Tin Thế Giới – 28/11/2015


Tin Thế Giới – 28/11/2015


Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo dân chúng hoãn tới Nga


Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay khuyến cáo dân chúng hoãn những chuyến đi không cấp bách tới Nga, trong diễn tiến mới nhất của vụ xích mích ngoại giao vì việc bắn rơi máy bay Nga.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói lệnh cảnh báo du hành được đưa ra vì “những khó khăn”, mà họ không nói rõ là gì, mà du khách và cư dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga đang đối mặt.
Nga đã có phản ứng giận dữ sau khi chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của họ gần biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, nơi Moscow đang tiến hành một chiến dịch quân sự.
Vụ tranh chấp này đe dọa tới mối quan hệ giữa hai nước vốn đã ở hai phía đối nghịch nhau trong cuộc nội chiến Syria, và làm tăng những mối lo ngại về một vụ xung đột quốc tế rộng lớn hơn.
Moscow đã loan báo một loạt các biện pháp trả đũa chống Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm hạn chế sự đi lại của du khách, tạm ngưng những cuộc tiếp xúc quân sự và áp dụng thêm những biện pháp kiểm tra đối với lương thực nhập khẩu.
Hôm qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tố cáo Nga “đùa với lửa” qua việc tấn công những nhóm chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad “dưới chiêu bài” chiến đấu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo và tấn công những chiếc xe tải hoạt động ở Syria cho mục tiêu thương mại và nhân đạo.
Mặc dầu vậy, ông Erdogan cũng cho biết ông muốn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ hai tới đây bên lề hội nghị thượng đỉnh khí hậu tại Paris. – VOA
Biển Hoa Đông: Không quân Trung Quốc thị uy, phi cơ Nhật nghênh chiến
Nhật Bản hôm 27/11/2015 đã cho các phi cơ tiêm kích cất cánh khẩn cấp sau khi một phi đội gồm 11 chiến đấu cơ Trung Quốc bay sát các đảo trên Biển Hoa Đông, mà Bắc Kinh nói là diễn tập.
Các máy bay chiến đấu của Trung Quốc, gồm tám oanh tạc cơ và ba phi cơ trinh sát, hôm qua đã lướt gần Miyako và Okinawa tuy chưa xâm phạm không phận Nhật Bản. Theo Bộ Quốc phòng Nhật, một số chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay vào giữa hai hòn đảo này, số khác bay sát các đảo kế cận.
Ông Thân Tiến Khoa (Shen Jinke), phát ngôn viên không quân Trung Quốc tuyên bố nhiều loại máy bay, trong đó có oanh tạc cơ H-6K, hôm qua đã tham gia hoạt động được gọi là “diễn tập” trên bầu trời phía tây Thái Bình Dương. Tân Hoa Xã dẫn lời ông này nói rằng, các cuộc tập trận ngoài khơi giúp cải thiện khả năng chiến đấu tầm xa của phi cơ Trung Quốc.
Nhật báo Yomiuri Shimbun nhận định, điều bất thường là Trung Quốc lại điều cả một phi đội đông đảo như vậy bay sát không phận Nhật Bản, và Bộ Quốc phòng Nhật đang phân tích để tìm hiểu mục đích của Bắc Kinh.
Nhật Bản hàng năm phải cho các phi cơ tiêm kích cất cánh khẩn cấp hàng trăm lần để bảo vệ không phận của mình trước Trung Quốc và cả với Nga.
Sự cố này diễn ra tại Biển Hoa Đông trong lúc tình hình vẫn đang nóng lên ở Biển Đông, sau khi Hoa Kỳ cho chiến hạm USS Lassen đi vào trong vùng 12 hải lý gần đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa. Trung Quốc tự cho là có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ luôn bác bỏ các yêu sách đó. Để tìm cách xác quyết chủ quyền, từ một năm qua Trung Quốc đã ồ ạt đào đắp các rạn san hô thành đảo nhân tạo, xây lên hải cảng, phi đạo và nhiều công trình kiên cố.
Trong bối cảnh căng thẳng với các nước láng giềng, Trung Quốc đang chuẩn bị cải tổ quân đội với việc tăng cường sự kiểm soát của đảng, giảm bớt 300.000 quân. Ông Mathieu Duchâtel, phó giám đốc chương trình châu Á và Trung Quốc của Hội đồng Châu Âu nhận định:
“Đây không phải là việc giảm quân số quy mô nhất trong lịch sử đương đại. Tuy nhiên nó còn đi xa hơn so với tất cả những gì chúng ta biết được từ trước đến nay, đó là việc tổ chức lại trong nội bộ quân đội.
Số lượng các quân khu sẽ giảm, từ bảy còn bốn quân khu: Bắc, Nam, Đông, Tây. Có hai mục tiêu, trong đó mục tiêu chính là hiện đại hóa quân đội. Điều này không có gì mới, từ ba chục năm qua Trung Quốc đã tích lũy được nhiều nguồn lực, ngân sách, có được sự ủng hộ về chính trị trong việc hiện đại hóa đội quân của mình.
Thử thách lớn thứ hai của cải cách là có được những cơ quan kiểm toán, giám sát, kiểm soát chi tiêu, đấu tranh chống tham nhũng – mà ai cũng biết là quy mô lớn như thế nào trong quân đội.
Vấn đề an ninh là ưu tiên tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, hồ sơ Đài Loan luôn đè nặng lên chính sách đối ngoại của Trung Quốc, rồi sự cạnh tranh chiến lược với Hoa Kỳ…tất cả đều đóng vai trò quan trọng đối với quân đội Trung Quốc. Và hiện đại hóa thì cần phải chi tiêu, mua sắm, cải tổ cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn.” – RFI
Bắc Triều Tiên thất bại trong việc bắn thử hỏa tiễn đạn đạo từ tàu ngầm
Bắc Triều Tiên hôm nay 28/11/2015 có thể đã bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo từ một tàu ngầm ở Biển Nhật Bản, nhưng đã thất bại. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết như trên.
Một quan chức chính phủ Hàn Quốc được Yonhap dẫn lời nói rằng hỏa tiễn KN-11 đã được bắn đi trong khoảng 5 giờ 20 đến 5 giờ 40 GMT hôm nay. Quan chức giấu tên này khẳng định: “Vụ bắn tên lửa của Bình Nhưỡng dường như đã thất bại. Hỏa tiễn không thấy bay xuyên lên không gian, mà chỉ thấy những mảnh vụn”. Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận về vụ này với AFP.
Nếu việc bắn thử tên lửa được xác nhận, thì đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng cho bắn hỏa tiễn đạn đạo kể từ tháng Năm cho đến nay. Vào thời điểm đó, lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã thị sát hoạt động được Bình Nhưỡng nói là bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo từ tàu ngầm.
Tuy tên lửa bắn đi hôm nay chỉ bay lên khỏi mặt nước khoảng 100-150 mét, nhưng theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vì việc phóng hỏa tiễn vào thời điểm này “rất nghiêm trọng và đáng ngại”.
Các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên sử dụng mọi công nghệ liên quan đến đạn đạo. Bình Nhưỡng vốn đang triển khai chương trình quân sự, khẳng định đã hoàn chỉnh được các tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng còn phải mất nhiều năm nữa, Bắc Triều Tiên mới có thể phóng được các hỏa tiễn liên lục địa (ICBM). – RFI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?