Điểm báo Pháp ngày 30-11-2015


media


Người biểu tình tại Berlin dùng hình ảnh cây kem bị tan chảy để biểu tượng cho hiện tượng khí hậu ấm dần.AFP PHOTO / JOHN MACDOUGALL
Theo RFI
Liệu Thượng đỉnh COP 21 có thể thành công ?
Khai mạc Thượng đỉnh về khí hậu COP21 là chủ đề thời sự chính trên các mặt báo Pháp ngày đầu tuần 30/11/2015. Một trăm năm mươi lãnh đạo các quốc gia tụ họp tại Le Bourget, phía bắc thủ đô Paris họp bàn để đưa ra một thỏa thuận chung cuộc hạn chế mức tăng khí hậu ở 2°C. Le Figaro đặt câu hỏi lớn : « Khí hậu : Liệu COP21 có thể thành công ? ».







Đây cũng chính là nỗi băn khoăn của nhật báo thiên tả Libération. Sự kiện lớn này cũng làm cho cả « Paris phải nín thở » là tít nhận định của Le Parisien. « Cả thế giới ngay dưới chân tường khí hậu » là lời ca thán của nhật báo cộng sản L’Humanité. Trong những băn khoăn trắc trở, La Croix có vẻ lạc quan cho rằng « Khí hậu : Hy vọng về một thỏa thuận ». Một hy vọng mà nhật báo Le Monde vẫn còn nghi ngờ khi hỏi : « Liệu chúng ta còn có thể cứu vãn được hành tinh hay không ? ».
Paris giờ đây đang là « niềm hy vọng chính cho khí hậu » như tựa đề bài xã luận của Le Monde. Những gì được quyết định tại đây từ ngày 29/11 cho đến ngày 11/12/2015, không phải là những điều tầm thường mà sẽ là một chương mới trong lịch sử ngành địa chất học về hành tinh chúng ta. Vì đây là lần đầu tiên có liên quan đến đời sống của chúng ta : không gian sống của chúng ta không thể nào thay thế được. Điều đó sẽ quyết định cho những thập niên tiếp theo, sự ổn định của các nền xã hội, sự sung túc và an ninh cho hàng tỷ con người trên hành tinh này.
Nhưng để có thể làm được điều này, Libération cho rằng cần phải vượt qua « năm thách thức». Đó là, hạn chế mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 2°C, cài đặt dần các hình thức cưỡng chế, đáp trả thái độ hoài nghi, chấm dứt kỷ nguyên hóa thạch, và đảm bảo có được 100 tỷ đô la để giúp đỡ các quốc gia phía nam chống đỡ với hiện tượng biến đổi khí hậu.
Từ đó, nhật báo kinh tế Les Echos điểm ra « 10 điểm quan trọng cho cuộc đàm phán khí hậu lịch sử », tít lớn trên trang nhất. Các điểm đó bao gồm : « Thỏa thuận tương lai sẽ mang tính chất toàn cầu hay không; Một thỏa thuận không mang tính ràng buộc nhưng thật sự có liên quan; Các quy định khác nhau tùy theo tình hình từng nước; Mức tăng nhiệt độ giới hạn ở 2°C từ đây đến cuối thế kỷ; Hỗ trợ các quốc gia thích hợp với hiện tượng ấm dần; Thiết lập các điều khoản về xem xét lại mức tăng nhiệt độ; Công nhận các thiệt hại cho những nước dễ bị ảnh hưởng nhất; Cụ thể hóa lời hứa 100 tỷ đô la; Có những quy định chung về đo lường sự phát thải khí; Đánh thuế cao thải khí carbon ».
"Sự thái quá"
Tuy nhiên, xã luận của Libération còn lưu ý đến một mặt trận thứ hai không kém phần quan trọng. Nếu như mặt trận này thất bại sẽ có những hậu quả khôn lường. Đó là : « Làm thế nào người dân có được niềm tin ở các lãnh đạo của mình nếu như cuộc tụ họp ầm ĩ đó không đưa ra được một kết quả nào ? Làm thế nào trấn an được công dân của mình nếu như sau cả một chiến dịch truyền thông rồi cuối cùng cũng chỉ sản sinh được có một con chuột nhắt màu xanh ? ». Tờ báo cảnh báo : « Sự bất lực của chính quyền là tội ác với thời đại ». Một quan điểm cũng được nhật báo Cộng sản L’Humanité đồng chia sẻ.
