Tin Việt Nam – 30/05/2019

Tin Việt Nam – 30/05/2019

Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh bị cáo buộc

tội tuyên truyền chống nhà nước

Thầy giáo đồng thời là nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh bị cơ quan chức năng Việt Nam khởi tố để điều tra về cáo buộc có hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam theo Khoản 01, Điều 117, Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Truyền thông trong nước được hãng tin AFP dẫn lại như vừa nêu vào ngày 30 tháng 5; một ngày sau khi thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh bị lực lượng chức năng bắt trên đường từ thành phố Vinh về quê nhà ở xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Vào tối ngày 29 tháng 5, bà Nguyễn thị Tình, vợ ông Nguyễn Năng Tĩnh cho Đài Á Châu Tự Do biết việc người chổng bị bắt.
Lúc khoảng 10 giờ rưỡi thì chị có tin là anh bị bắt rồi. Chị liên lạc với anh không được và liên lạc với bạn bè cũng không được. Sau đó thì ông nội gọi điện về và cho biết là Công an tỉnh gọi điện và bảo ra ủy ban xã để đón cháu. Nó bắt con và cho lên xe đưa về mà lúc đó hai cha con chuẩn bị đi ăn sáng. Đứa con trai lớn mô tả là ba cho con đi ăn sáng mà mấy chú đến rất nhiều. Mấy chú không cho con ăn và mấy chú bắt ba và tống lên xe. Con khóc thì mấy chú nói là ba mày phạm tội
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh được giới hoạt động trong nước cho biết là người năng nổ trong công tác xã hội, văn hóa tại Giáo Phận Vinh.
Bà Nguyễn Thị Tình cho biết gia đình đã không nhận được bất cứ lệnh bắt nào của công an đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh. Gia đình ông Tĩnh hiện cũng chưa được vào thăm gặp ông Tĩnh.
Thân phụ của thầy giáo Nguyễn Năn Tĩnh, ông Nguyễn Ngọc Định, vào ngày 30 tháng 5 cho Đài Á Châu Tự Do biết có đến cơ quan Công an Nghệ An để hỏi thông tin nhưng chỉ được cho gửi vài bộ quần áo vào. Còn việc gặp mặt chưa được vì lý do đang điều tra.
Thông tin từ các nhà hoạt động xã hội trong nước và các trang facebook được cho là thân chính phủ cho biết Công an đã đến phòng trọ của ông Tĩnh ở xã Nghi Phú, thành phố Vinh để khám xét, tịch thu giấy tờ, tài liệu và niêm phong phòng trọ này.
Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh sinh năm 1976, quê quán xóm 11, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Vợ thầy giáo Tĩnh nói rằng chồng bà là người hay giúp đỡ người khác đồng thời phản bác các thông tin trên các trang xã hội thân chính phủ cho rằng ông Tĩnh là thành viên đảng Việt Tân.
Anh là người nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác. Còn đảng Việt Tân thì em là vợ của anh, em xác định 100% là anh không bao giờ có trong danh sách. Anh thì ai cần việc mà anh cảm thấy việc đó là tốt là anh làm đúng lương tâm. Bây giờ nói đảng Việt Tân thì chứng cứ đâu ra? Mà đảng Việt Tân có gì xấu em cũng không biết… Anh đâu có làm gì phạm tội đâu”.
Việt Nam xếp đảng Việt Tân, một đảng có trụ sở và hoạt động hợp pháp tại Mỹ, vào danh sách khủng bố.
Hôm 16/8 năm ngoái, tòa án Tỉnh Nghệ An đã kết án 20 năm tù một giáo dân khác thuộc Giáo Phận Vinh là ông Lê Đình Lượng – một nhà hoạt động môi trường. Truyền thông trong nước viết rằng ông Lê Đình Lượng là đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức Việt Tân. Ông bị kết tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Tổ chức Amnesty International mới đây công bố báo cáo, cho biết hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm. Trong số này chừng 10% bị kết án tù vì những bình luận đăng trên mạng xã hội như Facebook.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-teacher-arrested-for-facebook-posts-undermining-state-05302019085933.html

Tù chính trị Lưu Văn Vịnh

bị chuyển đến Trại Gia Trung

Tù chính trị Lưu Văn Vịnh thuộc nhóm ‘Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết’ vừa bị chuyển đến trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai trong khi vợ và các con của ông này đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Lê Thị Thập, vợ của tù chính trị Lưu Văn Vịnh, vào chiều ngày 30 tháng 5 cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau:
“Hôm 21/5 em có gặp chồng em ở trại Bố Lá thì anh ấy cũng có nói là chắc vài hôm nữa sẽ bị chuyển trại. Em có hỏi người quản lý trại giam Bố Lá thì họ nói là đi đến trại mới thì sẽ gọi về báo cho gia đình. Không biết họ chuyển trại từ hôm nào, mà hôm nay em mới được người quen ở trại đấy gọi về báo là chồng em đã đến trại Gia Trung. Em cũng chưa gặp được và liên lạc được để hỏi rõ.”
Ông Lưu Văn Vịnh, 51 tuổi, quê quán Hải Dương. Ông bị tòa án tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10 năm ngoái tuyên 15 năm tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999.
Trước khi bị bắt vào tháng 11 năm 2016, ông từng tham gia những cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, biểu tình chống nhà máy Formosa gây nên thảm họa môi trường tại Việt Nam.
Phiên xử phúc thẩm 5 thành viên Liên Minh Dân Tộc Tự Quyết gồm các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung (tức sư thầy Nhật Huệ) diễn ra tại Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM vào ngày 18 tháng 3. Phiên xử kết thúc vào trưa cùng ngày và tòa giữ nguyên các bản án sơ thẩm được tuyên với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đối với 5 người lần lượt là: Ông Lưu Văn Vịnh 15 năm tù giam, Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù và Phan Trung (tức sư thầy Nhật Huệ) 8 năm tù về cùng tội danh.
Biện pháp chuyển tù chính trị đến những trại xa nơi gia đình của họ được áp dụng lâu nay và thân nhân của những tù chính trị than phiền họ gặp nhiều khó khăn trong việc thăm nuôi.
Tại trại giam Gia Trung hiện có những tù chính trị được nhiều người biết đến như bà Trần Thị Nga, nhà ở Hà Nam. Ông Scott Busby đại diện Bộ Ngoại Giáo Hoa Kỳ sau khi tham dự Vòng Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ Việt lần thứ 23 ngày 15 tháng Năm vừa qua, đã cho đài Á Châu Tự Do biết rất mừng là chính phủ Hà Nội cho phép được gặp chị Trần Thị Nga tại trại giam Gia Trung trong một tiếng đồng hồ. Theo ông Scott Busby, sức khỏe của bà Nga có vẻ bình thường. Tuy nhiên bà ấy có nêu quan ngại về việc bà ấy bị đối xử tệ trong tù. Ông cho biết luôn lưu tâm đến trường hợp của bà Nga và sẽ tiếp tục đưa trường hợp của bà Nga với chính phủ Việt Nam và gây sức ép đòi trả tự do cho bà.
Ở Trại Gia Trung còn có các tù chính trị khác như Mục sư Nguyễn Trung Tôn ở Thanh Hóa, ông Phan Văn Thu/Trần Công ở Phú Yên, nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai ở Nghệ An…
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/political-luu-van-vinh-transferred-to-gia-trung-where-some-prominent-peers-jailed-05302019085749.html

Tù nhân lương tâm VN tuyệt thực

phản đối cán bộ trại giam ‘ngược đãi’

Gia đình của các tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Bắc Truyển chia sẻ với VOA về việc tuyệt thực ở trại tù An Điềm tỉnh Quảng Nam, lên tiếng phản đối cán bộ trại giam “ngược đãi và áp dụng kỷ luật biệt giam,” trong khi các dân biểu Hoa Kỳ gia tăng thúc ép chính quyền Hà Nội trả tự do cho các nhà tranh đấu.
Từ Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Huệ, người vừa vào trại An Điềm thăm em trai Nguyễn Văn Hóa hôm 28/5, nói với VOA.
Sáng ngày 28/5 tôi có mặt ở trại giam An Điềm thì được biết Hóa bị kỷ luật 10 ngày, bị cùm chân, và chuyển đi biệt giam.
Bà Nguyễn Thị Huệ, chị của TNLT Nguyễn Văn Hóa.
“Sáng ngày 28/5 tôi có mặt ở trại giam An Điềm thì được biết Hóa bị kỷ luật 10 ngày, bị cùm chân, và chuyển đi biệt giam. Theo phía trại giam thì tính từ ngày 13/5 sẽ cho Hóa giam riêng trong 6 tháng.”
VOA chưa thể liên lạc ngay với trại giam An Điềm thuộc Tổng cục 8 Bộ Công an để tìm hiểu về cáo buộc dùng hình thức kỷ luật biệt giam này.
Vào tháng 3/ 2019, tại phiên họp xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) ở Geneva, một đại diện của Bộ Công an nói rằng Việt Nam không áp dụng hình thức “biệt giam,” nhưng khẳng định rằng có sử dụng hình thức “giam riêng.”
Các nhà động hoạt khác đang bị giam cùng trại với Hóa như Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình… được cho là đang tuyệt thực để phản đối sự đối xử khắc nghiệt của cán bộ trại giam An Điềm.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, chia sẻ với VOA:
“Cách nay một tuần thì gia đình của anh Hoàng Đức Bình cho biết Hoàng Đức Bình và Nguyễn Bắc Truyển đã tuyệt thực với lý do là trại giam An Điềm kỷ luật Nguyễn Văn Hóa không minh bạch.
“Đến ngày 26/5 khi tôi đi thăm anh Truyển thì được anh thông báo rằng các anh Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình, Lê Đức Động, Nguyễn Thái Bình đã tuyệt thực từ ngày 13/5 để phản đối trại giam An Điềm kỷ luật Hóa không minh bạch. Cả bốn người đã gửi thư phản đối đến trại giam An Điềm.”
Các anh Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình, Lê Đức Động, Nguyễn Thái Bình đã tuyệt thực từ ngày 13/5 để phản đối trại giam An Điềm kỷ luật Hóa không minh bạch. Cả bốn người đã gửi thư phản đối đến trại giam An Điềm.
Bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ của TNLT Nguyễn Bắc Truyển.
Trang UCANews hôm 24/5 trích lời bà Phạm Thị Vạn, mẹ của nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, cho biết khi bà vào trại giam thăm Bình hôm 23/5, giám thị trại giam đã ngăn không cho Bình tiết lộ thông tin về việc Hóa bị biệt giam và bị đối xử tồi tệ.
Bà Kim Phượng cho biết các nhà hoạt động sẽ tiếp tục tuyệt thực cho đến khi nào có sự phản hồi thỏa đáng từ phía trại giam.
“Anh Truyển nói đã tuyệt thực từ ngày 13/5 đến khi tôi vào thăm hôm 26/5 và anh nói sẽ cùng các anh tiếp tục tuyệt thực cho đến khi nào trại giam cho biết rõ lý do vì sao Hóa bị kỷ luật thì khi ấy anh em mới dừng tuyệt thực.”
Hôm 30/5, tổ chức nhân quyền Christian Solidarity Worldwide (CSW) lên tiếng quan ngại về sức khỏe và an toàn của nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển và Nguyễn Văn Hóa.
Ông Mervyn Thomas, Giám đốc điều hành của CSW, nói: “Chúng tôi vô cùng quan ngại trước những báo cáo về vi phạm nghiêm trọng đối với tù nhân lương tâm ở Việt Nam, bao gồm đánh đập, tra tấn, và từ chối thăm khám y tế đầy đủ.”
25 Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ hôm 28/5 đã viết thư cho Ngoại trưởng Mike Pompeo hối thúc chính phủ Hoa Kỳ gia tăng áp lực buộc Hà Nội trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến, trong đó có nêu trường hợp của blogger/cộng tác viên RFA Nguyễn Văn Hóa, cộng tác viên VOA Lê Anh Hùng, và cộng tác viên RFA Trương Duy Nhất.
Các dân biểu kêu gọi chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm lên tiếng về vấn đề “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” của Hà Nội và có biện pháp “uốn nắn hành vi của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
https://www.voatiengviet.com/a/tu-nhan-luong-tam-vn-tuyet-thuc-phan-doi-can-bo-trai-giam-nguoc-dai/4938822.html

Cá chết khô

trải dài nhiều cây số bên bờ sông La Ngà

Tình trạng cá chết phơi khô xác dọc khu vực hạ lưu sông La Ngà, xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm được mạng báo Vietnamnet loan tin vào ngày 30/5.
Tin cho biết, các loại cá diêu hồng đủ trọng lượng lẫn kích thước phần  trên bị cháy khô và mặt dưới thối rửa.
Nhiều người dân nuôi cá lồng bè trên dòng sông La Ngà cho biết đó là xác cá do thảm họa xảy ra hôm 16/5 vừa qua. Sau một đêm mưa lớn cá chết nổi trắng dòng sông. Người dân vớt cá không xuể nên những cá chết còn lại theo dòng nước dạt vào bờ, khi nước rút thì nằm lại và cháy khô do nắng nóng.
Một số người dân nuôi cá lồng bè tại khu vực này cho rằng, họ nuôi cá qua bao nhiêu đời, gặp nhiều trận mưa lớn, bão lũ nhưng chưa bao giờ thấy vì mưa mà cá chết nhiều như vậy. Người dân khẳng định là do nguồn nước ô nhiễm đã hòa và dòng sông chứ chắc chắn không phải do mưa lớn gây ra.
Thống kê cho thấy có gần 1 ngàn tấn cá chết trên sông La Ngà. Trước tình trạng này Ông phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở xác định nguyên nhân và tiến hành các biện pháp xử lý triệt để.
Ông Trương Hòa Bình còn yêu cầu cần thu gom, xử lý cá chết kịp thời để bảo đảm vệ sinh môi trường. Thời hạn báo cáo cho thủ tướng kết của công tác này là vào ngày 30 tháng 6 tới đây.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mass-dead-fish-corpses-along-the-banks-of-la-nga-river-05302019085949.html

Việt Nam bên bờ vực khủng hoảng năng lượng?

Mỹ HằngBBC, Bangkok
Việt Nam vừa ký với công ty khí ga Novatek của Nga để phát triển một dự án năng lượng tại Ninh Thuận, sử dụng khí ga hóa lỏng tự nhiên của Việt Nam, theo trang Oilprice.com.
Theo đó, dự án sẽ sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có và phát triển cơ sở hạ tầng mới, bao gồm xây dựng trạm khí ga hóa lỏng và các nhà máy nhiệt điện khí đốt mới ở Việt Nam.
Chủ tịch Novatek, ông Leonid Mikhelson, lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam tạo ra nhu cầu năng lượng bổ sung, điều này có thể được đáp ứng một cách bền vững bằng cách phát triển các dự án sản xuất khí ga tích hợp, bài viết trên trang Oilprice.com cho hay.
Việt Nam ‘bỏ Cá Rồng Đỏ’ ở Biển Đông
VN ở thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ sau Cá Rồng Đỏ?
VN cần hợp tác khai thác hay đưa ra LHQ?
Tác giả bài viết, Tim Daiss, một nhà báo chuyên phân tích thị trường dầu khí tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, bình luận rằng sự hợp tác này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang ở trên bờ của khủng hoảng năng lượng.
“Do tăng trưởng cả về kinh tế và dân số, Việt Nam có nhu cầu ngày càng lớn về năng lượng, và đang phải tìm các nguồn năng lượng thay thế để bù đắp lại thiếu hụt trong sản xuất khí đốt nội địa,” ông Tim Daiss viết.
“Ví dụ như Việt Nam phải chuyển sang năng lượng gió, năng lượng mặt trời, và khí ga hóa lỏng tự nhiên để đa dạng hóa các nguồn năng lượng… Vấn đề đối với Việt Nam không phải là họ không có trữ lượng khí đốt tự nhiên ngoài khơi dồi dào, mà do chúng nằm trong vùng
biển mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền… Bắc Kinh đã cản trở các kế hoạch của Việt Nam hai lần trong vài năm qua bằng các đe dọa cả về kinh tế và quân sự nếu Việt Nam tiếp tục hai trong số các dự án sản xuất khí đốt gần như đã hoàn thiện.”
Hồi tháng 3/2018, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã buộc phải dừng dự án khí đốt Cá Rồng Đỏ hợp tác với công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha ở Biển Đông do áp lực từ Trung Quốc.
Địa điểm đặt giàn khoan nằm trong Lô 07/03, nơi Việt Nam và các công ty con của Repsol trước đó từng ước tính là có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ feet khối khí gas.
Lô 07/03 nằm ngay cạnh Lô 136/03, nơi mà Repsol bị chính phủ Việt Nam yêu cầu ngưng hoạt động khoan thăm dò hồi tháng 7/2017.
‘Bên bờ khủng hoảng năng lượng’?
“Nói là khủng hoảng thì chưa phải, mà là Việt Nam sẽ có các khó khăn [về năng lượng],” Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Thanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ xanh nói với BBC hôm 29/5.
“Nói nguy cơ khủng hoảng năng lượng thì nước nào trên thế giới cũng có nguy cơ. Chỉ khi nào con người chủ động được các nguồn năng lượng từ tự nhiên thì mới cải thiện được. Vì các mỏ than, gas, dầu khí khai thác mãi rồi cũng cạn kiệt. Ngoài ra khai thác năng lượng từ các nguồn này gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.”
Về các dự án khí đốt, ông Thanh cho rằng ‘lợi bất cập hại’.
“”Tôi e rằng dùng khí hóa lỏng cũng gây ảnh hưởng môi trường vì nó là khí đốt, là một lý do làm trái đất nóng lên, gây ra các hiện tượng cực đoan như El Nino, La Nina. Các nhà máy khí đốt giống như một cái lò tỏa nhiệt, ngoài ra còn khói bụi. Tôi cho rằng Nga có tiềm năng khí đốt rất lớn nên có thể họ muốn tuyên truyền thôi.”
“Ngoài ra để làm các nhà máy khí đốt còn phải có đường ống dẫn, và như thế không an toàn cho con người. Trong khi điều kiện nước ta làm các bồn chứa, đường ống không tốt thì rất nguy hiểm.”
Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu điện từ các nước như Trung Quốc, Lào. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu than cho sản xuất điện và nhu cầu này sẽ ngày càng tăng, theo Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
Việt Nam cũng bắt đầu phát triển một số dự án điện gió và điện mặt trời tại Bình Thuận, Ninh Thuận, tuy nhiên công suất không lớn.
Mới đây, dự án điện mặt trời tại Đầm Trà Ổ, Bình Định vấp phải phản ứng dữ dội từ người dân địa phương do lo ngại nguy cơ ô nhiễm nước từ các tấm pin.
‘Cần đa dạng các nguồn năng lượng’
Trong bối cảnh đó, ông Thanh cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa các nguồn năng lượng, đặc biệt cần tập trung vào các tiềm năng sẵn có như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện.
“Theo tôi, nếu Việt Nam phát triển được hệ thống điện mặt trời thì vấn đề thiếu năng lượng sẽ không lớn lắm. Nhưng vừa rồi có phát sinh một số vấn đề không hay, người dân sợ rằng sử dụng năng lượng mặt trời thì sẽ phát sinh ô nhiễm môi trường nước từ các tấm pin, họ lo pin chảy ra rồi có axit hoặc chất nọ chất kia thấm vào nước” ông Thanh nói.
“Tôi cho rằng nhà nước nên có thái độ rõ ràng về năng lượng mặt trời. Năng lượng này rất tốt, lợi nhiều hơn hại. Các tỉnh phía nam lượng nắng trong ngày mạnh, thời gian nắng dài thì phát triển điện mặt trời tốt.”
“Nhưng do đầu tư cho năng lượng mặt trời đắt nên ít người dùng. Ví dụ để lắp một bình nóng lạnh ở thành phố thì cần bỏ ra 20 triệu cho tấm pin mặt trời loại nhỏ, nếu không, có thể phải đến 50 triệu.”
“Ngoài ra Việt Nam có bờ biển dài, có thể phát triển điện gió. Hiện mới chỉ một số nơi như Bình Thuận lắp đặt các cột thu gió.”
“Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên tận dụng phát triển thủy điện do có nhiều sông hồ, mùa mưa có lũ, phải tranh thủ khai thác. Nên phát triển ở tầm quốc gia. Tất nhiên làm thủy điện lớn sẽ tạo ra các lưu vực hồ, nó có thể có một diện tích lớn cây cối bị chết, nhưng bù lại cải tạo được khí hậu ở vùng đó, và nuôi được thủy sản.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48429342

Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ- Việt 2019:

Tiếp tục còn khác biệt!

Thanh Trúc
Đối  Thoại Nhân Quyền là cuộc họp thường niên giữa đại diện Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam. Năm nay, dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ đến Việt Nam là ông  Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động trong Bộ Ngoại Giao Mỹ.
Trở về Washington sau Vòng Đối Thoại Nhân Quyền Mỹ Việt lần thứ 23 ngày 15 tháng Năm vừa qua, ông Scott Busby đã dành cho đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn sau đây:
Thanh Trúc: thưa ông Scott Busby, ông đánh giá thế nào về cuộc đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam hồi trung tuần tháng Năm này?
Ông Scott Busby: Đây là vòng đối thoại nhân quyền lần thứ 23 trong một chuỗi những vòng thảo luận hàng năm, được coi là dài nhất so với bất cứ nước nào khác. Đây cũng là dịp trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn về nhiều vấn đề quyền con người của Việt Nam. Có thể nói chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với nhau trên nhiều việc, tiếp tục có sự khác biệt lớn lao trên nhiều vấn đề khác nhau.  Phải nói sự khác biết lớn nhất chính là cách cư xử với người bất đồng chính kiến dám phê bình chính phủ, hình phạt và án tù nặng nề mà nhà cầm quyền gán ghép cho những người này. Đó là những vụ việc khiến chúng tôi khó kiếm được đồng thuận với Việt Nam. Tuy nhiên hai phía vẫn có thể đối thoại trong tinh thần xây dựng, tôi nghĩ Việt Nam đã cố gắng thay đổi cũng như có cải thiện trong một số lãnh vực liên quan đến nhân quyền.
Thanh Trúc: Trước khi bước vào cuộc đối thoại lần này với Việt Nam thì ông có đánh  giá thế nào về tình hình nhân quyền Việt Nam trong một năm qua?
Ông Scott Busby: Chúng tôi đã có nhiều quan ngại trong vòng 2 năm qua về sự gia tăng đàn áp đối với những người muốn bày tỏ chính kiến của mình. Tình hình cho thấy con số những người bị bắt đã tăng cao, tiếp đến là những án tù lâu năm dành cho họ. Tôi xin nhắc lại những điều này là mối quan tâm chính của chúng tôi tính đến lúc này.
Chúng tôi cũng rất quan ngại về Luật An Ninh Mạng mới đây của Việt Nam, về ảnh hưởng của Luật này không chỉ đối với giới doanh nghiệp Mỹ mà còn đối với quyền tự do ngôn luận của người Việt Nam.
Thanh Trúc: Vậy ông nghĩ Hoa Kỳ có đạt được điều mình mong muốn lần này?
Ông Scott Busby: Tôi nghĩ là có, hai phía đã có thể nêu ra với nhau những vấn đề đáng quan tâm về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Việt Nam có thực sự lắng nghe và muốn thay đổi hay không là công việc và quyết định của họ. Hãy còn một quan ngại nữa là trước khi vòng đối thoại diễn ra thì chúng tôi đã tìm cách liên lạc để gặp một số nhà hoạt động cũng như đại diện các xã hội dân sự lớn nhỏ ở Việt Nam. Tiếc rằng  đã có 3 nhà hoạt động ở thành  phố Hồ Chí Minh không thể đến gặp chúng tôi vì bị ngăn cản. Điều này chứng minh cho chúng tôi thấy nhà cầm quyền Việt Nam đã gián tiếp không  cho phép chúng tôi được gặp các nhà hoạt động đó.
Thanh Trúc: Nhưng sau cùng ông cũng đã gặp được một vài nhà hoạt động phải không?
Ông Scott Busby: Chúng tôi có gặp một số nhà hoạt động nhưng rất không may là có 3 nhà hoạt động đã bị ngăn cản không được đến cuộc gặp.
Đó là những người bao gồm luật sư Lê Công Định một nhà hoạt động rất nổi tiếng ở Việt Nam, một lãnh đạo tôn giáo thuộc đạo Cao Đài và một người nữa là một blogger và đồng thời là một nhà hoạt động dân sự.
Thanh Trúc: Thưa ông Busby, Amnesty International mới đây có báo cáo cho biết Hà Nội vẫn giam giữ 128 tù nhân lương tâm, vấn đề này đã được thảo luận thế nào trong vòng đối thoại lần thứ 23 này?
Ông Scott Busby: Chúng tôi đã đề cập đến những quan ngại về tình trạng gia tăng những tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Phản hồi của chính phủ Việt Nam là những người này đã vi phạm luật pháp Việt Nam và họ bị trừng phạt theo luật Việt Nam. Chính phủ Việt Nam không chấp nhận định nghĩa của chúng tôi về tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Họ nói những người này đe dọa an ninh, họ phạm tội đòi thay đổi chế độ ở Việt Nam và vì vậy họ bị trừng phạt theo pháp luật.
Thanh TrúcThượng nghị sĩ Tim Kaine sau chuyến thăm Hà Nội hồi tháng trước về có nói rằng đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam có một danh sách gồm 7 tù nhân chính trị mà phía Washington luôn muốn nêu ra với Hà Nội. Xin ông cho biết cụ thể về những yêu cầu của Washington đối  với các tù nhân chính trị này?
Ông Scott Busby: Chúng tôi yêu cầu Hà Nội trả tự do cho toàn bộ các tù nhân lương tâm nhưng chúng tôi cũng có danh sách ưu tiên để đưa cho chính phủ Hà Nội và chúng tôi đề nghị họ xem xét và trả tự do cho họ càng sớm tốt.
Thanh Trúc : Ông đã có dịp gặp người tù llương tâm nào ở Việt Nam hay không?
Ông Scott Busby: Có, chúng tôi rất mừng là chính phủ Hà Nội cho phép chúng tôi được gặp bà Trần Thị Nga, người đang bị giam giữ trong tù ở gần Pleiku. Chúng tôi có 1 giờ gặp. Sức khỏe của bà ấy có vẻ bình thường. Tuy nhiên bà ấy có nêu quan ngại về việc bà ấy bị đối xử tệ trong tù. Chúng tôi nói với bà ấy rằng chúng tôi luôn lưu tâm đến trường hợp của bà ấy và chúng tôi sẽ tiếp tục đưa trường hợp của bà ấy với chính phủ Việt Nam và gây sức ép đòi trả tự do cho bà.
Thanh Trúc: Thưa còn những trường hợp tù nhân lương tâm khác, điển hình như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hóa, Trương Duy Nhất chẳng hạn?
Ông Scott Busby: Tôi không thể nói về từng trường hợp cụ thể khác nhưng chúng tôi đã nêu quan ngại về tất cả các tù nhân lương tâm và đòi hỏi họ được trả tự do. Chúng tôi đã nêu trường hợp của ông Trương Duy Nhất, blogger của Đài Á Châu Tự Do, người vừa bị bắt cóc ở Thái Lan và bây giờ đang ở trong tù ở Việt Nam. Chúng tôi đã yêu cầu Việt Nam phải giải thích về trường hợp này.
Thanh Trúc: Xin được trở lại chuyện là trước vòng đối thoại thì một số nhà hoạt động bị ngăn cản không cho gặp mặt phái đoàn Hoa Kỳ. Đây không phải lần đầu tiên an ninh Việt Nam thực hiện việc này. Ông nghĩ như thế nào về chuyện đó?
Ông Scott Busby: Chúng tôi rất lo ngại về vấn đề các nhà hoạt động bị ngăn cản, chúng tôi đã sắp xếp cuộc gặp với các nhà hoạt động này từ trước đó rất lâu. Đại sứ Mỹ, các nhân viên Đại sứ quán đã gặp gỡ các nhà hoạt động này từ trước đó. Cho nên chúng tôi rất lo ngại là họ đã không đến được cuộc gặp. Chúng tôi biết là nhà họ bị công an bao vây trước khi cuộc gặp diễn ra và kết quả là họ không đến được. Tôi đã nêu quan ngại này với chính phủ Hà Nội và họ đã biết.
Thanh Trúc: Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những vòng đối thoại nhân quyền giữa Mỹ và Việt Nam trong suốt nhiều năm quá?
Ông Scott Busby: Tôi cho rằng cuộc đối thoại cũng tương tự như năm trước. Đối thoại là những trao đổi đầy đủ, thẳng thắn về một loạt các vấn đề. Chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ trong việc đối xử với cộng đồng người LGBT, và họ cũng có một số tiến bộ nhất định trong vấn đề tự do tôn giáo, ít nhất là đối với những nhóm tôn giáo đã được đăng ký theo luật Việt Nam. Những nhóm tôn giáo không được đăng ký vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Việt Nam đã có một số tiến bộ trong những năm qua khi hai bên có những đối thoại. Tuy nhiên, gần đây chúng tôi có những quan ngại về tình trạng gia tăng tù nhân lương tâm và những bản án tù nặng nề mà một số người phải chịu.
Thanh Trúc: Một số tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá rằng chính phủ Mỹ hiện nay không chú trọng nhiều đến nhân quyền ở các nước bao gồm Việt Nam và đó là lý do khiến tình hình nhân quyền ở Việt Nam trở nên tồi tệ trong khoảng 2 năm qua, ông nghĩ sao về nhận xét này?
Ông Scott Busby: Chúng tôi xem đây là cơ hội tốt để chúng tôi bày tỏ những lo ngại với chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đã nhìn thấy một số chuyển động tích cực trong các năm qua khi hai nước đã có những đối thoại về nhân quyền bao gồm thực tế là đã có một số tù nhân lương tâm được trả tự do nhờ kết quả của những đối thoại này.
Thực tế mà chúng tôi có thể có đối thoại và tôi có thể đến Việt Nam và chúng tôi đã đưa ra các hồ sơ của tù nhân lương tâm cho thấy là chính phủ Mỹ hiện tại có quan tâm đến tình hình nhân quyền.
Thanh TrúcSau cùng, thưa ông Scott Busby, ông sẽ có đề nghị gì với Bộ Ngoại Giao trong việc góp phần cải thiện tình hình nhân quyền cho Việt Nam?
Ông Scott Busby: Tôi không thể nói về những khuyến nghị trong nội bộ nhưng tôi có thể nói là chúng tôi đã nói rõ với chính phủ Việt Nam rằng trong khi quan hệ hai nước đang được tăng tiến trong nhiều mặt nhưng nó sẽ không thể đạt hết được tiềm năng chừng nào Việt Nam chưa nhìn nhận đầy đủ vấn đề nhân quyền của mình. Chúng tôi đã nói điều này trong quá khứ và đó sẽ vẫn tiếp tục là quan điểm của chúng tôi.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/us-vn-hr-dia-19-05292019164159.html

Ông Trọng để Phó Chủ tịch nước

 thay mặt đọc tờ trình ở QH

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không xuất hiện mà ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày về Công ước lao động trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 14, theo các báo Việt Nam.
Tờ Thanh Niên hôm 10/5 cho hay TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ là người trình bày Tờ trình về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Nhưng đến hôm 29/5, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh “nhận được sự ủy nhiệm” để đọc tờ trình do ông Trọng ký trước Quốc hội.
Nội dung tờ trình nhấn mạnh sự quan trọng của việc gia nhập Công ước 98 trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), nội dung giống với tờ trình mà ông Nguyễn Phú Trọng đã ký ngày 12/4.
‘Lò vẫn cháy’ trong một tháng TBT Trọng vắng mặt
Vì sao ông Trương Tấn Sang nay mới ‘nói mạnh’?
Hội nghị Trung ương 10 có gì đặc biệt?
“Công ước xác lập nguyên tắc tự nguyện, thiện chí trong thương lượng tập thể, đồng thời quy định về trách nhiệm của nhà nước trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể được thực hiện một cách tự nguyện, thiện chí”, bà Thịnh đọc tờ trình.
Lại ‘vắng mặt’
Hôm 14/5, ông Trọng chính thức xuất hiện trở lại trong cuộc họp với các lãnh đạo cấp cao sau một tháng không có tin tức hình ảnh hoạt động của ông trên truyền thông và nhiều tin đồn về sức khỏe của ông đã xuất hiện.
Công ước 98 xác lập nguyên tắc tự nguyện, thiện chí trong thương lượng tập thể, đồng thời quy định về trách nhiệm của nhà nướcBà Đặng Thị Ngọc Thịnh
Trước đó có tin cho rằng ông nhập viện sáng 14/4 khi thăm tỉnh Kiên Giang.
Hình ảnh cuộc họp hôm 14/5 đã được quay phim và phát sóng rộng rãi, dường như là để chấm dứt những tin đồn về sức khỏe của ông.
Tuy nhiên, khi đó dư luận lại chú ý đến chi tiết dây đai ở chiếc ghế ông ngồi, và chiếc đồng hồ thông minh trên tay trái của ông.
Ông Trọng sau đó tiếp tục xuất hiện, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 hôm 16/5. Bài phát biểu cũng được trình chiếu trên VTV.
Có vẻ như các hình chỉ cho thấy nhà lãnh đạo Việt Nam ở vị trí ngồi chứ không có hình ảnh ông đứng hoặc đi lại.
Hôm 19/5, hôm bế mạc Hội nghị, Tuổi Trẻ khi đó có bài viết phát biểu của ông, kèm theo hình ảnh của Thông Tấn Xã.
Nhưng cũng trong ngày 19/5, ông không có mặt trong đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các nhân vật thay mặt hoặc hỗ trợ công việc
Đến ngày 21/5, Thường trực Ban bí thư, ông Trần Quốc Vượng thay thế ông Trọng chủ trì một cuộc họp về phòng chống tham nhũng.
Hôm 29/5, ông Vượng tiếp tục ra mặt đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Campuchia và “chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tới các nhà lãnh đạo Campuchia”.
Trước đó hồi tháng Ba, chính ông Trọng đã ra tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Lào.
Nhưng trong nửa sau tháng 4 và sang tháng 5, đài báo VN chỉ nói ông gửi điện thư giao lưu với lãnh đạo các nước mà không đăng hình xuất hiện ở đâu.
Cũng trong ngày 29/5, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiếp đón ông Paul de Jersey, thống đốc bang Queensland của Úc.
Lịch làm việc của bà Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Phủ Chủ tịch có vẻ khá bận rộn, vì cũng trong ngày 29/05, tại trụ sở này bà đã “tiếp đoàn đại biểu nữ là bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến” thời kỳ kháng chiến.
Trước đó, hôm 23/05, cũng tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp Đoàn đại biểu chức sắc tôn giáo tỉnh Ninh Bình, theo báo Việt Nam.
Thông điệp từ ba câu hỏi của ông Nguyễn Phú Trọng
Bí ẩn về sức khoẻ của ông Nguyễn Phú Trọng
Việt Nam: Ai có thể là Tổng Bí thư năm 2021?
Theo Hiến pháp Việt Nam, điều 88, khoản 6, một trong những nhiệm vụ của Chủ tịch nước là “trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70″ và “quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước”.
Điều 92: Phó Chủ tịch nước giúp Chủ tịch nước thực hiện nhiệm vụ và có thể được Chủ tịch nước uỷ nhiệm thay Chủ tịch nước thực hiện một số nhiệm vụ.
Điều 93 Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước. Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48443501

Bộ Công thương áp thuế chống phá giá

Bộ Công thương Việt Nam hôm 29/5 đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời bằng cách áp thuế đối với một số sản phẩm nhôm xuất xứ từ Trung Quốc.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 30/5 cho biết một số sản phẩm nhôm hợp kim hoặc không hợp kim, dạng thanh, que, hình đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, gia công từ Trung Quốc dùng làm cửa, vách, tủ, trang trí nội ngoại thất, kết cấu trong xây dựng sẽ bị áp thuế từ gần 3% đến gần 36%.
Quyết định trên của Bộ Công thương có hiệu lực từ ngày 5/6/2019 với thời hạn áp dụng 120 ngày.
Trong thời hạn đó, Bộ Công thương nói sẽ thực hiện việc thẩm tra và xác minh các thông tin để có kết luận điều tra chính thức. Luật Quản lý Ngoại thương của Việt Nam xác định trong trường hợp cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, Bộ Công thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước.
Trên cổng thông tin điện tử chính thức, Bộ Công thương khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần lưu lý về khả năng áp thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày đối với quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng mặt hàng đang bị điều tra.
Nhiều năm gần đây, mặt hàng nhôm giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào khiến các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước và nhôm nhập khẩu cao cấp gặp nhiều khó khăn, không thể mở rộng sản xuất. Một số chủ doanh nghiệp nhôm trong nước phản đối cho rằng sản phẩm nhôm sản xuất trong nước phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra chất lượng, trong khi hàng Trung Quốc gần như không chịu bất cứ kiểm định nào.
Cuối năm 2018, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Mỹ (ITC) cũng đã ra phán quyết áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm nhôm nhập từ Trung Quốc, 96,3% đến 176,2% trong 5 năm. Trước đó, các nhà sản xuất mặt hàng này của Mỹ lên tiếng cáo buộc sản phẩm từ Trung Quốc đã làm họ chịu nhiều tổn thất ngay trên thị trường Mỹ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-industry-and-trade-applies-anti-dumping-tax-on-chinese-aluminum-products-05302019085017.html

‘Kiểm tra tăng giá điện’

chỉ để mị dân và cho chìm xuồng?

Phạm Chí Dũng
Chỉ sau khi dư luận, mạng xã hội, báo chí quốc doanh và có thể cả ‘một bộ phận không nhỏ’ trong giới đồng chí của nội bộ đảng cầm quyền phản ứng dữ dội về thảm họa tăng giá điện vô tội vạ của Bộ Công thương và EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), giới chóp bu của chính phủ ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’ mới vội vàng chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ tiến hành ‘kiểm tra việc tăng giá điện’ như một động tác chữa cháy và rất có thể chỉ mang tính dân túy (hoặc gọi thẳng ra là mị dân).
Chiến thuật ‘núp lùm’
EVN đã tăng giá điện đến 8,36% vào đầu năm 2019, nhưng đến khi tính giá điện cụ thể với các hộ gia đình thì lại xảy ra quá nhiều trường hợp người dân ngã ngửa khi mức thu hàng tháng vọt đến 50 – 70% so với tháng trước, thậm chí một số hộ dân bị thu gấp đôi.
Như vậy, động tác tự biên tự diễn kiểm tra giá điện’ của Bộ Công thương – cơ quan chủ quản của EVN và cũng là kẻ từ lâu đã bảo kê rất lộ liễu cho tập đoàn này – đã bị dư luận phản ứng đến mức phía chính phủ phải cho bộ này ‘núp lùm’. Còn Trần Tuấn Anh – con trai cựu ‘nguyên thủ quốc gia’ Trần Đức Lương kiêm bộ trưởng công thương và là một trong những thủ phạm phi mã giá điện, còn được Quốc hội ‘gật’ ưu ái đến mức không xếp ông ta vào danh sách bộ trưởng phải trả lời chất vấn với lý do… có quá ít yêu cầu chất vấn.
Vậy có thể tin được Thanh tra chính phủ sẽ công tâm trong ‘kiểm tra tăng giá điện’ hay không?
Những ‘tội đồ’
Vào năm 2011, EVN từng bị thanh tra và bị phát hiện đã hạch toán cả các công trình hồ bơi và sân tennis vào giá thành điện và bắt người tiêu dùng phải lãnh đủ. Nhưng bất chấp báo chí và dư luận kêu gào, từ đó đến nay Thanh tra chính phủ vẫn chưa có bất kỳ xử lý nào. Cũng từ đó đến nay, đã dậy lên rất nhiều dư luận về việc các thành viên trong đoàn thanh tra của Thanh tra chính phủ đã được ‘lót tay’ hậu hĩ.
Vụ việc cho chìm xuồng đó là quá lộ liễu và trơ trẽn, đến mức danh sách ‘tội đồ ngành điện’ ngoài Bộ Công thương, EVN còn được bổ sung thêm cái trên Thanh tra chính phủ.
Dưới thời Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, còn nhiều vụ bê bối khác đã nhanh chóng bị chìm xuồng.
Vào năm 2015, EVN bị phát hiện trốn thuế gần 5.000 tỷ đồng – theo một kết luận thanh tra của Bộ Tài chính.
Thanh tra Bộ Tài chính đã phát hiện tập đoàn có những khoản hạch toán không đúng quy định, khiến doanh thu và lợi nhuận năm 2015 -2016 giảm.
Cụ thể, năm 2015 EVN hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỉ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Tp.HCM (giai đoạn 2012-2015) dù thực tế chênh lệch cước phí vận chuyển đường ống dẫn khí Phú Mỹ – Tp.HCM mà EVN phải trả cho Tập đoàn Dầu khí là 1.938 tỉ đồng.
Ngoài ra, EVN còn không hạch toán 4.847 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính năm 2016. Theo quy định, lãi chênh lệch tỉ giá phải được bù trừ với lỗ chênh lệch tỉ giá. Nếu có chênh lệch thì doanh nghiệp phải hạch toán khoản này…
Trước đó, vào những năm 2007-2009, EVN đã trở thành tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Cho đến nay, hậu quả đầu tư lỗ lã và chôn vốn ấy vẫn chưa được EVN giải quyết xong.
Cho tới nay, cấp trên trực tiếp của EVN vẫn là Bộ Công thương – một ‘cá mập’ lớn mà suốt từ thời cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến bộ trưởng đương nhiệm là Trần Tuấn Anh thuộc diện cán bộ ‘hót hay nhảy giỏi’, đều trắng trợn bao che cả tập đoàn tài phiệt trên không chỉ cho những âm mưu tăng giá điện, mà còn về hàng loạt cú xả lũ thủy điện bất nhân của EVN từ năm 2013 đến nay ở các tỉnh miền Trung mà đã trở thành tác nhân chính giết sống ít nhất hàng trăm mạng dân nghèo nơi rốn lũ.
Còn quan chức chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ ‘kiểm tra tăng giá điện’ – Nguyễn Xuân Phúc – thì lại ‘dính’ vụ chính ông ta chỉ đạo và quyết định việc tăng giá điện.
“Sau khi Thủ tướng có ý kiến phê duyệt, Bộ Công Thương mới ban hành quyết định tăng giá” – quan chức Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thanh minh với báo chí về việc tăng giá điện khi kể lể việc doanh nghiệp này đã đề xuất để “Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành liên quan trình Chính phủ phương án tăng giá điện”.
Cùng lúc, trên mạng xã hội hiện ra thêm một bằng chứng rõ như ánh sáng ban ngày: Quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 – 2020. Quyết định này là của Thủ tướng chính phủ, mang số 34, được ký ngày 25/7/2017 và dóng dấu ‘MẬT’, trong đó duyệt mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.906,42 đồng/kWh.
Trách nhiệm nào của Thủ tướng Phúc?
Vào năm 2017, Chính phủ Việt Nam và EVN đã có một màn diễn mới: đề án tái cơ cấu EVN được Chính phủ phê duyệt đã không có bất cứ một cải cách nào để xóa vai trò độc quyền tàn hại dân sinh của EVN.
Với đề án trên, EVN vẫn nắm 100% vốn ở các khâu truyền tải, phân phối mà không hề có một chút hơi hướng nào về điều mà giới quan chức hay phủ dụ là “hướng đến thị trường điện cạnh tranh”.
Trong đề án trên, nhiều doanh nghiệp tham gia khâu phát điện nhưng chỉ có một đầu mối EVN mua điện và bán điện. Mặt khác, theo quyết định của Chính phủ thì Nhà nước nắm 100% vốn ở công ty này, như vậy tư nhân không hề có cơ hội để tham gia…
Và với đề án “tái cơ cấu EVN” được chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, nhân dân đã tràn đầy cơ hội hoặc phá sản hoặc bị “móc túi”.
Cũng cần nhớ lại EVN đã độc quyền đến thế nào về chuyện mua điện.
Từ năm 2009, EVN đã mua điện từ các doanh nghiệp Trung Quốc với giá gấp đến 3 lần mức thông thường của doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí, EVN mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào, vin vào lý do vì hợp đồng mua điện với Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thái độ kinh doanh bất chấp này đã bất chấp một thực tế là trong thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường nhiều hơn, nhiều nhà máy điện ngoài EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam. Nhưng bởi lối hành xử đầy ngờ vực, EVN đã cố tâm mua điện trong nước với giá chỉ bằng 1/3 giá mua điện của Trung Quốc, kèm theo các điều kiện rất khắt khe…
Còn vào lần này, chính phủ ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ sẽ thông qua đoàn kiểm tra Thanh tra chính phủ, với cả thành viên của Bộ Công thương, để vừa đá bóng vừa thổi còi, xoa dịu dư luận và mị dân, và sẽ khiến ‘vụ án’ EVN sẽ lại chìm xuồng như những lần trước đây?
https://www.voatiengviet.com/a/evn-gia-dien-tran-tuan-anh-vu-huy-hoang/4938815.html

Vì sao cũng ‘đen’ nhưng rất khác?

Trân Văn
Trong số 985 sinh viên sĩ quan tung mũ lên trời (1), đánh dấu thời điểm tốt nghiệp Học viện Võ bị của Lục quân Mỹ (The United States Military Academy – USMA – thường được gọi tắt là West Point, tên một khu vực thuộc bang New York, nơi USMA tọa lạc), hôm thứ bảy vừa qua (25/5/2019), chỉ có 34 thuộc nhóm thiếu nữ da đen.
Cho đến giờ, tại West Point, nam thanh niên da trắng vẫn là đa số và cả West Point lẫn quân đội Mỹ tiếp tục gia tăng nỗ lực đa dạng hóa chủng tộc, giới tính. Con số 34 nữ sinh viên sĩ quan da đen vừa tốt nghiệp khóa 2019 được xem là một kỷ lục mới (2). Chắc chắn kỷ lục ấy sẽ sớm bị phá vỡ trong tương lai gần.
USMA hay West Point là một trong năm học viện của quân đội Mỹ. West Point đào tạo sĩ quan cho lục quân. The United States Naval Academy (USNA) tọa lạc ở Annapolis bang Maryland đào tạo sĩ quan cho hải quân. The United States Air Force Academy (USAFA) ở Colorado Springs, bang Colorado, đào tạo sĩ quan cho không quân. The United States Coast Guard Academy (USCGA) ở New London bang Connecticut, đào tạo sĩ quan cho lực lượng phòng vệ bờ biển. The United States Merchant Marine Academy (USMMA) ở Kings Point bang New York, đào tạo sĩ quan hàng hải cho cả quân đội lẫn các cơ quan thuộc chính phủ mà hoạt động có liên quan đến hàng hải.
Cả năm học viện của quân đội Mỹ đều tuyển sinh theo cùng một cách: Chọn những học sinh vừa xuất sắc về học vấn, vừa năng động, nổi trội về hoạt động xã hội và cả hai khía cạnh này phải đủ hơn người để một dân cử liên bang (Thượng Nghị sĩ hay Hạ Nghị sĩ) đồng ý viết thư giới thiệu cho các học viện xem xét, lựa chọn từng đương đơn.
Trong bốn năm theo học tại các học viện của quân đội Mỹ, sinh viên sĩ quan phải học đủ thứ, từ đi, đứng, nói năng, kể cả khiêu vũ… sao cho phong thái chững chạc, lịch thiệp như một quý ông, đến tập luyện đủ loại kỹ năng với cường độ như tù khổ sai để có thể thích nghi, sinh tồn và giúp người khác vượt qua những tình huống khắc nghiệt nhất.
Tốt nghiệp các học viện của quân đội Mỹ, sinh viên sĩ quan trở thành thiếu úy và có văn bằng cử nhân tương ứng với ngành mà đương sự chọn khi vào học viện (học viện nào cũng có các ngành liên quan đến kỹ thuật, khoa học xã hội). Chi phí trung bình cho đào tạo một sinh viên sĩ quan được ước tính khoảng 400.000 Mỹ kim/người.
Tất cả những yếu tố vừa kể khiến các học viện của quân đội Mỹ trở thành những ngôi trường danh giá, được xem như chỗ tập hợp tinh hoa và những sinh viên sĩ quan vượt qua tất cả các thử thách cả trong học tập tri thức, lẫn rèn luyện kỹ năng cần thiết của một sĩ quan, được xem như những cá nhân đã thẩm định kỹ lưỡng về chất lượng.
Dù luật pháp đặt định nhiều phương thức nhằm ngăn chặn kỳ thị nhưng phân biệt đối xử vì chủng tộc, giới tính, tuổi tác,… vẫn là một vấn nạn của xã hội Mỹ. Dù là một vấn nạn trong sinh hoạt xã hội song các nhóm thiểu số, có sự khác biệt với đa số về chủng tộc, giới tính, tuổi tác luôn có cơ hội để tự khẳng định.
34 thiếu nữ da đen vừa tốt nghiệp West Point hồi cuối tuần vừa qua là ví dụ mới nhất. Đến giờ, quân đội Mỹ có ít nhất 38 vị tướng da đen. Sau Rosco Robinson Jr. (tốt nghiệp West Point năm 1947) có thêm chín người da den nữa mang bốn sao trên cầu vai (Đại tướng). Chưa kể một tổng thống, nhiều chính khác da đen khác.
***
Tin 34 thiếu nữ da đen vừa tốt nghiệp West Point khóa 2019 – lập thêm kỷ lục mới về số thiếu nữ da đen tốt nghiệp một khóa đào tạo sinh viên sĩ quan tại USMA – xảy ra cùng lúc với tin, cha mẹ nhiều học sinh ở Sơn La đã chi cả tỉ đồng để nâng điểm thi tốt nghiệp cho con của họ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm ngoái (3).
Trước đó, theo tường thuật của hệ thống truyền thông Việt Nam, mục tiêu của phần lớn học sinh được sửa – nâng điểm đều là trở thành sinh viên sĩ quan của các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam. Trong vài năm vừa qua, các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam đột nhiên trở thành danh giá vì điểm xét tuyển vọt lên như pháo thăng thiên nhưng chưa ai quan tâm làm rõ xem vì sao phần lớn những trường hợp được sửa – nâng điểm, dù xảy ra tại Sơn La, hay Hòa Bình, Hà Giang,… cũng đều nhắm vào việc tìm cho được một chỗ trong các học viện, đại học thuộc quân đội và công an ở Việt Nam?
Đã có những người đề nghị thẩm định lại toàn bộ bài thi trong các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước 2018 của những sinh viên sĩ quan đang theo học tại tất cả học viện, đại học thuộc quân đội, công an để bảo đảm công bằng, dân chúng không phải thanh toán học phí và hàng loạt chi phí khác (ăn, mặc, ở, sinh hoạt phí) cho những sinh viên sĩ quan bất xứng cả về năng lực lẫn tư cách. Đã đề cập đến công bằng, đề nghị này dẫu đúng song chưa đủ! Công bằng thì các học viện, đại học thuộc quân đội, công an phải mở rộng cửa cho tất cả những đứa trẻ hội đủ các điều kiện về học vấn, thể lực, tư cách cá nhân (tự thân chúng không có tiền án, không vướng tiền sự).
Làm sao có thể gọi là “công bằng, dân chủ, văn minh” khi các học viện, đại học của quân đội, công an loại bỏ một đứa trẻ chỉ vì cha từng thế này (4), hoặc ông nội, ông ngoại từng thế kia (5) nên chúng đương nhiên bị xem là “đen”, không xài. Các học viện, đại học của quân đội cung cấp nhân lực cho công cuộc bảo vệ lãnh thổ, các học viện, đại học của công an thì cung cấp nhân lực cho công cuộc bảo vệ trật tự trị an, thực thi pháp luật. Chẳng lẽ lãnh thổ không phải của toàn dân, bảo vệ trật tự trị an, thực thi pháp luật không thật sự vì toàn dân nên dứt khoát sinh viên sĩ quan của các học viện thuộc quân đội, công an phải có ba đời trung thành với… đảng?
Cha mẹ của những đứa trẻ được sửa – nâng điểm tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang,… đều nằm trong nhóm từng được ví von là “hạnh phúc của dân tộc”. Nếu chuyện sửa – nâng điểm không đổ bể thành scandal, chắc chắn những đứa trẻ ấy sẽ sớm tham gia vào nhóm thề “trung với đảng”, luôn luôn khẳng định “còn đảng, còn mình”. Thêm chuyện này, dân chúng Việt Nam có nên tự vấn rằng họ có cần một đảng mà thành viên chỉ gồm toàn những cá nhân kiểu như thế lãnh đạo quốc gia, dân tộc hay không?
Chú thích
(1) https://www.youtube.com/watch?v=uJicZ6SJ0e8
(2) https://www.armytimes.com/news/your-army/2019/05/23/west-point-to-graduate-record-number-of-black-female-cadets/
(3) https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm
(4) https://news.zing.vn/them-truong-hop-khong-duoc-xet-tuyen-vao-cong-an-vi-ly-lich-post674752.html
(5) https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vuong-ly-lich-nhieu-thi-sinh-rot-truong-cong-an-gui-don-cau-cuu-20150924184316163.htm
https://www.voatiengviet.com/a/son-la-ha-giang-diem-thi-con-ong-chau-cha/4938805.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?