Cha nào con nấy : Đoản khúc tuyệt vời về tình phụ tử


Phim "Soshite Chichi Ni Naru" của đạo diễn Kore-Eda (DR)

Phim "Soshite Chichi Ni Naru" của đạo diễn Kore-Eda (DR)

Tuấn Thảo
Hôm nay 17/05/2013, liên hoan Cannes bước sang ngày tranh giải thứ ba. Giới phê bình đặc biệt tán thưởng bộ phim ‘‘Cha nào Con nấy’’ (Soshite Chichi Ni Naru - Like Father, Like Son) của đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Kore-Eda, đến nỗi bộ phim này được đánh giá là một trong những tác phẩm xứng đáng đoạt Cành cọ vàng.

Phim Cha nào Con nấy
18/05/2013

Bộ phim kể lại câu chuyện của ông Ryota, một kiến trúc sư giàu có và đầy tham vọng. Sự nghiệp của ông Ryota thăng tiến nhanh chóng như chiếc thang máy đưa ông lên văn phòng làm việc, ở trên tầng thượng của một toà nhà cao ốc.
Nhà sang, cửa rộng, vợ đẹp nhưng con lại ‘‘không ngoan’’. Bức tranh gia đình sẽ hoàn hảo nếu như Keita, thằng con trai sáu tuổi giống hệt như ông bố : tức là thông minh xuất chúng, có trí tuệ lẫn tư chất, học sinh cừ khôi, chơi đàn rất giỏi. Cho đến cái ngày cậu con trai ăn mừng sinh nhật, gia đình ông Ryota lại nhận được một bức thư thông báo rằng theo xét nghiệm DNA, đứa bé không phải là con ruột của ông.
Sáu năm trước ở bệnh viện, hai bé trai vừa mới chào đời, nhưng y tá đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi trao nhầm hai đứa bé cho hai gia đình khác nhau. Ông Ryota chợt hiểu ra vì sao thằng bé Keita chẳng giống ông và ông sẵn sàng đánh đổi nó với đứa con ruột do một gia đình khác nuôi nấng. Hai người cha có thể đồng ý với nhau, nhưng hai bà mẹ thì rất khó xử. Còn hai đứa bé thì nhất quyết không chịu rời mái ấm gia đình thân quen.
Trong tác phẩm ‘‘Cha nào con nấy’’, đạo diễn Kore-Eda đã mổ xẻ tường tận quan hệ gia đình. Ông gợi hứng từ những câu chuyện rất đời thường, nhưng lối dẫn dắt và cách dùng chi tiết làm điểm nhấn giúp cho bộ phim đạt đến một tầm vóc khác thường. Ống kính của nhà đạo diễn Nhật Bản đan xen hai câu chuyện gia đình, tiêu biểu cho hai giai cấp xã hội cũng như hai quan niệm khác nhau về cách dạy dỗ con cái, để rồi đối chiếu góc nhìn về tình phụ tử.
Điều gì định nghĩa cho tình cha con : phải chăng đó là quan hệ máu mủ, ruột thịt, năng khiếu bẫm sinh thừa hưởng di truyền ? Hay là tình cha con xuất phát từ những tình cảm gắn bó gần gũi, trở nên mật thiết keo sơn vì được bồi đắp theo thời gian, thắt chặt qua năm tháng.
Đạo diễn Kore-Eda khéo dùng chi tiết để nói lên sự va chạm của hai thế giới. Một bên là cánh diều, biểu tượng của tuổi thơ, và một bên là chiếc xe hơi limousine sang trọng, biểu tượng của người cha đầy tham vọng. Khi đồ chơi của thằng bé bị hư hỏng, ông bố sẵn sàng mua cho nó một cái mới. Nhưng người cha lại chóng quên rằng : thằng bé không cần đồ chơi mới mà chỉ cần bố nó bỏ một chút thời gian để sửa món đồ chơi : một cái cớ để cho hai cha con có dịp gần gũi bên nhau.
Trong những giây phút gần gũi ấy, vọng về tiếng đàn dương cầm trong khúc nhạc Variations Goldberg. Tác phẩm ‘‘Cha nào con nấy’’ là một tiêt tấu phóng tác, để rồi ứng biến theo tình huống để nói lên tình phụ tử. Chính cũng vì Kore Eda biết bắt mạch con tim, diễn đạt cảm xúc nội tâm mà không lệch điệu, sai nhịp, cho nên bản song tấu ‘‘Cha nào Con nấy’’ trở nên đoản khúc tuyệt vời.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?