Tin khắp nơi – 29/10/2017

Tin khắp nơi – 29/10/2017

Tổng thống Đài Loan tới Hawaii dù Trung Quốc phản đối

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đáp xuống Honolulu hôm 28/10 trên đường tới thăm các đồng minh ngoại giao của hòn đảo này ở Thái Bình Dương, bất chấp phản đối mạnh của Trung Quốc.
Theo Reuters, Trung Quốc coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình, coi đó là một vấn đề quan trọng cũng như nhạy cảm nhất giữa Bắc Kinh và Hoa Kỳ, đồng thời thường phản ứng với Washington về các lần quá cảnh ở Mỹ của các tổng thống Đài Loan.
Bà Thái, người Trung Quốc tin rằng đang mưu tìm độc lập cho Đài Loan, rời Đài Bắc, bắt đầu chuyến thăm kéo dài một tuần tới ba đồng minh ở Thái Bình Dương là Tuvalu, quần đảo Solomon và quần đảo Marshall, và quá cảnh ở Honolulu và lãnh thổ Guam thuộc Mỹ.
Đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng việc bà Thái quá cảnh qua lãnh thổ Mỹ mang tính “cá nhân và không chính thức”, và dựa trên chính sách nhất quán của Mỹ về “các mối quan hệ không chính thức của chúng tôi với Đài Loan”, theo Reuters.
Bộ này cũng nhấn mạnh tới chuyện “không có thay đổi gì đối với chính sách một nước Trung Hoa của Mỹ”.
Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ tới thăm Trung Quốc trong vòng chưa đầy hai tuần nữa. Ông đã khiến Bắc Kinh tức giận tháng 12 năm ngoái khi nhận một cú điện thoại từ bà Thái ngay sau khi đắc cử tổng thống.
Đây là chuyến dừng chân tại Mỹ thứ hai của Tổng thống Thái trong năm nay.
Hồi tháng Một, bà cũng đặt chân xuống Houston và San Francisco trên đường đi và trở về từ Mỹ Latin.

Nhà Trắng đề cử quan chức quân sự phụ trách châu Á

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump mới đề cử một quan chức quân sự hàng đầu phụ trách các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương tại Lầu Năm Góc.
Trong một tuyên bố ra cuối ngày 27/10, Nhà Trắng cho biết rằng ông Trump dự định đề cử ông Randall Schriver làm trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Yonhap, ông Schriver từng làm phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2003 tới năm 2005.
Trước đó, ông làm chánh văn phòng và cố vấn chính sách cấp cao trong hai năm cho Phó Ngoại trưởng Richard Armitage.
Gần đây nhất, ông là đối tác thành lập Armitage International, một tập đoàn tư vấn về phát triển thương mại quốc tế, cũng như CEO và chủ tịch của Project 2049 Institute, một tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về xu hướng an ninh ở châu Á, theo Nhà Trắng.
Ông Schriver được cho là người ủng hộ Đài Loan và từng được tổng thống Đài Loan trao tặng huân chương vì thúc đẩy quan hệ song phương thời còn làm ở Bộ Ngoại giao Mỹ.
CNA hôm 28/10 đã dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan lên tiếng hoan nghênh việc đề cử ông Schriver.
Thông báo trên được công bố ít ngày trước khi Tổng thống Trump có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới châu Á kể từ khi nhậm chức.
Từ ngày 3 – 14/11, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Madrid ‘hoan nghênh’ Puigdemont ra tranh cử

Chính phủ Tây Ban Nha nói sẽ hoan nghênh lãnh đạo vùng Catalonia mới bị sa thải, ông Carles Puigdemont, tham dự các cuộc bầu cử mới.
Chính quyền trung ương Madrid đã ra lệnh tổ chức các cuộc bầu cử mới bầu nghị viện của vùng vào tháng Mười Hai.
Chính quyền trung ương đã tước quyền tự trị của Catalonia sau khi quốc hội vùng này bỏ phiếu tuyên bố độc lập.
16% dân số Tây Ban Nha sống ở vùng Catalonia
Vùng này sản xuất 25.6% xuất khẩu Tây Ban Nha
Đóng góp 19% GDP toàn quốc
Nắm 20.7% đầu tư nước ngoài
Ông Puigdemont, lãnh tụ phong trào đòi độc lập, đang kêu gọi “chống đối dân chủ” trước quy chế cai trị trực tiếp mới được ban hành từ Madrid.
Ông lên án việc đình chỉ quyền tự trị với Catalonia và hứa sẽ tiếp tục “làm việc để xây dựng một đất nước tự do”.
Khủng hoảng hiến pháp
Tây Ban Nha đã bị khủng hoảng hiến pháp do một cuộc trưng cầu độc lập được chính phủ ly khai của ông Puigdemont tổ chức hồi đầu tháng này nhằm chống lại phán quyết của Toà án Hiến pháp rằng tuyên bố đó là bất hợp pháp.
Chính phủ Catalonia nói rằng trong số 43% cử tri tiềm năng tham gia, 90% ủng hộ độc lập.
Ngày thứ Sáu chứng kiến nghị viện vùng Catalonia tuyên bố độc lập và Madrid đáp trả bằng tuyên bố động thái đó là bất hợp pháp.
Thủ tướng Mariano Rajoy sau đó tuyên bố giải tán nghị viện vùng và bãi nhiệm ông Puigdemont khỏi vị trí lãnh đạo Catalonia và ra lệnh tổ chức các cuộc bầu cử mới ở vùng này.
Một cuộc biểu tình chống độc lập lớn dự kiến sẽ diễn ra vào cuối ngày Chủ nhật tại Barcelona, thủ phủ của vùng Catalonia.
Cuộc khủng hoảng chính trị cũng có thể được phản ánh trên sân bóng vào buổi chiều khi Real Madrid, đang bảo vệ chức đương kim vô địch ngoại hạng Tây Ban Nha, đến Catalonia để chơi bóng với Girona, đội được ông Puigdemont ủng hộ.

