Tin Biển Đông – 31/08/2020

Tin Biển Đông – 31/08/2020

Ấn Độ điều chiến hạm đến Biển Đông sau vụ xung đột với Trung Quốc ở Ladak – Trọng Nghĩa

Vào tháng 6 vừa qua, sau các vụ đụng độ giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc tại thung lũng Galwan trên cao nguyên Ladakh, ở vùng biên giới trên bộ đang tranh chấp giữa hai nước, New Delhi đã cho triển khai tầu chiến qua vùng Biển Đông. Động thái này tuy nhiên đã được giữ kín, và mãi đến hôm qua, 30/08/2020 truyền thông Ấn Độ mới tiết lộ.
Theo hãng tin Ấn Độ ANI, một số nguồn tin chính phủ Ấn Độ đã xác nhận: “Ngay sau khi vụ đụng độ ở Galwan nổ ra khiến 20 binh sĩ Ấn thiệt mạng, lực lượng Hải Quân đã điều một trong những tàu chiến ở tiền phương đến Biển Đông”. Các nguồn tin này tuy nhiên không nói rõ tên gọi hay loại tàu được triển khai qua Biển Đông.
Cũng theo các nguồn tin trên, động thái của Ấn Độ đã bị Trung Quốc phản đối trong các cuộc đàm phán ngoại giao giữa hai bên.
Trung Quốc luôn luôn phản đối sự hiện diện của Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang ngày càng tăng cường lực lượng để áp đặt đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng biển, bất chấp sự phản đối của các nước.
Ngoài việc triển khai chiến hạm qua Biển Đông, vào cùng một thời điểm, Hải Quân Ấn Độ cũng điều tàu chiến đến khu vực dọc theo eo biển Malacca gần các quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương, cũng như gần tuyến hàng hải mà Hải Quân Trung Quốc sử dụng để đi vào Ấn Độ Dương, theo dõi sát các hoạt động của Hải Quân Trung Quốc.
Hạ tuần tháng 7 vừa qua, Hải Quân Ấn Độ còn cử 4 chiến hạm tham gia tập trận trên Ấn Độ Dương cùng với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz, sau khi đội tàu Mỹ rời một cuộc tập trận phối hợp trước đó với hàng không mẫu hạm Mỹ thứ hai là chiếc USS Ronald Reagan trên Biển Đông.
Ấn Độ lại tố cáo Trung Quốc xâm phạm biên giới trên bộ
Tình hình biên giới trên bộ giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn căng thẳng. Vào hôm nay, 31/08/2020, New Delhi một lần nữa đã lên tiếng tố cáo Quân Đội Trung Quốc có những “hành vi quân sự khiêu khích nhằm thay đổi hiện trạng” ở vùng Ladakh.
Một bản thông cáo của bộ Quốc Phòng Ấn Độ khẳng định: “Vào đêm 29, rạng ngày 30/08/2020, Quân Đội Trung Quốc đã vi phạm sự đồng thuận đạt được trước đó trong các cuộc đàm phán quân sự và ngoại giao liên quan đến bế tắc đang diễn ra ở khu vưc Đông Ladakh”.
Thông cáo nói thêm là Quân Đội Ấn Độ đã “đánh phủ đầu” và ngăn chặn được hoạt động này của Quân Đội Trung Quốc ở bờ nam của hồ Pangong Tso, tiến hành các biện pháp nhằm củng cố vị trí của Ấn Độ và ngăn cản ý định đơn phương thay đổi thực tế trên hiện trường của Trung Quốc.

Chiến hạm Mỹ và Ấn Độ vào Biển Đông

Khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Halsey của Hoa Kỳ tiến vào Biển Đông sau khi đi qua Eo biển Đài Loan.
Reuters ngày 31 tháng 8 loan tin, dẫn nguồn từ Hải Quân Hoa Kỳ và Cơ Quan Phòng vệ Đài Loan như vừa nêu. Theo đó, khu trục hạm USS Halsey thuộc lớp Arleigh Burke đã đi qua Eo biển Đài Loan vào ngày 30 tháng 8 và tiến về phía nam, tức vào Biển Đông.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 tuần lễ, tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ đi qua Eo biển Đài Loan vào khi căng thẳng Mỹ- Trung tiếp tục gia tăng. Phía Hải quân Hoa Kỳ thông báo tàu Mỹ đi qua Eo biển Đài Loan như thế là ‘theo thường lệ’ và tuân thủ đúng luật pháp quốc tế.
Reuters dẫn phát biểu của viên chức đại diện Hạm đội 7, bà Reann Mommsen, rằng tàu Hoa Kỳ đi qua Eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và mở. Hải quân Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.
Vào ngày 18 tháng 8 vừa qua, khu trục hạm USS Mustin của Hoa Kỳ cũng đã đi qua eo biển Đài Loan và đến ngày 28 tháng 8 tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.
Cũng tin liên quan, vào ngày 30 tháng 8, hãng tin ANI News của Ấn Độ loan tin, dẫn nguồn từ chính quyền New Dehli cho biết Hải Quân của nước này đã triển khai một trong những tàu chiến tiền tuyến đến Biển Đông. Đây là nơi mà Trung Quốc phản đối sự hiện diện của bất kỳ lực lượng nào.
Động thái đưa tàu Hải quân đến Biển Đông được phía Ấn Độ cho biết diễn ra ngay sau cuộc đụng độ ở thung lũng Galwan hồi trung tuần tháng 6 giữa lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ. Vụ này khiến 20 binh sĩ của phía Ấn Độ thiệt mạng.
Tin cho biết Bắc Kinh đã phàn nàn với New Dehli về việc đưa tàu chiến đến Biển Đông tại cuộc đàn phán cấp ngoại giao giữa đôi bên.
Tại Biển Đông, tàu chiến của Ấn Độ duy trì tiếp xúc với các chiến hạm Hoa Kỳ hiện diện tại đây qua hệ thống thông tin an toàn.

Bắc Kinh vu cáo Mỹ và đưa tin giả về Biển Đông

Hồng Di
Sau khi Hoa Kỳ phản đối các hành động khiêu khích trên Biển Đông của quân đội Trung Quốc, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách vu cáo Hoa Kỳ là “kẻ gây rối”. Chính quyền Trung Quốc cũng đưa tin giả rằng họ đã buộc tàu Mỹ rút lui khỏi vùng biển Hoàng Sa, theo The BL.
Express UK hôm 28/8 cho hay, trong các cuộc tập trận được thực hiện ở khu vực lân cận quần đảo Hoàng Sa, quân đội Trung Quốc đã phóng ít nhất 4 tên lửa đạn đạo. Lầu Năm Góc coi hành động này là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trong khu vực.
“Việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự tại các vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông chỉ gây thêm căng thẳng và đi ngược lại mong muốn trì sự ổn định cho khu vực này”, Lầu Năm Góc phát biểu trong một tuyên bố.
“Các cuộc tập trận như vậy cũng đã vi phạm các cam kết của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông nhằm tránh các hoạt động làm phức tạp hoặc trầm trọng thêm tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khi vực”, Lầu Năm Góc nêu quan điểm.
Theo SCMP, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26B và một tên lửa tầm trung DF-21D sau khi cáo buộc một máy bay do thám của Mỹ đã đi vào vùng cấm bay của Trung Quốc, nơi các cuộc tập trận hải quân đang diễn ra.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tuyên bố rằng, các chuyến bay do thám được thực hiện “trong khuôn khổ pháp lý của luật pháp quốc tế”.
Bắc Kinh gọi Hoa Kỳ là “kẻ phá hoại và gây rối” trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc là “các cuộc tập trận thường xuyên do quân đội Trung Quốc thực hiện ngoài khơi bờ biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.
Trong một diễn biến khác diễn ra vào thứ Năm tuần trước, chính quyền Trung Quốc tuyên bố đã buộc một tàu của Hoa Kỳ phải rút lui khi nó đi qua lãnh hải thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh tuyên bố có quyền tài phán.
Mặc dù vậy, người phát ngôn Hạm đội Hải quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Trung úy James Adams, cho biết con tàu mà Bắc Kinh nói tới chưa rút khỏi khu vực, và gọi tuyên bố như trên của chính quyền Trung Quốc là sai sự thật.
Trung úy Adams nói rằng “con tàu đang tiến hành các hoạt động tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế”.
Ông Adams gọi các tuyên bố của Bắc Kinh là “hành động mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của CHND Trung Hoa nhằm xuyên tạc các hoạt động hàng hải hợp pháp của Hoa Kỳ và đưa ra các tuyên bố chủ quyền hàng hải thái quá và phi pháp làm tổn hại [quyền lợi của] các quốc gia Đông Nam Á [cũng có tuyên bố chủ quyền] ở Biển Đông”.
Vào tháng Bảy, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã phát biểu rằng các tuyên bố chủ quyền của chính quyền Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp.
“Các tuyên bố cũng như chiến dịch bắt nạt của Bắc Kinh nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?