Trẻ bị phạt đòn roi sẽ mất tự tin và thiếu bản lĩnh sống

Trẻ bị phạt đòn roi sẽ mất tự tin và thiếu bản lĩnh sống
 
Học trò hư, ảnh biếm họa trên báo Đức năm 1849.Wikimedia

    « Con nhớ lấy đó làm bài học », hay như « Mẹ đánh con lần này để con chừa tật »… Đây là những câu nói quen thuộc sau mỗi lần cha mẹ/thầy cô quất roi, khẽ tay hay tát trẻ, phạt chúng vì những lỗi lầm gây ra. Nhiều nước châu Phi, hay châu Á, trong đó có Việt Nam, vẫn quan niệm rằng roi phạt không thể tách rời với giáo dục, để buộc trẻ phải tôn trọng nề nếp kỷ luật, uốn nắn chúng nên người. Thế nhưng, hiện nay trên thế giới phương pháp này đã bị cấm tại nhiều quốc gia, vì có nhiều chuyên gia cho rằng « đòn roi » trong giáo dục là một phương pháp phản tác dụng.

    « Quất roi vào mông, hay tát tai… : những các hình phạt thể xác có thể làm cho trẻ bị mặc cảm, rối loạn ảm ảnh cưỡng chế … hay trở nên chai lì » là lời khẳng định của nhà phân tâm học Muriel Salmona trên tờ tuần san L’Obs. Đánh phạt không những gây ra những đau đớn về thể xác, mà còn làm cho trẻ sợ hãi và bị stress. Đương nhiên, đánh phạt đòn roi có thể sẽ làm cho trẻ vâng lời ngay lập tức và còn là một lời cảnh báo có điều kiện để cho trẻ không phải tái phạm lại những lỗi đã gây ra.
    Nhưng nói về mặt thần kinh học, khi bị đánh đòn, trẻ đầu tiên sẽ có biểu hiện sững sờ, ngạc nhiên. Thái độ sững sờ đó là biểu hiện chấn thương thần kinh-sinh học. Nhưng do hệ thần kinh chưa đủ trưởng thành, trẻ nhỏ có một bộ não rất nhạy cảm với đau đớn và stress, nhiều hơn là người lớn. Trẻ cũng dễ bị ảnh hưởng đến thần kinh và phải gánh chịu những hậu quả về chấn thương tâm thần.
    Một quan điểm cũng được Thạc sĩ Lê Tuyết Ánh, giảng viên khoa Giáo dục học trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn, tại Sài Gòn đồng chia sẻ. Trao đổi với RFI Việt ngữ qua điện thoại, cô Tuyết Ánh quan niệm là dùng roi vọt để giáo dục trẻ là sai phương pháp. Giáo dục phải kết hợp với tâm lý, để có thể chia sẻ, quan tâm những bất an trong tinh thần của trẻ, giúp trