Khủng bố Paris: Quyền tự do cá nhân trở thành nạn nhân ?

Theo RFI


mediaMột cảnh khám xét ở Paris ngày 17/11/2015, trong thời gian tình trạng khẩn cấp.REUTERS/Benoit Tessier
24 người đấu tranh bảo vệ môi trường bị quản thúc tại gia, Công ước Châu Âu về nhân quyền bị giới hạn áp dụng, trên đây là hai trong số nhiều biện pháp đã được chính quyền Pháp quyết định sau loạt tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris, căn cứ vào tình trạng khẩn cấp đã được ban hành. Đối với giới bảo vệ nhân quyền, cho dù là để bảo đảm an ninh, nhưng chính quyền không nên sa vào bẫy của quân khủng bố, muốn đánh vào quyền tự do của con người.
Theo hãng tin Pháp AFP, Bộ Nội vụ Pháp vào hôm qua xác nhận rằng các biện pháp quản chế đã được ban hành là để ngăn chặn không cho những người này biểu tình phá hoại Hội nghị về khí hậu COP21 sắp diễn ra, và ba người trong số này thuộc thành phần « cực đoan ».
Những người này không được rời khỏi thị trấn nơi họ cư ngụ nếu không có phép đặc biệt của cảnh sát, phải trình diện đồn cảnh sát địa phương ba lần một ngày, và ở trong nhà từ 20 giờ tối cho đến 6 giờ sáng hôm sau. Chế độ này được áp dụng cho đến ngày 12 tháng 12, một ngày sau khi CPO21 bế mạc.
Đối với Luật sư của các người bị quản thúc tại gia, chính quyền rõ ràng là đã lạm dụng tình trạng khẩn cấp để tấn công vào quyền tự do biểu tình. Chi nhánh của tổ chức Ân xá Quốc tế tại Pháp, cũng cho rằng các biện pháp trên quá đáng.
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Pháp dĩ nhiên đã phản bác cáo buộc trên, và khẳng định rằng tình trạng khẩn cấp hoàn toàn không đi ngược lại chế độ Nhà nước Pháp quyền.
Quyết định quản thúc tại gia đối với 24 người đấu tranh cho môi trường kể trên được ban bố sau khi nước Pháp chính thức thông báo cho Hội đồng Toàn Châu Âu - Conseil de l'Europe - là sẽ tạm thời xin miễn áp dụng Công ước Châu Âu về Nhân quyền.
Trong một công văn gởi đi ngày 24/11, Paris cho biết sẽ áp dụng điều 15 của Công ước Nhân quyền Châu Âu, quy định các điều kiện miễn áp dụng trong trường hợp khẩn cấp, như trong trường hợp chiến tranh hoặc đất nước bị đe dọa.
Theo hãng tin Pháp AFP, việc thông báo áp dụng điều 15 là một thủ tục để Pháp tránh được nguy cơ bị lên án và kiện ra trước tòa án nhân quyên Châu Âu.
Tuy nhiên, theo ông Tổng thư ký Hội đồng Châu Âu, Thorbyorn Jagland, việc áp dụng điều 15 không có nghĩa là quyền con người không còn được bảo vệ ở Pháp, và « Công ước Nhân quyền Châu Âu vẫn tiếp tục được áp dụng ».
Theo luật sư Michel Tubiana, cựu chủ tịch Liên đoàn Nhân quyền, thủ tục xin miễn trừ do chính quyền Pháp khởi động « không bỏ đi bất kỳ thẩm quyền xét xử nào của Tòa án Nhân quyền trong trường hợp quyền cơ bản bị vi phạm ». Tòa án sẽ chỉ xét xử một cách « mềm dẻo » hơn mà thôi.
Theo Luật gia Nicolas Hervieu, chuyên gia của Tòa án Nhân quyền Châu Âu, thì khi viện dẫn điều 15, Pháp muốn tự bảo vệ mình trước những vụ kiện có thể xẩy ra trong tương lai. Tòa án Nhân quyền Châu Âu rất có thể sẽ có thái độ mềm dẻo hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là Nhà nước Pháp muốn làm gì thì làm.
Hơn nữa, việc áp dụng điều khoản 15 của Công ước không cho phép bất kỳ nước nào xâm phạm các quyền tự do cơ bản, ví dụ như tra tấn hay đe dọa tra tấn, hoặc trục xuất một người về một nơi mà người đó có thể bị tra tấn. Cũng không thể xâm phạm ‘quyền được an cư'.
Nói cách khác, theo Luật gia Hervieu, « điều kiện sử dụng sức mạnh của cảnh sát sẽ được Tòa án Nhân quyền xem xét không khác gì trong tình trạng bình thường, không phải khẩn cấp ».

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?