Con đường từ người tị nạn trở thành doanh nhân của CEO 30 tuổi gốc Việt: Đừng để sự nghèo khó ngăn cản ước mơ

Cafef VN
30-10-2017 - 07:18 AM Sống

Con đường từ người tị nạn trở thành doanh nhân của CEO 30 tuổi gốc Việt: Đừng để sự nghèo khó ngăn cản ước mơ

Tony Hoàng là người sáng lập kiêm CEO của Advanced Modular Instruments (AMI), một công ty chuyên cung cấp cho các nhà khoa học những công cụ nghiên cứu kỹ thuật số với tốc độ nhanh và hiệu quả. Tony đã thành lập công ty này vào tháng 12/2016, trong khi đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ hóa học ở Đại học Albany.

Tony Hoàng là người sáng lập kiêm CEO của Advanced Modular Instruments (AMI), một công ty chuyên cung cấp cho các nhà khoa học những công cụ nghiên cứu kỹ thuật số với tốc độ nhanh và hiệu quả. Tony đã thành lập công ty này vào tháng 12/2016, trong khi đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ hóa học ở Đại học Albany. Tony là sinh viên có nhiều bằng sáng chế nhất của trường, với 6 bằng sáng chế đang được thẩm định. Anh còn có tên trong danh sách “40 Under 40” của tạp chí kinh doanh Albany Business Review và là người nhận giải thưởng Doanh nhân Khởi nghiệp Công nghệ năm 2017 của tạp chí này.
Hãy cùng tìm hiểu về vị CEO trẻ tuổi này qua câu chuyện tự thuật của anh trong Tạp chí Công nghệ Sinh học.
Khi tôi mới chỉ 4 tuổi, gia đình tôi đã di cư từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Lớn lên trong sự thiếu thốn, lần đầu tiên tôi thích thú với việc trở thành một nhà sáng chế là khi xem chương trình “Bill Nye the Science Guy” (Nhà khoa học Bill Nye) trên kênh truyền hình PBS, và tìm sửa chữa các thiết bị điện tử bị hỏng mà bố mẹ tôi mua về từ các cửa hàng giá rẻ. Từ những ngày thơ ấu thích tìm tòi và khám phá, giờ đây tôi đã có thể hiện thực hóa ý tưởng xây dựng một dự án sản xuất công nghệ cao. Tôi hiện đang thử nghiệm các sản phẩm đầu tiên của chúng tôi với khách hàng, nói chuyện với các nhà đầu tư và thậm chí có cơ hội giới thiệu công ty của mình tại hội nghị thượng đỉnh Forbes 30 Under 30 vào năm 2016 ở Boston.
Trên hành trình kinh doanh của mình, tôi không thể không nghĩ đến tất cả những sự cố vấn mà tôi đã nhận được, không chỉ thông qua Blackstone Launchpad, một chương trình sáng tạo hỗ trợ sinh viên mà còn thông qua các nguồn lực, sự giúp đỡ của các giáo sư tại Viện RNA và môi trường kinh doanh mà tôi tìm thấy trong khuôn viên của trường đại học Albany. Ngoài ra, cũng có nhiều động lực tự thân giúp tôi đạt được mục tiêu của mình. Tôi muốn câu chuyện của mình là một ví dụ tham khảo cho những sinh viên khác, những người đang có một ý tưởng tuyệt vời, nhưng lại cảm thấy thiếu các nguồn lực xung quanh để giúp họ thành công.
Dưới đây là một số điều cần nhớ:
1. Đừng để sự nghèo khó ngăn cản ước mơ
Gia đình tôi di cư sang Hoa Kỳ sau chiến tranh Việt Nam. Khi ở Việt Nam, bố tôi là Đội trưởng của quân đội miền Nam Việt Nam và bị bắt làm tù binh chiến tranh. Lúc mới đặt chân lên đất Mỹ, chúng tôi không có gì trong tay cả. Gia đình tôi sống qua ngày nhờ vào các khoản phúc lợi xã hội và tôi vẫn còn nhớ như in rằng khi còn nhỏ, tôi từng phải xếp hàng để chờ tới lượt đổi tem phiếu trợ cấp và nhận lại sữa bột.
Cha mẹ tôi luôn nhấn mạnh rằng việc học hành sẽ giúp tôi nên người, vì vậy tôi đã chăm chỉ nghiên cứu trong khi những đứa trẻ khác được vui chơi. Tôi là người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân.
Không chỉ dừng lại ở đó, tôi hiện đang hoàn thành bằng Tiến sĩ về hóa học và đã từng phá vỡ kỷ lục về bằng sáng chế thẩm định dành cho sinh viên tại Đại học Albany, và cũng đã khởi nghiệp một công ty công nghệ sinh học của riêng mình. Tôi làm được điều này không chỉ bởi vì tôi yêu khoa học mà còn vì tôi muốn con cháu họ Hoàng biết rằng chúng có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn nếu có sự chăm chỉ và tập trung. Nền tảng gia đình và khát khao đạt thành tựu là động lực để tôi thành công.
2. Xác định các cơ hội tiềm ẩn để học hỏi kỹ năng mới
Tôi lớn lên trong cảnh nghèo khó, và gia đình tôi luôn phải xem xét chi tiêu, cân đong đo đếm tiền ăn uống hàng ngày. Nếu chúng tôi có phải mua bất cứ thứ gì không phải là thức ăn, chúng sẽ luôn là hàng second-hand, không bao giờ là đồ mới!
Bố mẹ tôi mua tất cả mọi thứ từ cửa hàng từ thiện Goodwill, và tôi đã phát triển khả năng sửa chữa nhờ vào những thiết bị điện tử hỏng mà bố mẹ mang về nhà. Tôi làm thế không phải vì tôi thích sửa chữa chúng, mà vì muốn gia đình mình cảm thấy rằng nhà hàng xóm có thứ gì thì chúng tôi cũng có thể có thứ đó.
Đó là những kỹ năng đã giúp tôi định hình cách xây dựng các công cụ khoa học cho AMI mà tôi đang chờ được cấp bằng sáng chế. Những kỹ năng ấy đã mang đến cho tôi một lợi thế chiến lược trong sự nghiệp kinh doanh của mình, cũng như giúp tôi tiết kiệm rất nhiều trong quá trình trưởng thành.
3. Hãy theo đuổi giấc mơ thời thơ ấu
Tôi vẫn nhớ khi mình còn nhỏ, thu nhập của gia đình tôi không khá khẩm như những người hàng xóm, vì vậy truyền hình cáp là một thứ gì đó rất xa vời. Thay vào đó, hàng ngày bố sẽ chở tôi đến thư viện địa phương và tôi sẽ dành hàng giờ để đọc sách về khoa học và công nghệ. PBS và thẻ thư viện không chỉ là nguồn giải trí của tôi, mà còn là nguồn cảm hứng giúp tôi trở thành một nhà khoa học. Bây giờ, không chỉ sắp hoàn thành tấm bằng tiến sĩ, tôi còn là nhà sáng lập của một công ty công nghệ sinh học.
Tôi đã nhận ra rằng, dù trong tay bạn có nhiều nguồn lực tới đâu đi nữa, thì ham muốn thành công của bản thân mới là thứ tạo ra điều khác biệt. Hãy độc lập. Hãy tự tin. Hãy sẵn sàng đi ngược lại với lệ thường.
Albert Einstein đã từng nói: “Những người đi theo đám đông thường không đi xa hơn đám đông. Nhưng người nào dám bước đi một mình có thể sẽ tìm thấy những nơi chưa ai từng đặt chân đến”.
Thu Hoài
Theo Nhịp sống kinh tế/Huffington Post

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện