Tin khắp nơi – 31/08/2020

Tin khắp nơi – 31/08/2020

Joe Biden cam kết không sử dụng quân đội Hoa Kỳ làm “công cụ” hay “lực lượng của cá nhân”

Vào thứ bảy (ngày 29 tháng 8), ông Joe Biden cam kết nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ không bao giờ sử dụng quân đội “như một công cụ hay lực lượng cá nhân” và cáo buộc Tổng thống Trump sử dụng lực lượng Hoa Kỳ để giải quyết “các mối tư thù cá nhân” và vi phạm quyền của công dân.
Trong bài phát biểu đến Hiệp hội Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Biden cho biết Tổng thống Trump đang dùng quân đội để “thống trị” những người dân Hoa Kỳ đang thực hiện quyền biểu tình của họ.
Bình luận của ông được đưa ra một ngày sau khi Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, nói với Quốc hội rằng các lực lượng quân sự sẽ không có vai trò gì trong việc thực hiện tiến trình bầu cử hoặc giải quyết các tranh chấp phiếu bầu. Đó là một dấu hiệu cho thấy căng thẳng gia tăng ở cả hai bên khi Tổng thống Trump đã tuyên bố mà không có bằng chứng rằng bỏ phiếu qua thư trong đại dịch coronavirus sẽ khiến cuộc bỏ phiếu “không chính xác và dễ dàng bị gian lận.”
Ông Biden cam kết sẽ khôi phục sự tách biệt giữa các quyền lực dân sự và quân sự mà ông gọi là “nguyên tắc nền tảng của nền cộng hòa Hoa Kỳ.” Những tuyên bố của ông Biden đề cập đến những nỗ lực gần đây của Tổng thống Trump nhằm mở rộng sự can thiệp của liên bang vào một số thành phố. Đây là một phần của nỗ lực mang đến “luật pháp và trật tự” – trọng tâm chiến dịch tái đắc cử của Tổng thống Trump –  trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối sự kỳ thị chủng tộc và nạn bạo lực cảnh sát đang diễn ra trên toàn quốc. (BBT)

Bầu cử 2020: Cử tri đảng Dân chủ ở Thái Lan nói

 ’đi bầu để bảo vệ nền dân chủ’

Bùi Thư
Cử tri ủng hộ đảng Dân chủ tại Bangkok Thái Lan nói họ sẽ dùng lá phiếu để tạo ra thay đổi tích cực cho nước Mỹ.
Annie Robertson là một cô gái 19 tuổi mang hai dòng máu Mỹ và Thái Lan. Trong thời gian đợi nhập học tại đại học ở Mỹ, cô phụ trách mạng xã hội cho Câu lạc bộ Ký giả Ngoại quốc tại Thái Lan (FCCT). Annie đã đăng ký bầu cử khiếm diện ở tiểu bang Massachusetts.
“Kỳ bầu cử này có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Đây là lần đầu tiên tôi thực hiện quyền bầu cử của mình”, cô chia sẻ với BBC News Tiếng Việt trong sự kiện ”Democrat Convention Watch & Voter Registration” của tổ chức Democrats Abroad ngày 20/8, giúp công dân Mỹ sống ở Thái Lan ghi danh nhận phiếu bầu qua thư.
“Diễn biến trong vài năm qua thôi thúc tôi đi bầu và tôi nghĩ những người ở thế hệ mình đều có chung suy nghĩ: chúng tôi bỏ phiếu để tạo ra sự thay đổi tích cực cho nước Mỹ”.
‘Đi bầu để bảo vệ nền dân chủ’
Dân chủ Hải ngoại (Democrats Abroad) là một tổ chức của đảng Dân chủ có mặt tại ít nhất 190 quốc gia. Sự kiện tại Bangkok vừa qua nằm trong chuỗi hoạt động của phân hội Thái Lan nhằm khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Theo Giáo Sư Carl Thayer, truyền thống bầu cử chỉ ra rằng tổng số cử tri đi bầu càng đông thì càng có lợi cho đảng Dân chủ. Vì lúc đó có sự tham gia của các công dân nhập tịch, người da đen, các cộng đồng thiểu số.
Dưới thời ông Trump, đa số các cử tri da trắng không có trình độ học vấn cao là những ủng hộ viên nhiệt thành của tổng thống đương nhiệm. Trong hoàn cảnh đó, cuộc vận động “bỏ phiếu cho phe ta” của đảng Dân chủ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Sự kiện “xúc tiến bầu cử” tại Bangkok minh họa cho điều đó.
Annie Robertson cho rằng giới trẻ Mỹ đang chủ động và tích cực hơn trong việc tham gia vào hoạt động chính trị.
Ông Kevin Cullen, Giám đốc điều hành của Trung tâm Tiếng Anh Vantage Siam, người chọn Thái Lan làm quê hương thứ hai, cũng không thôi ưu tư về chính trị nước nhà. Ông cho biết đã đăng ký bỏ phiếu khiếm diện với mong muốn chấm dứt những gì tồi tệ đang diễn ra tại Mỹ.
Ông nói: “Kỳ bầu cử này với tôi là một cuộc đấu tranh vì dân chủ. Tôi cho rằng những gì ông Trump đã làm có thể so sánh với những gì xảy ra tại Đức vào năm 1933 và sau đó, khi Hitler lên nắm quyền. Điều này chưa có tiền lệ tại Mỹ”.
Bà Brit Marie Elstroth, giáo viên quốc tế học, cho biết đã đăng ký bầu cử từ một tháng trước tại đơn vị bầu cử ở tiểu bang California.
“Bầu cử ở Mỹ là quyền nên không phải ai cũng đi bầu. Theo tôi, quyết định bỏ phiếu của mỗi người ảnh hưởng đến cộng đồng, đến giáo dục, đến trẻ em, đến môi trường… và mọi thứ. Do đó, tôi nghĩ mọi người nên đi bầu”, bà nói.
“Tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi ở Mỹ, đất nước dấu yêu của tôi trong vòng 4 năm qua, nhất là một năm trở lại đây. Tôi còn rất nhiều bạn bè và người thân ở Mỹ nên tôi rất lo ngại cái môi trường hiện nay, nơi mọi người chia rẽ, chọn phe phái. Đấy là chuyện chưa có tiền lệ”.
“Tôi cảm thấy vị tổng thống hiện nay rất nguy hiểm, thiếu tự tin và có rất nhiều tính xấu. Cho nên mọi người hãy nhìn vào chính sách, nhìn vào những gì đang diễn ra, nhìn vào con người này và bỏ phiếu. Nếu quan tâm đến môi trường, đến dân chủ, quan tâm đến người dân, thì mỗi người sống ở Mỹ đều nên đi bỏ phiếu, những người ở hải ngoại như tôi cũng vậy”, bà Brit Marie Elstroth nói.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, bà Meghan Driscoll, thư ký Democrats Abroad ở Thái Lan, nói:
“Với công dân Mỹ, kỳ bầu cử này có thể là cơ hội cuối cùng để mang lại sự chuyển đổi trong hòa bình, lập nên một chính quyền khác”.
“Đây là kỳ bầu cử mang đến đổi thay trong chính sách tiếp cận chăm sóc y tế, công bằng xã hội, công lý và cải tổ luật nhập cư”.
“Chứng kiến những gì đang diễn ra, chúng tôi thấy cần lên tiếng cho công bằng và cho một nước Mỹ tốt đẹp hơn. Dù sống ở nước ngoài, chúng tôi vẫn đóng thuế như công dân Mỹ, Mỹ vẫn là nhà. Vì thế chúng tôi nên đi bầu, nên tham gia vào tiến trình dân chủ – ở đây là bầu cử”.
“Không chỉ là bầu cử tổng thống mà còn các cuộc bầu cử khác như dân biểu, thượng nghị sĩ. Điều này cực kỳ quan trọng và chúng ta cần sự thấu đáo để chọn ra những người chắc chắn sẽ làm hết mình đem lại điều tốt nhất cho người dân Mỹ”, bà Meghan chia sẻ.
Là một nhà hoạt động nhân quyền lâu năm, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch cho biết ông rất quan ngại về các chính sách liên quan đến nhân quyền của chính quyền Donald Trump. Ông nhấn mạnh rằng người Mỹ, dù ở trong nước hay ngoài nước, nên trân trọng quyền bầu cử của mình để giúp nước Mỹ thoát khỏi tình cảnh hiện tại.
“Tôi cho rằng người Mỹ hải ngoại nên nỗ lực nhiều hơn. Hãy hiểu rằng lá phiếu của họ quan trọng. Hiện nay chúng tôi có khoảng chín triệu người Mỹ sống ở nước ngoài nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó đi bỏ phiếu. Điều đó là rất đáng xấu hổ”, ông nói.
“Dù sống ở đâu thì người Mỹ cũng nên đi bầu. Họ cần có tiếng nói trong nền dân chủ Mỹ và không nên từ bỏ quyền chọn ra người lãnh đạo đất nước. Bạn biết đấy, có nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, người dân không được bầu lãnh đạo một cách dân chủ. Do đó, người Mỹ có quyền này trong tay rồi thì nên sử dụng”, ông Phil nhấn mạnh.
Nước Mỹ ‘lâm nguy’
Luật sư về hưu George Rothschild, người đã sống nhiều năm ở Đông Nam Á, dự kiến sẽ nhận được phiếu bầu vào giữa tháng 9. Sau đó ông tới Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok để bầu và phiếu của ông sẽ được gửi về tiểu bang quê nhà Texas.
“Nước Mỹ đang ở ngã ba đường”, ông nói với BBC News Tiếng Việt. “Liệu chúng tôi sẽ có một chính phủ dân chủ, nơi người được bầu lên để phụng sự người dân, hay chính phủ sẽ tiếp tục suy thoái theo hướng trở thành một chính phủ chuyên quyền, nơi các vị dân cử và quan chức chính phủ cứ loay hoay chạy theo một lãnh tụ vĩ đại?”
Ông cho biết ý định của mình: “Tôi sẽ bầu cho Joe Biden và Kamala Harris. Chắc chắn như vậy”.
Ông Barry Satz, tư vấn tài chính, người đã sống ở Bangkok được tám năm, tỏ ra rất hào hứng trong sự kiện vận động bầu cử do Democrats Abroad tổ chức ở thủ đô Thái Lan.
“Tôi tới đây để ủng hộ ông Biden. Tôi thực sự mong ông ấy thắng cử. Thật là tồi tệ khi nước Mỹ có một vị tổng thống như ông Trump”.
Tương tự những người Mỹ đang ở Bangkok, ông Barry Satz sẽ tới Đại sứ quán để bỏ phiếu. Từ đây, lá phiếu sẽ được chuyển về tiểu bang quê nhà Michigan.
Buổi tối hôm diễn ra sự kiện, ông mặc áo thun có dòng chữ “Make America Great” (Làm nước Mỹ vĩ đại).
“Tôi mặc chiếc áo này và thông điệp là chúng tôi sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại bằng cách đưa ông Trump vào trại giam, nơi mà ông ấy thuộc về”.
“Nước Mỹ hiện nay đang lâm nguy, với virus corona lan tràn, kinh tế suy thoái và rất nhiều bạo lực liên quan tới sắc tộc. Hầu hết những điều này đều xuất phát từ chính sách của Trump. Tôi thực sự nghĩ rằng ông Biden có thể làm tình hình tốt đẹp hơn lên cho người Mỹ”, ông Barry Sets nói.
Ông Kevin Cullen thì nói những gì đang diễn ra hôm nay là điều mà 10 năm trước ông không thể nào ngờ tới.
“Tôi đang rất lo về thể chế, về hệ thống tư pháp và lập pháp. Tất cả đều tha hóa. Chính sách con ông cháu cha không ngừng sinh sôi tại Mỹ. Trong cuộc thăm dò mới đây, cứ 10 người thì có 7 người không hài lòng về cách chính phủ đối phó với dịch virus corona. Những gì đang diễn ra ở Mỹ hiện nay là vô tiền khoáng hậu”, ông nói.
Kevin Cullen cũng cho rằng cơ chế bầu cử Mỹ “có vấn đề”:
“Nhìn lại kỳ bầu cử 2016 ta sẽ thấy hệ thống có vấn đề. Trump kém ba triệu phiếu phổ thông nhưng vẫn thắng cử. Nghĩa là các lá phiếu đã không có giá trị tương đương nhau. Tôi không nghĩ như vậy là công bằng. Xét ở góc độ đó thì hệ thống bầu cử đã được thiết kế sai. Mà điều này vốn xuất phát từ chế độ nô lệ hơn 200 năm trước”.
Ông Phil Robertson thì cho rằng một khi ông Biden thắng cử, “nhân quyền sẽ trở lại là một trong những yếu tố cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Mỹ”.
“Chúng tôi có truyền thống là lưỡng đảng đều ủng hộ các chính sách ngoại giao phản ánh giá trị Mỹ. Những giá trị đó là tự do ngôn luận, tự do lập hội và biểu tình ôn hòa. Nếu ông Biden làm chủ Nhà Trắng, chúng tôi sẽ có một vị tổng thống ủng hộ những giá trị đó và các quyền đó”.
Trong trường hợp ông Trump thắng cử thêm một nhiệm kỳ nữa, “tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải chứng kiến một chính sách ngoại giao hỗn loạn, một sự thiếu chuyên nghiệp như chúng ta đã thấy, khi có nhiều quan chức cấp cao phải ra đi mà không có ai thay thế hoặc chỉ có người thay thế tạm thời”, ông Roberson nói.
Ông cũng cho rằng cách mà Donald Trump đặt Mỹ và Trung Quốc vào thế đối chọi kiểu Chiến tranh Lạnh là “sai lầm lớn” vì có cách để Mỹ và Trung Quốc cùng tồn tại cạnh nhau mà vẫn đảm bảo Trung Quốc tôn trọng nhân quyền, cũng như tôn trọng chủ quyền các quốc gia láng giềng và không đưa ra yêu sách vượt khỏi khuôn khổ luật pháp quốc tế.
BBC News Tiếng Việt luôn ủng hộ những ý kiến đa chiều. Độc giả muốn đóng góp ý kiến về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, xin vui lòng liên lạc với chúng tôi tại email: Vietnamese@bbc.co.uk

Chính quyền Tổng Thống Trump tạm dừng

báo cáo trực tiếp trước Quốc Hội

về tin tức liên quan đến an ninh bầu cử

Tin từ Washington, D.C. – Văn phòng tình báo hàng đầu của Hoa Kỳ nói với các nhà lập pháp rằng họ sẽ kết thúc các cuộc buổi báo cáo trực tiếp về an ninh bầu cử vì đã có thông tin rò rỉ từ các ủy ban quốc hội. Hành động này đã đã thu hút sự chỉ trích gay gắt từ phía Đảng Dân chủ, vốn đã luôn cẩn trọng với sự can thiệp nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và một lần nữa trong năm nay.
Giám đốc tình báo quốc gia mới của Tổng thống Trump, ông John Ratcliffe, đã thông báo với Ủy ban tình báo Hạ viện và Thượng viện vào thứ Sáu (ngày 28 tháng 8) rằng Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) sẽ gửi các báo cáo bằng văn bản, qua đó khiến các nhà lập pháp có ít cơ hội hơn để gây sức ép cung cấp thông tin trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đang ngày càng đến gần.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff đã phản đối hành động này, nhấn mạnh đây là một “sự thoái thác trách nhiệm trong việc cập nhật thông tin cho Quốc hội”, và là “một sự phản bội” đối với quyền được biết của công chúng về những thông tin ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử.
Theo một viên chức thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện, ODNI trước đó đã đề nghị tổ chức các buổi báo cáo trực tiếp trước 2 ủy ban giám sát của Hạ viện và Thượng viện vào tháng tới, thậm chí sau khi xuất hiện các lo ngại về những vụ rò rỉ thông tin từ các cuộc họp trước đó. Tuy nhiên, văn phòng của ông Ratcliffe sau đó đã hủy bỏ đề nghị này. (BBT)

Tàu chiến Mỹ liên tiếp đi qua Eo biển Đài Loan

Hôm 31/8, Hải quân Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết một tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua Eo biển Đài Loan, theo Reuters. Chuyến đi này là lần thứ hai liên tiếp trong hai tuần qua giữa bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Hải quân Hoa Kỳ cho biết tàu khu trục có tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Halsey đã tiến hành “quá cảnh qua eo biển Đài Loan theo lộ trình thường lệ” hôm 30/8 phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Việc tàu đi qua Eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cử máy bay, tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép,” ông Reann Mommsen, đại diện Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, cho biết.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ đã di chuyển qua eo biển và đang tiếp tục đi về phía nam.
Bộ này cho biết thêm rằng con tàu đang thực hiện một “nhiệm vụ bình thường” và tình hình cũng “bình thường.”
Trước đó, hôm 18/8, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Mustin đã đi qua eo biển này, khi ấy quân đội Trung Quốc gọi đây là một động thái “cực kỳ nguy hiểm.”
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào tuần trước cảnh báo về nguy cơ xung đột ngẫu nhiên từ sự gia tăng các hoạt động quân sự.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của họ, và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này vào quyền kiểm soát của Bắc Kinh.
Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí chính của Đài Loan và là quốc gia hậu thuẫn quan trọng nhất trên trường quốc tế đối với hòn đảo này.

Quân đội Mỹ đình chỉ huấn luyện ở Hàn Quốc

 sau tai nạn chết người

Hôm 31/8, Bộ chỉ huy quân sự Hoa Kỳ tại Hàn Quốc cho biết họ sẽ đình chỉ huấn luyện tại một khu vực sau khi 4 thường dân Hàn Quốc thiệt mạng trong một vụ va chạm với một chiếc xe bọc thép vào tối ngày 30/8.
Một chiếc SUV đã va chạm với một chiếc xe bọc thép quân sự vào khoảng 9:30 tối hôm 30/8 trên một con đường công cộng cách nơi bắn đạn thật của quân đội Mỹ và Hàn Quốc ở thành phố Pocheon khoảng 5 km, sở cứu hỏa cho biết trong một tuyên bố.
Tất cả bốn người trong chiếc SUV thiệt mạng, trong khi một binh sĩ Hoa Kỳ bị thương nhẹ và đã được đưa đến bệnh viện, sở cứu hỏa cho biết.
Lực lượng Hoa Kỳ ở Hàn Quốc (USFK) cho biết chiếc xe này thuộc Sư đoàn hỗn hợp Bộ binh số 2-ROK/US, cũng là sư đoàn đầu tiên bao gồm cả quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ, do một chỉ huy người Mỹ dẫn đầu với một cấp phó là sĩ quan Hàn Quốc.
“USFK gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và những người thân yêu của nạn nhân sau tai nạn thương tâm này,” Bộ chỉ huy cho biết trong một tuyên bố.
“Vì sự tôn trọng đối với những người thiệt mạng và gia đình của họ, Đơn vị số 8 tạm ngừng huấn luyện trong khu vực.”
Hai binh sĩ Hoa Kỳ trong chiếc xe bọc thép đã được “đánh giá và trở lại nhiệm vụ,” USFK cho biết.
Hiện nay có khoảng 28.500 binh sĩ Hoa Kỳ đang đóng quân tại Hàn Quốc, nơi Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện quân sự kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-53.

Thêm một gián điệp Trung Quốc bị bắt

khi đang đào tẩu

 cùng thành quả 17 năm của giáo sư Mỹ

Tâm Thanh
Các nhà điều tra phát hiện rằng, gián điệp lần này đã đánh cắp 55 tệp mã lõi (Core code). “Giáo sư X” cho biết, 55 tệp mã lõi đó là tất cả các mã lõi mà ông đã phát triển trong 17 năm qua.
Thứ Sáu (28/8), Cục điều tra liên bang Mỹ  (FBI) cho biết, một nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã bị giới chức hải quan Mỹ chặn giữ tại sân bay. Người này định mang mã nguồn máy tính tiên tiến được sử dụng cho robot dưới nước và động cơ máy bay đã đánh cắp được từ một trường đại học Mỹ trốn về Trung Quốc.
Theo thông tin của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết Hồ Hải Châu (Hu Haizhou), 34 tuổi, một nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đang nghiên cứu tại đại học Virginia (UVA) đã bị bắt khi đang cố gắng tìm cách lên máy bay để bay trở về Trung Quốc. Hôm thứ Sáu (28/8), Hồ Hải Châu đã bị buộc tội truy cập máy tính trái phép cùng tội danh đánh cắp bí mật thương mại.
Cùng ngày (28/8), một bản khai tư liệu dài 11 trang do đặc công FBI đệ trình lên Tòa án Liên bang Virginia tiết lộ rằng, hôm thứ Ba (25/8), Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CPB) đã tạm giữ Hồ Hải Châu, một nhà nghiên cứu tại Khoa Cơ khí và Hàng không Vũ trụ tại đại học Virginia, đồng thời cũng đang làm việc cho một trường đại học có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Ông Hồ Hải Châu lúc đó đang tìm cách đáp chuyến bay từ sân bay quốc tế O’Hare, Chicago, Hoa Kỳ đến Thanh Đảo, Trung Quốc.
Gián điệp Trung Quốc đánh cắp mã nguồn máy tính độc quyền mang về nước
Đặc công FBI Matthew Rader cho biết, các nhân viên điều tra CBP đã thẩm vấn Hồ Hải Châu và tra khám thiết bị điện tử của ông ta, phát hiện rằng trong laptop của Hồ chứa các tài liệu liên quan đến nghiên cứu của đại học Virginia (UVA), trong đó bao gồm “mật mã phần mềm nghiên cứu mô phỏng lấy cảm hứng từ sinh vật” do “Giáo sư X” phát triển. Nghiên cứu “lấy cảm hứng từ sinh vật” nghiên cứu các đặc tính phức tạp của các sinh vật bay lượn và bơi lội trong giới tự nhiên, và áp dụng chúng trong các chuyến bay có người lái hoặc tàu lặn. Những công nghệ này thường được dùng trong lĩnh vực quân sự.
FBI tuyên bố rằng, Hồ Hải Châu “không có ủy quyền hợp pháp để tìm hiểu những tài liệu này”. Ông ta thừa nhận rằng ‘Giáo sư X’ không muốn ông ta sở hữu những tài liệu này, nếu biết ông đã sở hữu nó, ‘Giáo sư X’ sẽ rất tức giận. Giáo sư đã phát triển loại mã này trong suốt 17 năm qua và sự phát triển của mã này được tài trợ bởi Quỹ khoa học Quốc gia (NSF) và Văn phòng Nghiên cứu Hải quân của chính phủ Hoa Kỳ.
Hồ Hải Châu làm việc cho “Giáo sư X” tại trường đại học Virginia từ tháng 3/2019 đến tháng 8/2019. Giáo sư nói với các nhà điều tra rằng, Hồ đột ngột rời trường đại học trở về Trung Quốc mà không nói lời chào tạm biệt với ông ấy.
Trang “Washington Examiner” cho hay, các nhân viên nghiên cứu đã tìm thấy 9.600 tệp mã nguồn được viết bằng ngôn ngữ máy tính FORTRAN trong laptop của Hồ. Những tài liệu này có liên quan đến “học tập, nghiên cứu và xây dựng mô hình lấy cảm hứng từ sinh vật”. “Giáo sư X” nói rằng, những mã này đã được sử dụng trong các nghiên cứu mô phỏng liên quan do Quỹ khoa học Quốc gia (NSF) tài trợ.
“Giáo sư X” nói rằng “mã lõi” (Core code) của ông là độc quyền.
Hồ Hải Châu từng làm việc tại phòng thí nghiệm trọng điểm của ĐCSTQ
Hồ Hải Châu khai với các nhà điều tra rằng, ông cũng đã từng làm việc tại phòng thí nghiệm trọng điểm của Trung Quốc về Cơ học chất lưu (cơ học thủy khí) tại trường đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Bắc Kinh. Phòng thí nghiệm này được tài trợ bởi chính quyền ĐCSTQ.
Đặc công Matthew Rader cho biết, năm 2017, khi còn ở trường đại học Trung Quốc, Hồ đã từng nghe diễn thuyết của “Giáo sư X” về “Sinh kỹ thuật trong khí động lực học”. Sau đó, Hồ đã tìm đến “Giáo sư X” và có cơ hội làm nghiên cứu cho “Giáo sư X” tại Hoa Kỳ.
Bản khai tư liệu của FBI cho biết ông Hồ Hải Châu cũng từng làm việc tại phòng thí nghiệm trọng điểm về kỹ thuật robot dưới nước thuộc trường đại học Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, Hồ thừa nhận rằng công việc này cũng được tài trợ bởi quân đội ĐCSTQ.
Đặc công Rader cho biết, Hồ Hải Châu khai báo rằng, “Ủy ban Học bổng Trung Quốc chỉ thị cho ông cứ 6 tháng 1 lần đưa ra một báo cáo tóm tắt về nghiên cứu của mình tại đại học Virginia”. Hồ cũng khai với các nhà điều tra rằng ông đang cố gắng đưa tất cả nội dung nghiên cứu của mình tại đại học Virginia về Trung Quốc.
Các nhà điều tra phát hiện rằng, Hồ đã đánh cắp 55 tệp mã lõi. “Giáo sư X” cho biết, 55 tệp mã lõi đó là tất cả các mã lõi mà ông đã phát triển trong 17 năm qua.
Hồ Hải Châu đã nhiều lần bị từ chối yêu cầu quyền truy cập mã lõi
Khi được điều tra viên hỏi, “Giáo sư X” cho biết: “Những mã lõi (Core code) bị đánh cắp này là phần mềm mô phỏng của công tác nghiên cứu tuyệt vời được lấy cảm hứng từ sinh vật trên thế giới. Công dụng của nó bao gồm “robot dưới nước, tàu ngầm, động cơ máy bay cho đến các ứng dụng hàng hải và hàng không khác”.
“Giáo sư X” tiết lộ thêm, ông đã nhận được rất nhiều yêu cầu sử dụng mã này, nhưng ông không chia sẻ vì ông hy vọng duy trì ưu thế cạnh tranh độc quyền cho bản thân và đại học Virginia trong lĩnh vực nghiên cứu cơ học chất lưu lấy cảm hứng từ sinh vật.
Bản khai của FBI nói rằng, giáo sư rất lo lắng rằng mã lõi bị đánh cắp có thể được sử dụng bởi các thực thể khác (bao gồm các trường đại học, công ty hoặc quốc gia) cho các mục đích thương mại, chính phủ và quân sự.
“Giáo sư X” tiết lộ rằng, Hồ Hải Châu đã nhiều lần yêu cầu quyền truy cập mã lõi, nhưng ông và hai trợ lý tốt nghiệp được phép truy cập đều từ chối yêu cầu của Hồ Hải Châu. Giáo sư và hai trợ lý của ông nói với các nhà điều tra rằng, họ không cho phép Hồ Hải Châu được quyền truy cập và cục điều tra liên bang FBI cũng không tiết lộ cụ thể Hồ Hải Châu đã đánh cắp mật mã máy tính như thế nào.
Cục điều tra liên bang FBI chịu trách nhiệm điều tra vụ việc này. Trợ lý thứ nhất Công tố viên liên bang Hoa Kỳ Daniel P. Bubar và trợ lý công tố viên liên bang Hoa Kỳ Christopher Kavanaugh hiện đang đề cập khởi tố đối với Hồ Hải Châu.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thời gian gần đây đã khởi kiện nhiều nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc với lý do họ che giấu mối quan hệ của mình với quân đội ĐCSTQ và bị tình nghi thông qua gian lận thị thực để có cơ hội học tập và viếng thăm các trường đại học tại Hoa Kỳ. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đã bị bắt vì giấu giếm mối quan hệ của họ với “Kế hoạch nghìn nhân tài” của ĐCSTQ trong khi đang nhận khoản tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ.
Theo Diệp Tử Vi, Epochtimes.com
Tâm Thanh biên dịch

