Tin Việt Nam – 30/10/2017

Tin Việt Nam – 30/10/2017

Hai linh mục đi làm việc với xã bị đe dọa

Hai linh mục thuộc giáo phận Vinh gồm linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp và Giuse Nguyễn Ngọc Ngự- quản xứ Đông Kiều vào ngày 30 tháng 10 đã bị khoảng 300 người bao vây, đe dọa sau khi có cuộc làm việc với cơ quan chứa năng tại trụ sở Ủy ban Nhân dân Xã Diễn Mỹ. Nhóm người đe dọa hai vị linh mục được cho biết tự xưng là ‘Hội Cờ Đỏ’.
Linh mục Đa Minh Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp, vào lúc 6 giờ chiều ngày 30 tháng 10 nói với Đài Á Châu Tự Do :
Chúng tôi đến làm việc nhằm giải quyết ổn thỏa mọi việc nhưng các ông lại cho dân đến, bố trí- dàn dựng. Các ông lại nói là dân tự phát. Không thể có chuyện một cuộc làm việc giữa các người lớn với nhau mà lại để dân tự phát được.
Đén 4 giờ Công an tỉnh mới cho Cha Ngự vào trong xe. Sau đó tôi và cha Ngự cùng cha Thanh đi xe về nhưng giáo dân Đông Tháp dặn đừng đi vì có tin người ta chuẩn bị dao, kiếm và thậm chí thả dây điệ trần xuống đường. Thế nhưng sau đó chúng tôi đi và đến nay cha Ngự cũng về dưới đó bình an rồi.”
Theo những tin tức ghi nhận được từ các trang mạng xã hội thì trong khoảng thời gian một tháng trở lại đây có xuất hiện những nhóm người mệnh danh là Hội Cờ Đỏ, tổ chức những buổi tập hợp có mang nhiều cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm, mặc quần áo màu đỏ. Những nhóm người này dùng mạng xã hội để công kích các giáo xứ và giáo dân Công giáo.
Trên tài khoản Facebook của một người tên là Trần Nhật Quang, người ta thấy nhiều hình ảnh, video của các buổi tụ tập của Hội Cờ Đỏ. Ông Quang được nói là đã dùng những từ ngữ như là phản động, quạ đen để gọi các linh mục.
Hiện truyền thông nhà nước Việt Nam, cũng như giới chức địa phương các nơi có xảy ra hiện tượng này, chưa có lên tiếng chính thức gì về việc vừa nêu.
TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Quân khu 4
Trong khi tại địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra những cuộc tụ tập của nhóm mệnh danh ‘Hội Cờ đỏ’ như vừa nêu, ông Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 4, trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Nghệ An kéo dài 3 ngày từ ngày 28 đến ngày 30/10.
Truyền thông trong nước cho biết, tại buổi gặp mặt ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng kể từ sau Đại hội XII của Đảng, đất nước tiếp tục phát triển bền vững và chưa bao giờ có được cơ đồ như hiện nay. Ông cho biết năm nay kinh tế Việt Nam dự đoán sẽ đáp ứng được 13/13 chỉ tiêu đề ra, kể cả những chỉ tiêu khó mà trước đây chưa từng đạt được. Tuy nhiên, ông Tổng Bí thư cũng căn dặn rằng không vì thành tích như vậy mà chủ quan.
Ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng nhiệm vụ hàng đầu của quân khu 4 là xây dựng lực lượng tuyệt đối tin tưởng vào Trung ương, tuyệt đối trung thành với Đảng và tránh tự diễn biến tự chuyển hóa. Ông nhấn mạnh là không chỉ riêng quân khu 4 mà toàn bộ ngành quân đội phải một lòng theo Đảng.
Ông Trọng cũng có lời khen cho Quân khu 4 vì đã đấu tranh làm thất bại âm mưu lật đổ và phi chính trị hóa quân đội của các thế lực thù địch. Ngoài ra còn tăng cường mối quan hệ hữu nghị với các dân tộc Lào.
Buổi làm việc có sự góp mặt của ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính Trung ương, thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng các lãnh đạo tỉnh Nghệ An,…

Nghệ An: ‘Hội Cờ Đỏ’ tự phát nhưng được phép?

Một cuộc tụ tập rầm rộ với hàng trăm người mang theo hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng đã diễn ra vào chiều tối Chủ Nhật 29/10 tại xã Sơn Hải, Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Những người tham dự mặc áo đỏ, trán thắt băng đỏ tuần hành trên đường, rồi kéo tới khu vực đã dựng rạp quy mô lớn, có chăng băng-rôn, biểu ngữ, bên trong có kê sẵn bàn ghế, có đồ ăn thức uống.
Họ mang theo loa phóng thanh và phát các bản nhạc ‘đỏ’ khá ồn ào.
Giữa tiếng ồn ào huyên náo, một người đàn ông cầm loa phát biểu và gọi một số giáo sỹ địa phương là “quạ đen”.
“Từ tháng 4/2016, bọn cha cố quạ đen Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục đã lừa bịp giáo dân, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước,” người này nói trong sự cổ vũ nồng nhiệt của đám đông. “Chúng xuyên tạc nỗ lực khắc phục hậu quả môi trường của Đảng và Nhà nước.”
Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Phú yên tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An từng có các hoạt động phản đối công ty Formosa gây ra thảm họa môi trường biển tại miền Trung.
Ngư dân của hai xứ này, với sự dẫn dắt của các linh mục địa phương, đã làm đơn khởi kiện Formosa và nhiều lần xuống đường biểu tình chống Formosa.
Sự kiện mà những người này gọi là “ra mắt Liên minh Hội Cờ đỏ Bảo vệ An ninh Tổ quốc” chiều tối hôm Chủ Nhật diễn ra tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Được biết họ kéo đến từ Hà Nội và một số vùng lân cận.
Linh mục Đặng Hữu Nam từ Quỳnh Lưu hôm 30/10 nói với BBC rằng dù không xảy ra bạo lực, nhưng đám đông tụ tập cách nhà thờ Văn Thai chỉ 3m và “có nhiều hành động khiêu khích” khiến người dân trong giáo xứ “rất hoang mang”.
Tổ chức tự phát?
Chủ tịch UBND xã Sơn Hải hôm 30/10 cho BBC biết đây là một “tổ chức tự phát” và không xác nhận việc nhóm người tự xưng là Hội Cờ đỏ có được cấp phép để “ra mắt” trên địa bàn xã hay không.
Tuy nhiên, “họ có xin phép,” ông Trần Văn Hùng nói.
Các linh mục bị những người này lớn tiếng chỉ trích thì cho rằng đây là một tổ chức được chính quyền thừa nhận và hậu thuẫn.
Trước đó, UBND xã Sơn Hải hôm 25/10 đã thông báo cho đại diện ban điều hành giáo họ Văn Thai về việc sẽ có hoạt động của Hội Cờ Đỏ ở địa phương.
“Nếu hội này không phải do chính quyền thành lập thì tại sao chính quyền lại phải đi thông báo với chúng tôi?” linh mục Đặng Hữu Nam nói.
“Hơn nữa mấy cuộc tập kết trước đây [của họ] đều tiến hành trong trụ sở của chính quyền.”
“Không có tổ chức nào không được sự đồng ý của chính quyền lại vào trong trụ sở của chính quyền để làm việc,” linh mục Đặng Hữu Nam nói thêm.
Tiền lệ tốt cho các tổ chức xã hội dân sự khác?
Luật sư Trần Vũ Hải từ Hà Nội cùng ngày bình luận với BBC rằng nếu quả thực nhóm tự xưng là Hội Cờ Đỏ này được chính quyền địa phương cấp phép thì đây là một tiền lệ tốt cho các tổ chức xã hội dân sự khác.
“Tổ chức này nói tôi không chống chính quyền nên được cấp phép, thậm chí không cần xin phép thì sau này các tổ chức khác cũng nói tôi không chống chính quyền, thậm chí còn giúp cho chính quyền làm tốt hơn, thì tổ chức của tôi cũng có thể ra đời,” Luật sư Hải nói. “Chẳng hạn như trước đây [đã từng] có tổ chức chống tham nhũng của mấy cụ, trong đó có cụ Hoàng Minh Chính, sau đó bị giải tán.”
Luật sư Hải cho rằng nếu tổ chức này được chấp nhận thì giới chức cũng phải công nhận các tổ chức có khuynh hướng khác hoặc tương tự để đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
“Không phải tổ chức này thì tạo điều kiện trong khi tổ chức kia thì tìm cách cấm cản, thậm chí bắt bớ,” Luật sư Hải nói.
Tuy nhiên, đánh giá về những gì diễn ra, Tiến sỹ Nguyễn Quang A từ Hà Nội cho rằng không thể so sánh hoạt động của Hội Cờ Đỏ và hoạt động của các nhà dân chủ trước đây từng bị giải tán hoặc bắt bớ trong các “vụ tụ tập đông người”.
“Nếu Hội Cờ Đỏ xin phép và được phép của chính quyền thì điều đó chứng tỏ chính quyền muốn hợp thức hóa hoạt động của hội này,” ông nói.
Ông Quang A cho rằng đây là lời cảnh báo nguy hiểm cho xã hội vì chứng tỏ giới chức đang nuôi dưỡng những tổ chức bạo lực.
“Ban đầu là bạo lực “ngôn từ”, nhưng nếu được dung túng, nó có thể dẫn đến bạo lực bằng vũ khí.”
Ngày Chủ Nhật 29/10 là ngày diễn ra nhiều sự kiện đáng chú ý ở Nghệ An.
Lễ ra mắt của Hội Cờ Đỏ còn có một số thành viên từ Hà Nội và nhiều nơi khác kéo về.
Cùng ngày, Nghệ An cũng đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thăm và làm việc tại Quân khu 4.

Nguyễn Phú Trọng về thăm Nghệ An

cùng thời điểm hội cờ đỏ khủng bố giáo dân

Có lẽ không phải là tình cờ, khi sự kiện nhóm hội cờ đỏ đang tụ tập, khủng bố linh mục – giáo dân Nghệ An lại diễn ra đồng thời với sự kiện tổng bí thư CSVN Trọng về làm việc tại đây.
Theo tin từ Thanh Niên Công Giáo, sáng  30 tháng 10, 2017 Linh mục Đaminh Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp, và Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Ngự, quản xứ Đông Kiều được Ủy ban nhân dân xã Diễn Mỹ mời đến để làm việc, liên quan đến hội cờ đỏ lộng hành trong thời gian qua. Buổi làm việc diễn ra từ 8 giờ sáng đến 10 giờ cùng ngày. Khi làm việc xong, 2 Linh mục dự tính ra về, thì có khoảng 300 người của hội cờ đỏ đã vây quay ủy ban la hét, đe dọa 2 Linh mục, và không cho  về. Đến 11 giờ 40 phút giờ địa phương, hai linh mục vẫn còn kẹt lại tại ủy ban xã Diễn Mỹ.
Được biết, khi hai linh mục đi lên xã, những kẻ trong hội cờ đỏ đã đi quanh làng Diễn Mỹ, khu vực giáo xứ Đông Kiều la hét, đánh trống, kẻng…
Người dân cho rằng đây là ý đồ của chính quyền xã Diễn Mỹ, kết hợp với hội cờ đỏ để khủng bố tinh thần linh mục.
Trong khi đó, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, trong 2 ngày 28 và 29/10, tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng đã cùng nhiều lãnh đạo trung ương về thăm và làm việc tại Nghệ An. Chương trình làm việc chủ yếu là đi thăm các gia đình thuộc diện chính sách, có công với cách mạng.
Cũng cần nhắc lại rằng, vào tháng 4 2016, khi thảm họa môi trường Formosa bắt đầu diễn ra, Trọng cũng đã ngay lập tức đến thăm nhà máy Formosa mà không thăm hỏi người dân. Người dân tại các tỉnh chịu thảm họa đã nói rằng đảng CSVN đã đứng về phía Formosa chứ không phải về phía nạn nhân. Nay sự kiện tương tự tái diễn tại Nghệ An, giáo dân hiểu rằng chính quyền đang đứng đằng sau hội cờ đỏ, cho phép chúng khủng bố linh mục và giáo dân.

Linh mục cảnh báo Hội Cờ đỏ: ‘Giun xéo mãi cũng quằn’

Giáo dân, linh mục tại một số giáo xứ ở tỉnh Nghệ An cáo buộc một nhóm được chính quyền hậu thuẫn “khủng bố tinh thần” họ trong những ngày qua.
Linh mục Đặng Hữu Nam nói ông và các giáo dân hết sức kiềm chế, nhưng có toàn quyền tự vệ bằng những hình thức mạnh mẽ nhất theo pháp luật và Kinh Thánh.
Tin tức từ các nhân chứng tại hiện trường cho VOA hay chiều ngày 29/10, khoảng 700 thành viên của Hội Cờ đỏ đã tổ chức “gặp gỡ 3 miền” ngay sát giáo họ Văn Thai, giáo xứ Song Ngọc. Tại cuộc gặp, đám đông đã “la hét, chửi bới, xúc phạm” các linh mục và giáo dân.
Tiếp đó, vẫn theo các nhân chứng không muốn nêu danh tính, sáng ngày 30/10, linh mục Phạm Xuân Kế, quản hạt Đông Tháp, và Linh mục Nguyễn Ngọc Ngữ, quản xứ Đông Kiều, được chính quyền cấp xã “mời đến làm việc”. Nhưng sau khi buổi họp kết thúc, hai linh mục đã bị khoảng 300 người của Hội Cờ đỏ “bao vây, đe dọa”.
Trong lúc hai linh mục họp, những người của hội đã đi quanh một làng thuộc giáo xứ Đông Kiều hò hét, gây huyên náo.
Tôn chỉ mục đích [của hội Cờ đỏ] là đàn áp các giáo dân biểu tình, khiếu kiện Formosa, và ‘diệt giặc đạo’. Trong đó, họ có đề tên một số vị chức sắc, chỉ đích danh, đó là giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh; linh mục Đặng Hữu Nam, linh mục Nguyễn Đình Thục và mới đây họ thêm linh mục Nguyễn Ngọc Ngữ.
Linh mục Đặng Hữu Nam
Theo linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo phận Vinh, Nghệ An, Hội Cờ đỏ ra đời hồi tháng 5 năm nay sau khi giáo dân tổ chức nhiều cuộc biểu tình và khiếu kiện hãng Formosa của Đài Loan gây thảm họa ô nhiễm biển hồi cuối mùa xuân năm 2016.
Vị linh mục nói Hội Cờ đỏ bao gồm các thành viên của các hội được chính quyền công nhận lâu nay như hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, v.v…
Ông chỉ ra bản chất của hội này:
“Tôn chỉ mục đích là đàn áp các giáo dân biểu tình, khiếu kiện Formosa, và ‘diệt giặc đạo’. Trong đó, họ có đề tên một số vị chức sắc, chỉ đích danh, đó là giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh; linh mục Đặng Hữu Nam, linh mục Nguyễn Đình Thục và mới đây họ thêm linh mục Nguyễn Ngọc Ngữ”.
Các nhân chứng tại giáo xứ Đông Kiều và linh mục Nam cho VOA biết rằng Hội Cờ đỏ ngày 30/10 đã ném gạch đá vào nhà cũng như vào một số người dân ở trong giáo xứ, và những hành vi này đã được giáo dân chụp ảnh và ghi hình.
Ngoài ra, phía giáo xứ còn có những bằng chứng về việc người của hội xâm nhập tư gia bất hợp pháp, phá hoại tài sản hay đánh đập giáo dân, theo vị linh mục.
Dù cũng biết về những sự việc như vậy, nhà chức trách địa phương không có bất cứ động thái gì, linh mục Nam cáo buộc. Ông cho biết thêm:
“Những lúc Hội Cờ đỏ này đi phá làng phá xóm như thế đều có sự hiện diện của lực lượng chức năng, có cả cả công an mặc sắc phục đi theo. Ở Song Ngọc cũng như ở Đông Kiều cũng như vậy. Ngày hôm qua 29 và ngày hôm nay ở Đông Kiều, chúng ta thấy vẫn có bóng dáng của lực lượng chức năng. Nhưng có lẽ những người mang sắc phục của lực lượng chức năng đó đi để bảo vệ, hay là đi để minh chứng rằng họ đang bảo kê cho hội đó, chứ không phải đi để dẹp trật tự. Còn những lời phản đối hay tuyên bố của chúng tôi, nhà cầm quyền cứ để vào im lặng và không trả lời”.
VOA cố gắng liên lạc chính quyền địa phương để làm rõ các cáo buộc, nhưng không nhận được hồi đáp.
Một bản tin của BBC Việt ngữ dẫn lời chủ tịch UBND xã Sơn Hải, nơi xảy ra vụ việc, cho biết hôm 30/10 rằng Hội Cờ đỏ là một “tổ chức tự phát”. Vị chủ tịch không xác nhận việc hội này có được cấp phép để làm lễ gặp gỡ 3 miền trên địa bàn xã hay không.
Chúng tôi cũng nói ‘con giun giày lắm thì nó cũng quằn’. Luật hình sự của Việt Nam tôn trọng quyền tự vệ chính đáng. Luật của quốc tế cũng như công ước quốc tế cũng bảo vệ điều đó cho con người. Luật đạo cũng có những điều khoản, nếu hỏi rằng là có khi nào giết người mà không vi phạm luật không, thưa rằng có 3 hình thức mà người có đạo giết người không mắc tội.
Linh mục Đặng Hữu Nam
Các giáo dân hiện đang “hoang mang tột độ”, theo mô tả của linh mục Đặng Hữu Nam, trước tình trạng Hội Cờ đỏ đe dọa và khủng bố họ bằng nhiều hình thức.
Trong hoàn cảnh như vậy, một mặt các linh mục và giáo dân kêu gọi, nhắc nhở lẫn nhau “kiềm chế, ôn hòa, yêu thương và tha thứ”, song mặt khác, linh mục Nam nói những người thuộc các giáo xứ hoàn toàn có quyền tự vệ đến mức cao nhất theo luật pháp và Kinh Thánh:
“Chúng tôi cũng nói ‘con giun giày lắm thì nó cũng quằn’. Luật hình sự của Việt Nam tôn trọng quyền tự vệ chính đáng. Luật của quốc tế cũng như công ước quốc tế cũng bảo vệ điều đó cho con người. Luật đạo cũng có những điều khoản, nếu hỏi rằng là có khi nào giết người mà không vi phạm luật không, thưa rằng có 3 hình thức mà người có đạo giết người không mắc tội. Thứ nhất, khi cầm súng chiến đấu bảo vệ đất nước. Thứ hai, khi thi hành phán quyết công minh của một tòa án mà phán xử một người có tội. Thứ ba là khi phải chống lại kẻ toan giết ta mà ta không có cách nào khác”.
Những diễn biến mới nhất trong hai ngày gần đây làm nổi lên chất vấn từ nhiều người, thể hiện trên mạng xã hội, về tính công bằng của chính quyền Việt Nam đối với việc lập hội.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng trong khi Hội Cờ đỏ ra đời và hoạt động mạnh, việc lập hội của các thành phần khác trong xã hội, nhất là của một số tôn giáo gặp nhiều khó khăn.
Linh mục Đặng Hữu Nam thậm chí bày tỏ với VOA rằng những người có đạo bị xem là “công dân hạng hai” khi sống trong đất nước Việt Nam nằm dưới sự lãnh đạo của một đảng cộng sản duy nhất.
Báo cáo tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 8 năm nay có đoạn nói chính quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế hoạt động của các nhóm tôn giáo không được công nhận, và các lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là các nhóm không đăng ký và những người từ các dân tộc thiểu số, vẫn bị chính quyền sách nhiễu bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả tấn công hành hung, tạm giam ngắn hạn, truy tố và hạn chế đi lại.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đáp trả rằng báo cáo của Mỹ “trích dẫn thông tin sai lệch” cũng như có những “bình luận không khách quan”.

Xây nhà 200 triệu, mất 100 triệu tiền hối lộ cho quan chức xã

Với cách quản lý yếu kém và chỉ để thoả mãn lòng tham, chính quyền CSVN tại TPHCM đã dùng chiêu thức “xẻ thịt” đất trồng lúa ra bán tự do, còn họ thì vòi vĩnh, dọa nạt để “moi” tiền dân.
Nhiều người dân sống ở các phường, xã tại các địa bàn vùng ven như quận Bình Tân, Bình Chánh, Sài Gòn cho biết, để có một mảnh đất nhỏ làm nhà, trong khi thu nhập của mình thấp, họ đã phải mua những lô đất có nguồn gốc là đất trồng lúa. Việc mua bán này đã được chính quyền sở tại đồng ý, công chứng giấy tờ. Tuy nhiên, theo quy định thì đất trồng lúa không được phép xây dựng nhà ở. Nhưng vì nhu cầu chỗ ở và tạo điều kiện có sổ hộ khẩu để cho con đi học, nhiều người đã phải vay mượn hàng chục triệu đồng để đút lót cho cán bộ địa chính phường, xã để xây nhà.
Sự việc có lẽ chỉ dừng lại đây nếu như những nhân viên chính quyền này không quá tham lam và trơ trẽn, khi nhiều lần vòi vĩnh và doạ nạt người dân dù đã từng nhận tiền. Một người dân ở huyện Bình Chánh cho biết, hai vợ chồng bà tích cóp gần 20 năm mới mua được mảnh đất có diện tích 60m2 tại Bình Chánh với giá 100 triệu đồng. Sau đó, bà vay mượn thêm được hơn 200 triệu đồng để xây căn nhà cấp 4. Để xây được nhà, gia đình bà phải mất 70 triệu đồng tiền đút lót cho quan chức xã. 2 năm sau, cán bộ địa chính xã nhận số tiền trên đã nghỉ hưu. Người khác về nhận vị trí này liền tới yêu cầu gia đình bà phải đưa cho ông ta 100 triệu đồng, nếu không ông ta sẽ cho người xuống phá nhà, vì nhà xây trái phép. Dù bất mãn nhưng lại sợ nhà bị phá, nên bà đã vay mượn 30 triệu đồng để đưa cho nhân viên địa chính này.
Theo người dân thì tình trạng vòi vĩnh này rất phổ biến ở các khu dân cư xây nhà trên đất lúa.
An Nhiên / SBTN

Lương hưu cô giáo ‘thấp mạt hạng’ là bất công

Chuyện một số giáo viên mầm non đi làm cả cuộc đời nhận mức lương hưu “thấp hơn mức lương phổ thông rất nhiều” thật là “chua chát”, một giáo viên đại học đã nghỉ hưu nói với BBC từ TP Hồ Chí Minh hôm 30/10.
Báo chí Việt Nam đưa tin giáo viên mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh “khóc không thành tiếng” và Nguyễn Thị Vỹ ở Nghệ An “sụt 4kg” khi nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương hưu xấp xỉ 1,3 triệu đồng/tháng sau nhiều năm giảng dạy.
Mặc dù mức lương hưu của hai cô giáo này được tính theo đúng quy định, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh, người từng là giáo viên dạy tiếng Anh lâu năm, cho rằng giới chức trong ngành giáo dục cần lên tiếng để thay đổi chính sách và “không thể để cho nhà giáo nhận mức lương ‘mạt hạng’ như vậy”.
Theo tờ Dân Trí, Cô giáo Trương Thị Lan đã đóng bảo hiểm 22 năm 8 tháng trong suốt 37 năm giảng dạy tại trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Sau khi xin nghỉ hưu vào tháng 9, phía bảo hiểm xã hội ra quyết định số tiền hưu trí của bà Lan là 1,268 triệu/tháng và “được nhà nước cho bù thêm 32 ngàn đồng” làm tròn thành 1,3 triệu/tháng.
Cô giáo Nguyễn Thị Vỹ đóng bảo hiểm 22 năm 5 tháng trong 33 năm giảng dạy tại trường mầm non Nam Xuân, xã Nam Xuân, Nam Đàn, Nghệ An.
Quyết định nghỉ hưu của cô viết mức lương hưu trí bà được hưởng là 1,356 triệu đồng/tháng, tờ Pháp Luật đưa tin.
Lương hưu thấp ”theo đúng quy định”?
Tình trạng giáo viên mầm non nhận lương hưu rất thấp không phải là hiếm. Tiến Sỹ Vũ Thị Phương Anh nói với BBC bà thấy thật “chua chát” về điều này.
“Mức lương của hai cô giáo đó còn thấp hơn lao động phổ thông. Ở TP HCM, một ngày lao động phổ thông, nếu hơi nặng nhọc một chút, không thể trả thấp hơn 200,000/ngày, tức là 6 triệu/tháng. Tuy nhiên tôi hiểu tại sao các cô giáo lại có mức lương ấy và lại có phản ứng như thế,” bà bình luận.
Tiến Sỹ Vũ Thị Phương Anh nói mức lương hưu cho hai cô giáo trên đã được tính đúng theo quy định hiện nay, vì lương hưu tính theo mức lương cơ bản, vốn “thấp một cách vô lý” đối với các giáo viên mầm non, những người “lao động rất cực nhọc”.
Vì không ai sống được bằng lương cơ bản, các trường từ mầm non đến đại học thường có cách để “tăng thêm thu nhập cho giáo viên một cách hợp pháp” khi họ còn đương nhiệm. Nhưng bảo hiểm xã hội chỉ được đóng trên mức lương cơ bản nên mức lương hưu có sự chênh lệch lớn so với lương trước khi nghỉ hưu.
Bình luận về phản ứng của hai cô giáo khi biết được mức lương hưu của mình, bà Phương Anh cho rằng không chỉ hai cô giáo đó mà nhiều giáo viên bất ngờ vì mức lương hưu của mình.
Một phần có thể do họ thiếu thông tin, một phần do cách tính lương hưu của bảo hiểm có sự thay đổi trong những năm qua.
Có thời điểm lương hưu được tính theo mức lương năm năm cuối, nhưng sau đó quy định thay đổi lại là tính bình quân cả quá trình công tác nên lương hưu cuối cùng rất thấp, bà Phương Anh cho biết.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trả lời câu hỏi của BBC ai chịu trách nhiệm về mức lương hưu quá thấp của giáo viên mầm non nói chung, sau khi đã có nhiều năm cống hiến cho ngành, TS Vũ Thị Phương Anh nói:
“Trách nhiệm là ở nhiều phía, nhưng trước hết là Bộ giáo dục và Sở giáo dục phải có tiếng nói, không thể để cho nhà giáo nhận mức lương ‘mạt hạng’ như vậy.
Các vụ trưởng, hay những người làm trong nghề giáo mà có chức vụ phải lên tiếng. [Không thể cho rằng] nhà nước quy định như vậy thì phải chịu thôi. Mình phải bảo vệ nghề của mình để còn thu hút được những người muốn vào nghề và giữ được những người có lòng yêu nghề. Mình phải bảo vệ được cái hình ảnh của mình.”
Các vụ trưởng, hay những người làm trong nghề giáo mà có chức vụ phải lên tiếng. Mình phải bảo vệ nghề của mình để còn thu hút được những người muốn vào nghề và giữ được những người có lòng yêu nghềTS Vũ Thị Phương Anh
“Một vấn đề lớn hơn, vấn đề của chính phủ là tại sao lại để cho có những quy định như vậy?”, bà Phương Anh nói tiếp.
Năm nay trong kỳ thi đại học, các ngành quân đội có điểm chuẩn rất cao còn các trường sư phạm có điểm chuẩn thấp cũng “là điều dễ hiểu”. Theo bà, cán bộ trong ngành quân đội được rất nhiều quyền lợi, trong khi những người trong ngành giáo, cũng được coi là “người của nhà nước” lại có mức đãi ngộ quá thấp.
Một giáo viên trong ngành quân đội, theo bà Phương Anh, có mức lương cao gấp 2-3 lần giáo viên dân sự. Đây là một sự bất công trong xã hội.
Ngoài ra, bà cũng cho rằng, cách sử dụng quỹ tiền lương bảo hiểm xã hội cần được minh bạch hơn.
“Tại sao lại có chuyện vỡ quỹ bảo hiểm?” bà Phương Anh đặt câu hỏi. “Tiền giữ của người ta mấy chục năm, khi thiếu tiền thì thay đổi chính sách để người lao động bị ảnh hưởng.”
Bà cho rằng nếu không ai lên tiếng và chính sách không thay đổi thì hậu quả là không ai muốn vào ngành giáo nữa.

Vụ Khaisilk: Chính quyền ‘mở rộng điều tra’

Bộ Công Thương Việt Nam thành lập “đoàn kiểm tra liên ngành”, trong đó có công an, để làm rõ “dấu hiệu vi phạm” của công ty Khaisilk sau cáo buộc “xuất sứ Trung Quốc” của sản phẩm khăn lụa.
Đây là một phần nội dung văn bản của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hôm 30/10.
Tranh cãi nảy sinh từ cáo buộc có khăn lụa xuất xứ Trung Quốc nhưng lại in nhãn mác “Made in Vietnam” ở cửa hàng Khaisilk tại số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hôm 30/10 chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ cửa hàng 113 Hàng Gai sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội.
Ông Trần Tuấn Anh cũng nói sẽ thành lập “đoàn kiểm tra liên ngành”, trong đó có công an, để làm rõ “dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “đề nghị” chính quyền Hà Nội và TPHCM “làm rõ dấu hiệu vi phạm” của Tập đoàn Khaisilk.
Vụ việc ở cửa hàng Hàng Gai
Theo báo cáo ban đầu của Cục Quản lý thị trường, sau khi kiểm tra số 113 Hàng Gai, họ đã tạm giữ 56 chiếc khăn vuông lụa tơ tằm loại 50cmx50cm nhãn “Khaisilk Made in Viet Nam”.
Theo tin đến giờ, cửa hàng này nói rằng do nhu cầu “đột biến”, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua 60 khăn vuông lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc “Made in China”, sau đó khâu nhãn “Khaisilk Made in Viet Nam” để bán cho khách hàng.
4 chiếc đã bán, và còn tồn 56 chiếc, bị giới chức tạm thu giữ.
Sau vụ việc ở Hàng Gai, theo truyền thông Việt Nam, chủ Tập đoàn Khaisilk, ông Hoàng Khải, đã thừa nhận việc Khaisilk nhập khăn Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam từ giữa những năm 1990.

VN Pharma: Tòa phúc thẩm hủy án để điều tra lại

TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh hôm 30/10 đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma, để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Quyết định của tòa phúc thẩm đưa ra hôm 30/10, sau 10 ngày xét xử và nghị án.
Theo bản án sơ thẩm, VN Pharma đã nhập thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa ung thư về Việt Nam, nhưng làm giả giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc và nâng giá thuốc.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty Thương mại và hàng hải quốc tế H&C) cùng bị TAND TPHCM tuyên 12 năm tù về tội buôn lậu.
Nhưng Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TPHCM có văn bản kháng nghị vì cho rằng vụ án chưa được các cơ quan chức năng điều tra một cách toàn diện.
Điều tra lại có ‘bán hàng giả’ không
Hội đồng Xét xử nói hai tội bị xử ở phiên sơ thẩm – “Buôn lậu”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” – là “chưa đầy đủ, toàn diện, chưa phản ánh đúng bản chất vụ án”.
Vì thế, hình phạt ở phiên sơ thẩm bị tòa phúc thẩm cho là “quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội”.
Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn lời hội đồng xét xử cho rằng để nhập khẩu được lô thuốc về Việt Nam, các bị cáo đã làm và sử dụng một loạt con dấu, giấy tờ giả.
“Ý thức của các bị cáo… là để bán hàng giả nhằm thu lợi bất chính bất chấp hậu quả xảy ra,” báo này tường thuật lời hội đồng xét xử.
Còn tờ Công an Nhân dân cũng dẫn lời hội đồng xét xử nói “về ý chí các bị cáo đã phạm tội buôn bán hàng giả”.
Tuy nhiên, để có đủ căn cứ kết luận tội danh các bị cáo cần thiết cần thiết phải điều tra lại, theo hội đồng xét xử.
Cục Quản lý dược
Tòa nhận định lãnh đạo Cục Quản lý dược đã “tắc trách”, theo tường thuật của báo Công an TPHCM.
Tờ báo dẫn lời tòa cho rằng Cục Quản lý dược chỉ nhận hồ sơ VN Pharma đưa lên, không thẩm định nguồn gốc, xuất xứ mà duyệt cấp phép là “sai phạm nghiêm trọng”.
Ngoài lô thuốc bị phát hiện, Cục Quản lý dược đã cấp phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành đối với 7 loại thuốc khác. Sau khi vụ án bị phát hiện, Cục Quản lý dược mới thu lại giấy phép đã cấp trước đó.
Câu hỏi thuốc H-Capita có phải thuốc giả hay không dường như là tranh cãi lớn nhất từ vụ án.
Bộ Y tế cho rằng đây là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả như Viện Kiểm sát cáo buộc.
7,5 tỷ đồng cho ai?
Một câu hỏi khác từ phiên sơ thẩm là việc làm rõ 7,5 tỷ đồng Công ty VN Pharma chi cho các bác sĩ, bệnh viện để tiêu thụ thuốc.
Khi ra phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) phủ nhận lời khai về việc chi 7,5 tỷ đồng tiền hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện được Công ty cổ phần VN Pharma phân phối thuốc.
Tuy nhiên, tòa lại công bố lời khai của nhân viên Công ty cổ phần VN Pharma, theo đó lãnh đạo công ty đã duyệt chi tiền hoa hồng cho bác sĩ.
Tòa phúc thẩm nay yêu cầu làm rõ việc khoản tiền 7,5 tỷ đồng chi cho những lô thuốc nào, làm rõ những người có liên quan trong việc chi khoản tiền này.
Vụ án bắt đầu từ khoảng năm 2013, khi ông Nguyễn Minh Hùng, thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường, đặt mua thuốc tân dược của hãng Helix Pharmaceuticals (Canada).
Tuy nhiên, sau này tại tòa, Bộ Ngoại giao đã có công văn trả lời công ty Helix không có thật
Theo Bộ Công an, từ 2013 đến 19/9/2014, VN Pharma đã làm giả giấy tờ, con dấu để được Bộ y tế cấp phép nhập khẩu thuốc và buôn lậu 9.300 hộp thuốc Capicitabine 500mg không rõ nguồn gốc.
Từ tháng 9/2014, Bộ Công an khởi tố vụ án buôn lậu xảy ra tại VN Pharma rồi lần lượt khởi tố, bắt tạm giam nhiều người.

Từ chuyện cấm cửa Bitcoin

nghĩ tới tương lai đảng Cộng sản Việt Nam

Tuần qua tại Việt Nam, ngoài chuyện tuần lễ cấp cao APEC sắp diễn ra tại thành phố biển Đà Nẵng được nhiều giới quan tâm, chuyện đồng Bitcoin bị cấm lưu hành tại Việt Nam và lời đồn thổi sắp có đổi tiền tại Việt Nam cũng là một trong các thông tin gây sóng dư luận. Như vậy, vấn đề cần đặt ra ở đây là tại sao Việt Nam không cho dùng đồng Bitcoin? Và khả năng đổi tiền có thật hay không?
Ở vấn đề thứ nhất, vì sao Bitcoin không được dùng tại Việt Nam? Điều này không khó hiểu, bởi chỉ trong vòng chưa đầy mười lăm năm, kể từ khi đồng đô la Mỹ xuất hiện trên thị trường Việt Nam một cách rộng rãi thì tuy bản thân đồng đô la không hề có cuộc cạnh tranh nào với đồng Hồ Chí Minh nhưng đồng Hồ Chí Minh ngày càng rớt giá và khả năng tích lũy bằng đồng Hồ Chí Minh nhét ống tre, cất trong tủ, ký gởi ngân hàng đều bị thay thế bằng việc tích lũy vàng và đô la. Điều này nhanh chóng đẩy chính phủ xuống chỗ không còn uy tín trong nhân dân.
Cũng xin nhấn mạnh là ở đây, đồng đô la Mỹ phát triển một cách bình thường trong rổ tiền tệ quốc tế, thậm chí có phần tuột dốc trong giai đoạn 2009 – 2010 khi nền kinh tế Mỹ bị khủng hoảng. Nhưng tại Việt Nam, nó vẫn đủ khả năng “dìm hàng” đồng Hồ Chí Minh. Vì sao?
Vì bản thân đồng Hồ Chí Minh (còn gọi là Việt Nam đồng) là một đồng tiền độc tài. Sự độc tài của nó nằm ở sự liên tục rớt giá một cách có chủ ý. Và mỗi lần đồng Hồ Chí Minh rớt giá là một lần đảng và chính phủ CSVN tự xóa bỏ một đống nợ đối với nhân dân. Ví dụ, những năm đầu sau 30 tháng 4 năm 1975, đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa là đồng tiền có định giá quốc tế, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã cho đổi với tỉ lệ 1 đồng Hồ Chí Minh lúc đó lấy 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa. Nghĩa là một đồng Hồ Chí Minh tương đương 1 đô la Mỹ. Với số lượng tiền thu về, khi mà ngân hàng Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn hữu dụng ở một số quốc gia, nhà nước Cộng sản có thể thương lượng, đổi chác, mang về một số tư bản không hề nhỏ.
Và để có một đồng Hồ Chí Minh, người ta mất ít nhất một chỉ vàng. Nhưng đến năm 1985, thêm một lần đổi tiền mới, tỉ lệ 10 đồng cũ ăn 1 đồng mới. Sau khi đổi tiền, nếu hoán đổi ra vàng, trước đây người ta bán 1 lượng vàng để có chừng 10 đồng, sau vài năm, 10 đồng mua chưa được một chỉ vàng. Cứ như vậy, đến thời điểm hiện tại, tờ bạc mệnh giá lớn nhất là 500,000 đồng chưa mua được 1/6 chỉ vàng. Giả sử lúc mới đổi tiền, người ta bán hàng chục lượng vàng để gởi tiết kiệm, mua công trái, trái phiếu chính phủ, thì hiện tại, số tiền cả lãi lẫn gốc của công trái, trái phiếu cũng chừng 500,000 đồng và mua chưa được 1/6 chỉ vàng. Cũng xin nói thêm, điểm cuối mà vàng trong nhân dân phải về chính là cái nơi phát hành tờ giấy bạc, không ai khác ngoài kho bạc nhà nước và ngân hàng nhà nước.
Chỉ bằng một động tác đơn giản, thả rông đồng tiền trượt giá, chính phủ và đảng Cộng sản Việt Nam đã quỵt được hàng khối nợ với nhân dân. Bởi bản chất của tiền tệ là nhà nước nợ nhân dân, nhà nước in ra một tờ giấy nợ gọi là tiền và áp đặt người dân phải dùng tờ giấy nợ đó để trao đổi, giao thương. Để có tờ giấy nợ đó, người dân phải bỏ ra tài sản từ vàng bạc đến heo gà, trâu bò… và cả sức lao động. Nhưng muốn xóa nợ, nhà nước chỉ cần thu hẹp giá trị của nó lại là xong. Chính vì bản chất quỵt nợ của dân mà ngân hàng và kho bạc nhà nước rất sợ những đồng tiền mang giá trị phổ quát. Đồng Bitcoin là một ví dụ.
Bởi một khi các trường học, xí nghiệp, công sở chấp nhận dùng đồng Bitcoin để thanh toán, điều đó cũng đồng nghĩa với các luồng thanh khoản tự linh động và nới rộng biên độ, thanh khoản Việt Nam sẽ bước vào sân chơi lớn của thanh khoản quốc tế, ngân hàng nhà nước và kho bạc nhà nước không còn giữ được vai trò độc quyền quản lý (mà có muốn quản lý cũng không được nữa), trở thành cơ quan đổi tiền lẻ để mua bán trên thị thị trường nhỏ lẻ. Ví dụ như người ta đổi từ Bitcoin hay USD ra tiền Việt để mua cá ngoài chợ, mua con vịt, con gà ở quê. Hệ quả của việc này là nhà nước, đảng Cộng sản Việt Nam sẽ đánh mất quyền lực độc tài. Bởi một khi không làm chủ, khộng kiểm soát và điều tiết được dòng chảy tiền tệ thì chắc chắn sẽ rất khó để nắm vững quyền lực chính trị.
Nhìn thì đơn giản như vậy nhưng thực tế, đồng Bitcoin và đồng USD đang lấy dần quyền lực độc tài của đảng Cộng sản. Chính vì thấy được điều này nên nhà nước Cộng sản Việt Nam buộc phải cấm cửa tuyệt đối đồng Bitcoin như họ từng cấm tư nhân mua bán, trao đổi đồng USD cách đây vài năm. Nhưng có một sai lầm mà đảng Cộng sản, chính phủ Cộng sản mắc phải, đó là thay vì đổi mới bản thân, đổi mới cơ chế để đuổi kịp dòng chảy thời đại thì người ta lại đắp đập, ngăn dòng chảy thời đại để nó ngưng tụ trong cái ao cơ chế của họ. Liệu họ đắp đập, ngăn dòng chảy này được bao lâu? Và khi đập bị vỡ thì họ sẽ ứng xử như thế nào? Thật khó để đoán định được hậu quả của hành vi này!
Và cuộc chơi này, rất có thể đảng và chính phủ Cộng sản sẽ thua nếu họ tiếp tục chọn cách chơi đắp đập, ngăn chặn trong khi còn nhiều cách chơi khác vừa có lợi cho đảng, chính phủ Cộng sản lại vừa có lợi, tạo lực đẩy cho dân tộc. Chặn đồng Bitcoin là một lựa chọn sai lầm mà Thống đốc ngân hàng Việt Nam cùng với bộ sậu của ông ta đã quyết định bởi không nghĩ ra được cách gì hay hơn. Và giả sử tiếp tục chọn đổi tiền, thì không ai khác, chính đội ngũ các chuyên gia của chính quyền Cộng sản đã phản phé, đã đánh úp chủ nhân của họ. Nhưng mọi việc cũng còn quá sớm để đoán định bất kỳ chuyện gì.
Nhưng có một thực tế mà đảng Cộng sản Việt Nam đang mắc phải, đó là quá trình phát triển đất nước, phát triển sức mạnh của đảng lại gắn liền với quá trình trương nở những kẻ ăn hại. Thường thì những kẻ ăn hại bao giờ cũng tỏ ra năng nỗ, nhiệt tình, trung thành, vì cái chung… Họ tìm cách thể hiện mọi cái tốt để chờ thời cơ. Khi thời cơ đến, họ sẵn sàng đánh úp và trở cờ, miễn sao có lợi nhất cho họ. Và những biểu hiện đấu tố, hung hăng của các đội cờ đỏ, dư luận viên trong lúc nhà nước ra sức kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc hoặc những chuyên gia cổ xúy độc quyền, độc tài tiền tệ trong lúc nhà nước, chính phủ đang cố gắng bước vào sân chơi thương mại khu vực và quốc tế… Đó không phải là lũ ăn hại của đảng, của chính phủ thì chẳng biết gọi chúng là gì?!
Rất tiếc là đám ăn hại này lại đang lớn mạnh đến mức có thể tấn công vào hệ thống chính trị Cộng sản Việt Nam bằng những mũi dùi kinh tế chính trị có bọc kẹo đường “bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ”. Và những viên kẹo cũng đang ngấm dần vào cơ thể đảng, nhà nước Cộng sản. Điều này hoàn toàn bất lợi cho quốc gia, dân tộc. Bởi một khi chúng đủ lớn mạnh và lật đổ chế độ, sẽ có một loại độc tài mới, gian manh và độc ác gấp nhiều lần những gì đang nhìn thấy, đang có.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Một chút so sánh giữa đảng cộng sản Trung Quốc

và đảng cộng sản Việt Nam

Song Chi
Đại hội lần thứ 19 của đảng cộng sản Trung Quốc đã kết thúc cùng với việc vị thế của Tâp Cận Bình được nâng lên ngang với Mao Trạch Đông và hơn cả Đặng Tiểu Bình, khi tư tưởng của Tập, “Tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình” được đưa vào điều lệ đảng (trước đây, chỉ có Mao là lãnh đạo còn đương quyền khi tư tưởng của Mao được đưa vào văn bản. “Lý luận Đặng Tiểu Bình” chỉ được nêu trong điều lệ Đảng sau khi Đặng qua đời năm 1997). Đồng thời, Trung Quốc cũng rủ bỏ chính sách “náu mình chờ thời” của họ Đặng, công khai bộc lộ ý đồ muốn vươn lên thành một siêu cường, muốn tham gia nhiều hơn vào công việc của thế giới.
Cùng là 2 đảng cộng sản, cùng đi theo mô hình độc đảng độc tài có pha chất phong kiến lạc hậu cộng chất tư bản thời kỳ man rợ, nhưng đảng cộng sản TQ thông qua những nhân vật lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược hàng trăm năm và có tham vọng rất lớn cho đất nước, nên TQ phát triển trở thành một cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, một quốc gia có sức mạnh quân sự đáng gờm, và đang có tham vọng sẽ lãnh đạo toàn thế giới kể từ năm 2050 (Tất nhiên vì là một nước độc tài chuyên chế nên trong nội bộ Trung Quốc vẫn chứa đựng rất nhiểu khiếm khuyết, mâu thuẫn, bất ổn…có khả năng sẽ làm sụp đổ quốc gia khổng lồ này, như đã từng xảy ra với những quốc gia độc tài chuyên chế khác trong lịch sử, khi người dân không có tự do, dân chủ, nhân quyền bị chà đạp, khoảng cách giàu nghèo quá lớn và xã hội đầy rẫy những bất công).
Trong khi đó, đảng cộng sản VN, qua bao nhiêu đời lãnh đạo, không có ai thực sự có tầm nhìn xa, có tham vọng lớn, nên chỉ toàn đóng vai trò đàn em, phụ thuộc. Suốt hai cuộc chiến tranh chống Mỹ chống Pháp thì tồn tại và “chiến thắng” nhờ vào sự viện trợ mọi mặt của Liên Xô, Trung Quốc; về kinh tế, mô hình thể chế chính trị, thì hết sao chép mô hình của Liên Xô thời bao cấp lại copy mô hình “kinh tế thị trường có sự kiểm soát chặt chẽ của đảng cộng sản” của Tàu…Nhưng là những phiên bản copy kém cỏi hơn hẳn!
Có thể hiểu được tại sao nhiều người Trung Quốc, nhất là thế hệ sinh ra khi quốc gia này đã phát triển về kinh tế, vẫn cảm thấy tin tưởng vào đảng cộng sản Trung Quốc, và không quan tâm nhiều đến những khái niệm như quyền tự do, dân chủ, đa đảng, tam quyền pháp trị…Trong mắt họ, dù sao đảng cộng sản cũng đã làm cho Trung Quốc trở nên giàu mạnh, có vị thế trên thế giới, còn những khái niệm xa xỉ kia họ không cần, khi họ có thể thoải mái kiếm tiền, xài tiền, đi du lịch khắp thế giới còn con cái họ thì đang học tại những trường đại học tốt nhất trên thế giới.
Còn người Việt? Chúng ta không có bất cứ lý do gì để còn tin tưởng, tự hào vào đảng cộng sản cả. Chiến thắng hai đế quốc, thực dân mạnh nhất thế giới kia để làm gì khi đất nước ngày nay tụt hậu quá xa, ngay cả so với các nước láng giềng trong khu vực, đại đa số người dân vẫn còn quá khốn khổ? Chiến thắng với cái giá quá đắt, thắng trong cuộc chiến, nhưng đại bại trong hòa bình. Thống nhất để làm gì khi không thống nhất được lòng dân, dù đã hơn 4 thập niên sau khi chiến tranh kết thúc? Có khi cứ để hai quốc gia như trước, rồi thống nhất bằng một con đường hòa bình và lại có sẵn một nửa nước phát triển, phồn thịnh để vực nửa kia lên, như nước Đức và tương lại của bán đảo Triều Tiên còn hay hơn.
Nguyên nhân là do đảng cộng sản VN không bao giờ biết đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trện quyền lợi của đảng, nên phải cưỡng chiếm miền Nam, giành quyền lãnh đạo trên toàn quốc bằng mọi giá, và giờ đây đang sống chết bảo vệ quyền độc tôn lãnh đạo ấy, bất chấp mọi thiệt thòi, tai hại cho đất nước, dân tộc. Trung Cộng, ngược lại, thâm độc khi xúi bẩy Bắc Việt tiếp tục tiến hành chiến tranh, để Trung Cộng thủ lợi, “đánh Mỹ bằng máu của người VN”, còn đối với nước họ, họ không tìm cách giành lại Đài Loan bằng chiến tranh bởi vì “người Hoa không đánh người Hoa”.
Hoặc khi thu nhận lại Hongkhong từ tay Anh quốc, Trung Quốc chấp nhận chính sách “một quốc gia hai chế độ” vì họ biết rằng nếu cứ để cho Hongkong phát triển theo mô hình cũ thêm một thời gian thì bản thân nước mẹ Trung Hoa sẽ học được rất nhiều cái hay, được nhiều cái lợi từ Hongkong. Và họ cũng bắn tiếng như thế để “dụ dỗ” Đài Loan trở về với đại lục!
Giá mà những người cộng sản VN cũng nghĩ được như vậy, sau ngày 30.4.1975, thay vì đánh sập, tiêu diệt mọi mặt từ kinh tế cho đến văn hóa, xã hội…ở MN để rồi hơn mười năm sau, cả nước đứng trên bờ vực sụp đổ về kinh tế và họ phải buộc “đổi mới”, thực chất là “đổi lại một phần như cũ” mô hình kinh tế thị trường, tự do ở MN!
Người dân Việt càng không có bất cứ lý do gì để tin tưởng, tự hào vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản khi sau hơn 40 năm, vị trí của VN và người VN trên thế giới nó tệ hại, nhỏ nhoi đến mức nào. Cuối cùng, điều khác biệt quan trọng nhất, đó là nếu đảng cộng sản TQ có tồn tại thêm vài ba thập niên nữa thì Trung Quốc cũng chả mất đi một tấc lãnh thổ lãnh hải nào, thậm chí còn được thêm do lấn biển, chiếm đảo của các nước láng giềng, nhưng đảng cộng sản VN mà tồn tại thêm chừng một thập niên nữa thôi, thì VN nhiều phần chỉ còn là một khu tự trị của Tàu! Và đất nước này chả còn lại gì, mọi thứ tài nguyên cho đến đất đai đã bị khai thác, đem cho vay cho thuê, đem bán sạch…Chỉ còn lại một đống nợ!
Một cái đảng cầm quyền không đem lại được lợi lộc gì cho nước cho dân, chỉ toàn phá hoại, thì có lý do gì để vẫn tồn tại trên đầu trên cổ nhân dân, làm mất đi thêm bao nhiêu cơ hội và làm chậm thêm thời gian làm lại từ đầu của đất nước?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á  Châu Tự Do

Tài liệu Mỹ hé lộ thêm về vụ ám sát ông Ngô Đình Diệm

Tổng thống Lyndon B. Johnson tin rằng người tiền nhiệm John F. Kennedy đứng đằng sau vụ ám sát cựu Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm vài tuần trước khi ông qua đời và vụ ám sát ông Kennedy là sự báo ứng, hãng tin AP dẫn tài liệu mới được giải mật đưa tin hôm 27/10.
Hãng tin này trích tài liệu đưa tin rằng Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ Richard Helms cho biết trong một phiên lấy lời khai vào năm 1975 rằng ông Johnson “đã từng lan truyền tin tức nói rằng lý do ông Kennedy bị ám sát là vì ông ấy đã cho ám sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và đây là sự công bằng của công lý.”
Ông Helms khi đó nói: “Tôi không biết ông ấy lấy ý tưởng này từ đâu.”
Ông Diệm và em trai đã bị giết vào ngày 2/11/1963 sau một cuộc đảo chánh do các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam thực hiện.
Đây không phải là lần đầu tiên thuyết Johnson được nêu ra. Một cuốn sách của tác giả Max Holland có tựa đề “Các đoạn ghi âm về vụ ám sát Kennedy”, trong đó trích dẫn lời ông Johnson nói rằng ông Kenney đã chết vì “quả báo.”
Theo AP, ông Johnson được cho là đã nói: “Ông ấy đã cho sát hại ông Diệm và sau đó chính mình lại bị giết.”
Theo ông Ken Hughes, nhà sử học ở Trung tâm Miller thuộc Đại học Virginia, vai trò của ông Kennedy trong vụ ám sát ông Diệm vẫn còn gây tranh cãi.
Một tháng trước khi ông Diệm bị ám sát, các tướng lĩnh miền Nam đã lên kế hoạch đảo chính nói với CIA rằng họ sẽ lật đổ chính phủ nếu họ có thể yên tâm rằng Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ và ông Kennedy nói với họ rằng Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ, theo lời của ông Hughes.
Theo AP, ông Hughes, người cũng đang viết một cuốn sách về vụ ông Diệm bị ám sát, nói rằng một cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục cho dù ông Kennedy có khẳng định rằng ông Diễm sẽ an toàn hay liệu tổng thống để mặc cho các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam quyết định muốn làm gì thì làm.
Một trong những hồ sơ có thể làm sáng tỏ nghi vấn đó là một báo cáo của CIA về sự can dự của chính phủ Hoa Kỳ vào cuộc đảo chính ông Diệm. Dữ liệu này ban đầu dự kiến được giải mật hôm 26/10 nhưng vẫn còn nằm trong số hàng trăm hồ sơ mà ông Trump chưa công bố.
Tổng thống Donald Trump hôm 27/10 nói rằng ông đã ra lệnh công bố tất cả các hồ sơ liên quan tới vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy.
Ông viết trên Twitter: “Sau khi tham vấn nghiêm ngặt với Tướng Kelly, CIA và các cơ quan khác, tôi ra lệnh công bố TẤT CẢ các hồ sơ JFK ngoại trừ tên và địa chỉ của bất kỳ người nào được nhắc tới mà vẫn còn sống.”
Ông nói tiếp rằng ông thực hiện hành động này “vì lý do công khai trọn vẹn, minh bạch và để dập tắt bất kỳ thuyết âm mưu nào.”

Bác sĩ Nhật cảnh báo thực tập sinh người Việt

Một bác sĩ Nhật Bản khuyên người Việt Nam khi đến Nhật học nghề nên cẩn trọng, đồng thời cho rằng hệ thống dạy nghề ở Nhật giống như “chế độ nô lệ”.
Ông cũng cho rằng hệ thống đó dùng hình ảnh tốt đẹp của nước Nhật để lợi dụng người tham gia, theo báo Japan Times.
Ông Junpei Yamamura, một bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế Minatomachi ở thành phố Yokohama, đã quay một đoạn video dài 13 phút bằng tiếng Việt sau chuyến thăm Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 6, trong đó phỏng vấn bốn người từng trải qua những khắc nghiệt với hệ đào tạo nghề ở Nhật.
Trong số những người được phỏng vấn gồm có một thanh niên 24 tuổi bị hỏng mắt trái sau một tai nạn trong khi làm việc tại một công trường xây dựng ở Nhật Bản. Anh này nói về những khó khăn trong khi làm thực tập sinh.
Anh này nói rằng sau tai nạn, anh bị cơ quan quản lý anh và các thực tập sinh khác buộc phải rời Nhật. Anh nói rằng bên Nhật không đủ thủ tục để lập hồ sơ bồi thường bảo hiểm thương tật và anh phải nộp đơn xin bồi thường sau khi trở về Việt Nam.
Trong video, các thực tập sinh khác nói về tình trạng bạo hành thể xác và làm việc thêm giờ mà không được thanh toán.
Video này đã được tải lên YouTube trên Mạng lưới Luật sư cho Người lao động nước ngoài, một nhóm có hợp tác với bác sĩ Yamamura trong việc giúp đỡ cư dân nước ngoài tại Nhật Bản.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đến cuối năm 2016 có khoảng 229.000 người học nghề nước ngoài ở Nhật. Trong đó, người Việt Nam chiếm 88.000 người, Trung Quốc 81.000 người, Philippines 23.000 và Indonesia 19.000 người .
Trong khi hệ thống này mời gọi người nước ngoài tới làm thực tập sinh tại các công ty Nhật Bản để học các kỹ năng dùng phát triển đất nước khi trở về nước, thì đã có trường hợp bị các công ty Nhật lợi dụng nguồn lao động giá rẻ từ hệ thống này.
Theo dữ liệu của Bộ Lao động đưa ra vào tháng Tám, trong năm 2016 có đến 4.004 nhà tuyển dụng tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài theo Chương trình Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật đã vi phạm luật lao động – mức vi phạm cao nhất kể từ năm 2003.
Số trường hợp vi phạm tăng hơn 309 vụ so với năm trước, đồng thời phản ánh sự gia tăng về số lượng học viên. Các vi phạm liên quan đến số giờ làm việc bất hợp pháp chiếm 24% trong tổng số, trong khi không thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết là 19% số, tiếp theo là trường hợp làm thêm giờ không lương chiếm 14% số vụ.
Báo Kyodo News cho biết chương trình thực tập sinh sẽ được cải tổ mạnh mẽ vào tháng tới. Thời gian đào tạo sẽ được kéo dài từ ba năm đến năm năm, và một cơ quan giám sát sẽ được thành lập để kiểm tra xem các công ty có thanh toán tiền lao động phù hợp hay không.
Bác sĩ Yamamura nói rằng Nhật Bản nên “tiếp nhận người nước ngoài làm công nhân, chứ không nên nhận họ làm thực tập sinh.”

Tàu chiến Việt Nam mua của Nga về đến Cam Ranh

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 thứ ba của Nga bán cho Hải quân Việt Nam vừa cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, chiều ngày 27/10, theo thời báo quốc phòng Janes.
Tàu chiến lần này được bổ sung tính năng chống ngầm giúp hoàn thiện năng lực tác chiến.
Tàu Rolldock Star đã tiến vào quân cảng Cam Ranh theo đúng kế hoạch và chuẩn bị chuyển giao tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ 3 cho Hải quân Việt Nam.
Theo báo An Ninh Thủ đô, chuyến hành trình kéo dài 44 ngày bắt đầu từ ngày 13/09 tại cảng Novorossiysk của tàu Rolldock Star với nhiệm vụ mang theo tàu hộ vệ Gepard thứ 3 của Hải quân Việt Nam đã hoàn thành.
Hai tàu hộ vệ đầu tiên Gepard 3.9 đã được chế tạo và chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2010 — 2011.
Theo báo Soha, dự kiến đến đầu năm 2018, Hải quân Việt Nam sẽ sở hữu đủ 4 chiến hạm Gepard hiện đại.

Hàn Quốc chặn bắt một người Việt ở Busan

Một người đàn ông Việt Nam đã trốn khỏi phòng giam giữ tại sân bay Gimhae ở thành phố Busan, Hàn Quốc, nhưng 6 giờ sau đó đã bị các viên chức sân bay bắt giữ, theo Korea Herald.
Các viên chức sân bay Gimhae cho biết hôm 30/10 rằng người đàn ông Việt Nam 32 tuổi này đã trốn khỏi phòng tạm giam tại sân bay nơi ông bị giữ chờ trục xuất.
Người đàn ông Việt Nam này bay đến Hàn Quốc vào chiều Chủ nhật 29/10 nhưng đã bị các nhân viên nhập cư chặn lại. Ông ấy nói rằng ông đến Hàn Quốc vì mục đích kinh doanh nhưng các nhân viên nhập cư phát hiện ra công ty ban đầu mời ông sang Hàn Quốc đã rút lại lời mời.
Người đàn ông này bị đưa đến một phòng giam ở sân bay và được hai nhân viên an ninh canh gác. Ông được cho là đã trốn thoát vào khoảng giữa khuya hôm 29/10.
Sau 6 giờ ẩn trốn, cuối cùng ông bị bắt trong khu chờ của hành khách, mà thông qua ngõ này ông có thể thoát ra khỏi sân bay. Ngay lập tức ông bị đưa trở lại phòng giam để điều tra.
Việc tẩu thoát của người đàn ông này cho biết an ninh sân bay Gimhae cũng có thể có vấn đề.
Vào tháng Giêng năm ngoái, Cảnh sát Hàn Quốc cũng đã truy tìm một thanh niên Việt Nam 25 tuổi, sau khi anh ta lẻn qua cửa kiểm soát an ninh tại sân bay quốc tế Incheon.
Chính quyền địa phương tin rằng người đàn ông này muốn xin tị nạn tại Gimhae thuộc tỉnh Nam Gyeongsang, nơi sinh sống và làm việc của đông đảo người Việt.

10 người Việt di dân lậu

nhồi nhét trong xe vận tải từ Pháp sang Anh

Mười người di dân lậu khai có quốc tịch Việt Nam được tìm thấy nhồi nhét trong một chiếc xe vận tải tại một trạm dịch vụ ở Anh, mặc dù trước đó chiếc xe được các giới chức Pháp và Anh cho đi qua hai trạm gác biên giới.
Nhật báo Daily Mail hôm Chủ Nhật 29/10 đăng tải một đoạn phim xảy ra hôm Thứ Sáu tại trạm dịch vụ Beaconsfield, trên xa lộ M40 thuộc Buckingamshire. Mười người Việt Nam được nhồi nhét vào khoảng trống hẹp phía trên những kiện hàng trong thùng xe vận tải. Cảnh sát bắc thang leo lên đưa từng người xuống. Tài xế xe vận tải tên là Pedro, người Bồ Đào Nha, cho hay ông khởi hành chuyến hàng từ Đức. Khi đến thành phố cảng Calais của Pháp, ông cảm thấy phía sau xe có chuyển động. Ông dừng tại một trạm kiểm soát, và cảnh sát Pháp dùng chó khám xét chiếc xe. Tài xế Pedro cho biết cảnh sát ở Calais đã bắt một số người di dân lậu. Khi xe sang tới đất Anh và nghe thấy tiếng động phía sau xe, chính tài xế này đã gọi điện thoại cho cảnh sát tới khám xét. Ông tưởng tiếng động phía sau xe chỉ là của một người, nhưng có tới 10 người bước ra ngoài. Trong số họ, có 2 trẻ vị thành niên được giao cho sở xã hội, còn những người lớn được giao cho Bộ Nội Vụ.
Các tài xế xe vận tải cho biết, họ chưa có cách nào ngăn chặn được người di dân lậu trốn vào xe hàng, kể cả những thùng xe được làm lạnh với nhiệt độ xuống tới âm 25 độ C.
Huy Lam / SBTN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?