Đọc báo Pháp – 28/08/2020

Đọc báo Pháp – 28/08/2020

Ra tay thanh trừng, Tập Cận Bình siết chặt gọng kềm tại Trung Quốc – Thụy My

Chủ tịch Trung Quốc đã tung ra chiến dịch thanh trừng mới, nhằm bám chặt quyền lực độc tôn, chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 2022. Le Figaro cảnh báo, Tập Cận Bình không dừng lại ở đây, mà tham vọng của ông ta là vượt lên khỏi tầm vóc Mao Trạch Đông : thống trị hoặc vô hiệu hóa Hoa Kỳ, làm bá chủ thế giới.
Về thời sự nước Pháp, Les Echos ghi nhận « Đến lượt Paris phải đeo khẩu trang » : do các trường hợp dương tính đã tăng gấp bốn lần, bắt đầu từ hôm nay khẩu trang trở thành bắt buộc khi ra đường ở Paris và ngoại ô gần. Le Monde chạy tựa trang nhất « Chính quyền Pháp trước nguy cơ thất nghiệp hàng loạt ».Libération đề cập đến việc chính phủ, cánh hữu và cực hữu đều nhấn mạnh nạn mất an ninh, chuẩn bị cho kỳ tranh cử tổng thống 2022.
Đúng năm sau khi thủ tướng Angela Merkel mở cửa cho người tị nạn, La Croix tìm gặp những người đã được nước Đức tiếp nhận và một số khuôn mặt đã giúp đỡ người tị nạn. Riêng Le Figaro dành hồ sơ cho chủ đề « Tập Cận Bình siết chặt gọng kềm lên Trung Quốc ».
« Chỉnh phong » để hợp pháp hóa Nhà nước công an trị
Chủ tịch Trung Quốc đã tung ra chiến dịch thanh trừng mới, nhằm bám chặt quyền lực độc tôn, không ai được tranh cãi, chuẩn bị cho Đại hội Đảng năm 2022. Trong bài viết mang tựa đề « Tập Cận Bình siết lại những chiếc bù-loong cuối cùng của quyền lực tuyệt đối », Le Figaro nhận định ông Tập muốn đứng ngang hàng với nhà độc tài Mao Trạch Đông.
Chiến dịch « chỉnh phong » Diên An do Mao tung ra năm 1942 kéo dài ba năm đã làm cho 10.000 người chết, 10% đảng viên bị khai trừ. Còn hai năm nữa đến Đại hội quan trọng, Tập Cận Bình khởi động đợt thanh trừng nhắm vào bộ máy tư pháp và chính trị, nhằm dập tắt hẳn mọi phản kháng trong nội bộ.
Bắt đầu từ tháng Bảy, chiến dịch chỉnh phong 2.0 này sẽ diễn ra trong hai năm, nhằm « nạo chất độc đến tận xương », « nhổ bật đi những thành phần có hại cho tập thể ». Theo Trần Nhất Tân (Chen Yixin), nhân vật thân cận với Tập Cận Bình phụ trách việc thanh trừng, thì « đội ngũ tư pháp và chính quyền phải hoàn toàn trung thành, trong sáng và đáng tin cậy ».
Nhà chính trị học độc lập Lôi Cường (Wu Qiang) ở Bắc Kinh giải thích, ngoài mặt là chống tham nhũng, nhưng thực tế là thanh trừng để tống khứ đi những người cạnh tranh, nhằm nắm được quyền lực tuyệt đối trong Đại hội Đảng lần thứ 20. « Chỉnh phong » còn nhằm hợp pháp hóa một Nhà nước công an trị, đặt nền móng cho một « hệ thống SS » tại Trung Quốc.
Thanh trừng trong bối cảnh phức tạp
Tập Cận Bình, được cho là mạnh lên với việc quản lý đại dịch virus corona và sự tấn công liên tục của tổng thống Mỹ Donald Trump, tự tin bắt đầu cuộc thanh trừng với sự ủng hộ của phe dân tộc chủ nghĩa, nhưng trong bối cảnh phức tạp. Ở bên ngoài, Hoa Kỳ chuyển sang thế công khai tiến công, trong khi Trung Quốc vất vả không tìm được đồng minh. Trong nước thì kinh tế chậm lại, không có đủ cơ hội cho tầng lớp trung lưu ngày càng đòi hỏi cao. Bên cạnh đó là nguy cơ một đợt dịch thứ hai, lụt lội kỷ lục, mà theo người Hoa đó là điềm xấu.
Đại hội Đảng năm 2022 là dịp để thay thế một số lớn quan chức, ông Tập đang ở thế mạnh để bố trí người của mình. Từ nay cho đến lúc đó, không một tiếng nói phản biện nào được phép cất lên. Theo truyền thống, thì thời gian chuẩn bị đại hội là dịp cho những đòn đánh dưới thắt lưng, ly khai và đấu đá giành quyền lực, nhiều kịch bản có thể diễn ra. Cũng theo truyền thống, thì lẽ ra Tập Cận Bình phải rời ghế chủ tịch nước năm 2022.
Tuy nhiên đến nay không có dấu hiệu gì cho thấy ông chuẩn bị người kế nhiệm, mà ngược lại, tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương đã hủy bỏ luôn quy định không được giữ quá hai nhiệm kỳ chủ tịch nước. Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz nhận xét, vấn đề là liệu Tập Cận Bình có xóa hết những hạn chế được Đặng Tiểu Bình đặt ra trước đây, và nguyên tắc lãnh đạo tập thể đã chết hẳn hay không.
Cá nhân hóa quyền lực, Tập Cận Bình muốn làm bá chủ thế giới
Tại thành phố Linh Bảo (Lingbao) tỉnh Hà Nam (Henan), khoảng 30 cán bộ đã bị cách chức. Tuần rồi, giám đốc công an Thượng Hải, chức vụ quan trọng tại thành phố giàu nhất Trung Quốc, đã bị thanh tra. Những tiếng nói phản biện hiếm hoi trong đảng đã bị bắt giữ, truy lùng, khai trừ.
Thái Hà (Cai Xia), cựu giáo sư trường đảng trung ương là trường hợp mới nhất phải trả giá, tuy không hề là nhà ly khai. Bà phải trốn khỏi Trung Quốc vì đã chỉ trích việc tập trung quyền lực trong tay Tập Cận Bình theo kiểu « trùm mafia ». Hồi tháng Bảy, giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun) của trường đại học Thanh Hoa bị công an bắt do phê phán việc xử lý đại dịch.
Chuyên gia Tăng Duệ Sinh (Steve Tsang) của Viện SOAS giải thích : « Tập Cận Bình càng mạnh thì ông ta càng cảm thấy an toàn hơn, càng siết chặt những tiếng nói phản kháng. Từ nay chỉ cần chỉ trích là trở thành nhà ly khai. Việc cá nhân hóa quyền lực khiến Tập phải tiếp tục chứng tỏ ông ta là người mạnh nhất, không ai có lợi gì khi phản đối ông ».
Trong một đảng luôn thiếu tính minh bạch, nếu thực sự có những ý kiến chống lại tổng bí thư thì cũng không thể bộc lộ, và những ai nói ra thì không ở trung tâm quyền lực. Điều khiến cho Tập Cận Bình lo sợ nhất là sự xuất hiện một phe phái độc lập, phản công lại thành trì mà ông đã gầy dựng từ 10 năm qua. Tăng Duệ Sinh kết luận : « Giờ đây ai phản đối sẽ phải sẵn sàng đi đến tận cùng, hoặc phải trả giá đắt. Không có một chỗ nào cho đối thoại ».
Le Figaro trong bài xã luận đã cảnh báo, Tập Cận Bình không dừng lại ở đây, mà tham vọng của ông ta là vượt lên khỏi tầm vóc Mao Trạch Đông : thống trị hoặc vô hiệu hóa Hoa Kỳ, làm bá chủ thế giới.
Dân Trung Quốc được yêu cầu không lãng phí, do thiếu thực phẩm?
Cũng về Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Le Figaro ghi nhận « Người dân Hoa lục được yêu cầu ăn ít hơn, sau nạn lụt và dịch Covid ».
Chiến dịch vận động toàn quốc không để lại thức ăn thừa trên chén dĩa được ông Tập Cận Bình tung ra từ ba tuần qua nhằm giảm lãng phí thực phẩm. Các hashtag #n-1 và #n-2 tràn ngập internet, nhắc nhở các nhà hàng buộc các nhóm thực khách đặt ít hơn 1 hoặc 2 phần ăn cho cả nhóm. Một nhà hàng ở miền trung thậm chí còn yêu cầu khách cân trước và sau bữa ăn để bảo đảm họ không ăn nhiều quá, nhà hàng khác thì phạt tiền nếu khách không ăn hết.
Đây là lần thứ hai Tập Cận Bình đánh vào nạn lãng phí lương thực, ước tính 17 đến 18 triệu tấn một năm tại Trung Quốc, nuôi được 30 đến 50 triệu người. Lần đầu tiên năm 2013 nhằm hạn chế những bữa tiệc linh đình của quan chức và doanh nhân, còn phiên bản 2020 đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đặc biệt khó khăn.
Liên tiếp xảy ra những trận lụt mạnh nhất từ nhiều thập niên, chuỗi cung ứng bị cắt đứt do đại dịch, cúm heo làm đàn heo giảm sút mạnh, châu chấu phá hoại mùa màng, và xung đột thương mại Mỹ-Trung. Hậu quả là giá thực phẩm tăng 13%, trong đó giá rau quả tăng cao nhất kể từ 5 năm qua, khiến người nghèo sau dịch Covid càng thêm khốn khó. Một số nước như Việt Nam và Thái Lan, do sợ thiếu thực phẩm, đã ngưng xuất khẩu trứng và ngũ cốc sang Trung Quốc.
Phải nói rằng chủ đề thực phẩm đặc biệt nhạy cảm tại Hoa lục, với nhiều trận đói đã xảy ra trong lịch sử, như nạn đói 1959-1961 đã làm 60 triệu người chết.
Vũ Hán cố trưng ra bộ mặt chiến thắng virus
Trên phương diện y tế, Le Monde mô tả « Vũ Hán, tủ kính trưng bày của Trung Quốc về một thế giới hậu Covid ». Bắc Kinh khoe khoang đã ngăn chận được dịch tại nơi xuất phát con virus độc hại, tuy nhiên thực ra vết thương chưa lành.
Hàng ngàn người nhảy múa trong lễ hội techno hôm 15/08 mà không hề mang khẩu trang. Công viên giải trí « Thung lũng hạnh phúc » đại hạ giá các trò chơi, lễ hội bia 21/08 vào cửa tự do, 400 địa điểm du lịch không thu phí…Tài xế taxi không còn mang khẩu trang, các camera đo nhiệt độ được tháo gỡ, khách thoải mái vào các cửa hàng không bị kiểm soát. Tất cả nhằm chứng minh thành phố từng bị phong tỏa như thời Trung Cổ trong 75 ngày đã trở lại bình thường. Thậm chí Viện bảo tàng quốc gia từ ngày 01/08 còn tổ chức triển lãm về cuộc đấu tranh chống virus, nhưng chỉ những ai có thẻ căn cước Trung Quốc mới được vào.
Tuy nhiên, các cơ sở thương mại bị giảm phân nửa doanh thu, khách sạn hoạt động cầm chừng dù đã giảm giá. Nhà văn Phương Phương, tác giả « Nhật ký Vũ Hán » bị cấm tiếp xúc báo chí ngoại quốc, một nhà hoạt động nữ quyền đã nhận trả lời phỏng vấn của Le Monde rốt cuộc từ chối sau khi ủy ban khu phố đến làm việc.
Ngải Vị Vị : Phương Tây không bảo vệ những giá trị của chính mình trước Trung Quốc
Cũng về Vũ Hán, Le Monde cho biết nghệ sĩ lưu vong Ngải Vị Vị (Ai Weiwei) từ châu Âu đã thực hiện được một bộ phim về thành phố này trong thời kỳ phong tỏa, trong đó ông tố cáo phương pháp của chế độ.
Khoảng hơn một chục bạn bè, nhà đấu tranh đã giúp thực hiện cuốn phim, đa số bằng camera quay lén. Bộ phim tài liệu dài 1 giờ 50 phút trình bày hai tháng rưỡi Vũ Hán bị phong tỏa, trên mọi phương diện – từ sự tận tụy của đội ngũ nhân viên y tế cho đến việc từ chối giao tro cốt cho người thân, buộc phải có đảng viên đi kèm…
Ngải Vị Vị muốn cảnh báo phương Tây, rằng không quốc gia nào có thể huy động bằng ấy người lao vào chống dịch với cung cách quân sự như thế, tuy nhiên đây không phải là hình mẫu vì Bắc Kinh sẵn sàng hy sinh nhân mạng.
Theo ông « chủ nghĩa tư bản nhà nước hiệu quả hơn tư bản dân chủ, và các thành phố hiện đại như Thượng Hải, Bắc Kinh tạo cảm giác giống như phương Tây. Tuy nhiên về văn hóa và ý thức hệ thì vô cùng khác biệt. Trung Quốc từ chối nhân quyền, độc lập tư pháp, tam quyền phân lập, quyền bầu cử. Không phải đảng đang lãnh đạo đất nước mà thực tế quyền hành trong tay chỉ một người. Nhưng Trung Quốc lại rất hùng mạnh ». Vậy thì câu hỏi đặt ra là « Chúng ta muốn kiểu xã hội nào ? Châu Âu do dự, còn Hoa Kỳ chiến đấu ».
Cuốn phim của Ngải Vị Vị chỉ có thể xem được trên internet, vì các liên hoan điện ảnh chính đều từ chối. Không ai muốn làm mất lòng Bắc Kinh, trong khi đây là bộ phim đầu tiên về Vũ Hán. Nghệ sĩ lấy làm tiếc : « Mọi người đều tự kiểm duyệt. Phương Tây không bảo vệ những giá trị của chính mình ».

Tin tổng hợp
(Reuters) – Ấn Độ ngừng mua dầu thô của Trung Quốc
Theo ba nguồn tin của Reuters ngày 27/08/2020, các nhà máy lọc dầu Nhà nước của Ấn Độ ngừng mua dầu thô từ các công ty có liên quan đến Trung Quốc, sau khi New Delhi ban hành một quy định mới, có hiệu lực từ ngày 23/07, nhằm hạn chế khối lượng nhập khẩu từ các nước có chung đường biên giới với Ấn Độ. Các nhà máy lọc dầu Nhà nước kiểm soát đến 60% công suất lọc dầu 5 triệu thùng/ngày của Ấn Độ. Quốc gia Đông Á là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới và phải nhập khẩu đến 84% nhu cầu tiêu thụ dầu.
(Reuters) - Hoa Kỳ muốn tịch thu 280 tài khoản tiền ảo của tin tặc Bắc Triều Tiên.
Theo thông báo ngày 27/08/2020 của bộ Tư Pháp Mỹ, tin tặc Bắc Triều Tiên đã sử dụng và ăn cắp hàng triệu đô la tiền ảo trong hai vụ giao dịch ảo và rửa tiền qua trung gian hai doanh nhân Trung Quốc. Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa đơn kiện sau khi truy tố vào tháng Ba hai người Trung Quốc về tội rửa tiền cho Bắc Triều Tiên. Theo chính quyền Mỹ, Bình Nhưỡng sử dụng tin tặc để tránh biện pháp trừng phạt.
(CNN) – Lầu Năm Góc : Nga khiêu khích và gây hấn làm lính Mỹ bị thương ở Syria.
Trước đó, bộ Quốc Phòng Nga đổ lỗi cho quân đội Mỹ, khẳng định Mỹ đã được thông báo về sự di chuyển của đoàn xe Nga qua khu vực an ninh ở miền đông Syria, gần Dayrick ngày 25/08 và vụ va chạm xảy ra sau khi quân đội Mỹ cố gắng chặn đường tuần tra của Nga. Còn cơ quan giám sát các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ khẳng định rằng quân đội Mỹ chưa nhận được thông báo trước về việc Nga chuyển quân.
(AFP) – Pháp : Bouygues Telecom sẽ rút 3.000 ăng ten của Hoa Vi tại những nơi đông dân chúng
Tập đoàn viễn thông Bouygues Telecom sẽ rút từ nay đến năm 2028, 3.000 ăng ten điện thoại di động 5G của Hoa Vi đặt tại những nơi đông dân cư. Tập đoàn viễn thông Pháp cho biết như trên ngày 27/08/2020, xác định rằng đó là theo yêu cầu của chính phủ Pháp, nêu lên vấn đề an ninh khi triển khai hệ thống 5G.
(AFP) – Apple có nguy cơ bị tẩy chay ở Trung Quốc
Trên mạng Twitter ngày 28/08/2020, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc, chính thức cảnh cáo : « Nếu WeChat bị cấm (ở Hoa Kỳ), thì không có lý do gì để người Trung Quốc giữ lại điện thoại iPhone và sản phẩm của Apple ». Mạng xã hội Trung Quốc sôi động ủng hộ phát biểu của của ông Triệu Lập Kiên. Một số người cho rằng dù iPhone có chất lượng tốt nhưng đó cũng chỉ là điện thoại và có thể thay thế, hoặc tình yêu đất nước là trên hết.
(AFP) – Walmart hợp tác với Microsoft để đàm phán mua TikTok của công ty ByteDance.
Hôm qua 27/08/2020 Walmart thông báo như trên. Tập đoàn khổng lồ trong lĩnh vực siêu thị của Mỹ đặc biệt quan tâm đến khả năng mạng chia sẻ vidéo TikTok tham gia thị trường thương mại trực tuyến và quảng cáo. Còn theo CNBC, TikTok sắp đạt được một thỏa thuận để chuyển nhượng hoạt động tại Mỹ, Canada và Úc cho một công ty với giá khoảng 20-30 tỉ đô la.

Điểm tin thế giới sáng 28/8:

Bắc Kinh chất vấn việc nCoV phát sinh từ Trung Quốc;

 Mỹ lên án Trung Quốc bắn tên lửa gần Hoàng Sa

Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Sáu (28/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Bắc Kinh chất vấn việc nCoV phát sinh từ Trung Quốc
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Năm (27/8) đặt nghi vấn liệu nCoV có đúng là được phát sinh từ Trung Quốc hay không, theo Reuters.
Phát biểu trong chuyến thăm Na Uy, ông Vương nói rằng mặc dù Trung Quốc là quốc gia đầu tiên báo cáo sự về sự tồn tại của nCoV với Tổ chức Y tế Thế giới nhưng “điều đó không có nghĩa là vi rút có nguồn gốc từ Trung Quốc”.
“Thực ra, trong những tháng qua, chúng tôi đã xem xết các báo cáo và thấy rằng vi rút [nCoV] đã xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, và [nó] có thể đã xuất hiện sớm hơn [thời điểm xuất hiện] ở Trung Quốc”, ông Vương nói với các phóng viên.
“Bệnh nhân số 0 là ai? Hiện vẫn chưa rõ ”, ông Vương đặt câu hỏi. Tuy nhiên truyền thông quốc tế đưa tin, một nghiên cứu viên của viện nghiên cứu về virus Vũ Hán được cho là bệnh nhân Covid số 0 đã mất tích một cách bí ẩn. Cũng đã có nhiều báo cáo đặt nghi vấn rằng nCoV là nhân tạo.
Tiến sĩ virus học người Hồng Kông Diêm Lệ Mộng, người đã trốn thoát sang Mỹ vào tháng Tư, tiết lộ rằng nCoV là chủng virus được quân đội Trung Quốc tạo ra từ hai chủng virus khác.
Mỹ lên án Trung Quốc bắn tên lửa gần Hoàng Sa
Hôm thứ Năm (27/8), Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên án các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng động thái này của Bắc Kinh đang đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực, theo AFP.
Sau khi xác nhận thông tin quân đội Bắc Kinh đã phóng tới 4 quả tên lửa đạn đạo trong các cuộc tập trận quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Lầu Năm Góc cho biết động thái này làm dấy lên nghi ngờ về cam kết năm 2002 của Trung Quốc rằng họ sẽ tránh các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông.
“Các hành động của Trung Quốc, bao gồm cả các vụ thử tên lửa, gây thêm bất ổn cho tình hình ở Biển Đông”, Lầu Năm Góc nêu quan điểm trong một tuyên bố.
“Các cuộc tập trận như vậy cũng vi phạm các cam kết của CHND Trung Hoa trong Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông [COC] nhằm tránh các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”, tuyên bố của Lầu Năm Góc viết.
Chính quyền Putin đã sẵn sàng hỗ trợ Lukashenko
Reuters đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (27/8) cho biết Điện Kremlin đã thành lập một lực lượng cảnh sát để hỗ trợ nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đối phó với người biểu tình khi tình hình vượt tầm kiểm soát.
Reuters bình luận, tuyên bố của ông Putin là tín hiệu mạnh nhất cho thấy Nga đã sẵn sàng sử dụng vũ lực ở Belarus, nơi các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra kể từ cuộc bầu cử ngày 9/8 khi đông đảo người dân
Belarus tin rằng ông Lukashenko đã gian lận để tiếp tục nới thêm thời gian cầm quyền vốn đã kéo dài gần 30 năm.
“Tất nhiên chúng tôi có những nghĩa vụ nhất định đối với Belarus, và câu hỏi mà ông Lukashenko nêu ra là liệu chúng tôi có cung cấp sự trợ giúp cần thiết hay không”, ông Putin nói với kênh truyền hình nhà nước.
“Tôi đã nói với ông ấy rằng Nga sẽ hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình. Alexander Grigorivich (Lukashenko) yêu cầu tôi thành lập một lực lượng cảnh sát dự bị và tôi đã làm điều đó. Nhưng chúng tôi cũng thống nhất rằng lực lượng này sẽ không được sử dụng trừ khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát ”, ông Putin cho biết thêm.
Tin tặc Triều Tiên rửa tiền qua hệ thống Trung Quốc
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm thứ Năm (27/8) cho biết họ đã yêu cầu tước 280 tài khoản tiền điện tử có liên quan đến các vụ tấn công do tin tặc Triều Tiên thực hiện. Bộ Tư pháp cho rằng hành động này giúp chống lại những nỗ lực không ngừng của tin tặc Bắc Hàn nhằm hỗ trợ cho một “chế độ thất bại”, theo Yonhap.
Những tin tặc này đã đánh cắp tiền điện tử trị giá hàng triệu đô la và cuối cùng rửa tiền thông qua các nhà giao dịch tiền điện tử của Trung Quốc, Bộ Tư pháp cho biết, đồng thời lưu ý thêm rằng tin tặc Triều Tiên đã đánh cắp 250 triệu đô la Mỹ tiền điện tử thông qua các các vụ hack sàn giao dịch được phát hiện hồi đầu năm.
“Hành động hôm nay vạch trần các mối liên hệ đang diễn ra giữa chương trình tấn công mạng của Triều Tiên và mạng lưới rửa tiền tiền điện tử của Trung Quốc”, Bộ Tư Pháp nói.
Tàu Iran chở Alumin của Venezuela
Các nguồn tin nói với Reuters rằng, trong tháng này một tàu Iran đã vận chuyển một lô hàng alumin từ Venezuela sau khi giao hàng cho một siêu thị ở quốc gia Nam Mỹ. Một động thái cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa Teheran và chính phủ thiên tả Maduro.
Con tàu thuộc sở hữu của Công ty vận tải biển Mosakhar Darya và được quản lý bởi Rahbaran Omid Darya, cả hai công ty có trụ sở tại Tehran đã bị chặn vào tháng 11/2018 khi chính quyền Trump tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với hàng trăm công ty vận tải và ngân hàng Iran sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đa phương.
Cả bộ thông tin của Venezuela và phái bộ của Iran tại Liên Hợp Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận về lô hàng.
Mỹ: Bão lớn đổ bộ, ít nhất 4 người thiệt mạng
Bão Laura đổ bộ gần khu vực Cameron ở bang Louisiana vào 1 giờ sáng thứ Năm (27/8) (trưa thứ Năm theo giờ VN) gây thiệt hại to lớn, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, theo Insider.
Laura có sức gió 150 dặm/giờ, được cho là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Louisiana kể từ năm 1856. Cơn bão đã gây ngập lụt và hư hỏng các cơ sở hạ tầng, khiến nhiều người mắc kẹt do không tránh bão kịp thời.
Hơn 830.000 hộ gia đình trên khắp bang Louisiana và bang Texas đã bị mất điện, theo PowerOutage.us. Thiệt hại có thể tăng lên khi cơn bão di chuyển sâu hơn vào đất liền.

Điểm tin thế giới tối 28/8:

Ông Trump gọi chương trình nghị sự của ông Biden

 là ‘made in China’

Triệu Hằng
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Sáu (28/8) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Trump gọi chương trình nghị sự của ông Biden là ‘made in China’
Trong bài phát biểu nhận đề cử ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa hôm 27/8 (sáng 28/8 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Trung Quốc sẽ “sở hữu” nước Mỹ nếu đối thủ Đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử. Điều này sẽ khiến thêm nhiều người dân Mỹ mất việc.
“Chương trình nghị sự của Joe Biden là “made in China” (sản xuất tại Trung Quốc), còn chương trình nghị sự của tôi sẽ là “made in America” (sản xuất tại Mỹ)”, ông Trump nói, theo Bostonherald.
Tổng thống Mỹ hứa nếu ông tái đắc cử, chính quyền của ông sẽ áp đặt thuế quan đối với bất kỳ công ty nào rời Mỹ để tạo việc làm ở nơi khác, theo Channelnewsasia.
Mỹ nói Trung Quốc đe dọa hòa bình khi phóng tên lửa ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ Năm (27/8) cho biết, việc Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo ở Biển Đông là mối đe dọa đối với hòa bình và bất ổn an ninh trong khu vực, theo Aljazeera.
Các tin tức xác nhận rằng Trung Quốc gần đây đã phóng tới 4 tên lửa đạn đạo trong các cuộc tập trận quân sự xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Lầu Năm Góc cho biết các động thái từ Trung Quốc đặt ra dấu hỏi về cam kết năm 2002 của nước này trong việc tránh xa các hoạt động khiêu khích ở các vùng biển tranh chấp.
Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng đánh bắt cá phi pháp ngoài khơi quần đảo Galapagos
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm 27/8 trên Twitter, rằng các báo cáo gần đây về hàng trăm tàu cá Trung Quốc ngoài khơi quần đảo Galapagos là “vô cùng đáng lo ngại”.
“Báo cáo về việc hơn 300 tàu Trung Quốc ở gần Galapagos vô hiệu hóa các hệ thống theo dõi, thay đổi tên tàu và để lại các mảnh rác trên biển là những vấn đề nghiêm trọng. Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi PRC (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa) minh bạch và tuân thủ chính sách không khoan nhượng của họ đối với việc đánh bắt cá phi pháp”, ông Pompeo viết.
Các bình luận của ngoại trưởng Mỹ được đưa ra sau khi Ecuador gia tăng báo động về sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc đánh bắt gần vùng biển được bảo vệ ngoài khơi khu bảo tồn biển Galápagos. Đầu tháng này, ông Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc khai thác trái phép cá mập để lấy vây và đánh bắt bất hợp pháp các loài được bảo vệ khác ở khu vực này, theo Fox News.
Ngoại trưởng Philippines yêu cầu doanh nghiệp nội địa ngừng hợp tác với công ty Trung Quốc trong danh sách đen
Các cơ quan chính phủ [Philippines] có liên quan nên chấm dứt hợp đồng với các công ty Trung Quốc tham gia các hoạt động cải tạo đảo nhân tạo ở Biển Tây Philippines [Biển Đông theo cách gọi của Philippines], Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cho biết hôm 28/8, theo Philstar.
Tuyên bố của ông Locsin theo sau quyết định của Mỹ đưa 24 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào danh sách đen vì đã tham gia các hoạt động quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông Locsin thừa nhận ông không chắc chắn liệu có công ty Trung Quốc nào bị Mỹ trừng phạt có các dự án đang triển khai ở vùng biển Philippines hay không.
Trong số 24 công ty Trung Quốc bị Washington đưa vào danh sách đen có các công ty con của Công ty Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC). CCCC được biết là “ông lớn” trong ngành xây dựng, nhà thầu cho nhiều công trình hạ tầng bao gồm các vành đai và cung đường trên thế giới.
Địa Trung Hải: Hy Lạp phê chuẩn thỏa thuận với Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức tập trận
Hy Lạp đã phê chuẩn thỏa thuận biên giới với Ai Cập. Chỉ vài giờ sau, Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn hoạt động của một tàu khảo sát địa chấn ở phía Đông Địa Trung Hải, đồng thời cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc tập trận trong khu vực vào tuần tới, theo Aljazeera.
Thỏa thuận Athens – Cairo được xem như một phản ứng đáp trả thỏa thuận Thổ Nhĩ Kỳ – Libya được ký kết vào năm 2019 theo đó cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận các địa điểm trong khu vực nơi đã phát hiện ra các mỏ hydrocarbon lớn.
Theo hiệp ước mới ký kết, Ai Cập và Hy Lạp được phép khai thác lợi ích tối đa từ các nguồn tài nguyên có sẵn trong vùng đặc quyền kinh tế, bao gồm trữ lượng dầu và khí đốt. Một hiệp định tương tự giữa Ý và Hy Lạp đã được thông qua hôm 26/8. Phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho biết hôm 27/8 rằng “việc phê chuẩn khẩn cấp” này là do các hoạt động “bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ”.
CEO TikTok từ chức chỉ sau hai tháng
Giám đốc điều hành (CEO) TikTock Kevin Mayer đã từ chức hôm thứ Năm (27/8) chỉ sau hai tháng nhậm chức, theo The BL. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh áp lực từ Mỹ yêu cầu chủ sở hữu công ty Byte Dance phải bán ứng dụng video phổ biến. Theo các cáo buộc và bằng chứng do Nhà Trắng đưa ra, ứng dụng video này đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Ông Mayer đã thông báo cho nhân viên về quyết định của mình vào thứ Năm, theo Fox Business.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?