Cố vấn Mỹ dự đoán  thêm nhiều nước

bình thường hóa quan hệ với Israel

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump hôm 30/8 nói rằng thêm các nước Ảrập và Hồi giáo có thể theo chân các Tiểu Vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) và bình thường hóa quan hệ với Israel, theo Reuters.
Ông Robert O’Brien và ông Jared Kushner, con rể ông Trump đồng thời cũng là cố vấn cấp cao, đã gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu ở Jerusalem trước thềm cuộc đàm phán tại Abu Dhabi về việc chính thức bình thường hóa quan hệ Israel và UAE.
Israel và UAE thông báo hôm 13/8 rằng hai nước sẽ củng cố bang giao chính thức theo một thỏa thuận do Washington làm trung gian.
Theo Reuters, bước đi ngoại giao này định hình lại trật tự ở Trung Đông, từ vấn đề Palestine tới quan hệ với Iran.
“Chúng tôi tin rằng các nước Ảrập và Hồi giáo khác sẽ theo chân UAE và bình thường hóa quan hệ với Israel”, ông O’Brien nói với các phóng viên sau cuộc trao đổi tại tư dinh của ông Netanyahu.
Ông không đề cập cụ thể tên các nước, nhưng quan chức Israel cho biết rằng đó là Oman, Bahrain và Sudan.
Palestine đã lên án bước đi của UAE, coi đó là việc từ bỏ chính sách liên kết quan hệ chính thức với Israel tới việc đạt được một nhà nước Palestine tại lãnh thổ chiếm đóng bởi Israel trong cuộc chiến năm 1967.

Tổng thống Trump ca ngợi ông Abe

là thủ tướng Nhật vĩ đại nhất

Phát ngôn viên Nhà Trắng hôm 30/8 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi ông Shinzo Abe là thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Reuters đưa tin, phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere cho biết trong một tuyên bố, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc trò chuyện rất lâu. Ông Trump nói rằng ông Abe đã làm được “những công việc lớn lao” và mối quan hệ giữa hai quốc gia đang gắn kết hơn bao giờ hết.
Ông Deere nói: “Tổng thống gọi Thủ tướng Abe là thủ tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản”.
Trong khi đó, Phó Chánh văn phòng Nội các Akihiro Nishimura hôm nay (31/8) cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng việc củng cố liên minh hai quốc gia vẫn sẽ được duy trì ngay cả sau khi ông Abe rời nhiệm sở.
Ông Nishimura cho biết thêm, Thủ tướng Abe nói với Tổng thống Trump rằng Nhật Bản muốn hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ sau khi nước này đưa ra được một chiến lược phòng thủ tên lửa mới.
Thủ tướng Shinzo Abe hôm 28/8 thông báo từ chức vì lý do sức khoẻ. Tổng thống Trump sau đó nói rằng ông dành sự tôn trọng cao nhất cho Thủ tướng Abe. Hãng tin Jiji cho biết, Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền sẽ bỏ phiếu vào ngày 14/9 để bầu ra một nhà lãnh đạo mới kế nhiệm ông Abe.

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ: Người dân Belarus

phải được quyền lựa chọn nhà lãnh đạo của họ

Quý Khải
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun đã kêu gọi chính quyền Belarus trao cho người dân quyền “lựa chọn các nhà lãnh đạo của họ thông qua một cuộc bầu cử thực sự tự do và công bằng với sự quan sát độc lập” trong bài phát biểu của ông tại một cuộc họp đặc biệt về tình hình ở Belarus do Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) tại Vienna.
“Một điều rõ ràng đối với thế giới là cuộc bầu cử ngày 9/8 ở Belarus là gian lận”, ông Biegun nói vào ngày 28/8 trong cuộc họp OSCE gồm 57 quốc gia thành viên trong đó ông là đại diện của Hoa Kỳ.
“Trong giai đoạn trước cuộc bầu cử, chính quyền Belarus đã thực hiện một chiến dịch được dàn dựng nhằm đe dọa và sách nhiễu các ứng viên đối lập, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà báo độc lập, đồng thời bắt giữ hàng trăm người tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa”, ông Biegun nói. “Việc đăng ký ứng viên có sai sót nghiêm trọng vì các biện pháp hạn chế đã được thiết lập để ngăn chặn các ứng viên tiềm năng hoàn thành thủ tục đăng ký. Các ứng viên hàng đầu của phe đối lập đã bị bắt trước ngày bầu cử và vẫn bị giam giữ cho đến ngày nay”.
Ông nói thêm, cũng có “những bất thường nghiêm trọng trong việc kiểm phiếu và báo cáo kết quả bầu cử”, và các quan sát viên độc lập địa phương bị từ chối quyền tiếp cận các điểm bỏ phiếu. Do đó, người Belarus “sẽ không bao giờ biết kết quả thực sự cuộc bầu cử của họ”.
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Belarus tổ chức vào ngày 9/8 cũng bị chất vấn bởi ứng viên đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya, người tuyên bố rằng bà đã thắng cử với 60-70% phiếu bầu.
Ủy ban bầu cử chính thức thông báo Tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko, 66 tuổi, người tranh cử nhiệm kỳ thứ sáu đã giành được 80% số phiếu bầu trong khi đối thủ đối lập chính của ông Tsikhanouskaya giành được vỏn vẹn 10% số phiếu bầu.
Tsikhanouskaya, một cựu giáo viên tiếng Anh 37 tuổi, đã trốn sang Lithuania và thành lập một hội đồng để điều phối một quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Bà chưa từng có ý định trở thành người lãnh đạo cuộc kháng chiến quần chúng đối với Lukashenko, một giám đốc nông trường quốc doanh dưới thời Liên Xô. Nhưng khi chồng bà, ông Siarhei Tsikhanouski, một blogger, nhà hoạt động và ứng viên tổng thống, người đã chỉ trích ông Lukashenko trong nhiều năm, bị bỏ tù vào tháng 5 và các ứng viên khác bị cấm tham gia cuộc bầu cử, Tsikhanouskaya đã thay thế chồng bà làm ứng viên đối lập trên lá phiếu.
Phản đối kết quả bầu cử
Alexander Lukashenko chào đón các sĩ quan cảnh sát chống bạo động. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko được trang bị súng trường loại Kalashnikov khi ông chào đón các sĩ quan cảnh sát chống bạo động gần Dinh Độc lập ở Minsk vào ngày 23/8 (ảnh chụp màn hình The Epoch Times dẫn qua Công ty Truyền hình và Phát thanh Nhà nước Belarus).
Các cuộc biểu tình quần chúng với sự tham gia của hàng nghìn người Belarus đã nổ ra ở thủ đô Minsk sau cuộc bầu cử đoàn kết với phe đối lập và kéo dài cho đến ngày nay.
Ban đầu, chính phủ đã thẳng tay đàn áp. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay, lựu đạn và đánh đập đám đông người biểu tình ở thủ đô Minsk và các nơi khác. Họ đã giam giữ hàng nghìn người, khiến hàng trăm người bị thương và ít nhất ba người chết.
Nhưng các biện pháp mạnh tay trong những ngày sau cuộc bầu cử ngày 9/8 dường như tạo ra tác dụng ngược lại, thúc đẩy nhiều người biểu tình hơn, gây ra các cuộc đình công tại các nhà máy quốc doanh và buộc chính quyền phải lùi bước.
Sau tuần biểu tình thứ ba, Lukashenko đang thay đổi chiến thuật, dần dần dập tắt các cuộc biểu tình bằng những lời hứa mơ hồ về cải cách xen lẫn những lời đe dọa, lệnh triệu tập của tòa án và việc bỏ tù có chọn lọc các nhà hoạt động hàng đầu.
Ông Biegun đã kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức các hành vi bạo lực đối với người dân Belarus và trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ bất công”, như một điều kiện tiên quyết cho một cuộc bầu cử tự do và công bằng.
“Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ hành vi tàn bạo sau bầu cử do chính quyền Belarus thực hiện đối với những người biểu tình ôn hòa và các nhà báo, bao gồm việc giam giữ hàng loạt gần 7.000 công dân Belarus, cũng như các nỗ lực không ngừng để phong tỏa internet và sử dụng lực lượng an ninh nhằm đe dọa những người tham gia cuộc biểu tình ôn hòa”, ông Biegun nói, đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền tiếp tục giam giữ người dân.
Nhà ngoại giao đứng thứ hai nước Mỹ cũng kêu gọi chính quyền Belarus trả tự do cho một công dân Mỹ, Vitali Shkliarov, người đã đến Belarus cùng con trai vào tháng 7 để thăm mẹ.
“Anh ta bị tóm trên đường, ném vào sau một chiếc xe tải rồi được chở 300 km đến một trung tâm giam giữ. Trong khi bị giam giữ, anh ta không chịu thừa nhận những tội ác mà anh ta không phạm phải”, ông Biegun nói.
Phản ứng quốc tế
Sviatlana Tsikhanouskaya, ứng viên tranh cử tổng thống, phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus ở Minsk, Belarus, ngày 10/8 (ảnh chụp màn hình The Epoch Times dẫn qua AP).
Ông Biegun đã gặp ứng viên tổng thống Belarus Tsikhanouskaya đang tị nạn ở quốc gia láng giềng Lithuania, trong chuyến thăm châu Âu hồi tuần trước và nói rằng ông cảm thấy “được truyền cảm hứng từ lòng dũng cảm và quyết tâm vận động cho người dân Belarus của cô”, quyền lợi để lựa chọn “chính phủ và tương lai của chính họ”.
Trong cuộc trò chuyện kéo dài hai giờ, Tsikhanouskaya đã yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ “tôn trọng chủ quyền của Belarus”, ông Biegun nói. Ông đảm bảo với bà rằng điều đó sẽ xảy ra và ông hy vọng các chính phủ khác tham gia cuộc họp đặc biệt của OSCE cũng làm điều tương tự.
“Hoa Kỳ kiên quyết ủng hộ quyền của người dân Belarus, yêu cầu chính phủ của họ tuân thủ các nguyên tắc mà OSCE đại diện: bầu cử tự do và công bằng và bảo vệ nhân quyền.”
Ông Biegun cũng đã gặp người đồng cấp Nga tại Moscow hồi tuần trước trong chuyến thăm để thảo luận về các sự kiện ở Belarus. “Đối với tôi điều đó đã khá rõ ràng”, ông nói, đây “không phải là một cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ”.
“Hoa Kỳ không tìm cách kiểm soát hay quyết định vận mệnh của người dân Belarus”, ông Biegun nói. Tuy nhiên, nếu OSCE không đứng về phía người dân Belarus thì điều đó sẽ gây mất uy tín đối với sứ mệnh và giá trị của OSCE, ông nói thêm.
Các phái bộ của Hoa Kỳ, Anh, Thụy Sĩ và Liên minh Châu Âu thay mặt cho các Quốc gia Thành viên EU có đại diện tại Minsk đã đưa ra một tuyên bố chung hôm thứ Bảy (29/8) lên án việc chính quyền Belarus sử dụng vũ lực quá mức để dập tắt các cuộc biểu tình ôn hòa và kêu gọi họ “ngăn chặn bạo lực và các mối đe dọa sử dụng vũ lực quân sự đối với chính người dân của họ và trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả những người bị giam giữ bất hợp pháp”.
Tuyên bố cũng thể hiện tình đoàn kết với những người Belarus yêu cầu tôn trọng tự do và nhân quyền “thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng”.
Theo The Epoch Times,
Quý Khải dịch & biên tập

Các quận Riverside, San Bernardino,

Ventura cho phép mở cửa

tiệm cắt tóc, trung tâm thương mại

Tin từ Los Angeles, California – Vào hôm thứ sáu (28 tháng 8), các quận Riverside, San Bernardino và Ventura thông báo rằng họ sẽ cho phép các tiệm cắt tóc và trung tâm mua sắm trong nhà mở cửa trở lại bắt đầu từ thứ hai (31/8), theo hướng dẫn mới của tiểu bang California.
Thông báo trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi thống đốc Gavin Newsom công bố một tiến trình mới trong việc mở cửa lại các cơ sở kinh doanh ở California, trong bối cảnh đại dịch coronavirus. Mặc dù quy định mới cho phép mở cửa trở lại các lĩnh vực không thiết yếu của nền kinh tế một cách có kiểm soát hơn, cả 3 quận trên vẫn đang nằm trong mức rủi ro cao nhất, có nghĩa là vẫn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên diện rộng.
Theo đài CBS Los Angeles đưa tin, hôm thứ sáu, các viên chức y tế của quận Riverside ghi nhận thêm 126 ca nhiễm mới và 10 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm toàn quận lên hơn 51,000 ca, với hơn 1,000 ca tử vong.
Quận San Bernardino có thêm 485 ca nhiễm mới và 1 trường hợp tử vong, xác nhận trên toàn quận có hơn 46,000 ca bệnh, khoảng 710 ca tử vong. Bên cạnh đó, các viên chức y tế quận Ventura xác nhận thêm 70 ca nhiễm mới và 5 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên địa bàn quận lên hơn 10,000 và số ca tử vong là 115. (BBT)

Covid-19 : Mỹ cận kề ngưỡng 6 triệu ca nhiễm

Thanh Hà
Tính đến chiều ngày 30/08/2020 Hoa Kỳ sắp chạm ngưỡng 6 triệu bệnh nhân trên tổng số hơn 25 triệu ca dương tính với virus corona trên toàn cầu.
Vào lúc đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 183.000 người Mỹ, lãnh đạo cơ quan FDA quản lý thuốc và thực phẩm, Stephen Hahn không loại trừ khả năng nếu có vac-xin chống Covid-19, Hoa Kỳ sẽ cho sử dụng loại thuốc này trước khi kết thúc giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Quan chức Mỹ bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng cơ quan FDA đang chịu nhiều áp lực từ phía chính quyền Trump và giải thích đây là quyết định dựa trên “cơ sở khoa học, trên những phân tích của giới y khoa và các dữ liệu” về siêu vi corona chủng mới.
Trong khi đó tại Brazil, dịch bệnh không hề thuyên giảm. Từ ba tháng nay mỗi ngày trên toàn quốc đều có hơn 1.000 ca tử vong. Điều đó không cấm cản người dân Brazil vẫn chen chúc ngoài bãi biển.
Điểm nóng thứ ba trên thế giới là Ấn Độ. Hôm qua quốc gia Nam Á này ghi nhật thêm hơn 78.000 ca nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên hơn 3,5 triệu.
Trong khu vực Đông Á, Hàn Quốc có thêm 248 bệnh nhân, Singapore hơn 40 trường hợp.
Riêng tại Pháp hôm qua trên toàn quốc có thêm hơn 5.400 ca dương tính với virus corona trong 24 giờ. Trong số những người được xét nghiệm, tỷ lệ dương tính lên tới 4, 1 %, cao gấp bốn lần so với hồi đầu tháng 7/2020. Tình trạng đáng lo ngại vào lúc các thầy cô giáo tựu trường và học sinh sắp bước vào năm học mới.

Cảnh sát liên bang Hoa Kỳ đã giải cứu

gần 40 trẻ em ở Georgia

trong chiến dịch kéo dài 2 tuần

Vào hôm thứ Năm (27 tháng 8), Cảnh sát liên bang Hoa Kỳ thông báo đã tìm thấy gần 40 trẻ em bị mất tích ở Georgia trong chiến dịch kéo dài 2 tuần có tên “Chiến dịch Không bị Lãng quên”.
Theo cảnh sát, nhiều trẻ em trong số này có nguy cơ bị buôn bán làm nô lệ tình dục, bị lạm dụng và bóc lột. 26 trẻ em đã được giải cứu và 13 em khác được xác định an toàn trong chiến dịch này. Chiến dịch có sự tham gia của Trung tâm Trẻ em Mất tích và Bị bóc lột Quốc gia (NCMEC), Cơ quan Điều tra Georgia, Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Georgia và các cơ quan khác của tiểu bang và địa phương.
Các trẻ em này có độ tuổi từ 3 đến 17 tuổi. Chiến dịch này cũng bắt giữ 9 nghi can với cáo buộc buôn bán tình dục,  phạm tội tình dục hoặc các tội danh liên quan khác. Theo WSB, trẻ em đã được tìm thấy ở 20 quận xung quanh khu vực tàu điện ngầm Atlanta, bao gồm các quận Gwinnett, Fulton, Clayton và Forsyth.
Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (27 tháng 8), Donald Washington, giám đốc của Cơ quan Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ, cho biết một chiến dịch tương tự ở Cleveland đến nay đã giải cứu thành công 15 trẻ em và bắt giữ hai nghi can. Một chiến dịch tìm kiếm trẻ em mất tích khác có tên “Chiến dịch Giải cứu Mùa hè” cũng vừa bắt đầu ở New Orleans.
Theo NCMEC, hơn 421,000 báo cáo trẻ em mất tích đã được gửi đến FBI vào năm 2019. Washington cho biết 91% trong số đó được coi là trẻ em bỏ nhà gặp nhiều rủi ro, trong đó có đến 1/6, tức khoảng 60,000 trẻ em, có khả năng trở thành nạn nhân bị buôn bán tình dục. (BBT)

Một người thiệt mạng trong cuộc đụng độ

 giữa hai nhóm biểu tình đối lập tại Portland

Tin từ Portland, Oregon – Vào tối thứ bảy (ngày 29 tháng 8), một người đã bị bắn chết khi một đoàn xe gồm những người ủng hộ Tổng thống Trump và những người biểu tình Black Lives Matter đụng độ trên đường phố.
Không rõ liệu vụ nổ súng có liên quan đến ẩu đả nổ ra khi đoàn xe gồm khoảng 600 xe gặp phải những người biểu tình ở trung tâm thành phố hay không. Một nhiếp ảnh gia tự do của AP đã nghe thấy ba tiếng súng và sau đó thấy các cảnh sát y tế chữa trị cho một người đàn ông da trắng.
Nhiếp ảnh gia này cho biết nạn nhân là nam giới đội một chiếc mũ mang phù hiệu của Patriot Prayer, một nhóm cánh hữu có các thành viên thường xuyên xung đột với những người biểu tình ở Portland trong quá khứ. Sở Cảnh sát Portland cho biết cảnh sát của họ đã nghe thấy tiếng súng từ khu vực Đông Nam đường 3rd Avenue và Tây Nam Alder Street, và khi đến nơi, họ phát hiện nạn nhân với một vết súng trên ngực đã tử vong.
Đoàn xe đến trung tâm thành phố đúng lúc một cuộc biểu tình được lên kế hoạch vào thứ Bảy đang được tiến hành. Cảnh sát đã thực hiện nhiều vụ bắt giữ trước khi xảy ra vụ nổ súng và khuyến cáo người dân nên tránh xa khu trung tâm thành phố.
Cảnh hỗn loạn diễn ra hai ngày sau khi Tổng thống Trump gọi Portland là một thành phố theo chủ nghĩa tự do tràn ngập bạo lực trong bài phát biểu tại đại hội đảng Cộng Hòa như một phần của chủ đề
chiến dịch tái tranh cử “luật và trật tự” của ông. Đoàn xe đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp những người ủng hộ Tổng thống Trump tuần hành tại thành phố.

Tổng giám đốc WTO từ chức

Hôm 31/8, ông Roberto Azevedo, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ chức, khiến cơ quan này vốn đã bị tổn hại, nay không còn người lãnh đạo khi đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử suốt 25 năm, theo Reuters.
Khi tầm ảnh hưởng của WTO mất đi, căng thẳng quốc tế và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong thời kỳ suy thoái do COVID-19 gây ra, rõ ràng nhất là căng thẳng giữa Trung Quốc và chính quyền Hoa Kỳ của Tổng thống Donald Trump, khiến việc cải cách các quy tắc thương mại toàn cầu trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ông Rohinton Medhora, Chủ tịch Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế cho biết: “Đây thực sự là một điểm mới – mặc dù không có gì đáng ngạc nhiên – đối với WTO.”
Ông nói thêm rằng WTO đã không có định hướng trong một thời gian, trên thực tế là vài năm, và “bây giờ, về mặt chức năng, là không có người lãnh đạo.”
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho rằng WTO, đã mất gần 20 năm để kết nối thỏa thuận toàn cầu đầu tiên, thất bại nhiều năm qua trong việc buộc Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ – phải chịu trách nhiệm về các hành vi thương mại không công bằng. Chính quyền của Tổng thống Trump cũng nói rằng hệ thống thuế quan rộng lớn hơn của WTO là không công bằng đối với Hoa Kỳ.
Ông Trump thậm chí đã đề nghị rút Hoa Kỳ ra khỏi WTO, mặc dù không có kế hoạch chắc chắn nào được công bố.

Thúc đẩy chương trình ‘ghép tạng’ hàng tỷ USD,

WHO lại ‘sát cánh’ cùng ĐCS Trung Quốc

Bình luậnThiện Nhân
Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết ban lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hết lời khen ngợi chương trình cấy ghép nội tạng của Trung Quốc, bất chấp những cáo buộc ‘khủng khiếp’ về các vi phạm nhân quyền của chính quyền này.
Ngành công nghiệp cấy ghép tạng ‘nổi tiếng’ ở Trung Quốc: vấn nạn vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trên thế giới
Vào thời điểm mối quan hệ giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chính quyền Trung Quốc đang bị giám sát gắt gao, các nhà hoạt động nhân quyền và chuyên gia y tế cũng đang đặt câu hỏi về lập trường của tổ chức này đối với chương trình hiến tạng “đáng ngờ” của Bắc Kinh.
Đầu năm nay, Tòa án Trung Quốc có trụ sở tại London đã xác định rằng có các “nghi ngờ hợp lý” khi tim, phổi, thận và gan được lấy từ các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo – đôi khi vẫn… còn sống và khỏe mạnh.
Bất chấp sự phủ nhận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhiều bằng chứng cho thấy chính quyền này đã sử dụng tù nhân lương tâm trong nhiều thập kỷ để lấy nội tạng, nhằm phục vụ cho ngành “công nghiệp bán tạng” ước tính trị giá 1 tỷ USD của mình.
Vào năm 2015, ĐCSTQ thông báo rằng chính sách này của họ đã thay đổi, và chỉ những người hiến tặng tình nguyện mới được lấy nội tạng sau khi chết. Nhưng nhiều người cho rằng chính quyền này vẫn không ngừng cưỡng chế thu hoạch tạng sống từ các nhóm tù nhân lương tâm (trong đó bao gồm các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng).
“Ngành công nghiệp này đã tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng trong thập kỷ qua, và nó đã trở thành một ngành sinh lợi lớn cho ĐCSTQ. Họ sẽ không ngăn chặn nó trừ khi tội ác của họ bị phơi bày hoàn toàn và bị cộng đồng quốc tế trừng phạt”, Xiaoxu “Sean” Lin, nhà vi trùng học và là phát ngôn viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp có trụ sở tại Washington, nói với Fox News.
“Ở Trung Quốc, các bác sĩ có thể nhanh chóng ‘mua’ nhiều cơ quan nội tạng cho một bệnh nhân, trong trường hợp [cơ quan nội tạng đó] không phù hợp hoặc phải thay thế. Việc một bệnh nhân trải qua nhiều
lần ghép tạng [cho cùng một loại cơ quan nội tạng] không phải là chuyện hiếm ở Trung Quốc. Hơn nữa, rất nhiều loại nội tạng có thể được cấy ghép và giá của chúng được niêm yết công khai trên các trang web của bệnh viện, tạo ấn tượng rằng bất kỳ bộ phận cơ thể nào cũng có thể được thay thế khi cần thiết”.
Trong cuốn sách năm 2014: “The Slaughter: Mass Killings, Organ Harvesting, and China’s Secret Solution to Its Dissident Problem” (Đại thảm sát: Giết người hàng loạt, Thu hoạch nội tạng, và Giải pháp bí mật của chính quyền Trung Quốc để xử lý các bất đồng quan điểm), tác giả Ethan Gutmann đã nêu rõ hoàn cảnh xảy ra cuộc bức hại đối với các cộng đồng tu luyện Pháp Luân Công, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, và Thiên Chúa giáo.
Tác giả đã đưa ra ước tính chính xác nhất về số lượng nội tạng bị thu hoạch, và cho rằng đã có khoảng 65.000 học viên Pháp Luân Công, 2.000-4.000 người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, và Thiên Chúa giáo đã bị giết hại để lấy tạng trong giai đoạn từ năm 2000-2008.
Theo số liệu đó phải nói đến mục tiêu tàn ác nhất trong việc thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ là các học viên Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tâm và thân theo nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”, kết hợp với việc luyện tập 5 bài công pháp. Môn tu luyện này vốn được ưa chuộng khắp Trung Quốc. Theo ước tính của chính quyền, vào cuối thập kỷ 1990, Trung Quốc có khoảng 70-100 triệu người tu luyện Pháp Luân Công.
Vì lo sợ một cách vô lý rằng cộng đồng những người yêu chuộng “nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn” này sẽ đe dọa đến quyền lực tuyệt đối của ĐCSTQ, nên vào ngày 20/7/1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp, bắt giữ, tra tấn và giết hại các học viên Pháp Luân Công trong suốt 21 năm qua.
ĐCSTQ là tổ chức thu hoạch tạng ‘có ích’: Lời nói dối hoang đường hay là tội ác của thế kỷ?
Pháp ngôn viên Lin cũng lưu ý rằng mặc dù phán quyết cuối cùng của Tòa án Trung Quốc được đưa ra vào tháng 3 năm 2020, nhưng WHO đã… không có phản hồi.
Tạp chí Y Đức BMC Medical Ethics cuối tháng 11/2019 cũng cáo buộc ĐCSTQ làm sai lệch dữ liệu và bao che cho việc khai thác nội tạng bất hợp pháp đối với các cộng đồng thiểu số dễ bị tổn thương và các tù nhân chính trị.
Liên Hiệp Quốc được yêu cầu khởi động một cuộc điều tra các cáo buộc, nhưng họ đã không thực hiện, và WHO cũng không điều tra bất kỳ hoạt động tội ác nào như vậy.
Thay vào đó, họ ca ngợi chương trình hiến tặng nội tạng của Trung Quốc, bất chấp vấn đề vi phạm nhân quyền đã bị thế giới vạch trần và những phương thức hoạt động của nó đầy rẫy thủ đoạn độc ác.
Tại Đại hội Quốc tế lần thứ 27 của Hiệp hội Cấy ghép ở Tây Ban Nha, Tiến sĩ Jose Nunez, người giám sát việc thu thập dữ liệu cấy ghép nội tạng toàn cầu cho WHO, đã phủ nhận rằng những cáo buộc liên quan đến hoạt động thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc chỉ là… “tin đồn”.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9/2017 với Washington Post, ông này cam kết rằng số lượng người nước ngoài đến Trung Quốc để cấy ghép là “thực sự rất thấp” so với các nước khác và Bắc Kinh đã cải cách chính sách thu hoạch nội tạng.
Nhiều tháng sau khi Tòa án Trung Quốc công bố kết quả sơ bộ với những tiết lộ “kinh hoàng” về các con số “khổng lồ” của việc thu hoạch nội tạng, Nunez đã nói với truyền thông Trung Quốc rằng “cải cách cấy ghép nội tạng của nước này đã đạt được những kết quả đáng kể trong một thời gian ngắn. Kinh nghiệm của Trung Quốc có thể là hình mẫu cho toàn bộ khu vực châu Á và thế giới”.
Tương tự, tháng 12/2019, Tiến sĩ Francis L. Delmonico – cựu chủ tịch của Hiệp hội Cấy ghép (TTS), giám đốc y tế của Ngân hàng Nội tạng New England (NEOB) và là chủ tịch của Lực lượng đặc nhiệm WHO về hiến và cấy ghép nội tạng người và mô, cho biết : “Đặc điểm lớn nhất trong kinh nghiệm ghép tạng của Trung Quốc là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ Trung Quốc, đây là một tấm gương mà nhiều nước nên noi theo”.
Tiến sĩ Edward Kelley, giám đốc Sở Cung cấp Dịch vụ và An ninh tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ, đã lên tiếng “khen ngợi”. Theo báo chí nhà nước của Trung Quốc, ông này tuyên bố Trung Quốc và các nước khác tham gia cuộc họp là “hình mẫu toàn cầu trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng”.
Một năm trước đó, WHO – cùng với TTS ở Canada và Học viện Khoa học Giáo hoàng của Vatican – đã đồng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh chống buôn bán nội tạng, trong đó, điều thú vị là Tiến sĩ Huang Jiefu của Trung Quốc được mời làm diễn giả chính để trình bày về “mô hình của Trung Quốc” thực hành ghép tạng.
“Sau đó, tại Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 70 vào tháng 5/2017, đại diện Trung Quốc đã đề xuất WHO thành lập một lực lượng đặc nhiệm về cấy ghép nội tạng”, Lin chỉ ra.
Vào tháng 3/2018, dưới sự thúc đẩy của chính phủ Trung Quốc, Lực lượng Đặc nhiệm của WHO về Hiến tặng & Cấy ghép mô và bộ phận cơ thể người đã chính thức được thành lập. Ông Delmonico trở thành một trong hai chủ tịch của lực lượng đặc nhiệm này và hai bác sĩ người Trung Quốc, Huang Jiefu và Wang Haibo, là thành viên.
Lực lượng đặc nhiệm này đã xem việc cấy ghép là một “hình thức điều trị được thừa nhận là tốt nhất hiện nay và được xem là liệu pháp cứu sống duy nhất cho bệnh suy nội tạng giai đoạn cuối”.
WHO đã không trả lời yêu cầu bình luận về các cáo buộc liên quan đến việc cấy ghép nội tạng của Trung Quốc hay liệu họ có tiến hành thêm bất kỳ cuộc điều tra nào hay không, nhưng lập trường của tổ chức này trong những năm gần đây đã khiến nhiều nhà hoạt động và chuyên gia thấy khó hiểu.
“Chúng tôi biết rằng nạn mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ ảnh hưởng đặc biệt đến các nhóm thiểu số tôn giáo như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, học viên Pháp Luân Công, mục sư Cơ đốc giáo, các nhà bất đồng chính kiến ​​khác và những người là thành viên của các nhóm nhạy cảm về chính trị”, Olivia Enos, một nhà phân tích chính sách cấp cao và chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại The Heritage Foundation, cho biết, và nói thêm rằng ĐCSTQ sẽ không dừng lại ở việc “bịt miệng” những người chỉ trích mình.
“Bất kỳ lời hứa nào của ĐCSTQ rằng sẽ ngừng hoạt động mổ cướp nội tạng đều là giả dối. ĐCSTQ đã đưa ra nhiều lời hứa khác nhau về việc chấm dứt các hoạt động vi phạm nhân quyền khủng khiếp khác, bao gồm cả việc mổ cướp nội tạng, nhưng họ chưa bao giờ làm như vậy”.
Vào cuối tháng 5/2020, sau cuộc điều tra về mối quan hệ “mờ ám” của WHO với lãnh đạo Trung Quốc, trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát trên toàn cầu, Tổng thống Trump đã kiên quyết rút tài trợ khỏi tổ chức này.
Thiện Nhân
Theo Fox News

Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu

vượt 25 triệu

Số người nhiễm virus Corona trên thế giới hôm 30/8 đã vượt quá 25 triệu ca, theo thống kê của Reuters, và Ấn Độ đã ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm mới hàng ngày.
Hãng tin Anh nói rằng dữ liệu mới nhất này cho thấy sự dịch chuyển tâm điểm dịch bệnh từ Mỹ và khu vực Mỹ Latin sang Ấn Độ.
Tin cho hay, hôm 30/8, Ấn Độ xác nhận con số nhiễm mới trong một ngày ở mức 78.761 ca, vượt kỷ lục ghi nhận ở Mỹ hồi giữa tháng Bảy là 77.299 ca và nâng tổng số nhiễm toàn cầu lên 25.074.751.
Như vậy, tổng số ca nhiễm COVID-19 hiện gấp số người lâm bệnh vì nhiễm cúm mùa hàng năm trên thế giới ít nhất 5 lần, theo Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo Reuters, tới nay, hơn 840 nghìn người đã tử vong vì COVID-19, tức vượt quá số ca thiệt mạng vì cúm mùa mỗi năm, vốn nằm trong khoảng từ 290 nghìn tới 650 nghìn người.
Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới, hiện đứng thứ ba, sau Mỹ và Brazil về tổng số ca nhiễm, nhưng vượt cả hai nước về số ca mới ghi nhận hàng ngày kể từ ngày 7/8.

Vài điều cần biết về leo thang căng thẳng

Thổ Nhĩ Kỳ – Hy Lạp tại Địa Trung Hải

Anh Vũ
Sau nhiều tuần dấy lên căng thẳng ở Địa Trung Hải, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây liên tục đua nhau tập trận. Hai nước tranh chấp nhau chủ quyền trên biển, nhưng cốt lõi vấn đề là tranh giành nguồn khí đốt hay đó còn là thách thức về mặt chiến lược liên quan đến tham vọng cường quốc khu vực của Thổ Nhĩ Kỳ ?
Các thông báo tập trận trên Địa Trung Hải được các bên thi nhau đưa ra. Một cuộc chiến tranh thực sự vẫn còn ở xa nhưng rõ ràng là giữa Athens và Ankara, leo thang căng thẳng đang tiếp diễn. Một bên là Thổ Nhĩ Kỳ, từ hôm 27/08 đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự, bao gồm cả tập bắn đạn thật trong hai ngày từ 01-02 tháng 9 ngoài khơi thành phố biển  Iskenderun của Thổ Nhĩ Kỳ và ở phía đông bắc đảo Chypre.
Bên kia là , « Chypre, Hy Lạp, Pháp và Ý đã thỏa thuận triển khai lực lượng chung ở phía đông Địa Trung Hải  trong khuôn khổ một sáng kiến hợp tác 4 bên ( QUAD) », theo thông báo của bộ Quốc Phòng Hy Lạp hôm 26/08. Cuộc tập trận này, với sự tham gia của 3 chiến đấu cơ Rafale, một tàu khu trục và một máy bay trực thăng của Pháp, đã kéo dài đến ngày 28/8.
Có thể nói từ rất lâu nay, chưa bao giờ người ta thấy các chiến hạm của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu cùng lúc tập trung diễn tập như thế này trên Địa Trung Hải.
Ngoài ra lần này còn có sự hiện diện của các tàu chiến Mỹ trong khuôn khổ các hoạt động của NATO, nhưng có vẻ như Hoa Kỳ đến giờ vẫn không muốn dính líu vào các căng thẳng này. Khu trục hạm USS Winston S. Churchill đã tiến hành diễn tập với hải quân Hy Lạp hôm 24/08  nhưng sau đó cũng làm tương tự với hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/08.
Những động thái quân sự như vậy được giới quan sát đặc biệt chú ý. Trả lời đài truyền hình France 24, ông Hugo Decis, chuyên gia về lực lượng hải quân của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ( IIS) khẳng định « đang có những biến động quân sự mật độ cao trên Địa Trung Hải. Đây là điều khá hiếm hoi … Trước chúng ta là những cường quốc quân sự đã quen với loại hoạt động triển khai quân như vậy, nhưng trong bối cảnh đang căng thẳng hiện nay, người ta khó có thể tránh được sự cố dẫn đến không kiềm chế được».
Năm 1996, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã suýt rơi vào chiến tranh chỉ vì tranh chấp hai hòn đảo không có người ở trên biển Egé. Từ nhiều thập kỷ nay, hai nước vẫn có các tranh chấp chủ quyền ở các vùng lãnh thổ của cả hai bên.
Nguồn khí đốt khổng lồ
Nhưng tranh chấp chính là nguồn tài nguyên khí đốt ở đông Địa Trung Hải. Quyết tâm không bỏ qua nguồn năng lượg lớn này, từ nhiều tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các hoạt động tìm kiếm trong vùng biển Levantin đang có tranh chấp.
Hôm 10/08 vừa qua, Ankara điều tàu thăm dò địa chấn Oruç Reis có hộ tống của tàu hải quân vào phía nam đảo Kastellorizo. Sự việc được Athens ghi nhận như là một khiêu khích quá đáng và leo thang căng thẳng đã dấy lên từ đó.
Đảo Kastellorizo nằm cách bờ đông của phần lục địa Hy Lạp 500 km và chỉ cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ có 3 km. Nhưng theo Công ước Montego Bay ký năm 1982 hòn đảo này thuộc chủ quyền của Athens và nhờ vậy mà Hy Lạp có được một vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn ở phía đông Địa Trung Hải. Thế nhưng, Thổ Nhĩ Kỳ không phê chuẩn Công ước Montego Bay cũng như vẫn phản đối các hiệp ước quốc tế phân định biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Vùng biển Levantin, trải dài từ đảo Crète đến đảo Rhodes của Hy Lạp, có trữ lượng 5765 tỷ mét khối khí đốt, theo ước tính của Ủy ban địa chất Mỹ đưa ra năm 2010. Thế nhưng các vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của luật pháp quốc tế « giam hãm Thổ Nhĩ Kỳ bên trong bờ biển của mình » tước đi của nước này mọi quyền tiếp cận các mỏ tiềm năng nằm giữa Hy Lạp và Chypre, như nhận định của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ  Recep Tayyip  Erdogan.
Hồi tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận về ranh giới trên biển với chính phủ Libya nhằm vẽ lại ranh giới các vùng đặc quyền kinh tế của hai bên và để tạo lý lẽ cho các yêu sách chủ quyền của mình. Đó cũng là cách để Ankara tự cho mình quyền mở rộng diện tích các vùng lãnh hải, nhưng đồng thời cũng là để cản trở dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt EastMed, kết quả của một thỏa thuận giữa Chypre, Hy Lạp và Israel.
Để chống lại ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp cũng đã ký hồi đầu tháng 8 vừa rồi một thỏa thuận tương tự với Ai Cập. Thỏa thuận này cho phép hai nước « tiến tới có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên sẵn có trong vùng đặc quyền kinh tế, nhất là về trữ lượng dầu khí », bộ trưởng Ngoại Giao Ai Cập cho biết.
Ý đồ địa chiến lược
Cũng giống như trường hợp của Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam, Philippines hay Malaysia nhằm khai thác và làm chủ các đảo ở Biển Đông, Thổ Nhĩ Kỳ cũng định dùng chính sách « việc đã rồi ». Chỉ có điều hoàn cảnh ở Địa Trung Hải khác, vì đó là những nước láng giềng của châu Âu có phương tiện để đáp trả, như đã thấy trong cuộc leo thang căng thẳng hiện nay.
Nhưng với tổng thống Recep Tayyip Erdogan, thách thức ở đây không chỉ là về chiến lược mà còn mang tính chính trị . «  Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều năm nay vẫn phô trương mình là cường quốc đang trỗi dậy, một đất nước có khả năng đặt điều kiện cho các láng giềng, chuyên gia Hugo Decis nhấn mạnh.  Đó là việc dàn dựng Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng áp đặt các đối thủ phải thừa nhận mình ».
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày càng thâu tóm toàn bộ quyền hành ở Thổ Nhĩ Kỳ và từ khi ông Kyriakos Mitsotakis lên làm thủ tướng Hy Lạp thì những bất hòa giữa hai nước lại càng không có cơ
hội dịu xuống vì cả hai ông này đều sử dụng tinh thần dân tộc như một lá bài để chính phục cử tri. Một vài năm gần đây, vấn đề di dân càng làm mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp thêm xấu đi. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên sử dụng Hy Lạp, thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, để gây sức ép EU trong hỗ trợ tài chính đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ giữ người tị nạn trên đất của mình.
Một dấu hiệu cho thấy Ankara sẽ không từ bỏ cuộc đọ sức với Athens hay với các đồng minh của Hy Lạp. Hôm 27/08 Thổ Nhĩ Kỳ  tố cáo Pháp gây thêm căng thẳng khi tỏ ủng hộ Athens bằng cách cho triển khai chiến đấu cơ tại Chypre. Bộ trưởng Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ lớn tiếng nhằm thẳng vào Paris « thời đại côn đồ đã qua. Các vị không có một cơ may nào đề đạt được bất kỳ điều gì từ chúng tôi với cách hành động như vậy ».  Về phần mình,  Đức với vai trò chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu, cố gắng làm trung gian hòa giải từ nhiều ngày qua, kêu gọi Athens và Ankara đối thoại.
(Theo Les Echos và France 24)

Lo ngại trước một ‘đế chế mới’

bành trướng, độc tài, Ngoại trưởng EU

‘thẳng thừng’ phê phán ĐCS Trung Quốc

Bình luậnTrần Đức
Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh Châu u (EU) đã cáo buộc Bắc Kinh phá hoại các chuẩn mực quốc tế. kèm theo lời mô tả Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ ) là chế độ “độc đoán”, “theo chủ nghĩa bành trướng” và “độc tài”…
Lo ngại của EU trước một ‘đế chế mới’ bành trướng, độc tài
Lặp lại những lo ngại của Hoa Kỳ về Trung Quốc, ông Josep – nhà ngoại giao hàng đầu của EU đã gọi Trung Quốc là một “đế chế mới” ngang hàng với Nga, kêu gọi các thành viên của khối hãy mau “sửa chữa” sự mất cân bằng kinh tế với Bắc Kinh trước khi “quá muộn”.
Ông Josep Borrell đã đưa ra 2 bài đánh giá quan điểm trên các ấn phẩm tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha vào cuối tuần qua, đúng vào thời điểm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến Pháp trong chuyến thăm ngoại giao châu Âu của mình.
Phát biểu cũng được đưa ra chỉ hai tuần trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh do các nhà lãnh đạo EU và Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì.
Trong một bài báo trên tờ Le Journal de Dimanche: “Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ có ba đặc điểm chung: họ là những người theo chủ quyền quốc gia tuyệt đối ở bên ngoài và độc đoán ở bên trong, ông Borrell cho biết: “Sau 30 năm, tầm nhìn châu Âu dường như đã đặt được cơ sở, thì tầm nhìn ‘chủ quyền’ đã giành lại thế thượng phong với những đế chế mới này”.
Trong những tuần gần đây, EU đã chỉ trích các vấn đề, bao gồm: việc Trung Quốc thi hành luật an ninh quốc gia ở Hongkong; Nga hỗ trợ quân sự cho Belarus để kiềm chế các cuộc biểu tình, và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các hoạt động quân sự chống lại các nước thành viên EU là Hy Lạp và Síp.
Nhưng đây là lần đầu tiên EU chính thức gọi Trung Quốc là “đế chế mới”, một bước tiến xa hơn so với “đối thủ truyền thống” mà EU sử dụng lần đầu vào năm ngoái.
“Không giống như nguyên tắc chủ quyền dựa trên ý chí phổ biến là chủ quyền duy nhất của quốc gia, đó là một vấn đề hoàn toàn khác”, Borrell nói.
“Một số quốc gia châu Âu cũng từng là đế quốc. May mắn thay, họ đã thoát khỏi khỏi sự cám dỗ này bằng cách tạo ra Châu Âu. Nhưng để có thể đàm phán và giải quyết các xung đột một cách hòa bình [với] các đế chế mới vốn được xây dựng trên các giá trị khác với giá trị của chúng ta, chúng ta cũng cần phải học cách nói thứ ngôn ngữ mà tôi gọi là ngôn ngữ của quyền lực”, ông Borrell chia sẻ thêm.
Trong một bài báo khác trên tạp chí Politica Exterior, Borrell cho biết đã có “sự thay đổi đáng kể trong thái độ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay” kể từ khi ra mắt sản phẩm Made in China 2025, với kế hoạch nâng cấp các ngành công nghệ cao của nước này.
“Giấc mơ Trung Hoa do Chủ tịch Tập đề xuất sẽ là cách để đạt được điều này [Made in China 2025]. Tham vọng lãnh đạo này là điểm khác biệt chính so với thời gian trước đây”, ông nói.
Trung Quốc đã nhiều lần tìm cách đảm bảo với châu Âu về sự trỗi dậy trong hòa bình và tự quảng bá mình là đối tác của EU về chủ nghĩa đa phương. ĐCSTQ cũng đã bác bỏ quan điểm của EU trong việc xem Trung Quốc như một đối thủ.
Nhưng ông Borrell đã chỉ ra sự mất cân bằng trong mối quan hệ của EU với Trung Quốc, đặc biệt là việc thiếu khả năng tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc.
“Mối quan hệ của chúng ta quá bất cân xứng so với mức độ phát triển hiện tại của Trung Quốc. Và điều đó phải được khắc phục. Nếu chúng ta không làm ngay bây giờ, trong một vài năm nữa sẽ là quá muộn. Các sản phẩm của Trung Quốc sẽ tiếp tục đi lên trong chuỗi giá trị, và sự phụ thuộc về kinh tế và công nghệ của chúng ta sẽ ngày càng tăng”.
Ông mô tả Trung Quốc là “theo chủ nghĩa bành trướng” và “độc tài”, đồng thời lặp lại những lo ngại của Hoa Kỳ về Trung Quốc.
Borrell nói: “Đã qua rồi chính sách đối ngoại của Trung Quốc [vốn] lấy cảm hứng từ bài phát biểu năm 1974 của Đặng Tiểu Bình trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, khi ông ta tuyên bố rằng ‘Trung Quốc không phải là một siêu cường, cũng như sẽ không bao giờ tìm cách trở thành như thế’ ”.
Mục tiêu của ĐCSTQ là chuyển đổi trật tự quốc tế theo… các đặc điểm của ĐCSTQ
“Mục tiêu của ĐCSTQ là chuyển đổi trật tự quốc tế theo hướng một hệ thống đa phương có chọn lọc, với các đặc điểm của ĐCSTQ, trong đó các quyền kinh tế và xã hội được ưu tiên hơn các quyền chính trị và dân sự”.
Ông Borrell chỉ trích ĐCSTQ phá hoại các quy tắc quốc tế, bao gồm cả vấn đề ở Biển Đông, bằng cách thúc đẩy các lý tưởng của chính quyền này như một “cộng đồng chung vận mệnh”; và bằng cách nắm giữ các vị trí cao trong hệ thống Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, sự phát triển quân sự của Trung Quốc, vốn là một chủ đề không được thảo luận thường xuyên ở EU, cũng đã được ông Borrell đề cập đến.
Ông nói: “Lệnh cấm vận bán vũ khí đối với ĐCSTQ kể từ sự kiện Thiên An Môn năm 1989 vẫn còn hiệu lực, nhưng chính quyền này không còn phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị quân sự nữa. Họ đã phát triển một ngành công nghiệp vũ khí, đặc biệt là hải quân và đạn đạo, thuộc hàng đứng đầu thế giới và hàng năm họ đều tăng xuất khẩu”.
Borrell cho rằng mặc dù năng lực của quân đội Trung Quốc vẫn còn kém xa so với Mỹ, nhưng khoảng cách đã gần hơn nhiều so với vài thập kỷ trước, và trong một số lĩnh vực hầu như không có bất kỳ sự khác biệt nào.
“Trong vòng một năm, Trung Quốc sẽ có bốn tàu sân bay hoạt động”, ông nói.
Trần Đức

Covid-19: Pháp khai giảng năm học mới

 dưới sự đe dọa của dịch bệnh

Trọng Nghĩa
Vào hôm nay 31/08/2020, 850.000 giáo viên Pháp đã trở lại nhà trường để chuẩn bị khai giảng năm học 2020-2021, chính thức bắt đầu vào ngày mai, 01/09 với lễ tựu trường của khoảng 12,4 triệu học sinh từ tiểu học đến trung học. Vào lúc dịch Covid-19 đang trong chiều hướng bùng lên trở lại, một loạt biện pháp mới, nghiêm ngặt, được áp dụng khi đón tiếp học sinh.
Trong lúc giới giáo viên rất lo ngại trước nguy cơ không giảng dậy được nghiêm chỉnh như theo ý muốn do các hạn chế xuất phát từ các biện pháp phòng dịch lây lan, thì các nhà trường đang phải chuẩn bị đối phó với một loạt vấn đề thực tiễn, từ khẩu trang cho học sinh và thầy cô giáo, cho đến việc sắp xếp lại giờ ăn, giờ ra chơi cho các em.
Vấn đề quan trọng đầu tiên được đặt ra là các giáo viên và học sinh có phải đeo khẩu trang hay không? Câu trả lời là có: Tất cả các giáo viên phải mang khẩu trang do bộ Giáo Dục cung cấp. Những ai sức khỏe yếu hay phải tiếp xúc với thành phần dễ lây bệnh, có thể yêu cầu được cung cấp loại khẩu trang FFP2.
Để tạo thuận lợi cho công việc giảng dạy ở bậc mẫu giáo hay tiểu học, hoặc trong những lớp dành cho các học sinh khiếm thính, giáo viên sẽ được cung cấp loại khẩu trang “trong suốt”.
Riêng đối với học sinh, tất cả học sinh trung học đều phải đeo khẩu trang, được các chính quyền địa phương cung cấp, còn ở cấp mẫu giáo và tiểu học thì không bắt buộc.
Việc bắt buộc đeo khẩu trang cũng được áp dụng trong giờ ra chơi cho mọi học sinh trên 11 tuổi. Thời điểm ra chơi cũng được sắp xếp lại sao cho không có quá đông học sinh cùng một lúc.
Giờ ăn ở căng tin nhà trường cũng vậy, nguyên tắc vẫn là tránh tập trung đông đảo cùng một thời điểm và các em vẫn phải đeo khẩu trang lúc đi lại.
Tuy nhiên, còn có nhiều vấn đề chưa được quy định rõ, đặc biệt là các sinh hoạt bên ngoài lớp học. Lãnh đạo một công đoàn giáo dục đã nêu ra trường hợp ở thư viện chẳng hạn: “Có thể để cho một học sinh mượn một quyển sách vừa được trả lại hay không ?”.

Tuần lễ phim hài tại chuỗi rạp hát UGC

Tuấn Thảo
Với hơn 400 phòng chiếu phim, công ty UGC là một trong những chuỗi rạp nổi tiếng hàng đầu ở Pháp, không kém gì các tập đoàn Gaumont và MK2. Mặc dù được mở lại kể từ ngày 22/06, nhưng đa số các rạp chiếu phim vẫn vắng khách trong suốt mùa hè. Trong bối cảnh đó, UGC tung chiến dịch ‘‘Tuần lễ chiếu phim hài’’ với giá mềm, hầu khuyến khích khán giả Pháp đi xem phim ở rạp.
Được tổ chức kể từ ngày 02/09 cho đến ngày 08/09/2020, chương trình chiếu phim ‘‘UGC Comedy Week’’ của Pháp làm cho ta liên tưởng đến sáng kiến của chuỗi rạp AMC tại Mỹ, chiếu phim trong ngày đầu tiên khai trương lại các rạp, chỉ với giá 15 xu mà thôi. Tuy nhiên, chương trình chiếu phim của AMC chủ yếu là phim cũ, trong khi hệ thống phân phối tại các rạp UGC Pháp lại giới thiệu nhiều phim mới, với giá từ 4 euro đến 6 euro cho mỗi suất, tức chỉ bằng một nửa so với giá vé thông thường.
Chẳng những thế, khi đặt vé trên mạng chính thức của công ty UGC, khán giả mua một vé sẽ được tặng thêm một vé, như vậy giá vé trung bình của một suất chiếu phim là từ 2 euro đến 3 euro. Hệ thống các rạp chiếu phim của UGC được dàn trải tại nhiều vùng miền, cho nên khán giả nên xem trước trên mạng các rạp chiếu phim nào đã mở cửa trở lại, khá nhiều rạp chiếu phim UGC đều có tham gia chương trình này tại các thành phố như Paris và các vùng phụ cận (La Défense, Créteil, Vélizy, Parly) hay là tại các thành phố tỉnh như Lille, Lyon, Bordeaux, Caen, Strasbourg hay là Nancy …..
Trong những năm trước, công ty UGC đã từng chiếu phim trong các chương trình có chuyên đề với sự hợp tác của các kênh truyền hình như Ciné+ hay là Comédie+, thế nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên, các rạp UGC tổ chức chương trình này dưới dạng liên hoan và sự kiện. Cho dù phải tôn trọng các biện pháp giãn cách xã hội, nhưng nhiều đoàn làm phim bao gồm các diễn viên, đạo diễn cũng như tác giả kịch bản nhận lời tham gia các buổi công chiếu. Sự hiện diện của đoàn làm phim tạo cơ hội cho công chúng thảo luận với toàn bộ êkíp thực hiện về quá trình làm phim cũng như trao đổi về nội dung tác phẩm mà khán giả được xem tại chỗ.
Bàn về nội dung chương trình, ‘‘Tuần lễ chiếu phim hài’’ của UGC giới thiệu với công chúng tổng cộng 16 tác phẩm, đại đa số là phim Pháp do chương trình này diễn ra hầu như vào cùng một thời điểm với Liên hoan phim tiếng Pháp thành phố Angoulême. Trên 16 tác phẩm, có 7 bộ phim là những bộ phim hài kinh điển, chẳng hạn như phim ‘‘Notting Hill’’ (1999) của đạo diễn Anh Rogerr Michell với hai thần tượng điện ảnh Julia Roberts và Hugh Grant trong vai chính. Bên cạnh đó còn có ‘‘The Grand Budapest Hotel’’ (2014) của đạo diễn Mỹ Wes Anderson với nam diễn viên Ralph Fiennes, hay là bộ phim ‘‘Very Bad Trip’’ của đạo diễn Todd Phillips với ngôi sao màn bạc người Mỹ Bradley Cooper.
Nhưng quan trọng hơn cả, trong chương trình ‘‘UGC Comedy Week’’ là phần giới thiệu 9 bộ phim hài mới của Pháp. Đa số các bộ phim này chỉ chính thức ra mắt khán giả Pháp từ trung tuần tháng 10/2020 cho tới tháng Giêng 2021, cho nên có thể xem đây là những buổi ra mắt đầu tiên. Các đoàn làm phim đến tham gia các buổi công chiếu và hy vọng chinh phục cảm tình của nhiều khán giả, bởi vì sự phản hồi của họ thông qua các mạng xã hội, sẽ có nhiều hiệu quả hơn là các đợt quảng cáo ‘‘truyền thống’’. Đặc biệt là trong thời hậu phong tỏa, các hãng phim cũng như giới sản xuất chưa chắc gì chịu chi thêm vào khâu quảng cáo tiếp thị, khi mà các rạp vẫn chưa khôi phục lại toàn bộ các hoạt động. Công việc khai thác phim cũng phần nào bị hạn chế, vào lúc các biện pháp phòng dịch vừa được tăng cường, ngoài việc giữ khoảng cách an toàn tối thiểu, khán giả còn buộc phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian ngồi xem chiếu phim trong rạp.
Trong số 9 bộ phim hài mới, có 5 tác phẩm mang thương hiệu Cannes 2020, vì các tác phẩm này từng được tuyển chọn vào chương trình liên hoan Cannes dự trù vào tháng 5 năm 2020. Sau khi liên hoan quốc tế này bị hủy bỏ, hầu hết các bộ phim mới đã được gửi đến tham gia các liên hoan điện ảnh khác như Angoulême hay là Deauville. Đó là trường hợp của các bộ phim như ‘‘Antoinette dans les Cévennes’’ của Caroline Vignal hay là ‘‘Les Choses qu’on dit’’của Emmanuel Mouret, được công chiếu rộng rãi kể từ ngày 16/09). Ngoài ca còn có tác phẩm ‘‘Un triomphe’’ của đạo diễn Emmanuel Courcol hay là ‘‘Les deux Alfred’’ của đạo diễn Bruno Podalydès. Cả hai tác phẩm này chỉ chính thức được khởi chiếu tại Pháp, vào trung tuần tháng Giêng năm 2021.
Dịch Covid-19 đã hoàn toàn làm xáo trộn chương trình các liên hoan điện ảnh nói riêng cũng như lịch ra mắt các tác phẩm mới ở các rạp phim nói chung. Kể từ khi lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ (22/06), hầu hết các phòng chiếu phim trên tổng số gần 6.000 phòng tại Pháp đều đã được mở lại. Tuy nhiên tình hình chung vẫn còn thật đáng lo ngại. Lượng khán giả Pháp đến xem phim ở rạp đã giảm khoảng ba phần tư (75%) so với mùa hè năm 2019. Mức thất thu của các phòng vé hiện lên tới hơn 500 triệu euro. Bên cạnh đó, 220 dự án hậu kỳ cũng như tác phẩm đã hoàn tất còn chờ đến ngày phát hành.
Không phải ngẫu nhiên mà một trong những vị khách mời quan trọng nhất của Liên hoan phim tiếng Pháp Angoulême chính là thủ tướng Pháp Jean Casteix. Sau khi công bố hồi cuối tuần qua một ngân sách 2 tỷ euro nhằm hỗ trợ toàn ngành văn hóa (trong số 100 tỷ euro của kế hoạch chấn hưng kinh tế), thủ tướng Pháp đã đến Angoulême để trấn an giới chuyên ngành điện ảnh Pháp qua việc thông báo các biện pháp của chính phủ Pháp để giúp khởi động lại ngành làm phim. Một cách cụ thể, Trung tâm quốc gia điện ảnh (CNC) sẽ được tài trợ khẩn cấp 165 triệu euro, trong đó sẽ có khoảng hai phần ba tức 105 triệu euro được sử dụng để hỗ trợ các ngành phân phối, giới sản xuất cũng như giới quản lý điều hành các rạp hát (kể cả các sân khấu trình diễn và các rạp chiếu phim).
Đây là một trong những yêu cầu hàng đầu của Liên đoàn quốc gia các rạp chiếu phim Pháp (FNCF), muốn dùng các khoản tài trợ của chính phủ để đảm bảo hoạt động của các rạp hát, cụ thể là thanh toán các chi phí hàng ngày, trả lương hàng tháng cho nhân viên. Hy vọng rằng các biện pháp hỗ trợ này đối với ngành điện ảnh Pháp, sẽ tạo luồng dưỡng khí cho các rạp, giúp cho ngành phân phối phim cầm cự được thêm một thời gian, ít nhất là trong vòng bốn tháng tới, từ tháng 9 cho đến cuối năm 2020.

Chủ tịch đảng Xanh Đức cảnh báo:

Trung Quốc không nói về nhân quyền,

EU không nói về đầu tư

Bình luậnMinh Thanh
Bộ trưởng Ngoại giao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Vương Nghị đang có chuyến công du tới 5 nước châu Âu, và Đức là điểm dừng chân cuối cùng. Trước khi ông Vương Nghị đến, Chủ tịch Đảng Xanh Đức đã kêu gọi chính phủ cần có lập trường mạnh mẽ đối với ĐCSTQ rằng: ĐCSTQ không nói về nhân quyền, EU sẽ không nói về đầu tư.
Vào ngày 1/9, ông Vương Nghị sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas tại Berlin .
Trước chuyến thăm của ông Vương Nghị, Đảng Xanh là đảng đối lập lớn nhất ở Đức, đã kêu gọi Bộ trưởng Ngoại giao Maas của Đảng Dân chủ Xã hội bày tỏ quan điểm rõ ràng đối với ĐCSTQ.
Chủ tịch Đảng Xanh Đức – bà Annalena Baerbock đã đưa ra lời kêu gọi lên Hạ viện rằng EU nên đặt ra các điều kiện cho các cuộc đàm phán hiệp định đầu tư với ĐCSTQ.
Bà nói rằng nếu các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ vi phạm nhân quyền, luật pháp quốc tế và từ chối cung cấp an ninh pháp lý cho các công ty châu Âu, thì Ủy ban EU phải chuẩn bị tốt, sẵn sàng từ chối các cuộc đàm phán thỏa thuận để bảo vệ lợi ích của người dân Trung Quốc và các công ty EU.
Bà Baerbock nói rằng về vấn đề nhân quyền, Luật an ninh quốc gia tại Hong Kong hiện đang vi phạm luật quốc tế hiện hành, và các cơ quan an ninh ở đó vẫn đang tiếp diễn hành vi bạo lực. Việc Bắc Kinh không ngừng gia tăng áp lực đối với Đài Loan và đàn áp nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng phải được đưa vào chương trình nghị sự.
Bà tuyên bố rằng EU cần sử dụng sức mạnh kinh tế của chính mình làm đòn bẩy. Có nghĩa là, nếu ĐCSTQ không nói về nhân quyền, thì EU không nói về đầu tư.
Hiện tại, theo sự ủy quyền của các nước thành viên, Ủy ban EU đang đàm phán với ĐCSTQ để ký kết một hiệp định đầu tư song phương có thời hạn 6 năm. Mục đích của thỏa thuận này bao gồm cải thiện các điều kiện tiếp cận cho các công ty châu Âu tại thị trường Trung Quốc và đảm bảo an ninh đầu tư.
Theo hãng thông tấn Deutsche Welle, trong nội bộ EU, những lời chỉ trích về việc ĐCSTQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và việc Bắc Kinh cưỡng ép thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong đang ngày một gia tăng.
Ba thành viên của Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang đã viết thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Maas yêu cầu có lập trường mạnh mẽ, cứng rắn đối với Trung Quốc.
Ba thành viên này cảnh báo rằng cuộc họp ngoại trưởng lần này chỉ nên trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và quốc tế, không nên để ĐCSTQ lợi dụng làm tuyên truyền trong nước hoặc quốc tế. Về vấn đề Tân Cương và Hong Kong, các hành động của Bắc Kinh đã phá hoại một cách nghiêm trọng các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Vì vậy, bây giờ không cần phải dùng ngữ khí có kiềm chế nữa.
Trong thư nói rằng, ĐCSTQ đã trở nên ngày càng hung hăng hơn trong các vấn đề chính trị nội bộ và ngoại giao. Do đó, họ không còn khả năng trở thành một đối tác đáng tin cậy. Ngay cả khi trước mặt Đức và Châu Âu, ĐCSTQ đã không che giấu, bộc lộ rõ những yêu sách quyền lực của mình. ĐCSTQ đang cố gắng truyền bá chủ nghĩa cực quyền ở châu Âu bằng các thủ đoạn bẻ cong sự thật, tuyên bố dối trá và lợi ích tài chính.
Ba đại biểu quốc hội nhấn mạnh rằng chính phủ liên bang Đức, hiện là chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu, cần có trách nhiệm đưa ra thái độ rõ ràng.
Ngoài Đức, chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Ý, Hà Lan, Na Uy và Pháp cũng gặp phải tình trạng lạnh nhạt. Ông Vương Nghị không chỉ phải đối mặt với việc các chính trị gia từ nhiều nước chất vấn về vấn đề như đàn áp nhân quyền, mà còn gặp phải tình huống xấu hổ “chuột băng qua đường, người người kêu đánh”.
Bất cứ nơi nào ông Vương Nghị đến, các cuộc biểu tình của người Hong Kong, người đại lục, nhóm người Duy Ngô Nhĩ và nhóm người Tây Tạng lưu vong ở châu Âu cũng theo sau. Khi ông Vương Nghị đến Hà Lan, đám đông còn hô vang những khẩu hiệu như “Vương Nghị là nô lệ” và “Đả đảo ĐCSTQ”.
Tờ La Croix của Pháp đưa tin rằng mục đích chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ là để khôi phục lại hình ảnh bị tổn hại nghiệm trọng của ĐCSTQ kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhưng ở châu Âu, nơi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, ai cũng nhớ rằng đại dịch này bắt nguồn từ Trung Quốc. Điều còn cần chờ xem là liệu EU, vốn đã gọi ĐCSTQ là “đối thủ cạnh tranh có tính hệ thống” kể từ năm ngoái, có thể thành công trong việc hình thành một mặt trận thống nhất chống lại ĐCSTQ bành trướng chưa từng có hay không.
Minh Thanh
Theo NTDTV

Tổng thống Zelensky khai tử

chính sách chống tham nhũng tại Ukraina

Thanh Hà
Từng đắc cử nhờ cam kết giải quyết dứt điểm nạn tham nhũng tại Ukraina, tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 29/08/2020 chấp nhận phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến không công nhận tính hơp hiến của nghị định bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng quốc gia NABU.
Theo giải thích của thông tín viên Stéphane Siohan từ Kiev, lý do là cơ quan này bắt đầu điều tra đến một nhà tỷ phú từng đưa ông Zelensky lên đỉnh cao quyền lực.
” Được thành lập năm 2014 trong bối cảnh cuộc cuộc cách mạng Maidan, Văn Phòng Chống Tham Nhũng Quốc Gia – NABU – như một dạng thu nhỏ của Cục Điều Tra Liên Bang FBI Hoa Kỳ. NABU điều tra về các vụ án tham nhũng lớn và chuẩn bị hồ sơ đưa sang tư pháp đề nghị khởi tố.
Được chỉ định vào chức vụ giám đốc cơ quan chống tham nhũng quốc gia hồi năm 2015, ông Artem Sytnyk nhanh chóng trở thành kẻ thù không đội trời chung của tất cả những kẻ giàu có và thế lực tại Ukraina. Vì khoảng 700 nhân viên trực thuộc cơ quan độc lập này mở lại các hồ sơ bê bối, trên mọi lĩnh vực, kể cả những vụ liên quan đến những người thân cận với cựu tổng thống Petro Porochenko. Năm 2017 ông Porochenko đã tìm cách sa thải Artem Sytnik nhưng Liên Hiệp Châu Âu và FBI, cả hai cùng hợp tác với NABU, cũng như là các giới chức ngoại giao, vào giờ chót, đã ngăn chận ông Porochenko làm việc đó.
Trong thời gian gần đây, NABU đặc biệt điều tra các vụ tham nhũng và rửa tiền liên quan đến một chính khách thân Nga, là ông Rinat Akhmetov cũng như các vụ có dính líu đến nhà tỷ phú Ihor Kolomoisky. Chính nhân vật này đã gây dựng sự nghiệp chính trị cho tổng thống Zelensky. Từ nhiều tháng qua, những người thân cận với các nhân vật có thế lực nói trên đòi nguyên thủ Ukraina cách chức giám đốc cơ quan chống tham nhũng NABU. Qua việc ủng hộ quyết định gây tranh cãi của Hội Đồng Bảo Hiến, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky người từng nhận mình là “đầy tớ nhân dân” vừa giáng một đòn chí tử vào chính sách bài trừ tham nhũng trên quê hương ông”.

Belarus: Hàng chục ngàn người lại biểu tình,

Paris tố cáo chính quyền đàn áp báo chí

Trọng Nghĩa
Vào hôm qua, 30/08/2020, hàng chục ngàn người lại xuống đường tại Minsk và một số thành phố Belarus để phản đối chính quyền của tổng thống Loukachenko. Tại Paris, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã lên án những “biện pháp độc tài”  nhắm vào báo giới.
Hôm qua, 30/08/2020, là Chủ Nhật thứ 3 mà người dân Belarus lại rầm rộ xuống đường chống chính quyền của tổng thống Loukachenko. Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, hàng chục ngàn người đã chiếm lĩnh đường phố thủ đô Minsk, và các thành phố lớn trên toàn quốc để đòi hỏi là tổng thống Loukachenko phải ra đi.
Theo thông tín viên RFI, có tin cho biết là đã có hơn 100.000 người biểu tình vào hôm qua, và chính quyền Belarus đã có phản ứng cứng rắn trở lại.
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin ghi nhận:
 “Ông Alexandre Loukachenko kỷ niệm sinh nhật lần thứ 66 trong một phủ tổng thống được canh phòng cẩn mật, có xe bọc thép và một lực lượng vũ trang hùng hậu bảo vệ xung quanh.
Vài chục nghìn người, thậm chí có số liệu nói đến hơn 100.000 người, đã tập trung ở gần phủ tổng thống vào ngày Chủ Nhật thứ ba liên tiếp để chúc ông “lễ sinh nhật vui vẻ cuối cùng với tư cách là tổng thống Belarus”.
Trước số người biểu tình tham gia đông đảo nhất từ đầu phong trào phản kháng, lực lượng an ninh lại phô trương cơ bắp. Vài nghìn cảnh sát được triển khai trên khắp các con phố ở thủ đô, thậm chí cùng với nhiều chiếc xe bọc thép. Hơn 100 người đã bị bắt, trong khi đoàn người biểu tình trong không khí khá ôn hòa.
Những người xuống đường vẫn yêu cầu nhà lãnh đạo cầm quyền từ 26 năm qua phải ra đi, trả tự do cho tù nhân chính trị và tổ chức bầu cử lại, những yêu sách mà ông Alexandre Loukchenko vẫn bỏ ngoài tai.
Tương tự như tuần trước, ông đã xuất hiện bên ngoài phủ tổng thống với khẩu AK trên tay. Đó là dấu hiệu cho thấy khó hy vọng vào khả năng đối thoại giữa chính quyền và phe đối lập.
Thêm vào đó, lần đầu tiên người ta quay lại được cảnh xe tăng xuất hiện trên đường phố Minsk”.
Từ ngày phong trào phản kháng nổ ra tại Belarus, các nhà báo trong nước cũng như ngoại quốc đã bị nhiều sức ép, có khi bị câu lưu trong một thời gian ngắn.
Ngoại trưởng Pháp vào hôm qua, 30/08/2020 đã lên án những biện pháp “đàn áp báo giới”. Belarus đã rút lại giấy phép tác nghiệp của nhiều nhà báo và hãng truyền thông nước ngoài trong đó hãng tin AFP của Pháp. Việc rút giấy phép này cũng bị Đức và Mỹ lên án.
Trong một thông cáo, ông Le Drian cho là những biện pháp đàn áp hiện nay đi ngược lại quyền tự do báo chí, và điều khẩn cấp hiện nay ở Belarus là tiến hành đối thoại giữa các bên, còn những biện pháp đàn áp báo giới không thể đóng góp vào công cuộc đối thoại này.

2 phi cơ Nga đã có hành động cản trở

“không an toàn”  đối với máy bay B-52

của Không Quân Hoa Kỳ

Theo một tuyên bố của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ tại châu Âu và Lực lượng Không quân Công vụ Châu Phi, hôm thứ Sáu (28 tháng 8), hai phi cơ Nga đã thực hiện một hành động can thiệp “không an toàn, thiếu chuyên nghiệp” đối với máy bay B-52 của Không quân Hoa Kỳ ở biển Đen và trên các vùng biển quốc tế.
Theo tuyên bố, các phi công Nga đã cắt ngang mũi phi cơ B-52 nhiều lần ở khoảng cách dưới 100 feet, gây ra nhiễu động khiến chiếc B-52 bị hạn chế khả năng cơ động. Tướng Jeff Harrigian thuộc Bộ Tư lệnh Lực lượng Không quân Hoa Kỳ tại Châu Âu và Lực lượng Không quân Công vụ Châu Phi cho biết hành động này làm tăng khả năng xảy ra va chạm trên không, là hành động không cần thiết và không phù hợp với quy tắc ứng xử hàng không quốc tế.
Theo một tuyên bố từ Bộ Tư lệnh châu Âu của Hoa Kỳ, hôm thứ Sáu (28 tháng 8), chiếc B-52 đã bay qua 30 quốc gia NATO để thể hiện sự đoàn kết của NATO, nâng cao khả năng sẵn sàng và tạo các cơ hội huấn luyện, nhằm tăng cường khả năng tương tác cho tất cả các lực lượng phi hành của Hoa Kỳ và các đồng minh NATO.
Hoa Kỳ thao diễn khả năng quân sự trong bối cảnh căng thẳng với Nga gia tăng, và những thắc mắc lâu nay về sự cam kết của chính quyền tổng thống Trump đối với liên minh này sau quyết định giảm quân số Hoa Kỳ ở Châu Âu gần đây. Cam kết của Hoa Kỳ đối với NATO bị đặt nghi vấn sau khi tổng thống Trump liên tục chỉ trích các quốc gia thành viên vì không đạt mục tiêu dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng của liên minh. (BBT)

Nhật Bản sẽ có tân thủ tướng

‘trong vòng một vài tuần’?

Quốc Phương
Thông báo từ chức vì lý do sức khỏe hôm 28/8/2020 của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tiếp tục ở trong tâm điểm quan tâm của công luận tại Nhật Bản và các giới quan sát quốc tế khu vực.
Các câu hỏi lớn đang được đặt ra vẫn theo các giới này là ai sẽ chính thức thay thế cho ông Abe Shinzo, và chính sách cũng như vị thế của Nhật Bản có thay đổi hay suy xuyển gì không?
Từ Tokyo, nhà báo, nhà biên khảo Đỗ Thông Minh cho rằng có thể nội các Nhật Bản và đảng cầm quyền sẽ mau sớm tìm ra người thay thế cho ông Thủ tướng, và tân lãnh đạo nội các có thể sẽ được bầu ra chỉ “trong vòng một tuần”.
“Thủ tướng lâm thời sẽ do nội các bầu ra, mà theo tôi phỏng đoán có thể là ông Phó Thủ Tướng Aso Taro.
“Ngày 01/9/2020, đảng Tự Do Dân Chủ sẽ họp bầu tân chủ tịch, và tân chủ tịch sẽ đương nhiên được cử đảm nhận chức thủ tướng.
“Thủ tướng cử nội các và tất cả sẽ vào Hoàng cung nhận ủy nhiệm thư từ Thiên Hoàng là người đại diện toàn dân. Ông Kan (管), là Tổng Thư ký Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ ra tranh cử chức chủ tịch đảng lần này.
“Tôi cho rằng có lẽ chỉ trong vòng một tuần sẽ có tân thủ tướng. Một nhân vật từng tranh chức chủ tịch đảng với ông Shinzo Abe là ông Ishiba Shigeru lại dự định ra tranh chức chủ tịch đảng lần này. Có lẽ chỉ trong vòng một tuần sẽ có lãnh đạo mới của nội các.
“Về ứng viên trong số các ứng viên, theo góc nhìn riêng của tôi thì ông Aso Taro khá nổi bật. Ông từng là Thủ tướng năm 2008-2009 và là phó thủ tướng bên cạnh Thủ tướng Shinzo Abe trong suốt thời gian 7 năm 8 tháng vừa qua.”
“Tin cho hay, ngày 01/9, đảng Tự Do Dân Chủ họp bàn về cách bầu chủ tịch mới và lịch trình bầu. Tân chủ tịch đảng sẽ lên làm Thủ Tướng. Theo tin mới nhất thì dự kiến vào ngày 14/9 sẽ họp Đại Hội Đảng để bầu Chủ Tịch,” ông Đỗ Thông Minh nói thêm.
Tiếp tục căng với Trung Quốc, nhưng gắn bó với Việt Nam?
Về những quan tâm gì đang được công luận Nhật Bản và các giới quan tâm, quan sát đặt ra hiện nay là hậu quyết định từ chức của ông Abe Shinzo liên quan tới vị thế, chính sách nội trị, bang giao của Nhật Bản tới đây, nhà báo Đỗ Thông Minh đưa ra ý kiến, bình luận của mình:
“Tất nhiên câu hỏi số một, như tôi có đề cập ở trên, là ai sẽ kế nhiệm Abe Shinzo rồi chính sách kinh tế, xã hội v.v… và quan hệ bang giao với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam… sẽ có gì thay đổi là một số quan tâm lớn nhất.
“Nhưng theo tôi về đối nội và nội trị, chính trị nội bộ, Đảng Tự Do Dân Chủ vẫn là đảng chiếm ưu thế, nên người kế vị có lẽ sẽ không thay đổi nhiều chính sách quốc nội.
“Tương tự như chính sách quốc nội, chính sách đối ngoại nói chung theo tôi cũng không thay đổi nhiều.
“Nhưng có lẽ ít có người nào hành động tích cực như ông Shinzo Abe, nên chính sách đối ngoại nói chung có thể ít nhiều không tích cực như nhiệm kỳ ông Shinzo Abe.
“Và như một thông lệ, trong dự đoán của tôi, bằng mọi giá, Nhật Bản luôn đi sát với Hoa Kỳ. Quan hệ với Trung Quốc vẫn có ít nhiều căng thẳng vì tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Nhà báo Đỗ Thông Minh: “Quan hệ [của Nhật Bản] với Trung Quốc vẫn có ít nhiều căng thẳng vì tham vọng bành trướng của Trung Quốc”
“Quan hệ với Hàn Quốc vẫn khó khăn vì hệ quả của Thế chiến thứ II, trong khi quan hệ với Việt Nam, vì cùng lo ngại sự bành trướng của Trung Quốc nên có phần gắn bó.
“Viện trợ Nhật Bản cho Việt Nam, xin nhấn mạnh, vẫn cao nhất, ở mức 1,8 tỷ USD/1 năm.”
Đối lập, chỉ trích và sức khỏe lãnh đạo?
Nhân dịp này, nhà báo, nhà biên khảo từ Tokyo đưa ra một số nhận định, bình luận có tính chất quan sát về một số vấn đề như khả năng của đối lập thế nào, sức khỏe lãnh đạo và tình hình sức khỏe cá nhân riêng của ông Abe Shinzo có gợi ý vấn đề gì không trong văn hóa chính trị.
“Nhật Bản theo chế độ Đại Nghị và đảng Tự Do Dân Chủ đang chiếm đa số tại Hạ Viện cũng như Thượng Viện, nên sẽ không có thay đổi nhiều.
“Về đối lập và thực lực của họ, tại Nhật Bản hiện có tám, chín đảng đối lập nhưng đều nhỏ, khó tạo ảnh hưởng. Trong qua khứ, đã hai lần họ liên kết nắm quyền nhưng không duy trì được lâu vì những chính sách được cho là mị dân không thực tế và tình trạng ‘đồng sàng dị mộng’.
“Về khen chê đối với ông Abe Shinzo, thì nói chung theo tôi là ông được khen ngợi nhưng cũng có bộ trưởng trong nội các từ chức vì phạm sai lầm và vợ của ông Shinzo Abe bị cáo buộc dính dáng đến vụ mua lại một ngôi trường cũ với giá rẻ.
“Còn về sức khỏe cá nhân của ông Abe Shinzo và văn hóa chính trị, văn hóa từ chức, hay là so sánh với nơi khác, theo tôi thì Nhật Bản là đất nước dân chủ, nên họ công khai bệnh tình các lãnh tụ, lãnh đạo, kể cả Thiên Hoàng.
“Về cách thức người ta thông tin sức khỏe của lãnh đạo hay yếu nhân tại Nhật Bản, thì từ tháng 6/2020, dân chúng đã biết tin về bệnh tình của Thủ tướng Abe Shinzo.
“Nhật Bản không coi chuyện bệnh tình lãnh đạo là bí mật quốc gia.
“Và ngay trong tháng 8/2020, khi bệnh tình ông Abe Shinzo tái phát, ông phải nhập viện, nhận thấy không đủ sức khỏe đảm đương công việc điều hành quốc gia nên ông đã họp báo công khai, tuyên bố từ chức ngày 28/8/2020 như tất cả Nhật Bản và thế giới đều biết,” nhà báo, nhà biên khảo bình luận từ Tokyo.

Shinzo Abe rút lui chính trường, sự ổn định

của châu Á – Thái Bình Dương bị đe dọa ?

Minh Anh
Những tin đồn liên quan đến sức khỏe của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lan truyền từ nhiều tuần qua, nên thông báo từ nhiệm của ông hôm thứ Sáu 28/08/2020 không hẳn là một cú sốc hoàn toàn đối với các quan chức Mỹ. Nhưng theo nhận định của CNN, chính thời điểm đưa ra thông báo mới là điều đáng lo.
Tám năm thay vì là tám tháng như các đời chính phủ Nhật Bản khác trước năm 2012, Shinzo Abe trở thành vị thủ tướng cầm quyền lâu nhất tại Nhật Bản. Nhờ vào sự ổn định chính trị này, Nhật Bản đã trở lại sân khấu chính trị quốc tế một cách ngoạn mục. Nhắc đến Shinzo Abe, người ta không thể không nhắc đến khái niệm « Ấn Độ – Thái Bình Dương » nổi tiếng. Và đối với giới quan sát, chính những tầm nhìn thực dụng và năng động của Shinzo Abe còn là một nguồn bảo đảm ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bà Celine Pajon, chuyên gia về Nhật Bản, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) khi trả lời phỏng vấn tạp chí Diplomatie (số ra cho tháng 5-6/2020) từng nhận xét rằng chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời Shinzo Abe tựu trung được cấu tạo để đối phó với sự trỗi dậy thành cường quốc của Bắc Kinh. Đối với Nhật Bản, việc Trung Quốc đi lên thành một cường quốc trên thế giới đặt nước này trước hai rủi ro lớn.
Mối nguy thứ nhất có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia. Trung Quốc từ năm 2012 không ngừng gia tăng sách nhiễu, đưa tầu hải cảnh xâm nhập xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc và cả Đài Loan đòi hỏi chủ quyền.
Nguy cơ thứ hai có bản chất hệ thống. Tokyo xem Bắc Kinh như là một cường quốc « xét lại » và điều này gây nguy hiểm cho trật tự thế giới tự do được thiết lập từ sau năm 1945, mà dự án Con đường Tơ lụa mới là một ví dụ điển hình. Với Nhật Bản, dự án tầm cỡ địa chính trị này của Trung Quốc rất có thể còn nhằm một mục tiêu sau cùng là tái thiết một hệ thống quốc gia chư hầu dưới vỏ bọc tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, một hình thức để mở rộng các chuẩn mực và định chế Trung Quốc trong khu vực, thậm chí trên thế giới.
Chính trong bối cảnh này, ông Shinzo Abe, ngay khi lên cầm quyền năm 2012, vạch ra một chiến lược phản công làm đối trọng với Bắc Kinh. Một mặt, ông tăng cường cải thiện mối quan hệ liên minh Mỹ – Nhật, thúc đẩy thông qua luật an ninh quốc gia gây tranh cãi khi cho diễn giải lại điều khoản hạn chế sử dụng vũ lực để tự vệ, và như vậy có thể đến cứu viện Mỹ nếu cần thiết. Mối quan hệ này có từ thời Barack Obama, nhưng vẫn được đích thân Shinzo Abe đặc biệt duy trì ngay cả khi Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng.
Đồng thời, ông xúc tiến chiến lược « Ấn Độ – Thái Bình Dương » quy tụ bốn nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ. Đối thoại an ninh « Quad – Bộ Tứ ) được tổ chức hàng năm nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm đối phó với những tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong khu vực.
Mặt khác, để làm đối trọng với dự án Một vành đai Một con đường của Trung Quốc, Shinzo Abe không ngừng nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước cho dù sau này chỉ còn 11 nước do Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi dự án. Ông Abe tin rằng chương trình này có một tầm quan trọng lớn vì cả hai lý do kinh tế và chiến lược.
Nhìn lại những gì được thực hiện, theo giới quan sát, tuy tư tưởng chủ nghĩa dân tộc của ông đôi khi gây ra nhiều tranh cãi, nhưng Shinzo Abe lại là một người theo chủ nghĩa đa phương, dấn thân không mệt mỏi nhằm thúc đẩy cho một trật tự thế giới dựa trên luật lệ quốc tế.
Chỉ có điều giờ đây thông báo từ nhiệm của ông lại đưa ra không đúng thời điểm. Tình hình châu Á trở nên căng thẳng. Trong khi cuộc đọ sức Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn, Bắc Kinh thời gian gần đây tiếp tục gia tăng các hành động khiêu khích gây hấn ở Biển Đông và biển Hoa Đông với các nước láng giềng. Chính sách đàn áp mới đối với Hồng Kông cũng như là mối đe dọa đối với Đài Loan còn làm dấy lên nỗi lo xung đột lớn tại châu Á.
Liệu rằng người kế nhiệm Shinzo Abe có thể tiếp nối những chính sách đã được vạch ra hay không ? Hệ quả chính trị, địa chính trị từ thông báo rút lui chính trường của ông tại châu Á sẽ như thế nào ? Nhiều câu hỏi đang chờ lời giải đáp. Một điều chắc chắc, đối với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, « Ấn Độ đang mất đi một người bạn tốt, một đồng minh tốt nhất ở Nhật Bản ».

Trung tâm bảo trì chiến đấu cơ F-16 của Đài Loan

 báo hiệu quan hệ an ninh cởi mở hơn với Hoa Kỳ

Các nguồn tin quân sự và quan sát viên Đài Loan cho biết, việc Đài Loan ra mắt trung tâm bảo trì chiến đấu cơ F-16 chung là một bước đi nhằm giúp quan hệ hợp tác an ninh giữa Đài Bắc và Washington trở nên cởi mở hơn, bất chấp những quan điểm từ phía Bắc Kinh. Cơ sở này là một dự án hợp tác giữa Công ty Phát triển Công nghiệp Hàng không Không Gian Đài Loan (AIDC) và Công ty Lockheed Martin.
Được ra mắt hôm thứ sáu (28/8) ở Shalu, Đài Loan, trung tâm bảo trì này trở thành trung tâm dịch vụ dành cho phi cơ F-16 đầu tiên ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các nhà quan sát cho biết, đây thể hiện mong muốn ngày càng tăng của Hoa Kỳ trong việc bình thường hóa quan hệ quân sự với Đài Loan, khi căng thẳng giữa quốc gia này và Bắc Kinh gia tăng trên nhiều phương diện, từ thương mại đến kỹ thuật.
Theo tờ South China Morning Post đưa tin, trước đây, Washington đã từng làm tất cả những gì có thể để giảm bớt các hoạt động trao đổi quân sự với Đài Bắc để tránh làm Bắc Kinh bất bình. Hôm thứ sáu, một nguồn tin an ninh cho biết, trước khi Tổng thống Trump nhậm chức vào năm 2017, nhiều cuộc trao đổi của Washington với Đài Bắc đã được tiến hành một cách bí mật, vì Hoa Kỳ lo lắng về phản ứng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã sẵn sàng hơn trong việc tăng cường trao đổi với Đài Loan và công khai các hoạt động này thông qua các thông cáo báo chí hoặc các bài đăng trên mạng xã hội như Facebook và Twitter.  (BBT)

Bị trục xuất khỏi Trung Quốc,

nhiều nhà báo hải ngoại đến Đài Loan

Tâm Thanh
Cho đến nay, Đài Loan đã ghi nhận thêm 22 nhà báo nước ngoài thường trú, trong đó bao gồm cả một số nhà báo bị Trung Quốc đại lục cấm cửa. ĐCSTQ và Đài Loan hiện đang mâu thuẫn trên nhiều phương diện và Đài Loan đang thu hút các nhà báo nước ngoài bằng quyền tự do báo chí.
Theo báo cáo của VOA, vào ngày 27/8, bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, 22 nhà báo nước ngoài đã đến làm thủ tục đăng ký hành nghề vì “Đài Loan có quyền tự do ngôn luận báo chí và chúng tôi tôn trọng quyền lợi này”. Còn về phía chính phủ Trung Quốc, ĐCSTQ thực hiện giám sát các nhà báo nước ngoài và kiểm duyệt Internet. Đầu năm 2020, ĐCSTQ đã trục xuất một số nhà báo Mỹ khỏi Trung Quốc.
Trong số 22 nhà báo đã đăng ký, có 7 nhà báo nước ngoài đã từng sống ở Trung Quốc (không bao gồm Hồng Kông), một số trong họ đã bị Bắc Kinh trục xuất vì nội dung các bài báo của họ xuất bản hồi tháng 3 khiến chính phủ Trung Quốc bất bình. Các nhà báo nước ngoài bị trục xuất đã từng làm việc cho The New York Times và The Wall Street Journal (Tạp chí Phố Wall).
Bà Danielle Rhoades Ha, phó chủ tịch truyền thông tờ The New York Times cho biết: “Do lệnh trục xuất của chính phủ Trung Quốc, chúng tôi đã chuyển một số nhà báo bị ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau ở châu Á, trong đó có Đài Bắc (thủ phủ Đài Loan)”.
Trung Quốc và Đài Loan nằm cùng múi giờ và thời gian bay ngắn nhất giữa hai nơi chỉ mất 80 phút. Từ Đài Bắc bay đến các thành phố lớn ở các nước Đông Nam Á mất khoảng 2 đến 4 giờ đồng hồ, bay đến Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 3 giờ.
Ông Cốc Linh Linh (Gu Lingling), phó giáo sư báo chí tại Đại học Quốc gia Đài Loan, cho biết: “Cho dù họ không ở Trung Quốc đại lục, họ vẫn có thể thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn nghiên cứu trên Internet”.
Tại Trung Quốc, các nhà báo đưa tin nhạy cảm về chính trị có thể bị cảnh sát theo dõi hoặc thậm chí giam giữ. Freedom House đã chỉ ra trong một báo cáo nghiên cứu được xuất bản năm 2020 rằng, ĐCSTQ và các cơ quan chính phủ từ lâu đã cố gắng cản trở các nhà báo nước ngoài để tác động đến dư luận và kiểm soát các phương tiện truyền thông. Nghiên cứu cho thấy trong 10 năm qua, “nỗ lực kiểm soát nội dung của các bản tin trên phương tiện truyền thông đã gia tăng đáng kể”.
Giáo sư Hầu Chính Nam (Hou Zhengnan) tại học viện truyền thông đại chúng, Đại học Nghĩa Thủ, Đài Loan tiết lộ, chính quyền ĐCSTQ đôi khi cử người bí mật theo dõi các nhà báo nước ngoài.
Đài Loan là một quốc gia dân chủ, cho phép các nhà báo đưa tin về bất kỳ chủ đề nào hoặc phỏng vấn bất kỳ ai. Đài Loan được liệt vào địa điểm tự do nhất châu Á trong bảng xếp hạng tự do toàn cầu do Freedom House công bố năm 2020.
James Gomez, Giám đốc khu vực Viện chính sách Asia Centre tại Bangkok, cho biết: “Đài Loan hy vọng sẽ thể hiện mình là một quốc gia lấy giá trị tích cực làm trụ cột, nơi mà các giá trị dân chủ và nhân quyền được thể hiện đầy đủ, chứ không chỉ để quảng bá cho bản thân”.
“Tôi nghĩ Đài Loan sẽ muốn làm gương cho các quốc gia khác. Một quốc gia có thể nói được, làm được”, ông James Gomez nói.
Hiện nay, có 68 hãng truyền thông nước ngoài ở Đài Loan và 114 nhà báo nước ngoài thường trú tại Đài Loan.
Theo các kênh truyền thông Hồng Kông, các nhà báo nước ngoài thường trú tại Hồng Kông có thể bị Cục an ninh quốc gia mới thành lập trực thuộc Cục di trú Hong Kong từ chối cấp thị thực.
Ông Cedric Alviani, Giám đốc văn phòng Đông Á của tổ chức Phóng viên không Biên giới cho biết: “Bạn có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào và đơn xin gia hạn thị thực của bạn có thể bị từ chối. Đây là mối đe dọa chính đối với việc ổn định hoạt động báo cáo tin tức”.
Tuy vậy, Phó giáo Sư Gu Lingling cũsng cho biết: “Nhiều người Đài Loan còn thiếu kỹ năng tiếng Anh và tầm nhìn quốc tế sâu rộng, đó là lý do tại sao Hồng Kông và Singapore là các điểm đến thu hút các nhà báo hơn”.
Ông Gomez cho rằng: “Đài Loan có thể cần ban hành luật mới để hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho các hãng thông tấn nước ngoài thành lập các trạm phóng viên ở Đài Loan được thuận lợi hơn”.
Theo Trung Nguyên, Epoch Times
Tâm Thanh biên dịch

Đài Loan làm thế nào

để bảo vệ mình trong xung đột Mỹ – Trung?

Lục Du
Tờ Apple Daily hôm 30/8 có bài viết bàn về cách Đài Loan có thể chọn còn đường để tồn tại và phát triển trong khi quốc đảo có vị trí địa lý đặc biệt và lại nằm giữa mối quan hệ Mỹ-Trung đang hết sức căng thẳng. Dưới đây là nội dung bài viết.
Cựu Tổng thống (TT) Đài Loan Mã Anh Cửu tại “Diễn đàn An ninh Quốc gia” vào ngày 22/7 đã cáo buộc TT Thái Anh Văn “đứng về phía Mỹ chống lại Trung Quốc và biến mối quan hệ căng thẳng xuyên eo biển thành một cuộc khủng hoảng”.
Tại diễn đàn này, ông Mã một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ đối với “đồng thuận năm 1992”, một hiệp ước được ký kết giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc thống nhất rằng chỉ có “một Trung Quốc”. Bên cạnh đó, ông Mã cũng nhấn mạnh rằng vì lợi ích tốt nhất của Đài Loan hãy không nên chọn bên nào để tránh rắc rối.
Apple Daily từng mô tả ông Mã và chính quyền của ông như một “Nhóm Nghiên cứu Kinh thánh về Đồng thuận năm 1992”, chủ trương “tìm kiếm hòa bình thông qua việc tin vào Đồng thuận năm 1992”. Và bị mê mờ bởi “niềm tin” của mình, không nhận thức được sự căng thẳng đang gia tăng trong cuộc đối đầu Trung-Mỹ và sự hình thành của Chiến tranh Lạnh mới giữa hai nước này, vì thế ông Mã đã nhầm lẫn khi tin rằng vẫn còn chỗ cho Đài Loan đứng trung lập giữa hai bên.
Dạng thức của Chiến tranh Lạnh giống như Bức tường chia cắt thành phố Berlin và ở đó người dân chọn theo phía Đông hoặc phía Tây. Hồng Kông là Berlin của Chiến tranh Lạnh mới. Chiến lược của Trung Quốc là biến Hồng Kông thành Trung Quốc đại lục và coi hòn đảo này như phần phía đông của Bức tường Berlin, tức phần sẽ bị “đồng hóa”.
Đài Loan chắc chắn không muốn mình ở tình huống của Hồng Kông. Thực sự có sự khác biệt giữa hai cuộc chiến tranh lạnh. Trong Chiến tranh Lạnh cũ, phe Đông và Tây ít có sự phụ thuộc lẫn nhau về về kinh tế và thương mại. Trong khi Chiến tranh Lạnh mới diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mặc dù cuộc chiến kinh tế và thương mại Mỹ – Trung đã kéo dài hai năm nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn ở mức cao, đạt 55 tỷ USD vào tháng Bảy năm nay.
Điểm khác biệt thứ hai là các nước trung lập trong Chiến tranh Lạnh chủ yếu là các nước thuộc Thế giới thứ ba với tiềm lực quốc gia yếu. Ngày nay, do các mối quan hệ địa chính trị, Trung Quốc gây ra mối đe dọa cho các nước châu Âu ít hơn Liên Xô trong quá khứ. Vì thế, trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, châu Âu ít có động lực ủng hộ Mỹ hoàn toàn.
Trong cuộc chiến kinh tế và thương mại với Trung Quốc, chiến lược của Mỹ rất rõ ràng: “tách” nước này khỏi lĩnh vực công nghệ là vấn đề trọng tâm đồng thời tìm cách ngăn Huawei vươn ra thế giới. Trước sức ép mạnh mẽ từ Washington, các quốc gia EU đang từng bước tham gia cùng với Hoa Kỳ đối đầu với Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ.
Về địa chiến lược, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là chiến trường chính trong cuộc đối đầu giữa Mỹ – Trung. Đài Loan khó tránh khỏi vị trí tuyến đầu của chiến trường này. Vì thế việc ông Mã nỗ lực duy trì sự trung lập giữa hai bên, ông đã bị coi như “đứa trẻ bị bỏ rơi”.
Ngoài đối đầu địa chính trị, Chiến tranh Lạnh mới còn bao gồm cả cuộc xung đột về ý thức hệ. Mặc dù ông Trump có những khác biệt quan điểm với các đồng minh châu Âu, nhưng sự tương đồng trong các giá trị cơ bản giữa châu Âu và Mỹ lớn hơn nhiều so với điểm chung tìm được giữa châu Âu và Trung Quốc. Vì thế Đài Loan dân chủ càng không thể đầu hàng ý thức hệ độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Gần đây, các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc là Dương Khiết Trì và Vương Nghị đều đã lên tiếng về mối quan hệ Mỹ-Trung. Cách tiếp cận ôn hòa mềm mỏng của họ là chỉ dấu cho thấy Bắc Kinh đã phải nén sự tự phụ lại và cúi đầu trước Tổng thống Trump.
Điều tồi tệ lớn nhất tới khi Mỹ-Trung xảy ra đụng độ quân sự. Eo biển Đài Loan và Biển Đông được coi là những địa điểm có nguy cơ cao làm bùng phát cuộc xung đột này. Sự cạnh tranh quân sự giữa hai nước gần đây đã leo thang.
Quân đội Trung Quốc (PLA) đã và đang tiến hành các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn trên khắp các vùng biển bao gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông, Hoàng Hải và Biển Bột Hải. Một máy bay trinh sát tầm cao U-2 của Mỹ đã tiến vào vùng giới hạn cấm bay của cuộc tập trận quân sự của PLA ở Biển Bột Hải vào ngày 25/8.
Ngày hôm sau, Trung Quốc ngay lập tức phóng ít nhất hai tên lửa “sát thủ đối với tàu sân bay” vào Biển Đông để trả đũa. Đây là một động thái chưa từng có tiền lệ và cũng khiến cuộc đối đầu quân sự Trung-Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thêm căng thẳng.
Kh Trung – Mỹ tiếp tục gia tăng căng thẳng, ở vị trí nhạy cảm, nguy cơ đối với Đài Loan chắc chắn cũng đang gia tăng. Shi Yinhong chỉ ra rằng, điều đáng phải cảnh giác là ở giai đoạn này, sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc không thể được giải quyết một cách toàn diện.
Cảnh báo của cựu Tổng thống Mã về an ninh của Đài Loan là đúng nhưng cơ chế là sai. Vì trong thực tế, không có lựa chọn nào cho việc “không chọn bên” hoặc “thân Mỹ trong khi vẫn hòa hợp với Trung Quốc”. Nếu không muốn “Hồng Kông hôm nay, Đài Loan ngày mai” thì không thể chọn Trung Quốc.
Tất nhiên, có những rủi ro khi chọn Mỹ. Do đó, làm thế nào để Đài Loan tránh bị Mỹ phản bội khi Trung Quốc đưa ra các điều kiện về vấn đề Đài Loan với Mỹ? Việc quỳ gối trước Trung Quốc sẽ không giúp ích được gì, thay vào đó hãy dựa vào sức mạnh toàn diện của Đài Loan về kinh tế, công nghệ, văn hóa và quốc phòng để chứng minh cho thế giới tự do thấy tầm quan trọng của Đài Loan.
Theo Apple Daily
Đại Nghĩa dịch và biên tập

Báo Trung Cộng hăm doạ CSVN có thể

gánh hậu quả về an ninh

nếu để người dân chống Trung Cộng

Tin Vietnam.- Ngày 30 tháng 8 năm 2020, báo Trithucvn đã dịch lại bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Cộng có nội dung cảnh báo cộng sản Việt Nam có thể sẽ gánh chịu hậu quả nếu tiếp tục tương tác với Hoa Kỳ để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Tờ báo này nhắc nhở nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam nên ngăn chặn phong trào chống Trung Cộng của người dân Việt Nam, và nên giải quyết mâu thuẫn trên biển bằng con đường ngoại giao song phương. Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng, việc nhà cầm quyền Cộng sản khẳng định chủ quyền trên Biển Đông vào ngày 26 tháng 8 vừa qua, có thể gây ra một hiệu ứng phức tạp trong xã hội Việt Nam. Chủ nghĩa dân tộc của người Việt sẽ tập trung vào việc Trung Cộng chiếm Biển Đông, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả hệ tư tưởng của cộng sản Việt Nam.
Thời báo Hoàn cầu còn đe doạ rằng, nếu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục lặp lại tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thì sẽ gặp rắc rối cho đảng, mà không thay đổi được thực tế trên quần đảo. Tờ báo còn viết, nếu nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam để cho tâm lý chống Trung Cộng lan rộng trong dư luận người dân thì có thể gây đe doạ an ninh quốc gia của đất nước về lâu dài.
Đồng thời, tờ báo còn cáo buộc việc người dân Việt chống Trung Cộng là chủ nghĩa cực đoan đang chĩa vào nước này chứ không phải chĩa vào Hoa Kỳ, nên có khả năng những người chống Trung Cộng sẽ được Hoa Kỳ khuyến khích và thúc đẩy. Việc Washington biến đảng Cộng sản Trung Cộng trở thành mục tiêu sẽ gián tiếp khuyến khích các lực lượng chống đảng Cộng sản Việt Nam.
An Nhiên

Trung Quốc kêu gọi châu Âu đoàn kết

chống các thế lực Mỹ « cực đoan »

Minh Anh
Đến Pháp Paris trong khuôn khổ vòng công du châu Âu, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ngày 30/08/2020 kêu gọi châu Âu cùng đối phó với « các thế lực cực đoan » tại Mỹ.
Sau khi được tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp, ngoại trưởng Trung Quốc có các cuộc gặp và trao đổi với đồng nhiệm Pháp Jean-Yves Le Drian và ông Laurent Fabius, chủ tịch Hội Đồng Bảo Hiến.
Trong cuộc họp báo tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, (IFRI), lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đã, tấn công khẩu hiệu « Nước Mỹ trước đã ! » của tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng Bắc Kinh không bao giờ nói đến « Trung Quốc trước hết ! ».
Theo ông Vương Nghị, quan hệ Mỹ – Trung căng thẳng « buộc các nước phải công khai » chọn phe và « điều này đã đẩy mối bang giao Mỹ – Trung đi vào xung đột và đối đầu ».
Tuyên bố này được đưa ra vào lúc mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh mỗi lúc một căng thẳng và chính quyền Donald Trump tìm cách thiết lập một liên minh xuyên Đại Tây Dương chống Trung Quốc.
Theo nhận định của South China Morning Post, ngoại trưởng Trung Quốc chọn Paris để kêu gọi chống Mỹ vì đây cũng là nơi mà cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng ông Robert O’Brien cách nay một tháng, đã thông báo với châu Âu về chiến lược chung chống lại ảnh hưởng địa chính trị và công nghệ Trung Quốc. Mặt khác, Pháp cũng là một trong những quốc gia trong khối Liên Hiệp Châu Âu đang thúc đẩy « quyền tự chủ chiến lược » nhằm thoát dần sự lệ thuộc vào Mỹ.
Tuy nhiên, việc nguyên thủ Pháp đón tiếp nồng nhiệt lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đã khiến giới quan sát lo ngại trước một « đối thủ mang tính hệ thống » và các vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc. Về điểm này, khi bị báo giới chất vấn về các vấn đề Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, ngoại trưởng Trung Quốc thẳng thừng yêu cầu phương Tây « không can thiệp chuyện nội bộ » Trung Quốc.
Để trấn an và củng cố niềm tin của châu Âu với Trung Quốc, ông Vương Nghị cho rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận về đầu tư vào cuối năm nay. Trung Quốc hứa hẹn sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp châu Âu đến làm ăn tại Trung Quốc.
AFP nhắc lại đàm phán về bảo hộ đầu tư nước ngoài giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu kéo dài từ 7 năm qua. Cũng như Mỹ, châu Âu quan ngại nhiều vấn đề trong việc đầu tư tại cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á như tôn trọng sở hữu trí tuệ, chấm dứt đòi chuyển giao công nghệ đối với hãng nước ngoài và tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước.

Trung Quốc: Chủ tịch Thượng viện Séc

 sẽ phải ‘trả giá đắt’ cho chuyến thăm Đài Loan

Đại Nghĩa
Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil sẽ phải “trả giá đắt” cho chuyến thăm chính thức Đài Loan, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hôm thứ Hai (31/08), khiến Prague phải lên tiếng than phiền và dù rằng Vystricil cho biết ông không có ý định đối đầu, theo Reuters.
Ông Vystrcil thăm chính thức Đài Bắc hôm Chủ nhật (30/8) để thúc đẩy các mối liên kết kinh doanh với Đài Loan. Ông cho biết Cộng hòa Séc sẽ không cúi đầu trước sự phản đối của Bắc Kinh. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai không đủ điều kiện cho các mối quan hệ bang giao chính thức.
Phát biểu khi ở Đức, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng sẽ có hậu quả cho hành vi này.
“Chính phủ Trung Quốc và người dân Trung Quốc sẽ không cho phép hay để yên, và sẽ khiến ông ta trả giá đắt cho hành vi thiển cận và chủ nghĩa cơ hội chính trị của mình”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Vương nói.
Ông Vương Nghị cho biết chính phủ và người dân Trung Quốc sẽ không dung thứ cho các “hành động khiêu khích công khai” như vậy của ông Vystrcil và các lực lượng chống Trung Quốc đằng sau ông ta, mặc dù không đưa ra chi tiết về cách thức Bắc Kinh sẽ đáp trả.
Theo hãng tin CTK, ngoại trưởng Séc Tomas Petricek nói rằng mặc dù phía chính phủ Séc không ủng hộ chuyến thăm, nhưng nhận xét của ông Vương là quá nặng và ông sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc yêu cầu giải thích.
“Tôi sẽ yêu cầu phía Trung Quốc giải thích cho chúng tôi. Chuyến đi tất nhiên có ảnh hưởng đến mối quan hệ với Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng phát biểu này đã vượt quá giới hạn”, ông Petricek nói với các phóng viên.
Chủ tịch Thượng viện Séc Vystrcil nói trong một tuyên bố rằng bình luận của ông Vương Nghị là can thiệp vào công việc nội bộ của Cộng hòa Séc.
“Chúng tôi là một quốc gia tự do, mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước. Tôi tin rằng điều này [mối quan hệ tốt đẹp này] sẽ tiếp tục trong tương lai mà không chịu ảnh hưởng bởi tuyên bố của ông Vương. Và để tôi nhắc lại một lần nữa – chuyến thăm này hoàn toàn không nhằm mục đích đối đầu chính trị với bất kỳ ai”.
Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Wang Mei-hua từ chối bình luận trực tiếp về phát biểu của ngoại trưởng Trung Quốc nhằm vào ông Vystrcil, nhưng cho biết Đài Loan và Séc có nhiều điểm chung:
“Cộng hòa Séc và Đài Loan là những quốc gia tự do, dân chủ và coi trọng nhân quyền. Chúng tôi có những giá trị tương tự người Séc”, bà Mei-hua nói với các phóng viên trước thềm một diễn đàn kinh doanh với ông Vystrcil.
Tại Séc, tổng thống Milos Zeman đã tìm kiếm mối quan hệ kinh doanh và chính trị chặt chẽ hơn với Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013. Nhưng nỗ lực của ông đã bị ảnh hưởng bởi những thỏa thuận đầu tư thất bại và việc Séc vẫn đang do dự trước quyết định cho phép tập đoàn Huawei của Trung Quốc đóng vai trò phát triển mạng 5G tại nước này.
Phát biểu tại một trường đại học ở Đài Bắc, Chủ tịch Vystrcil ca ngợi Đài Loan và các giá trị dân chủ của họ.
Ông nói: “Tôi tin rằng với nền dân chủ và tự do, sự thật và công lý sẽ tạo thành những giá trị chung đáng trân trọng nhất của đôi bên”.
Theo Reuters,
Đại Nghĩa dịch & biên tập

Dùng iPhone đăng tweet cảnh báo tẩy chay Apple,

Triệu Lập Kiên bị dân mạng cười chê

Đại Nghĩa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 28/8 đã cảnh báo trên Twitter của mình rằng, người dân nước này sẽ tẩy chay các sản phẩm của Apple nếu Mỹ cấm WeChat. Tuy nhiên, cư dân mạng phát hiện ra dòng tweet của ông Triệu được đăng bằng iPhone.
Tại một cuộc họp báo ngày 27/8, ông Triệu tuyên bố nếu Hoa Kỳ vẫn tiếp tục thúc đẩy các biện pháp trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có TikTok và WeChat, thì người Trung Quốc sẽ ngừng sử dụng iPhone.
Vào đầu ngày 28/8 (ngày 27/8 giờ Việt Nam), ông Triệu đã đăng trên Twitter: “Nếu WeChat bị cấm thì không có lý do gì để người Trung Quốc phải giữ iPhone và các sản phẩm của Apple”.
Tuy nhiên, cư dân mạng nhanh chóng phát hiện ra rằng dưới dòng tweet của ông Triệu có dán nhãn “Twitter for iPhone”.
Dòng tweet của ông Triệu được đăng bằng iPhone.
Việc ông Triệu dùng một sản phẩm của Apple để đe dọa tẩy chay Apple đã khiến cư dân mạng mỉa mai.
Họ bình luận: “Đây không phải lần đầu tiên giới cầm quyền ở Trung Quốc sử dụng iPhone”. “Ngay cả người của chúng ta cũng không sử dụng Huawei”. “Mọi người chỉ sử dụng điện thoại mà họ cho là tốt, người dùng không ngu ngốc”.
Ông Triệu không phải là người đầu tiên của chính quyền Bắc Kinh bị phát hiện dùng iPhone.
Vào tháng 4/2018, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã dùng iPhone viết trên Weibo của mình rằng, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhằm cản trở sự dẫn đầu của Trung Quốc trong công nghệ 5G.
Cư dân mạng đã chế giễu vì trong khi khoe khoang sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc thì ông Hồ Tích Tiến lại sử dụng iPhone. Sau vụ việc này, ông Hồ Tích Tiến đã chuyển sang dùng sản phẩm của Huawei.
Theo Apple Daily
Đại Nghĩa dịch và biên tập

Trung Quốc: Căng thẳng leo thang, toàn dân

Mông Cổ biểu tình phản đối diệt chủng văn hóa

Bình luậnMinh Thanh
Trong tình cảnh các thảm họa như dịch bệnh, lũ lụt liên tiếp hoành hành, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gia tăng áp lực kiểm soát đối với trong nước, khiến căng thẳng ở nhiều khu vực lại leo thang. Gần đây, các cuộc biểu tình quy mô lớn cũng đã nổ ra ở miền nam Mông Cổ nhằm phản đối chính sách diệt chủng văn hóa của ĐCSTQ khi thay thế giảng dạy tiếng tiếng Mông Cổ bằng tiếng Hán. ĐCSTQ đã ra tay trấn áp mạnh đối với các cuộc biểu tình này.
Cách đây vài ngày, Bộ Giáo dục của Chính phủ Nội Mông đã ban hành một văn bản cho biết bắt đầu từ học kỳ mới vào ngày 1/9, tất cả các trường tiểu học và trung học ở các vùng dân tộc Nội Mông, Cam Túc, Cát Lâm, Liêu Ninh, Thanh Hải và Tứ Xuyên, sẽ dần dần thống nhất sử dụng tài liệu dạy học chữ quốc ngữ, sử dụng Hán ngữ để giảng dạy với ba môn ngôn ngữ, chính trị và lịch sử .
Động thái này được coi là chính sách diệt chủng văn hóa dân tộc ở các vùng dân tộc thiểu số của ĐCSTQ. Việc này không chỉ khiến người dân Mông Cổ ở nước ngoài mà cả người dân nội Mông Cổ đều phẫn nộ.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) dẫn lời một người Mông Cổ sống ở Hoa Kỳ, nói rằng nhiều bậc cha mẹ Mông Cổ không hài lòng với việc ĐCSTQ hủy bỏ việc dạy tiếng mẹ đẻ. ĐCSTQ đã đi quá giới hạn và đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ nền văn hóa của người Mông Cổ.
Người này cho biết hiện nay dù là người Mông Cổ ở Nhật Bản hay người Mông Cổ sống ở các nước khác, họ đều tích cực tham gia thu thập tài liệu và báo cáo về hành vi này, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để phản đối hành vi ngu xuẩn này của chính quyền Trung Quốc.
Ông Enkhbatu, Giám đốc Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ, nói rằng ĐCSTQ từ lâu đã thúc đẩy chính sách tiêu diệt giáo dục ngôn ngữ Mông Cổ ở Nội Mông. Hiện tại hầu như tất cả mọi người từ mọi tầng lớp xã hội ở miền nam Mông Cổ đều biểu tình phản đối.
Các nhà hoạt động nhân quyền người Mông Cổ ở nước ngoài thường gọi những khu vực có hàng trăm nghìn người Mông Cổ sinh sống ở Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm là “Nam Mông Cổ”.
Trung tâm Thông tin Nhân quyền Miền Nam Mông Cổ (SMHRIC), có trụ sở chính tại New York, Mỹ. Ngày 29/8, SMHRIC cho biết người dân thuộc mọi tầng lớp, bao gồm một số quan chức chính phủ ở Nam Mông Cổ, đã đoàn kết và phát động các cuộc biểu tình quy mô lớn.
Phụ huynh và giáo viên từ khắp nơi trên cả nước cũng tham gia biểu tình phản đối, nhiều phòng học hiện đều trống không. Tại thành phố Erenhot, tất cả giáo viên Mông Cổ đều tham gia bãi công.
Một đoạn video do một cư dân mạng đăng tải cho thấy các học sinh của một trường học ở Nội Mông đã tập trung ở cổng trường để phản đối việc ĐCSTQ hủy bỏ việc dạy tiếng Mông Cổ và ép dạy tiếng Hán. Nhiều học sinh đã khóc và hô khẩu hiệu không chịu đến trường
Một thanh niên ở Nội Mông nghe tin ĐCSTQ đang bắt người trên WeChat liền vội vã đi xe máy đến. Anh ta nói với những người dân Mông Cổ có mặt rằng: “Không cần là quen biết hay không, hễ bắt người tới sở công an tôi sẽ đi theo. Mọi người hãy nhớ tôi”. Anh còn nói với mọi người xung quanh địa chỉ nhà và tên của mình.
Nhiều bậc phụ huynh Mông Cổ có kế hoạch dạy con tại nhà thay vì cho con đến trường để học tiếng Trung Quốc. Một số giáo viên nghỉ hưu và sinh viên đại học tự nguyện sử dụng tiếng Mông Cổ giảng dạy tất cả khóa học.
Những người chăn gia súc bình thường cũng tổ chức các cuộc biểu tình ở các thành phố lớn trên khắp miền nam Mông Cổ để phản đối “sự diệt chủng văn hóa” của chính phủ. Hàng nghìn sinh viên địa phương mặc trang phục truyền thống của Mông Cổ đã tham gia biểu tình.
Theo VOA, xu hướng các cuộc biểu tình địa phương đang ngày một tăng lên và chính quyền đang gia tăng trấn áp.
Hàng trăm phụ huynh của trường Ngôn ngữ Mông Cổ kỳ Zarud đã tập trung trước cổng trường, tức giận và yêu cầu thả ngay con em họ đang bị giữ trong ký túc xá của trường. Họ đã bị cảnh sát chặn lại. Vài giờ sau, các phụ huynh đã phá vỡ phong tỏa của cảnh sát và xông vào trường đón con họ.
Tại Horqin, cuộc biểu tình của phụ huynh Mông Cổ đã bị cảnh sát đàn áp. Một số phụ huynh bị cảnh sát đánh đập và giam giữ trong xe cảnh sát. Tại cuộc biểu tình, các phụ huynh người Mông Cổ ở kỳ Horqin Hữu Dực Trung và Hure đã hát các bài hát của Mông Cổ, bao gồm “Tôi là người Mông Cổ”.
Sinh viên và phụ huynh trong trường liên kết với Đại học Sư phạm Nội Mông ở thành phố Hohhot đã biểu tình trước cổng trường và đưa ra một bản kiến ​​nghị chung. Họ cũng bị cảnh sát đàn áp.
Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ cho biết hàng trăm nhà hoạt động Mông Cổ đã bị chính quyền bắt giữ hoặc quản thúc tại nhà.
Bà Ulaantuyaa, một nữ giáo viên người Mông Cổ ở kỳ Zarud, đã bị cảnh sát bắt vì tổ chức biểu tình công khai phản đối chính sách dạy ngôn ngữ mới. Các thủ lĩnh người dân chăn nuôi địa phương cũng nhận được lệnh không được rời khỏi nhà.
Một số người trong nhóm WeChat ở Nội Mông đã thảo luận về việc đình chỉ dạy tiếng Mông Cổ cũng đã bị cảnh sát bắt giữ. Kubis, một người Mông Cổ sống ở Nhật Bản, nói với RFA: “Các phụ huynh đã thành lập ba nhóm, họ đều đang đang thảo luận về vấn đề này. Kết quả là sáng nay cảnh sát đã bắt giữ chủ nhóm. Một nhóm có 500 người, ba nhóm tất cả có 1.500 người”.
Bainu, nền tảng xã hội bằng tiếng Mông Cổ duy nhất ở Trung Quốc với khoảng 400.000 người dùng, cũng bị chính quyền Bắc Kinh chặn sau khi cư dân mạng đưa ra những bình luận phản đối “việc dạy song ngữ”.
Ông Tập Hải Minh (Xi Haiming), Chủ tịch hội Nam Mông Cổ, hiện đang sống ở Đức, cho rằng động thái của chính quyền Trung Quốc rõ ràng là thực hiện chính sách tiêu diệt văn hóa đối với dân tộc Mông Cổ, nhằm đồng hóa và xóa bỏ văn hóa của các dân tộc khác. Đây là một thách thức và chà đạp lên nền văn minh nhân loại.
Ông Tập Hải Minh nói: “Người Mông Cổ chúng tôi nhất định sẽ kháng cự đến cùng. Chúng tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ chú ý, không ngồi nhìn nền văn hóa cổ xưa của một dân tộc bị tiêu diệt như thế này, một sự việc đang diễn ra trong thế kỷ 21″.
Trên thực tế, trước khi chính quyền ĐCSTQ tiêu diệt ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, đã tàn phá chữ Hán truyền thống ở Đại lục.
Theo cuốn “Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta” của ban biên tập “Cửu Bình” có viết: “Trung Quốc vốn có văn hóa truyền thống thâm sâu. Để cắt đứt liên hệ giữa người Trung Quốc và văn hóa truyền thống, từ trước khi đảng cộng sản được thành lập, chủ nghĩa cộng sản đã thao túng cuộc “Vận động Văn hóa Mới”, tiến hành công kích một cách ác độc đối với ngôn ngữ văn học, tư tưởng đạo đức truyền thống. Các cuộc “vận động văn bạch thoại”, “vận động đơn giản hóa chữ Hán” đã cắt đứt liên hệ giữa người Trung Quốc và văn hóa truyền thống. ĐCSTQ sau khi giành được chính quyền, đã nhanh chóng hoàn tất việc quốc hữu hóa giáo dục, lấy tư tưởng của đảng cộng sản làm nội dung cơ bản trong sách giáo khoa, đã bồi dưỡng mấy thế hệ người Trung Quốc thành “lũ sói con” hung hăng, hiếu chiến”.
Minh Thanh
Theo NTDTV

