Tin khắp nơi – 28/10/2017

Tin khắp nơi – 28/10/2017

Mattis nói

Mỹ không thể chấp nhận Triều Tiên có vũ khí hạt nhân

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận một nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Ông Jim Mattis hôm thứ Bảy tại Seoul nói rằng các chương trình phát triển hạt nhân và phi đạn quyết liệt của Triều Tiên đang làm suy yếu an ninh của quốc gia bị cô lập này thay vì bảo đảm nó.
Ông Mattis cảnh báo Triều Tiên rằng quân đội của nước này không địch lại với sức mạnh quân sự của liên minh Mỹ và Hàn Quốc.
“Đừng lầm tưởng,” ông Mattis nói, “bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào Mỹ hoặc các đồng minh của chúng tôi sẽ bị đánh bại và bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào của miền Bắc cũng sẽ bị đáp trả bằng một phản ứng quân sự ồ ạt vừa hữu hiệu lại vừa áp đảo.”
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ một lần nữa nhắc lại điều mà ông đã nói suốt tuần trong chuyến công du Châu Á của ông rằng ngoại giao là phương sách được ưu tiên để đối phó với Triều Tiên.
Ông Mattis và Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đã tổ chức các cuộc tham vấn hàng năm với các quan chức quốc phòng Hàn Quốc hôm thứ Bảy, đánh dấu lần đầu tiên Hội nghị Tham vấn An ninh được tổ chức kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Hôm thứ Sáu, ông Mattis hội kiến Tổng thống Moon và nói chuyện với các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc tại “làng đình chiến” Panmunjom, nơi Hàn Quốc tiếp giáp Triều Tiên.
Chuyến đi Châu Á của ông Mattis bao gồm các điểm dừng chân ở Thái Lan và Philippines.

Tây Ban Nha giải thể Nghị viện Catalonia

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy quyết định giải thể Nghị viện Catalonia và kêu gọi tổ chức bầu cử địa phương sau khi các nghị sĩ Catalonia bỏ phiếu để tuyên bố độc lập.
Madrid cũng vừa ra thêm quyết định tước hết quyền lực của các nhân viên cảnh sát cao cấp nhất ở Catalonia. Các cuộc biểu tình chống việc ly khai diễn ra vào ban đêm.
Nhiều cuộc biểu tình khác dự kiến sẽ được tổ chức vào 28/10, với một cuộc diễu hành “cho sự thống nhất của Tây Ban Nha và vì Hiến pháp” sẽ được tổ chức tại Madrid.
Ông Rajoy nói rằng việc áp đặt trực trị chưa từng có tiền lệ với Catalonia là điều cần thiết để “phục hồi sự bình thường”.
Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Nghị viện Catalonia bỏ phiếu đồng ý tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha.
Ông Rajoy cũng sa thải lãnh đạo Carles Puigdemont của Catalonia và nội các của ông ta.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi lãnh đạo xứ Catalonia tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập, thách thức một phán quyết của Toà án Hiến pháp vốn đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp.
Chính phủ Catalonia nói trong số 43% cử tri đã bỏ phiếu, 90% ủng hộ độc lập. Những người khác tẩy chay cuộc bỏ phiếu sau khi phán quyết của tòa án.
Trước đó cùng ngày, Nghị viện Catalonia tuyên bố họ “lập ra nước Cộng hòa độc lập có chủ quyền”.
Động thái này đã nhận được sự ủng hộ với tỷ lệ 70-10 trong một cuộc bỏ phiếu bị các nghị sĩ đối lập tẩy chay.
Thủ tướng Tây Ban Nha nói gì?
Hôm 27/10, Thượng viện Tây Ban Nha cho phép chính quyền của ông Rajoy có quyền trực trị ở Catalonia, và sau cuộc họp nội các khẩn cấp, ông Rajoy công bố các quyết định cụ thể.
“Thủ hiến [Carles Puigdemont] có cơ hội quay lại với quy cách pháp chế và kêu gọi tổ chức bầu cử,” ông nói.
“Đó là điều mà đa số người Catalonia yêu cầu – nhưng ông ta đã không làm như vậy. Chính phủ Tây Ban Nha đang tiến hành những biện pháp cần thiết để đem lại trật tự pháp luật”.
Các cuộc bầu cử khu vực được lên kế hoạch vào ngày 21/12. Ông Rajoy cũng tuyên bố bãi nhiệm cảnh sát trưởng Catalonia.
Hành động nguy hiểm của Rajoy
Phân tích của phóng viên Sarah Rainsford, BBC News từ Madrid:
Thủ tướng Tây Ban Nha có lẽ đã hy vọng cảnh báo Catalonia không được tuyên bố độc lập sẽ là đủ. Bây giờ ông ta phải tuân theo cam kết của mình là áp đặt quyền trực trị, biết rằng điều này gây ra rủi ro cao.
Mariano Rajoy lập luận rằng những người ly khai Catalonia đã không cho ông ta lựa chọn. Ông đã phải hành động, đưa khu vực về với “pháp chế”. Nhưng thực sự điều đó sẽ phức tạp và cần chuẩn bị kỹ.
Đó là lý do tại sao ông Rajoy kêu gọi bình tĩnh ở Tây Ban Nha, sau khi Catalonia bỏ phiếu cho độc lập. Ông ấy đang hành động với sự hỗ trợ rộng rãi, từ các phe phái, và sự hậu thuẫn của công chúng.
Tại Madrid, nhiều người đã treo cờ quốc gia Tây Ban Nha từ cửa sổ và ban công của họ, để thể hiện sự ủng hộ của họ cho việc thống nhất đất nước.
Có một số người thông cảm cho nguyện vọng của Catalonia, chủ yếu là vì các cuộc đàn áp của cảnh sát trong suốt cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng hầu hết kêu gọi việc truy tố những người thúc đẩy sự độc lập. Đó là một động thái mà nhiều người Tây Ban Nha, như chính phủ của họ, cho là bất hợp pháp.

Catalunya độc lập: Cư dân tại chỗ kẻ mừng, người lo

Tại Catalunya, từ chiều qua 27/10/2017, hàng chục ngàn người tập hợp trên đường phố chào mừng một “nền Cộng Hòa độc lập” với khẩu hiệu “không khuất phục” chính quyền trung ương Tây Ban Nha.
Nhưng bên cạnh niềm vui sướng được sống “những giờ phút lịch sử” là tâm trạng lo âu như phóng sự của thông tín viên RFI Laetitia Farine, từ Barcelona cho thấy :
” Cách xa trung tâm lịch sử của Barcelonna, nơi phe đòi ly khai chào mừng một nền ‘độc lập’ mới chào đời, ở khu vực miền bắc thành phố, không khí yên lặng hơn nhiều. Dân cư ở đây tiếp tục với công việc hàng ngày, nhưng mọi người đều bàn tán xôn xao về quyết định trách rời Catalunya khỏi Tây Ban Nha. Đây là chủ đề nở trên đầu môi của tất cả mọi người và ở mọi nơi, từ ở công viên đến vỉa hè các quán cà phê.
Nhiều người tại đây không tán đồng chuyện tuyên bố một nền Cộng Hòa Catalunya Độc Lập. Miguel Sanchez, 65 tuổi, đã nghỉ hưu cho rằng, chính quyền cấp vùng đã đi quá trớn. Theo ông, nhẽ ra lãnh đạo vùng Catalunya nên tổ chức bầu cử lại, tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thực sự hợp pháp. Về phần Julissa Balladares, 36 tuổi, cô lo lắng nếu thực sự độc lập ngay bây giờ, Catalunya sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, nhất là về mặt kinh tế, nhẽ ra người dân tại đây phải được chuẩn bị trước. Julissa Balladares cho rằng, trong việc tuyên bố độc lập này, những người lao động và dân mới khổ chứ không phải là những người đã lấy quyết định đó.
Trong hai ngày cuối tuần, phe chống lại tuyên bố độc lập cho vùng Catalunya cũng có thể xuống đường để nói lên nguyện vọng của họ. Nhiều cuộc tập hợp được dự trù diễn ra tại Barcelona và Madrid.”
Về phản ứng quốc tế, toàn thể Liên Hiệp Châu Âu và cả Hoa Kỳ khẳng định “không công nhận tuyên bố độc lập của Catalunya”. Đối tác duy nhất của cả Luân Đôn, Berlin lẫn Paris hay Washington, vẫn là chính quyền Tây Ban Nha của thủ tướng Mariano Rajoy.

Washington công bố danh sách 39 công ty Nga bị trừng phạt

Dưới áp lực của Quốc Hội Mỹ, chính quyền của tổng thống Donald Trump, hôm 26/10/2017, đã đệ trình lên Quốc Hội danh sách 39 công ty sản xuất vũ khí của Nga bị cấm trao đổi thương mại, theo một đạo luật được ban hành hồi tháng 8.
Theo đó, trong vòng 60 ngày, bộ Ngoại Giao Mỹ sẽ phải lên danh sách các tổ chức của Nga liên quan tới lĩnh vực sản xuất vũ khí và tới các hoạt động tình báo. Trong số các công ty quân sự trên, có hai tập đoàn xuất khẩu vũ khí lớn, đó là Rosoboronexport và Kalachnikov.
Bất kỳ công ty nào tham gia vào các giao dịch mua bán “đáng kể” với các công ty và cơ quan trong danh sách trên đều có nguy bị Mỹ trừng phạt.
Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức cao cấp bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, việc áp dụng điều 231 trong đạo luật này nhằm vào các quan chức quốc phòng và tình báo Nga, đáp trả lại những “hành động nguy hại” của Matxcova liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraina, các cuộc tấn công mạng, cũng như các vụ vi phạm nhân quyền.
Trước đó, ngay từ khi chỉ là dự luật, tổng thống Trump đã lên tiếng phản đối, vì nó sẽ giới hạn quyền của ông được gairm bớt trừng phạt Nga khi cần thiết. Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng cho rằng, sự can thiệp của các nghị sĩ thông qua dự luật này là trái quy tắc, và đã phạm vào lĩnh vực hành pháp.
Tuy nhiên, tổng thống Trump đã phải miễn cưỡng kí ban hành dự luật trên hồi tháng 8, vì dự luật này nhận được sự ủng hộ áp đảo của các nghị sĩ hồi tháng 7.

Bắc Kinh cảnh báo Bình Nhưỡng

về nguy cơ nơi thử hạt nhân bị sụp

Các chuyên gia địa chất Trung Quốc vừa cảnh báo các đồng nghiệp Bắc Triều Tiên về nguy cơ khu vực gần biên giới Trung Quốc mà Bình Nhưỡng đã chọn để thử nghiệm hạt nhân bị sụp đổ với hệ quả thảm khốc. Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 28/10/2017, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa Chất và Địa Vật Lý Trung Quốc đã trực tiếp chuyển lời cảnh báo trên cho một phái đoàn Bắc Triều Tiên ở Bắc Kinh vào cuối tháng 9.
Theo các khoa học gia Trung Quốc, vùng núi Punggye Ri cách biên giới Trung Quốc khoảng 80 km, nơi Bắc Triều Tiên đã xây dựng cơ sở thử nghiệm hạt nhân sâu dưới lòng đất, có nguy cơ bị sụp xuống do các vụ nổ liên tiếp.
Sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố đã cho nổ một quả bom khinh khí tại cơ sở Punggye-ri vào ngày 03/09, một nhà khoa học hạt nhân kỳ cựu của Trung Quốc đã báo động rằng các vụ thử nghiệm trong tương lai tại cơ sở đó có thể thổi bay đỉnh núi và gây nên sụp đổ nghiêm trọng.
Không biết có phải vì những lời cảnh cáo trên đây hay không, mà hai ngày sau cuộc gặp của giới khoa học Trung-Triều tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho đã bất ngờ thông báo trước Liên Hiệp Quốc là Bình Nhưỡng có thể cho nổ một quả bom hydro « mạnh nhất » trên Thái Bình Dương, tức là ngoài trời chứ không phải dưới lòng đất như trước.
Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 mới đây của Bắc Triều Tiên được ước tính có sức công phá lớn hơn toàn bộ 5 vụ nổ nguyên tử trước đó. Sau vụ thử, nhiều trận động đất và sạt lở đất đã xảy ra ở nơi thử nghiệm, khiến nền đất ở khu vực này trở nên cực kỳ thiếu vững chắc.
Một số nhà khoa học Trung Quốc cho biết nguy cơ cả ngọn núi bị sụp xuống hiện lớn hơn bao giờ hết. Điều đáng sợ là nguy cơ chất phóng xạ rò rỉ và bay qua biên giới, gây hại cho Trung Quốc.
Đối với các chuyên gia Trung Quốc, nếu muốn tiếp tục thử nghiệm vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên phải tìm một địa điểm mới, khác với dãy núi Punggye Ri.

