Tin khắp nơi – 30/10/2017

Tin khắp nơi – 30/10/2017

Trump giận dữ về bà Clinton

và vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra một loạt tin đăng trên Twitter về ‘tội’ của bà Hillary Clinton và Đảng Dân chủ đối lập.
Cơn giận dữ của ông nổ ra vào sáng Chủ Nhật, giữa lúc có các tường thuật nói vụ bắt giữ đầu tiên của tiến trình điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ sẽ diễn ra vào tuần này, mà sớm nhất là có thể vào thứ Hai.
Ông Trump nói rằng các cáo buộc về việc có sự thông đồng giữa chiến dịch vận động tranh cử của ông với Nga là ‘giả mạo’ và là một cuộc ‘săn phù thủy’.
Ông nói các thành viên phe Cộng hòa cần thống nhất đứng sau ông, và thúc giục họ: “HÃY LÀM ĐIỀU GÌ ĐÓ”.
Các tường thuật trên truyền thông nói rằng những cáo buộc đầu tiên đã được đưa vào hồ sơ cuộc điều tra do cố vấn đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu, điều tra cáo buộc là Nga can thiệp vào kỳ bầu cử 2016 nhằm hỗ trợ ông Trump.
Hiện chưa rõ các cáo buộc có nội dung gì, và nhằm vào ai, CNN và Reuters tường thuật, dẫn các nguồn giấu tên.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận rằng chính phủ Nga tìm cách giúp ông Trump thắng cử.
Cuộc điều tra của ông Muller đang tìm hiểu về những mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump. Cả hai đều cùng bác bỏ việc có bất kỳ dính líu, liên quan gì.
Nhóm của ông Muller được nhiều người biết đến về việc đã có những cuộc phỏng vấn quy mô đối với một số quan chức hiện thời cũng như các cựu quan chức của Tòa Bạch ốc.
Ông Mueller, cựu giám đốc FBI, được Bộ Tư pháp bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt hồi tháng Năm, ngay sau khi ông Trump sa thải giám đốc FBI James Comey.
Ông Trump hôm thứ Sáu nói rằng nay ‘có sự đồng ý chung’ rằng không hề có sự thông đồng gì giữa ông và Nga, nhưng nói có những mối quan hệ giữa Moscow và bà Clinton.
Các nhà lập pháp thuộc phe Cộng hòa nói thỏa thuận uranium với một công ty của Nga hồi 2010, khi bà Clinton còn là Ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã được chốt lại nhằm đổi lấy những khoản tài trợ cho quỹ thiện nguyện của chồng bà.
Một cuộc điều tra của Quốc hội đã được mở đối với vụ việc. Các thành viên Dân chủ nói rằng đây là một nỗ lực nhằm chuyển hướng chú ý khỏi các mối quan hệ giữa Nga và ông Trump.

Ấn Độ và Nhật Bản tập trận chống chung chống tàu ngầm

Hải quân Ấn Độ và Nhật Bản hôm chủ nhật ngày 29/10 tổ chức một cuộc tập trận chung chống tàu ngầm ở biển Ả Rập thuộc Ấn Độ Dương.
Tham gia cuộc tập trận có một máy bay chống ngầm do thám tầm xa trên biển P-8 của Hải quân Ấn Độ  và hai máy bay chống ngàm P-3 Orion của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản.
An ninh biển và tự do hàng hải là những vấn đề chính được thảo luận trong các đối thoại song phương và đa phương gần đây của Ấn Độ.
Cả Ấn Đô và Nhật Bản đã cùng Mỹ tham gia cuộc tập trận chống ngầm chung trên biển có tên Malabar hồi tháng 7 năm nay. Trung Quốc vào lúc đó đã lên tiếng nói rằng nước này hy vọng cuộc tập trận không nhắm vào bất cứ nước nào.
Cả Ấn Độ và Nhật Bản đều gia tăng khả năng chiến tranh chống ngầm của mình trong những năm gần đây. Cả hai nước cũng đã nhiều lần lên tiếng khẳng định tầm quan trọng về tự do hàng hải hàng không trên biển, bao gồm cả khu vực biển Đông là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN trong đó có Việt Nam.
Hiện Nhật Bản cũng có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc ở biển Hoa Đông.

Đài Loan sẽ tăng chi phí quốc phòng

Đảo quốc Đài Loan sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 2% mỗi năm trong thời gian tới. Đó là lời phát biểu của Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan tại Hawaii vào ngày 30 tháng 10. Tuy nhiên bà Thái không nói rõ là lúc nào thì việc tăng ngân sách quốc phòng sẽ bắt đầu.
Bà Thái Anh Văn đưa ra lời phát biểu như vậy để đáp lại những quan ngại của Trưởng phái bộ Mỹ tại Đài Loan, Đại sứ James Moriaty, rằng hiện nay có sự mất cân bằng quá lớn về quân sự hai bên eo biển Đài Loan. Ý ông muốn nói rằng Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự của mình, và việc này đe dọa đến Đài Loan.
Bà Thái Anh Văn nói với ông Moriaty rằng Đài Loan có tất cả các kế hoạch toàn diện có thể đáp ứng những nhu cầu quốc phòng ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn.
Đài Loan và Trung Quốc lục địa thực sự được cai trị bởi hai chế độ khác nhau kể từ năm 1949 khi ông Mao Trạch Đông chiến thắng ở Hoa Lục. Bắc Kinh luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và có thể dùng vũ lực để thu hồi khi cần thiết.
Mỹ hiện không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, vì Washington công nhận chỉ một chính phủ Trung Quốc của Bắc Kinh, tuy vậy Mỹ vẫn là một đồng minh cung cấp vũ khí quan trọng nhất cho Đài Loan.

Ông Paul Manafort bị truy tố 12 tội danh

Ông Paul Manafort, một cựu quản lý của chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump, và một đối tác làm ăn của ông bị một bồi thẩm đoàn liên bang truy tố 12 tội danh, trong đó có tội âm mưu chống lại Hoa Kỳ và rửa tiền, theo phòng công tố đặc biệt của liên bang hôm thứ Hai 30/10.
Đây là những cáo trạng đầu tiên trong cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller của Bộ Tư pháp được chỉ định thực hiện để xem Nga có phá hoại cuộc bầu cử giúp ông Trump thắng cử hay không.
Ông Manafort và ông Rick Gates, một đối tác làm ăn và là người phó của ông trong ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump, bị truy tố hôm thứ Sáu tại Quận Columbia trong một cáo trạng được mở niêm phong hôm thứ Hai 30/10 sau khi hai bị báo ra trình diện FBI, theo thông báo của phòng công tố đặc biệt.
Thông báo nói: “Cáo trạng gồm 12 tội danh gồm âm mưu chống lại Hoa Kỳ, âm mưu rửa tiền, làm đại diện không đăng ký cho một tổ chức nước ngoài, các khai báo FARA sai sự thật và gây hiểu lầm, khai man, và 7 tội danh khác liên quan đến việc không khai báo về các tài khoản ngân hàng và tài chánh ở nước ngoài.”
FARA là viết tắt của Luật đăng ký đại diện cho tổ chức nước ngoài.
Cáo trạng nói ông Manafort và ông Gates được trả nhiều triệu đôla từ công việc làm cho các chính đảng và các thủ lãnh chính trị ở Ukraine và hoạt động rửa tiền thông qua các pháp nhân Mỹ và nước ngoài để giấu các khoản chi trả trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến ít nhất là năm 2016.
Theo Reuters, một người phát ngôn của FBI cho biết hai ông Manafort và Gates sẽ được đưa đến tòa án liên bang.
Luật sư của hai bị cáo chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Không lâu trước đó, tin nói ông George Papadopolous, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, nhận tội khai man với FBI, theo thông báo từ văn phòng công tố đặc biệt liên bang hôm thứ Hai 30/10. Ông Papadopolous là quan chức thứ ba trong chiến dịch tranh cử của ông Trump bị truy tố trong cuộc điều tra về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 giúp ông Trump đắc cử.
Ông Papadopolous, người Chicago, là một luật sư quốc tế ngành năng lượng. Ông là một thành viên trong nhóm cố vấn cho ông Trump trong thời gian tranh cử tổng thống năm 2016. Ông đã nhận tội hôm 5/10 trong cáo trạng được mở niêm phong hôm thứ Hai 30/10, theo thông báo của văn phòng công tố đặc biệt liên bang.

Ông Paul Manafort là ai?

Ông Paul Manafort, người từng quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã “nộp mình” cho chính quyền liên bang hôm 30/10, Đài CNN và The New York Times cho biết.
Hầu hết các cáo buộc nêu trong bản cáo trạng với 12 tội danh đều liên quan đến hoạt động trước khi ông Manafort gia nhập chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Ông Manafort là người quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump từ tháng 3 đến tháng 8/2016.
Ông Paul Manafort, 68 tuổi, là một nhà vận động hành lang và nhà hoạt động chính trị lâu năm, từng là cố vấn cho các chiến dịch của đảng Cộng hòa kể từ tổng thống Gerald Ford, Ronald Reagan và George H. W. Bush, theo đài truyền hình CNBC.
Ông Manafort là cư dân của thành phố Alexandria, bang Virginia. Năm 1980 ông thành lập công ty tư vấn Black, Manafort, Stone & Kelly.
Năm 1985, ông bắt đầu làm việc với nhà độc tài Philipines Ferdinand Marcos, người đã đắc cử vào năm 1986 giữa lúc ông Marcos bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và gian lận phiếu bầu. Ông Marcos đã chạy trốn khỏi đất nước vài tuần sau đó.
Khoảng thời gian đó, ông Manafort cũng làm công tác quan hệ công chúng cho lãnh đạo phiến quân Angola Joseph Savimbi, người sau đó đã bị lực lượng chính phủ Angola giết chết vào năm 2002.
Năm 1988, ông Manafort làm việc với ứng cử viên tổng thống George H.W. Bush.
Trong những năm 1990, ông Manafort thành lập một công ty mới với các đối tác Rick Davis và Matthew Freedman.
Năm 1996, ông Manafort quản lý chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa Robert Dole nhưng thất bại.
Năm 2004, ông Manafort đã bắt đầu những gì nhiều mà truyền thông loan tin là một mối quan hệ lâu dài về tài chánh với ông Oleg Deripaska, nhà tỷ phú có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Manafort là một nhân tố chủ chốt trong giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump. Khi người quản lý chiến dịch Corey Lewandowski bị sa thải vào tháng 6, ông Manafort đã đảm nhiệm vai trò này. Nhưng ông Manafort đã bị ông Trump sa thải vào tháng 8 khi vấp phải những nghi vấn về chiến dịch tranh cử và mối quan hệ với Nga.
Một nguồn tin nói với The New York Times rằng ngoài ông Manafort, cựu cố vấn của Tổng thống Donald Trump, ông Rick Gates, cũng ra đầu thú trước chính quyền.
Ông Richard W. Gates III, 45 tuổi, đến từ thành phố Richmond, bang Virginia.
Ông Manafort được nhìn thấy rời khỏi nhà vào sáng 30/10 (giờ địa phương), theo một nhân chứng của Reuters, nhưng chưa rõ người này đi đâu. Đài CNN cho biết ông Manafort sẽ “nộp mình” cho công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp Mỹ Robert Mueller.
Sau đó, ông Mueller đã đến văn phòng của Cục Điều tra Liên bang (FBI) tại Washington.
Ông Manafort và ông Rick Gates, một đối tác làm ăn và là người phó của ông trong ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump, bị truy tố hôm 27/10 tại Quận Columbia trong một cáo trạng được mở niêm phong hôm thứ Hai 30/10 sau khi hai bị báo ra trình diện FBI, theo thông báo của phòng công tố đặc biệt.
Theo CNN, ông Gates là cộng sự lâu năm của ông Manafort. Hai người làm việc cùng nhau từ giữa những năm 2000.
Âm mưu chống lại Hoa Kỳ, rửa tiền
Thông báo của phòng công tố đặc biệt nói: “Cáo trạng gồm 12 tội danh gồm âm mưu chống lại Hoa Kỳ, âm mưu rửa tiền, làm đại diện không đăng ký cho một tổ chức nước ngoài, các khai báo FARA (Luật đăng ký đại diện cho tổ chức nước ngoài) sai sự thật và gây hiểu lầm, khai man, và 7 tội danh khác liên quan đến việc không khai báo về các tài khoản ngân hàng và tài chánh ở nước ngoài.”
Cả Manafort và Gates đều bị truy tố với tội danh âm mưu chống nước Mỹ, không đăng ký khi hoạt động như điệp viên cho nước ngoài vừa rửa tiền hàng triệu USD.
Cáo trạng nói ông Manafort và ông Gates được trả nhiều triệu đôla từ công việc làm cho các chính đảng và các thủ lãnh chính trị ở Ukraine và hoạt động rửa tiền thông qua các pháp nhân Mỹ và nước ngoài để giấu các khoản chi trả trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến ít nhất là năm 2016.
Trước đó, ông Manafort từng bị điều tra do vi phạm luật thuế liên bang, rửa tiền và cáo buộc thiếu trung thực về hành vi vận động hành lang ở nước ngoài.
Những cáo buộc này không liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 hoặc nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử này.