Theo Libération, « chính sự bất lực đó làm nản lòng xã hội dân sự, nuôi dưỡng sự thờ ơ của công luận, góp phần làm gia tăng những hiện tượng cực đoan tại các nước. Các quốc gia lớn trên hành tinh đang bị hâm nóng này cũng có một trách nhiệm quan trọng ngang bằng với mối nguy thảm khốc. Nhưng những hành động thái quá cũng đang bắt đầu nhen nhúm dưới cái cớ của tình trạng khẩn cấp, hòng ngăn chặn xã hội dân sự ».
Cuối cùng nhật báo cũng lưu ý là : « Nếu như COP21 kết thúc mà không có một thỏa thuận nào, hay như một thỏa thuận không có ràng buộc, thì cuộc thượng đỉnh lần này chỉ đơn giản là một chiến dịch tuyên truyền về môi trường.Và như vậy, sự mất tin cậy của các nhà lãnh đạo, các nghị sĩ sẽ còn tệ hơn nữa ».
Trung Quốc thích tăng trưởng hơn khí hậu
Trung Quốc không muốn bị chỉ trích là quốc gia phát thải nhiều nhất khí gây hiệu ứng nhà kính. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đưa ra cam kết từ đây đến năm 2030 giảm từ 60%-65% lượng khí thải. Nhưng Le Figaro, trong bài viết đề tựa « Trung Quốc không muốn hy sinh tăng trưởng cho khí hậu », cho biết là Bắc Kinh muốn thực hiện theo cách riêng của mình.
Tinh trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang là mối bận tâm hàng đầu của Đảng Cộng sản, nhằm duy trì ảnh hưởng lên tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Bên cạnh đó, « tăng trưởng xanh » cũng là một đòn bẩy kinh tế quan trọng. Dù vậy, phát triển kinh tế cho những thập niên tới vẫn là một ưu tiên, và như vậy để lại gánh nặng chống biến đổi khí hậu môi trường cho các quốc gia « giàu có ».
Theo giải thích của một lãnh đạo tập đoàn năng lượng Pháp, « Trung Quốc thật sự rất muốn có một nền kinh tế ‘xanh’, nhưng họ từ chối việc bị người khác áp đặt ». Thái độ ngập ngừng đó của Trung Quốc là một trong những mối bận tâm chính của điện Elysée. Do bởi, Pháp luôn nhấn mạnh đến tính cần thiết của việc đưa ra được một thỏa thuận « có tính chất ràng buộc ».
Lo lắng về điểm này, đầu tháng 11/2015, Tổng thống Pháp đã đến gặp đồng nhiệm Trung Quốc để làm rõ điểm « mấu chốt » này. Đương nhiên ông Hollande đã có được lời hứa của Trung Quốc cùng nhau làm việc để hạn chế mức tăng nhiệt độ. Nhưng Le Figaro lưu ý cách thực hiện chi tiết về cơ chế hoạt động và nhất là phương cách kiểm soát sẽ là một trong những điểm nhạy cảm trong cuộc đàm phán tại Paris lần này.
Nhân dân tệ sắp gia nhập rổ tiền tệ quốc tế
« Đồng yuan Trung Quốc được nhìn nhận như là một ngoại tệ quốc tế », Les Echos thông báo. Như vậy là, « Đồng tiền Trung Quốc được chen vào 'top 5' ngoại tệ thế giới », tựa của Le Figaro. Trừ có điều bất ngờ xảy ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF sẽ bật đèn xanh cho việc hội nhập đồng renminbi vào rổ tiền tệ quốc tế. Một thắng lợi chính trị đối với Bắc Kinh, và đây cũng là một bước tiến hướng đến tự do hóa hệ thống tài chính Trung Quốc.
Tuy nhiên theo Les Echos, thắng lợi có được đó của Trung Quốc cũng là một « chiến công của ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ». Được cho là người "thân tín" của chủ tịch Tập Cận Bình, ông Chu được xem như là một trong những nhà kiến tạo quyết đoán nhất về việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Sinh năm 1948, ông Chu Tiểu Xuyên từng bước leo lên từng cấp bậc cho đến khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Công nghiệp. Cũng như bao người khác, ông và gia đình là nạn nhân của cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1968, bị gởi xuống một trang trại phía đông bắc Trung Quốc. Nhưng điều đó không cản trở ông nghe nhạc cổ điển, vốn dĩ bị cấm thời bấy giờ.
Một khi cha ông được hồi phục danh dự năm 1973, ông Chu trở về Bắc Kinh để tiếp tục học hành, rồi đi du học ở Mỹ trong những năm 1980. Ông Chu được đánh giá là một nhà cải cách. Ông cũng là một trong số chính khách hiếm hoi ở Trung Quốc tại vị lâu nhất : Ở tuổi 77, ông lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc từ 13 năm qua.
Một trong những dấu hiệu có được sự ủng hộ chính trị trong các cấp lãnh đạo cao nhất : con người có niềm đam mê nhạc kịch và các sản phẩm công nghệ đã được tái bổ nhiệm dù đã trải qua hai nhiệm kỳ, và đã quá tuổi về hưu chính thức hai năm.
« Hàn Quốc muốn viết lại lịch sử »
Xã hội Hàn Quốc đang sôi sục kể từ khi chính phủ bảo thủ tuyên bố lấy lại quyền viết sách giáo khoa về lịch sử. Theo chính phủ, các sách giáo khoa do các nhà xuất bản độc lập phát hành « đầy lỗi và có cái nhìn sai lệch về quá khứ », dù là đã được chính phủ thông qua nội dung. Giới nghiên cứu lên án chính phủ muốn tô điểm lại những năm tháng đen tối dưới thời chế độ độc tài quân sự, nhất là thời kỳ cai trị bạo tàn (1961-1979) của tướng Park Chung-hee, thân phụ của bà Tổng thống hiện nay Park Geung Hye.
La Croix dẫn lời giải thích phát ngôn viên một đảng chính trị đối lập cho rằng «Khi bắt đầu bước vào chính trường, bà Park Geun Hye đã nhiều lần tuyên bố là mục tiêu của bà là khôi phục danh dự cho cha. Cách thức chính phủ áp đặt chính quan điểm của mình về lịch sử làm chúng tôi nhớ lại thời chế độ độc tài trong quá khứ».
Lịch sử đương đại của Hàn Quốc đầy xáo động. Thời kỳ thực dân Nhật Bản bạo tàn, miễn trừ truy tố những người Hàn Quốc hợp tác với quân phiệt Nhật, sự chia cắt đất nước giữa miền Bắc cộng sản và miền Nam tư bản, cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa hai miền, chế độ độc tài quân sự và công nghiệp hóa cưỡng ép : Tất cả những chủ đề đó luôn là đối tượng xung đột dữ dội về sự diễn giải.
Theo nữ Tổng thống Hàn Quốc : « Nếu không có một quan điểm rõ ràng về lịch sử, khó mà đạt được việc thống nhất hai miền. Người ta sẽ bị lầm lạc bởi vì họ sẽ bị một hệ tư tưởng phi lý thống trị ». Chính phủ không ngần ngại chỉ trích những người phản đối dự án là « những người có cảm tình với Bắc Triều Tiên », mong muốn « một sự thống nhất dưới màu cờ cộng sản ».
Trước tình hình căng thẳng này, Hội đồng giám mục Hàn Quốc bày tỏ quan ngại kêu gọi chính phủ lùi bước và để cho các sử gia làm công việc của mình. Theo đức cha Justin Kim You Jeong, « Chính phủ và đảng cầm quyền đang chia rẽ hơn nữa xã hội Hàn Quốc, khi lên án đối lập là ‘ủng hộ Bắc Triều Tiên’ ».
La Croix còn nhận thấy là các quyết định của chính quyền Seoul sẽ có những hệ quả ngoại giao, vào lúc mà Hàn Quốc đang thúc ép Nhật Bản phải nhìn nhận các trách nhiệm của mình trong các tội ác chiến tranh do Nhật Bản gây ra.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?