Ngưng nối HN và TPHCM bằng tàu Nhật

Cập nhật: 10:52 GMT - thứ năm, 9 tháng 5, 2013

Việt Nam từng thông qua kế hoạch dùng tàu Shinkansen của Nhật Bản
Việt Nam đã chính thức bỏ kế hoạch áp dụng mô hình tàu cao tốc Shinkansen của Nhật và thay vào đó bằng hệ thống tàu chậm hơn nối Hà Nội với TP Hồ Chí Minh .
Công nghệ tàu cao tốc của Nhật lẽ ra đã rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh xuống còn năm tiếng rưỡi so với mức 29 đến 38 tiếng hiện nay.

Việt Nam đang lên kế hoạch hạ tốc độ từ 300 km/giờ xuống còn 160-200 km/giờ - ít nhất là trong giai đoạn đầu - để giảm bớt 20% của khối chi phí hơn 50 tỷ đôla, nguồn tin từ chính phủ cho biết.
Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gắt gao từ các đối thủ ở Nam Hàn và Trung Quốc, vốn có thể tranh giành để đấu thầu dự án sử dụng công nghệ tốc độ chậm hơn tại Việt Nam.
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã được sự đồng thuận của chính phủ Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu tính khả thi và hiện đang xem lại các kế hoạch.

Từng muốn mua Shinkasen

Vào năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã thông qua kế hoạch áp dụng công nghệ Shinkansen, nhưng dự án gặp nhiều chỉ trích từ phía Quốc hội vì có thể làm ngân quỹ quốc gia tốn đến 38 tỷ đôla.
Để cắt chi phí, JICA hiện nay đã xem xét kế hoạch ưu tiên xây dựng hai khu vực nối giữa Hà Nội và Vinh, TP Hồ Chí Minh và Nha Trang trước các khu vực khác.
Cơ quan này cũng đang xem xét khả năng xây dựng ở một mức độ hạn chế hai khu này với tiêu chí thử nghiệm.

Đi từ Bắc vào Nam bằng hệ thống đường sắt hiện tại của Việt Nam vẫn rất bất cập vì tốc độ chậm
Các nguồn tin từ JICA nói có thể các công ty Nhật sẽ cung cấp loại đường sắt nâng cao, có thể phục vụ cho các tàu chở hàng cũng như hệ thống kiểm soát giao thông và thu phí, ngay cả khi công nghệ Shinkansen không được sử dụng nữa.
Các nguồn tin này cũng nói có khả năng hệ thống đường sắt có thể vẫn áp dụng được loại tàu theo phong cách Shinkansen nếu như tuyến đường sắt được xây dựng một cách giới hạn.
Riêng về công nghệ tàu siêu tốc của Trung Quốc, gần đây có cáo buộc rằng nước này đã làm 'hàng nhái' tàu của Nhật Bản.
Hồi tháng 4/2013, Kawasaki Heavy Industries (KHI) của Nhật sau khi ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với nhà sản xuất Trung Quốc CSR Sifang thì nói họ vô cùng hối tiếc về mối quan hệ hợp tác nay đã không còn tồn tại.
Trong hai năm 2004 và 2005, hãng KHI cùng năm hãng nữa của Nhật hợp tác với đối tác Trung Quốc nhằm sản xuất chung 960 toa tàu cho 120 đoàn tàu theo mô hình tàu Hayate của Nhật (E2 Series), rồi cung cấp cho Trung Quốc.
Trung Quốc sau đó đã đăng ký sáng chế cho một loại tàu trông rất giống với tàu Hayate E2 Series, chỉ khác mỗi phần sơn quét, theo trang tin Japan News Today.
Hãng KHI lúc đó đã định kiện đối tác Trung Quốc về tội vi phạm bản quyền, nhưng sau lại thôi.
Tại Trung Quốc, chủ đề tàu cao tốc cũng thường được báo chí và dư luận chú ý.
Tin tức trong tháng 4 năm nay cho hay Bộ Môi trường nước này đã không cho thông qua dự án tàu cao tốc Bắc Kinh - Thẩm Dương.
Dự án có mục tiêu cắt giảm thời gian đi tàu giữa hai đô thị của Trung Quốc cách nhau 700 km xuống chỉ còn hai tiếng đồng hồ đã bị coi là không đạt tiêu chuẩn về môi trường theo chuẩn EIA. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?