Ông Tập: Cần xây ‘pháo đài bất khả xâm

phạm’ tại Tây Tạng, khiến Phật giáo

Tây Tạng phù hợp triết lý ĐCSTQ

Hương Thảo
Điều quan trọng là phải khiến Phật giáo Tây Tạng phù hợp với triết lý của ĐCSTQ, đồng thời xây dựng một “pháo đài bất khả xâm phạm” để duy trì sự ổn định tại khu vực, ông Tập tuyên bố tại một diễn đàn hai ngày về quản trị tương lai Tây Tạng ở Bắc Kinh hôm thứ Bảy (29/8), theo Hindustan Times.
Ông Tập nói thêm rằng cần phải tăng cường phòng thủ và an ninh biên giới của Khu tự trị Tây Tạng (TAR), giáp Ấn Độ và Bhutan, đồng thời cho biết cần phải tăng cường giáo dục người dân Tây Tạng đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai.
Bắc Kinh giành quyền kiểm soát Tây Tạng vào năm 1950, theo cách mà chính quyền Bắc Kinh mô tả là một “cuộc giải phóng hòa bình”, giúp khu vực Himalaya xóa bỏ quá khứ “phong kiến”.
Tuy nhiên, các nhóm người Tây Tạng lưu vong, dẫn đầu bởi nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong Đạt Lai Lạt Ma và các nhóm nhân quyền cho rằng sự cai trị của Bắc Kinh tương đương với “sự diệt chủng văn hóa”.
Giáo dục chính trị và tư tưởng cần được tăng cường trong các trường học ở Tây Tạng để “gieo mầm mống yêu nước trong sâu thẳm trái tim mọi thanh niên”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.
Ông Tập cũng kêu gọi nỗ lực đảm bảo an ninh quốc gia, duy trì hòa bình và ổn định, cải thiện bền vững đời sống nhân dân, duy trì môi trường tốt, củng cố phòng thủ biên giới và đảm bảo an ninh biên giới.
“Cần phải tăng cường giáo dục và hướng dẫn quần chúng, vận động rộng rãi quần chúng tham gia đấu tranh chống chủ nghĩa ly khai, tạo thành ‘pháo đài bất khả xâm phạm’ để duy trì sự ổn định”, ông Tập nói.
“Cần phải nỗ lực xây dựng một Tây Tạng mới, hiện đại theo mô hình xã hội chủ nghĩa, thống nhất, thịnh vượng, tiên tiến về văn hóa, hài hòa và tươi đẹp”.
Đặc biệt, ông Tập cho biết “cần phải tích cực thúc đẩy Phật giáo Tây Tạng thích ứng với một xã hội theo triết lý xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy việc ‘Hán hóa’ Phật giáo Tây Tạng…
Hán hóa tôn giáo là một nỗ lực nhằm nhào nặn các niềm tin và học thuyết tôn giáo nhằm phù hợp với triết lý của ĐCSTQ, khiến chúng phù hợp với các nguyên tắc và mục tiêu của ĐCSTQ. Năm 2015, ông Tập đã phát biểu về việc ‘Hán hóa’ 5 tôn giáo lớn ở Trung Quốc gồm Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Phật giáo và Đạo giáo.
Năm 2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo Trung Quốc đã vạch ra đề cương bài trừ đạo Hồi vào năm 2022 trong một nỗ lực định nghĩa lại việc thực hành tôn giáo và gắn kết niềm tin của người Hồi giáo với ĐCSTQ.
Các chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng lại được chú ý trong năm nay trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh với Washington đang xấu đi.
Vào tháng 7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ hạn chế thị thực đối với một số quan chức Trung Quốc liên quan đến việc ngăn chặn tiếp cận ngoại giao đến Tây Tạng và vi phạm nhân quyền, nói thêm rằng Washington ủng hộ “quyền tự trị đúng nghĩa” cho Tây Tạng.
Trong một động thái trả đũa, Trung Quốc cho biết họ sẽ áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các nghị sĩ Mỹ đã thực hiện hành vi mà họ gọi là hành vi “xấu xí” đối với Tây Tạng.
Theo Hindustian Times
Hương Thảo dịch & biên tập

Nói dân là ‘tường đồng vách sắt’ của

ĐCSTQ, Triệu Lập Kiên bị dân phản đối

Phụng Minh
Người dân bình luận: “Mạo muội hỏi một câu, giả như có người không muốn làm tường đồng vách sắt, thì có còn được coi là nhân dân không?”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên gần đây đã tuyên bố rằng nhân dân Trung Quốc là “tường đồng vách sắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ai cũng đừng nghĩ sẽ phá vỡ được nó”. Ngay sau khi nhận xét này được đưa ra, đông đảo người dùng mạng đã lập tức lên tiếng: “Có ý gì đây? Muốn chúng tôi làm lá chắn bằng thịt ư?”
Secretchina dẫn một bài đăng trên Weibo vào ngày 27/8 của “Yangguang”, Triệu Lập Kiên tuyên bố với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Pompeo trong một đoạn video rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc có mối quan hệ sâu sắc với nhau, và nhân dân Trung Quốc là ‘tường đồng vách sắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ai cũng đừng nghĩ sẽ phá vỡ được nó”.
Về điều này, cư dân mạng đại lục đã nói trong phần bình luận bên dưới bài đăng: “Quốc gia chẳng phải mới là tường đồng, vách sắt bảo vệ dân sao! Hiện tại làm sao lại dân lại thành ra tường đồng vách sắt của quốc gia vậy?”; “Chúng tôi chẳng phải chịu thương, pháo ở đâu, mà lại đem huyết nhục chúng tôi xây nên Vạn Lý Trường Thành mới vậy”; “Thân ta bằng xương, không bằng xi măng, làm sao thành tường đồng, vách sắt?”; “Cá nhân tôi cho rằng nhân dân Trung Quốc nên được ĐCSTQ bảo vệ mới phải chứ!”
Cư dân mạng khó tin hỏi: “Ý của ông là gì? Muốn chúng tôi làm lá chắn thịt?”; “Ngược lại mới đúng chứ…”; “Mạo muội hỏi một câu: Giả như có người không muốn làm tường đồng vách sắt, thì có còn được coi là nhân dân không?”
Cũng có không ít cư dân mạng cho rằng: “Lời này nói rất thành thực rồi”; “Cuối cùng cũng nói ra lời thật lòng”; “Ôi chao, chuyện này cuối cùng cũng nói ra rồi? Không cần che đậy đúng không?”…
Một cư dân mạng khác thẳng thừng nói: “Nói chuyện viển vông, đừng có mà trói buộc chúng tôi”; “Cái thứ logic nực cười thế này”; “Tà ác dã trắng trợn đến không cần kiêng dè nữa rồi”.
Bài phát biểu của ông Triệu Lập Kiên vào ngày 28/8 đã nhanh chóng lọt vào danh sách tìm kiếm hàng đầu trên Weibo.
Vào thời điểm đó, một phóng viên đã hỏi Triệu Lập Kiên tại cuộc họp báo liên quan đến lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với công ty mẹ của TikTok là ByteDance và công ty mẹ của WeChat là Tencent. Triệu Lập Kiên đã trả lời rằng: “Nhiều người Trung Quốc nói rằng nếu Hoa Kỳ thực sự cấm dùng WeChat, thì chúng tôi có thể cũng không sử dụng điện thoại di động của Apple”. Nhưng sau đó cư dân mạng đã tìm ra và khẳng định ông Triệu hiện đang sử dụng điện thoại di động của Apple thay vì các điện thoại do Trung Quốc sản xuất khác.
Vì vậy, nhiều cư dân mạng đã chế giễu Triệu Lập Kiên: “Chống Mỹ là công việc, ở Mỹ dùng hàng Mỹ là lẽ sống”.
Điều đáng nói là Twitter đã bị chặn ở Trung Quốc đại lục, và người dân thường phải vượt tường lửa nếu muốn sử dụng Twitter. Sau khi mở tài khoản Twitter vào năm 2010, Triệu Lập Kiên đã trở thành nhà ngoại giao Trung Quốc tích cực nhất trên Twitter. Theo một thống kê từ Xinmin Weekly của Trung Quốc, Triệu Lập Kiên đã đăng 51.000 tweet kể từ khi ra mắt tải khoản vào năm 2010, trung bình 15 tweet mỗi ngày. Theo thống kê của Đài Á Châu Tự Do vào tháng 2/2020, hơn 80% bài đăng của ông là tweet bằng tiếng Anh và 5% bằng tiếng Trung.
Theo Li Xiaokui, Secretchina
Phụng Minh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/noi-dan-la-tuong-dong-vach-sat-cua-dcstq-trieu-lap-kien-bi-phan-doi.html

Nạn châu chấu đang bùng phát

nghiêm trọng nhất sau nhiều thập kỷ

ở Vân Nam, Trung Quốc

Tâm Thanh
Dịch châu chấu đang hoành hành và tàn phá tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, khiến 11 quận và 106 km2 đất ở tỉnh này bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh đang thiếu thốn lương thực thì thảm họa châu chấu này càng khiến Trung Quốc đối mặt chồng chất khó khăn.
Theo SCMP, đàn châu chấu tre lưng vàng đã vượt biên giới từ Lào và xâm nhập vào Giang Thành, tỉnh Vân Nam vào hồi tháng Sáu, di chuyển dần về phía bắc và nhanh chóng mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Tính đến ngày 17/8, 11 quận và 106 km vuông đất thuộc tỉnh Vân Nam đã bị thiệt hại.
Một điều tra viên địa phương ở Vân Nam cho biết, ở vùng núi đàn châu châu có sức di chuyển rất mạnh, rất khó để kiểm soát được chúng. Số lượng châu chấu tàn phá lần này là lớn nhất trong hàng chục năm qua, người dân địa phương đều không còn cách nào đối phó với loại côn trùng phàm ăn này.
Trước đó, ngày 4/8, chính quyền tỉnh Vân Nam dẫn lời cục lâm nghiệp và đồng cỏ Vân Nam cho biết, kể từ ngày 2/8, tổng cộng có 155.834 mẫu đất ở tỉnh Vân Nam đã bị châu chấu tre lưng vàng xâm lấn. Bao gồm 47 thị trấn, 9 huyện và 4 thành phố như Phổ Nhĩ, Châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp, Hồng Hà, Ngọc Khê. Những cây trồng bị châu chấu gây hại chủ yếu là: tre trúc, ngô, …
Chính quyền Vân Nam cũng nhận định, tháng Tám là thời kỳ giao phối của châu chấu vàng, một khi số lượng lớn trứng được sinh ra sẽ gia tăng áp lực phòng chống loại côn trùng này trong thời gian tới.
Sự xuất hiện của dịch châu chấu đã tạo thêm một yếu tố rủi ro khác cho an ninh lương thực của Trung Quốc. Các trận lũ lụt và dịch tả lợn trước đây đã gây ra khủng hoảng nguồn cung cấp lương thực cho Đại Lục. Dự kiến, nhu cầu về ngô sẽ vượt cung tới 16 triệu tấn trong 12 tháng tới.
Theo Secretchina
Tâm Thanh dịch và biên tập

Chính quyền Trung Quốc dỡ bỏ hơn 900

cây thánh giá trong nửa đầu năm 2020

Hương Thảo
Những cây thánh giá cao hơn các cơ quan chính quyền đều phải bị phá bỏ, bởi đã “làm lu mờ các cơ quan nhà nước”, một thành viên nhà thờ cho biết.
Thêm vào đó, các thanh niên dưới 18 tuổi bị cấm tham gia các nghi lễ tôn giáo, và hình ảnh của Chúa Giê-su hoặc Đức mẹ đồng trinh ở một vài nơi được thay bằng hình ảnh của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, theo Christianpost.
“Phản đối việc phá bỏ thánh giá có nghĩa là phản đối chính phủ”
Trong nửa đầu năm 2020, hàng trăm cây thánh giá đã bị dỡ bỏ khỏi các nhà thờ ở tỉnh miền đông An Huy có dân số theo đạo Thiên chúa lớn thứ hai ở Trung Quốc, theo Bitter Winter. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2020, hơn 900 cây thánh giá đã được dỡ bỏ khỏi các nhà thờ do nhà nước quản lý trên khắp Trung Quốc trong bối cảnh Tập Cận Bình đang tiến hành đàn áp các nơi thờ tự.
Theo tạp chí tự do tôn giáo, thánh giá đã được dỡ bỏ khỏi hơn 250 nhà thờ do nhà nước quản lý ở tỉnh An Huy, nơi có dân số theo Cơ đốc giáo lớn thứ hai ở Trung Quốc, chỉ trong 4 tháng đầu năm. Tính tới tháng 6, có 656 nhà thờ do nhà nước quản lý trong tỉnh đã bị dỡ bỏ thánh giá.
Một nhà thờ ở quận Yingdong của thành phố, nơi thánh giá bị dỡ bỏ vào tháng 4, đã được chính quyền thông báo rằng chiến dịch phá dỡ thánh giá là một phần của chính sách quốc gia.
Nếu một nhà thờ từ chối tháo dỡ thánh giá của mình, các thành viên hội thánh có thể mất các phúc lợi xã hội, như lương hưu và trợ cấp xóa đói giảm nghèo, đồng thời khả năng có việc làm trong tương lai của con cái họ sẽ bị ảnh hưởng”, một thành viên nhà thờ giải thích.
Cảnh dỡ bỏ thánh giá ở một nhà thờ Trung Quốc.
Các quan chức của Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất đã di dời cây thánh giá khỏi một nhà thờ ở hạt Hanshan đã thông báo với các giáo đoàn rằng bất kỳ cây thánh giá nào cao hơn các tòa nhà chính phủ “phải bị phá bỏ vì chúng làm lu mờ các cơ quan nhà nước”, một thành viên nhà thờ nói với Bitter Winter.
Chỉ những nhà thờ mà trông giống doanh nghiệp mới được coi là hợp pháp. Để ‘vô hiệu hóa’ Cơ đốc giáo, Tập Cận Bình không cho phép các nhà thờ có thánh giá phương Tây”. Nguồn tin này cũng tiết lộ rằng các quan chức chính phủ đã cảnh báo một đức Cha trong nhà thờ rằng “phản đối việc phá bỏ thánh giá có nghĩa là phản đối chính phủ”.
Tôi cảm thấy buồn khi nghĩ rằng tất cả các cây thánh giá trong nhà thờ của chúng tôi đã bị phá bỏ”, nguồn tin cho biết. “Mặc dù đó là một biểu tượng của đức tin của chúng tôi, nhưng ai dám trái lệnh của chính phủ trung ương?
Trong một số trường hợp, những người theo đạo Cơ đốc cố gắng ngăn chặn việc dỡ bỏ thánh giá đã bị chính quyền bắt giữ hoặc bị thương.
Vào tháng 5, chính quyền của quận Dangtu đã dỡ bỏ các cây thánh giá khỏi Nhà thờ Cơ đốc Lingyunshan bằng cách sử dụng ba cần cẩu lớn. Một tín đồ địa phương nói với Bitter Winter rằng hàng trăm nhân viên cảnh sát đã “căng dây quanh nhà thờ, cấm xe cộ hoặc người đi bộ đến gần, sau đó xông vào nhà thờ để cắt khóa xích sắt“. Một tín đồ địa phương còn cho biết thêm rằng một tín đồ lớn tuổi vì bước tới để ngăn phá hủy thánh giá mà bị thương.
Ông Bob Fu của China Aid, một nhóm bảo vệ quyền Cơ đốc có trụ sở tại Hoa Kỳ, trước đây đã giải thích rằng chiến dịch xóa bỏ thánh giá của Trung Quốc – bắt đầu vào năm 2013 – “thể hiện quyết tâm của chính quyền Trung Quốc trong việc kiềm chế sự phát triển nhanh chóng của Cơ đốc giáo ở Trung Quốc”.
Cuộc đàn áp tôn giáo và nhóm thiểu số tôn giáo của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị các tổ chức quốc tế như Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), các nhóm nhân quyền và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án rộng rãi.
Trong báo cáo thường niên năm 2020, USCIRF lưu ý rằng chính quyền ĐCSTQ không chỉ dỡ bỏ thánh giá khỏi các nhà thờ trên toàn quốc mà còn cấm thanh niên dưới 18 tuổi tham gia các nghi lễ tôn giáo, và thay thế hình ảnh của Chúa Giê-su hoặc Đức mẹ đồng trinh bằng hình ảnh của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Trung Quốc cũng bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gán cho là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” vì “tiếp tục vi phạm đặc biệt nghiêm trọng tự do tôn giáo”.
“ĐCSTQ muốn tự cho mình là Thượng đế”
Trong một hội thảo trên web gần đây về mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc đối với nhân quyền, Russell Moore, chủ tịch Ủy ban Tự do Đạo đức & Tôn giáo, cho biết ĐCSTQ đang “trông chờ” vào thực tế rằng thế giới sẽ “bị bắt nạt và đe dọa giữ im lặng” trước quyền lực và sự giàu có của Trung Quốc.
Ông giải thích rằng ĐCSTQ muốn tự cho mình là Thượng đế, đó là lý do tại sao nó nhắm vào các nhóm tôn giáo bao gồm Cơ đốc giáo, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật tử Tây Tạng, học viên Pháp Luân Công và bất kỳ thiểu số tôn giáo nào nói rằng lòng tin tín ngưỡng cao hơn chính quyền nhà nước.
Ông nói: “Việc cố gắng viết lại cả kinh sách và thánh văn của các tôn giáo khác nhau này để thấy rằng ĐCSTQ coi nó là tối thượng”.
Theo Danh sách Theo dõi Thế giới năm 2020 của Open Doors USA, Trung Quốc được xếp hạng là quốc gia tồi tệ thứ 23 trên thế giới khi nói đến đàn áp Cơ đốc giáo.
Về mặt hình thức, công dân Trung Quốc được tự do thực hành tín ngưỡng theo sự lựa chọn của họ, nhưng chính phủ kiểm soát chặt chẽ đời sống tinh thần, và trong một số trường hợp, cấm đoán một số nhóm như Pháp Luân Công, theo New York Times.
Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, là môn khí công theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, không phải là tôn giáo nhưng cũng trở thành nạn nhân của của hoạt động đàn áp tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc.
“Những lợi ích về thể chất và tinh thần của Pháp Luân Đại Pháp khiến môn này phổ biến tới 114 quốc gia với hơn 100 triệu người theo tập”, trích bản Tuyên bố của thành phố North Bay, Canada nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 2017.
Trái với phần còn lại của thế giới, chính quyền Trung Quốc đàn áp môn khí công ôn hòa này từ năm 1999 theo lệnh của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân. Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc vu khống Pháp Luân Công là tà giáo để lấy cớ cho một cuộc đàn áp đẫm máu liên quan đến tội tra tấn, cưỡng bức lao động và mổ cướp nội tạng.
Phản bác lại lời tuyên truyền từ Bắc Kinh, ông Edward McMillan-Scott, nguyên Phó Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, nói với các đồng nghiệp năm 2010: “Như tôi đã nói, tôi đã gặp hàng trăm học viên Pháp Luân Công. Họ không phải giáo phái, không phải tà giáo, không thu tiền, không tẩy não… không có bất cứ đặc điểm nào của tà giáo cả. Những người này chỉ tự mình tập luyện các bài tập tinh thần“.
Ông giải thích: “Cũng như thời Thế chiến, Đức Quốc Xã gán cho người Do Thái các đặc điểm riêng để cô lập và tàn sát họ. Điều tương tự đang xảy ra với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Đó là lý do tại sao tôi gọi đây là tội diệt chủng và nó vô cùng nghiêm trọng“.
Theo Leah MarieAnn Klett, Christianpost
Hương Thảo biên dịch

Bộ Tư pháp Trung Quốc thắt chặt kiểm soát,

thu hồi giấy phép của luật sư

Bình luậnNguyễn Minh
Trong những tháng gần đây, Bộ Tư pháp Trung Quốc đã thu hồi giấy phép của 2 nhóm luật sư; một số luật sư Trung Quốc gọi đây là dấu hiệu báo trước về cuộc đàn áp sắp xảy ra của chính quyền.
Các chuyên gia pháp lý cho biết, họ lo lắng về việc chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát.
Vào cuối tháng Bảy, Bộ Tư pháp Trung Quốc đã ban hành chỉ thị cho các cơ quan chức năng thu hồi giấy phép của 2 nhóm luật sư có quốc tịch nước ngoài và của những người có một công việc khác.
Trung Quốc không cho phép người dân sở hữu 2 quốc tịch. Tuy nhiên, nhiều tầng lớp giàu có và quyền lực của Trung Quốc xin nhập quốc tịch ở một quốc gia khác và không báo cáo tình trạng công dân nước ngoài của họ cho chính quyền.
Trong khi đó, nhiều luật sư ở Trung Quốc phải làm các công việc khác để kiếm sống.
Luật sư nhân quyền ở tỉnh Quảng Đông Wu Kuiming cho biết, chính quyền bắt đầu thu hồi giấy phép từ tháng Tư, theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Trung Quốc. Nhưng Bộ này đã không ban hành một văn bản chính thức cho đến tháng Bảy.
Các hành động của các Sở Tư pháp cấp tỉnh đã xác minh thông tin của Wu.
Ví dụ, Sở Tư pháp tỉnh Hồ Nam cho biết từ ngày 13/4 đến ngày 27/8, họ đã thu hồi ít nhất 1.436 giấy phép luật sư, theo thông tin được đăng tải trên trang web chính thức Sở này. Hồ Nam có tổng số 12.806 luật sư, theo Hiệp hội Luật sư Hồ Nam. Điều đó có nghĩa là khoảng 11,2% luật sư ở tỉnh này đã mất giấy phép hành nghề.
Vào ngày 27/8, chính quyền Hồ Nam cho biết họ đã thu hồi giấy phép của 193 luật sư, nhưng không liệt kê lý do.
Xie Yang là một luật sư ở tỉnh Hồ Nam. Ông đã bị bắt giữ trong “Sự cố 709” – một chiến dịch toàn quốc nhằm bắt giữ các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư xảy ra vào ngày 9/7/2015. Ông Xie bị buộc tội “kích động lật đổ chính quyền” – một tội danh thường được Bắc Kinh sử dụng để cáo buộc những người bất đồng chính kiến – và bị giam giữ trong tù hơn 30 tháng. Vào ngày 11/8, ông Xie được thông báo rằng Sở Tư pháp tỉnh Hồ Nam đã thu hồi giấy phép luật sư của ông.
Ông Xie nói: “Một khi luật sư nhân quyền bị tước giấy phép, họ sẽ rất khó để xin giấy phép mới”.
“Đây là khúc dạo đầu. Chính quyền sẽ kiểm soát giới luật sư ngày càng chặt chẽ hơn [trong tương lai]”, ông Xie cho biết.
Ông nói thêm rằng trong những năm gần đây, các luật sư ngày càng cảm thấy áp lực phải tuân theo đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và bị hạn chế nhiều hơn trong cách họ có thể duy trì pháp quyền.
“Hiện nay ở Trung Quốc đại lục, luật sư về cơ bản không có quyền phát biểu. Đối với một vụ án hành chính thông thường [liên quan đến một cơ quan chính phủ], luật sư phải đưa các luận cứ bào chữa mà họ đã chuẩn bị cho các cơ quan tư pháp để phê duyệt. Sau đó, các quan chức sẽ nói với các luật sư những gì họ có thể và không thể nói khi ở tòa án”, ông Xie cho biết.
Một luật sư dân sự và thương mại có trụ sở tại Bắc Kinh tên là Li Qingliang cho biết: “Giấy phép luật sư, công ty luật và hiệp hội luật sư là 3 gông cùm [kiểm soát] luật sư Trung Quốc. Sau khi Bộ Tư pháp kết thúc vòng thu hồi giấy phép luật sư này, thì các luật sư thực sự sẽ không tồn tại ở Trung Quốc”.
Các hiệp hội luật sư địa phương cấp giấy phép cho các công ty luật hoặc luật sư, cho phép họ quyền thuê các trợ lý pháp lý. Mặc dù bề ngoài các hiệp hội luật sư dường như là các tổ chức tư nhân, nhưng chúng bị giám sát bởi các cơ quan chính phủ.
Để có được giấy phép luật sư ở Trung Quốc, một người cần phải vượt qua kỳ thi luật sư do chính phủ trung ương tổ chức, sau đó tìm một công ty luật đủ điều kiện và một luật sư cố vấn đủ năng lực tại công ty sẵn sàng thuê cá nhân đó trong ít nhất 12 tháng với tư cách là thực tập hoặc học việc.
Sau đó luật sư phải nộp đơn xin phỏng vấn với hiệp hội luật sư địa phương sau khi kết thúc 12 tháng thực tập. Sau khi trả phí đào tạo và kiểm tra, các luật sư vẫn có thể không nhận được giấy phép. Một số luật sư nói trên mạng xã hội rằng, họ phải hối lộ các quan chức tại các hiệp hội luật sư địa phương để có giấy phép.
Ông Li cho biết ông đã vượt qua kỳ thi luật sư năm 2008 và bắt đầu hành nghề luật sư vào năm 2018. Vào tháng Năm, ông đã có một cuộc phỏng vấn với Hiệp hội Luật sư Bắc Kinh để lấy bằng luật sư, sau khi ông trả phí đào tạo 1.950 nhân dân tệ (khoảng 6 triệu VNĐ).
Tuy nhiên, Hiệp hội Luật sư này cho rằng ông Li không có đủ kiến ​​thức pháp lý và từ chối đơn xin giấy phép của ông.
Sau đó, ông Li đệ đơn kiện Hiệp hội Bắc Kinh tại Tòa án quận Đông Thành ở Bắc Kinh vào tháng Năm, phản đối việc họ từ chối cấp giấy phép cho ông.
Ông Li không phải là luật sư duy nhất từng nộp đơn kiện tương tự.
Vào tháng 9/2019, luật sư Zhang Wenpeng đã đệ đơn kiện Hiệp hội Luật sư thành phố Thâm Quyến và Hiệp hội Luật sư Quảng Đông tại Tòa án quận Yantian ở Thâm Quyến, để phản đối việc họ từ chối cấp giấy phép cho ông sau khi ông hoàn thành tất cả các thủ tục theo yêu cầu.
Hai tháng sau, ông Zhang buộc phải từ chức khỏi công ty luật mà ông làm việc, sau khi công ty luật này bị chính quyền địa phương điều tra.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Rò rỉ tài liệu tiết lộ quan chức Trung Quốc

không tuân theo mệnh lệnh của ông Tập

Bình luậnNguyễn Minh
Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành người đứng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, ông đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng toàn diện để loại bỏ các đối thủ chính trị của mình.
Trong suốt lịch sử Trung Quốc, Thành phố Tây An là cố đô của ít nhất 11 triều đại Trung Quốc, nằm nép mình giữa những ngọn núi, đồng thời là ranh giới giữa 2 miền bắc và nam của Trung Quốc. Còn
dãy núi Tần Lĩnh được gọi là “long mạch”, được coi là một địa điểm linh thiêng có liên hệ với các nhà cai trị của đế chế Trung Quốc.
Trong thời hiện đại, các quan chức địa phương đã xây dựng trái phép các biệt thự sang trọng ở khu vực gần ngọn núi này để trục lợi.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành người đứng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào năm 2012, ông đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng toàn diện để loại bỏ các đối thủ chính trị của mình. Từ năm 2014, ông Tập nhắm vào các quan chức ĐCSTQ tham nhũng liên quan đến các biệt thự ở khu vực núi Tần Lĩnh và tìm cách phá bỏ các công trình này.
Trong số đó có lãnh đạo ĐCSTQ của tỉnh Thiểm Tây Triệu Chính Vĩnh (Zhao Zhengyong). Ông Triệu đã nhận án tử hình treo trong 2 năm vì tội hối lộ. Ông Triệu có quan hệ mật thiết với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân. Hiện bộ máy trung thành của ông Giang vẫn tồn tại và liên tục phản đối sự lãnh đạo của ông Tập.
Một tài liệu nội bộ của chính phủ Trung Quốc về dự án “chống tham nhũng” ở Tần Lĩnh tiết lộ rằng, công việc phá dỡ các ngôi nhà biệt thự tại khu vực đó liên tục bị đình trệ, một số biệt thự vẫn đang hoạt động.
Các nhà bình luận Trung Quốc phân tích rằng, điều này cho thấy ông Tập vẫn chưa thành công trong việc loại bỏ những quan chức ĐCSTQ không trung thành với mình và khiến các quan chức ĐCSTQ cấp dưới phải nghe lời mình.
Các tài liệu bị rò rỉ
Từ một nguồn đáng tin cậy, tờ The Epoch Times gần đây đã có được một báo cáo nội bộ của chính phủ Trung Quốc do Ủy ban ĐCSTQ thành phố Tây An, văn phòng Tần Lĩnh ban hành vào đầu năm 2018.
Theo tài liệu, một nhóm trong cơ quan giám sát chống tham nhũng nội bộ của ĐCSTQ – Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), đã tiến hành một cuộc kiểm tra các biệt thự ở khu vực núi Tần Lĩnh từ ngày 9/8 đến ngày 13/10/2017.
Báo cáo ghi rằng, CCDI đã xác định 2 khu nghỉ dưỡng bất hợp pháp riêng biệt được xếp vào loại “cải tạo” nhưng thực tế vẫn đang hoạt động. Văn phòng Tần Lĩnh cũng lưu ý rằng 7.404 “vấn đề” đã được phát hiện.
Báo cáo dài hơn 20.000 từ, nhưng chỉ có khoảng 2.300 từ mô tả việc xây dựng trái phép ở khu vực núi Tần Lĩnh. Phần nội dung còn lại là về yêu cầu tư tưởng đối với đường lối của ĐCSTQ.
Một trong những nội dung là: Văn phòng Tần Lĩnh đã bố trí các đảng viên ĐCSTQ “đọc báo cáo của Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19” khi đề cập đến một mật nghị của ĐCSTQ diễn ra 5 năm một lần với mục đích xác định người đứng đầu và các lãnh đạo thuộc tổ chức này trong nhiệm kỳ tiếp theo. Trong đại hội lần thứ 19 được tổ chức vào năm 2017, quyền lực của ông Tập đã được củng cố khi đại hội quyết định xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với người đứng đầu ĐCSTQ khỏi Hiến pháp Trung Quốc.
Tài liệu nhấn mạnh rằng các quan chức được yêu cầu “kiên trì viết tay nguyên văn bản báo cáo của Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 19 và Hiến pháp mới sửa đổi của ĐCSTQ”.
Nhà bình luận Trung Quốc Li Linyi phân tích rằng, điều này cho thấy công tác chống tham nhũng tại Văn phòng Tần Lĩnh chỉ hời hợt và không mang lại những kết quả cụ thể.
Ông cũng chỉ ra rằng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin về việc phá dỡ 1.185 biệt thự ở khu vực núi Tần Lĩnh vào tháng 8/2018, khi CCDI một lần nữa được cử đến khu vực này để điều tra chống tham nhũng.
Vì báo cáo nội bộ được ban hành vào đầu năm 2018, điều đó có nghĩa là các quan chức địa phương đã không thực hiện bất kỳ công việc phá dỡ nào vào thời điểm đó cho đến khi CCDI phải đi điều tra lại sau đó.
Nhưng trớ trêu thay, Văn phòng Tần Lĩnh ghi trong tài liệu rằng họ “đã đạt được kết quả tốt” trong công tác chống tham nhũng của mình.
Theo một báo cáo vào tháng 1/2019 của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV, ông Tập đã ra lệnh phá dỡ các biệt thự ở khu vực núi Tần Lĩnh vào năm 2014. Sau 6 chỉ thị trong suốt 5 năm, chính quyền cuối cùng đã phá hủy 1.185 biệt thự và thu hồi thêm 9 biệt thự khác.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Thái Lan hoãn mua tàu ngầm Trung Quốc

vì dư luận bất bình

Bình luậnNguyễn Sơn
Thái Lan hoãn chi gần 724 triệu USD mua hai tàu ngầm Trung Quốc, sau khi vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận.
Hôm 31/8, Thái Lan quyết định dừng việc mua tàu ngầm Trung Quốc trong bối cảnh người dân trong nước nổi giận vì nền kinh tế đang đi xuống, theo hãng tin AFP.
Theo thỏa thuận năm 2015, Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên mua khí tài hải quân Trung Quốc. Quốc gia Đông Nam Á này đã hoàn tất mua ba tàu ngầm vào năm 2017, với chiếc đầu tiên dự kiến ​​sẽ được giao vào năm 2023.
Một đơn đặt hàng thêm hai chiếc nữa với giá 22,5 tỷ baht (723,9 triệu USD) đã được Quốc hội Thái Lan thông qua vào đầu tháng này. Tuy nhiên, sau đó dư luận Thái Lan phản đối kịch liệt vì nền kinh tế đang đi xuống.
Người Thái chia sẻ sự tức giận của họ lên mạng xã hội để chỉ trích thỏa thuận. Chủ đề (hashtag) “Người dân không muốn tàu ngầm” trở thành thịnh hành trên Twitter.
Người phát ngôn chính phủ Anucha Burapachaisri hôm 31/8 thông báo Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha – cũng là Bộ trưởng Quốc phòng – đã “yêu cầu hải quân xem xét trì hoãn” việc mua thêm hai tàu ngầm.
“Hải quân sẽ đàm phán với Trung Quốc để trì hoãn thêm một năm”, ông Anucha nói với các phóng viên.
Chính quyền thân quân đội của ông Prayut đang bị tấn công bởi các cuộc biểu tình hàng ngày đòi ông từ chức và cải tổ hoàn toàn chính phủ.
Nền kinh tế Thái Lan cũng đang trải qua một trong những giai đoạn tồi tệ nhất trong hơn 20 năm, suy giảm 12,2% trong quý thứ hai do các lĩnh vực dẫn đầu về du lịch và xuất khẩu của nước này bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Người Thái đã tức giận và lên mạng xã hội để chỉ trích kế hoạch mua thêm 2 tàu ngầm vào thời điểm kinh tế khó khăn. Các nghị sĩ đối lập cũng tuyên bố sẽ sử dụng tất cả công cụ pháp lý có thể để “nhấn chìm” hai chiếc tàu ngầm mới.
“Thủ tướng luôn dành ưu tiên cho vấn đề người dân quan tâm, những người đang lo lắng về nền kinh tế”, Anucha nói.
Tờ Bangkok Post dẫn các nguồn thạo tin cho biết Bắc Kinh đã đồng ý việc trì hoãn. Loại tàu ngầm Thái Lan muốn mua thêm là S26T – phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm lớp Nguyên (Type 039A) do Trung Quốc chế tạo.
Một nguồn tin trong Hải quân Hoàng gia Thái Lan cho biết việc tạm dừng mua 2 tàu ngầm của Trung Quốc do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, người đã đàm phán với Trung Quốc, quyết định.
Chính phủ của ông Prayut trước đó bảo vệ quyết định mua thêm tàu ngầm, viện dẫn tình hình khu vực diễn biến phức tạp và các nước xung quanh có nhiều tàu ngầm, chỉ riêng Thái Lan chưa có chiếc nào.

Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc

‘xâm phạm biên giới’

Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm sự đồng thuận về biên giới đạt được giữa hai bên trong các cuộc đàm phán hòa bình gần đây.
Nước này nói quân đội Trung Quốc đã có “các động thái quân sự khiêu khích” để thay đổi hiện trạng ở Ladakh.
Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ đã chết trong các cuộc đụng độ với quân đội Trung Quốc trong khu vực vào tháng Sáu. Trung Quốc chưa cho biết binh lính của họ có bị tổn thất hay không.
Hai cường quốc hạt nhân cáo buộc nhau vượt qua biên giới được phân chia sơ sài và kích động cuộc chiến.
Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về những cáo buộc mới nhất của Ấn Độ, được đưa ra sau một số vòng đàm phán hòa bình giữa hai bên kể từ tháng Sáu.
Delhi nói quân đội Ấn Độ đã “đánh phủ đầu” hoạt động của Trung Quốc ở “Bờ Nam của hồ Pangong Tso” đêm 29/8.
“Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp củng cố lập trường của mình và ngăn cản các ý định đơn phương thay đổi sự thật của Trung Quốc”, thông báo từ chính phủ Ấn Độ cho biết.
Ấn Độ nói thêm rằng Delhi đã cam kết xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình nhưng “cũng kiên quyết không kém để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ “. Giới phân tích cho rằng, một thông báo công khai như vậy của Ấn Độ cho thấy hòa bình tương đối ở biên giới đã bị phá vỡ.
Chuyện gì xảy ra trong tháng Sáu?
Các báo cáo truyền thông cho biết quân đội hai bên đã đụng độ trên các rặng núi ở độ cao gần 4.300m trên địa hình dốc, với một số binh sĩ Ấn Độ rơi xuống dòng sông Galwan đang chảy xiết trong điều kiện nhiệt độ gần bằng không.
Ít nhất 76 binh sĩ Ấn Độ bị thương ngoài con số 20 người thiệt mạng. Trung Quốc chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào về thương vong của phía họ.
Cuộc giao tranh diễn ra mà không có bất kỳ vũ khí nào vì một thỏa thuận năm 1996 cấm súng và chất nổ trong khu vực.
Kể từ đó, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm cấp quân sự và ngoại giao để giải quyết vấn đề. Nhưng vẫn tiếp tục cáo buộc nhau không ngừng xây dựng ở biên giới.
Các cuộc đụng độ nhỏ cũng đã được báo cáo và giới phân tích cho rằng tình hình vẫn ổn định trong khu vực kể từ tháng Sáu.
Tại sao quân đội hai bên xung đột?
Ranh giới Kiểm soát Thực tế, tên gọi của biên giới tranh chấp giữa hai quốc gia, được phân định sơ sài. Sự hiện diện của sông, hồ và các tảng tuyết có nghĩa là đường ranh giới có thể thay đổi.
Những người lính của hai bên – đại diện cho hai trong số những đội quân lớn nhất thế giới – đối mặt với nhau ở nhiều điểm.
Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc gửi hàng ngàn binh lính vào thung lũng Galwan Ladakh và nói rằng Trung Quốc chiếm 38,000 cây số vuông lãnh thổ của mình. Một số vòng đàm phán trong ba thập kỷ qua đã không giải quyết được các tranh chấp ranh giới.
Cho đến nay, hai nước mới chỉ có một cuộc chiến, vào năm 1962, khi Ấn Độ chịu thất bại nhục nhã.
Có một số lý do khiến căng thẳng gia tăng gần đây – nhưng nguyên nhân gốc rễ là mục tiêu chiến lược cạnh tranh và cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau.
Con đường mới của Ấn Độ trong các khu vực mà các chuyên gia nói là xa xôi và dễ bị tổn thương nhất dọc theo biên giới ở Ladakh có thể giúp khả năng di chuyển người và vật chất của Delhi nhanh chóng trong trường hợp xảy ra xung đột.
Các nhà phân tích cho rằng quyết định tăng cường cơ sở hạ tầng của Ấn Độ dường như đã khiến Bắc Kinh tức giận.

Luật quan hệ đối ngoại mới ngăn chặn

 Bắc Kinh khai thác sơ hở tại Liên bang Úc

Bình luậnNguyên Hương
Một chuyên gia cho biết, Dự luật Đối ngoại mới của Thủ tướng Scott Morrison sẽ hàn gắn các lỗ hổng giữa chính quyền liên bang, các tiểu bang và địa phương và ngăn chặn sự lợi dụng của chính quyền Bắc Kinh.
Ngày 27/8, Michael Shoebridge, giám đốc quốc phòng tại Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), nói với The Epoch Times, rằng giá trị của một chiến lược quốc gia gắn kết giữa các cấp chính quyền địa phương đã được thể hiện trong đại dịch COVID-19, và chiến lược này là rất cần thiết để giải quyết những lỗ hổng trong hoạt động đối ngoại.
Ông nói: “Chính sách của Trung Quốc là một lĩnh vực cho thấy điều này rõ ràng là quan trọng và luật mới sẽ vô cùng hữu ích”.
Ngày 27/8, Thủ tướng Úc cùng Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne đã công bố Dự luật Quan hệ Đối ngoại sẽ trao quyền cho chính phủ liên bang để xem xét kỹ lưỡng và có khả năng phủ quyết các thỏa thuận giữa các chính phủ tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc với các chính phủ nước ngoài.
Theo Luật mới của Úc, Sáng kiến Vành đai và Con đường, các Viện Khổng Tử có thể bị hủy bỏ. Các thỏa thuận do các trường đại học và hội đồng địa phương ký kết có thể cũng sẽ có kết cục như vậy.
“Những gì Australia đang làm là để đảm bảo rằng các thỏa thuận do chính phủ các bang và vùng lãnh thổ thực hiện là vì lợi ích quốc gia của Australia”, Ngoại trưởng Payne nói với Channel Nine cùng ngày 27/8.
Bà nói: “Quan trọng nhất là chúng ta cần thẩm định các thỏa thuận đó và đảm bảo rằng chúng phù hợp với cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Liên bang Úc.
Trong vòng sáu tháng cho đến ngày hiệu lực của luật mới này, các tiểu bang và các thực thể khác sẽ phải hoàn thành kiểm kê đối với các thỏa thuận hiện hành để xem xét và đánh giá lại.
Có hơn 135 thỏa thuận trên 30 quốc gia khác nhau sẽ được thẩm định.
Ông Shoebridge chỉ ra rằng sau khi luật mới được thông qua, thỏa thuận Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) gây tranh cãi của tiểu bang Victoria có thể sẽ là mục tiêu đầu tiên.
Ông Shoebridge nói: “Không cần phải viện đến luật mới để khiến Chính phủ tiểu bang Victoria phải điều chỉnh phù hợp với chính sách đối ngoại của chính phủ liên bang, cơ quan có trách nhiệm và quyền lực theo hiến pháp trong lĩnh vực này, mà đó là điều mà dường như họ cần thiết phải làm”.
“Việc Bắc Kinh lôi kéo Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews tham gia vào dự án BRI là một ví dụ tiêu biểu nhất về việc lỗ hổng giữa các cấp chính quyền khiến nảy sinh vấn đề”.
Ngày 23/5, Clive Hamilton, tác giả cuốn “Cuộc xâm lược thầm lặng”, đã viết trên tờ The Age rằng việc chính phủ Victoria ký kết với BRI là một ví dụ về cách Bắc Kinh chuyển trọng tâm chính trị từ cấp liên bang sang cấp tiểu bang khi sự hoài nghi về quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở nên nổi bật hơn trong môi trường chính trị quốc gia.
Ngày 27/8, Salvatore Babones, phó giáo sư tại Đại học Sydney, nói với The Epoch Times, rằng Dự luật Quan hệ Đối ngoại hợp nhất chính sách đối ngoại về tay chính phủ liên bang.
Ông Babones nói: “Nếu các chính quyền tiểu bang và các trường đại học hành xử có trách nhiệm, thì sẽ không cần thiết phải có dự luật này”.
“Năm 2019, các trường đại học đã đưa ra các hướng dẫn về sự can thiệp của nước ngoài để cố gắng giải quyết vấn đề phụ thuộc vào Trung Quốc của họ, nhưng nỗ lực tự quản đó hầu như đều thất bại”, ông Babones nói thêm.
Ngày 12/5, có thông tin cho biết, 13 trường đại học của Úc có Viện Khổng Tử đã không đăng ký vào Chương trình minh bạch về ảnh hưởng của nước ngoài được đưa ra năm 2018 trong nỗ lực nhằm tăng cường tầm nhìn về bản chất của ảnh hưởng nước ngoài ở Úc.
Các tổ chức đại diện hợp pháp cho một chính phủ hoặc tổ chức nước ngoài để thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng chính trị đã được khuyến khích đăng ký.
Các Viện Khổng Tử đã bị giám sát vì có khả năng trở thành “con ngựa thành Troy” cho các nỗ lực quyền lực mềm của ĐCSTQ ở các quốc gia phương Tây. Năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Úc Dan Tehan đã công bố các hướng dẫn mới cho khối đại học để tự bảo vệ mình khỏi sự can thiệp nước ngoài.
Ông Babones hy vọng rằng chính phủ liên bang sẽ không cần phải thực thi các quyền hạn được trao bởi luật Quan hệ Đối ngoại mới.
Ông nói: “Tôi hy vọng và cảm giác rằng chính phủ sẽ cẩn trọng hơn nhiều đối với việc can thiệp trực tiếp vào các thỏa thuận khác”.
“Mặc dù có thể là do thiếu trách nhiệm mà các tiểu bang và trường đại học đã ký thỏa thuận với chính phủ độc tài Trung Quốc, nhưng câu trả lời tốt nhất cho chủ nghĩa toàn trị ở nước ngoài là giáo dục tại gia, không ép buộc người dân phải có những hành động trái với nguyện vọng,” ông tiếp tục cho biết.
Ông Shoebridge nói thêm rằng dự luật sẽ buộc các trường đại học tiết lộ sự hợp tác trong lĩnh vực học thuật với các cơ sở học thuật của Trung Quốc mà có thể có liên đới với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa hoặc có liên quan tới các chương trình thuộc Chương trình Nghìn Nhân tài.
Ông nói: “Luật mới có giá trị bảo vệ rất mạnh mẽ và một thực tế đơn giản là việc các thỏa thuận với chính phủ nước ngoài phải được đăng ký công khai có thể cải thiện những hành vi mà chúng ta đã chứng kiến hiện nay”.
Nguyên Hương
Theo The Epoch Times

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?