Tin Biển Đông – 29/10/2017

Tin Biển Đông – 29/10/2017

Pháp có nhiều lý do để quan tâm xung đột Biển Đông

Quốc PhươngBBC Tiếng Việt
Pháp có nhiều lý do để quan tâm tới Biển Đông và cuộc xung đột, tranh chấp ở vùng biển này, trong khi ‘biết rõ’ về Hoàng Sa và Trường Sa, theo một chuyên gia về lịch sử quốc phòng và hải quân đang làm việc ở Bộ Quốc Phòng nước này.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo về Biển Đông, xung đột và tiếp cận mới hồi hạ tuần tháng 10/2017 ở một Đại học tại Oxford, sử gia Alexandre Sheldon-Duplaix nêu quan điểm:
“Về mặt lịch sử, Pháp có liên quan, bởi vì trên thực tế, Pháp đã có lúc, tôi phải nói, là đã sở hữu các đảo từ những năm 1930, như quí vị biết, trước cuộc chiếm đóng của Nhật Bản vào năm 1939.
Sau Thế chiến II, vẫn với tư cách của một cường quốc thuộc địa, Pháp đã chiếm đóng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Pháp thậm chí đã cố gắng giữ Trường Sa sau khi đã công nhận nền độc lập của Việt Nam, cho đến năm 1955, 1956Sử gia Alexandre Sheldon-Duplaix
“Và kế tiếp đó, sau Thế chiến II, vẫn với tư cách của một cường quốc thuộc địa, Pháp đã chiếm đóng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Và Pháp thậm chí đã cố gắng giữ Trường Sa sau khi đã công nhận nền độc lập của Việt Nam, cho đến năm 1955, 1956.
“Nhưng sau đó, tôi muốn nói là trong tình hình hiện nay, rõ ràng Pháp quan tâm tới sự ổn định ở khu vực, do đó, về mặt ổn định và tránh xung đột là điều mà Pháp quan tâm nhiều hơn.”
Trước câu hỏi đâu là giải pháp khả thi cho cuộc xung đột ở Biển Đông hiện nay, nơi đã và đang diễn ra tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác, ông Sheldon-Dulplaix đáp:
“Tôi thực sự tin tưởng vào một cuộc đối thoại giữa các bên để xây dựng niềm tin.
“Vấn đề là các bên vẫn có chiều hướng giữ nguyên lập trường của mình và từ chối những nhượng bộ.”
Vấn đề sâu xa từ xung đột Biển Đông
Trình bày về khía cạnh, tiếp cận và mặt quan tâm nhất của Pháp trong theo dõi vấn đề xung đột và tranh chấp tại Biển Đông, nhà sử học về quốc phòng và hải quân của Pháp cho biết quan điểm cá nhân:
Pháp chắc chắn là ủng hộ thượng tôn pháp luật, tôi nói là luật quốc tế, pháp quyền sẽ là những vấn đề quan trọng đối với Pháp, cũng như các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu, để đảm bảo rằng Trung Quốc tuân theo thượng tôn pháp luậtSử gia Alexandre Sheldon-Duplaix
“Khi nhìn vào cuộc xung đột này, quí vị có thể thấy nhiều hơn là tuyên bố chủ quyền của những bên tuyên bố.
“Rõ ràng với Trung Quốc đó là những vấn đề rất ‘nội bộ’, bởi vì vấn đề này đã được đưa ra truyền thông và đây là một vấn đề hết sức quan trọng, chính phủ Trung Quốc phải rất cẩn thận để tỏ ra là có năng lực, có thể bảo vệ được lợi ích của đất nước họ.
“Và nếu quí vị nhìn vào Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sợ mất một số đồng minh hoặc đối tác trong khu vực, nếu Hoa Kỳ không chứng tỏ được sự sẵn lòng hoặc sự hiện diện của mình, vì đây là tính chính danh cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông.
“Nhưng đáp lại, quí vị thấy Trung Quốc đang xem sự hiện diện này [của Hoa Kỳ] ở cách xa bờ biển của họ như ý chí của Hoa Kỳ để ngăn chặn sự nổi lên của Trung Quốc.
“Do đó, nó đi xa hơn chỉ là vấn đề của Biển Đông.”
Trả lời câu hỏi đâu sẽ là đóng góp của Pháp cho các vấn đề, xung đột, tranh chấp ở vùng biển này, sử gia từ Bộ Quốc phòng của Pháp đáp:
“Pháp chắc chắn là ủng hộ thượng tôn pháp luật, tôi nói là luật quốc tế, pháp quyền sẽ là những vấn đề quan trọng đối với Pháp, cũng như các quốc gia khác trong Liên minh châu Âu (EU), để đảm bảo rằng Trung Quốc tuân theo thượng tôn pháp luật.
“Do đó, tôi nghĩ là đây phải là điều quan trọng nhất và rõ ràng là, như tôi đã nói, bất cứ một dạng xung đột nào cũng sẽ tạo ra những hệ quả, tác động không mong đợi về kinh tế của EU, mà mặc dù ở xa, thì đây vẫn là một quan ngại,” nhà nghiên cứu nói trên quan điểm riêng của ông.
Sử gia Alexandre Sheldon-Duplaix là Giám đốc Nghiên cứu tại Bộ Quốc phòng Pháp, chuyên về lịch sử quốc phòng, hải quân và hải dương.
Ông là tác giả của một số biên khảo, sách tham khảo, trong đó có “Lịch sử hàng không mẫu hạm – từ nguồn gốc tới ngày nay” (2006), “Trốn và tìm: Lịch sử chưa từng kể về tình báo trên biển thời Chiến tranh lạnh” (2009) v.v…
Mời quí vịbấm vào đường dẫn nàyđể theo dõi thêm một số trao đổi với chuyên gia quốc tế về Biển Đông hay tọa đàm cùng chủ đề của BBC Tiếng Việt.

TQ tuyên bố ‘xây cất ở Biển Đông là hợp lý’

Việc Trung Quốc xây cất, cơi nới ở Biển Đông là hợp lý và hợp pháp, phát ngôn viên quân đội Trung Quốc tuyên bố.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm 26/10, ông Nhậm Quốc Cường được trang web của kênh truyền hình China Global Television Network dẫn lời: “Về cái được gọi là sự triển khai quân sự tại Biển Nam Hải (cách Trung Quốc dùng để gọi Biển Đông), tôi muốn làm rõ rằng việc xây dựng ở các bãi đá trên Biển Nam Hải không phải là mở rộng việc triển khai quân sự.”
“Tình thế hiện thời ở Biển Nam Hải đang diễn biến rất tốt, và các bên cần tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Nam Hải,” ông nói thêm.
Đây là cuộc họp báo đầu tiên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau khi Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc.
Trước đó một hôm, lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã gặp gỡ quân đội lần đầu tiên kể từ sau khi Đại hội 19 công bố dàn lãnh đạo mới.
Ông Tập đã thúc giục quân đội hãy hướng tới đạt mục tiêu mà ông đề ra, theo đó vào giữa thế kỷ này sẽ trở thành các lực lượng có vũ trang đẳng cấp thế giới.
Hồi 2015, BBC đã nhìn thấy một đường băng mới của Trung Quốc trên Đá Vành Khăn
Chủ tịch Tập, người đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và là người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã coi việc hiện đại hóa quân đội là một chính sách chủ chốt. Ông muốn quân đội có các thiết bị tân tiến như phi cơ tàng hình và các hàng không mẫu hạm, gồm cả các sản phẩm đã có, đã đi vào hoạt động, và những thứ sẽ được phát triển, xây lắp mới.
Trong cuộc họp chính thức đầu tiên, diễn ra hôm thứ Tư 25/10, ông Tập đưa ra thông điệp thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa quân đội.
Quân đội cần phải đạt mức tiêu chuẩn thế giới vào năm 2050, ông Tập được truyền thông nhà nước trích lời, là mục tiêu mà ông đề ra trong phiên khai mạc Đại hội Đảng.
Tuy không có cuộc chiến nào trong vài thập niên qua, nhưng Trung Quốc đã luôn có quan điểm cứng rắn trong việc xác quyết chủ quyền ở các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông có tranh chấp, cũng như trong vấn đề Đài Loan.
Trung Quốc nói họ chỉ có mục đích hòa bình, nhưng việc hiện đại hóa quân đội là cần thiết, nhằm bảo vệ các lợi ích và các công dân Trung Quốc trên toàn cầu.
Trung Quốc cũng nói rằng sẽ không bao giờ nhân nhượng trong vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Các lực lượng có vũ trang cũng là nội dung trọng tâm trong cuộc chiến của ông Tập chống lại tình trạng tham nhũng; hàng chục quan chức cao cấp đã bị điều tra và bỏ tù, hãng tin Reuters bình luận.

Trung Cộng tính dùng drone

tiếp tế căn cứ quân sự trên Biển Đông

Trung Cộng đã cho thử nghiệm một máy bay không người lái cỡ lớn, dự trù dùng để vận chuyển hàng tiếp tế nhanh chóng từ đảo Hải Nam tới các căn cứ quân sự trên các đảo và bãi đá ở Biển Đông.
Thông Tấn Xã Việt Nam hôm Chủ Nhật 29/10 đưa tin một cách dửng dưng về sự việc này như một câu chuyện “thành công” về khoa học kỹ thuật, mà không nhắc đến bất cứ tuyên bố nào của các giới chức Trung Cộng. Nhật báo South China Morning Post (Hong Kong) trích dẫn một tuyên bố của Viện Vật Lý Nhiệt Công Trình thuộc Học Viện Khoa Học Trung Cộng ở Bắc Kinh rằng, “Máy bay không người lái này có những khả năng đáng kinh ngạc cho vận chuyển quân sự… và nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa hàng tiếp tế quân sự tới các đảo và bãi đá trên Biển Đông”. Học viện này từng tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu và dự án chế tạo cho quân đội Trung Cộng.
Được biết đây là loại máy bay không người lái AT200 sử dụng động cơ PT6A, 750 mã lực do công ty Pratt & Whitney Canada chế tạo và có thể bay xa tới 2,000km và mang chuyến hàng nặng 1.5 tấn. Cuộc thử nghiệm diễn ra hôm 26 tháng 10 tại phi trường Nội Phủ, tỉnh Thiểm Tây của Trung Cộng. Các giới chức Trung Cộng nhấn mạnh, máy bay này có thể hạ cánh xuống những đảo và bãi đá không có phi đạo. Theo tờ South China Morning Post, nếu cất cánh từ phi trường Tam Á trên đảo Hải Nam, máy bay này có thể bay tới quần đảo Hoàng Sa trong chỉ 1 giờ, và tới quần đảo Trường Sa trong 4 giờ.
Các cơ sở quân sự của Trung Cộng đặt tại các đảo và bãi đá mà nước này chiếm đóng rải rác khắp Biển Đông lâu nay lệ thuộc vào những chuyến tàu tiếp tế chở nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men và những phẩm vật cần thiết khác. Trong điều kiện thời tiết xấu, những chuyến hàng này có thể mất nhiều tuần mới tới được các đảo và bãi đá.
Huy Lam / SBTN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?