Tin nói các cáo buộc đầu tiên

trong vụ điều tra Nga đã được đệ trình

Một đại bồi thẩm đoàn liên bang hôm thứ Sáu đã chấp thuận những cáo buộc đầu tiên trong cuộc điều tra về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, truyền thông ở Mỹ dẫn các nguồn tin cho biết.
Bản cáo trạng được niêm phong theo lệnh của thẩm phán liên bang vì vậy không rõ những cáo buộc đó là gì và đối tượng bị nhắm tới là ai. Reuters dẫn một nguồn tin cho biết nó có thể được công bố sớm nhất là vào ngày thứ Hai.
Tin đại bồi thẩm đoàn ở Washington đệ trình những cáo buộc này được đài CNN loan đi đầu tiên vào tối thứ Sáu. Nguồn tin của CNN cho biết đối tượng có thể sẽ bị câu lưu sớm nhất là vào ngày thứ Hai.
Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận vào tháng 1 rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 để cố gắng giúp Tổng thống Donald Trump đánh bại ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton thông qua một chiến dịch tấn công tin tặc và rò rỉ những email gây bẽ mặt, và phát tán tuyên truyền qua mạng xã hội để làm mất uy tín chiến dịch tranh cử của bà.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang, đang điều tra liệu các quan chức của ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với những nỗ lực của Nga hay không.
“Nếu Công tố viên Đặc biệt thấy cần thiết và thỏa đáng, Công tố viên Đặc biệt có thẩm quyền truy tố những hình tội liên bang xuất phát từ cuộc điều tra những vấn đề này,” Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein nói trong một lá thư ngày 17 tháng 5 bổ nhiệm ông Mueller.
Các nguồn tin nắm rõ cuộc điều tra của ông Mueller cho biết ông đã sử dụng quyền lực rộng lớn này để điều tra những liên kết giữa các trợ lý của ông Trump và các chính phủ nước ngoài cũng như hoạt động rửa tiền, trốn thuế và các tội phạm tài chính khả dĩ khác.
Peter Carr, phát ngôn viên của ông Mueller, từ chối bình luận hôm thứ Sáu.
Ông Trump, đắc cử tổng thống vào tháng 11 năm ngoái trong tư cách ứng cử viên Đảng Cộng hòa, đã bác bỏ các cáo buộc nói rằng ban vận động của ông thông đồng với Nga và lên án các cuộc điều tra về vấn đề này là “săn lùng phù thủy” (ý nói ông bị truy bức về chính trị).
Điện Kremlin phủ nhận những cáo buộc này.
Cuộc điều tra của ông Mueller cũng bao gồm một nỗ lực nhằm xác định xem liệu ông Trump hay bất kỳ trợ lý nào của ông có tìm cách cản trở công lý hay không.
Đội ngũ điều tra của công tố viên đặc biệt đã tiến hành các cuộc phỏng vấn với cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, cựu phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer và các quan chức Nhà Trắng hiện nhiệm và tiền nhiệm khác.
Vào tháng 7, các đặc vụ FBI đã đột kích nhà riêng của cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, Paul Manafort, ở bang Virginia. Những giao dịch tài chính và bất động sản và công tác trước đây của ông Manafort cho một đảng chính trị thân Nga ở Ukraine đang bị đội ngũ của ông Mueller điều tra.
Ông Mueller được bổ nhiệm dẫn đầu cuộc điều tra một tuần sau khi ông Trump sa thải giám đốc FBI James Comey, người khi đó đang tiến hành một cuộc điều tra liên bang về sự thông đồng khả dĩ với Nga.
Ông Trump ban đầu nói ông sa thải ông Comey vì sự lãnh đạo kém cỏi của ông ta tại FBI, nhưng trong một cuộc phỏng vấn sau đó với đài NBC ông nhắc tới “cái vụ Nga này” là nguyên nhân.
Cuộc điều tra liên quan tới Nga đã phủ bóng lên nhiệm quyền tổng thống kéo dài chín tháng của ông Trump và khơi sâu sự chia rẽ đảng phái giữa những người theo Đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa hồi đầu tuần này đã khởi động các cuộc điều tra để xem xét những bất bình chính trị lâu nay của ông Trump, bao gồm cuộc điều tra của FBI về những email của Hillary Clinton và vai trò bị cáo buộc của bà trong việc bán uranium cho một công ty của Nga.
Đội ngũ của ông Mueller cũng đã điều tra Michael Flynn, người từng là cố vấn cho chiến dịch tranh cử của ông Trump và sau đó trở thành cố vấn an ninh quốc gia.
Ông Flynn bị sa thải khỏi vị trí đó vào tháng 2 sau khi nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về tầm mức của những cuộc trò chuyện của ông ta với đại sứ Nga Sergei Kislyak vào năm ngoái.
Khi còn trong ban vận động tranh cử của ông Trump, ông Flynn cũng có một hợp đồng trị giá 600.000 đôla từ một doanh nhân người Thổ Nhĩ Kỳ nhằm làm mất uy tín giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen sống ở Mỹ, người bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc khơi mào cuộc đảo chính bất thành vào tháng 7 năm 2016.

Facebook nói sẽ làm cho quảng cáo minh bạch hơn

Facebook hôm thứ Sáu nói rằng họ sẽ làm cho quảng cáo trên mạng của họ minh bạch hơn, giữa lúc nhiều sự chú ý đổ dồn vào tiền chi cho các quảng cáo chính trị đăng trên mạng xã hội.
Những đơn vị đăng quảng cáo sẽ buộc phải tiết lộ thông tin trong các quảng cáo liên quan đến bầu cử, với dòng chữ: “Được trả tiền bởi,” Facebook cho biết.
“Khi nói tới quảng cáo trên Facebook, mọi người phải biết được ai cho đăng quảng cáo và nhìn thấy những quảng cáo được đăng, đặc biệt là những quảng cáo chính trị,” Rob Goldman, phó chủ tịch phụ trách quảng cáo tại Facebook nói trong một bài blog.
Facebook, Twitter và Google trong mấy tuần gần đây nói rằng những hoạt vụ Nga đã mua quảng cáo và sử dụng tên giả trên các dịch vụ của họ để lan truyền những thông điệp gây chia rẽ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016.
Hôm thứ Ba, Twitter nói họ sẽ dán nhãn cho các quảng cáo có liên quan đến bầu cử và cho biết ai đứng đằng sau chúng, sau khi Mỹ dọa sẽ ra quy định quản lý liên quan tới việc không có thông tin về chi tiêu cho những quảng cáo chính trị trên mạng xã hội.
Twitter cũng cáo buộc hai kênh truyền thông của Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ và cấm họ mua các quảng cáo trên mạng của Twitter, sau khi có những chỉ trích Twitter đã không làm đủ để ngăn cản sự can thiệp quốc tế.
Facebook nói người dùng sẽ có thể xem các quảng cáo mà bất kỳ trang Facebook nào đang cho đăng, bất kể là họ có phải là đối tượng nhắm tới của quảng cáo này hay không.
Facebook cho biết họ sẽ bắt đầu thử nghiệm tính năng này ở Canada.
Trong một diễn biến có liên quan, các giám đốc điều hành của Facebook, Twitter và công ty Alphabet quản lý Google sẽ khai chứng vào thứ Ba tuần sau trước một phiên điều trần tiểu ban của Ủy ban Tư pháp Thượng viện vế các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

8 mẫu thiết kế bức tường Trump được giới thiệu ở California

Bức tường dọc theo biên giới ngăn cách Hoa Kỳ và Mêhicô là một trong những lời hứa hẹn mà tổng thống Donald Trump cam kết thực hiện, trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm ngoái. Một năm sau, bức tường này vẫn chưa hình thành, song 8 bản thiết kế mẫu cho bức tường này đã được dựng lên và giới thiệu hôm thứ 5 26/10/2017 ở phía nam California.
Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco
8 khối bê tông được dựng lên giữa sa mạc gần San Diego, mỗi khối có chiều cao khoảng 10m. Thực ra, 4 công ty cạnh tranh với nhau đã thiết kế các mẫu với những đặc tính khác nhau, nhằm lựa chọn ra mẫu thiết kế lý tưởng cho việc xây dựng bức tường Donald Trump kéo dài 3 000 km dọc theo biên giới giữa Hoa Kỳ và Mêhicô.
Trong vòng hai tháng, cảnh sát biên phòng sẽ lần lượt kiểm tra từng mẫu, xem mẫu thiết kế nào sẽ khiến người nhập cư khó vượt qua nhất. Một chiến lược, dù khiến cho các tổ chức phi chính phủ địa phương hoài nghi, song lại được cảnh sát biên phòng đánh giá là hiệu quả, nhằm chống lại nạn buôn ma túy và nạn buôn người.
Tuy nhiên, còn lâu nữa bức tường mới thực sự ra đời, do thiếu kinh phí. Chính quyền của tổng thống Trump muốn đưa vào ngân sách khoản tiền 1,8 tỷ đô la để bắt đầu quá trình xây dựng bức tường. Nhưng trước tiên, Quốc hội phải ủng hộ giải pháp này, và rất ít người ủng hộ đối với tổng chi phí xây bức tường, ước tính gần 20 tỷ đô la.
Về phần mình, tổng thống Donald Trump luôn muốn rằng Mêhicô phải chịu khoản kinh phí này. Chính phủ Mêhicô đã quyết liệt bác bỏ phương án này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện