Cộng đồng Kinh tế ASEAN: những dấu hỏi

Thành lập ACE thuộc Asean

Image copyrightReuters
Image captionThủ tướng Najib Razak (trái) của Malaysia, nước đăng cai Thượng đỉnh 27 của Asean bắt tay Tổng thư ký Asean, Lê Lương Minh, tại lễ ký tuyên bố thành lập ACE hôm 22/11/2015.
TS. Vũ Cao Phan
Đúng một tuần trước, ngày 22/11/2015, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN họp tại thủ đô của Malaysia đã ra Tuyên bố Kuala Lumpur 2015, chính thức thành lập “Cộng đồng Kinh tế ASEAN” (AEC), có hiệu lực thực thi từ ngày 31/12 cùng năm.
Đó là một tin tốt lành. Người viết bài này dành nhiều quan tâm tới hai vấn đề là thứ nhất cộng đồng này sẽ được điều hành như thế nào và thứ hai trong 'ba trụ cột' được tuyên bố của cộng đồng này gồm 'Cộng đồng Kinh tế', 'Cộng đồng Văn hóa- Xã hội' và 'Cộng đồng Chính trị-An ninh', thì 'bộ mặt' của cộng đồng chính trị an ninh sẽ thực sự ra sao?
Trước hết là câu hỏi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được điều hành thế nào?
Tin tức báo chí cho biết, hàng chục văn kiện “ăn theo” đã được ký kết, nhưng chưa thấy nêu tên một văn kiện nào đề cập công việc tổ chức và điều hành của Cộng đồng. Chắc phải cần đến thời gian.
AEC có giấc mộng bước theo mô hình EEC (Cộng đồng Kinh tế Châu Âu) trong khi Cộng đồng này có các cơ quan mang tính lập pháp và hành pháp của mình là Hội đồng và Ủy ban.
“Cơ cấu mẹ” của AEC là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chỉ có Ban Thư ký/Tổng Thư ký với chức năng điều phối, chắc chắn sẽ không thích hợp với cấu trúc AEC.
Dù cơ cấu tổ chức như thế nào, AEC vẫn cần có những quốc gia giữ vai trò chủ đạo.
Ở EEC, vai trò ấy được cậy vào hai quốc gia là Pháp và Đức. Một cộng đồng kinh tế nhỏ hơn là khối Mercosur gồm những nền kinh tế phát triển nhất Nam Mỹ (Brasil, Argentina, Uruguay, Paraguay với Venezuela là quan sát viên) cũng thấy nổi bật Brasil trong các quyết sách chiến lược.
Điều làm nên vai trò lãnh đạo, dẫn dắt là các quốc gia này tạo dựng được uy tín từ nền kinh tế hùng cường, xã hội ổn định với tư duy chính trị theo cùng thời đại và tất nhiên, có dân số nổi bật trong khối và cũng là những quốc gia sẵn sàng giữ vai trò.

Bó đũa chọn cột cờ?

AseanImage copyrightEAP
Image captionAsean có 'ước mộng' theo mô hình Cộng đồng Kinh tế Châu Âu EEC nhưng các cơ cấu hiện nay có vẻ chưa sẵn sàng, theo tác giả.
Theo những tiêu chí đó thì hiện nay trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN nổi lên Indonesia. Quốc gia này có một dân số vượt trội (gấp hai lần rưỡi các quốc gia có lượng dân số lớn kế tiếp là Philippines và Việt Nam), một nền kinh tế lớn nhất (tính theo tổng sản phẩm quốc dân) nhưng sự sẵn sàng thì có vẻ chưa.
Trong thời tổng thống tiền nhiệm, nhiều nhà lãnh đạo Indonesia- nhất là các tướng lãnh quân đội - đã không ít lần đề cập vai trò này.
Và trên thực tế, Indonesia đã đôi lần thể hiện có hiệu quả. Năm 2012, Hội nghị cấp cao ASEAN đã không ra được tuyên bố chung do quan điểm khác biệt của nước chủ nhà.
Khi ấy, ngoại trưởng Indonesia đã lần lượt đến từng quốc gia vận động, thuyết phục để cuối cùng ASEAN ra được một tuyên bố dù tuyên bố ấy nằm ngoài hội nghị.
Tuy nhiên, ở đời Tổng thống đang tại nhiệm, Indonesia dường như chưa sẵn sàng.
Trong khi một AEC đã cận kề, Tổng thống Jokowi vẫn đặt mọi quan tâm vào chính sách đối nội.
Và trong khi Biển Đông đang dậy sóng, ông đầu tư tâm trí quốc gia vào một trục hàng hải với Indonesia làm trung tâm nhưng chưa cho thấy nó sẽ được hoạt động như thế nào cũng như địa lý hải hành của trục này ra sao.
Tổng Biên tập tờ The Jakarta Post, M. Suryodiningrat, mới đây nhận xét: 'Indonesia quá lớn để không thể bị bỏ qua, nhưng liệu đã đủ lớn để có vai trò trên trường quốc tế?'
Thật vậy, dù là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia chưa phải là một nước công nghiệp hóa với nền kinh tế tri thức đang còn manh nha, khó một mình phất cờ chỉ đạo.
Về mặt này Singapore hoàn toàn vượt trội. Singapore còn có một nền chính trị vững vàng, ổn định và là đầu tàu về nhiều phương diện trong tư cách là nước phát triển duy nhât ở khu vực. Đất nước này chỉ quá nhỏ về mặt dân số và diện tích .
Còn Việt Nam? Ít lâu nay trong ASEAN không phải không có những tiếng nói đề cập đến vai trò dẫn dắt của quốc gia này. Trong chính sách ngoại giao khu vực, Việt Nam tích cực tìm tiếng nói chung với phong cách khá uyển chuyển, hiệu quả. Một điều hiếm là Việt Nam đã lập quan hệ đối tác chiến lược và thậm chí ở trên mức này với hai phần ba các nước trong khu vực.
AseanImage copyrightReuters
Image captionHiện Asean dường như chưa xác định được các quốc gia 'đầu tàu' tại thời điểm hiện nay, theo tác giả.
Với các nước còn lại – Myanmar, Malaysia , Brunei, Việt Nam giữ được mối quan hệ hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau. Việt Nam còn là quốc gia có tính đại diện trong nhiều địa hạt: nhóm quốc gia Đông Nam Á lục địa, nhóm quốc gia gia nhập ASEAN tương đối muộn với trình độ phát triển thấp (giống như nhóm Visegrad với đại diện Ba Lan trong EU) và cũng là một trong những quốc gia sở hữu con sông lớn nhất Đông Nam Á- sông MeKong- với cả lợi ích lẫn rủi ro….
Nếu Indonesia, Singapore và Việt Nam cùng nhận thức được vai trò và vị trí của mình và tích cực tham chiếu lẫn nhau, họ hoàn toàn có thể trở thành một nhóm quốc gia hạt nhân có sứ mạng lãnh đạo Cộng đồng kinh tế này.

Ba trụ cột thế nào?

Vấn đề thứ hai chưa có gì nhiều để bàn nhưng rất đáng chú ý. Trong loạt văn kiện kèm theo Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 có “ Kế hoạch tổng thể về ba trụ cột của AEC: Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Văn hóa- Xã hội và Cộng đồng Chính trị-An ninh”.
Chưa biết nội dung kế hoạch tổng thể về ba trụ cột này ra sao, nhưng việc coi “chính trị”(cùng với an ninh) như một trụ cột của Cộng đồng là rất đáng quan tâm.
Nhất là khi thiết kế ban đầu của trụ cột này chỉ đề cập đến “an ninh” nhưng cuối cùng đã được thống nhất như vậy.
Các quốc gia trong AEC hầu như mỗi nước sở hữu một chế độ chính trị: tổng thống, tổng thống“ trộn” đại nghị, đại nghị, quân chủ, quân chủ lập hiến, và cộng sản.
Chưa nói ở một số quốc gia , quân đội đôi khi giải thích dân chủ theo cách của mình, và có quyền tham chính, đảo chính tùy muốn.
Đưa được yếu tố “cộng đồng chính trị” vào ngôi nhà chung của mình chắc chắn đã phải vượt qua nhiều thảo luận, tranh luận là một cố gắng đáng trân trọng của tất cả các quốc gia trong AEC
Vậy bộ mặt của “Cộng đồng Chính trị - An ninh” sẽ như thế nào?
Câu trả lời xin dành cho tương lai nhưng ngay lúc này đã có thể nhìn thấy mục đích dân chủ và ổn định qua việc quyết tâm hình thành Cộng đồng này, ngay từ trong đa dạng thể chế của nó. 
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nhà quan sát, phân tích chính trị và bang giao quốc tế từ Đại học Bình Dương, Việt Nam

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?