Tin Biển Đông – 31/10/2017

Tin Biển Đông – 31/10/2017

Hạm đội Nam Hải ‘cực kỳ nguy hiểm’ cho VN

Nguyễn Xuân VĩnhGửi đến BBC từ Frankfurt, Đức
Sau những diễn biến sôi nổi trong năm 2015, sự căng thẳng ở Biển Đông có vẻ giảm đi từ 2016 đến nay.
Trung Quốc có vẻ bớt những hành động khiêu khích mới cũng như không xây thêm đảo nhân tạo.
Tình hình bắt đầu yên ổn lại và Trung Quốc sẽ từ bỏ tham vọng làm chủ Biển Đông sau khi thất bại tại Tòa án Quốc tế về luật biển của Liên Hiệp Quốc chăng?
Có lẽ là không. Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc vẫn không thay đổi. Đó là nắm quyền kiểm soát trên vùng biển trong phạm vi của cái mà Trung Quốc gọi là chuổi đảo thứ nhất từ Nhật Bản qua Đài Loan đến tận Mã Lai.
Vùng biển này không những là nguồn kinh tế quan trọng cho Trung Quốc, kiểm soát vùng biển đó sẽ giúp nước này tạo ưu thế đối với Nhật Bản và Đại Hàn, và nhất là tăng áp lực lên Đài Loan.
Biện pháp hổ trợ cho mục tiêu này là tăng cường lực lượng hải quân để có thể đối đầu với hải quân Hoa Kỳ ở miền Tây Thái Bình Dương và để đủ khả năng thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực, nếu cần thiết.
Kiểm soát vùng Biển Đông cũng là điều kiện căn bản cho quân đội Trung Quốc để triển khai áp lực quân sự vào Ấn Độ Dương trong tương lai.
Hạm đội Nam Hải là một lực lượng vô địch trên Biển Đông, và là một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho lãnh hải Việt Nam. Lực lượng hải vận của hạm đội này có thể đưa quân đánh chiếm bất cứ đảo nào tại Hoàng Sa và Trường Sa.Nguyễn Xuân Vĩnh
Vì thế nên Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa các đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa. Các công trình đã bắt đầu trên các đảo đã được mở rộng. Đầu năm 2016, trên sáu đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa những cơ sở mang tính cách quân sự đã hình thành rỏ rệt.
Trên hai đảo được mở rộng là Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) đã có hai phi đạo dài khoảng 3 km, đủ để máy bay chiến đấu sử dụng, và theo tin tức thì máy bay chiến đấu của không quân Trung Quốc cũng đã đáp thử ở đây rồi.
Đồng thời vào tháng Hai 2016 Trung Quốc đã bắt đầu gắn hệ thống hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9 trên đảo Phú Lâm (Woody Island) tại quần đảo Hoàng Sa. Nơi này cũng có một phi đạo. Cũng theo giới tình báo quân sự Tây Phương thì các chiến đấu cơ tối tân loại J-11 đã được đóng dài hạn trên đảo này.
Song song với việc xây cất trên các đảo, sự tăng cường sức lực quân sự của Trung Quốc vẫn tiếp tục với một vận tốc đáng ngại.
Tháng Tư năm nay giới lãnh đạo Trung Quốc đã hãnh diện ra mắt thế giới chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai của hải quân nước này. Chiếc tàu thuộc hạng Type 001A với tên Sơn Đông là chiếc mẫu hạng đầu tiên do Trung Quốc hoàn toàn tự đóng.
Giống như chiếc Liêu Ninh, mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đã được đóng trên cái sườn cũ của chiếc mẫu hạm Varyag của Nga, chiếc Sơn Đông hoạt động trên nguyên tắc STOBAR (Short Take-Off But Arrested Recovery), tức là các máy bay cất cánh trên một bàn nhảy và khi đáp lại trên tàu thì dùng dây móc để thắng lại.
Đây là phương pháp hoạt động khác các siêu hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ và Pháp. Thuyền sân bay của các quốc gia này thuộc vào loại CATOBAR (Catapult Take-Off But Arrested Recovery). Các máy bay được bắn đi bằng một hệ thống phóng khi cất cánh và khi đáp thì dùng dây móc.
Ưu điểm của hệ thống CATOBAR là các chiến đấu cơ có thể cất cánh với một trọng tải cao hơn, do đó có thể mang nhiều nguyên liệu cũng như vũ khí hơn là khi cất cánh từ một mẫu hạm STOBAR.
Chiếc mẫu hạm mới của Trung Quốc chưa đủ khả năng để đối đầu với các siêu mẫu hạm của Hoa Kỳ.
Nhưng với nó Trung Quốc đã vượt mặt nước Nga với chiếc Admiral Kuznetzov cũ kỷ và hay hư hỏng.
Chiếc Sơn Đông cũng chỉ là một bước nữa trên hành trình để hải quân Trung Quốc gia nhập câu lạc bộ của các cường quốc có siêu mẫu hạm. Cùng lúc khi chiếc Sơn Đông được ra mắt thiên hạ, hải quân Trung Quốc cũng tuyên bố là đã bắt đầu việc thiết kế một chiếc mẫu hạm thứ ba với số hạng là 002.
Chiếc mẫu hạm này chắc sẽ giống các hàng không mẫu hạm của các cường quốc Tây phương nhiều hơn.
Nỗ lực của Trung Quốc trên lãnh vực thiết kế tàu sân bay là tiêu biểu cho sự cố gắng của quốc gia này để tạo ra một lực lượng hải quân có thể đối đầu với hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ.
Trong những năm qua hải quân Trung Quốc đã nhập quân hàng loạt những chiến hạm mới tối tân với một nhịp nhanh chóng đáng ngại.
Từ năm 2013 hải quân Trung Quốc đã nhận được 40 chiếc hộ tống hạm hạng 056 Jiangdao.
Những chiếc tàu này được trang bị với súng đại bác 76 ly, hệ thống hỏa tiễn phòng không tầm gần FL-3000N cũng như hỏa tiễn đối hạm. Những hộ tống hạm này được xem như tương đương với hộ tống hạm hạng Gepard (Project 11660) của Việt Nam.
Chênh lệch cán cân lực lượng quá lớn
Như thế trung bình cứ mỗi hai tháng hải quân Trung Quốc đã tăng thêm một hộ tống hạm mới. Trong khi đó Việt Nam đặt bốn chiếc Gepard từ năm 2011 nhưng đến bây giờ vẫn chỉ có vỏn vẹn hai chiếc Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ.
Từ 2015 đến nay hải quân Trung Quốc còn được thêm 13 chiếc khu trục hạm hạng 052D Luyang. Đấy là những chiến hạm được trang bị với hệ thống radar và hỏa tiễn giống như hệ thống AEGIS của các chiến hạm hạng Arleigh Burke của Hoa Kỳ, hiện là loại khu trục hạm hùng mạnh nhất thế giới. Số khu trục hạm vậy cũng tăng với tỉ lệ khoảng ba tháng một chiếc.
Ngoài đó, tháng Sáu năm nay hải quân Trung Quốc đã hạ thủy một loại chiến hạm mới còn to lớn và mạnh hơn hạng 052D nữa. Đó là một chiến hạm thuộc hạng 055 Renhai.
Với chiều dài là 180 m, trọng lượng nước rẽ hơn 10.000 t và 128 ngăn chứa hỏa tiễn, lớp chiến hạm mới này tương đương với các tuần dương hạm hạng Ticonderoga của Hoa Kỳ. Chiến hạm hạng 055 có lẽ được thiết kế để hộ tống các hàng không mẫu hạm trong tương lai.
Ngoài sự gia tăng số lượng và năng lực của các lực lượng chiến đấu trên biển, một phát triển khác ít được chú ý đến nhưng cũng không ít đáng ngại cũng đã xảy ra từ năm 2011.
Đó là sự tăng cường của lực lượng thủy quân lục chiến. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tuyên bố trong tháng 11 năm 2016 là sẽ gia tăng lực lượng Thủy quân lục chiến từ hiện nay khoảng 20.000 quân lên đến 100.000 quân.
Tháng Bảy năm 2017 Trung Quốc đã chính thức khai trương căn cứ quân sự đầu tiên cách xa lãnh thổ nước này tại Djibouti. Một lực lượng thủy quân lục chiến Trung Quốc đã được vận chuyển đến Djibouti trên một tàu đổ bộ hạng 071.
Đó là một quân hạm với sân đáp trực thăng và cảng chở thuyền đổ bộ và xe thiết giáp trong khoang. Những tàu hạng 071 có khả năng vận chuyển và yểm trợ một lực lượng thủy quân lục chiến cấp tiểu đoàn để đổ bộ lên bất cứ bờ biển nào. Hải quân Trung Quốc hiện đang có 4 chiếc tàu loại này và sẽ nhận được nhiều hơn.
Hải quân của Trung Quốc được chia ra ba hạm đội, đó là hạm đội Bắc Hải, hạm đội Đông Hải và hạm đội Nam Hải. Hạm đội Nam Hải là lực lượng kiểm soát vùng Biển Đông, và là đối thủ trực tiếp của hải quân Việt Nam trong những cuộc xung đột trong quá khứ và tương lai.
Lực lượng tác chiến trên mặt nước của hạm đội này bao gồm chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, ít nhất là 9 khu trục hạm, 30 hộ tống hạm và khoảng 40 tuần duyên hạm.
Hạm đội Nam Hải còn có khoảng 22 tàu ngầm, trong số đó là toàn bộ lực lượng tàu ngầm nguyên tử chiến lược của Trung Quốc với bốn chiếc hạng 094 Jin. Nỗ lực thiết lập và củng cố quyền kiểm soát trên Biển Đông cũng nhằm vào mục đích bảo vệ cho hoạt động của những tàu ngầm chiến lược này.
Ngoài ra hiện nay hạm đội Nam Hải có ba chiếc tàu hạng 071 cũng như một số tàu chở quân khác.
Hạm đội Nam Hải là một lực lượng vô địch trên Biển Đông, và là một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho lãnh hải Việt Nam. Lực lượng hải vận của hạm đội này có thể đưa quân đánh chiếm bất cứ đảo nào tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Thậm chí có thể đổ bộ lên nhiều đảo cùng một lúc. Ý định tăng cường lực lượng thủy quân lục chiến và nổ lực đóng tàu chở quân là một dấu hiệu rỏ ràng cho xu hướng chiến lược của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Trong hai năm qua Trung Quốc đã hoàn tất việc mở rộng, xây cất căn cứ quân sự trên các đảo Gạc Ma (Johnson South Reef), Chữ Thập, và sắp kết thúc các cấu trúc đảo nhân tạo trên các bãi san hô như Đá Tư Nghiã (Hughes Reef). Khoảng cách từ đây đến các đảo của Việt Nam thậm chí chỉ có 30 cây số.
Trung Quốc có thể dùng các đảo này làm căn cứ hậu cần và đem máy bay chiến đấu đến đây để yểm trợ cho các lực lượng hải quân đổ bộ lên các đảo Việt Nam.
Các đơn vị đóng trên các đảo của Việt Nam như Song Tử Tây (Southwest Cay), Sinh Tồn (Sin Cowe Island) và thậm chí Trường Sa chắc chắn sẽ không đủ quân số và hỏa lực để chống đối một lực lượng đổ bộ được yểm trợ bởi những tàu hạng 071, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cũng như chiến đấu cơ từ Đá Chữ Thập.
Trước những đe dọa đó, Việt Nam chuẩn bị gì?
Tin tức về những phát triển quân sự tại Việt Nam rất hiếm hoi. Nhưng những gì được biết qua những nguồn thông tin Tây Phương cho thấy là Quân đội nhân dân vẫn rất bị động.
Mặc dù tình thế địa hình trên vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng bất lợi, những biện pháp trang bị cho hải quân và không quân không có vẻ theo một kế hoạch chiến lược nhất định và tạo sự nghi ngờ là giới lãnh đạo Việt Nam chưa có một chính sách quân sự thích nghi với những thử thách trên Biển Đông.
Năm 2016, hải quân Việt Nam có hai chiếc hộ tống hạm hạng 11660 (biệt danh của Nato là Gepard) của Nga, sáu chiếc tàu ngầm hạng 877 (Kilo) và 12 tuần duyên hạm hạng 1241E Molnija (Tarantul).
Ngoài ra còn năm chiếc hộ tống hạm nhẹ và lỗi thời thuộc hạng Petya đã được xử dụng từ thập niên 70.
Hiện nay Việt Nam đang thương lượng mua thêm hai chiếc Gepard nữa. Cuối năm nay chiếc hộ tống hạm Gepard thứ ba với khả năng chuyên môn săn tàu ngầm sẽ đến Việt Nam.
Sau ba thập niên gần như không có một biện pháp tân trang nào cho quân đội, từ năm 2011 hải quân Việt Nam đã trải qua một cuộc tân tiến hóa đáng kể.
Nhưng lực lượng hải quân hiện nay có lẻ vẫn chưa đủ để duy trì một thế lực ngăn chận nước khác xâm nhập vùng kinh tế độc quyền và các đảo.
Bảo vệ các đảo là một mặt, nhưng không kém quan trọng là duy trì đường dây tiếp tế cho các đảo trong trường hợp có sự xung đột quân sự. Cho nhiệm vụ đó tàu ngầm và đặt biệt là chiến hạm lớn là dụng cụ thích hợp hơn các tuần duyên hạm hiện đông số nhất trong đội ngũ của hải quân Việt Nam.
Nhưng hải quân Việt Nam chỉ có hai chiếc chiến hạm lớn là hộ tống hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ. Tuy đã được đặt từ sáu năm trước nhưng lớp tàu chiến có năng lực nhất của hải quân Việt Nam có vẻ không được ưu tiên cho nên hai chiếc còn lại vẫn chưa được giao.
Thêm nữa thiết bị vận tải của hải quân Việt Nam để tiếp tế cho các đảo cũng rất giới hạn.
Hải quân Việt Nam hiện nay có khoảng 25 tàu quân vận. Trong đó có một số tàu cũ hạng LST của hải quân Việt Nam Cộng Hòa để lại, loại tàu này đã được sử dụng từ thế chiến thứ hai. Khả năng chở quân và hàng hóa eo hẹp, lực lượng tác chiến cũng giới hạn, như thế, đường dây tiếp tế cho các đảo sẽ rất dễ bị Trung Quốc cắt đứt, nhất là nếu có máy bay chiến đấu hoạt động từ các đảo Chữ Thập và Vành Khăn.