Trung Quốc phản đối Mỹ trước khi ông Trump tới thăm

Phán quyết sơ bộ hôm 27/10 là một thắng lợi cho các nhà sản xuất nhôm Hoa Kỳ, trong đó các đương đơn lập hồ sơ khiếu nại với Bộ Thương mại, tố cáo rằng các nhà sản xuất Trung Quốc bán phá giá nhôm lá vào Hoa Kỳ với giá thấp hơn giá trị thị trường, theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.
Hoa Kỳ đã áp dụng một mức thuế nhập khẩu cao vào thời điểm nhạy cảm khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chuẩn bị tới thăm Trung Quốc trong chuyến công du châu Á vào tháng tới.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, năm 2016, Hoa Kỳ nhập nhôm lá từ Trung Quốc trị giá 389 triệu đôla. Bộ này cho biết vào ngày 23/2/2018 sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng đối với mức thuế suất nhập khẩu.
Theo Daily Mail, Trung Quốc nói rằng họ “không hài lòng” với quyết định áp đặt thuế chống phá giá từ 97% đến 162% đối với nhôm lá Trung Quốc, và hối thúc Washington phải sửa “phương pháp sai lầm” này.
Theo ông Wang Hejun, một viên chức của Bộ Thương mại Trung Quốc, tuyên bố vào cuối ngày 28/10 rằng Hoa Kỳ vẫn đang sử dụng phương pháp “phân biệt đối xử” để áp đặt mức thuế suất cao đối với hàng hóa Trung Quốc.
Hoa Kỳ không chỉ phương hại đến lợi ích của các công ty Trung Quốc, mà còn làm tổn hại đến thẩm quyền của các quy tắc thương mại đa phương, ông Wang nói.
Ông Wang nói thêm rằng Trung Quốc sẽ có những biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các công ty Trung Quốc: “Chúng tôi thúc giục Hoa Kỳ thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ quốc tế và thực hiện hành động đúng đắn để sửa các phương pháp sai lầm của mình.”
Bắc Kinh phàn nàn rằng Hoa Kỳ hiện nay đang sử dụng một điều khoản đã hết hạn khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, mà theo đó các thành viên WTO khác sử dụng mức giá của một nước thứ ba để đánh giá liệu hàng Trung Quốc có bán phá giá hay không.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, thuế suất đối với mặt hàng nhôm được dựa trên căn cứ sử dụng phương pháp chuẩn để xác định thuế chống bán phá giá đối với các nền kinh tế phi thị trường.
Từ trước đến nay Washington xác định rằng các biện pháp này là cần thiết vì Trung Quốc không đáp ứng được sự vận hành của một nền kinh tế thị trường, vì chính phủ Trung Quốc có kiểm soát về các quyết định giá cả và sản lượng của các doanh nghiệp và các yếu tố khác, như mức độ chuyển đổi tiền tệ.
Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đặt việc thực thi luật thương mại là ưu tiên hàng đầu.
Kề từ ngày ông Trump nhậm chức tổng thồng 20/1 đến ngày 25/10, Bộ Thương mại cho biết đã khởi xướng 77 vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp – tăng 61% số vụ so với năm trước.

Ông Duterte sẽ ‘chân thành’ tiếp đón ông Trump

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 29/10 nói rằng ông sẽ làm việc với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump “một cách chân thành nhất” khi họ gặp nhau vào tháng tới để thảo luận về vấn đề an ninh khu vực và cuộc chiến chống ma túy của Manila, theo Reuters.
Ông Trump sẽ tới Châu Á từ ngày 3/11 đến ngày 14/ 11 trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Tổng thống Hoa Kỳ sẽ tới Manila vào cuối chuyến công du đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam để tham dự hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Trump sẽ gặp ông Duterte nhưng sẽ bỏ qua một cuộc họp lớn hơn ở Manila với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand.
“Đó là vấn đề khủng bố, hợp tác giữa hai nước và cuộc chiến chống ma túy. Tôi hy vọng sẽ làm việc với ông ấy xung quanh các chủ đề này”, Reuters dẫn lời ông Duterte tại một cuộc họp báo trước khi đi Nhật để gặp Thủ tướng Shinzo Abe.
Tổng thống Philippines nói thêm: “Tôi sẽ làm việc với Tổng thống Trump một cách chân thành nhất, chào đón ông ấy như một nhà lãnh đạo quan trọng. Tôi cũng sẽ lắng nghe ông ấy và những điều ông ấy nói”.
Ông Duterte nổi tiếng với việc thường xuyên đưa ra những phát ngôn thô tục nhắm vào Hoa Kỳ. Ông lăng mạ Washington đã đối xử với Philippines “như một con chó”, bất chấp mối quan hệ gần gũi lâu năm giữa hai nước.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh một năm trước, lãnh đạo Philippines còn tuyên bố “ly khai” khỏi Hoa Kỳ và bắt tay với Trung Quốc khi hai bên đồng ý giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán.
Ông Duterte từng rất tức giận với các thành viên trong nội các của cựu Tổng thống Barack Obama khi họ bày tỏ quan ngại về các vụ giết người không qua xét xử trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
Tuy nhiên, ông Trump, trong một cuộc điện đàm với ông Duterte hồi tháng 5, đã ca ngợi nhà lãnh đạo Philippines vì đã làm được “một việc không thể tin được trong việc chống ma túy”, bất chấp các nhóm nhân quyền lên án chiến dịch chống ma túy của ông Duterte đã khiến cho hàng ngàn người bị giết.
Tuần trước, Đại sứ Hoa Kỳ tại Manila, ông Sung Kim, nói với các nhà báo nước ngoài rằng nhân quyền, pháp quyền và quyền được xét xử theo pháp luật là “những chủ đề quan trọng” mà hai lãnh đạo có thể sẽ thảo luận trong các cuộc đàm phán song phương sắp tới.

Đài Loan phản đối

Campuchia trục xuất nghi phạm sang Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Đài Loan mới lên tiếng cáo buộc chính quyền Phnom Penh đưa nghi phạm các nghi phạm Đài Loan sang Trung Quốc vì tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc” và chịu áp lực của Bắc Kinh, theo tờ Taipei Times.
Chính phủ Đài Loan hôm 28/10 đã phản đối Bắc Kinh gây áp lực lên Phnom Penh, đòi trục xuất các nghi phạm gian lận viễn thông Đài Loan sang Trung Quốc, nói rằng hành vi như vậy bất lợi cho mối quan hệ ngang qua eo biển và việc hợp tác chống tội phạm giữa hai bên.
Từ ngày 17/10 – 21/10, Cục Di trú Campuchia đã bắt giữ 110 nghi phạm gian lận viễn thông, trong đó có 19 người Đài Loan, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết.
Sau khi biết được vụ bắt giữ, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã yêu cầu nhà chức trách Campuchia cho phép họ cùng chống tội phạm xuyên quốc gia và gửi các nghi phạm Đài Loan về hòn đảo này, dựa trên nguyên tắc về quốc tịch.
“Tuy nhiên, vì tuân thủ nguyên tắc ‘một Trung Quốc’ và áp lực từ Bắc Kinh, Phnom Penh không chỉ từ chối cho chúng tôi thăm các nghi phạm mà còn tuân theo yêu cầu của Trung Quốc trục xuất các nghi phạm về đó”, Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ sự bất mãn.
Bộ này cho biết họ đã chỉ đạo Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại thành phố Hồ Chí Minh để nói chuyện với nhà chức trách Campuchia và chuyển lời tới Phnom Penh rằng chính phủ Đài Loan lấy làm tiếc về việc này.
Đài Loan cũng kêu gọi công dân hãy kiềm chế, tránh hành vi trái phép ở nước ngoài và làm hỏng hình ảnh quốc tế của quốc gia.
Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan cũng lên án việc trục xuất, nói rằng điều này không có lợi cho việc hợp tác song phương chống gian lận viễn thông qua eo biển Đài Loan, cũng như sự phát triển tích cực của mối quan hệ giữa hai bên eo biển.
Hội đồng kêu gọi Bắc Kinh bảo vệ quyền tư pháp của các nghi phạm và đảm bảo tuân thủ đúng thủ tục pháp lý.
Vụ trục xuất này là vụ mới nhất trong một loạt các vụ việc tương tự bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái, khi có nhiều nghi phạm gian lận người Đài Loan bị buộc phải trục xuất từ Kenya sang Trung Quốc.

Irak : Massoud Barzani từ bỏ vị trí lãnh đạo vùng Kurdistan

Tối 29/10/2017, trên truyền hình, ông Massoud Barzani đã thông báo tin sẽ không tiếp tục lãnh đạo vùng tự trị Kurdistan thuộc Irak. Trong khi đó, những vụ đụng độ đã nổ ra trước tòa nhà Quốc Hội, nơi mà những giải pháp phân chia quyền lãnh đạo giữa chính phủ, nghị viện và tòa án tối cao đã được thảo luận suốt cả ngày. Vùng Kurdistan thuộc Irak hiện giờ rơi vào hỗn loạn.
Thông tín viên Oriane Verdier tường trình từ Erbil :
“Trước các phóng viên, lãnh đạo khối nghị sĩ thuộc đảng PDK, đảng của chủ tịch Massoud Barzani, ông Omed Khoshnaw cố gắng trấn an người Kurdistan : « Ông Massoud Barzani dù thế nào vẫn là lãnh đạo đầy uy tín của vùng Kurdistan. Ông ấy sẽ tiếp tục cống hiến với tư cách của một chiến binh Peshmerga. Các bạn hãy yên tâm, ông ấy sẽ còn tiếp tục cho tới khi người Kurdistan giành được chiến thắng hoàn toàn ».
Tuy nhiên, chiến thắng có vẻ như vẫn rất xa vời, mặc dù cách đây một tháng, ông Massoud Barzani đã cầm đầu phong trào đòi độc lập, nhưng sau 14 năm làm ông chủ tịch vùng Kurdistan thuộc Irak, tình hình đã trở nên khó khăn, theo nghị sĩ đối lập Rabun Maruf. Ông nói :
« Ông Massoud Barzani từng khẳng định muốn thống nhất các lực lượng chiến binh Peshmerga, nhưng hiện tại, chúng tôi vẫn có tới hai lực lượng cát cứ. Ông ấy từng khẳng định muốn thống nhất chính phủ vùng Kurdistan, và cũng chính ông ấy đã phải thú nhận là ông ta không thể làm được điều này.Ông ấy muốn làm cho kinh tế vùng Kurdistan được độc lập. Nhưng món quà từ sự độc lập kinh tế này đã làm giảm 60% lương công chức. Hiện giờ, sau thảm họa vùng Kirkouk, chính phủ, chính sách của ông Barzani và lãnh đạo của hai đảng chủ chốt UPK và PDK phải chịu trách nhiệm cho tình trạng mà người Kurdistan hiện đang lâm vào ».
Nghị sĩ này không thể tiếp tục phát biểu của mình. Khoảng 20 phóng viên và lực lượng an ninh đã lao đến và đánh ông ấy trước sự thụ động của những lính gác. Đó là cái giá phải trả cho việc dám chỉ trích người cha của dân tộc Kurdistan, Massoud Barzani.”

Bắc Triều Tiên : “Chuyên gia bắt cóc người”

Nhật báo kinh tế Les Echos (30/10/2017) có bài phóng sự điều tra dài liên quan đến những cáo buộc chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc công dân nhiều nước để đào tạo gián điệp. Bài viết đề tựa : « Khi Bắc Triều Tiên sưu tầm con người ».
Mọi nghi ngờ từ những năm 1970 đã được sáng tỏ vào tháng 11/1987. Nữ gián điệp Bắc Triều Tiên, Kim Hyun-Hee, đã bị bắt dưới quốc tịch Nhật Bản sau khi đã thực hiện thành công vụ đánh bom trên không máy bay của hãng hàng không Korean Air trên vùng biển Andaman. Người này thú nhận đã được những người Nhật bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc đào tạo.
Trong vòng gần hai thập niên, Bình Nhưỡng đã sưu tập nhân lực. Ban đầu là những ngư dân Hàn Quốc, sau đó là đàn ông và phụ nữ mang nhiều quốc tịch khác nhau (Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Libanon, Thái Lan và thậm chí có cả Pháp).
Ngoài việc đào tạo cho các gián điệp Bắc Triều Tiên về ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, Bình Nhưỡng cho bắt cóc các công dân nước khác còn để đánh cắp giấy tờ tùy thân nhằm cài đặt các gián điệp ngầm tại các nước lân cận.
Trước các lệnh trừng phạt của quốc tế về chương trình hạt nhân, Bắc Triều Tiên đã tìm cách xích lại gần Nhật Bản và đã thừa nhận vụ việc vào tháng 9/2002. Trong số 17 trường hợp bị mất tích, Bình Nhưỡng chỉ thừa nhận có 13, và chấp nhận trao trả lại 5 người, 8 người còn lại được báo là đã qua đời.
Ngày nay nhiều gia đình Nhật Bản vẫn tin rằng chế độ Bình Nhưỡng còn đang giấu giếm sự thật và tìm mọi cách kể cả đánh động quốc tế hòng tìm kiếm người thân của mình.

Gian lận nghiên cứu : Nạn nhân lớn là các hãng dược

Vấn nạn gian lận nghiên cứu khoa học đang gây đau đầu cho các hãng dược lớn. Bởi vì, mỗi một phân tử được phát minh, chế biến trị giá hàng tỷ đô la đối với các hãng dược này. Phụ san kinh tế Le Monde (30/10/2017) đề tít lớn : « Các hãng bào chế dược phẩm đối mặt với những sai lệch của các nhà nghiên cứu ».
Gian lận các thí nghiệm, đánh tráo dữ liệu, chỉnh sửa hình ảnh… là những gì các hãng dược lớn đang phải đối mặt. Gian lận không chỉ đến từ những nghiên cứu của các nhà khoa học bên ngoài mà còn đến từ chính trong lòng các phòng nghiên cứu của chính hãng.
Theo một nghiên cứu do hãng dược Bayer công bố, hơn 2/3 các thí nghiệm đã được công bố không thể tái thực hiện. Kết quả thu được không giống như những gì đã được công bố. Nhiều nhà khoa học bắt đầu lên tiếng cho rằng các dữ liệu, các quy trình thí nghiệm được đăng bài cần phải được minh bạch hơn, mô tả đầy đủ hơn.
Theo Le Monde, chính áp lực cạnh tranh đã dẫn đến việc các nhà khoa học, cho dù có trung thực đến mấy, cũng không ngần ngại « đi tắt », đốt cháy giai đoạn thẩm định quan trọng, hay « đánh bóng » kết quả nghiên cứu bằng cách chỉnh sửa số liệu thống kê để được đăng bài trên các tạp chí khoa học lớn có uy tín, hoặc để đi trước các đối thủ.
Ông Glen Begley, giám đốc bộ phận Nghiên Cứu và Phát Triển của hãng Amgen giải thích rằng « Đó chính là chiếc chìa khóa để có được một vị trí quan trọng hay một nguồn tài chính. Bởi vì, tạo được tiếng tăm về những công trình nghiên cứu có chất lượng, có thể tái thực hiện được, đòi hỏi rất nhiều thời gian ». Đối với các viện nghiên cứu, việc được lên trang nhất các tờ báo, hay được kể tên trên truyền hình còn là một niềm vinh dự.
Báo Le Monde cho rằng hành động trượt đà này khiến mọi người phải trả giá đắt. Theo một nghiên cứu được công bố năm 2015 do hai nhà khoa học thuộc trường Đại học Boston, Hoa Kỳ có lẽ đã tài trợ mỗi năm khoảng 28 tỷ đô la cho thử nghiệm tiền lâm sàng (được thực hiện trên động vật), những thí nghiệm không bao giờ tái thực hiện được.
Trước vấn nạn trên, nhật báo cho hay chính quyền Mỹ và Pháp đã đề ra nhiều biện pháp giám sát chặt chẽ hòng ngăn chặn sự lãng phí tài chính có quy mô lớn này.

Nga – Ả Rập Xê Út xích lại gần nhau, Hoa Kỳ khó chịu?

Quốc vương Salman của Ả Rập Xê Út được tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón trọng thể tại điện Kremlin. Chuyến đi kéo dài ba ngày từ 04-06/10/2017 được cả hai bên đánh giá là “chuyến công du lịch sử”, một sự kiện “mang tính biểu tượng”. Đây là chuyến thăm đầu tiên có quy mô như vậy tại Nga vì liên bang Nga và vương quốc Ả Rập Xê Út là hai phe đối lập trên chiến trường Syria từ vài năm nay. Nhưng điều đặc biệt hơn cả, Riyad là đồng minh cốt lõi của Washington ở trong vùng.
Hai nhà nghiên cứu Pháp Cyrille Bret và Florent Parmentier, giảng viên trường Khoa Học Chính Trị (Sciences Po), trên trang The Conversation (12/10/2017), đặt câu hỏi : Chuyến công du vừa qua có ảnh hưởng đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út hay không?
Ả Rập Xê Út : Giữa liên minh với Mỹ và xích lại gần Nga?
Với Hiệp ước Quincy, ký ngày 14/02/1945, thắt chặt quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và vương quốc dầu lửa non trẻ, Ả Rập Xê Út đứng vào hàng ngũ đối lập với Liên Xô. Trên thực tế, ngay trước khi xảy ra Chiến tranh lạnh, Ả Rập Xê Út đã trở thành một trong những trụ cột trong chính sách Trung Đông của Mỹ.
Do đó, cuộc đối đầu khá gay go ở miền Nam Yemen, được Liên Xô hậu thuẫn, và tại Afghanistan nơi chiến binh thánh chiến được hoàng gia Saoud tài trợ. Một chút cải thiện thoảng qua khi hai miền Yemen thống nhất năm 1990 và khi Liên Bang Xô Viết tan rã vào năm 1991. Nhưng, ngay từ năm 1994, Nga nghi ngờ vương quốc Hồi Giáo ủng hộ phong trào ly khai Chechnya ngay trong lòng nước này.
Sau khi cuộc chiến Chechnya lần thứ hai chấm dứt vào năm 2000, Nga và Ả Rập Xê Út lại xích lại gần nhau vì vấn đề xuất khẩu dầu lửa. Đỉnh cao của thời kỳ lặng gió mới này được đánh dấu với chuyến công du Ả Rập Xê Út của tổng thống Putin vào tháng 02/2007. Tuy nhiên, lại một lần nữa, quá trình nối lại quan hệ thân thiện giữa hai nước bị gián đoạn vào đầu thập niên 2010 vì làn sóng Mùa Xuân Ả Rập.
Trong khi Matxcơva cho rằng các cuộc nổi dậy trên là yếu tố gây bất ổn cho các đồng minh truyền thống tại Syria và Libya, thì Riyad lại tài trợ cho một số phong trào đối lập với chính quyền Al Hassad và Kadhafi, như Lực lượng Quân đội Syria Tự do do tướng Abdul Jabbar Al Oqaidi chỉ huy.
Chuyến công du Matxcơva vào tháng 10/2017 của quốc vương Salman khẳng định, thêm một lần nữa, quan hệ ngoại giao song phương đi vào thời kỳ giảm căng thẳng.
Hướng tới giải pháp thoát khỏi khủng hoảng tại Yemen và Syria?
Tuy nhiên, không gì có thể chia rẽ thêm được lập trường của Nga và Ả Rập Xê Út như các cuộc xung đột tại Syria và Yemen.
Tổng thống Putin đã cố gắng để công luận quốc tế quên cuộc xung đột Ukraina bằng cách điều quân sang chiến đấu tại Syria. Ông cũng đạt được mục đích trở thành người nắm bắt thời cuộc. Sự can thiệp của Nga vừa mang ý nghĩa nội bộ, như liên quan đến cuộc chiến chống tư tưởng thánh chiến du nhập vào Nga, vừa mang ý nghĩa đối ngoại khi hỗ trợ một nước được coi là đồng minh. Ở phe bên kia là Ả Rập Xê Út, ủng hộ các nhóm nổi dậy theo hệ phái Suni.
Tại Yemen, Ả Rập Xê Út can thiệp vào cuộc nội chiến, sát cánh cùng lực lượng theo hệ phái Suni trung thành với cựu tổng thống Ali Abdallah Saleh để chống lại người Houthi theo hệ phái Shia (được Iran hậu thuẫn) để buộc phe này phải từ bỏ quyền lực. Trong cuộc chiến này, Nga đã kiềm chế để không đưa ra lập trường rõ rệt nhằm giữ vị trí trọng tài với mong muốn sau này có thể lập một căn cứ hải quân tại Yemen.
Tuy nhiên, chuyến công du của vua Salman không phải là sự ủng hộ quan điểm của Nga, thậm chí cũng không phải là đảo ngược liên minh, dù còn nhiều bất đồng về hai cuộc xung đột trên. Khi đón tiếp vua Salman, tổng thống Putin muốn chứng tỏ rằng Nga có thể hợp tác với mọi nước ở Trung Đông, trong khi Ả Rập Xê Út dường như xác nhận liên minh Mỹ không còn là sự đảm bảo tối cao cho lợi ích của Riyad nữa, và điều này đã xảy ra từ thời Obama.
Chuyến công du trên cũng thể hiện ý định kìm hãm sự đột phá của Iran trong khu vực, cũng như trên quy mô quốc tế. Thực vậy, Teheran trông cậy vào điện Kremlin để đối phó với thái độ chống đối rõ ràng của chính quyền Trump. Cho nên, Ả Rập Xê Út hy vọng Nga sẽ hạn chế ủng hộ Iran. Chính quyền Riyad tìm cách để quân nhân Iran rút hết khỏi Syria, ngăn chặn lâu dài sự hỗ trợ của lực lượng này đối với người Houthi và đảm bảo rằng nước Cộng Hoà Hồi Giáo sẽ không hùng mạnh thêm sau cuộc xung đột Syria.
Hướng đến tăng cường quan hệ kinh tế?
Trong lĩnh vực khai thác hydrocarbon, Nga và Ả Rập Xê Út hiện là đồng minh sau khi từng là đối thủ của Trung Quốc. Đây không phải là điều thường xảy ra.
Vào cuối thập niên 2000, cả hai nước đều có những chiến lược đối lập. Một bên là Nga, không phải là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC), đẩy mạnh khối lượng dầu xuất khẩu và chiếm thị phần thế giới để khôi phục nguồn dự trữ tài chính sau cuộc khủng hoảng năm 2008, bất chấp việc xuất khẩu nhiều khiến giá dầu sụt giảm. Bên kia là Ả Rập Xê Út, thuộc khối OPEC, cố khắc phục tình trạng xuống giá này. Vì vậy, hai nước sản xuất và xuất khẩu dầu hoả lớn nhất thế giới đã triển khai những chiến lược trái ngược nhau.
Mọi việc thay đổi vào năm 2014 với sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimée, cuộc chiến tại vùng Donbass, giá dầu thế giới sụt giảm và phương Tây trừng phạt kinh tế Nga. Rơi vào trình trạng suy thoái, phải đối đầu với cuộc khủng hoảng tỉ giá hối đoái, nền kinh tế Nga cần ngoại hối và vốn để bù những lỗ hổng đầu tư. Kết quả là, trong khuôn khổ OPEC+ (OPEC và Nga), cả hai nước thống nhất về việc giảm khối lượng sản xuất trên quy mô thế giới xuống còn 1,8 triệu thùng dầu mỗi ngày kể từ ngày 01/01/2017.
Trong lĩnh vực năng lượng, chuyến công du của quốc vương Salman còn nhằm mục đích chuẩn bị cho cuộc họp OPEC+, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2017 tại Vienna (Áo), để triển hạn thỏa thuận giảm sản lượng dầu lửa sau khi thỏa thuận hiện hành hết hạn vào tháng 03/2018.
Một số kết quả khác về kinh tế trong chuyến công du của quốc vương Salman cũng được nhấn mạnh, như thành lập một nhà máy hóa chất Nga tại Ả Rập Xê Út, phát triển quỹ đầu tư Ả Rập Xê Út tại Nga… Nhưng quan hệ kinh tế giữa hai nước vẫn quen với việc các thông báo này khó đạt đến hiệu quả. Thực vậy, khối lượng trao đổi thương mại giữa hai nước hiện mới chỉ ở ngưỡng 1 tỉ đô la mỗi năm.
Dấu ấn của Mỹ vẫn nổi trội trong quan hệ với Ả Rập Xê Út
Về mặt kinh tế, câu hỏi đặt ra là liệu các khoản đầu tư trị giá 10 tỉ đô la tại Nga mà Ả Rập Xê Út thông báo năm 2015 và được tái khẳng định trong chuyến công du Matxcơva của quốc vương Salman có được thực hiện hay không.
Các khoản đầu tư như vậy có lẽ sẽ là một lời cảnh báo đối với Mỹ và Iran. Trước hết, dường như Ả Rập Xê Út muốn chứng tỏ là quan hệ đối tác độc quyền đã đến hồi kết thúc. Tiếp theo, Nga có lẽ muốn tỏ ra bận tâm cân đối trục Matxcơva-Teheran bằng quan hệ hợp tác kinh tế với Ả Rập ; quốc gia Hồi Giáo này đang chuẩn bị cho sự kiện hoàng tử Mohammed ben Salman, từng đến Matxcơva, sẽ đăng quang tân vương Ả Rập.
Liệu một liên minh Nga-Ả Rập Xê Út đang thật sự hình thành? Nếu các điểm tương đồng có thể xuất hiện, đặc biệt trong việc giúp Nga quản lý một số lượng lớn người Hồi Giáo (chiếm 10% đến 15% dân số và khá đông trong một số vùng và chú ý theo dõi tiến triển chính trị tại vùng Vịnh Ba Tư), quan hệ hợp tác vững chắc giữa hai nước có lẽ cũng có thể gợi ý đến việc kết hợp chặt chẽ về quân sự, hiện chưa thể được về mặt kỹ thuật và an ninh.
Thông báo nhập hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đặc biệt gây ấn tượng mạnh. Đây là thỏa thuận bán trang thiết bị quốc phòng đầu tiên của Nga cho Ả Rập Xê Út, trong khi Riyad thường chủ yếu nhập trang thiết bị theo tiêu chuẩn của NATO.
Tuy nhiên, các khoản giao dịch với Nga chưa thấm vào đâu so với 100 tỉ đô la trong hợp đồng mua vũ khí với Mỹ. Hơn nữa, Lầu Năm Góc đã tỏ ra “cao tay” khi thông qua kế hoạch bán một hệ thống lá chắn tên lửa THAAD cho Riyad, bị trì hoãn từ lâu, vào ngày 08/10, chỉ hai ngày sau đề nghị bán vũ khí của Nga.

Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh:

Bahrain muốn đình chỉ tư cách thành viên của Qatar

Ngày 30/10/2017, ngoại trưởng Bahrain Khaled ben Ahmad Al-Khalifa, đề nghị đình chỉ tư cách thành viên của Qatar trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (CCG) cho tới khi tiểu vương quốc này cấp nhận các yêu sách từ các nước láng giềng Ả Rập khác.
Tuyên bố này được quan chức ngoại giao Bahrain đăng tải trên tài khoản Twitter cá nhân, cho rằng, đây là « biện pháp tốt » để duy trì CCG, thậm chí, sẽ là tốt hơn nếu không có sự tham gia của Qatar.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Bahrain tuyên bố, nước này sẽ không tham gia hội nghị thượng đỉnh nếu có sự góp mặt của Qatar. Theo ông Al-Khalifa, láng giềng Qatar không ngừng xích lại gần Iran và để cho các thế lực nước ngoài, ví dụ như quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, can thiệp vào nội bộ khối. Điều này là một mối đe dọa đối với an ninh của các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Đề xuất trên của Bahrain được đưa ra như một đòn đáp trả cáo buộc của thủ lĩnh Hồi Giáo của Qatar, ông Cheikh Tamim ben Hamad Al-Thani, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ CBS hôm 29/10/2017.
Nhà lãnh đạo tinh thần này đã công khai cáo buộc 4 quốc gia Ả Rập đã áp đặt lệnh cấm vận kinh tế và chính trị lên Qatar hồi tháng 06/2017, là có mưu đồ lật đổ chế độ của Qatar. Lệnh cấm vận của 4 nước Ả Rập Xê Út, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt liên lạc đường không, đường bộ, và đường biển của Qatar. Cuộc khủng hoảng ngoại giao này, theo các chuyên gia quốc tế, là nguyên nhân khiến Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh « đang chết dần ».
Được thành lập năm 1981, CCG là một tổ chức hợp tác của các quốc gia vùng Trung Đông, bao gồm các nước Ả Rập Xê Út, Bahrain, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Koweit, Oman và Qatar.

Tương lai Catalunya tùy thuộc sức kháng cự của phe ly khai

Chuyện gì sẽ xảy ra tại Catalunya, vùng đất lớn bằng vương quốc Bỉ, vừa mới tuyên bố độc lập đã bị đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương Tây Ban Nha ? Câu trả lời tùy thuộc vào sức kháng cự của các lãnh đạo phe ly khai và những người ủng hộ nền độc lập của Catalunya.
Chủ tịch vùng Catalunya Carles Puigdemont và nhân vật số hai của ông, Oriol Junqueras, có vẻ như không chấp nhận để bị Madrid truất chức như vậy, nhưng cũng chưa ra chỉ thị gì cho những người ủng hộ họ.
Ngày 30/10/2017, các lãnh đạo phe ly khai có sẽ đi làm bình thường bất chấp việc đã bị truất chức hay không ? Nếu thể hiện sự kháng cự như vậy, họ có thể khuyến khích những người khác đi theo. Nhưng trong trường hợp đó, các thành viên của chính quyền Catalunya có thể bị truy tố vì tội « bất tuân mệnh lệnh » và thậm chí vì tội « phản loạn ». Các công chức vùng Catalunya thì có thể bị kỷ luật đến mức bị khai trừ nếu họ không nghe theo lệnh của chính quyền trung ương Madrid.
Theo nhận định của nhà chính trị học Pablo Simon được hãng tin AFP trích dẫn, các công chức vùng Catalunya, gồm khoảng 200 ngàn người, chắc là sẽ không dám để bị mất việc, mà có thể họ sẽ kháng cự một cách thụ động, chẳng hạn như sẽ làm việc lề mề hơn. Tuy vậy, việc này cũng chẳng có ảnh hưởng gì lớn, vì chính quyền Catalunya bây giờ chỉ đóng vai trò « xử lý thường vụ », trong khi chờ cuộc bầu cử ngày 21/12 mà thủ tướng Mariano Rajoy đã quyết định.
Tại vùng Catalunya có những hội chủ trương độc lập như « Ủy ban bảo vệ nền Cộng Hòa ». Nhưng hội này có thể huy động hàng trăm ngàn người một cách dễ dàng. Nhưng họ chỉ có thể kháng cự một cách biểu tượng, chứ không thể làm gì khác hơn, mặc dù những người cực đoan nhất trong phe ly khai đã dọa rằng vùng Catalunya sẽ là một « Việt Nam » mới đối với chính quyền trung ương Madrid.
Mặt khác, ngay chính các đối thủ của ông cũng nhìn nhận rằng thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã lấy một quyết định rất khôn ngoan, đó là tổ chức bầu cử nhanh chóng cho vùng Catalunya, để chứng tỏ là ông tôn trọng nền dân chủ, chứ không hành xử như một nhà độc tài. Làm như vậy, ông Rajoy buộc các chính đảng chủ trương độc lập ở vùng này phải chọn một trong hai con đường : một là từ chối tham gia bầu cử ngày 21/12, hai là tham gia cuộc bầu cử này, tức là chấp nhận một cuộc bỏ phiếu do Nhà nước Tây Ban Nha tổ chức.
Trong nhiều tháng qua, các đảng chủ trương độc lập này đã bất đồng với nhau. Những đảng có xu hướng ôn hòa, thân cận với giới kinh tế, thì rất dè dặt khi thấy nhiều doanh nghiệp lo lắng trước viễn cảnh vùng Catalunya tách khỏi Tây Ban Nha.
Theo một nhà xã hội học được AFP trích dẫn, ít nhất có 2 trong số 3 đảng chủ trương độc lập sẽ ra tranh cử vì sợ sẽ bị mất ảnh hưởng trong các định chế của vùng Catalunya.
Như vậy, tình hình những ngày tới sẽ cho thấy là Nhà nước Tây Ban Nha có đủ sức để áp đặt quyền lực lên vùng bất trị Catalunya hay không.

Tây Ban Nha : Catalunya

ngày đầu tiên dưới sự giám hộ của Madrid

Một ngày sau cuộc biểu dương lực lượng lớn của phe chống Catalunya độc lập tại Barcelona, ngày 30/12/2017, vùng Catalunya bước vào ngày đầu tiên nằm dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương Tây Ban Nha.
Thời kỳ giám hộ chỉ kéo dài đến ngày 21/12, khi có cuộc bầu cử vùng trước thời hạn do Madrid ấn định. Catalunya tạm mất quyền tự trị, các lãnh đạo vùng bị truất quyền, nhưng chưa có gì bảo đảm là những người chủ trương độc lập đã chịu khuất phục Madrid.
Thông tín viên Léticia Farine từ Barcelona tường trình :
“Carles Puigdemont và Orion Junqueras, nhân vật số 2 của vùng, đã tỏ cho người dân Catalunya thấy là họ không muốn chấp nhận bị truất quyền. Mặc dù cuối tuần rồi, hai ông đã kêu gọi mọi người phản kháng một cách ôn hòa, nhưng họ không đưa ra chỉ đạo hành động rõ ràng với những người ủng hộ độc lập.
Hiện tại 200 nghìn viên chức chính quyền Catalunya đang trong tình trạng chờ đợi. Nếu họ quyết định không chịu tuân thủ mệnh lệnh của Madrid, họ có thể bị trừng phạt hoặc thậm chị bị tư pháp khỏi tố vì tội giống như trường hợp ông Carles Puigdemont có thể bị án 30 năm tù vì hành động nổi loạn.
Những câu hỏi khác được đặt ra ngày thứ Hai này về vị trí của những người chủ trương đòi độc lập trong cuộc tuyển cử ngày 21/12 tới do Madrid yêu cầu. Hai trong ba đảng có xu hướng ly khai có thể sẽ ra ứng cử. Đó là đảng cánh tả Esquera Republicana của phó chủ tịch vùng vừa bị phế truất Oriol Junqueras và đảng bảo thủ Dân Chủ Châu Âu Catalunya của ông Carles Puigdemont.
Hai lực lượng chính trị này có thể ra ứng cử chung, nhưng họ phải quyết định nhanh chóng vì thời hạn cuối cùng để giới thiệu liên danh là ngày 7/11″.

Nga khánh thành đài tưởng niệm

các nạn nhân đàn áp chính trị thời Liên Xô

Ngày 30/10/2017, nước Nga khánh thành một đài tưởng niệm các nạn nhân những vụ đàn áp chính trị thời Liên Xô, với sự hiện diện của tổng thống Vladimir Putin.
Đài tưởng niệm, dưới dạng một bức tường, được khánh thành trong khuôn khổ Ngày tưởng niệm các nạn nhân đàn áp chính trị, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1991, năm mà Liên Xô tan rã. Theo điện Kremlin, tổng thống Putin dự lễ khánh thành đài tưởng niệm sau khi họp với Hội đồng Xã hội Dân sự và Nhân quyền, bàn về chính sách của Nhà nước về tưởng niệm các nạn nhân đàn áp chính trị.
Trong khi đó, ngày 29/10, nhiều người dân Nga đã tập trung tại thủ đô Matxcơva để tưởng niệm hàng triệu nạn nhân trong loạt thanh trừng dưới thời Stalin.
Trong buổi lễ tưởng niệm thường niên theo khởi xướng của Memorial, tổ chức bảo vệ nhân quyền lâu năm nhất tại Nga, vài trăm người đã thay nhau lên đọc danh tính của các nạn nhân của cuộc Đại Thanh Trừng trong thập niên 1930. Theo tổ chức Memorial, chỉ riêng ở Matxcơva đã có hơn 40.000 người bị hành quyết trong giai đoạn đó.
Lễ tưởng niệm được tổ chức gần tảng đá Solovetski, được chuyển từ đảo Solovki (trại cải tạo lao động Xô Viết đầu tiên) về Matxcơva, và được đặt tại quảng trường Loubianka, trước trụ sở của cơ quan tình báo FSB (trước là KGB).
Nhân lễ tưởng niệm này, những người tham dự đã kêu gọi trả tự do cho nhà sử học Iouri Dmitriev, chuyên gia về thời Stalin và là thành viên của Memorial, hiện đang bị giam vì các bài nghiên cứu của ông về những người mất tích trong giai đoạn Đại Thanh Trừng.
Ông Dmitriev, 61 tuổi, điều hành một chi nhánh của tổ chức Memorial ở Carelia (vùng biên giới với Phần Lan), đã bị bắt ngày 13/12/2016 tại Petrozavodsk (bắc Nga), với cáo buộc «sáng tác tranh ảnh ấu dâm » và có nguy cơ bị kết án 15 năm tù. Tuy nhiên, tổ chức Memorial tố cáo vụ án này bị dàn dựng đến « từng chi tiết ». Nhà sử học Dmitriev luôn bác bỏ mọi cáo buộc của chính quyền.
Các nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền vẫn lên án tổng thống Vladimir Putin tìm cách xóa bỏ ký ức về các tội ác của Stalin bằng cách đề cao tinh thần yêu nước thông qua các kênh tuyên truyền nhà nước.
Lễ tưởng niệm năm 2017 còn diễn ra vào đúng dịp 100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga (07/11) với nhiều cuộc triển lãm và hội thảo được tổ chức.

Trung – Hàn thảo luận hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên

Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, ngày 30/10/2017, thông báo, các đại diện của Bắc Kinh và Seoul trong cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ gặp gỡ vào ngày 31/10/2017 tại Bắc Kinh.
Seoul cho biết thêm, đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của các nhà đàm phán Trung Quốc và Hàn Quốc, kể từ khi họ được bổ nhiệm vào vị trí này. Ông Lee Do Hon và đồng nhiệm Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou) sẽ trao đổi những phân tích của hai bên về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Hai bên cũng thảo luận về các phương thức hợp tác để kiểm soát tình hình một cách lâu dài.
Sau những thảo luận chung gần đây giữa Seoul, Washington và Tokyo, cuộc gặp Trung – Hàn là bước đi tiếp theo của các bên có liên quan trong vòng đàm phán 6 bên nhằm làm giảm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, từ năm 2009, Bình Nhưỡng đã đơn phương rút khỏi nỗ lực ngoại giao này.
Cùng chung lo lắng về hồ sơ hạt nhân Bình Nhưỡng, tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO, Jens Stoltenberg, ngày 30/10/2017, cũng đã nhắc lại với Nhật Bản vị thế của nước này trước « mối đe dọa toàn cầu » Bắc Triều Tiên. Trước các chuyên gia và quan chức quốc phòng Nhật Bản, người đứng đầu khối quân sự NATO bày tỏ lo lắng, khi Nhật Bản phải chịu sự đe dọa trực diện trước các « hành động khiêu khích và mất bình tĩnh » của chính quyền Bình Nhưỡng.
Song ông Stoltenberg cho rằng, các nước không cần thiết phải sử dụng uy lực quân sự, thay vào đó, cần tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó, ông khẳng định, NATO sẽ « ủng hộ mạnh mẽ áp lực chính trị, ngoại giao, và kinh tế », đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải « áp dụng đầy đủ và minh bạch » các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, đã được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 09/2017.
Quốc tế lo ngại, Kim Jong Un không bận tâm
Trong khi các nước láng giềng tỏ ra lo ngại trước những hiểm họa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lại tỏ ra bình thản. Hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, ngày 29/10/2017, thông báo, ông Kim Jong Un, cùng phu nhân Ri Sol Ju và người em gái quyền lực Kim Yo Jong, đã đến thăm nhà máy sản xuất mỹ phẩm Bình Nhưỡng.
Tại đây, nhân vật số một chế độ Bình Nhưỡng đã hết lời ca ngợi các sản phẩm làm đẹp của Bắc Triều Tiên « ngang tầm quốc tế », « cho phép nữ giới thực hiện giấc mơ trở nên xinh đẹp hơn ». Hai người phụ nữ tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong chuyến vi hành này được coi là những người phụ nữ hiếm hoi có sức ảnh hưởng trong chính giới ở Bắc Triều Tiên, quốc gia vẫn mang tư tưởng phụ quyền nặng nề.
Phu nhân Ri, nổi tiếng ở Bắc Triều Tiên với sở thích thời trang cao cấp, đã có với nhà lãnh đạo Kim Jong Un 3 người con. Người em gái Kim Yo Jong, chưa đầy 30 tuổi, vừa được người anh trai cất nhắc vào Bộ Chính Trị của Đảng Lao Động Triều Tiên.

Trung Quốc : Ba cựu lãnh đạo bị cáo buộc âm mưu tạo phản

Tối 29/10/2017, Tân Hoa Xã loan tin là Bắc Kinh đã phá vỡ một « âm mưu tạo phản » của ba cựu lãnh đạo cao cấp, vài ngày sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 kết thúc với việc tăng cường quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình.
Một báo cáo do Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc đệ trình lên Đại Hội cáo buộc ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), cựu bí thư Trùng Khánh, đã tham gia vào âm mưu này. Ông Tôn Chính Tài đã bị cách chức bí thư vào tháng 07/2017, với lý do chính thức là phạm tội tham nhũng. Theo báo cáo nói trên, tham gia âm mưu này còn có ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), cựu bộ trưởng Công An và ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), nguyên là chánh văn phòng cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Các ông Chu và Lệnh đã bị kết án tù vì tham nhũng trong hai năm qua.
Báo cáo của Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật khẳng định là đảng Cộng Sản Trung Quốc đã « phát hiện kịp thời, giải quyết triệt để và diệt trừ » ba cựu lãnh đạo tham gia âm mưu tạo phản. Báo cáo còn tố cáo những « nhóm lợi ích » đã « gây phương hại nặng nề » cho an ninh chính trị của Đảng và của đất nước.
Kể từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012 cho đến nay, chủ tịch Tập Cận Bình đã đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, nhưng lãnh đạo họ Tập bị nghi ngờ là lợi dụng chống tham nhũng để gạt bỏ các đối thủ chính trị của ông.
Tư tưởng Tập Cập Bình được dạy ở đại học
Theo hãng tin AFP ngày 30/10/2017, Tư Tưởng Tập Cận Bình sẽ được giảng dạy, nghiên cứu và đề cao ở các trường đại học ở khắp Trung Quốc, để bảo đảm là chủ thuyết của lãnh đạo Trung Quốc thấm nhuần vào « đầu óc và con tim » của các sinh viên.
Ít nhất 20 trường đại học đã lập các viện nghiên cứu về Tư Tưởng Tập Cận Bình, vừa được ghi vào cương lĩnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc nhân Đại Hội lần thứ 19. Như vậy là kể từ nay, « Tư Tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc cho một thời đại mới » chính thức được đặt ngang hàng với Tư Tưởng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình

Nghị sĩ Cộng Hòa muốn giới chức đảng Dân Chủ

ra điều trần về bộ hồ sơ Trump

Washington, D.C. (CBS) – Nghị sĩ Hoa Kỳ Susan Collins, một thành viên Cộng Hòa của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, nói rằng các giới chức cao cấp trong đảng Dân Chủ cần phải được gọi ra khai chứng về những tin tức, cho rằng đảng của họ và ban tranh cử của bà Hillary Clinton đã chi trả một phần cho một bộ hồ sơ thu thập những cáo buộc chi tiết về mối liên hệ giữa Tổng thống Trump với chính phủ Nga.
Nhật báo Washington Post hồi tuần trước đưa tin, ông Marc Elias, một luật sư trong ban tranh cử của bà Clinton, đã sử dụng quỹ tranh cử để mướn Fusion GPS, công ty đằng sau bộ hồ sơ. Nhiều ủy ban trong lưỡng viện Quốc Hội đều đang điều tra về nguồn gốc và nội dung của bộ hồ sơ này.
Xuất hiện trên chương trình “Face the Nation” của đài CBS hôm Chủ Nhật 29/10, Nghị sĩ Collins nói rằng ông John Podesta, cựu giám đốc ban tranh cử của bà Clinton, và bà Debbie Wasserman Schultz, khi đó là chủ tịch Ủy Ban Toàn Quốc Đảng Dân Chủ, cũng như luật sư Elias, đều “tuyệt đối cần phải được gọi ra” điều trần trước Quốc Hội. Bà Collins nói khó có thể tưởng tượng một giám đốc ban tranh cử và chủ tịch đảng lại không biết về khoản chi có tầm mức và ý nghĩa cỡ này.
Truyền thông Hoa Kỳ lâu nay cho biết các ủng hộ viên của ứng cử viên Cộng Hòa Jeb Bush, một đối thủ của ông Trump trong vòng bầu cử sơ bộ, đã trả tiền cho Fusion GPS để thực hiện bộ hồ sơ. Sau khi ông Bush rút lui, bộ hồ sơ tiếp tục được thực hiện nhờ sự tài trợ của một bên thứ ba. (Huy Lam)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?