Liên minh với Nga chống Daech, nhiệm vụ bất khả của Tổng thống Pháp

Theo RFI

mediaTổng thống Hollande phát biểu với cộng đồng người Pháp ở Washington ngày 24/11/2015.Reuters
Sau khi gặp gỡ các lãnh đạo Tây phương Anh, Mỹ, Đức Ý, Tổng thống Pháp François Hollande tiếp tục cuộc vận động ngoại giao « việt dã », sang Nga hội kiến với Tổng thống Putin ngày 26/11/2015. Tuy nhiên, tham vọng thành lập một « liên quân » chống Hồi giáo khủng bố ngày càng khó thành tựu. Từ hai ngày qua, điện Elysée chỉ nói đến « phối hợp » hành động.
Để có thể đánh bại kẻ thủ chung là tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech, các cường quốc phải « hợp tác thành lập một liên quân rộng lớn ». Đó là tuyên bố của Tổng thống Pháp François Hollande ngay sau loạt khủng bố tại Paris và của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau khi nhìn nhận chiếc máy bay dân dụng A321 đã bị khủng bố đặt bom rơi trên sa mạc Sinai, Ai Cập.
Nga tỏ thiện chỉ nhưng…..
Mặc dù xảy ra vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc oanh tạc cơ tối tân của Nga Sukhoi-24, Matxcơva vào sáng hôm nay, vài giờ trước khi đón Tổng thống Pháp, vẫn cho biết sẵn sàng tham gia « một bộ tham mưu chung » để hoạch định kế hoạch oanh kích Daech. Tuy nhiên, cho dù Nga liên tục tỏ thiện chí, ý định thành lập liên quân khó có thể trở thành hiện thực vì nhiều lý do.
Theo bộ Quốc phòng Pháp, « để thành lập một liên quân, chúng ta phải có cùng một mục tiêu ». Nói trắng ra là Nga phải cam kết ngưng oanh kích các lực lượng đối lập Syria, do Tây phương hỗ trợ, chống nhà độc tài Bachar al Assad. Bởi vì từ 50% đến 60% bom đạn của Nga là trút xuống các đơn vị của Quân đội Syria Tự do, thay vì đánh vào Daech hay Mặt trận Jabat-al Nostra của Al Qaida.
Lý do thứ hai là số phận lãnh đạo Syria, Bachar al Assad và chế độ chính trị tại Syria tương lai. Paris lập luận không thể « phát triển phong trào chống thánh chiến mà không tính trước tương lai chính trị thời hậu Bachar al Assad ». Vấn đề này có lẽ nằm trong chương trình thảo luận Hollande-Putin hôm nay. Một viên chức trong bộ Quốc phòng Pháp khẳng định là không ai « đặt lại vấn đề quyền lợi của Nga tại Syria ».
Khả năng quân sự Nga có giới hạn
Một chuyên gia quốc phòng Pháp được RFI đặt câu hỏi, cho rằng khả năng quân đội Nga thật ra có giới hạn. Tuy đã nỗ lực hết mức, nhưng kết quả can thiệp của Nga tại Syria đã không mang lại kết quả mong muốn.
Trong khu vực Địa Trung hải , hải quân Pháp cần phải làm mọi cách để tránh va chạm ngoài ý muốn với hải quân Nga. Hai bên cần trao đổi thông tin về vị trí của các chiến hạm. Tuy nhiên, từ trao đổi thông tin cho đến chọn lựa mục tiêu để cùng oanh kích, con đương còn rất xa.
Mỹ -Nga : lập trường dị biệt quá lớn
Ẩn số hiện nay là Tổng thống Putin sẵn sàng tiến đến đâu, sau khi tỏ một số thái độ thiện chí như bỏ phiếu thuận nghi quyết do Pháp đề nghị tại Hội Đồng bảo An, cho phép sử dụng mọi biện pháp để diệt trừ khủng bố.
Về phần Paris, chính phủ Pháp dứt khoát không nhượng bộ mọi hình thức « mặc cả bắt chẹt » về tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria, nhưng biết là Nga cũng rất cứng rắn. Trong tuyên bố chung công bố tại Teheran ngày 23/11, Tổng thống Putin và giáo chủ Khamenei khẳng định chống can thiệp từ bên ngoài buộc lãnh đạo Syria ra đi.
Về phần Hoa Kỳ, trong cuộc hội kiến với lãnh đạo Pháp tại Nhà Trắng ngày 24/11, Tổng thống Obama khẳng định là không thể hợp tác với Nga trên hồ sơ Syria ngày nào Matxcơva chưa thay đổi chiến lược.
Số phận của Tổng thống Syria Bachar al Assad mà Nga ủng hộ triệt để, cũng như chiến lược oanh kích tập trung vào các lực lượng Syria nổi dậy do Tây phương hậu thuẫn là chướng ngại lớn nhất cản trở ý định thành lập liên minh với Nga.
Giữa Washington và Matxcơva , tuần lễ vận động ngoại giao « việt dã » của Tổng thống Pháp là một nhiệm vụ bất khả.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?