sau đó cũng được xét nghiệm dương tính với virus này, khiến nhà thờ bị đóng cửa vô thời hạn. Hai trong số năm linh mục này đã tham gia vào các thánh lễ cho các tín đồ kể từ ngày 2/5 vì nhà thờ thuộc dạng ‘hoạt động thiết yếu’ được mở cửa ở Texas trong thời gian đóng cửa.
‘Rất nhớ nhà thờ’
Từ giáo xứ Đức Mẹ La Vang, giáo xứ duy nhất của người Việt ở thành phố San Jose thuộc miền Bắc bang California, anh Nguyễn Thanh Ngọc, nói rằng anh ‘rất nhớ nhà thờ’ và ‘rất muốn đi sinh hoạt trở lại’ sau hơn hai tháng thực thi lệnh ở nhà để chống dịch của thống đốc tiểu bang.
Anh nói mặc dù thời gian qua anh vẫn đều đặn tham gia các thánh lễ qua truyền hình nhưng điều này không thể thay thế được việc được trực tiếp đi đến nhà thờ.
“Thánh lễ trực tuyến cũng có nghe những lời cha giảng, cũng thực hiện thông công trong thánh lễ, nhưng thánh lễ gặp mặt trực tiếp lại có không khí khác – trang nghiêm hơn nhiều,” anh cho biết.
Anh giải thích là giáo dân đi lễ không chỉ nghe giảng mà còn ‘vận dụng các giác quan khác như bằng mắt, bằng mũi’. Ngoài ra, một số hoạt động như ‘trao mình thánh Chúa’ thì không thể diễn ra ở nhà được mà phải ở nhà thờ, anh cho biết.
“Ở nhà dự lễ chỉ có gia đình vài người,” anh nói. “Mặc dù mình đọc kinh nhưng cha cũng không nghe mình. Mình không cảm thấy có sự đối đáp, sự liên đới.”
“Bây giờ mình không có sự lựa chọn thì phải làm như vậy thôi nhưng so ra thì không có bằng. Mình vẫn có cảm giác thiếu thốn cái gì đó,” anh nói thêm.
Theo lời anh Ngọc thì giai đoạn phải ở nhà không được đi lễ này làm cho anh ‘cảm thấy nhớ lại những lúc mình có được cơ hội đi lễ nhưng lúc đó mình không biết quý trọng’.
“Nhất là Lễ Vọng Phục Sinh vốn bình thường được tổ chức rất trang trọng trong nhà thờ với nhiều nghi thức này nọ nhưng bây giờ làm ở nhà tôi thấy rất tẻ nhạt, không có được bầu không khí như trước,” anh dẫn chứng.
Anh cho biết anh có nghe linh mục chánh xứ chỗ anh nói là ‘có thể bắt đầu từ đầu tháng Sáu nhà thờ sẽ mở trở lại thánh lễ trong phạm vi hạn hẹp’. Anh cho rằng phạm vi hạn hẹp này có thể là ‘giới hạn số lượng giáo dân tham dự’.
Khi được hỏi có yên tâm đi sinh hoạt trở lại nhà thờ vào lúc này hay chưa, người giáo dân này nói rằng tùy vào các biện pháp phòng ngừa mà nhà thờ áp dụng. Nếu anh thấy nhà thờ chỗ anh chưa đủ an toàn thì anh sẽ tìm đến nhà thờ khác.
‘Giữ khoảng cách xa hơn’
Theo đó, anh đề xuất các nhà thờ đều phải trang bị nước sát trùng ở trước cửa và tất cả các tín đồ đều được yêu cầu phải rửa tay trước khi bước vào và sau khi xong thánh lễ; các băng ghế ngồi đều được lau chùi kỹ lưỡng trước và sau khi xong thánh lễ và quan trọng nhất là ‘tất cả mọi người đều bắt buộc phải mang theo khẩu trang’.
Về vấn đề giữ khoảng cách, anh cho rằng nhà thờ nên tăng khoảng cách lên hơn 6 feet như quy định thông thường vì điều kiện đặc thù của nhà thờ.
“Nhà thờ cần cách ly xa hơn một chút nữa. Tại vì khi nói chuyện bình thường với nhau thì 6 feet là đủ. Còn khi nói chuyện hay xướng kinh gì đó thì sẽ phát ra tiếng lớn hơn, không khí sẽ lan tỏa ra nhiều hơn 6 feet,” anh giải thích.
Do đó, anh cho rằng các nhà thờ nên chia nhỏ số lượng tín đồ ra. “Thay vì một thánh lễ thì giờ đây chia nhỏ ra làm 2,3 thánh lễ để hạn chế số người tham dự” và ca đoàn ‘thay vì hát 30-40 người như lúc trước thì chỉ cần một hay vài người xướng thánh ca thôi.”
Về việc trao bánh thánh hay rước mình thánh Chúa, anh đề xuất ‘các cha nên nghiên cứu phương cách nào đó để các giáo dân có thể rước mình thánh Chúa mà không phải tiếp xúc nhiều quá’.
Anh cho rằng vào lúc này các nhà thờ có thể ‘mở cửa trở lại được’ nếu như triển khai các biện pháp an toàn và tất cả các giáo dân đi nhà thờ ‘đều phải có ý thức giữ gìn’.
“Bản thân mình biết mình bị bệnh thì nên ở nhà và nếu biết ai bị bệnh thì khuyên người đó nên ở nhà,” anh nói.
“Còn nếu lỏng lẻo, cứ muốn mở cửa nhà thờ trở lại mà không có kế hoạch hoặc có biện pháp phòng vệ đầy đủ khiến dịch bệnh bùng phát trở lại thì không nên mở lại.”
Anh cho biết trong hơn 2 tháng qua, trong những buổi thánh lễ trực tuyến, các linh mục có kêu gọi các giáo dân cầu nguyện trong mùa dịch, chia sẻ những ưu tư và cổ vũ tinh thần mọi người khi ở nhà vì ‘mọi người đều thiếu thốn sự liên đới với xã hội, với Chúa, với đạo của mình’.
“Hơn lúc nào hết đây là thời gian mình cần phải tiếp tục cầu nguyện cho gia đình, bản thân và cho thế giới trong lúc gặp dịch bệnh như thế này,” anh nói.
‘Dịch bệnh còn kéo dài’
Từ thủ đô Washington D.C., linh mục Bình Nguyễn nói với VOA ra rằng các tín đồ Công giáo ‘rất cần đi nhà thờ trở lại’.
“Giáo dân ở nhà lâu quá nên cũng muốn đến nhà thờ gặp gỡ nhiều người,” ông nói.
“Theo cá nhân tôi, tình hình dịch bệnh này còn kéo dài lâu lắm chứ không kết thúc nhanh đâu. Cho nên nếu chờ đến lúc hoàn toàn hết dịch mà mở cửa lại thì sẽ chờ rất lâu và sẽ có ảnh hưởng không tốt cho giáo dân,” ông giải thích.
“Dĩ nhiên khi đến nhà thờ thì phải theo luật lệ của Nhà nước. Mọi việc sẽ khác với lúc trước để đảm bảo an toàn cho mọi người,” ông nói thêm và cho rằng các linh mục ‘cần phải sắp xếp để tránh sự lan tràn hết sức có thể của dịch bệnh.’
“Dù sao thì sự tham gia trực tuyến khác hoàn toàn. Nó không thể giống như sự hiện diện trong nhà thờ có bầu không khí ấm cúng, có sự hiện diện của cộng đồng. Đó là sự cần thiết trong đời sống con người nhất là đối với đạo Công giáo,” vị linh mục này phân tích về sự hạn chế của các buổi thánh lễ trực tuyến.
Theo lời ông thì sau thời dịch bệnh ‘dĩ nhiên các nhà thờ sẽ không còn ồn ào, náo nhiệt, không hoạt động được như ngày xưa’.
Theo hướng dẫn của chính quyền bang California về việc mở cửa trở lại nơi thờ tự thì các địa điểm tôn giáo ‘không được có người vượt quá 25% sức chứa trong ba tuần đầu tiên mở trở lại’. Các tín đồ được yêu cầu ‘không được ca hát, không tổ chức các bữa ăn chung, không bắt tay hay ôm nhau, không dùng chung kinh sách, thảm hay nệm, không được chuyền tay đồ thờ tự. ’ Còn những nghi thức như phát bánh thánh cũng được yêu cầu ‘phải điều chỉnh’ theo hướng tránh đưa trực tiếp bánh thánh vào miệng tín đồ.
https://www.voatiengviet.com/a/d%E1%BB%8Bch-covid-19-s%E1%BA%BD-thay-%C4%91%E1%BB%95i-c%C3%A1c-nh%C3%A0-th%E1%BB%9D-m%E1%BB%B9-ra-sao-/5438467.html

Tổng thống Trump sắp ký sắc lệnh hành pháp

nhắm vào các trang mạng xã hội

Minh Hòa
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ ký một sắc lệnh hành pháp nhắm vào các công ty truyền thông xã hội vào thứ Năm (28/5), Reuters cho biết thông tin từ các quan chức thuộc chính phủ của ông.
Theo Reuters, các quan chức Nhà Trắng tiết lộ thông tin này với các phóng viên đi cùng Tổng thống Trump từ Florida đến Washington trên chiếc không lực Air Force One vào thứ Tư (27/5), nhưng không công bố thêm thông tin chi tiết.
Cũng hôm thứ Tư, Tổng thống Trump cảnh báo các trang mạng xã hội phải “làm sạch hành vi của mình, ngay bây giờ”, đồng thời cho biết ông sẽ “chỉnh đốn mạnh mẽ hoặc đóng cửa” các trang mạng xã hội kiểm duyệt và bịt miệng những tiếng nói conservative.
Từ conservative thường được dịch là “bảo thủ”, nhưng có thể bị hiểu sai nghĩa trong tiếng Việt. Thực chất, từ conservative mà ông Trump nói đến là những người bảo lưu các giá trị truyền thống như tín ngưỡng, phản đối phá thai, không ủng hộ hôn nhân đồng tính, v.v.
Là một người conservative, Tổng thống Trump đang xem xét thành lập một ủy ban để điều tra những cáo buộc về tình trạng thiên vị và kiểm duyệt của các tập đoàn khổng lồ về công nghệ như Facebook, Google.
“Thế lực Cánh tả Cực đoan đang nắm toàn quyền chỉ huy và kiểm soát các mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter và Google”, ông Trump chia sẻ trên Twitter hôm 16/5, đồng thời nói thêm rằng chính quyền của ông “đang nỗ lực để khắc phục tình trạng bất hợp pháp này”.
Trước thông tin Tổng thống Trump sắp ký sắc lệnh nêu trên, Reuters cho biết Twitter đã từ chối đưa ra bình luận, trong khi Facebook và Google chưa có phản hồi về vấn đề này.
Những người conservatives khác từ lâu đã phàn nàn về tình trạng các hãng truyền thông xã hội hạn tìm cách định hướng quan điểm của người dùng thông qua kết quả xếp hạng tìm kiếm (VD: Google), tại news feeds (VD: Facebook), kiểm soát nội dung, bên cạnh các loại hành vi khác. Một số trang tin có quan điểm conservative, vốn ủng hộ Tổng thống Trump, cho biết họ bị đánh tụt xếp hạng, bị hạn chế tiếp cận hoặc thậm chí bị cấm chia sẻ trên các nền tảng này.
Trước khi ông Trump đưa ra cảnh báo nhắm vào các trang mạng xã hội, Twitter đã thông qua một tính năng thẩm định thông tin, trong đó đánh giá ông Trump đã đưa ra nhận định sai rằng các lá phiếu qua email có nguy cơ cao bị gian lận hoặc giả mạo. Ông Trump gọi hành vi của Twitter là “can thiệp bầu cử” và nhấn mạnh việc bỏ phiếu qua email sẽ hủy hoại nước Mỹ.
Trong một động thái khác có liên quan, hàng chục ngàn cư dân mạng đã ký tên vào một bản kiến nghị trực tuyến gửi Nhà Trắng, đề nghị chính quyền Trump điều tra Twitter về tình trạng vi phạm tự do ngôn luận và mối quan hệ của một lãnh đạo Twitter với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tong-thong-trump-sap-ky-sac-lenh-hanh-phap-nham-vao-cac-trang-mang-xa-hoi.html

Bạo loạn chết chóc nổ ra

sau vụ cảnh sát Minneapolis làm chết người da đen

Thị trưởng thành phố Minneapolis, Mỹ, đã phải yêu cầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Minnesota trợ giúp, sau khi các cuộc biểu tình leo thang với một vụ nổ súng gây chết người, đồng thời, đã xảy ra cướp bóc và bắn hơi cay trong thành phố vào tối 27/5.
Châm ngòi cho tình trạng kể trên là vụ George Floyd, một người da đen, bị cảnh sát đè cổ đến chết trong lúc họ bắt giữ ông ấy.
“Tôi không thể mạo hiểm về sự an toàn của những người vô tội. Đó là điều tôi đã tuyên thệ và có trách nhiệm phải làm”, Thị trưởng Jacob Frey nói với kênh KARE, chi nhánh của NBC. “Chúng ta có thể có cả hai. Chúng ta có thể có các cuộc biểu tình ôn hòa, và tôi cũng phải đảm bảo an toàn cho mọi người trong thành phố”.
Đêm biểu tình thứ hai tại khu vực gần nơi xảy ra cái chết của Floyd bắt đầu một cách ôn hòa, nhưng sau đó càng ngày càng trở nên dữ dội khi màn đêm buông xuống.
Thống đốc Tim Walz vào cuối ngày 27/5 gọi đây là “tình huống cực kỳ nguy hiểm” và kêu gọi cư dân rời khỏi khu vực.
Trong khi đó, Thị trưởng Frey khẩn khoản cầu xin cư dân hãy bình tĩnh. Ông nói với kênh KARE11 trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Tôi đang cầu khẩn thành phố chúng ta, cầu khẩn cộng đồng chúng ta, cầu xin mọi người hãy gìn giữ hòa bình. Hãy tôn vinh việc tưởng niệm George Floyd”.
Biểu tình nổ ra sau khi mạng xã hội lan truyền video cho thấy một cảnh sát da trắng đang quỳ, đè gối lên cổ George Floyd trong lúc ông này bị còng tay và ông nói rằng “Tôi không thở được”. Ông Floyd sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.
Các cảnh quay trong đêm 27/5 cho thấy người biểu tình đã cướp phá các cửa hàng Target, AutoZone, Dollar Tree… xịt sơn, đốt phụ tùng xe, gây ra các đám cháy trên đường phố khiến lực lượng cứu hoả phải nhanh chóng đến dập lửa. Cửa sổ nhiều toà nhà bị đập vỡ cùng nhiều thiệt hại tài sản khác.
Một người đã bị giam giữ trong vụ bắn chết người ở gần địa điểm biểu tình, NBC News dẫn thông báo của cảnh sát cho biết.
Theo đó, cảnh sát đã nhận được tin báo cho biết có một vụ đâm người xảy ra vào lúc 9:05 tối, và đã phát hiện một người đàn ông tắt thở nằm trên vỉa hè.
Nạn nhân chưa được xác định danh tính đã được đưa đến Trung tâm y tế quận Hennepin. Tại bệnh viện, người ta phát hiện nạn nhân đã bị bắn.
Ngoài vụ nổ súng, không có báo cáo thương vong nào đối với người biểu tình hay cảnh sát, cũng không có vụ bắt giữ nào xảy ra, phát ngôn viên cảnh sát thành phố John Elder cho biết trong một cuộc họp báo vào sáng 28/5.
Những người biểu tình cũng tập trung tại ngôi nhà ở ngoại ô của viên cảnh sát đã quỳ lên cổ ông Floyd và nhà của công tố viên quận Hennepin, Mike Freeman, người sẽ đưa ra quyết định buộc tội trong vụ này.
Tại California, hàng trăm người biểu tình cũng đã tập trung tại trung tâm thành phố Los Angeles vào ngày 27/5, gây tắc nghẽn giao thông trên đường cao tốc 101.
https://www.voatiengviet.com/a/b%E1%BA%A1o-lo%E1%BA%A1n-ch%E1%BA%BFt-ch%C3%B3c-n%E1%BB%95-ra-sau-v%E1%BB%A5-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-minneapolis-l%C3%A0m-ch%E1%BA%BFt-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-da-%C4%91en/5439366.html

Tòa án Canada phán quyết

Hoa Kỳ đáp ứng đủ điều kiện pháp lý

để yêu cầu dẫn độ Giám đốc tài chính Huawei

Tin Vancouver, Canada – Vào thứ Tư, 27 tháng 5, một tòa án Canada đã phán quyết rằng Hoa Kỳ đã đáp ứng yêu cầu pháp lý chủ chốt trong việc yêu cầu dẫn độ nữ giám đốc tài chính Huawei, người đang là trung tâm trong cuộc chiến giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến hãng công nghệ khổng lồ của Trung Cộng. Đây là quyết định quan trọng đầu tiên của tòa án liên quan đến giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu.
Bà Mạnh, 48 tuổi, là con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, hiện đang được tạm phóng thích tại Vancouver nhờ đóng tiền tại ngoại, sau khi bà bị bắt hồi tháng 12, 2018. Cuộc chiến để dẫn độ bà Mạnh tới Hoa Kỳ có thể kéo dài nhiều năm, do luật sư của bà đã nộp vô số đơn kháng án, và tòa án British Columbia đã đồng ý xem xét. Vụ án có thể còn kéo dài hơn nữa nếu phía bà Mạnh kháng cáo đối với phán quyết hôm thứ Tư.
Hoa Kỳ trước đó yêu cầu bắt giữ và dẫn độ bà Mạnh, với lý do bà đã thao túng các trương mục ngân hàng để che giấu mối liên hệ giữa Huawei và một công ty con có làm ăn với Iran. Huawei và bà Mạnh bác bỏ mọi cáo buộc. Luật sư của bà Mạnh hồi tháng 1 đã phản đối yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ, với lý do rằng các cáo buộc của Washington không phải là tội hình sự tại Canada.
Tuy nhiên, trong phán quyết hôm thứ Tư, Thẩm Phán Heather Holmes của Tòa thượng thẩm British Columbia nói các cáo trạng gian lận mà bà Mạnh đối mặt tại Hoa Kỳ cũng được áp dụng đối với bà tại Canada. (BBT)
https://www.sbtn.tv/toa-an-canada-phan-quyet-hoa-ky-dap-ung-du-dieu-kien-phap-ly-de-yeu-cau-dan-do-giam-doc-tai-chinh-huawei/

Covid-19: Vì sao Brazil

trở thành ổ dịch lớn nhất châu Mỹ Latinh?

Mai Vân
Với hơn 400.000 ca nhiễm virus và hơn 25.000 ca tử vong, tính đến ngày 27/05/2020, Brazil, quốc gia lớn nhất vùng châu Mỹ Latinh đã củng cố thêm vị trí không mong muốn là ổ dịch lớn nhất khu vực và đứng thứ hai thế giới về số người nhiễm virus corona.
Tình hình càng lúc càng nghiêm trọng trong lúc tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người đã từng cho rằng Covid-19 chỉ là một bệnh “cảm cúm xoàng”, vẫn tiếp tục hô hào những người ủng hộ ông – chủ yếu là thành phần cực hữu – chống lại các biện pháp phong tỏa phòng dịch do các chính quyền địa phương ban hành.
Trước cách xử lý này, ngày càng có nhiều tiếng phản đối vang lên, kèm theo là những vụ từ chức liên tiếp trong chính phủ, khiến cho khủng hoảng y tế cũng như chính trị tại Brazil trở nên rất đáng lo ngại.
Đứng đầu châu Mỹ Latinh, ổ dịch mới của thế giới
Ngay từ ngày 22/05, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã tuyên bố khu vực Mỹ Latinh là tâm dịch Covid-19 mới của thế giới, với Brazil là nước bị nặng nhất.
Theo số liệu tính đến hết ngày 27/05 của trường đại học Mỹ Johns Hopkins, tại quốc gia lớn nhất vùng châu Mỹ Latinh với hơn 210 triệu dân này, virus corona đã khiến 25.598 người chết, chiếm hơn một nửa số ca tử vong ở toàn khu vực châu Mỹ Latinh và vùng Caribê.
Tính chất nghiêm trọng của tình hình được thấy qua con số người chết cực kỳ cao mỗi ngày trong hơn một tuần lễ nay. Từ ngày 19/05, khi bộ Y Tế Brazil lần đầu tiên ghi nhận hơn 1000 ca tử vong mỗi ngày vì Covid-19, ngưỡng tử vong mang tính biểu tượng này đã 5 lần bị vượt qua, mà gần đây nhất là ngày 27/05, với 1.086 người chết. Đỉnh cao là ngày 21/05 với 1.188 ca tử vong.
Số ca nhiễm được xác nhận cũng tăng vọt lên thành 411.821 người. Tuy nhiên, theo giới quan sát, số liệu đó vẫn thấp hơn nhiều so với thực tế. Do không có xét nghiệm ở Brazil, số ca nhiễm thực thụ có thể cao hơn gấp 15 lần các con số được thông báo, theo một nhóm nghiên cứu theo dõi hàng ngày dịch bệnh ở Brazil, được đài phát thanh Pháp FranceInfo hôm 20/05 trích dẫn.
Domingos Alves, một nhà nghiên cứu trong nhóm nói trên, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Sao Paulo, cho rằng “với thống kê chính thức xa thực tế như vậy, người ta hiện chỉ thấy có phần nổi của tảng băng chìm”.
Tình hình sắp tới còn đáng ngại hơn nữa. Theo trang tin Brazil G1, Viện Đo Lường và Đánh Giá Y Tế (IHME) thuộc trường đại học Mỹ Washington, đã dự báo rằng số ca tử vong vì Covid-19 tại Brazil có thể vượt quá 125.000 vào đầu tháng 8. Bị nặng nhất sẽ là bang São Paulo, với hơn 32.000 người chết, tiếp theo là Rio, với khoảng 26.000 người thiệt mạng.
Hai bang này đã ra lệnh phong tỏa kể từ cuối tháng 3, bất chấp sự phản đối quyết liệt của tổng thống Jair Bolsonaro. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa cho thấy hiệu quả, vì không kèm theo những biện pháp cưỡng chế.
Đối với giới phân tích, một trong những nguyên nhân đẩy Brazil vào thảm cảnh hiện nay là quan điểm của tổng thống Jair Bolsonaro, luôn coi thường tình hình dịch bệnh, chỉ nghĩ đến vấn đề kinh tế, bất chấp mạng sống của người dân.
Vào lúc dịch bệnh hoành hành, ông vẫn tiếp tục chỉ trích gay gắt các biện pháp phong tỏa mà chính quyền nhiều bang ở Brazil đã ban hành để chống dịch. Trên mạng Twitter, ông đã cho rằng: “Thất nghiệp, đói nghèo sẽ là tương lai của những kẻ ủng hộ sự cô lập hoàn toàn”.
Không những thế, ông còn kích động những người ủng hộ ông không tuân thủ lệnh phong tỏa ở các địa phương, biểu tình chống lại các hạn chế, và không ngần ngại “làm gương”, tham gia nhiều cuộc tụ tập này, phớt lờ mọi biện pháp phòng chống như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn.
Hệ quả của cách  xử lý này là các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đã giảm đi, trong lúc Brazil là một quốc gia to lớn như một lục địa, với những thành phần dân chúng không có sức đề kháng cao như cư dân ở các khu phố nghèo – favelas- hay thổ dân. Nhiều vụ biểu tình chống phong tỏa đã diễn ra tại nhiều thành phố và được chính tổng thống khuyến khích.
Đối với tạp chí y khoa Anh Quốc The Lancet, trong thời điểm hiện nay, Jair Bolsonaro là “mối đe dọa lớn nhất đối với công cuộc ngăn chặn dịch bệnh ở Brazil”. Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng y tế, tổng thống Brazil đã luôn luôn giảm thiểu tối đa mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19.
Không dừng lại ở chỗ gọi đại dịch là một “cơn mơ” hão huyền, một chứng “cuồng loạn” tập thể hoặc là một bệnh “cúm xoàng”, trong hành động, ông Bolsonaro còn liên tục ra lệnh mở rộng danh sách các hoạt động mà ông cho là “thiết yếu”, thường xuyên hòa mình vào đám đông, ủng hộ việc sử dụng thuốc chloroquine và cách chức hai bộ trưởng y tế liên tiếp đã dám chỉ trích các biện pháp “chống dịch” của ông.
Đứng mũi chịu sào, hai bộ trưởng Y tế từ chức
Thái độ của tổng thống đã gây bực tức trong chính phủ, đến nỗi mà hai bộ trưởng Y Tế đã phải ra đi vào thời điểm dịch Covid-19 hoành hành
Nelson Teich, người từng ủng hộ ông Bolsonaro, đã từ chức ngày 15/05, sau 28 ngày được bổ nhiệm. Là một bác sĩ được kính trọng, ông Nelson Teich đã không theo chủ trương của tổng thống về sử dụng chất hydroxychloroquine. Thuốc này hiện được sử dụng ở Brazil cho những trường hợp bệnh nặng nhất, và tổng thống muốn mở rộng diện sử dụng. Bộ trưởng Y Tế từ nhiệm đã không tán đồng vì chưa có nghiên cứu đáng tin cậy về hiệu quả của thuốc này.
Ông Nelson Teich là bộ trưởng Y Tế thứ hai ra đi từ sau khi dịch Covid-19 khởi đầu ở Brazil. Trước ông, bộ trưởng Luiz Henrique Mandetta, rất có uy tín, đã bị cách chức ngày 16/04, sau khi tỏ thái độ bất đồng ý kiến với tổng thống về biện pháp phong tỏa.
Tình trạng quá tải của hệ thống y tế.
Nhiều thống đốc bang và thị trưởng đã báo động là hệ thống y tế công cộng đã sắp bị bão hòa trong lúc dịch bệnh vẫn hoành hành dữ dội. Đây là trường hợp các bang ở miền Đông Nam, Bắc và Đông Bắc của Brazil.
Vào trung tuần tháng Tư, bệnh viện ở Sao Paulo và Rio de Janeiro ở vùng Đông Nam sắp đạt mức nghẹt cứng các bệnh nhân bị nhiễm virus corona. Tình hình còn đáng ngại hơn ở bang Amazonas phía bắc, có 4 triệu dân, hiện đứng hàng thứ 5 về ca tử vong, theo AFP.
Thị trưởng thủ phủ Manaus, cho biết “tình hình gần như là hỗn loạn, hệ thống bệnh viện bị suy sụp. Chúng tôi đã yêu cầu thêm bác sĩ, máy trợ thở, thuốc men, nhưng chưa thấy trả lời”
Một phần công luận bực tức trước cách xử lý của tổng thống. Tại nhiều thành phố dân chúng biểu tình khua xoong chảo với khẩu hiệu “Bolsonaro cút đi”. Thành phần dân chúng bất mãn ngày càng tăng, với tỷ lệ hiện đã lên tới 55,4% so với 47% vào tháng Giêng, theo một cuộc thăm dò gần đây.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200528-covid-19-vi%CC%80-sao-brazil-tr%C6%A1%CC%89-th%C3%A0nh-%C3%B4%CC%89-di%CC%A3ch-l%C6%A1%CC%81n-nh%C3%A2%CC%81t-ch%C3%A2u-my%CC%83-latinh

WHO lập tổ chức vận động tài trợ

cho cuộc chiến chống COVID

Tổ chức Y tế Thế giới ngày 27/5 loan báo thành lập một tố chức để vận động các nguồn tài trợ có thể giúp giảm bớt thiếu hụt tiền mặt trong lúc WHO dẫn đạo cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch virus corona.
Loan báo việc thành lập WHO Foundation, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói việc này không liên hệ tới “các vấn đề tài trợ gần đây” mà đã được xúc tiến trong nhiều năm qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa ngưng tài trợ của Mỹ, nước đóng góp cho WHO lớn nhất, sau khi ông chỉ trích cách thức WHO đối phó với đại dịch COVID và cáo buộc tổ chức này quá nghiêng về phía Trung Quốc. Trong một bức thư gởi ông Tedros vào tuần trước, ông Trump kêu gọi cơ quan Liên hiệp quốc này khởi động cải cách trong vòng 30 ngày.
Ông Tedros nói WHO đã cảnh báo “nhiều lần” về đại dịch trong những năm gần đây. Các nước đã nhận biết những cách biệt trong việc chuẩn bị chống đại dịch, nhưng tài chính chưa được vật chất hóa, ông Tedros nói.
Trong tháng này, ông Tedros tuyên bố ngân sách hàng năm của WHO vào khoảng 2,3 tỉ đô la là “rất nhỏ” đối với một cơ quan toàn cầu, chỉ bằng ngân sách một bệnh viện trung bình tại các nước phát triển.
Ông cũng nói các nguồn tài trợ hết sức không chắc chắn.
WHO Foundation được thành lập như là một thực thể độc lập tìm tài trợ để hỗ trợ cho những nỗ lực toàn cầu của WHO giải quyết những vấn đề y tế khó khăn nhất bằng cách gây quỹ mới từ “những nguồn không truyền thống.”
Cũng tại buổi họp báo ngày 27/5, người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, Mike Ryan, nhắc lại WHO khuyến cáo chống lại việc dùng thuốc hydroxychloroquine để chữa COVID—đây là thuốc mà Tổng thống Trump nói đã sử dụng.
https://www.voatiengviet.com/a/who-l%E1%BA%ADp-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-v%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%99ng-t%C3%A0i-tr%E1%BB%A3-cho-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-ch%E1%BB%91ng-covid/5438858.html

WHO: Thế giới vẫn còn ở giữa đại dịch corona

Giám đốc điều hành Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo thế giới vẫn còn ở giữa đại dịch trong lúc nhiều nước tiếp tục chống chọi với COVID và những nước khác nhanh chóng mở cửa trở lại dù các ca lây nhiễm gia tăng.
“Chúng ta đang ở giữa đợt một trên toàn thế giới,” bác sĩ Mike Ryan nói. “Chúng ta vẫn còn trong giai đoạn dịch bệnh trên đà gia tăng.”
Ông Ryan nói các ca bệnh đang leo thang tại Nam Mỹ, Nam Á và tại những vùng khác. Ông khuyến cáo “Dịch bệnh có thể gia tăng bất cứ lúc nào” và cảnh báo các nước Bắc Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á và những nơi khác trên thế giới chớ nới lỏng các biện pháp kiểm soát virus corona quá nhanh.
Bác sĩ Ryan, đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO, đưa ra cảnh báo trước khi đợt bùng phát thứ nhì dự kiến xảy ra trong vài tháng tới, khiến những người chống lại việc mở cửa nhanh trên toàn cầu thêm quan ngại.
Cảnh báo này làm giảm hy vọng về việc phục hồi nhanh chóng kinh tế trên thế giới và tái tục việc du hành quốc tế.
Ông Brian phát biểu hôm 25/5 khi người dân Mỹ bắt đầu tụ tập tại những nơi công cộng tái mở cửa như các bãi biển và công viên quốc gia. Mỹ là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong vì virus corona.
https://www.voatiengviet.com/a/who-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-v%E1%BA%ABn-c%C3%B2n-%E1%BB%9F-gi%E1%BB%AFa-%C4%91%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-corona/5438482.html

Châu Âu thận trọng

trước kế hoạch chấn hưng kinh tế 750 tỷ euro

Thanh Hà
Chiều ngày 27/05/2020, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã công bố kế hoạch 750 tỷ euro để chấn hưng kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 và một ngân sách 1.100 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027. Bruxelles hy vọng kế hoạch đầy tham vọng này sẽ được 27 thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu thông qua vào tháng 7/2020.
Theo thông cáo của Ủy Ban Châu Âu, kế hoạch 750 tỷ euro bao gồm 500 tỷ được cấp dưới dạng tài trợ cho cách thành viên, 250 tỷ còn lại là một khoản tín dụng do Ủy Ban đứng ra bảo lãnh cho các quốc gia trong khối. Khoản tài trợ được dành cho những thành viên bị dịch Covid-19 nặng nhất. Ví dụ như Ý sẽ nhận được 82 tỷ euro, Tây Ban Nha 77 tỷ, Pháp 39 tỷ hay Ba Lan 38 tỷ. Đổi lại, các quốc gia này sẽ phải trình bày một kế hoạch đầu tư và cải tổ phù hợp với chính sách chung của châu Âu, bao gồm những mục tiêu như đầu tư cho hệ thống y tế, đầu tư phát triển năng lượng sạch.
Về số tín dụng 250 tỷ euro, các nước được vay sẽ bắt đầu trả nợ kể từ năm 2029 và thời gian thanh toán được trải dài trong 30 năm. Kế hoạch 750 tỷ euro được cho là « đầy tham vọng » và mang tính « lịch sử » còn phải được 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu chấp thuận. Paris hy vọng các nước thành viên sẽ tìm được đồng thuận vào tháng 7 tới đây. Trước mắt, 4 thành viên thuộc diện chặt chẽ nhất về chính sách chi tiêu chung là Áo, Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển chỉ mới đồng ý về vế tín dụng trong chương trình của bà Ursula von der Leyen.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu kêu gọi các thành viên « gạt qua một bên những thành kiến », vì lợi ích chung, ủng hộ kế hoạch chấn hưng kinh tế mà bà vừa đề xuất.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200528-ch%C3%A2u-%C3%A2u-th%E1%BA%ADn-tr%E1%BB%8Dng-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-k%E1%BA%BF-ho%E1%BA%A1ch-ch%E1%BA%A5n-h%C6%B0ng-kinh-t%E1%BA%BF-750-t%E1%BB%B7-euro

Anh đóng cửa đại sứ quán tại Triều Tiên,

di dời nhân viên ngoại giao sang Trung Quốc

Minh Hòa
Vương quốc Anh hôm nay (28/5) đã tạm thời đóng cửa đại sứ quán tại Triều Tiên và rút toàn bộ các nhân viên ngoại giao ra khỏi quốc gia này, theo thông báo của đại sứ Anh trên Twitter.
Đại sứ Colin Crooks viết trên Twitter, cho biết: “Đại sứ quán Anh tại Bình Nhưỡng đã tạm thời đóng cửa từ ngày 27/5/2020, và tới nay tất cả các nhân viên ngoại giao đã rời khỏi Triều Tiên”.
Theo Reuters, một thông báo từ Bộ Ngoại giao Anh cho biết quyết định này được đưa ra là do Bình Nhưỡng đã đưa ra “các hạn chế nhập cảnh vào nước này”, khiến đại sứ quán không thể lưu chuyển nhân viên và duy trì hoạt động của đại sứ quán.
Tuyên bố cho biết Anh vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Triều Tiên và sẽ tìm cách thiết lập lại sự hiện diện ngoại giao ở Bình Nhưỡng càng sớm càng tốt.
Trang tin chuyên theo dõi Triều Tiên, có tên NK News có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, trích dẫn các nguồn tin giấu tên, nói rằng các nhà ngoại giao Anh đã phải đi đường bộ sang Trung Quốc vì các chuyến bay đang bị đình chỉ.
Theo Reuters, Triều Tiên chưa công bố trường hợp nào nhiễm COVID-19, nhưng đã cấm gần như tất cả các chuyến đi xuyên biên giới, và khiến người nước ngoài bị cách ly hàng tuần.
Các nhà phân tích cho rằng không thể nào Triều Tiên không có ca nhiễm COVID-19 nào, và hệ thống y tế nghèo nàn của nước này có thể sẽ phải vật lộn trong trường hợp xảy ra bùng phát dịch quy mô lớn.
https://www.dkn.tv/the-gioi/anh-dong-cua-dai-su-quan-tai-trieu-tien-di-doi-nhan-vien-ngoai-giao-sang-trung-quoc.html

Pháp cấm xử dụng thuốc Hydroxychloroquine

để trị COVID-19 do lo lắng về độ an toàn

Tin từ Paris – Hôm thứ Tư (27/05/2020), chính phủ Pháp đã bỏ nghị định cho phép các bác sĩ dùng thuốc hydroxychloroquine để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 bệnh nặng. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức, biến Pháp trở thành quốc gia đầu tiên ra quyết định ngừng sử dụng loại thuốc này sau khi hôm thứ Hai (25/05/2020), Tổ thức Y Tế Thế giới (WHO) thông báo tạm dừng thử nghiệm lớn cho loại thuốc trị sốt rét này trên bệnh nhân COVID-19 do những mối lo về độ an toàn.
Hồi cuối tháng 03/2020, Pháp đã cấp phép sử dụng hydroxychloroquine trong các tình huống cụ thể và trong bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, ngoài công dụng điều trị bệnh sốt rét, bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp.
Tạp chí y khoa của Anh Quốc – The Lancet đã báo cáo rằng các bệnh nhân dùng hydroxychloroquine có tỉ lệ tử vong cao hơn và rối loạn nhịp tim, bên cạnh một loạt các kết quả đáng thất vọng khác của loại thuốc này khi điều trị COVID-19.
Trong những tháng gần đây tổng thống Trump và những người khác đã quảng bá ủng hộ dùng thuốc hydroxychloroquine như một phương pháp tiềm năng cho điều trị coronavirus. Hiện vẫn chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị nào được chứng nhận điều trị COVID-19 hiệu quả. Đại dịch hiện đã khiến hơn 350,000 người tử vong trên toàn cầu. (BBT)
https://www.sbtn.tv/phap-cam-xu-dung-thuoc-hydroxychloroquine-de-tri-covid-19-do-lo-lang-ve-do-an-toan/

Covid-19: Thủ tướng Pháp

công bố giai đoạn 2 dỡ bỏ phong tỏa

Thanh Hà
Chiều 28/05/2020, thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo giai đoạn 2 dỡ bỏ phong tỏa chống Covid-19, trả lời phần nào những câu hỏi : Khi nào các hàng quán sẽ được mở cửa trở lại ? Đến bao giờ học sinh trung học lớp 8 và 9 mới được trở lại trường ? Dân Pháp có tiếp tục bị hạn chế đi lại trong vòng
100 km? Nước Pháp có còn bị phân chia giữa các vùng “xanh” và “đỏ” tùy theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh hay không?
Giai đoạn 2 được dự trù bắt đầu từ ngày 02/06/2020 cho đến cuối tháng 6.
Thông báo của thủ tướng Philippe dựa trên những quyết định được Hội Đồng Quốc Phòng thông qua trong cuộc họp sáng nay do tổng thống Macron chủ trì. Sau gần 3 tuần thực hiện giai đoạn 1 dỡ bỏ phong tỏa, tình hình dịch Covid-19 tại Pháp khá ổn định. Số ca tử vong, ca nhiễm liên tục giảm. Trong ngày hôm qua, chỉ có thêm 66 bệnh nhân tử vong, con số thấp nhất kể từ ngày 17/03/2020. Số bệnh nhân trong các phòng hồi sức cũng đã giảm đi đáng kể.
Cơ quan y tế Pháp ghi nhận “đà lây nhiễm của virus corona đã chậm lại” Đây là các điều kiện khả quan cho phép chính phủ Pháp tiếp tục từng bước trở lại với cuộc sống bình thường. Giai đoạn 2 cũng nhằm mục tiêu khởi động lại cỗ máy kinh tế của Pháp. Theo Viện Quốc gia Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế INSEE, trong tháng 5/2020, kinh tế Pháp chỉ hoạt động 75 % so với mức bình thường. GDP của Pháp trong quý 2 năm nay có nguy cơ giảm 20 %.
Theo các nguồn tin thông thạo được AFP trích dẫn, có nhiều khả năng chính phủ Pháp cho phép nhà hàng, quán cà phê được mở cửa trở lại kể từ đầu tháng 6 tại các vùng “xanh”, nơi có tỷ lệ lây nhiễm thấp. Riêng Paris và vùng phụ cận cùng các vùng “đỏ” khác, tức là những nơi vẫn có nguy cơ lây nhiễm cao, quyết định này được dời lại cho đến ngày 01/07/2020. Một biện pháp quan trọng khác sẽ được thông báo chiều nay, đó là việc đeo khẩu trang vẫn phải được duy trì và là điều bắt buộc trong các phương tiện giao thông công cộng.
Ngoài ra, chiều qua, sau Hạ Viện, đến lượt Thượng Viện đã bật đèn xanh cho việc dùng ứng dụng StopCovid theo dõi các bệnh nhân trong mục tiêu chống dịch. Úng dụng nói trên gây tranh cãi do bị xem là công cụ để theo dõi các người dân và xâm phạm  các quyền tự do cá nhân.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200528-covid-19-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-ph%C3%A1p-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-giai-%C4%91o%E1%BA%A1n-2-d%E1%BB%A1-b%E1%BB%8F-phong-t%E1%BB%8Fa

Covid-19 : Vì sao các tiệm tóc ở Pháp tăng giá

Tuấn Thảo
Sau hai tháng buộc phải ở nhà, một trong những chuyện đầu tiên mà người Pháp muốn làm chính là đi cắt tóc. Một khi bước chân vào tiệm, người tiêu dùng nhận ra ngay là bảng giá đã thay đổi so với cách đây hai tháng. Tính trung bình, các thợ làm tóc ở Pháp đã tăng giá từ 2 đến 5 euro trên các dịch vụ thông thường.
Cũng cần biết rằng tại Pháp, giá cắt tóc trung bình là 21,9 euro cho phái nam, 44 euro cho phái nữ. Giá này bao gồm các dịch vụ gội cắt và sấy tại các tiệm khai thác cùng một thương hiệu, còn các tiệm tóc gia đình tương đối rẻ hơn : 18,5 euro cắt tóc phái nam, 37 euro dành cho phái nữ. Thợ đến làm tóc tại nhà, giá càng mềm hơn nữa, tính trung bình là từ 14,6 euro (nam) đến 27 euro (nữ) cho mỗi đầu tóc.
Kể từ khi lệnh phong tỏa dần dần được dỡ bỏ, các tiệm tóc lần lượt mở cửa trở lại sau ngày 11/05/2020 nhưng với điều kiện là phải áp dụng các quy tắc an toàn cũng như những biện pháp ‘‘cách ly xã hội’’.  Một mặt, cắt tóc theo giờ hẹn để tránh có quá nhiều khách hàng có mặt cùng lúc. Mặt khác, bảo đảm việc giữ khoảng cách an toàn giữa các khách hàng, điều đó có nghĩa là diện tích tiệm tóc càng nhỏ, số khách được tiếp đón lại càng ít.
Theo phản ánh của người tiêu dùng ở Pháp thông qua các mạng xã hội, trong đa số các trường hợp, việc tăng giá từ 2 đến 5 euro được tính vào giá chung và thường được thông báo với những tấm bảng dán ngoài cửa tiệm. Nhưng cũng có những trường hợp giá dịch vụ không được báo trước, và đến khi trả tiền, người tiêu dùng mới nhận ra trên hóa đơn thanh toán, có thêm một dòng chữ ‘‘phí phụ trội Covid-19’’. Nếu như người Pháp nhìn chung tỏ ra thông cảm về chuyện này, thì cũng có một số ý kiến thắc mắc: tại sao ngành làm tóc không quyết định một phí phụ trội cố định, để tránh tình trạng lạm dụng, vì khi không có quy định chung thì mạnh ai nấy làm.
Về việc tăng giá, Hội đồng quốc gia các công ty ngành làm tóc (CNEC) cho biết đã thông báo điều này từ đầu tháng 5 năm 2020. Để có thể hoạt động trở lại, các tiệm tóc buộc phải áp dụng các quy tắc an toàn, trong đó ngoài các loại xà bông và gel sát trùng, các chủ tiệm tóc còn buộc phải cung cấp khẩu trang và áo blouse loại dùng một lần cho khách hàng, còn thợ làm tóc thì phải đeo thêm kính che mặt
và sử dụng các dụng cụ chỉ được dùng một lần, kể cả lược chải tóc, lọn cuốn tóc và lưỡi dao cạo. Các dụng cụ khác như lưỡi kéo hay tông đơ thì buộc phải tẩy rửa, khữ trùng sau mỗi lần sử dụng.
Theo ước tính của Hội đồng ngành làm tóc CNEC, chi phí phụ trội ấy ít nhất là 2 euro cho mỗi khách hàng, tuy nhiên, mỗi công ty trong ngành làm tóc được tự do quyết định về việc tăng giá, chủ yếu cũng vì các phí phụ trội không chỉ đơn thuần liên quan tới các dụng cụ, mà còn liên quan tới cách tổ chức hoạt động tại các tiệm tóc. Theo ông Christophe Doré, chủ tịch Liên đoàn ngành làm tóc UNEC, có hai lý do giải thích cho việc tăng giá dịch vụ tại các tiệm tóc. Trước hết, việc áp dụng các quy tắc bảo đảm an toàn cho khách hàng dù muốn hay không đã làm giảm năng suất của các thợ làm tóc. Thời gian dành cho việc tẩy rửa các dụng cụ hay quét dọn làm sạch chỗ khách ngồi là khoảng 5 phút sau mỗi khách hàng, nhưng sau một tuần lễ làm việc, thời gian tính gộp lại trở nên khá nhiều.
Đối với các thợ làm tóc, ngoài việc sử dụng thuốc khử trùng, họ còn phải thay đổi găng tay, khẩu trang và dụng cụ sau mỗi khách hàng. Bên cạnh đó, họ còn phải liên tục làm sạch mọi thứ sau mỗi lần cắt tóc, trước khi tiếp đón một khách hàng mới. Thời gian dành cho việc tẩy rửa quét dọn càng dài bao nhiêu, thời gian dành cho việc cắt tóc càng ít bấy nhiêu. Việc áp dụng triệt để các quy tắc an toàn chẳng những tác động trực tiêp tới năng suất làm việc, mà còn khiến cho doanh thu của thợ làm tóc bị giảm sút.
Các tiệm tóc không còn có sự lựa chọn nào khác, họ phải áp dụng các biện pháp phòng dịch (chủ yếu là để trấn an khách hàng), bằng không họ phải tiếp tục đóng cửa vì không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn. Theo anh Raphaël Perrier, 38 tuổi, từng 4 lần đoạt chức vô địch thế giới kể từ năm 2002 trở đi và hiện là chủ của nhiều tiệm tóc tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Pháp, dĩ nhiên là người tiêu dùng thường có tâm lý không muốn trả thêm tiền, nhưng khách hàng cần nên hiểu rằng, điều quan trọng nhất là bảo đảm an toàn cho cả hai phía, khách hàng cũng như nhân viên. Do các biện pháp an toàn này đều khá tốn kém, cho nên theo anh, không có gì là quá đáng khi khách hàng cũng như tiệm tóc mỗi bên chịu một phần chi phí.
Anh Raphaël Perrier cho biết thêm, đối với các thương hiệu lớn, khai thác cùng lúc nhiều tiệm tóc, thì các công ty này có thể giảm bớt phí tổn khi mua giá khẩu trang, kính che mặt hay gel sát trùng với giá sỉ. Các khẩu trang hiện được bán với giá lẻ là 0,95 euro mỗi chiếc. Nhưng đối với các tiệm tóc nhỏ, thường là những công ty gia đình hay chỉ có một hoặc hai nhân viên, thì họ phải chi trả cho mọi thứ, thời hậu phong tỏa lại càng khó khăn hơn đối với họ, nếu muốn mở cửa trở lại. Thực tế ấy lai càng làm lộ rõ những khuyết điểm của một ngành có nhiều thợ hoạt động độc lập, nhiều người lập công ty một mình, thay vì về làm nhân viên cho các công ty lớn. Dịch Covid-19 đe dọa trực tiếp mô hình của ngành làm tóc, có khá nhiều công ty tư nhân lần này có nguy cơ ‘‘sập tiệm’’. Điều đó giải thích vì sao đa số khách hàng tỏ ra thông cảm trước việc tăng giá từ 5% đến 10%.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200528-covid-19-v%C3%AC-sao-c%C3%A1c-ti%E1%BB%87m-t%C3%B3c-%E1%BB%9F-ph%C3%A1p-t%C4%83ng-gi%C3%A1

Nga bắt đầu chế tạo

phi cơ tàng hình thả bom đầu tiên

Tin từ Moscow – Hôm thứ Ba (26/05/2020), hãng Tass đưa tin rằng Nga đã bắt đầu chế tạo nguyên mẫu phi cơ tàng hình thả bom đầu tiên, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm sau. Khi hoàn thành và đưa vào hoạt động, loại phi cơ mới có thể mang theo một loạt hỏa tiễn và bom thông minh, bao gồm cả vũ khí siêu thanh.
Mẫu phi cơ được gọi là PAK DA sẽ cạnh tranh với phi cơ tàng hình thả bom chiến lược B-2 của Hoa Kỳ, đã được đưa vào sử dụng từ năm 1997. Trung Cộng cũng đang phát triển mẫu phi cơ tàng hình thả bom của riêng mình, Xian H-20.
Nga đã phát triển thành công mẫu chiến đấu cơ tàng hình của riêng họ, Sukhoi-57. Mẫu phi cơ thực hiện lần bay đầu tiên vào năm 2010 nhưng vẫn chưa được sản xuất số lượng lớn. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nga-bat-dau-che-tao-phi-co-tang-hinh-tha-bom-dau-tien/

Nga hoãn thượng đỉnh BRICS vì corona

Ngày 27/5 Nga tuyên bố hoãn cuộc họp thượng đỉnh của các nước BRICS dự trù tổ chức tại St Petersburg vào tháng 7 năm nay vì virus corona lây lan. BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Hội nghị của SCO tức Tổ chức Hợp tác Thượng Hải cũng được hoãn lại.
Các sự kiện này dự trù được tổ chức tại St Petersburg từ 21-23/7.
“Lịch mới cho các cuộc họp thượng đỉnh này sẽ được quyết định tùy theo những diễn biến của tình hình dịch bệnh tại các nước trong nhóm và trên thế giới,” ban tổ chức cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-ho%C3%A3n-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-brics-v%C3%AC-corona/5438879.html

Israel từ chối

giao công ty Trung Quốc xây nhà máy nước

Băng Thanh
Vào hôm 26/5, chính phủ Israel công bố việc xây dựng nhà máy lọc nước mặn ở nước này sẽ do một công ty trong nước thực hiện thay vì trao cho nhà thầu Trung Quốc như đồn đoán trước đây.
Quyết định của chính phủ Israel được đưa ra chỉ vài tuần sau chuyến công du đến nước này của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Trong chuyến công du này, ông Pompeo đã phản đối sự can dự của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Israel.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kan 11, kênh truyền hình của chính phủ Israel trong chuyến công du tới Israel vào giữa tháng 5, ông Pompeo cho biết: “Chúng tôi không muốn Đảng Cộng sản Trung Quốc có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng của Israel, hệ thống thông tin liên lạc của Israel, tất cả những điều khiến công dân Israel gặp rủi ro”.
“Chúng tôi nghĩ rằng những rủi ro này là rất thực tế và chúng tôi đã chia sẻ thông tin với chính phủ Israel về điều đó để họ có thể đưa ra quyết định đúng đắn”, ông cho biết.
“Tôi nghĩ rằng cả thế giới đã thấy điều đó và thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lừa dối thế giới như thế nào”, ông Pompeo nói, nhằm ám chỉ đến việc che giấu thông tin liên quan đến dịch Covid-19 của Trung Quốc.
Theo Fox News, chính phủ Israel đã chọn giá thầu của công ty IDE, một công ty trong nước chứ không phải của CK Hutchison Holdings Ltd, công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Theo đó, IDE được trao hợp đồng xây dựng một nhà máy lọc nước mặn có tên gọi là Sorek 2, cách thành phố Tel Aviv khoảng 15 km về phía nam.
Dự kiến nhà máy Sorek 2 sẽ được đưa vào vận hành năm 2023 và sản xuất tới 548.000 m3 nước ngọt mỗi ngày. Kết hợp với nhà máy hiện tại có công suất 624.000 m3 mỗi ngày, Israel sẽ trở thành một trong những quốc gia có hoạt động lọc nước mặn lớn nhất thế giới.
https://www.dkn.tv/the-gioi/israel-tu-choi-giao-cong-ty-trung-quoc-xay-nha-may-nuoc.html

Du học sinh Trung Cộng ở Nam Hàn bị truy tố

vì phá hoạiBức tường Lennon ủng hộ phong trào

dân chủ Hồng Kônghồi tháng 10/2019

Một nhóm sinh viên Trung Cộng tại Nam Hàn từng gỡ bỏ các bích chương ủng hộ Hồng Kông trong khuôn viên trường đại học đang đối mặt với án phạt sau khi bị buộc tội phá hoại tài sản.
8 sinh viên bị buộc tội phá hoại Bức tường Lennon Walls do các sinh viên Nam Hàn của đại học Yonsei tạo ra để ủng hộ Hồng Kông, thành phố tự trị đã nhiều tháng có biểu tình chống chính phủ từ tháng 6 năm ngoái.
Theo hãng tin Korea Bizwire, các biểu ngữ ủng hộ Hồng Kông đã bị các sinh viên Trung Cộng xé nát trong vòng 24 giờ, trong hai sự kiện riêng biệt vào tháng 10/2019 và tháng 11/2019.
Hôm thứ Ba (26/05/2020) văn phòng công tố quận Seoul phía tây tuyên bố họ đã yêu cầu tòa án tổ chức các thủ tục tố tụng thay vì một phiên tòa chính thức và phạt tiền 8 sinh viên Trung Cộng. Các bên bị cáo buộc có thể yêu cầu một phiên tòa chính thức trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được lệnh tóm tắt từ tòa án.
Nam Hàn đang có hơn 71,000 sinh viên đến từ Trung Cộng, chiếm 44.4% tổng số sinh viên quốc tế trên toàn quốc. Hoạt động ủng hộ người biểu tình Hồng Kông trong khuôn viên đại học năm ngoái đã tạo ra căng thẳng giữa sinh viên Nam Hàn và Trung Cộng.
Sau khi các sinh viên đại học Yonsei báo cáo những kẻ phá hoại bích chương ủng hộ Hồng Kông cho cảnh sát địa phương, Tòa Đại sứ Trung Cộng tại Seoul đã đưa ra một tuyên bố nói rằng phản ứng của các sinh viên Trung Cộng đối với các hành động gây hại cho chủ quyền của Trung Cộng là điều hợp lý và dễ hiểu. (BBT)
https://www.sbtn.tv/du-hoc-sinh-trung-cong-o-nam-han-bi-truy-to-vi-pha-hoai-buc-tuong-lennon-ung-ho-phong-trao-dan-chu-hong-kong-hoi-thang-10-2019/

Tình hình Hong Kong nóng trở lại khi hàng nghìn

người dân xuống đường biểu tình phản đối

dự luật an ninh, báo hiệu diễn biến phức tạp

Bắt đầu ngày 24/5, hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà vận động, hàng nghìn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình để phản đối dự luật an ninh do Trung Quốc đại lục đề xuất, khiến cảnh sát phải phun hơi cay để giải tán, song bất thành. Tình hình khiến dư luận nhớ lại những phức tạp xảy ra cách đấy ít lâu khi dịch Covid-19 chưa bùng phát.
Sự tức giận, lo ngại của người dân dẫn đến biểu tình
Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà vận động, hàng nghìn người Hong Kong hôm nay tập trung tại các quận Causeway Bay và Wan Chai sầm uất, hô khẩu hiệu phản đối chính quyền. “Mọi người có thể bị truy tố hình sự chỉ vì lời nói hoặc vì công khai phản đối chính quyền”, người biểu tình Vincent, 25 tuổi, nói. “Tôi nghĩ người Hong Kong rất thất vọng vì chúng tôi không nghĩ điều này đến quá nhanh và quá lỗ mãng như vậy. Nhưng chúng tôi không ngây thơ đến mức tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ đơn giản ngồi không và không làm gì. Mọi thứ sẽ chỉ tồi tệ hơn ở đây”. Đến 14h (13h giờ Hà Nội), người biểu tình chiếm đường Gloucester, trong khi những người khác giơ biểu ngữ phản đối và trưng cờ Mỹ. Những người khác phản đối cảnh sát chống bạo động, la hét “Độc lập Hong Kong. Con đường duy nhất”.
Giao thông tại đường Hennessy bị chặn sau khi người biểu tình đổ ra đường. Nhà hoạt động sinh viên Joshua Wong, người có mặt tại hiện trường, cho biết đã lên kế hoạch đấu tranh và tiếp tục vận động để được hỗ trợ từ nước ngoài. “Khi Bắc Kinh tuyên bố dự luật, đã đến lúc phải chống lại”, Wong nói. Nhà hoạt động Tam Tak-chi đã bị bắt bên ngoài cửa hàng bách hóa Sogo ở Vịnh Causeway. Tam nói rằng ông đang “đối thoại y tế” và có y tá góp mặt, không vi phạm lệnh cấm tụ tập trên 8 người do Covid-19, song cảnh sát khẳng định Tam tổ chức tụ tập trái phép và bắt ông. “Đấu tranh cho tự do! Đứng với về phía Hong Kong!”, Tam hô vang khi bị bắt đi. Sau khi Tam bị bắt, hơn 100 người đã tụ tập bên ngoài Sogo, hô “Độc lập Hong Kong là lối thoát duy nhất!”.
Xu hướng phản đối của người dân leo thang
Cảnh sát chống bạo động sau đó phun hơi cay vào người biểu tình, buộc họ phải giải tán. Một số người ném đồ vật, bao gồm ô, vào cảnh sát. Cuộc biểu tình hôm nay diễn ra theo mô hình tương tự nhiều cuộc biểu tình năm 2019. Trước đó một ngày, cảnh sát khuyến cáo người dân không tham gia vào bất kỳ cuộc tụ tập trái phép nào, cho hay họ đã huy động đủ sĩ quan để hành động quyết đoán. Các nhóm cảnh sát chống bạo động được trang bị đầy đủ đã bắt đầu tập trung tại các địa điểm gần cửa hàng bách hóa trước buổi trưa.
Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ “hợp tác hoàn toàn” với quốc hội Trung Quốc để hoàn thành dự luật
Biểu tình diễn ra hai ngày sau khi dự luật an ninh được đệ trình lên quốc hội Trung Quốc, trong đó cấm các hoạt động ly khai và lật đổ, cũng như sự can thiệp của nước ngoài và khủng bố trong thành phố. Theo thỏa thuận Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997, Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và tình trạng thương mại riêng.Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ ở Hong Kong chỉ trích mạnh mẽ dự luật này, nói rằng nó đi ngược lại mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, theo đó Bắc Kinh cam kết duy trì các quyền tự do cho thành phố. Các nhà ngoại giao nước ngoài lo ngại dự luật có thể mở rộng sự hiện diện của các cơ quan tình báo và an ninh của đại lục tại Hong Kong, “gây nguy hiểm cho quyền và tự do” tại đây. Bắc Kinh khẳng định dự luật trên thực tế củng cố nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ “hợp tác hoàn toàn” với quốc hội Trung Quốc để hoàn thành
dự luật. Carrie Lam nói dự luật an ninh sẽ không ảnh hưởng đến quyền, tự do và tính độc lập về tư pháp của đặc khu.
Maria Tam, cố vấn luật Hong Kong tại quốc hội Trung Quốc, hôm qua khẳng định lực lượng thực thi pháp luật của đại lục sẽ không hoạt động ở Hong Kong nếu không có “sự chấp thuận” của chính quyền địa phương. “Tôi không lo lắng việc bất kỳ ai bị cảnh sát từ đại lục bắt và đưa về Trung Quốc để điều tra hoặc xử phạt”, Maria Tam nói. “Việc đó sẽ không bao giờ xảy ra”. Dự luật dự kiến được thông qua vào 28/5, ngày bế mạc kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ủy quyền xây dựng luật an ninh chi tiết và ban hành ở Hong Kong mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp ở Hong Kong. Hội đồng Lập pháp sẽ thảo luận dự luật an ninh vào ngày 27/5.
Các quốc gia thể hiện quan ngại về động thái của TQ
Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Australia, Anh và EU đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về dự luật an ninh Hong Kong. Các nước kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quyền, tự do cũng như quyền tự trị cao của Hong Kong. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ “phản ứng cứng rắn” nếu Trung Quốc ban hành luật này. Trong khi đó,Trung Quốc cũng ra các tuyên bố lên án việc các nước bên ngoài tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc và khẳng định quyết tâm thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”. Giới chuyên gia lo ngại Trung Quốc có thể đang muốn thổi bùng vấn đề Hong Kong lên để đánh lạc hướng dư luận khỏi các chỉ trích về dịch bệnh Covid-19.
Các thượng nghị sĩ Mỹ dự kiến đưa ra một bản đánh giá theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong (HKDA), nhằm xem xét liệu thành phố còn đủ mức độ tự trị với Trung Quốc đại lục để được hưởng trạng thái thương mại đặc biệt hay không.Trạng thái thương mại đặc biệt với Mỹ giúp Hong Kong không chịu các mức thuế mà Mỹ áp với Trung Quốc, cũng như là điều kiện quan trọng để đặc khu hưởng các ưu đãi thương mại khác. Nếu vị thế thương mại đặc biệt này bị hủy bỏ, một loạt tập đoàn, công ty có thể rời khỏi Hong Kong. Hôm 21/5, một số nghị sĩ Mỹ cho biết họ sẽ đề xuất một dự luật lưỡng đảng nhằm trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc thực thi luật an ninh ở Hong Kong, bởi hành vi này bị coi là “vi phạm trắng trợn” Tuyên bố chung Trung – Anh.
Theo bình luận viên James Griffiths của CNN, Trung Quốc có thể đang đánh cược vào giả định rằng Covid-19 đã làm suy yếu khả năng, cũng như quyết tâm gây sức ép của cộng đồng quốc tế với họ về vấn đề Hong Kong. Nước Anh là ví dụ điển hình, khi họ vừa rời Liên minh châu Âu và ngày càng phụ thuộc vào quan hệ thương mại với Trung Quốc. Những người biểu tình Hong Kong từng ngăn chặn được việc ban hành luật an ninh theo Điều 23 của Luật Cơ bản năm 2003, hay gây sức ép buộc chính quyền phải rút dự luật dẫn độ hồi năm ngoái. Tuy nhiên, chưa rõ họ có thể làm gì để ngăn luật an ninh mới được quốc hội Trung Quốc ban hành. Dù một số nhà hoạt động Hong Kong tuyên bố sẽ lại tiếp tục kêu gọi biểu tình chống luật an ninh mới, bình luận viên Griffiths cho rằng khả năng thành công của họ là rất thấp. “Động thái của Bắc Kinh diễn ra giữa lúc Hong Kong vẫn áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn nCoV lây lan, đồng nghĩa với việc người dân sẽ e ngại tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ như năm ngoái”, Griffiths viết.
http://biendong.net/bien-dong/34927-tinh-hinh-hong-kong-nong-tro-lai-khi-hang-nghin-nguoi-dan-xuong-duong-bieu-tinh-phan-doi-du-luat-an-ninh-bao-hieu-dien-bien-phuc-tap.html

Các chuyên gia: Hồng Kông bên bờ vực

bị đặt dưới ách thống trị của ĐCSTQ

Hương Thảo
Các nhà hoạt động và chuyên gia cho biết, động thái mới nhất của chế độ Trung Quốc nhằm áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông sẽ dẫn đến sự chấm dứt quyền tự trị của thành phố. Họ cảnh báo rằng nếu không dừng Bắc Kinh lại, thì nó sẽ hành động hung hăng hơn để thiết lập quyền kiểm soát thành phố, theo The Epoch Times ngày 27/5.
Tuần trước, Bắc Kinh thông báo rằng nó sẽ thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông – bỏ qua cơ quan lập pháp riêng của đặc khu – điều này đã thu hút sự lên án của quốc tế và tái kích hoạt các cuộc biểu tình rầm rộ trong thành phố được lên kế hoạch trong nhiều tuần tới.
Sau động thái của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố vào ngày 27/5 rằng Hồng Kông không còn duy trì được quyền tự trị khỏi đại lục, khiến “vị thế giao dịch đặc biệt” của Hồng Kông với Hoa Kỳ lâm nguy.
Không rõ liệu Hoa Kỳ có tiến hành thu hồi các đặc quyền của Hồng Kông hay không. Một động thái như vậy đòi hỏi phải có lệnh hành pháp của Tổng thống Trump. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ chưa trả lời câu hỏi từ The Epoch Times.
Các nhà phê bình lo ngại rằng luật an ninh quốc gia, cấm các hành động “ly khai, lật đổ và hoạt động khủng bố”, sẽ được Bắc Kinh sử dụng để đàn áp và ngược đãi những tiếng nói bất đồng. Các nhà hoạt động và các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ địa phương lưu ý rằng luật an ninh quốc gia thường được sử dụng để truy tố và tống giam những người bất đồng chính kiến ​​ở đại lục.
Luật này cũng mở ra khả năng các cơ quan an ninh Bắc Kinh thành lập các cơ quan an ninh để thiết lập hoạt động tại Hồng Kông.
“Hồng Kông sẽ tràn ngập các đặc vụ của chính phủ Trung Quốc; và những người bị buộc tội vi phạm luật an ninh quốc gia có thể sẽ không thể tự bảo vệ mình tại một tòa án công bằng”, ông Thor Halvorssen, giám đốc điều hành của Tổ chức Nhân quyền phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington , nói với The Epoch Times.
Kế hoạch của Bắc Kinh
Hành động của chế độ Trung Quốc không hoàn toàn bất ngờ, theo Wilson Leung từ Tập đoàn Luật sư Tiến bộ có trụ sở tại Hồng Kông.
“Kế hoạch của Bắc Kinh luôn luôn là đòi quyền kiểm soát tuyệt đối đối với những gì nó cho là thuộc về nó. Nó coi Hồng Kông như là một lãnh thổ chính đáng của nó, và không ai khác ngoài nó được quyền lên tiếng, kể cả người Hồng Kông”, ông Leung nói với The Epoch Times.
Nỗ lực gần đây nhất của ĐCSTQ để hợp pháp hóa một dự luật chống lật đổ tương tự là vào năm 2003, đã bị hủy bỏ sau khi một nửa triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình.
Halvorssen cho biết hành động gây hấn với Hồng Kông lần này của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một nỗ lực nhằm làm phân tán sự chú ý của thế giới khỏi cuộc điều tra về trách nhiệm của ĐCSTQ dẫn đến sự bùng phát toàn cầu của virus Vũ Hán, và các vấn đề nội bộ khác của nó.
“Bắc Kinh đang cư xử như một kẻ bắt nạt, và nó làm như vậy để tuyên bố với cộng đồng quốc tế: ‘Chúng ta bất chấp’” ông Halvorssen nói.
Trong khi đó, chế độ đã “mất kiên nhẫn” với các đồng minh thân Bắc Kinh của nó ở Hồng Kông. Sau nhiều năm trì hoãn ban hành Điều 23, một dự luật chống lật đổ, hậu quả có vẻ như đã trở nên trầm trọng hơn, với sự thành công của các cuộc biểu tình năm ngoái của Hồng Kông chống lại dự luật dẫn độ, và chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hội đồng quận của phe ủng hộ dân chủ, ông Halvorssen nói.
“Người dân Hồng Kông đang rầm rộ đưa ra thông điệp rằng họ muốn được tự chủ. [Do đó] chính phủ Trung Quốc kết luận rằng nó thà tự thò tay mình vào Hồng Kông thay vì chờ đợi các đồng minh của nó ở Hồng Kông lập lại trật tự”, ông nói.
Vào thứ Tư, hàng ngàn người đã xuất hiện để phản đối luật an ninh và một dự luật gây tranh cãi khác sẽ hình sự hóa việc không tôn trọng quốc ca Trung Quốc. Cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 300 người tính đến trước 6 giờ chiều giờ địa phương.
“Con dao nằm trong tay chế độ Bắc Kinh. Bây giờ bất cứ lúc nào, nó cũng sẽ có thể đâm vào cổ chúng tôi”, Mục sư Chan nói với The Epoch Times trong cuộc biểu tình ở Vịnh Causeway.
Vấn đề cốt lõi
Cốt lõi của vấn đề, theo luật sư và lãnh đạo của Đảng Công dân ủng hộ dân chủ Alan Leong, là sự hoàn toàn tách biệt giữa hai hệ thống pháp lý của Đại lục và Hồng Kông. Trong khi với hệ thống pháp luật của Hồng Kông, cảnh sát phải tuân thủ luật pháp, thì tòa án ở đại lục phục vụ cho “nâng cao quyền lực cai trị của ĐCSTQ”.
Vào ngày 25/5, Hiệp hội Luật sư Hồng Kông đã ban hành một tuyên bố nhấn mạnh “một số điểm đáng lo ngại và có vấn đề” đối với dự thảo luật. Luật Cơ Bản, hiến pháp nhỏ của Hồng Kông, chỉ trao cho quốc hội Trung Quốc (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc TQ) quyền ban hành luật trong phạm vi các vấn đề liên quan đến quốc phòng và đối ngoại, cũng như các vấn đề khác nằm ngoài phạm vi quyền tự trị của Hồng Kông, chứ không phải an ninh quốc gia.
“Đề xuất [luật an ninh] hiện tại… đã thực sự vi phạm mọi quy định của các thỏa thuận ban đầu”, ông Leong nói.
Maggie Chan, một đại biểu Hồng Kông tại Quốc hội Trung Quốc, thậm chí còn đề xuất một ‘tòa án an ninh quốc gia‘ được thành lập tại đặc khu, với các thẩm phán Trung Quốc toàn quyền xét xử các vụ án.
“Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được, và đó chính là đưa yếu tố ngoại lai vào hệ thống tư pháp của Hồng Kông”, ông Leong nói.
Trần Đạo Tường (Chen Daoxiang), chỉ huy đồn trú quân đội Trung Quốc tại Hồng Kông, cảnh báo qua truyền hình Trung Quốc rằng, quân đội Trung Quốc đã “sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia”.
Trong khi đặc khu trưởng Carrie Lam ra sức thuyết phục người Hồng Kông vào ngày 26/5 rằng luật sẽ chỉ nhắm vào một số ít người liên quan đến khủng bố hoặc lật đổ, ông Wilson Leung từ Nhóm Luật sư Tiến bộ của Hồng Kông nói rằng những tuyên bố đó là “tuyệt đối sai sự thật” và “hoàn toàn là tuyên truyền mị dân”.
Với các nhân viên an ninh đại lục đến để thi hành ý chí của Bắc Kinh, Hồng Kông sẽ sớm thấy “các vụ giam giữ kiểu đại lục với tất cả các hành vi lạm dụng mà chúng ta đã thấy ở đại lục”, ông nói, lưu ý đến cuộc đàn áp đang tiếp diễn đối với các học viên Pháp Luân Công và giam giữ hàng loạt của người Duy Ngô Nhĩ ở các trại tập trung Tân Cương.
“Đó là bản chất của chế độ độc tài. Nó sẽ tuyên truyền rằng: ‘Ồ, đừng lo lắng về những điều luật khủng bố hoặc luật an ninh quốc gia này. Nếu bạn không làm gì sai, chúng tôi sẽ không nhắm vào bạn’”, ông nói. “Nhưng nếu quý vị đã thấy những gì đã xảy ra ở Trung Quốc, thì sự thực hoàn toàn ngược lại”.
Thiệt hại kinh tế
Bắc Kinh đang phạm phải một “sai lầm lớn” khi gây nguy hiểm cho vai trò của Hồng Kông như một trung tâm tài chính toàn cầu, Law Ka-chung, một giáo sư trợ giảng tại khoa kinh tế của Đại học Hồng Kông nói trong một cuộc phỏng vấn.
Niềm tin của nhà đầu tư vào luật pháp và quyền tự chủ của Hồng Kông đã ở mức thấp kỷ lục sau cuộc khủng hoảng dự luật dẫn độ năm ngoái, có thể sẽ tiếp tục đi theo quỹ đạo đi xuống, ông nói.
Law suy đoán rằng Bắc Kinh có thể không thực thi luật an ninh ngay lập tức – một động thái sẽ tạo ra một cú sốc bất ngờ có thể làm sụp đổ nền kinh tế địa phương. Nhưng thiệt hại do các điều khoản hà khắc của Trung Quốc sẽ thể hiện trong dài hạn, ông nói.
Ông cũng dự đoán rằng việc di cư quy mô lớn ra khỏi Hồng Kông có thể diễn ra, tương tự như khi lãnh thổ được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Luật này có thể sẽ mang lại sự bất ổn lâu dài và gia tăng khoảng cách xã hội khi tăng trưởng kinh tế của Hồng Kông gắn kết hơn với đại lục: Người đại lục có thể thống trị các vị trí cấp cao trong các công ty, trong khi sự tham gia của nước ngoài vào các ngành có giá trị cao như kế toán, bảo hiểm và môi giới có thể giảm quy mô đáng kể, theo ông Law.
Với thông điệp của ngài Pompeo, “vị thế quốc tế” của đặc khu – gắn liền với bản sắc riêng biệt của nó với Trung Quốc đại lục – đang bị đe dọa.
Trước đây, theo luật của Hoa Kỳ, Hồng Kông có các đặc quyền đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và nhập cư. Thành phố này cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Hoa Kỳ về rượu vang, thịt bò và các sản phẩm nông nghiệp.
“Một khi [luật] này thực sự đi vào con đường mà ĐCSTQ đang đe dọa sẽ đẩy nó vào, nó sẽ khuấy động và di dời rất nhiều cộng đồng doanh nghiệp đang báo động vào thời điểm này”, ông Samuel Chu, người sáng lập và giám đốc điều hành nhóm vận động Hội đồng Dân chủ Hồng Kông có trụ sở tại Washington nói. “Một khi nó thực sự khiến cộng đồng doanh nghiệp hoảng sợ, nó sẽ nhìn thấy thiệt hại khi họ thực hiện các động thái để bảo vệ bản thân về lâu dài”.
Phần lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc được chuyển đến qua Hồng Kông. Không dễ cho Bắc Kinh tìm kiếm một sự thay thế khi tình trạng Hồng Kông rớt xuống. “Bắc Kinh đã có chương trình nghị sự xây dựng [trung tâm tài chính] Thượng Hải từ lâu – vào đầu những năm 2000”, Law nói. “Tuy nhiên, sau 10 đến 20 năm, họ vẫn không thể đưa Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính quốc tế”.
Tương lai của Hồng Kông được như thế nào sẽ dẫn đến những hậu quả đối với thế giới, theo Leung, một luật sư Hồng Kông.
“Hồng Kông thực sự là một tiền tuyến trong cuộc đấu tranh giữa thế giới tự do và thế giới độc tài”, ông nói. “Nếu Hồng Kông sụp đổ, thì bạn có thể chắc chắn rằng, tiếp theo sẽ là Đài Loan,… rồi rất sớm thôi, bạn sẽ thấy [ĐCSTQ] lan ra khắp thế giới”.
Bài viết của Eva Fu, The Epoch Times ngày 27/5,
Annie Wu đã đóng góp cho báo cáo,
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/cac-chuyen-gia-hong-kong-ben-bo-vuc-bi-dat-duoi-ach-thong-tri-cua-dcstq.html

BBC phát hiện các kênh thân Trung Quốc,

nhắm vào Hong Kong trên mạng xã hội

Hàng trăm tài khoản giả hoặc bị hack đã phát đi các thông điệp ủng hộ chính phủ Trung Quốc về Covid-19 trên Facebook, Twitter và YouTube, theo phát hiện của BBC.
TQ đe dọa trả đũa nếu bị Mỹ trừng phạt vì luật an ninh Hong Kong
Hong Kong ‘cần luật an ninh để đối phó với khủng bố’
TQ sắp đưa tàu chiến tới gần Đài Loan để diễn tập tấn công quân sự
Quan hệ Mỹ-Trung-Đài căng thẳng, nhưng dân Đài Loan muốn gì?
Mạng lưới của hơn 1.200 tài khoản gửi đi tin tiêu cực về những người chỉ trích Bắc Kinh.
Mặc dù không có bằng chứng chắc chắn rằng mạng lưới này có liên hệ với chính phủ Trung Quốc, nó có các biểu hiện tương tự như một chiến dịch thông tin do nhà nước bảo trợ xuất phát từ Trung Quốc mà đã bị Facebook và Twitter xóa đi năm ngoái.
Các tài khoản mà BBC phát hiện cũng có điểm tương tự với mạng thân Trung Quốc mà công ty phân tích Graphika phát hiện đầu năm nay.
Có biệt danh “Spamouflage Dragon”, mạng đó đã phát đi các tin chính trị và gửi tin rác cho những ai chỉ trích Trung Quốc.
Sau khi BBC News báo cáo cho Facebook, Twitter và YouTube, đa số các tài khoản này đã bị xóa.
Mới nhìn qua, tài khoản Joker1999 trông bình thường trên Twitter. Nhưng xem kỹ thì thấy nó chỉ là giả.
Đây chỉ là một trong hàng trăm tài khoản giả ủng hộ chính phủ Trung Quốc trên Twitter, Facebook và YouTube. Đa số được tạo từ tháng Giêng tới tháng Năm 2020.
Các tài khoản này chỉ trích Mỹ về Covid-19, nói xấu phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong và đặc biệt lên án Guo Wengui, một nhà tài phiệt Trung Quốc sống lưu vong ở Mỹ.
Ông Guo Wengui đã chỉ trích Trung Quốc mãnh liệt. Ông ta cũng đứng sau một trang web đăng các cáo buộc chả chứng minh được về nguồn gốc virus.
BBC chỉ ra được hơn 1.000 tài khoản Twitter, 53 trang Facebook, 61 tài khoản Facebook và 187 kênh YouTube.
Trên Facebook, mạng lưới này tập trung vào virus corona, chỉ trích Mỹ.
BBC thấy bằng chứng rằng ít nhất vài trang Facebook ban đầu thuộc về người ở Bangladesh, nhưng rồi bị hack, hoặc bán đi để đăng các bài tiếng Hoa.
Một vài tài khoản dùng tên tiếng Anh, tiếng Nga.
Trên YouTube, các kênh đăng video về virus corona ở Mỹ và về ông Guo.
Các kênh này tải các video giống nhau trong thời gian ngắn, đăng các bình luận trên kênh của nhau.
Chiến dịch có sự phối hợp, vì nhiều tài khoản đăng video giống nhau nhiều lần, chỉ trong vòng vài phút.
Các tài khoản bị BBC phát hiện có vẻ thuộc về mạng lưới “Spamouflage Dragon”, đã bị Graphika phát hiện đầu năm.
Mặc dù bị xóa nhiều lần, mạng lưới này tiếp tục tạo ra các tài khoản mới.
Một người phát ngôn Facebook nói: “Chúng tôi biết ơn BBC vì báo cáo các tài khoản và trang này, đa số đã bị xóa theo chính sách về hành vi giả.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52834451

Báo Trung Quốc: ‘Cần sẵn sàng bỏ Mỹ,

xây dựng nội lực, chiến đấu lâu dài’

Thừa nhận ‘cuộc chiến về Hong Kong’ đang diễn ra, Hoàn cầu Thời báo nói việc ‘tách khỏi’ Hoa Kỳ không làm TQ sợ hãi vì nước này chuẩn bị “chiến đấu lâu dài”.
Bà Thái Anh Văn hứa giúp dân Hong Kong, ông Lý Gia Thành ủng hộ Bắc Kinh
BBC phát hiện các kênh thân Trung Quốc, nhắm vào Hong Kong trên mạng xã hội
Lãnh đạo Hong Kong bác quan ngại mất quyền tự do
Cùng lúc, có ý kiến bên ngoài cho rằng ông Tập Cận Bình chọn “giải pháp cứng” với Hong Kong để thổi lên sự ủng hộ cho chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa.
Vào thời gian Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật an ninh để trực tiếp giải quyết làn sóng biểu tình mà Trung Quốc gọi là “các nhóm bạo loạn, ly khai” ở Hong Kong, tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng CS TQ có bài xã luận lên án Mỹ.
Bài tiếng Anh của Global Times (27/05/2020) có tựa đề “Era of US intimidating China over” (Thời đại Hoa Kỳ dọa nạt Trung Quốc đã qua), nói thẳng về một loạt vấn đề trong quan hệ hai bên.
Đầu tiên là về Hong Kong, tờ báo thừa nhận “cuộc chiến đang diễn ra về Hong Kong” và thách thức Hoa Kỳ “tung ra bất cứ lá bài nào họ có trong tay”.
Vấn đề Hong Kong được Trung Quốc đặt trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung xấu đi, điều mà một số chính trị gia Phương Tây gọi là ‘decoupling’ (tách đôi, chia ra) sau nhiều năm hai bên cùng dựa vào nhau để phát triển.
Nay, tờ báo Đảng ở Trung Quốc nói “decoupling’ nếu diễn ra ở bất cứ lĩnh vực nào thì Trung Quốc sẵn sàng ứng phó ở lĩnh vực đó.
Điểm thua thiệt của Trung Quốc là lĩnh vực công nghệ cao, tờ báo nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc “sẽ vận động toàn dân tộc” để đạt mục tiêu có nền kinh tế công nghệ cao, nhưng đã làm khi tự chế ra bom nguyên tử trước đây.
Đằng sau sự sẵn sàng đối đầu này là cảm xúc “bị bắt chẹt”:
“Nhiều người Trung Quốc nay hiểu rằng một số chính trị gia Mỹ đang chặn cổ Trung Quốc (nguyên văn: seizing China by its throat). Cuộc cạnh tranh dài hạn giữa TQ và Mỹ là không thể tránh khỏi. Trước sự hung hăng của Mỹ, TQ cần có tâm lý bình tĩnh, và sẵn sàng lâm chiến trong cuộc chiến lâu dài với Hoa Kỳ.”
Biểu tình Hong Kong: Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc dễ dàng
Tờ Hoàn cầu Thời báo cũng nhắc rằng Trung Quốc “có vũ khí nguyên tử để răn đe” và có lực lượng quân sự khiến Hoa Kỳ không dám tấn công.
Tờ báo thừa nhận chính sách của Trung Quốc sẽ là hướng nội, xây dựng nội lực (internal vitality).
“Chúng ta đã thiết kế ra hệ thống sản xuất hoàn chỉnh, và xây dựng khả năng công nghệ tạo các bước đột phá. Chúng ta cũng có thị trường nội địa rộng lớn. Thật không thể nào cô lập, trói buộc một quốc gia như thế.”
Bài cũng nói nếu xảy ra chiến tranh tài chính, Hoa Kỳ sẽ thua thiệt nhiều hơn. Cùng lúc, Trung Quốc sẵn sàng chống đỡ mọi tấn công từ bên ngoài.
Bài xã luận khẳng định cuối cùng thì chỉ có Trung Quốc mới cạnh tranh được với Trung Quốc, nhờ vào “khả năng linh hoạt cao và sức sống bền vững”.
Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc thời Tập Cận Bình
Nhiều ý kiến của các nhà bình luận quốc tế gần đây tập trung lý giải vì sao Chủ tịch TQ, ông Tập Cận Bình lại chọn “giải pháp cứng” (nguyên văn: nuclear option) với Hong Kong.
Theo Benjamin Wilhelm, viết trên trang World Politics Review thì chính phủ Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề Hong Kong sớm hơn hạn 2047.
Trên thực tế, với Luật an ninh mới, Bắc Kinh xóa bỏ công thức “Một quốc gia, hai chế độ” cho Hong Kong đồng ý với Anh sau khi nhận Hong Kong năm 1997.
Với đại dịch Covid-19 làm kinh tế TQ “rơi vào suy thoái” và các vấn đề quốc tế bề bộn, gồm cuộc đương đầu trong thương chiến với Mỹ chưa xong, ông Tập phải dựa vào lá bài dân tộc chủ nghĩa.
Tuy nhiên, cách làm này sẽ không chỉ kết thúc ở Hong Kong, theo ông Wilhelm.
“Nếu Tập thành công trong việc áp dụng chế độ trực trị với Hong Kong và hóa giải được cơn bão tại đây, thì như Brian C.H. Fong, nhà bình luận từ Hong Kong viết…cơn sốt dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa sẽ càng được nước, và tham vọng sẽ nổi lên, vươn ra các vùng ven, nhất là Đài Loan và Biển Đông.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52834448

TQ thông qua luật an ninh,

Mỹ nói ‘Hong Kong không còn quyền tự trị’

Các nhà lập pháp Trung Quốc hôm thứ Năm thông qua đạo luật sẽ nới rộng luật an ninh quốc gia mờ ảo của đất nước này sang Hong Kong, một động thái được tiên đoán và đã thúc đẩy các cuộc biểu tình lớn và cảnh báo từ Washington.
Dự luật được thông qua với 2.878 ủng hộ một phiếu phản đối, khiến quy chế ưu đãi của Hong Kong, một trung tâm kinh tế châu Á bị Washington xét lại. Quy chế ưu đãi này do Mỹ đặt ra cho Hong Kong và có thể thu lại.
Cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp thường niên của Đại biểu Nhân dân Toàn quốc có thể khiến nhiều quốc gia theo chân Hoa Kỳ trong việc đánh giá lại các thỏa thuận thương mại với Hong Kong, nơi đặt trụ sở của nhiều công ty đa quốc gia.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trước đó đã nói với Quốc hội rằng Hong Kong không còn đủ điều kiện để được hưởng quy chế ưu đãi đặc biệt theo luật pháp Hoa Kỳ.
Tuyên bố này có thể có ảnh hưởng to lớn tới vị thế là trung tâm giao thương thế giới của Hong Kong và có khả năng chọc giận Bắc Kinh.
“Không có ai với những suy nghĩ hợp lý mà có thể khẳng định rằng Hong Kong ngày nay vẫn còn duy trì quyền tự trị cao trước Trung Quốc, dựa trên các dữ liệu thực tế”, ông nói trong một tuyên bố.
Nhận định của ông Pompeo được đưa ra sau khi Bắc Kinh tiến hành áp đặt Luật an ninh mới đang gây tranh cãi trên lãnh thổ này.
Luật an ninh mới của Trung Quốc ‘có thể kết liễu Hong Kong’
Hong Kong ‘cần luật an ninh để đối phó với khủng bố’
Trung Quốc: ‘Bạo lực leo thang ở Hong Kong’
Luật an ninh là “chỉ là động thái mới nhất trong một loạt các hành động mà về cơ bản làm suy yếu quyền tự trị và tự do của Hong Kong”, ông Pompeo nói.
“Giờ đây rõ ràng là Trung quốc bắt Hong Kong theo chân họ”, ông nói thêm.
Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ hàng trăm người trong đợt biểu tình chống Trung Quốc đại lục đang diễn ra.
Tầm quan trọng của tuyên bố Pompeo đưa ra?
Cho đến hiện nay, Hoa Kỳ đã trao cho Hong Kong – một trung tâm tài chính và thương mại toàn cầu – cơ chế đặc biệt theo luật pháp Hoa Kỳ. Ưu đãi này có hiệu lực từ khi Hong Kong không còn là thuộc địa của Anh và mang đến cho lãnh thổ này nhiều thuận lợi trong việc giao thương.
Nhưng kể từ năm ngoái, Mỹ ra luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, buộc Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm xác nhận Hong Kong còn duy trì được quyền tự chủ hay không, để đặc khu được hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ.
Nếu ngoại trưởng Mỹ không chứng nhận điều này, Quốc hội Hoa Kỳ có thể thu hồi cơ chế thương mại đặc biệt của Hong Kong.
Điều này có nghĩa là đối xử với Hong Kong tương tự như Trung Quốc đại lục trong giao thương và các vấn đề khác.
Thu hồi cơ chế đặc biệt gây tác động gì?
Việc thu hồi này có thể gây nguy hại cho thương mại trị giá hàng tỷ đôla giữa Hong Kong và Hoa Kỳ và có thể ngăn cản mọi người đầu tư vào Hong Kong trong tương lai.
Điều này cũng sẽ làm tổn hại đến Trung Quốc đại lục khi sử dụng Hong Kong như một bên trung gian để giao dịch với các nước khác trên thế giới. Các công ty đại lục và các công ty đa quốc gia sử dụng lãnh thổ này như một trụ sở mang tầm quốc tế và khu vực.
Ngay sau tuyên bố của ông Pompeo, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Joshua Wong đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ, châu Âu và châu Á nối tiếp bước của ngoại trưởng Mỹ và xem xét lại cơ chế thương mại đặc biệt của Hong Kong nếu Bắc Kinh áp dụng luật an ninh.
“Một khi luật được thực thi, Hong Kong sẽ bị đồng hóa vào thể chế độc tài của Trung Quốc, trên cả phương diện pháp quyền và bảo vệ nhân quyền”, Joshua Wong cảnh báo.
Luật an ninh sẽ gây ra “thiệt hại lớn cho người nước ngoài và nhà đầu tư ở Hong Kong”, Joshua Wong nói. Duy trì quyền tự chủ của thành phố là “cách duy nhất” để bảo vệ doanh nghiệp, nhà hoạt động nói thêm.
‘Lựa chọn hạt nhân’ của Mỹ về vấn đề Hong Kong có thể chọc giận Bắc Kinh
Zhaoyin Feng, BBC Tiếng Trung, Washington
Tuyên bố mới nhất của ông Pompeo nhằm cảnh báo cho Bắc Kinh rằng chế độ ưu đãi đặc biệt của khu vực hành chính có nguy cơ bị thu hồi.
Tuyên bố này mang ý nghĩa kinh tế rất lớn, nhưng ý nghĩa địa chính trị có thể còn lớn hơn. Động thái này có thể sẽ gặp phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh và gây nguy hiểm hơn nữa cho mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã rất mong manh, và dường như đang rơi tự do trong bối cảnh căng thẳng về thương mại, đại dịch và cạnh tranh công nghệ.
Một câu hỏi được đặt ra là việc cắt quy chế ưu đãi thương mại đặc biệt này sẽ giúp ích gì cho người Hong Kong trong việc đấu tranh vì quyền tự chủ và tự do của họ? Hay là việc này sẽ lại giáng lên đầu người dân Hong Kong trong khi lại có tác động rất hạn chế vào Trung Quốc?
Luật an ninh của Bắc Kinh là gì?
Bắc Kinh đã đề xuất áp đặt luật này lên Hong Kong.
Luật này cấm phản quốc, lật đổ và ly khai ở Hong Kong, được đưa ra sau nhiều tháng biểu tình đòi dân chủ vào năm ngoái.
Việc chống đại lục đã được thúc đẩy vào năm ngoái khi luật dẫn độ được đề xuất – và sau đó bị hủy bỏ – dự luật sẽ cho phép nghi phạm hình sự bị dẫn độ sang Trung Quốc.
Giới chỉ trích cho rằng luật an ninh là một nỗ lực trực tiếp nhằm hạn chế quyền tự do vốn đã được quy định trong tiểu hiến pháp khi Hong Kong được bàn giao cho Trung Quốc hồi năm 1997.
Đặc khu trưởng Carrie Lam đã bác bỏ ý kiến cho rằng Luật an ninh quốc gia, dự kiến được bỏ phiếu trong tuần này và có thể được ban hành vào tháng Sáu, sẽ hạn chế quyền của cư dân Hong Kong.
Một nhóm hơn 200 chính trị gia cao cấp từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra tuyên bố chung chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc.
Hôm thứ Ba, Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ sẽ công bố một phản ứng “rất mạnh mẽ” đối với luật được đề xuất vào trước cuối tuần này. Các kế hoạch của Trung Quốc đã bị Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án, ông mô tả chúng là “hồi chuông báo tử” cho các quyền tự do của Hong Kong.
Vương quốc Anh, Úc và Canada cũng đã bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52816656

TQ sắp đưa tàu chiến tới gần Đài Loan

để diễn tập tấn công quân sự

Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch triển khai hai tàu sân bay tới vùng biển gần Đài Loan để chuẩn bị cho cuộc diễn tập tấn công quân sự vào tháng Tám tại Quần đảo Đông sa do Đài Loan kiểm soát, theo Taiwannews.
Trước đó, hôm thứ Hai, News.com.au đưa tin rằng lần đầu tiên, cả hai tàu sân bay của Trung Quốc, Liêu Ninh và Sơn Đông, đang được triển khai cùng nhau tại Vịnh Bột Hải trên Biển Hoàng Hải để thực hiện các cuộc tập trận sẵn sàng chiến đấu. Các phi đội của Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) đang tham gia vào tuần thứ hai của cuộc đối đầu quân sự mô phỏng kéo dài 11 tuần, sau đó sẽ triển khai ra Biển Đông.
Quan hệ Mỹ-Trung-Đài căng thẳng, nhưng dân Đài Loan muốn gì?
Bà Thái Anh Văn hứa giúp dân Hong Kong, ông Lý Gia Thành ủng hộ Bắc Kinh
Bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Đài Loan
Theo Kyodo News hôm 12/5, Bộ Tư lệnh chiến khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang lên kế hoạch cho một cuộc xâm lược mô phỏng các đảo Đông Sa, dùng đảo Hải Nam làm sân tập. Cuộc xâm lược giả dự kiến diễn ra vào tháng Tám, bao gồm một số lượng lớn thủy quân lục chiến, tàu đổ bộ, thủy phi cơ và máy bay trực thăng.
Tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin quân sự cho biết: “Một nhóm tàu sân bay tấn công sẽ đi qua Quần đảo Đông Sa trên đường đến địa điểm tập trận ở phía đông nam Đài Loan trên Biển Philippines”.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc ngày 13/5 trích dẫn các “chuyên gia” nói rằng Quần đảo Đông Sa có vị trí chiến lược và PLA có khả năng biến “bất kỳ cuộc tập trận nào thành hành động nếu Đài Loan khăng khăng đòi ly khai”.
Đáp lại tin tức về cuộc tập trận, Tổng cục trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan (MND), Thiếu tướng Lâm Văn Hoàng (Lin Wen-huang) hôm 12/5 đã cố gắng đảm bảo với công chúng rằng quân đội có kế hoạch dự phòng trong trường hợp Trung Quốc tấn công, và rằng Đài Loan sẽ tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trên các hòn đảo bên ngoài, bao gồm cả Quần đảo Đông Sa.
Kể từ khi PLA tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tập trận quân sự, quân đội Mỹ cũng đã tăng cường đưa tàu chiến và máy bay chiến đấu tuần tra ở Biển Đông. Vào thứ Ba (26/5), Không quân Hoa Kỳ đã phái hai máy bay ném bom B-1B từ đảo Guam bay về phía Biển Đông sau khi vượt qua eo biển Ba Sĩ đến phía nam Đài Loan và gần Hong Kong.
Một báo cáo do Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ đưa ra vào 21/5 cho hay, một cuộc xung đột quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể nổ ra trong 18 tháng tới. Báo cáo khẳng định rằng một cuộc đối
đầu như vậy có khả năng xảy ra khi các mối quan hệ trở nên xấu đi do “những xung đột thương mại đang diễn ra và những lời buộc tội về đại dịch virus corona”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52816334

Trung Quốc cay cú đáp trả

 lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Đài Loan

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (20/5) đã chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai với lập trường cứng rắn là không chấp nhận chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh, đồng thời kêu gọi đàm phán giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Đáp trả tuyên bố trên, phía Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố cảnh cáo sẽ không chấp nhận bất kỳ hoạt động ly khai nào của Đài Loan.
Ngày 20/5, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Phát biểu tại lễ tuyên thệ, bà Thái Anh Văn nhấn mạnh: “Quan hệ Đài Loan – Trung Quốc đã có những bước ngoặt mang tính lịch sử. Cả hai bên đều có nhiệm vụ tìm cách cùng tồn tại lâu dài và ngăn chặn gia tăng đối kháng và khác biệt. Tôi muốn nhắc lại các từ ‘hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại’. Chúng tôi sẽ không chấp nhận chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ của Bắc Kinh nhằm hạ giá trị của Đài Loan và làm suy yếu tình trạng hiện tại giữa hai bờ eo biển. Chúng tôi sẽ nhanh chóng có những hành động về vấn đề này”. Bà cho biết sẽ nỗ lực hết sức để duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực eo biển Đài Loan và sẵn sàng tham gia đối thoại với Trung Quốc và đóng góp cụ thể hơn cho an ninh khu vực. Trong bài phát biểu, bà Thái Anh Văn cũng nhấn mạnh Đài Loan sẽ tiếp tục mọi nỗ lực nhằm tham gia vào các tổ chức quốc tế và tăng cường mối quan hệ với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong lĩnh vực kinh tế, bà Thái Anh Văn cho biết “Đài Loan cần tiếp tục hành động sớm để cứu trợ và phục hồi kinh tế, và làm bất cứ điều gì cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định”.
Không những vậy, bà Thái còn nói về cuộc chiến của Đài Loan chống lại đại dịch Covid-19 – điều đã nhận được sự đánh giá cao của nước lớn và cả sự ủng hộ của họ để Đài Loan trở thành quan sát viên tại Hội đồng Y tế Thế giới – bất chấp áp lực từ Bắc Kinh.Bên cạnh đó, trong bốn năm tới, Đài Loan sẽ tiếp tục đấu tranh để tham gia vào các tổ chức quốc tế, tăng cường hợp tác cùng có lợi với các đồng minh và củng cố mối quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu và các nước cùng chí hướng khác.
Lễ nhậm chức của bà Thái cũng bao gồm hoạt động nêu ra các thông điệp chúc mừng từ các chính trị gia và các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm từ 15 đồng minh ngoại giao của Đài Loan và các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Fiji, Anh, Cộng hòa Séc và Đức… Thông điệp này được kết lại bằng lời chúc từ các nhà lãnh đạo Mỹ, bao gồm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell và các Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Ted Cruz và Robert Menendez.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Matthew Pottinger đã chúc mừng bà Thái bằng tiếng Quan Thoại, hoan nghênh bà đã giành được nhiều phiếu hơn bất kỳ ứng cử viên chính trị nào khác trong lịch sử Đài Loan; nhấn mạnh “thế giới có nhiều điều để học hỏi từ Đài Loan”, đồng thời hoan nghênh phản ứng của Đài Loan về đại dịch Covid-19 và khẳng định “Mỹ sẽ tiếp tục thúc giục các quốc gia và tổ chức khác, như Tổ chức Y tế Thế giới, để đặt con người lên trên trên chính trị, và để chọn tự do hơn sức ép”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhanh chóng gửi lời chúc mừng và ca ngợi bà Thái có “lòng dũng cảm và tầm nhìn để lãnh đạo Đài Loan”; cho rằng “bà Thái Anh Văn tái đắc cử cho nhiệm kỳ thứ hai cho thấy bà đã giành được sự tôn trọng, ngưỡng mộ và tin tưởng của người dân Đài Loan. Khi chúng ta nhìn về tương lai, tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo của bà Thái, mối quan hệ đối tác giữa Mỹ với Đài Loan sẽ tiếp tục phát triển”.
Đáp trả tuyên bố của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và thông điệp chúc mừng của lãnh đạo các nước, Người phát ngôn Văn phòng Các vấn đề Đài Loan thuộc chính phủ Trung Quốc Mã Hiểu Quang (20/5) khẳng định sẽ “không khoan dung” trước việc lãnh thổ này đòi tách khỏi Trung Quốc đại lục. Ông Mã nhấn mạnh: “Bắc Kinh sẽ không tha thứ cho bất kỳ hoạt động đòi độc lập nào hoặc bất kỳ lực lượng bên ngoài nào can thiệp vào nội bộ chính trị của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ luôn tôn trọng chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ và việc thống nhất Đài Loan là một nhu cầu lịch sử cần thiết mà không bất kỳ ai hay thế lực nào có thể ngăn cản được”. Thêm vào đó, ông Mã Hiểu Quang cho biết Trung Quốc luôn sẵn sàng “tạo một không gian rộng lớn cho sự thống nhất hòa bình”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ và lên án mạnh mẽ việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gửi lời chúc mừng lãnh đạo Thái Anh Văn về buổi nhậm chức. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Trung Quốc kêu gọi phía Mỹ sửa chữa ngay những sai lầm. Bắc Kinh sẽ có những biện pháp cần thiết đối với hành động của Mỹ. Và Mỹ sẽ phải chịu hậu quả cho những hành động đó”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh “động thái của Mỹ… can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”; khẳng định “việc này là vô cùng sai lầm, và cũng rất nguy hiểm”.
Từ một giáo sư luật, bà Thái Anh Văn trở thành cố vấn quan trọng trong các vấn đề quan trọng của chính quyền, tham gia chính trường và nỗ lực theo đuổi chức lãnh đạo Đài Loan. Theo thông tin công khai, bà Thái Anh Văn sinh ngày 31/8/1956 ở Bình Đông, Đài Loan. Sau khi tốt nghiệp khoa Luật của Đại học Quốc lập Đài Loan năm 1978, bà Thái Anh Văn tiếp tục theo học tại Đại học Cornell, Trường Kinh tế London và trở thành giáo sư đại học.
Năm 1993, khi đang là chuyên gia trong lĩnh vực luật cũng như kinh tế quốc tế và thương mại, bà được mời làm việc cho Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc cơ quan Kinh tế của đảo Đài Loan, đóng vai trò quan trọng trong cuộc đàm phán thương mại quốc tế. Theo thời gian, bà trở thành một trong những cố vấn tin cậy của lãnh đạo lúc bấy giờ là Lý Đăng Huy về các vấn đề với Trung Quốc. Năm 2000, theo lời mời của lãnh đạo Trần Thuỷ Biển, bà Thái Anh Văn trở thành chủ tịch Hội đồng các vấn đề về đại lục. Quyết định này đặc biệt gây chú ý vì bà không chỉ là nữ chủ tịch đầu tiên của MAC, mà còn là chủ tịch trẻ nhất từ trước tới nay. Giữa bối cảnh căng thẳng bấy giờ, bà là người đã thúc đẩy mô hình phát triển cân bằng hơn giữa hai bờ eo biển, tổ chức Hội nghị Tư vấn Phát triển Kinh tế và thông qua sửa đổi luật về quan hệ Đài Loan – Đại lục.
Sau cuộc bầu cử năm 2008, khi ứng viên Frank Hsieh của đảng DPP thất bại trước đại diện của Quốc dân đảng (KMT), lục đục trong nội bộ đảng kéo theo nguy cơ rạn nứt, đồng thời đặt ra yêu cầu tái cơ cấu và xem xét lại các chiến dịch tranh cử. Thái Anh Văn là người chịu trách nhiệm dẫn dắt DPP trong quá trình cải cách. Năm 2010, sau khi tái đắc cử chủ tịch DPP, nữ chính trị gia tranh cử thị trưởng thành phố Tân Bắc. Dù thất bại trong cuộc đua này, chiến dịch tranh cử của bà đã đánh dấu quá trình chuyển biến mà theo chính bà mô tả là “từ một giáo sư đại học và thành viên của tầng lớp tinh anh của xã hội trở thành một nhân vật chính trị có thể trao đổi tự nhiên với công chúng, cảm thông và có xúc cảm với những vấn đề và khiếu nại của người dân bình thường”.
Dù thất bại sau cuộc bầu cử 2012, bà vẫn bền bỉ theo đuổi chức lãnh đạo Đài Loan nhiệm kỳ từ năm 2016. Thành tích của bà cũng hoàn toàn dựa trên nỗ lực cá nhân. Nhiều người gọi bà Thái Anh Văn là người đàn bà thép, thậm chí có ý kiến so sánh bà với Võ Tắc Thiên. Trong cuộc bầu cử vừa qua, bà Thái Anh Văn đã giành chiến thắng với 58,1% số phiếu và trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của Đài Loan. Cơ quan bầu cử Đài Loan cho biết ứng viên Chu Lập Luân của Quốc dân đảng (KMT) chỉ đạt 32,5%.
Được biết, Trung Quốc đang áp dụng “một quốc gia, hai chế độ” với Hong Kong sau khi đặc khu này được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Tuy nhiên, tất cả chính đảng ở Đài Loan từ chối công nhận mô hình này. Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan trở nên căng thẳng sau khi bà Thái Anh Văn nhậm chức. Trung Quốc thuyết phục 7 đồng minh của Đài Loan cắt đứt quan hệ ngoại giao với hòn đảo và thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Hiện Đài Loan được 15 nước công nhận, chủ yếu là các nước nhỏ ở Mỹ Latinh và Thái Bình Dương.
http://biendong.net/bien-dong/34932-trung-quoc-cay-cu-dap-tra-le-tuyen-the-nham-chuc-cua-tong-thong-dai-loan.html

TQ đang hứng phản ứng, chỉ trích của cả thế giới

 khi triển khai chiến lược “ngoại giao nước lớn”

Truyền thông Trung Quốc gần đây liên tục ca ngợi đội quân ngoại giao “Chiến Lang” của nước này khi đấu tranh chống lại những cáo buộc, chỉ trích từ bên ngoài. Những phát ngôn quyết liệt, hung hăng, khiêu khích ngày càng được giới ngoại giao nước này tung ra. Đây được coi là một phần trong chính sách “ngoại giao nước lớn” của Bắc Kinh dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Tuy nhiên, trái với những gì Trung Quốc mong đợi, nước này đang vấp phải sự chỉ trích của cả thế giới.
Giới lãnh đạo Trung Quốc từng ca ngợi đối ngoại nổi bật kể từ sau Đại hội 18 của nước này nhấn mạnh ba thành tố lớn là: i) chủ động thực hành chính sách “ngoại giao nước lớn” để xử lý các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; ii) tích cực thúc đẩy xây dựng “khuôn khổ quan hệ quốc tế kiểu mới” và “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại” nhằm nâng tầm uy tín quốc tế của cường quốc mới nổi; iii) nỗ lực triển khai Sáng kiến “Vành đai và Con đường” để tạo tăng trưởng bền vững, hiện thực hóa phương châm “hợp tác cùng thắng”, hoàn thành hai “mục tiêu trăm năm” và giấc mộng “phục hưng dân tộc Trung Hoa”. Tuy nhiên, điều các nước nhận thấy lại hoàn toàn tiêu cực.
Thứ nhất, “lấy thịt đè người” không phải là cách hành xử quân tử. Trung Quốc tính toán kĩ khi sử dụng lực lượng dân sự để thực thi yêu sách ‘đường lưỡi bò’ phi lí vừa là để áp đặt các nước khác nhưng vừa hạn chế xung đột quy mô lớn nổ ra. Lực lượng chấp pháp có thể sử dụng biện pháp cứng rắn trong khi ‘lực lượng dân quân biển’ được triển khai ồ ạt trong chiến thuật “lấy thịt đè người”. Chuyến thăm đến làng Đàm Môn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây lo ngại cho các nước láng giềng do ngư dân Hải Nam, vốn được coi là ‘dân quân biển’, có thể sử dụng “danh nghĩa dân sự nhằm phổ biến tư duy, tạo sự quan tâm xã hội với việc bảo vệ quyền lợi hàng hải, cũng như thể hiện sự tự tin, thống nhất của toàn thể dân chúng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải”. Chung quy, các lực lượng này có sự phối hợp chặt chẽ và chuyên nghiệp qua các tổ chức nghề nghiệp hoặc chịu sự kiểm soát của Cục Hải dương Quốc gia. Do đó, sự hiện diện của các lực lượng bán quân sự trong lĩnh vực biển một cách đầy quy củ giúp Bắc Kinh dễ khuyến khích ngư dân tiến vào các vùng lãnh thổ tại Biển Đông hơn bằng hoạt động đánh cá, qua đó thực hiện yêu sách chủ quyền.
Thứ hai, nước lớn phải hành động có trách nhiệm. Trung Quốc ra sức thanh minh rằng căn cứ quân sự ở Djibouti chỉ được dùng cho các sứ mệnh nhân đạo, chẳng hạn như nỗ lực chống hải tặc ngoài khơi Somalia và Yemen. Không khó để nhận thấy đây vẫn là một thông điệp của Bắc Kinh tới giới lãnh đạo, nhân dân và quân đội các nước rằng chính phủ Trung Quốc sẽ cung cấp đủ nguồn lực hỗ trợ cho các lực lượng vũ trang của họ để bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài, ở khu vực biển sâu và cả các vùng xa xôi. Như Chủ tịch Tập đã nói trong Đại hội đảng thứ 19, giấc mơ xây dựng quân đội hùng mạnh là “điểm tựa chiến lược thực hiện hai mục tiêu ‘100 năm’, thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”. Bắc Kinh đang tỏ rõ quyết tâm bảo vệ hoạt động khai thác dầu ngoài khơi, và tiếp tục thiết lập mạng lưới các trạm cung ứng quân sự ngoài khơi tại những khu cảng chiến lược để bảo vệ lợi ích quốc gia, dần dần hợp pháp hóa sự hiện diện của Hải Quân Trung Quốc ở các vùng biển. Qua đó, Bắc Kinh đã linh hoạt điều chỉnh các bước đi trên cơ sở, đa dạng trong công cụ, cách thức, đối tượng và thời điểm triển khai để tăng cường ảnh hưởng chính trị, khẳng định vai trò “cường quốc biển”, phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Thứ ba, nước lớn phải chính trực và thực tâm. Bắc Kinh có xu hướng sử dụng lợi ích kinh tế để mặc cả với các nước có tranh chấp trực tiếp trong khi dùng các can dự chính trị ngoại giao vận động các nước không có tranh chấp đứng về phía Trung Quốc. Người dẫn chương trình nhiều lần đề cập đến việc mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đang trở nên ổn định, cởi mở và ngày càng phồn vinh, mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho nhân dân các nước. Điều này chứng tỏ mối tương quan trực tiếp giữa chính sách ngoại giao và dòng chảy thương mại của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có xu hướng vận động các quốc gia nói tốt về họ thông qua các gói hợp tác kinh tế, theo đó có tổng cộng hơn 80 nước và gần 200 tổ chức và cá nhân thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường của Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông. Những điểm này sau đó cũng được lặp lại trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại đại hội đảng thứ 19. Qua đó, Trung Quốc “sẽ kiên trì giải quyết tranh chấp qua đối thoại, giải quyết bất đồng thông qua hiệp thương.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, giới ngoại giao Trung Quốc liên tục sử dụng các tuyên bố, phát biểu gay gắt, hùng hổ nhằm vào các nước khi có những cáo buộc về nguồn gốc của dịch bệnh. Không chỉ còn là những phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, các đại sứ Trung Quốc ở các nước đang là lực lượng tiên phong, không ngại va chạm và chủ động trong phát ngôn của nước này. Và như là kết quả tất yếu, các nước đều quay mặt lại với Trung Quốc. Hàng loạt nước đã triệu đại diện ngoại giao Trung Quốc để phản đối. Tại châu Phi, khu vực vốn được đánh giá là có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc cũng liên tục phàn nàn về thái độ, hành xử của Bắc Kinh.
Tại Venezuela, nơi nhận viện trợ lớn từ Bắc Kinh, đại sứ quán Trung Quốc đã chỉ trích những nhà lập pháp địa phương, người từng gọi nCoV là “virus Trung Quốc”. Trong một tuyên bố trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc hồi tháng 3, cơ quan này cho rằng những nhà lập pháp kia đang nhiễm một loại “virus chính trị”. “Hãy nhanh chóng tìm kiếm phương pháp điều trị thích hợp bởi bạn đã nhiễm loại virus này. Bước đầu tiên có thể là đeo khẩu trang và im lặng”, tuyên bố của đại sứ quán có đoạn. Một trong những nhà ngoại giao “chiến lang” quyết liệt nhất của Bắc Kinh là Lô Sa Dã, đại sứ Trung Quốc tại Paris, Pháp. “Mỗi khi người Mỹ đưa ra một cáo buộc, truyền thông Pháp luôn đăng tải thông tin này
sau một, hai ngày. Họ vào hùa để khiến những lời nói dối và tin đồn về Trung Quốc trở nên ầm ĩ”, ông Lô tháng trước nói với tờ L’Opinion.
Nhìn chung, khi Trung Quốc nỗ lực khẳng định tầm ảnh hưởng trên vũ đài quốc tế, các nhà ngoại giao nước này trên khắp thế giới đối đầu với nhiều cuộc chiến lớn nhỏ để bảo vệ lợi ích quốc gia. Họ công khai chỉ trích, đấu khẩu gay gắt với các đối thủ trên mọi mặt trận, từ mạng xã hội, báo chí, truyền hình cho tới các bàn đàm phán, đánh dấu bước ngoặt lớn cho đội quân ngoại giao từng được cho là bảo thủ, kín tiếng.Làn sóng thù địch Trung Quốc ngày càng leo thang khi Bộ Ngoại giao nước này nỗ lực viết lại câu chuyện về đại dịch Covid-19, đấu khẩu với các quốc gia phương Tây và thậm chí với một số quốc gia thân thiện.
http://biendong.net/bien-dong/34929-tq-dang-hung-phan-ung-chi-trich-cua-ca-the-gioi-khi-trien-khai-chien-luoc-ngoai-giao-nuoc-lon.html

Phó giám đốc Công an Quảng Đông

và hàng nghìn cảnh sát đã âm thầm thâm nhập

để trấn áp người dân Hồng Kông

Vũ Dương
Theo NTD (27/5), từ ngày ĐCSTQ đưa ra “Dự luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông”, người dân Hồng Kông lại một lần nữa xuống đường và tiếp nối cuộc đấu tranh đẫm máu của chiến dịch phản đối “Luật dẫn độ”. Nhân sĩ nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho hay, hàng nghìn cảnh sát từ Cục An ninh Quốc gia và Cục An ninh Công cộng ĐCSTQ đã bí mật vào Hồng Kông để tiếp viện. Phó giám đốc Sở Công an tỉnh Quảng Đông đã tới Hồng Kông để chỉ đạo cuộc đàn áp.
ĐCSTQ đưa ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” ngay trong phiên họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã bóp chết chính sách “một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông, dẫn đến một làn sóng kháng nghị mới ở Hồng Kông. Thủ đoạn trấn áp của ĐCSTQ và chính phủ Hồng Kông không ngừng leo thang, nhiều người dân Hồng Kông xuống đường kháng nghị đã bị bắt bớ đánh đập. Chỉ riêng ngày 24/5, có ít nhất 180 người đã bị cảnh sát bắt giữ.
Vào tối ngày 25/5, tại Trung tâm tài chính quốc tế Trung Hoàn, Hồng Kông (IFC), người dân Hồng Kông đã phát động buổi mít-tinh phản đối “Luật An ninh Quốc gia” để hâm nóng hoạt động bao quanh trụ sở chính phủ vào ngày 27/5. Đêm đó, người dân thành phố lần đầu tiên đưa ra kêu gọi để yêu cầu quân đội Hoa Kỳ đổ bộ vào Hồng Kông để bảo vệ người dân Hồng Kông.
Đồng thời, các khẩu hiệu như “đả đảo ĐCSTQ”, “Trời diệt Trung Cộng”, “Một quốc gia, một Hồng Kông” không ngừng vang lên.
“Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” chưa lắng dịu, ngày 26/5, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông lại tiếp tục đưa ra “Dự luật Quốc ca” và lên kế hoạch thực hiện “Luật Quốc ca” của ĐCSTQ tại Hồng Kông. ĐCSTQ và chính phủ Hồng Kông phối hợp thực hiện kế hoạch trên đã gây ra sự phẫn nộ lớn hơn trong người dân Hồng Kông, dấy đến một loạt các cuộc biểu tình.
Sáng sớm ngày 27/5, 3.000 cảnh sát chống bạo động đã dựng rào chắn, lưới sắt và xe phun nước trong khu vực Hội đồng Lập pháp, một số cảnh sát chống bạo động đứng bên trong chờ lệnh. Hơn 3 giờ chiều, ít nhất 260 người biểu tình đã bị bắt giữ.
Một nhân sĩ nội bộ ĐCSTQ ngày 27/5 tiết lộ với Thời báo Epoch Times rằng Lý Xuân Sinh (Li Chunsheng), Phó giám đốc Sở Công an tỉnh Quảng Đông, hôm 25/5 đã đến Hồng Kông, và ông ta đích thân ngồi trong thị trấn với tư cách là Tổng chỉ huy tiền tuyến. Hơn nữa, các hệ thống an ninh quốc gia và an ninh công cộng của ĐCSTQ đã cử hàng ngàn người âm thầm lẻn vào Hồng Kông để bố trí phòng thủ.
Có phân tích cho rằng ĐCSTQ đã cưỡng chế đưa ra “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” và gửi các quan chức an ninh quốc gia cấp cao từ Trung Quốc sang, sử dụng hàng ngàn lực lượng an ninh quốc gia và an ninh công cộng để vào Hồng Kông, mục đích chính là nhân lúc cả thế giới đang bận rộn với công tác phòng chống dịch bệnh ra tay đánh chiếm Hồng Kông.
Một cựu quan chức ĐCSTQ sống ở Hồng Kông nói với tờ Epoch Times rằng, Bắc Kinh ban đầu dự định thực hiện “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” vào tháng 2, cũng chính là bắt đầu tiến hành sau khi thỏa thuận giai đoạn đầu tiên được ký kết với Hoa Kỳ vào tháng 1, nhưng đã bị gián đoạn bởi sự xuất hiện bất ngờ của dịch bệnh.
Ông tiết lộ rằng Bắc Kinh nhận định tình hình quốc tế hiện tại đang xấu đi, rất khó để khôi phục quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian ngắn, ngoài ra cũng đang cố gắng duy trì mối quan hệ với các nước phương
Tây khác. Ngoài ra, Hồng Kông ngày càng có khả năng trở thành bàn đạp để phương Tây can thiệp vào Trung Quốc Đại lục, như vậy sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho chính quyền ĐCSTQ. Do đó, Bắc Kinh tin rằng cần phải siết chặt kiểm soát Hồng Kông.
Nguồn tin nói rằng, công việc này được điều phối trực tiếp bởi Ban chỉ đạo công tác Hồng Kông – Ma Cao thuộc Trung ương ĐCSTQ, ngoài ra có sự phối hợp của Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao, Cục Công tác Mặt trận Thống nhất, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Kinh tế và Thương mại cùng với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng có sự chuẩn bị của riêng mình, nếu cần thiết, họ có thể huy động Lực lượng Cảnh sát An ninh Vũ trang Quảng Đông để hỗ trợ. Các trang thiết bị hậu cần khác nhau của Cảnh sát Vũ trang đã được chuyển đến doanh trại quân đội Hồng Kông.
Ông cũng nói rằng ĐCSTQ đã chính thức phát động chiến dịch tuyên truyền của mình, dẫn đầu là CCTV, tiếp theo là truyền thông cánh tả ở Hồng Kông, các doanh nghiệp do Trung Quốc đầu tư đã chi trả rất nhiều tiền quảng cáo và huy động các thương hội, Hiệp hội chuyên nghiệp và Hội đồng hương để bày tỏ quan điểm của họ.
Ông ước tính rằng ĐCSTQ và Chính phủ Hồng Kông đã lên sẵn kế hoạch, tập trung đả kích “một số ít phần tử ngoan cố” đã tạo ra “bầu không khí khủng bố” ở Hồng Kông. Đồng thời, cũng nhân cơ hội này giúp đỡ phái Kiến chế – đảng phái thân cận với Bắc Kinh, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp vào tháng 9.
Nhà bình luận Lương Kinh trong một bài viết được đăng tải cho biết: “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” là Tập Cận Bình lặp lại mánh khóe cũ, mục đích là thông qua thủ đoạn này chuyển dời sự chú ý, giải thoát bản thân khỏi tình cảnh khốn đốn trước một loạt các yêu cầu đòi bồi thường từ phía cộng đồng quốc tế.
Lương Kinh phân tích rằng kể từ năm ngoái, Tập Cận Bình đã thua mất quá nhiều vốn liếng chính trị cho các vấn đề thương mại Mỹ-Trung và các vấn đề Đài Loan và biển Đông. Trong đó, vốn liếng chính trị mà ông phải trả cho vấn đề Hồng Kông có lẽ là lớn nhất, e rằng đây là điều khiến ông cảm thấy bất ngờ và đau đầu nhất. Nói cách khác, phong trào phản đối “Luật dẫn độ” là nguồn gốc của tất cả các loại xui xẻo mang đến Tập Cận Bình trong suốt một năm qua.
Thuận theo tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát phần nào, Tập Cận Bình phải đối mặt với một vòng thách thức chính trị mới. Có thể hình dung rằng một khi công tác kiểm soát dịch bệnh của Hồng Kông được dỡ bỏ, điều trước tiên khiến ông Tập đau đầu chính là hoạt động kháng nghị của người dân Hồng Kông sẽ mau chóng khởi động trở lại, bao gồm đêm thắp nến tưởng niệm sự kiện Lục Tứ và đại diễu hành chống ĐCSTQ ngày 1 tháng 7 sắp tới.
Chỉ cần nghĩ đến những hoạt động kháng nghị này của người dân Hồng Kông, cộng thêm truy cứu trách nhiệm và yêu cầu bồi thường của cộng đồng quốc tế về việc ĐCSTQ che giấu bệnh dịch, ông Tập sao có thể không đau đầu cho được. Ngoài ra, nếu cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp diễn ra vào mùa thu này lại thảm bại nữa, thế thì sẽ tổn hại rất lớn đến quyền uy của ông Tập. Hẳn vì không thể chấp nhận một tương lai “ảm đạm” như vậy nên Tập Cận Bình đã không tiếc đưa ra quyết định chính trị hủy hoại quyền tự trị của Hồng Kông tại thời điểm này.
Theo Li Quan, NTDTV.com
Vũ Dương dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/lanh-dao-cong-an-quang-dong-va-hang-nghin-canh-sat-da-am-tham-tham-nhap-de-tran-ap-nguoi-dan-hong-kong.html

Tại sao Bắc Kinh trong tuyệt vọng,

muốn hoàn toàn lấy đi tự do của Hồng Kông?

Hương Thảo
Tác giả Tiến sĩ Diana Zhang, là một nhà báo có 20 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu về Trung Quốc. Bà sống ở Hoa Kỳ và sử dụng bút danh này để bảo vệ các thành viên gia đình của mình ở Trung Quốc. Sau đây là toàn văn bài viết của bà trên trang The Epoch Times ngày 26/5.
Hôm chủ nhật 24/5, hơn mười nghìn người đã xuống đường ở Hồng Kông sau khi Bắc Kinh đề xuất tại Lưỡng Hội một dự luật an ninh quốc gia mới được thực thi cho khu vực hành chính đặc biệt Hồng Kông. Đây là một động thái mới đã được tính toán cẩn thận và thực hiện trong một tâm trạng tuyệt vọng, gợi
nhớ đến trò cò quay Nga, một trò đánh bạc chết người trong đó người chơi nạp một viên đạn vào một khẩu súng lục ổ quay, xoay tròn và tự bắn vào đầu mình.
Nếu luật này được thông qua, đó là sự kết thúc của “Một quốc gia, hai chế độ”, kết thúc “lời hứa” của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bắc Kinh sẽ thành lập văn phòng an ninh quốc gia tại Hồng Kông. Người dân Hồng Kông sau đó có thể bị bắt giữ một cách tùy tiện và bị đưa về đại lục để truy tố trong một hệ thống không có luật pháp.
Hoặc, người Hồng Kông có thể bị bắt giữ và xét xử ở Hồng Kông sau khi hệ thống pháp luật Hồng Kông bị lật đổ và biến thành một bản sao của Đại lục. Người Hồng Kông nghi ngờ rằng cảnh sát quân sự đại lục đã được gửi đến Hồng Kông.
Bắc Kinh thực hiện hành động này khi tình trạng hỗn loạn tại hòn đảo tạm thời bị gián đoạn bởi đại dịch. Hơn 122 quốc gia muốn mở một cuộc điều tra về cách thức bùng phát virus Vũ Hán ở Trung Quốc. Tại sao phải thực hiện một bước đi như vậy, dù biết rằng nó sẽ mang lại sự lên án quốc tế nhiều hơn nữa đối với ĐCSTQ?
ĐCSTQ đã thực sự cân nhắc các rủi ro chính trị và tài chính một cách cẩn thận. Cuối cùng, các nguy cơ về an toàn chính trị xuất hiện cấp bách hơn và quan trọng hơn đối với nó.
Tháng 9 này, Hồng Kông sẽ bầu các thành viên vào cơ quan lập pháp của mình – LegCo. Trong cuộc bầu cử quận hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã đánh giá thấp lập trường của người dân Hồng Kông. Có tới 388 ghế ủng hộ dân chủ, trong khi chỉ có 62 ghế do các ứng cử viên thân Bắc Kinh nắm giữ. Một kết quả tương tự trong cuộc bầu cử LegCo sẽ có tác động lớn hơn nhiều. ĐCSTQ không thể chịu đựng được một thách thức chính trị như vậy, vì thế nó muốn hành động ngay bây giờ.
Sau đó, là ám ảnh của những cuộc biểu tình. Vào tháng 4/2019, ĐCSTQ đã đưa ra một dự luật dẫn độ, giống như dự luật an ninh quốc gia vừa được đề xuất, được người Hồng Kông coi là một nỗ lực để lấy đi các quyền dân sự của họ. ĐCSTQ đã bị sốc bởi hậu quả: các cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài trong nửa năm. Có lúc có tới hai triệu người Hồng Kông đổ ra trên đường phố, điều chưa từng xảy ra trước đây dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Họ lo ngại rằng nếu không thể kiểm soát được Hồng Kông, đại lục sẽ theo gương Hồng Kông.
Cuối cùng, Bắc Kinh cảm thấy phải hành động vì đấu đá chính trị ở cấp cao nhất đang rất nghiêm trọng. Hồng Kông đã là một căn cứ cho giới thượng lưu ở đại lục trong hơn hai thập kỷ qua. Các phe phái khác nhau đều có người ở Hồng Kông, bao gồm cả những người chống lại lãnh đạo Tập Cận Bình. Hồng Kông đóng vai trò là trung tâm chính: tài sản được giữ ở đó, thông tin nội bộ bị phát tán ở đó, và thành phố cung cấp một cửa sổ thuận tiện để rút tiền ra khỏi Trung Quốc.
Đối với một người bình thường, Hồng Kông giống như những gì đã từng là Tây Berlin. Đối với Tập, nó có thể là một căn cứ để chống lại Tập. Bắc Kinh đã bắt giữ một người bán sách ở Hồng Kông, người đã xuất bản một cuốn sách chỉ trích Tập, và tỷ phú Tiêu Kiến Hoa, người quản lý tài sản cho con cháu các lãnh đạo hàng đầu của đảng. Có nhiều cá nhân mà Bắc Kinh muốn bắt giữ ở đó, luật an ninh quốc gia mới giúp cho các vụ bắt giữ như vậy dễ dàng hơn.
ĐCSTQ luôn sử dụng Hồng Kông để làm những gì họ muốn mà không làm nổi ở đại lục. Trước đây nó từng là một trung tâm sản xuất, Hồng Kông đã mất vai trò đó vào tay đại lục, và giờ chỉ còn là trung tâm tài chính. Cửa sổ duy nhất để Bắc Kinh tiếp cận thị trường quốc tế là Hồng Kông.
Nếu ĐCSTQ đặt Hồng Kông dưới cái khung mới “Một quốc gia, một chế độ”, thì Hoa Kỳ, Anh và Châu Âu sẽ lấy đi tình trạng “cảng miễn phí” của Hồng Kông. Cửa sổ tài chính duy nhất Bắc Kinh sẽ đóng lại.
Đối với ĐCSTQ, đây là tự sát. Nhưng ĐCSTQ không có lựa chọn nào khác. Mỗi một động thái gần đây của nó đều bộc lộ sự “tự hủy hoại”. Không có gì lạ khi người Hồng Kông giương băng-rôn trên đường phố nói rằng: “Trời diệt Trung Cộng”.
Theo The Epoch Times,
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/tai-sao-bac-kinh-trong-tuyet-vong-muon-hoan-toan-lay-di-tu-do-cua-hong-kong.html

Nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc

vì COVID-19

Hương Thảo
Thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc đã rót hàng tỷ đô la vào các nước thu nhập thấp dưới hình thức cho vay để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của họ. Và bây giờ, với đại dịch COVID-19, mối lo ngại đang gia tăng về một cuộc khủng hoảng nợ sắp bùng nổ tại các quốc gia đang phát triển vì hầu hết trong số họ đã bị oằn lưng bởi gánh nợ lớn với Trung Quốc.
Ra mắt vào năm 2013, Sáng kiến BRI còn được gọi là “một vành đai, một con đường” hoặc “Con đường tơ lụa mới” là một trong những chương trình phát triển đầy tham vọng và gây tranh cãi nhất thế giới. Trong những năm gần đây, sáng kiến ​​này được coi là một cái bẫy nợ do các hình thức cho vay kiểu săn mồi của Bắc Kinh.
Theo một báo cáo gần đây của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), BRI đã góp phần đáng kể vào sự tích lũy nợ nước ngoài ở nhiều nước thu nhập thấp.
Trong hai thập niên qua, Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn trên thế giới với dư nợ vượt quá 5,5 nghìn tỷ USD trong năm 2019, tương đương hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, báo cáo của IIF nêu rõ.
BRI đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động cho vay của Trung Quốc trong những năm gần đây, giúp Bắc Kinh trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới đối với các nước thu nhập thấp. Kể từ khi ra mắt, BRI ​​đã rót hơn 730 tỷ USD vào các dự án đầu tư và xây dựng ở nước ngoài tại hơn 112 quốc gia, theo báo cáo.
Trong số các quốc gia nhận tiền từ BRI, Djibouti, Ethiopia, Lào, Maldives và Tajikistan được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là có “nguy cơ mắc nợ cao”, có nghĩa là họ có khả năng lớn vỡ nợ hoặc phải đối mặt với các vấn đề về nợ nần.
Ngoài ra, một nghiên cứu học thuật gần đây được xuất bản bởi Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho thấy rằng các khoản cho vay nước ngoài của Trung Quốc có thể cao hơn so với báo cáo. Nghiên cứu chỉ ra có tới 50% các khoản cho vay của Trung Quốc là “giấu giếm” vì chúng không được báo cáo với IMF hoặc Ngân hàng Thế giới. Các hoạt động cho vay không minh bạch của Trung Quốc đã khuếch đại các lỗ hổng nợ ở các nước nghèo.
Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính sắp xảy ra, Sri Lanka hiện đang chồng chất thêm những khoản nợ từ Trung Quốc. Mặc dù quốc gia này phải chi 4,8 tỷ USD để trả nợ trong năm nay nhưng họ đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về một khoản vay bổ sung ít nhất 1 tỷ USD, theo Nikkei Asian Review.
Sri Lanka là một ví dụ rõ ràng về việc bị mắc kẹt trong nợ dẫn đến bị buộc phải giao tài sản chiến lược cho Trung Quốc. Một công ty nhà nước Trung Quốc đã kiểm soát cảng Hambantota phía nam Sri Lanka vào năm 2017 trong hợp đồng thuê 99 năm sau khi nước này không trả được nợ.
“Các cảng có mục đích sử dụng kép ở hầu hết mọi quốc gia – cho mục đích dân sự cũng như sử dụng cho quân sự”, bà Bonnie Glick, phó quản trị viên của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nói với tờ The Epoch Times.
“Cách mà Trung Quốc tái định hình toàn cầu, nó đã rất chiến lược khi nhắm vào các cảng có giá trị nhất trước tiên và tìm mọi cách tiếp cận để thao túng các quốc gia đó”, bà cho biết.
Theo bà Glick, điều tương tự cũng xảy ra ở quốc gia Djibouti ở Đông Phi, nơi Trung Quốc xây dựng một cảng nhượng quyền. Đất nước này nằm ở lối vào Biển Đỏ nơi Hoa Kỳ có lợi ích quốc phòng mạnh mẽ. Gần 10% xuất khẩu dầu trên thế giới và 20% của tất cả các hàng hóa thương mại đều hướng qua Kênh đào Suez đi qua Djibouti.
“Djibouti không trả được nợ và Trung Quốc cuối cùng kiểm soát hoàn toàn các hoạt động tại cảng ở Djibouti”, bà Glick nói, gọi BRI là “Một vành đai, một con đường – con đường một chiều đi tới những khoản nợ không thể trả”.
Xóa nợ
Cả Ngân hàng Thế giới và IMF đều đã kêu gọi các nền kinh tế G20 bao gồm Trung Quốc cung cấp xóa nợ cho 76 nước nghèo nhất thế giới và cho phép họ tái chuyển hướng các quỹ để chống lại đại dịch.
Trung Quốc là nước ký kết sáng kiến ​​đình chỉ dịch vụ nợ được các quốc gia G20 đồng ý, là sáng kiến cho phép đóng băng các khoản nợ cho các quốc gia nghèo nhất theo yêu cầu. Việc đình chỉ sẽ diễn ra từ ngày 1/5 đến cuối năm 2020.
Theo bà Glick, phản ứng ban đầu của Trung Quốc về xóa nợ là tích cực. Nhưng sau đó, “Họ bắt đầu đưa ra tất cả các điều kiện về loại nợ nào sẽ được xem xét để xóa nợ, cẩn thận cố xâu từng cái kim để giữ lại những khoản nợ song phương mà Trung Quốc sở hữu”, bà nói.
Các dự án xây dựng hàng loạt của BRI được tài trợ chủ yếu thông qua một loạt các chính quyền địa phương Trung Quốc và các tổ chức do nước này kiểm soát.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã đưa ra tuyên bố cứng rắn chống lại tham vọng của Trung Quốc nhằm phát triển ảnh hưởng tại các thị trường mới nổi và đại dịch đã thổi bùng lên những lo ngại này.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết cả thế giới đang thức tỉnh trước những thách thức do Đảng cộng sản Trung Quốc đặt ra. Ông nói với các phóng viên hôm 20/5: “Trung Quốc bị cai trị bởi một chính quyền tàn bạo, độc tài……kể từ năm 1949. Trong nhiều thập niên, chúng tôi đã nghĩ rằng chính quyền này sẽ trở nên giống chúng ta hơn thông qua trao đổi thương mai, khoa học, tiếp cận ngoại giao, cho phép họ tham gia WTO như một quốc gia phát triển”.
“Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Chúng tôi đã đánh giá rất thấp mức độ thù địch về mặt tư tưởng và chính trị của Bắc Kinh đối với các quốc gia tự do”, ông cho biết.
Theo The Epoch Times
Hương Thảo dịch và Thiện Lan biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/nhieu-quoc-gia-roi-vao-bay-no-cua-trung-quoc-vi-covid-19.html

Hậu quả của việc Mỹ rút

« quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông

Thu Hằng
Luật an ninh quốc gia áp dụng đối với Hồng Kông là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trung Quốc hết kiên nhẫn trước làn sóng biểu tình đòi dân chủ kéo dài suốt một năm ở đặc khu hành chính bán tự trị. Hoa Kỳ phản đối trước mắt bằng việc ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 27/05/2020 không xác nhận Hồng Kông có « quyền tự chủ cao », một quyết định có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt, như rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông.
Bắc Kinh hy sinh Hồng Kông để giữ an ninh nội địa
Về đối ngoại, luật an ninh quốc gia mà chính quyền trung ương áp đặt tại đặc khu hành chính là đòn nắn gân phản ứng của phương Tây, trong khi « cả thế giới chống chọi với virus corona và không quan tâm đến tình hình Hồng Kông », theo nhà báo Pháp Dorian Malovic khi trả lời đài France 24 (27/05/2020).
Về đối nội, Bắc Kinh muốn triệt tiêu các cuộc biểu tình rầm rộ, thậm chí là bạo lực, ở Hồng Kông, để tránh nguy cơ phong trào lan sang Hoa lục vào lúc chính quyền trung ương vẫn phải đối phó với những chỉ trích trong nước về cách xử lý dịch Covid-19, tiếp theo là những bất ổn ở Tân Cương và Tây Tạng.
Tuy nhiên, nếu Washington trừng phạt Bắc Kinh bằng cách rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông, thì quyết định này chỉ gây tác động rất nhỏ đến Trung Quốc do « Trung Quốc không còn phụ thuộc vào Hồng Kông như trước nữa », theo nhà nghiên cứu Nicholas Lardy, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, được báo mạng South China Morning Post trích dẫn ngày 27/05. Thực vậy, vào thời điểm được Anh Quốc trao lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông chiếm khoảng 18% GDP của Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này hiện chỉ còn 3%, theo Ngân Hàng Thế Giới.
Bà Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu về châu Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), cho rằng « chúng ta sẽ thấy hồi kết của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm tài chính ngang hàng với New York và Luân Đôn. Cá nhân tôi nghĩ rằng đó là điều mà chính phủ Hoa lục sẵn sàng hy sinh ».
Doanh nghiệp Mỹ, dân Hồng Kông bị thiệt
Giới chuyên gia Mỹ, khi trả lời Mark Magnier, thông tín viên tại Washington của South China Morning Post, nhận định chính các doanh nghiệp Mỹ tại đặc khu và người dân Hồng Kông sẽ chịu thiệt hơn chính quyền Hoa lục, nếu Washington rút « quy chế thương mại đặc biệt » của Hồng Kông.
Nhà nghiên cứu Nicholas Lardy đặt câu hỏi : Tại sao chúng ta (Mỹ) muốn trừng phạt người dân Hồng Kông vì những việc làm của chính phủ Bắc Kinh ? Thực vậy, theo ông, quyết định trừng phạt Trung Quốc « sẽ tác động vô cùng tiêu cực đến các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Hồng Kông » và đến người dân ở đặc khu hành chính. Tương tự, Richard Bush, thành viên của cơ quan tư vấn Brookings Institution, cũng cho rằng chính « người dân Hồng Kông sẽ bị tác hại về nhiều mặt » và càng cho Bắc Kinh có cớ để cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào nội tình Hồng Kông.
Theo giới phân tích, tùy theo cấp độ nghiêm trọng trong các biện pháp trừng phạt của Washington, khoảng 1.200 doanh nghiệp Mỹ tại Hồng Kông sẽ phải đối mặt với những điều kiện thương mại khó khăn hơn, hoặc chi phí cho khả năng dời trụ sở, cũng như nguy cơ các nhà lãnh đạo bị đưa sang Hoa lục mà không cần tuân thủ luật của đặc khu hành chính.
Quan hệ Mỹ-Trung trước nguy cơ thay đổi sâu sắc
Phòng Thương Mại Mỹ từng đề nghị Bắc Kinh xem lại quyết định bỏ phiếu luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, vì theo họ, đó sẽ là « một sai lầm nghiêm trọng ở nhiều cấp độ » để Hồng Kông tiếp tục duy trì vai trò là điểm đầu tư hấp dẫn và là trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên, Quốc Hội Trung Quốc đã thông qua đạo luật ngày 28/05 và quyết định này là không thể đảo ngược được.
Giới chuyên gia khuyến cáo, nếu trừng phạt, Mỹ nên nhắm vào Bắc Kinh, chứ không phải vào người dân Hồng Kông. Bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Hoa, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho rằng Hoa Kỳ nên « áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các cá nhân, thực thể vi phạm quyền tự trị của Hồng Kông » hoặc cũng có thể tính đến « các biện pháp trừng phạt nhắm vào các ngân hàng hợp tác với các thực thể bị cáo buộc là vi phạm luật bảo đảm quyền tự trị của Hồng Kông ».
Hiện Mỹ chưa đưa ra các biện pháp tiếp theo, sau phát biểu của ngoại trưởng Mike Pompeo, nhưng « mọi trừng phạt có nguy cơ thay đổi sâu sắc mối quan hệ Mỹ-Trung, tương lai của Hồng Kông và hệ thống kinh tế thế giới », theo chuyên gia Richard Bush.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200528-h%E1%BA%ADu-qu%E1%BA%A3-c%E1%BB%A7a-vi%E1%BB%87c-m%E1%BB%B9-r%C3%BAt-quy-ch%E1%BA%BF-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t-c%E1%BB%A7a-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng

Căng thẳng Ấn Độ – Trung Quốc tại biên giới

Trọng Nghĩa
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc ngày 28/05/2020 vẫn tiếp tục đối đầu với nhau tại khu vực Ladakh ở biên giới đang tranh chấp giữa hai bên trên cao nguyên dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya). Cách nay ba tuần, lính Trung Quốc đã vượt qua đường ranh giới và chạm trán với lực lượng Ấn Độ trấn giữ khu vực. Từ đó đến nay, hai bên đã gởi quân tăng viện đến vùng Ladakh.
Giới phân tích gắn liền hành vi của Trung Quốc tại vùng biên giới với Ấn Độ với động thái lấn lướt tương tự nhắm vào Hồng Kông và Đài Loan, nhằm chứng minh quyền kiểm soát của Bắc Kinh không hề suy yếu sau cuộc khủng hoảng virus corona.
Từ New Delhi, thông tín viên RFI Sébastien Farcis tường trình:
Vào ngày 05/05, khoảng 250 binh sĩ Trung Quốc được cho là đã xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ, tiến vào khu vực tranh chấp Ladakh, gây ra một cuộc xô xát bằng gậy gộc, làm cho 100 binh sĩ bị thương. Bốn hôm sau, một cuộc tấn công tương tự đã diễn ra ở vùng giáp giới bang Sikkim, xa hơn về phía đông.
Bắc Kinh dường như muốn dằn mặt New Delhi, vốn đã cho xây dựng những tuyến đường và phi đạo mới ở vùng Ladakh để triển khai quân đội. Tuy nhiên, theo chuyên gia Harsh Pant, giám đốc nghiên cứu tại trung tâm tham vấn độc lập Observer Research Foundation ORF, New Delhi, hành vi gây hấn mới này của Trung Quốc đồng thời là một thông điệp cảnh cáo chính trị nhắm vào Ấn Độ.
Theo chuyên gia Harsh Pant, “Ấn Độ đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc kể từ cuộc khủng hoảng virus corona, đã ủng hộ yêu cầu điều tra về nguồn gốc của virus và nhất là hai nghị sĩ Ấn Độ đã dự lễ tuyên thệ nhậm chức của nữ tổng thống Đài Loan, điều chưa từng thấy từ trước đến nay”.
Chuyên gia Ấn Độ cho rằng thái độ mới của New Delhi bắt nguồn từ nhận định là cho đến nay, Trung Quốc không hề đếm xỉa đến thái độ nhạy cảm của Ấn Độ trên vấn đề Pakistan, vậy tại sao Ấn Độ lại không làm như vậy với Đài Loan? Do đó, theo ông Harsh Pant, ”Đài Loan có thể trở thành một công cụ mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ”. 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gặp khó khăn kể từ cuộc khủng hoảng Covid-19, dường như đang tìm cách chứng tỏ ông vẫn giữ quyền kiểm soát trên các vùng biên giới đang tranh chấp đúng vào lúc Quốc Hội Trung Quốc đang họp.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200528-c%C4%83ng-th%C4%83%CC%89ng-%C3%A2%CC%81n-%C4%91%C3%B4%CC%A3-trung-qu%C3%B4%CC%81c-ta%CC%A3i-bi%C3%AAn-gi%C6%A1%CC%81i

Úc với giải pháp chống dịch Covid-19

vô cùng hiệu nghiệm và … kỳ lạ!

Hương Thảo
Tác giả Ling Xiaohui có một bài luận hôm 25/5 trên tờ The Epoch Times, đề cập đến nguyên nhân sâu xa mà theo cô, nước Úc có thể đẩy lùi dịch Covid-19 nhanh chóng và hiệu quả đến vậy. Dưới đây là toàn văn bài viết.
Hôm 12/3 giới chức y tế bang New South Wales của Úc tuyên bố rằng họ dự kiến ​​sẽ có 20% trong số 8 triệu cư dân của bang có thể nhiễm Covid-19.
Ngoại suy từ mô hình dữ liệu này, có tới 5,1 triệu người dân trên khắp nước Úc có thể bị tác động bởi làn sóng lây nhiễm trên toàn quốc đầu tiên, vốn có thể kéo dài từ 12 đến 22 tuần.
Tuy nhiên, hơn hai tháng sau, tổng số ca nhiễm virus được xác nhận ở Úc chỉ vào khoảng 7.079, và ghi nhận 100 trường hợp tử vong, tính đến ngày 20/5. Sự khác biệt giữa con số ước tính và thực tế là rất rõ ràng.
Một cách thức hiệu quả để đẩy lùi dịch bệnh
Trong hội thảo trực tuyến về Covid-19 do Viện Khoa học Y tế và Sức khỏe Úc ngày 29/4, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Sharon Lewin quy tỷ lệ tử vong thấp này là do quyết định của Thủ tướng Scott Morrison trong việc cấm hoặc cách ly người đến từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/2. Giáo sư Shitij Kapur từ ĐH Melbourne, người chủ trì hội thảo, đồng tình với quan điểm của ông Lewin. Ông đã đối chiếu tình trạng giữa Úc và Canada. Ông nói, “trong 16 ngày đầu tiên của đại dịch, chúng tôi [Úc và Canada] đều ghi nhận dưới 10 trường hợp … nhưng sau đó một số thứ đã thay đổi vào cuối tháng ba”.
“Hôm nay Canada ghi nhận tới 45.000 trường hợp và chúng tôi chỉ có 6000. Chỉ một tháng trước, cả hai nước đều có khoảng 4000 trường hợp. Điều này cho chúng ta thấy hoàn cảnh đã thay đổi nhanh chóng như thế nào”, ông Kapur nói.
Kết luận của các chuyên gia trên được rút ra dựa trên quan sát các hiện tượng bề mặt, rằng việc giấu dịch của ĐCSTQ đã khiến virus lây lan ra toàn cầu.
Tôi cho rằng, một yếu tố khác góp phần vào số ca lây nhiễm và tử vong thấp đến bất ngờ ở Úc, một yếu tố rất tiềm năng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn, là: phân tách khỏi ĐCSTQ và tiết lộ sự thật về nguồn gốc nCoV.
Hành động vạch trần sự xâm nhập và đe dọa của ĐCSTQ của chính phủ Úc và các phương tiện truyền thông Úc đã góp phần ngăn chặn chính quyền Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các vấn đề nội bộ của đất nước. Gần đây, sự quyết tâm của chính phủ Úc trong việc thúc đẩy chiến dịch điều tra nguồn gốc virus chính là điều kiện thiết yếu để đẩy lùi đại dịch. Đây là một động thái quan trọng để phơi bày sự thật rằng đại dịch được kích khởi bởi sự che đậy vào giai đoạn ban đầu của ĐCSTQ.
Sự thúc đẩy một cuộc điều tra độc lập
Thủ tướng Morrison đã quyết tâm kêu gọi thúc đẩy một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc Covid-19 vì hai lý do. Ông nhấn mạnh Úc cam kết điều tra sự lây lan và nguồn gốc của Covid-19. Nếu cuộc điều tra được tiến hành, vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ được xem xét kỹ lưỡng vì phản ứng chậm chạp của nó trong giai đoạn đầu bùng phát dịch.
Và Thủ tướng Morrison đã không chần chừ trong việc tìm kiếm những tiếng nói ủng hộ cho một cuộc điều tra quốc tế về đại dịch. Ông đã gọi điện thoại qua đêm cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Thủ tướng Morrison tin rằng một cuộc điều tra độc lập là một gợi ý rõ ràng và thường tình. Rốt cuộc, kể từ khi dịch bệnh được báo cáo lên WHO vào ngày 31/12, Covid-19 đã gây ra hơn 5 triệu ca lây nhiễm và hơn 300.000 ca tử vong trên toàn cầu.
Theo tờ South China Morning Post, dữ liệu của chính phủ đại lục từ ngày 17/11/2019 cho thấy trường hợp tử vong được xác nhận đầu tiên có thể là một cư dân Hồ Bắc 55 tuổi.
Khi thế giới sốt sắng tìm hiểu sự thật về Covid-19, chính quyền này đã phản ứng một cách kịch liệt. Đại sứ Trung Quốc Thành Cạnh Nghiệp cảnh báo việc Úc theo đuổi một cuộc điều tra Covid-19 toàn cầu có thể châm ngòi cho một cuộc tẩy chay ngành du lịch và nông nghiệp Úc của Trung Quốc.
Đáp lại lời đe dọa từ đại sứ Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Simon Birmingham cho biết các bình luận này quả thật “gây thất vọng”, tuy nhiên lập trường của Úc sẽ không thay đổi.
“Úc sẽ không thay đổi lập trường về một vấn đề sức khỏe cộng đồng mang tính chủ chốt trước áp lực kinh tế hoặc các đe dọa [từ Bắc Kinh], cũng giống như chúng tôi sẽ không thay đổi quan điểm chính sách của mình về các vấn đề an ninh quốc gia”, ông Birmingham nói.
Bộ trưởng Thương mại cũng xác nhận rằng người đứng đầu Bộ Ngoại giao và Thương mại ông Frances Adamson, cũng đã gọi cho đại sứ Trung Quốc để khẳng định lập trường của mình.
Ngày 27/4, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cũng phản đối “bất kỳ quan điểm nào cho rằng việc đe dọa kinh tế là một phản ứng phù hợp đối với lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra nguồn gốc virus, nhất là trong bối cảnh điều cần nhất bây giờ là một sự hợp tác mang tính toàn cầu”.
Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt cũng cho rằng một cuộc điều tra độc lập như vậy sẽ phục vụ cho lợi ích của Úc và của toàn thế giới.
Người phát ngôn các vấn đề đối ngoại Penny Wong cũng cho biết Đảng Lao động đối lập cũng ủng hộ lời kêu gọi của chính phủ trong việc này. “Thế giới muốn tìm hiểu nguồn gốc Covid-19, và thế giới có quyền được biết điều này”, ông Wong nói, đồng thời nói thêm rằng cuộc điều tra là “một điều đúng đắn cần phải làm” cho nhân loại.
Lãnh đạo Đảng Lao động Anthony Albanese cũng ủng hộ lời kêu gọi của chính phủ xem xét nguồn gốc virus. Tờ PerthNow trích lời ông:
“Nhân tố nền tảng cho mối quan hệ hợp tác song phương là sự minh bạch. Úc muốn có một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, nhưng nó phải được xây dựng dựa trên sự tin cậy và minh bạch”.
Tờ Daily Telegraph của Úc đã đăng một bài viết trích dẫn một hồ sơ dài 15 trang của liên minh tình báo Five Eye, cho biết tài liệu này hé lộ “Trung Quốc đã cố tình che đậy bằng chứng cảnh báo sớm về virus [Covid-19] thuần túy là do sự bất cẩn”. Tài liệu chỉ rõ hành vi che đậy của Trung Quốc đã “giáng một đòn vào tính minh bạch quốc tế”.
Phát biểu với kênh CNBC, chủ tịch EU Ursula von der Leyen cho biết bà muốn thấy Trung Quốc hợp tác với EU cùng các tổ chức khác để tìm hiểu đến tận cùng nguồn gốc đại dịch.
Sự lan rộng và phát triển của Covid-19 thành đại dịch toàn cầu có nguyên nhân là do sự bưng bít của ĐCSTQ vào thời điểm ban đầu. Do đó, nhu cầu trên toàn cầu đối với một cuộc điều tra nguồn gốc virus là chính đáng. Mặt khác, lập trường mạnh mẽ của chính phủ Úc trong việc phải tiến hành một cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 tự nó cũng là một cuộc điều tra đối với các tội ác của ĐCSTQ, và ĐCSTQ biết rất rõ điều này.
Nhận ra bản chất xấu xa của ĐCSTQ
Ngày 28/4, ký giả Peter Hartcher của tờ The Sydney Morning Herald đăng một bài bình luận, trong đó có đoạn:
“Đại sứ Trung Quốc Thành Cạnh Nghiệp đã làm một điều tuyệt vời cho Úc .. khi cho chúng ta thấy bộ mặt thật của chính phủ Trung Quốc đối với Úc”.
“Trong nhiều năm Đảng cộng sản Trung Quốc đã nỗ lực phá hoại chủ quyền nước Úc một cách có hệ thống. Họ muốn ‘tiếp quản’ hệ thống chính trị của chúng ta – theo cách nói của cựu Cố vấn an ninh quốc gia Úc và cựu giám đốc Cục Tình báo Úc, ông Duncan Lewis”.
“Tuy nhiên [ở bề mặt], chính quyền Trung Quốc luôn giữ một bộ mặt tươi cười của tình hữu nghị song phương. Như Chủ tịch Tập Cận Bình từng phát biểu trước Quốc hội Úc năm 2014, hai nước nên là những người láng giềng hài hòa, gắn bó với nhau trong cả thời điểm tốt lẫn xấu”.
“Vâng, thời điểm xấu ấy đang đến với chúng ta, nhờ vào cái đại dịch ‘made in China’ này. Và đại diện chính thức của Trung Quốc tại Úc đã làm gì? Đại sứ Thành đã công khai đe dọa Úc bằng các vụ tẩy chay thương mại”.
“Ông ấy đã nói rằng một cuộc điều tra là một ý tưởng rất ‘nguy hiểm’. Sự ngu ngốc trong quan điểm của đại sứ Thành, nó đã bị nhân lên gấp ba”.
“Đầu tiên, ông ấy đã khá dại dột khi tự bóc trần ý định thực tế của Bắc Kinh đối với Úc. ĐCSTQ tìm kiếm sự thống trị, thông qua mọi thủ đoạn”.
“Nhưng giờ đây, các nhân viên của đảng này (ĐCSTQ) luôn đe dọa và gây áp lực nhưng luôn làm một cách lén lút và không công khai. Nhưng hiện nay tất cả chúng ta đều đã thấy sự thật – trong đó hoàn toàn không có thiện chí, chỉ là cách hành xử kiểu xã hội đen”.
“Thứ hai, ‘đó là một phần nhỏ trong chính sách ngoại giao Chiến Lang, ông đại sứ tỏ vẻ hậm hực nhưng điều đó không là gì bởi ngôi nhà đã sụp đổ rồi – Trung Quốc đã gây thiệt hại cho nền kinh tế chúng ta [thông qua đại dịch] lớn hơn bất kỳ đòn tẩy chay kinh tế nào sau đó’, ông Rory Medcalf, hiệu trưởng trường đại học an ninh quốc gia Úc ANU, nói.
“Và thứ ba, những bình luận của đại sứ Thành thật ngu ngốc, bởi vì một nỗ lực công khai đe dọa Thủ tướng Morrison chỉ có thể khiến người dân Úc đoàn kết lại xung quanh ngài Thủ tướng hơn mà thôi”.
Giám đốc Ngân khố Josh Frydenberg đã mô tả những chỉ trích mới nhất của Trung Quốc về Úc là một sự lố bịch.
“Chúng tôi sẽ không khuất phục trước sự cưỡng chế kinh tế của Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng vì lợi ích quốc gia Úc, và chúng tôi sẽ không đánh đổi mục tiêu sức khỏe vì mục tiêu kinh tế”, ông nói với Sky News.
Trước đó, đã có báo cáo về việc các tập đoàn bất động sản toàn cầu khổng lồ được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn hoặc thuộc sở hữu của Trung Quốc như Greenland Group và Risland Australia, đã vận chuyển nhiều tấn vật tư y tế thiết yếu đến Trung Quốc trong suốt tháng 1 và 2 – một ví dụ điển hình trong chiến dịch thu gom ồ ạt vật tư y tế toàn cầu để sau đó bán lại cho thế giới nhằm trục lợi dưới chỉ thị của ĐCSTQ.
Điều gì đã tạo ra bước ngoặt trong việc kiềm chế dịch của Úc?
Yuanhua Li, một học giả hiện đang sinh sống tại Úc, nhận định rằng đại dịch toàn cầu đã khiến người dân và chính phủ Úc thức tỉnh trước những lời dối trá và hành vi kiểu xã hội đen của ĐCSTQ.
Thật vậy, thảm họa gây ra bởi sự dối trá của ĐCSTQ đã mang đến tác động hủy diệt đối với Úc. Nó đã thúc đẩy sự thức tỉnh nhanh chóng của cả một quốc gia.
Phân tách khỏi ĐCSTQ là phân tách khỏi Covid-19
Có thể thấy rằng các quốc gia và khu vực có quan hệ gần gũi với ĐCSTQ đã gặp phải vấn đề lớn hơn với Covid-19 so với những nước còn lại. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Việc phân tách khỏi ĐCSTQ là một chiến lược hiện đang được nhiều nước xem xét. Phân tách khỏi ĐCSTQ về mặt kinh tế, chiến lược và đạo đức có ý nghĩa trên nhiều cấp độ.
Đối với bất kỳ ai ở bất kỳ quốc gia nào, việc lên án và nói không với ĐCSTQ – dù là công khai hay chỉ đơn giản trong nội tâm – sẽ là một bước tiến lớn đến một tương lai tươi sáng, đặc biệt tại thời điểm bước ngoặt và quan trọng này.
Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả Ling Xiaohui trên tờ The Epoch Times và không nhất định phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên. Bài viết do Hương Thảo dịch & biên tập.
https://www.dkn.tv/the-gioi/uc-voi-giai-phap-chong-dich-covid-19-vo-cung-hieu-nghiem-va-ky-la.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?