Ngoài ra hải quân Việt Nam cũng thiếu thiết bị để rà mìn và không có máy bay thám sát tầm xa. Đó cũng là những hệ thống vũ khí cần thiết để kiểm soát và giữ những tuyến đường đến các đảo.
Trong khi đó Việt Nam lại có ý muốn mua hỏa tiễn hành trình Klub bắn từ tàu ngầm lên đất liền. Hỏa tiễn Klub hoặc Kalibr là một gia đình hỏa tiễn siêu thanh với nhiều loại và thuộc vào những vũ khí tối tân nhất của Nga. Nhưng không rõ là Việt Nam theo đuổi chiến lược gì với những hỏa tiễn hành trình. Nếu các tàu ngầm Kilo hoặc các hộ tống hạm Gepard của Việt Nam có được loại hỏa tiễn đối hạm của gia đình Klub/ Kalibr, thay vì loại bắn mục tiêu trên bờ, thì khả năng đe dọa của các tàu chiến này đối với hải quân Trung Quốc sẽ tăng đáng kể. Và đó sẽ là một trang bị hợp lý hơn cho hải quân.
Việt Nam cũng muốn mua loại hỏa tiễn BrahMos của Ấn Độ và Nga cùng chế tạo. Loại hỏa tiễn siêu thanh này là vũ khí đối hạm lợi hại nhất hiện tại. Nhưng chúng hơi lớn để dùng trên các hộ tống hạm Gepard.
Và để bắn từ đất liền với hiệu quả thì Việt Nam lại thiếu phương tiện để phát hiện mục tiêu và điều khiển hỏa lực, thí dụ như máy bay thám sát.
Mua hay không mua?
Nói tóm tắt, trong tình thế bây giờ hải quân Việt Nam cần thêm gấp một số chiến hạm lớn cở hộ tống hạm hoặc khu trục hạm, phương tiện rà mìn, tàu quân vận, máy bay thám sát tầm xa và hỏa tiễn đối hạm siêu thanh để bắn từ tàu chiến và tàu ngầm.
Nhưng hiện tại không có dấu hiệu là chính phủ Việt Nam sẽ mua những thiết bị này.
Một yếu tố quan trọng cho việc bảo vệ chủ quyền trên biển cũng là lực lượng không quân. Việt Nam hiện nay có 107 chiếc chiến đấu cơ phản lực. Trong đó có 11 chiếc Su-27 và 35 chiếc Su-30 là những máy bay tân tiến. Số còn lại là chiến đấu cơ loại MiG-21 và Su-22 lỗi thời.
Hai con số thí dụ từ hai quốc gia khác cho thấy sự thiếu kém của không quân Việt Nam: Không quân Singapore hiện đang có 84 chiếc chiến đấu cơ tối tân (F-16 C/D và F-15 SG) để bảo vệ một lãnh thổ bằng 1/3 diện tích Sài Gòn, không quân Đài Loan có khoảng 400 chiến đấu cơ hiện đại (F-16 A/B, F-5 E, Mirage 2000) cho một lãnh thổ bằng 1/9 Việt Nam.
Cũng không được quên là chỉ trên đảo Hải Nam Trung Quốc có đóng khoảng 200 chiến đấu cơ.
Với lực lượng không quân như thế, Việt Nam khó có thể phản ứng mạnh mẻ như Nhật Bản năm 2014 trên Biển Hoa Đông trong trường hợp Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ, Air Defense Identification Zone) trên không phận Biển Đông.
Nói chung quân đội Việt Nam có một nhu cầu tân trang khổng lồ.
Ngay đến quân chủng bộ binh là lực lượng nòng cốt của Quân đội nhân dân cũng vẫn phải lệ thuộc vào những hệ thống vũ khí cũ mèm từ thập niên 60. Thí dụ điển hình là lực lượng thiết giáp: đại đa số xe tăng của Việt Nam là loại T-54/ T-55.
Loại chiến xa này đã xuất hiện từ cuộc chiến tranh Nam Bắc. Những xe tăng đó xem như vô dụng nếu phải đương đầu với những xe tăng hiện đại hơn của Trung Quốc.
Nhưng theo các ước lượng của giới nghiên cứu quân sự, Việt Nam chỉ dành một ngân sách tương đối nhỏ cho quốc phòng trung bình là khoảng 4 tỷ USD hàng năm trong những năm kể từ 2014, mặc dù đó đã gần gấp đôi ngân sách quốc phòng của những năm trước 2011.
Trong đó phần dành để đầu tư vào vũ khí mới có lẻ chỉ chiếm một phần nhỏ, ước đoán khoảng vài trăm triệu USD. Như thế quân đội chỉ có thể tân trang với những bước nhỏ, và đó sẽ là một quá trình lâu dài.
Có thể sẽ là quá dài và tai hại đối với những phát triển trên Biển Đông.
Vũ khí tối tân như máy bay hoặc tàu chiến là những hệ thống kỹ thuật phức tạp và cần phải có sự đào tạo và tập luyện lâu dài cho quân sĩ để sử dụng với kết quả tối đa trong trường hợp giao chiến.
Các quân đội Tây Phương thường lệ cần khoảng hai năm cho một hệ thống vũ khí mới như chiến hạm hoặt một kiểu máy bay chiến đấu mới để đạt được trạng thái sẵn sàng chiến đấu (operational readiness hay combat readiness).
Theo cách nhìn đó, trong số những hệ thống vũ khí tinh vi nhất của hải quân Việt Nam – sáu chiếc tàu ngầm và hai chiếc hộ tống hạm – có lẽ chỉ có một phần có thể được xem là ‘sẵn sàng chiến đấu’ vì thời gian huấn luyện chưa đủ.
Và e rằng hai chiếc chiến hạm thứ năm và thứ sáu của lớp Gepard Việt Nam định mua thêm sẽ đến trể nếu chúng được đóng với vận tốc hiện tại.
Vậy phải làm gì để tạo nên một khả năng ngăn cản đáng tin trong thời gian ngắn nhằm kềm chế những tham vọng của Trung Quốc?
Hiện đại hóa theo cách nào?
Việt Nam phải ưu tiên cho việc tân trang quân đội. Chi phí cho quốc phòng bắt buộc phải tăng thêm.
Tuy rằng từ 2015, theo thống kê của viện nghiên cứu hòa bình SIPRI, Việt Nam đã lên hạng tư trong khối ASEAN về ngân sách quốc phòng, nhưng thật ra chỉ hơn các quốc gia nghèo hơn như Philippines, Myanmar, Lào…
Chi phí của Việt Nam cho quốc phòng tính theo đầu người là khoảng 49 USD hàng năm, so với trung bình của ASEAN là 388 USD thì đây còn rất nhiều khả năng để tiến lên.
Gia tăng đầu tư cho quốc phòng – đó cũng là một sự đầu tư cho tương lai – là một việc. Việc khác là phải chi tiền như thế nào để mau chóng có được một số đáng kể của những hệ thống vũ khí tân tiến như đã nêu trên.
Túi tiền nhỏ, nhưng muốn mua đồ mới đắt thì cuối cùng sẽ không đủ đồ sài. Việt Nam phải từ bỏ sự e ngại đối với việc dùng vũ khí ‘second-hand’.
Những tàu chiến hoặc máy bay quân sự đã được các cường quốc Tây Phương, Nhật và thậm chí nước Nga sử dụng thường được bán lại với một giá thấp hơn giá mới rất nhiều.
Như thế có thể mua được một số đáng kể với một ngân sách khiêm nhường. Trong nhiều trường hợp, những hệ thống vũ khí này còn tốt và chỉ cần tu sửa ít để tiếp tục sử dụng thêm một thời gian lâu.
Nhiều quốc gia đã và đang trang bị cho quân đội với vũ khí sài rồi. Thí dụ như Brazil và Argentine đều có tàu chiến cũ của Anh Quốc và Hoa Kỳ hoặc máy bay chiến đấu của Pháp.
Chiếc hàng không mẫu hạm Viraat hải quân Ấn Độ dùng đến 2016 là chiếc Hermes xưa của hải quân Anh Quốc. Nhiều quốc gia Đông Âu như Ba Lan, Romania… đã mua chiến đấu cơ F-16 cũ của Hoa Kỳ.
Quân đội Ba Lan cũng thừa kế một số xe tăng Leopard của Đức. Hải quân Đại Hàn đã sử dụng chiến hạm cũ của Hoa Kỳ. Những khu trục hạm mạnh nhất của Đài Loan là tàu thuộc lớp Kidd của hải quân Mỹ…
Thị trường cho vũ khí ‘second-hand’ hiện tại cũng có nhiều thứ đáng chú ý cho Việt Nam. Thí dụ như những máy bay thám sát và săn tàu ngầm P-3 Orion Nhật Bản đang muốn cho về hưu.
Không quân Hoa Kỳ có một số lớn chiến đấu cơ F-16 sắp được thay thế bằng chiếc F-35.
Hải quân Úc đang chuẩn bị loại ba chiếc hộ tống hạm hạng Adelaide. Hải quân Hoàng Gia Anh cũng đang có ý định bán năm chiếc hộ tống hạm hạng Type 23.
Những tàu của Anh Quốc và Úc tuy cũ nhưng vẫn có khả năng tác chiến vượt hẳn hạng Gepard của Việt Nam. Từ khi Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, những thiết bị này đều là những thứ có thể nằm trong tầm tay của Việt Nam.
Mua vũ khí để tân trang quân đội trong tình huống lãnh thổ bị đe dọa không phải là một hành động hiếu chiến. Đằng khác một lập trường chính trị trung lập và hiếu hòa không đồng nghiã là không được có một lực lượng vũ trang mạnh. Những quốc gia với truyền thống trung lập bền vững nhất Âu Châu – Thụy Điển, Thụy Sĩ và Phần Lan – đều nuôi một quân đội nhỏ nhưng tinh nhuệ và trang bị tối tân.
Chính sách quốc phòng của các quốc gia này đều phản ảnh nhận xét của nhà chính trị Cicero thời đế quốc La Mã ‘Nếu muốn có hòa bình, phải chuẩn bị cho chiến tranh’ (si vis pacem para bellum).
Nếu quyết tâm bảo vệ quyền lợi quốc gia và lãnh thổ, giới lãnh đạo chính trị và quân sự tại Việt Nam phải nhanh chóng phát triển một chính sách quốc phòng thích nghi với những thử thách trên Biển Đông và theo đó gấp rút thực hiện những biện pháp nhằm tân trang cho quân đội.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của kỹ sư hàng không Nguyễn Xuân Vĩnh từFrankfurt, Đức.

Trung Quốc sẵn sàng cho đợt quyết đoán mới ở Biển Đông

Trung Quốc lẳng lặng tiến hành thêm hoạt động cải tạo và bồi lắp, mà chắc hẳn chẳng bao lâu nữa Bắc Kinh sẽ tái khẳng định chủ quyền tại khu vực Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn.
Giới chức ngoại giao và quân sự trong khu vực cho biết như vừa nêu và được hãng tin Reuters loan đi ngày 31 tháng 10. Theo đó thì hình ảnh vệ tinh gần đây đã cho thấy rõ hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong những tháng gần đây, thế giới tập trung vào vấn đề Bắc Hàn và Trung Quốc lo Đại hội Đảng lần thứ 19 khiến cho chủ đề Biển Đông không được truyền thông đưa mạnh. Tuy vậy, cho đến nay mọi tranh chấp vẫn nguyên vẹn. Hình ảnh vệ tinh gần đây chứng minh thực tế Trung Quốc tiếp tục phát triển cơ sở tại các đảo Bắc và đảo Cây thuộc nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa khiến giới chuyên gia cho rằng tuyến hàng hải Biển Đông vẫn là một điểm nóng toàn cầu.
Một số chuyên gia nói rõ trong những tháng tới, Trung Quốc sẽ bố trí chiến đấu cơ tại những bãi đá đã xây đường băng thuộc quần đảo Trường Sa. Trong khi đó những viên chức quân sự cho biết Trung Quốc đã sử dụng những cơ sở mới để gia tăng việc bố trí lực lượng tuần duyên và hải quân sâu hơn ở khu vực Đông Nam Á.
Theo chuyên gia về Trung Quốc, Bonnie Glaser, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược & Quốc Tế (CSIS) ở Washington DC, thì Bắc Kinh đã xây dựng những cơ sở chuyên biệt rồi. Cả những viên chức dân sự và quân sự Trung Quốc luôn nói rõ là khi thời điểm chiến lược chín muồi thì những cơ sở đó bắt đầu được sử dụng một cách đầy đủ.
Hoạt động cải tạo, bồi lắp lên những đảo nhân tạo tại Biển Đông của Trung Quốc tiêu biểu cho sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh tại Biển Đông dưới nhiệm kỳ đầu của chủ tịch Tập Cận Bình. Trong diễn văn phát biểu khai mạc Đại hội đảng 19, ông Tập nhấn mạnh lại công tác này là tiến triển vững chắc.
Vấn đề Trung Quốc cải tạo, bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông chắc hẳn sẽ được nêu ra trong chuyến thăm của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Châu Á, trong đó có Trung Quốc.
Một phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Michael Cavey, được Reuters dẫn lời cho biết Washington vẫn quan ngại về tình hình căng thẳng tại Biển Đông; đặc biệt căng thẳng do hoạt động cải tạo và quân sự hóa các điểm tranh chấp cũng như mong muốn dùng chiến thuật cưỡng bức để tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Khi được Reuters hỏi, thì phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, ông Nhiệm Quốc Cường , nói thẳng những đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền không tranh cãi của Trung Quốc.
Vào ngày 30 tháng 10, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, ông Thôi Thiên Khải, lên tiếng yêu cầu Washington không nên can thiệp vào nỗ lực khu vực nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông.
Trung Quốc gần đây tìm cách xoa dịu Philippines, một nước trong nhóm có tranh chấp lãnh hải với Bắc Kinh tại Biển Đông, cũng như tăng cường đối thoại thêm với các nước khác trong khối ASEAN.
Vào đầu tháng 10 vừa qua, đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, lên tiếng tại Singapore rằng trong khi Washington thúc giục Bắc Kinh giúp đỡ Hoa Kỳ trong vấn đề Bắc Hàn, Mỹ vẫn lên án Trung Quốc về những hành động vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế.
Đô đốc Harry Harris nói rõ là Washington muốn Bắc Kinh phải có thêm biện pháp nhằm ngăn chặn những hoạt động gây hấn tại Hoa Đông và Biển Đông. Đó là những nơi mà Trung Quốc đang xây dựng sức mạnh chiến đấu và những lợi thế địa lý nhằm cố xác lập chủ quyền trên thực địa đối với các thực thể trên biển đang tranh chấp.
Một nghiên cứu gần đây của Công ty RAND có liên hệ với chính phủ Hoa Kỳ nhằm đánh giá nguy cơ xảy ra xung đột giữa Bắc Kinh và Washington đã nâng mức căng thẳng tại Biển Đông trên bảng những điểm nóng tiềm năng: tức Biển Đông vượt lên trên Đài Loan và ở dưới Bán đảo Triều Tiên.
Nghiên cứu nêu rõ là tuyến hàng hải qua Biển Đông trở nên một điểm báo động không tiên đoán trước giữa hai đối thủ Hoa Kỳ- Trung Quốc.
Khi Ngũ Giác Đài cho tiến hành những chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, FONOPS, thường xuyên hơn nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc; một số nhà phân tích cho rằng Washington đang cố đối trọng lại sự thống trị mỗi lúc một tăng lên của Bắc Kinh trong khu vực này.
Chuyên gia về Biển Đông, Ian Storey, tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng FONOPS là chiến thuật chứ không phải chiến lược và những chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải như thế do Hoa Kỳ tiến hành không khiến cho Trung Quốc phải một chút gì nghĩ lại kế hoạch Biển Đông của họ.

Trung Quốc tiếp tục đắp đảo mới, xây cơ sở ở Hoàng Sa

Các hình ảnh vệ tinh mới đây cho thấy Trung Quốc lặng lẽ xây dựng và bồi đắp thêm đảo nhân tạo trên Biển Đông. Các giới chức quân sự và ngoại giao trong khu vực nói rằng Bắc Kinh dường như sắp khẳng định mạnh mẽ hơn chủ quyền đối với thủy lộ mang tính chiến lược này.
Bản tin của Reuters bình luận rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên hồi gần đây cùng với Ðại hội đảng hoành tráng ở Bắc Kinh đã thu hút hết sự chú ý của thế giới khiến cho vấn đề Biển Đông bị sao lãng trong mấy tháng qua.
Nhưng chưa một vấn đề tranh chấp căng thẳng thẳng nào trong khu vực được giải quyết và các hình ảnh vệ tinh mà Reuters xem được cho thấy Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở trên Đảo Bắc và Đảo Cây thuộc quần đảo Hòang Sa, mà các chuyên gia gọi là một thủy lộ thương mại trọng yếu vẫn đang là một điểm nóng tranh chấp trên trên thế giới.
Một số chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ đáp chiến đấu cơ xuống các đường băng được xây dựng trên quần đảo Hòang Sa trong đợt triển khai đầu tiên chỉ nội trong vài tháng tới, trong khi các giới chức quân sự trong khu vực nói rằng Bắc Kinh đã đang sử dụng các cơ sở mới này để mở rộng hoạt động của hải quân và tuần dương Trung Quốc sâu xuống Ðông Nam Á.
Ông Bonnie Glaser, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, nhận định: “Trong lúc Bắc Kinh xây dựng các cơ sở kiên cố này, cả các chuyên gia của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lẫn các chuyên gia dân sự luôn nói rõ rằng khi thời điểm chiến lược thích hợp đến, họ sẽ khai thác sử dụng hết chức năng các cơ sở đó.”
Ông Glaser nói với Reuters rằng theo ông thì câu hỏi đặt ra là “khi nào, chứ không phải liệu, Trung Quốc sẽ bắt đầu khẳng định các lợi ích của họ trên Biển Đông một cách mạnh mẽ hơn.”
Ành vệ tinh cho đấy đối thủ Việt Nam của Trung Quốc cũng đang hoàn thiện bồi đắp đảo và nối dài một đường băng ở căn cứ của họ trong quần đảo Trường Sa.
Khoảng lặng sau cơn bão
Việc xây dựng trên quần đảo Trường Sa thể hiện sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông trong nhiệm kỳ thứ nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình, và sự quả quyết đó được nêu bật trong phát biểu của ông tại Đại hội Ðảng Cộng sản Trung Quốc hồi trước đây trong trong tháng.
Chủ tịch Tập phát biểu: “Xây dựng trên các đảo và bãi cạn trên Biển Nam Trung Hoa tiến triển đều đặn.”
Ông Michael Cavey, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói: “Chúng tôi tiếp tục lo ngại về những căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là những mâu thuẫn do hoạt động bồi đắp đảo và quân sự hóa những địa điểm tranh chấp và hành động của một số nước sẵn sàng dùng sức mạnh cưỡng bức để khẳng định chủ quyền.”
“Chúng tôi luôn kêu gọi Trung Quốc cũng như các nước có tranh chấp chủ quyền biển đảo khác cố gắng kiềm chế và ngưng các hoạt động bồi đắp biển đảo, hay xây dựng thêm các cơ sở mới và quân sự hóa những địa điể m tranh chấp.”
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường mới đây tái khẳng định rằng các hải đảo đó là lãnh thổ không thể nào tranh cãi được của Trung Quốc, trong trả lời với các phóng viên báo chí.
Ông Nhậm nói: “Không ai có thể nói việc xây dựng trên các đảo và bãi cạn trên Biển Nam Trung Hoa và việc xây dựng cá cơ sở quốc phòng cần thiết là hoạt động mở rộng triển khai quân sự.”
“Chúng tôi tin rằng hiện trạng của Biển Nam Trung Hoa nhìn chung là tốt, và tất cả các bên liên quan phải tích cực làm việc với nhau để bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Nam Trung Hoa.”
Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải, hôm thứ Hai 30/10, nói rằng Hoa Kỳ chớ nên “can thiệp vào những nỗ lực trong khu vực nhằm giải quyết những tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa.”
Trong một phát biểu tại Singapore trước đây trong tháng này, giới chức quân sự cao cấp nhất của Mỹ trong khu vực nói rằng cho dù Washington kêu gọi Trung Quốc giúp trong vấn đề Bắc Hàn, Mỹ vẫn buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những hành động đi ngược với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói: “Chúng tôi cũng muốn Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt các hành động gây hấn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang phát triển sức mạnh tác chiến và lấn chiếm các vị trí trong nỗ lực khẳng định chủ quyền thực tế đối với các vùng lãnh hải đang trong vòng tranh chấp.”
Chiến thuật chứ không phải sách lược
Một nghiên cứu mới đây của tổ chức RAND Corp có liên hệ với chính phủ Mỹ cân nhắc rủi to của một cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đưa Biển Đông lên hàng đầu trong danh sách các điểm nóng tiềm năng.
Biển Đông được đẩy lên cao hơn cả Ðài Loan, nhưng thấp hơn Bán đảo Triều Tiên. Nghiên cứu ghi nhận rằng hải lộ này đã “trở thành một điểm chú ý ngoài dự đoán trong những mâu thuẫn Mỹ-Trung.”
Mặc dù Ngũ giác đài tiếp tục các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông thường xuyên, gọi tắt là FONOPS, để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, một số nhà phân tích tin rằng Mỹ đang chật vật đối phó với thế áp đảo đang mở rộng dần của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông ở Viện nghiên cứu Yosof Ishak của Singapore, nói: “Trung Quốc hình như đang theo đuổi chiến lược dài hạn và có suy tính kỹ lưỡng để giành quyền thống trị trên Biển Đông, trong khi Mỹ đáp lại bằng những cuộc tuần tra chiến thuật tức thời.”
“FONOS chỉ là hoạt động chiến thuật không phải là chiến lược, và các hoạt động đó không làm Trung Quốc mảy may xem xét lại kế hoạch của họ ở Biển Đông.”
Ông Ni Lexiong một chuyên gia về hải quân đang giảng dạy môn khoa học chính trị và luật tại Đại học Thượng Hải, nói rằng Trung Quốc hiện có rất ít nhu cầu phải tăng triển khai quân sự đáng kể, nhưng phần lớn tùy thuộc vào hành động của các nước khác.
Ông nói tiếp: “Miễn là các nước khác không cố tình có những hành động và khiêu khích, thì mọi sự đều ổn thỏa. Vấn đề là một số nước, như Mỹ lại đến đó khuấy động tình hình.”

Trung Quốc yêu cầu Mỹ

không can thiệp vào đàm phán Biển Đông

Hôm qua, 30/10/2017, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải ( Cui Tiankai ) đã lên tiếng yêu cầu Mỹ không can thiệp vào đàm phán giữa Trung Quốc với các nước láng giềng nhằm đạt đến một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nhà ngoại giao Trung Quốc đưa ra yêu cầu này vào lúc tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị cho chuyến công du châu Á sắp tới.
Tại một cuộc họp báo ở đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, ông Thôi Thiên Khải cho rằng Mỹ không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và nên để các nước trong khu vực tự giải quyết tranh chấp của họ « một cách hiệu quả và thân thiện ». Đại sứ Trung Quốc tuyên bố : « Tôi nghĩ chắc là sẽ tốt hơn nếu những quốc gia khác, kể cả Mỹ, đừng cố can thiệp vào tiến trình mang tính xây dựng này, đừng gây trở ngại cho việc sớm đạt thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử ( trên Biển Đông) ».
Vào tuần trước, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông ( COC ), một văn bản có tính chất ràng buộc pháp lý, có thể sẽ mất nhiều năm. Tuyên bố hôm qua của đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ hàm ý rằng sự can thiệp của Mỹ sẽ khiến cho tiến trình đàm phán thêm khó khăn.
Cuộc họp báo của ông Thôi Thiên Khải diễn ra vài ngày trước chuyến công du của tổng thống Donald Trump tới nhiều nước nước châu Á, trong đó có Việt Nam, từ ngày 03 đến 14/11.
Washington vẫn thường xuyên chỉ trích việc Bắc Kinh xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong tháng này đã tuyên bố rằng « những hành động gây hấn » của Trung Quốc ở Biển Đông là trái với luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?