Tin Biển Đông – 28/08/2020

Tin Biển Đông – 28/08/2020

Nguy cơ chiến tranh xảy ra trên Biển Đông – Lê Thế Toàn

Trung Quốc phóng tên lửa để “đáp trả Mỹ”
Một nguồn thạo tin quân sự cho biết sáng 26/8, Trung Quốc đã phóng 2 tên lửa ra Biển Đông, trong đó có một tên lửa được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ.
Động thái trên diễn ra sau khi Trung Quốc cho biết máy bay do thám U-2 của Mỹ hôm 25/8 đã đi vào vùng cấm bay mà chưa có sự chấp thuận của Bắc Kinh ngay thời điểm nước này đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Bột Hải ngoài khơi phía Bắc. AP cho biết trong thông báo công bố tối 25/8, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng hành động của Mỹ đã “xâm phạm nghiêm trọng các cuộc diễn tập, làm gia tăng đáng kể nguy cơ nảy sinh những tính toán sai lầm, và thậm chí là có thể dẫn đến một sự cố đáng tiếc”. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ngô Khiêm nhấn mạnh: “Đây rõ ràng là hành vi khiêu khích”, đồng thời cho biết Trung Quốc đã trao công hàm phản đối yêu cầu Mỹ kiềm chế.
Một trong hai tên lửa được phóng đi vào sáng 26/8 là DF-26B, từ tỉnh Thanh Hải ở Tây Bắc Trung Quốc, trong khi tên lửa còn lại là DF-21D, được phóng đi từ tỉnh Chiết Giang ở miền Đông. Theo nguồn tin, cả hai quả tên lửa đã được phóng vào một khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam và Quần đảo Hoàng Sa. Đích đến của các tên lửa này nằm trong phạm vi mà giới chức an toàn hàng hải Hải Nam đã đơn phương cấm các hoạt động của máy bay và tàu thuyền để phục vụ các cuộc tập trận kéo dài từ ngày 24-29/8.
Tên lửa đa nhiệm DF-26, với tầm bắn 4.000 km và có thể sử dụng trong các cuộc tấn công thông thường và hạt nhân nhằm vào các mục tiêu trên biển lẫn trên đất liền. Đây là loại vũ khí bị cấm theo Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà Mỹ và Liên Xô từng ký để hướng đến chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Mỹ đã rút khỏi hiệp ước này vào năm ngoái, lấy cớ từ việc Trung Quốc triển khai các loại tên lửa bị cấm. Trong khi đó, DF-21 có tầm bắn 1.800 km. Truyền thông mô tả phiên bản tối tân nhất của loại tên lửa này là DF-21D – loại tên lửa đạn đạo chống hạm đầu tiên trên thế giới.
Nguồn tin trên cho rằng vụ phóng tên lửa là nhằm cải thiện năng lực ngăn chặn mọi lực lượng bên ngoài muốn xâm nhập Biển Đông, khu vực đang có nhiều tranh chấp. Nguồn tin nói: “Đây là động thái đáp trả của Trung Quốc trước những mối đe dọa tiềm tàng nảy sinh từ sự hiện diện ngày một gia tăng và thường xuyên của tàu chiến cũng như máy bay Mỹ ở Biển Đông… Trung Quốc không muốn các nước láng giềng hiểu nhầm mục đích của Bắc Kinh”.
Tống Trung Bình (Song Zhongping), nhà bình luận quân sự đang làm việc tại Hong Kong, cho rằng vụ phóng tên lửa rõ ràng là nhằm đánh tiếng tới Mỹ. Ông nói: “Mỹ tiếp tục thử thách giới hạn đáy của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông, và điều này đẩy Trung Quốc tới chỗ phải phô trương sức mạnh quân sự để khiến Washington thấy được rằng ngay cả các tàu sân bay của Mỹ cũng không thể phô trương hết sức mạnh ở gần bờ biển Trung Quốc”.
AP dẫn lời Đại tá Trương Xuân Huy (Zhang Chunhui), người phát ngôn Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông, nhấn mạnh rằng đơn vị này sẽ “luôn đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để đáp trả mọi hành vi khiêu khích cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Thông điệp qua các 6 cuộc tập trận của PLA
Gần đây, quân đội Trung Quốc (PLA) đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân gần như đồng thời tại 4 khu vực, một sự phô trương lực lượng trên biển mà giới phân tích coi là hành động “ăn miếng trả miếng” trước các cuộc vận động và triển khai quân sự của Mỹ tại vùng biển giáp ranh Trung Quốc.
Đầu tuần qua, PLA đã tiến hành cuộc tập trận hải quân toàn diện và có quy mô rộng lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm tại biển Hoàng Hải, vịnh Bột Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Họ từng tiến hành các cuộc tập trận hải quân tại 4 khu vực này hồi tháng 7/2020 nhưng không diễn ra đồng thời. Động thái này là nhằm phản ứng trước sự gia tăng các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ trong khu vực.
PLA đã kích động tình hình trong những ngày gần đây qua cuộc tập trận trên không ở Biển Hoa Đông cũng như cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật ở biển Hoàng Hải ngoài khơi Liên Vân Cảng. Họ cũng tiến hành các cuộc tập trận của lực lượng bảo vệ bờ biển ở vịnh Bột Hải ngoài khơi thành phố Đường Sơn theo kế hoạch sẽ kéo dài đến ngày 30/9.
Tuy nhiên, các cuộc tập trận tham vọng nhất của PLAN đã được tổ chức tại vùng Biển Đông đang tranh chấp. Từ 0h00 ngày 24/8 đến 24h ngày 29/8, tại vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam sẽ diễn ra các hoạt động huấn luyện quân sự.
Vương Vân Phi- học giả quân sự của Trung Quốc Đại lục- phân tích rằng các cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn hiện nay của PLA ở Hoàng Hải khác hẳn so với hai cuộc diễn tập bắn đạn thật trước đó. Các cuộc diễn tập là các hoạt động quân sự dựa vào bối cảnh tình hình, trong khi huấn luyện thường chỉ là các hoạt động quân sự đơn thuần nhằm cải thiện năng lực về chiến thuật và kỹ thuật. Với việc quân đội Mỹ điều máy bay ném bom B-1B đến vùng biển gần Trung Quốc để răn đe, tàu khu trục USS Mustin đi qua eo biển Đài Loan về phía Tây hôm 18/8 và các loại máy bay trinh sát thường xuyên tới Biển Đông để trinh sát, cuộc diễn tập bắn đạn trên biển của PLA có tính mục tiêu rất cao.
PLA lần này cũng đưa ra tuyên bố đặc biệt rằng đây là cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn. Cái gọi là quy mô lớn ám chỉ loại đạn được sử dụng cho cuộc diễn tập là tên lửa phòng không tầm xa và uy lực lớn, tên lửa chống hạm hoặc ngư lôi. Các mục tiêu tấn công chính bao gồm các tàu nổi cỡ lớn như tàu sân bay và tàu khu trục, hoặc các loại máy bay ném bom cỡ lớn như B-1B và B-52H.
Bên cạnh đó, khu vực diễn tập bắn đạn thật lần này rất lớn. Chiều dài khu vực diễn tập theo hướng Đông-Tây hơn 200 km, toàn bộ khu vực diễn tập rộng hơn 30.000 km vuông, phần lớn khu diễn tập nằm ngoài đường lãnh hải, trong khi khu vực huấn luyện bắn đạn thật hai đợt trước đó cơ bản nằm trong đường lãnh hải. Bối cảnh môi trường của kịch bản diễn tập là một chiến dịch hành động quy mô lớn, mục tiêu chống Đài Loan độc lập và thúc đẩy thống nhất hai bờ là tương đối rõ ràng.
Các máy bay chiến đấu của PLA gần đây cũng thường xuyên đi qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Theo báo điện tử China Times của Đài Loan, vào khoảng 16h00 ngày 20/8, máy bay chiến đấu của PLA đã đi vào phía Đông của đường trung tuyến giữa hai bờ, bay quanh Vùng Nhận dạng Phòng không của Đài Loan trong vòng một giờ rưỡi. Cựu Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh của PLA Vương Hồng Quang cho rằng nếu báo chí Đài Loan đưa tin đúng, điều đó có nghĩa là hành động quân sự của Đại lục đối với Đài Loan đã leo thang. Đại lục muốn sử dụng các hành động quân sự thực tế để phủ nhận “đường trung tuyến” giữa hai bờ ở eo biển Đài Loan nhằm thu hẹp các hoạt động quân sự của Đài Loan đến tiền tuyến lãnh hải của mình.
Hiện có nhiều lý do chiến lược khiến Bắc Kinh lên gân trong thời điểm này.
Một mặt, Trung Quốc vẫn khăng khăng hăm dọa Đài Loan và ngăn chặn Mỹ hợp tác an ninh hơn nữa với hòn đảo dân chủ tự trị này, vốn được Bắc Kinh coi là một tỉnh nổi loạn mà cuối cùng sẽ được hợp nhất vào Đại lục. Các cuộc tập trận cũng đóng vai trò như lời bày tỏ “đanh thép” về sự khó chịu của Bắc Kinh với Mỹ.
Cuối tuần qua, Đại sứ trên thực tế của Mỹ tại Đài Loan Brent Christensen đã trở thành quan chức Mỹ đầu tiên tham dự lễ kỷ niệm cuộc tấn công của Trung Quốc vào Kinh Môn. Đầu tháng này, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ đã tiến vào Biển Đông để tiến hành tập trận trên không.
Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang đồng thời gia tăng sức ép với các đồng minh chiến lược của Mỹ như Philippines, một quốc gia có yêu sách tại Biển Đông và đang rất tức giận trước hành động xâm nhập từ từ của Bắc Kinh vào vùng biển của họ. Tuần trước, Manila đã đệ trình một công hàm ngoại giao để bày tỏ phản đối sau khi các lực lượng của Trung Quốc tịch thu các trang thiết bị đánh bắt cá mà ngư dân Philippines thiết lập tại bãi cạn Scarborough đang tranh chấp mà Trung Quốc đã đánh chiếm sau cuộc đụng độ với lực lượng hải quân Philippines năm 2012.
Hiện nay, Trung Quốc đang khẩn trương thực hiện ba việc lớn: Một là ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bùng phát trở lại; Hai là khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Ba là ứng phó thích hợp với sức ép toàn diện từ Mỹ, không để quan hệ Trung-Mỹ hoàn toàn mất kiểm soát.
Trong ba việc lớn này, quan trọng nhất là khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội bình thường và phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế tích cực trong cả năm. Nếu quan hệ Trung-Mỹ hoặc tình hình tại eo biển Đài Loan hoàn toàn mất kiểm soát, hoặc thậm chí nổ ra xung đột quân sự quy mô lớn, mục tiêu hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây hoàn toàn không phải là điều mà giới chức cấp cao của Trung Quốc Đại lục muốn thấy.
Do đó, các cuộc diễn tập quân sự của PLA nhằm vào Đài Loan và Mỹ không chỉ nhằm mục đích khởi động việc “thống nhất bằng vũ lực”, mà còn nhằm ngăn chặn chiến tranh thông qua các hoạt động chuẩn bị tích cực chiến tranh, qua đó ngăn chặn Mỹ-Đài liên kết đẩy nhanh “Đài Loan độc lập”, buộc Đại lục phải sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan.
Ai sẽ thiệt hại nhất nếu xảy ra chiến tranh ở biển Đông?
PLA đã tích cực phát triển năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) trên Biển Đông. Thời báo Hoàn cầu của Chính phủ Trung Quốc nhiều lần đe dọa rằng Trung Quốc có nhiều loại vũ khí có khả năng tiêu diệt tàu sân bay, có lẽ thông qua tờ báo này, Trung Quốc muốn khẳng định năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc. Mặc dù Hải quân Mỹ có thể chống lại những vũ khí này trong trường hợp cần thiết, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ không chấp nhận rủi ro. Mỹ sẽ không tiến hành đổ bộ để phát động một cuộc chiến tranh ở Trung Quốc đại lục.
Vấn đề đối với Trung Quốc là Mỹ cũng sở hữu năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập đối với khu vực Biển Đông và có thể triển khai hoạt động này trong khi bố trí các phương tiện hải quân ngoài tầm tấn công của Trung Quốc. Và việc bị ngăn chặn tiếp cận Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc thiệt hại hơn so với Mỹ. Ngay cả các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể chuyển hướng vận tải thương mại để tránh đi qua khu vực Biển Đông trong trường hợp xảy ra xung đột, với chi phí không lớn. Bản thân nước Mỹ cũng không cần phải tiếp cận Biển Đông. Nhưng đối với Trung Quốc, việc tiếp cận Biển Đông là sống còn đối với nước này.
Các quốc gia ở ven Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei) rơi vào thế khó xử nhiều hơn. Trung Quốc sử dụng chính sách rất cứng rắn đối với các nước này. Trung Quốc sử dụng Biển Đông, nhưng lại ngăn chặn các quốc gia này sử dụng.
Việc các quốc gia ven biển Đông tỏ thái độ đè dặt trước các hành động hung hăng của Trung Quốc đã khiến nhiều người Mỹ nổi giận. Tờ Nationalinterest ngày 24/8 thể hiện quan điểm: “Cho đến nay, tất cả các nước này, ngoại trừ Việt Nam, đã nấp sau các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ và hành xử như những kẻ “ngồi không ăn sẵn”. Nước Mỹ không được lợi ích gì khi để các quốc gia này làm như vậy. Nếu Mỹ cần phải đứng ra bênh vực cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực thì đó phải là Việt Nam, bởi Việt Nam là quốc gia duy nhất đã tự đứng lên bảo vệ mình”.
Biển Đông không phải là của riêng bất kỳ một quốc gia nào mà tài sản dành cho toàn bộ nhân loại. Tuy nhiên, quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất khi vùng biển này bị đóng trong thời gian xảy ra chiến tranh chính là Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc đã phát triển năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập, sẽ khó khăn cho bất kỳ nước nào trong việc phát triển năng lực này, ngoại trừ Mỹ. Nếu các quốc gia ven Biển Đông như Philippines và Malaysia thực sự muốn có lợi thế trong đàm phán với Trung Quốc, họ nên phát triển năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập của riêng mình.
Nếu tất cả các quốc gia này làm như vậy, Trung Quốc sẽ nhanh chóng hiểu rằng trong khi tất các các nước khác đều có phương án thay thế trong trường hợp các tuyến thương mại hàng hải trên Biển Đông bị đóng cửa, Trung Quốc sẽ là nước duy nhất tại khu vực cần được tự do đi lại ở vùng biển này.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Chiến hạm Mỹ tuần tra vùng biển Hoàng Sa

 vào lúc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật

Trọng Nghĩa
Hôm qua, 27/08/2020, Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ ra thông cáo xác nhận là trong cùng một ngày, một khu trục hạm Mỹ trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến hành một chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ngang qua vùng biển Hoàng Sa. Hoạt động này được tiến hành một hôm sau khi Trung Quốc phóng thử tên lửa ở Biển Đông,
Trả lời báo mạng của Học Viện Hải Chiến Mỹ USNI, một phát ngôn viên Hạm Đội 7 Hoa Kỳ cho biết là chiếc khu trục hạm USS Mustin (DDG-89) đã đi ngang qua vùng quần đảo Hoàng Sa nhằm “duy trì các quyền hạn, quyền tự do và quyền sử dụng hợp pháp vùng biển được luật pháp quốc tế công nhận, bằng cách thách thức các hạn chế bất hợp pháp đối với quyền quá cảnh vô hại do Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam áp đặt”.
Riêng đối với Trung Quốc, nước hiện đang chiếm giữ Hoàng Sa, phát ngôn viên Mỹ khẳng định là chiến dịch bảo về quyền tự do hàng hải vừa thực hiện cũng nhằm “thách thức yêu sách của Trung Quốc đối với các đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa”.
Quần đảo Hoàng Sa ngoài khơi Việt Nam là nơi có ba bên tranh chấp chủ quyền là Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm trọn quần đảo này từ tay Việt Nam vào năm 1974, xây dựng rất nhiều cơ sở trên đó và đã tuyên bố chủ quyền trên một vùng rộng lớn chung quanh, buộc các chiến hạm nước khác phải thông báo trước khi muốn tiến vào.
Theo USNI, chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải ở vùng Hoàng Sa được tiến hành một hôm sau khi có tin là vào hôm 26/08, Quân Đội Trung Quốc đã bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm loại Đông Phong DF-26B và DF-21D được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” xuống Biển Đông, vào một khu vực giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.
Vụ thử nghiệm tên lửa diễn ra trong khuôn khổ cuộc tập trận từ ngày 24 đến 29/08 ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa, một hoạt động đã bị Mỹ cực lực lên án.
Trong thông cáo công bố hôm qua, 27/08/2020, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng cuộc tập trận của Quân Đội Trung Quốc nằm trong hàng loạt hoạt động của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á tại Biển Đông.
Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã đi ngược lại cam kết ghi trong bản Tuyên Bố về Cách Ứng Xử Trên Biển Đông (DOC) năm 2002, và đặt ra nghi vấn về động cơ thực thụ của Bắc Kinh trong đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC).

Trung Quốc nói đã đuổi tàu Mỹ khỏi

quần đảo Hoàng Sa sau khi Bắc Kinh phóng tên lửa

Quân đội Trung Quốc hôm 28/8 cho biết Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam đã điều máy bay và tàu chiến để xua đuổi tàu Mỹ khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh gọi là vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hôm 27/8 cho biết tàu chiến USS Mustin đã đi qua khu vực lân cận quần đảo Hoàng Sa nhằm: “thách thức đòi hỏi chủ quyền trên biển quá mức của Trung Quốc, và thực thi luật trên biển tại vùng nước quốc tế”. Chuyến đi của tàu USS Mustin, theo thông báo cũng nhằm “khẳng định tuyến vận chuyển đường biển quan trọng này vẫn tự do và mở”.
Người phát ngôn quân đội Trung Quốc Lý Hoa Dân (Li Huamin) hôm 28/8 nói: “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng nước quanh đó, và quân đội Trung quốc luôn ở trong báo động cao để kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ hoà bình và ổn định trong khu vực Biển Đông”.
Tàu chiến Mỹ đi qua Hoang Sa vào lúc cả Mỹ và Trung Quốc đều đang gia tăng các hoạt động quân sự tại vùng biển đang tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Trong các ngày qua, Trung Quốc đã gần như đồng thời tiến hành những cuộc tập trận tại 4 vùng biển bao gồm Biển Đông, Hoàng Hải, Hoa Đông và Vịnh Bột Hải. Một động thái hiếm hoi theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế là nhằm để gửi tín hiệu rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng đương đầu với Mỹ và Đài Loan.
Hôm 26/8, Trung Quốc cũng tiến hành phóng tên lửa Đông Phong được mệnh danh là sát thủ tàu sân bay ra Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 27/8 đã gọi vụ phóng tên lửa của Trung Quốc là một trong các hành dồng của nước này nhằm làm mất ổn định hơn nữa tình hình trong khu vực Biển Đông, đi ngược lại cam kết của Bắc Kinh là không quân sự hoá Biển Đông.

Ngoại trưởng Philippines đề nghị hủy hợp đồng

với các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm 28/8 nói ông sẽ đề nghị chính phủ nước ông hủy bỏ các thỏa thuận làm ăn với các công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào sổ đen vì vai trò của họ trong việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trong Biển Đông.
Hôm 26/3, Hoa Kỳ nêu tên 24 công ty và cá nhân Trung Quốc mà Washington nói có liên hệ tới các hoạt động vừa kể, trong động thái đầu tiên của Mỹ chống lại Bắc Kinh về tuyến đường thủy đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.
“Nếu họ có liên quan trong các hoạt động đắp đất xây đảo, thì chúng ta phải nhất quán hủy bỏ bất cứ hợp đồng làm ăn nào với các công ty đó,” Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin nói với CNN Philippines, mà không nêu cụ thể công ty hay dự án nào.
Trong số các công ty Trung Quốc bị ghi vào sổ đen có tập đoàn China Communications Construction Co (CCCC), một tập đoàn chuyên xây dựng hệ thống giao thông và cấu trúc hạ tầng đã được cấp phép để xây dự án sân bay có kinh phí 10 tỉ đôla với một đối tác địa phương ở Cavite, gần thủ đô Manila.
Một chi nhánh của CCCC, công ty China Harbour Engineering Company, cùng với một đơn vị của tập đoàn Udenna do một nhà tài phiệt ở địa phương có liên hệ mật thiết với Tổng Thống Duterte điều hành, đã được chấp thuận bước đầu cho một dự án 1,2 tỉ đô la để thực hiện một dự án đắp đất để xây dựng tại vùng Vịnh Manila.
Thống đốc Cavite Juanito Victor Remulla nói ông sẽ chờ quyết định của ông Duterte trước khi tiến hành dự án.
“Nếu Tổng thống nói, nếu Bộ Quốc phòng nói đó là một rủi ro về an ninh khi thỏa thuận làm ăn với họ, thì chúng tôi sẽ lập tức chấm dứt thỏa thuận,” ông Remulla nói với đài ANC.
Udenna Land, đối tác của Chinese Harbour trong dự án đắp đất ở Vịnh Manila, không trả lời câu hỏi của Reuters.
Tuy nhiên khi được hỏi vào tháng 12 liệu Udenna có lo ngại về việc đối tác với một công ty có liên quan tới việc xây dựng Đá Vành Khăn, đảo nhân tạo nơi Trung Quốc lắp đặt tên lửa có khả năng tấn công Philippines, một đại diện của Udenna nói ông Uy “không quan tâm”.
Trả lời những câu hỏi qua email của Reuters vào tháng 12 năm ngoái, ông Leo Venezuela, Giám đốc quan hệ với các nhà đầu tư của Udenna, nói rằng công ty này có cổ phần ‘không đáng kể’ trong dự án.
Hồi năm 1996, Philippines thắng một vụ kiện tại tòa án trọng tài quốc tế khi tòa án này khẳng định Đá Vành Khăn đã được xây dựng trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?