Myanmar bắt phóng viên nước ngoài do dùng camera bay

Cảnh sát Myanmar cáo buộc hai phóng viên nước ngoài và hai người Miến Điện là đã vi phạm luật nhập khẩu sau khi họ sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) ở gần quốc hội nước này.
Những người này bị giam giữ cho tới khi có phiên xử đầu tiên, và có thể phải đối diện với mức án tù ba năm.
Phóng viên người Malaysia và người Singapore đang làm việc cho hãng truyền thông TRT của Thổ Nhĩ Kỳ.
Căng thẳng dâng cao giữa Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ quanh cuộc khủng hoảng Rohingya, vốn đã khiến hơn 600.000 người bỏ chạy khỏi bang Rakhine của Myanmar sang Bangladesh.
Hồi tháng trước, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng tình trạng bạo lực đối với người Hồi giáo Rohingya đã lên tới mức diệt chủng. Myanmar thì nói họ đang chiến đấu chống lại tình trạng nổi dậy.
Các nhân viên an ninh đã phát hiện ra nhóm phóng viên điều khiển camera bay ở khu vực gần các tòa nhà quốc hội và các ngôi chùa ở thủ đô Naypyidaw, truyền thông nhà nước tường thuật.
Lau Hon Meng từ Singapore và Mok Choy Lin từ Malaysia đã bị bắt giữ từ hôm thứ Sáu.
Người phiên dịch cho họ, phóng viên người Miến Aung Naing Soe cùng tài xế của nhóm cũng bị bắt giữ.
Phát ngôn viên cảnh sát nói các phóng viên đã “nhập khẩu drone bất hợp pháp”.
TRT nói hãng đang thảo luận với giới chức Myanmar để đạt được việc thả người.
Bộ Ngoại giao đã thông báo cho đại sứ quán Singapore và Malaysia về vụ bắt giữ các phóng viên, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin.

Cuba cáo buộc Mỹ ‘thao túng chính trị’

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba hôm 28/10 nói với một nhóm người Cuba hiện sinh sống ở Mỹ rằng cáo buộc của Washington về các vụ tấn công sóng âm bí hiểm đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Cuba là một hành động “thao túng chính trị” nhằm gây tổn hại tới quan hệ song phương.
Ông Bruno Rodriguez nói tại thủ đô Washington rằng “cái gọi là các cuộc tấn công bằng sóng âm hoàn toàn giả dối”.
Hoa Kỳ chưa chính thức đổ lỗi cho Cuba gây ra các sóng âm khiến các nhà ngoại giao Mỹ bị mất thích lực, đau đầu, chóng mặt và buồn nôn.
Nhưng tuần trước, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông tin là chính quyền Havana chịu trách nhiệm.
Nhà Trắng tin rằng chính phủ Cuba có thể chấm dứt các sóng âm, vốn gây căng thẳng trong quan hệ hai nước, và khiến Mỹ rút hơn một nửa nhân viên ngoại giao khỏi hòn đảo đồng thời trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba khỏi Washington.
Chính phủ Mỹ cũng bắt đầu hạn chế cấp visa tới Cuba và cảnh báo người xin visa về các vụ tấn công bằng sóng âm.
Ông Rodriguez nói rằng việc rút các nhân viên ngoại giao Mỹ đang gây ra khó khăn cho những người Cuba muốn tới Mỹ.
Ông cũng bày tỏ sự bực bội về diễn biến mới này: “Theo quan điểm của chính phủ Cuba, thật không thể chấp nhận được và thật là thiếu đạo đức để cho người dân bị ảnh hưởng bởi khác biệt giữa các chính phủ”.
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng Tám nói rằng một số công dân Mỹ có liên quan tới đại sứ quán Hoa Kỳ ở Havana đã bị ảnh hưởng từ “các vụ việc” liên quan tới sóng âm. Năm người Canada cũng bị ảnh hưởng.

Mỹ ‘đang chia rẽ’ như thời Chiến tranh Việt Nam

Phần lớn người Mỹ tin rằng Hoa Kỳ đang trải qua tình trạng chia rẽ chính trị nghiêm trọng như thời Chiến tranh Việt Nam, và 60% số người được hỏi tin rằng Tổng thống Donald Trump khiến tình hình nghiêm trọng hơn, theo một cuộc thăm dò dư luận.
Kết quả của cuộc thăm dò ý kiến, được tờ The Washington Post và Đại học Maryland thực hiện, công bố hôm 28/10, cho thấy rằng chính trị Hoa Kỳ đang “rơi xuống mức thấp nguy hiểm”.
70% số người được hỏi cho rằng các khác biệt về chính trị hiện nay đã gây ra sự chia rẽ nghiêm trọng như thời Chiến tranh Việt Nam.
Con số đó tăng lên 77% trong nhóm người Mỹ từ 65 tuổi trở lên, và nhiều người trong số đó trưởng thành những năm 60, theo tờ Washington Examiner.
85% số người trả lời thăm dò cho rằng ông Trump là người gây ra chia rẽ trên chính trường Mỹ, và 51% cho rằng “nhiều” sự chia rẽ hiện thời là do lỗi của đương kim tổng thống.
Các nguyên nhân khác gồm: tiền bạc trong chính trị (96%), những người giàu đóng góp vào chính trường (94%), các nhóm có quan điểm cực đoan ở cả hai đảng (93%), truyền thông (88%) hay Quốc hội (94%).
Cuộc thăm dò 1.663 người Mỹ trưởng thành được tiến hành từ ngày 27/9 tới ngày 5/10.

Trump chấp thuận

cho công bố hết hồ sơ về vụ ám sát Kennedy

Tổng thống Donald Trump cuối ngày thứ Sáu nói rằng ông đã ra lệnh công bố tất cả các hồ sơ liên quan tới vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.
Trong một dòng tweet tổng thống nói: “Sau khi tham vấn nghiêm ngặt với Tướng Kelly, CIA và các cơ quan khác, tôi ra lệnh công bố TẤT CẢ các hồ sơ JFK ngoại trừ tên và địa chỉ của bất kỳ người nào được nhắc tới mà vẫn còn sống.” Ông nói tiếp rằng ông thực hiện hành động này “vì lý do công khai trọn vẹn, minh bạch và để dập tắt bất kỳ thuyết âm mưu nào.”
Ông Trump lúc đầu ra lệnh hôm thứ Năm rằng hàng trăm hồ sơ vẫn sẽ được giữ bí mật, ít nhất là tạm thời, vì lợi ích an ninh quốc gia.
Ông nói tạm thời “không tiết lộ công khai” các tài liệu còn lại là “cần thiết để bảo vệ khỏi những tổn hại đối với phòng thủ quân sự, các hoạt động tình báo, thực thi pháp luật hoặc việc tiến hành các quan hệ đối ngoại có mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với lợi ích của công chúng trong việc công khai ngay lập tức.”
Phần lớn mối quan tâm học thuật về vụ ám sát tập trung vào các hồ sơ liên quan tới chuyến đi của kẻ ám sát ông Kennedy, Lee Harvey Oswald, tới Mexico hai tháng trước chuyến thăm của tổng thống tới thành phố Dallas vào ngày 22 tháng 11 năm 1963.
Một quan chức Nhà Trắng họp báo với các phóng viên từ chối để ý tới câu hỏi của phóng viên về những hồ sơ Mexico City.
Tranh cãi và các thuyết âm mưu nảy sinh mấy ngày sau vụ ám sát. Chưa đầy một tuần sau cái chết của ông Kennedy, Tổng thống Lyndon B. Johnson bổ nhiệm Chánh án Tòa án Tối cao Earl Warren tiến hành một cuộc điều tra độc lập.
Sau cuộc điều tra kéo dài 10 tháng, Ủy ban Warren công bố một báo cáo dài 888 trang kết luận rằng Oswald đã hành động một mình để ám sát Kennedy, và rằng chủ hộp đêm địa phương Jack Ruby cũng đã hành động đơn độc khi nổ súng bắn chết Oswald hai ngày sau đó, trong lúc kẻ ám sát đang bị cảnh sát giải đi.
Đại đa số các tài liệu liên quan đến vụ ám sát đã đã được công khai cho công chúng tiếp cận từ nhiều thập kỷ nay.
Những hồ sơ được công bố hôm thứ Năm bao gồm hơn 5 triệu trang hồ sơ bị giữ lại theo Đạo luật Hồ sơ JFK, một số vì các lý do an ninh quốc gia và một số khác vì chúng được coi là không liên quan đến cuộc điều tra.
Việc công bố những hồ sơ cuối cùng dường như khó lòng thỏa mãn được những người tin vào thuyết âm mưu trưởng thành quanh cái chết của ông Kennedy.
Một cuộc thăm dò dư luận của Gallup năm 2013 cho thấy phần lớn người Mỹ tin rằng có những người khác ngoài Oswald tham gia trong vụ ám sát.
Nhiều trong số những thuyết âm mưu này tập trung quanh chuyến thăm của Oswald, một cựu thủy quân lục chiến 24 tuổi từng sống vài năm ở Liên bang Soviet, đến Mexico City hai tháng trước vụ ám sát, khi anh ta thăm đại sứ quán của Soviet và Cuba.

‘Đồng minh’ của ông Tập về nắm Thượng Hải

Ông Lý Cường, một đồng minh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mới được bổ nhiệm làm bí thư thành ủy Thượng Hải.
Reuters dẫn lời Tân Hoa Xã hôm 29/10 đưa tin rằng ông Lý thay thế ông Hàn Chính, người vừa được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tin cho hay, ông Lý, 58 tuổi, sẽ đảm nhiệm vị trí bí thư ở Thượng Hải và không còn nắm giữ vị trí bí thư tỉnh ủy Giang Tô.
Bước đi này đã đưa đồng minh của ông Tập vào bốn thành phố lớn của Trung Quốc trong đó có Thượng Hải.
Ông Lý từng làm việc dưới quyền ông Tập Cận Bình khi ông Tập là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang từ năm 2002 tới 2007.
Ông Lý được bầu vào Bộ Chính trị của Trung Quốc gồm 25 thành viên tuần trước, và là ứng cử viên mạnh sẽ thăng tiến trong kỳ đại hội đảng kế tiếp năm 2022.
Tân Hoa Xã hôm 29/10 cũng đưa tin rằng một đồng minh khác của ông Tập đã thay ông Lý Cường làm bí thư Giang Tô.

Campuchia trục xuất 61 nghi can lừa đảo viễn thông

Cảnh sát Campuchia hôm thứ Bảy đã trục xuất 61 công dân Trung Quốc bị truy nã ở Trung Quốc vì nghi ngờ tống tiến qua điện thoại và Internet, theo lời cảnh sát, nhưng Đài Loan nói 19 người là công dân Đài Loan.
Hàng trăm người bị tình nghi là những kẻ lừa đảo đã bị bắt giữ ở Campuchia, nơi mà gần đây nổi lên như một trung tâm lớn của hoạt động lừa đảo tống tiền khiến các nạn nhân mất hàng tỉ đôla.
Những hình ảnh gửi cho hãng tin Reuters hôm thứ Bảy cho thấy những người tình nghi mặc áo khoác da cam bị trói ở cổ tay trước khi bị trục xuất.
Uk Heisela, trưởng điều tra tại cục xuất nhập cảnh Campuchia, cho biết cảnh sát Trung Quốc đã tới để dẫn các nghi phạm đi.
“Cục xuất nhập cảnh đã trục xuất 61 nghi can, trong đó có 13 phụ nữ, dính líu đến những vụ tống tiền trên Internet,” Uk Heisela nói với Reuters.
Uk Heisela nói rằng những người này bị câu lưu trong các cuộc đột kích vào ngày 17 và 21 tháng 10 ở thủ đô Phnom Penh, và tại các tỉnh Kandal và Preah Sihanouk.
Chính phủ Đài Loan cho biết 19 người trong số này đến từ Đài Loan, và họ đã đệ trình công hàm phản đối mạnh mẽ với Trung Quốc về các vụ trục xuất.
Đài Loan không hài lòng về chuyện các nghi phạm tống tiền người Đài Loan từng bị trục xuất sang Trung Quốc trong quá khứ và cáo buộc Phnom Penh hành động theo chỉ thị của Bắc Kinh.
Trung Quốc xem hòn đảo tự trị Đài Loan là lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình và Campuchia là một trong những đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Lãnh đạo Catalonia bị truất quyền

tuyên bố tiếp tục đấu tranh vì độc lập

Tổng thống xứ Catalonia bị truất quyền, Carles Puigdemont, hôm thứ Bảy tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh vì độc lập sau khi chính phủ Tây Ban Nha ra lệnh cho ông chấp nhận việc bãi nhiệm nội các của ông.
Xứ Catalonia của Tây Ban Nha, từng được hưởng quyền tự trị đáng kể, giờ chịu sự cai trị trực tiếp của Madrid.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy giải tán nghị viện Catalonia vài giờ sau khi nghị viện khu vực biểu quyết ủng hộ độc lập khỏi Tây Ban Nha hôm thứ Sáu.
Ngoài việc giải tán nghị viện khu vực, ông Rajoy cũng kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử chóng vánh tại Catalonia vào ngày 21 tháng 12 và đã sa thải các quan chức cảnh sát cao cấp của Catalonia.
Trong một tuyên bố được thu từ trước, ông Puigdemont nói ông sẽ tiếp tục nỗ lực để xây dựng một đất nước tự do và chỉ có nghị viện khu vực mới có thẩm quyền giải tán chính phủ Catalonia.
“Ý chí của chúng ta là tiếp tục nỗ lực để đáp ứng những thẩm quyền dân chủ và đồng thời tìm kiếm sự ổn định và yên bình tối đa,” ông nói.
Íñigo Méndez de Vigo, phát ngôn viên của chính phủ Tây Ban Nha, nói ông Puigdemont và tất cả các nhà lãnh đạo khác của Catalonia sẽ hội đủ điều kiện để tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 12 năm nay.
“Chúng tôi đang trao tiếng nói cho người dân Catalonia trong một cuộc bầu cử hợp pháp và tự do, chứ không phải cái gọi là cuộc trưng cầu dân ý ngoài luật pháp,” ông nói. “Vì vậy, đây là cách nói với người dân Catalonia rằng, nếu bạn muốn bỏ phiếu, bạn có quyền bỏ phiếu, hãy làm điều đó theo các điều kiện của luật pháp và một cách tự do.”
Nghị viện Catalonia biểu quyết ủng hộ độc lập khỏi Tây Ban Nha hôm thứ Sáu, một hành động khơi lên cảm xúc hân hoan và hoạt động ăn mừng bên trong và bên ngoài nghị trường.
Thượng viện Tây Ban Nha đáp lại bước đi này của Catalonia bằng cách phê chuẩn áp dụng Điều 155 hiến pháp, chính thức cho phép chính quyền trung ương đình chỉ chính quyền khu vực và áp đặt nền cai trị trực tiếp.

Tây Ban Nha : Phe chống Catalunya ly khai biểu tình

“Carles Puigdemont vẫn là chủ tịch vùng Catalunya”. Phó chủ tịch vùng tuyên bố như trên vào hôm nay (29/10/2017) một ngày sau khi chính quyền trung ương Tây Ban Nha thông báo truất quyền chủ tịch của lãnh đạo phong trào ly khai, giành lại quyền kiểm soát vùng tự trị Catalunya vừa tuyên bố độc lập cách nay hai ngày.
Vùng Catalunya hiện được đặt dưới sự điều hành của nhân vật số hai trong nội các Tây Ban Nha là bà Soraya Saenz de Santamania. Dù vậy, lãnh đạo đòi ly khai Carles Puigdemont kêu gọi người dân Catalunya “kháng cự một cách hòa bình” chống lại Madrid. Sự kiện nổi bật là chiều nay khoảng 300 ngàn nguời biểu tình chống việc tách rời Catalunya ra khỏi vương quốc Tây Ban Nha.
Thông tín viên đài RFI từ Barcelona cho biết :
Tổ chức mang tên Xã Hội Dân Sự Catalunya kêu gọi biểu tình. Đây là một hiệp hội bao gồm mọi thành phần tả hữu và kể cả những tiếng nói ôn hòa trong hàng ngũ phe đòi độc lập. Tổ chức này đấu tranh vì muốn Catalunya vẫn là một phần của Tây Ban Nha và Liên Hiệp Châu Âu. Trong một bức thư gửi đến nhiều nhân vật tên tuổi trong chính quyền cấp vùng, đến các tổ chức, hội đoàn, hiệp hội này chủ trương bảo vệ một đất nước Tây Ban Nha đoàn kết và thống nhất và bác bỏ tuyên bố độc lập của chính quyền cấp vùng trong tay ông Carles Puigdemont.
Các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cũng được kêu gọi tham gia cuộc tuần hành chiều nay. Ba đảng phái chính trị tại Catalunya muốn ở lại trong đại gia đình Tây Ban Nha đã hưởng ứng kêu gọi này : đảng Xã Hội Catalunya, cánh trung hữu Ciudadanos và đảng của thủ tướng Mariano Rajoy.
Khẩu hiệu của người biểu tình: “Tất cả chúng ta là Catalunya”. Cuộc tuần hành diễn ra trên trục lộ chính của thành phố Barcelona. Có nhiều khả năng rất đông người đi biểu tình và họ sẽ hô to khẩu hiệu nói trên. Cũng hiệp hội mang tên Xã Hội Dân Sự Catalunya hôm 08/10/2017 đã kêu gọi người dân xuống đường, huy động được 350 ngàn người theo thống kê của cảnh sát ; 900 ngàn theo ban tổ chức“.

Phó Thủ Tướng Tây Ban Nha

được chỉ định trực tiếp cai quản Catalonia

Madrid, Tây Ban Nha. (Reuters)- Phó thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria ngày hôm qua 28/10 được giao nhiệm vụ nắm quyền kiểm soát Catalonia, một ngày sau khi quốc hội Catalan ra tuyên cáo độc lập, tách khỏi Tây Ban Nha.
Việc chỉ định người thực hiện nhiệm vụ này diễn ra sau khi thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố bãi nhiệm quốc hội vùng Catalan, dựa vào điều khoản 155 được hiến pháp Tây Ban Nha minh thị, cho phép chính phủ Madrid trực tiếp cai trị Catalonia. Một thông báo chính thức của chính phủ Rajoy được công bố sáng sớm 28/10, chính thức trao quyền điều hành vùng tự trị Catalonia cho phó thủ tướng Santamaria.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo vùng tự trị Carles Puigdemont tiếp tục thách thức quyết định trực tiếp kiểm soát và cai quản vùng tự trị Catalonia.
Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử tại vùng tự trị Catalonia vào ngày 21 tháng 12 năm nay.
Hôm Thứ Sáu 27/10, chủ tịch hội đồng Liên Âu Donald Tusk nói rằng Liên Âu sẽ tiếp tục chỉ liên lạc với chính phủ trung ương Tây Ban Nha, đồng thời kêu gọi đối thoại giữa hai bên thay vì sử dụng vũ lực để giải quyết vụ tranh chấp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng lên tiếng ủng hộ Rajoy và chính phủ của ông. (Song Châu)

Hoa Kỳ giúp Ấn Độ cân bằng sức mạnh của Trung Cộng

theo chiến lược Á Châu mới

Washington, DC. (Reuters) – Một cựu nhân viên CIA nói với tờ South China Morning Post rằng, khi Tổng Thống Trump tới thăm Á Châu vào tháng tới, Hoa Kỳ sẽ công bố một chính sách mới đối với khu vực, bao gồm mục tiêu trang bị vũ khí và thúc đẩy Ấn Độ sâu hơn vào khu vực Đông  và Thái Bình Dương.
Hành động trên được coi như là để cân bằng sức mạnh chống lại Trung CỘng. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Dennis Wilder- cựu lãnh đạo cuộc nghiên cứu Trung Cộng tại CIA, và giám đốc cao cấp về Đông Á trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia- cho biết Hoa Kỳ sẽ cung cấp chiến đấu cơ tiên tiến cho Ấn Độ, và thúc đẩy quan hệ chiến lược giữa Washington và Delhi. Hành động này Bắc Kinh có thể coi chiến lược kiềm chế họ.
Theo ông Wilder, chính phủ của Tổng Thống Trump muốn kéo Ấn Độ tiến gần hơn vào khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Ông nói thêm khái niệm khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và mở sẽ là khẩu hiệu mới trong chính sách của Hoa Kỳ tại Á Châu.. Kế hoạch ban đầu được tiết lộ vào cuối tháng 9, khi Tòa Bạch Ốc thông báo về chuyến công du Á Châu của ông Trump. Họ cho biết tổng thống sẽ thảo luận tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở đối với sự thịnh vượng và an ninh của Hoa Kỳ. Chính phủ Trump tin rằng chính sách đó có giá trị chiến lược và kinh tế. (Nguyên Trân)

Syria-Irak : Phá hủy nhiều kho vũ khí hóa học của Daech

Phát ngôn viên Liên quân quốc tế, ngày 28/10/2017, cho biết Liên quân do Hoa Kỳ chỉ huy, đã phát hiện và phá hủy nhiều kho vũ khí tại các vùng lãnh thổ do tổ chức khủng bố Daech kiểm soát, ở Syria và Irak.
Từ Beyrouth, thông tín viên RFI Paul Khalifeh cho biết thêm chi tiết :
« Theo đại tá Ryan Dillon, được hãng thông tấn Nga Sputnik trích dẫn, các loại vũ khí hóa học của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo mà liên quân quốc tế thu giữ được tại Syria và Irak gồm chất liệu công nghiệp, đạn súng cối, lựu đạn của súng phóng lựu.
Viên sĩ quan Mỹ không nêu cụ thể các loại hóa chất hóa học được phát hiện, nhưng cho biết là các chất liệu đó đã bị tiêu hủy.
Đại tá Dillan nói thêm là các nhóm quân của liên quân quốc tế cũng tịch thu các kho chứa một khối lượng các chất liệu phần lớn được chế tạo công nghiệp, có thể hòa trộn với nhau để tạo thành vũ khí hóa học.
Về phần mình, các nguồn tin thân cận với chính quyền Damas cho biết quân đội Syria đã phát hiện trong các kho chứa của lực lượng thánh chiến Hồi Giáo ở các tỉnh Hama, Homs và Deir Ezzor, một khối lượng lớn các sản phẩm có thành phần hóa học được sử dụng vào mục đích quân sự, cũng như nhiều cuốn sách hướng dẫn chế tạo vũ khí hóa học.
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria cũng như ở Irak, đã nhiều lần bắn đạn pháo có chứa chất chlore và các chất độc khác, gây ra nhiều nạn nhân, bao gồm cả binh lính và dân thường ».

Vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ : Nhà Trắng vẫn im lặng

sau tiết lộ có nhiều người bị cáo buộc

Sau khi đài truyền hình CNN tiết lộ là ngày 27/10, bồi thẩm đoàn liên bang đã thông qua nhiều cáo buộc trong cuộc điều tra về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và các cáo buộc này sẽ được công bố vào thứ Hai, 30/10, Nhà Trắng vẫn im lặng.
Thế nhưng theo thông tín viên RFI Jean Louis Pourtet, tại Washington, thì nhóm cố vấn pháp lý của tổng thống Donald Trump đang ráo riết lùng sục thông tin xem ai bị cáo buộc và vì những lý do gì ?
« Không hề có dòng twit nào của Donald Trump. Tổng thống Mỹ đã đi chơi golf hôm thứ Bẩy tại một trong những câu lạc bộ của ông, ở Virginia. Thế nhưng, nhóm luật gia của Nhà Trắng đã làm việc cả ngày cố tìm ra xem ai là người bị buộc tội và vì những lý do gì. Tên của những người bị cáo buộc được giữ bí mật cho đến thứ Hai, 30/10.
Theo tờ The Wall Street Journal, thì ít nhất là có một người bị cáo buộc. Có rất nhiều suy đoán. Hai nhân vật được nói đến nhiều nhất là Paul Manafort, người đã chỉ đạo chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ trong giai đoạn đầu và Michale Flynn, đã từng đảm nhiệm chức cố vấn an ninh quốc gia trong một thời gian ngắn ngủi.
Chưởng lý đặc biệt Robert Mueller trước đây là đã bất ngờ ra lệnh khám xét tư dinh của ông Manafort, người có quan hệ làm ăn với Ukraina và Nga. Ông Flynn cũng có liên hệ với Matxcơva và đã từng có các hoạt động vận động hành lang giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số chuyên gia cho rằng ông chưởng lý muốn buộc tội Manafort và đề xuất cho nhân vật này nếu muốn tránh ngồi tù thì cung cấp các thông tin có thể dẫn đến việc buộc tội tổng thống ngăn cản tư pháp.
Tuy nhiên, theo Ty Cobb, luật sư của Nhà Trắng, thì ông Donald Trump không có gì phải lo ngại bởi vì ông cho rằng cả hai ông, Manafort và Flynn, không có các thông tin có thể có hại cho Donald Trump ».
Trong vụ này, ngay từ đầu, điện Kremlin đã bác bỏ mọi cáo buộc và thách thức Hoa Kỳ đưa ra các bằng chứng về sự can thiệp của Nga.
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean Didier Revoin cho biết :
« Từ nhiều tháng qua, vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gây cười cho Matxcơva. Về mặt chính thức, chính quyền Nga đã luôn luôn phủ nhận là có dính líu dưới bất kỳ hình thức nào đến việc Donald Trump thắng cử. Đồng thời, Matxcơva cũng nhấn mạnh, khi nói rằng Nga đã giúp cho nhà tỷ phú được bầu vào Nhà Trắng có nghĩa là coi Nga có thể thao túng được cử tri Mỹ trong khi Matxcơva không hề có khả năng này.
Ngày 16/10 vừa qua, ngoại trưởng Nga vẫn còn mỉa mai về vụ này. Ông Serguei Lavrov một mặt nói đến sự cay đắng của đảng Dân Chủ sau khi ứng viên của họ thất cử, mặt khác, lãnh đạo ngoại giao Nga nêu ra sự chống đối của một bộ phận trong đảng Cộng Hòa mà theo ông Lavrov, chính những phần tử này đã tạo ra cơn cuồng loạn chống Nga tại Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Nga còn nhắc lại rằng sau khi cuộc điều tra đặc biệt được tiến hành, việc chỉ định một chưởng lý đặc biệt, các buổi điều trần của hàng chục người…thì không một thông tin được dò dỉ nào cũng như không có một sự việc nào mà Hoa Kỳ đưa ra khẳng định việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử.
Vậy thì, nếu như bồi thẩm đoàn liên bang ở Washington, hôm thứ Sáu, 27/10, thông qua những cáo buộc hiện vẫn còn được giữ kín và sắp tới sẽ được công bố, thì điện Kremlin có nguy cơ phải điều chỉnh lại chiến lược biện hộ. Nhưng Matxcơva sẽ điều chỉnh bằng cách nào ? Còn quá sớm để nói về việc này ».

Rohingya : Biểu tình tại Rangoon ủng hộ quân đội Miến Điện

Vài chục ngàn người đã tuần hành trong tiếng quân nhạcngày 29/10/2017 tại thành phố Rangoon để ủng hộ quân đội Miến Điện, trong khi lực lượng này bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nặng nề.
Người biểu tình giương cao nhiều biểu ngữ ủng hộ chỉ huy quân đội, tướng Min Aung Hlaing, và lên án cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với «Tatmadaw» – quân đội Miến Điện.
Trả lời AFP, một người tuần hành 54 tuổi, nói: «Tatmadaw là điều cốt yếu của đất nước. Quân đội bảo vệ các nhóm người thiểu số, các tộc người và tôn giáo của chúng tôi». Tuy nhiên, AFP nhắc lại, người Rohingya không nằm trong số các nhóm người thiểu số được chính thức công nhận tại Miến Điện. Một trung sĩ nghỉ hưu, cũng tham gia tuần hành, khẳng định các cáo buộc quân đội Miến Điện giết người và cưỡng hiếp tại bang Rakhine là những lời nói dối.
Trong khi cộng đồng quốc tế liên tục gây sức ép với chính quyền Naypyidaw, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc cáo buộc các vụ bạo lực nhắm vào người Rohingya là một cách thanh lọc chủng tộc, thì tại Miến Điện, danh tiếng của quân đội chính phủ lại tăng thêm trong cuộc khủng hoảng sắc dân thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Cuba: ‘Không có chuyện tấn công âm thanh nhân viên Mỹ’

Cuba nói rằng không hề có các vụ tấn công bằng âm thanh nào đối với các nhân viên Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại thủ đô Havana, và rằng các cáo buộc đó được đưa ra như ‘mánh khóe chính trị’ nhằm làm tổn hại quan hệ song phương.
Ngoại trưởng Bruno Rodriguez nói bất kỳ cáo buộc nào về bất kỳ kiểu tấn công nào cũng đều là ‘hoàn toàn sai’.
Hoa Kỳ nói gần 20 nhân viên gặp vấn đề về sức khỏe sau khi xảy ra các vụ mà phía Mỹ nói là tấn công bằng âm thanh, và Mỹ do vậy đã cắt giảm số nhân viên của mình tại Tòa đại sứ ở Havana.
Các tường thuật trên truyền thông Mỹ cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe là do đã có các vụ tấn công bằng âm thanh, tuy nhiên điều này chưa được chứng minh.
Washington cho đến nay vẫn chưa quy trách nhiệm cho Havana về các vụ bị cho là tấn công đó, và chính phủ Cuba trước đó đã bác bỏ việc họ nhắm vào các nhân viên Tòa đại sứ.
Hoa Kỳ đã trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba và nói Havana đã không bảo vệ các nhân viên của mình, nhưng Cuba nói bước đi này là ‘không thỏa đáng’.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng đã tạm ngưng vô thời hạn việc xét hồ sơ visa tại Cuba.
Phát biểu tại Washington tại cuộc gặp với các kiều dân Cuba sinh sống tại Hoa Kỳ, ông Rodriguez nói rằng các cáo buộc đã khiến ‘quan hệ giữa hai chính phủ và hai quốc gia đi xuống trầm trọng’.
“Việc khiến nhân dân bị tổn hại do sự khác biệt giữa các chính phủ là điều không thể chấp nhận được, và là điều trái đạo đức, nhìn từ quan điểm của chính phủ Cuba,” ông nói thêm.
Các vấn đề sức khỏe mà nhân viên ngoại giao Mỹ tại Cuba gặp phải gồm từ việc có triệu chứng tổn thương nhẹ ở não, điếc, cho tới choáng váng, nôn nao.
Washington và Havana tái lập quan hệ vào năm 2015, sau 50 năm thù địch.
Sự bí hiểm ở Havana
Cuối 2016: Nhân viên Sứ quán Mỹ và ít nhất một người Canada bắt đầu có những triệu chứng
Tháng 5/2017: Hoa Kỳ trục xuất nhà ngoại giao Cuba vì lý do đã không bảo vệ được các nhân viên ngoại giao của mình
Tháng 8: Mỹ nói 16 nhân viên được điều trị, nhưng các vụ tấn công có vẻ như đã chấm dứt
Đầu tháng 9: Mỹ nói các vụ tấn công lại tiếp diễn và 19 nhân viên bị tổn thương
29/9: Washington rút toàn bộ nhân viên ngoại giao, cảnh báo các công dân Mỹ không tới Cuba và nói đã có 21 nhân viên Sứ quán bị tổn thương
3/10: Hoa Kỳ trục xuất các nhà ngoại giao Cuba khỏi Washington

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện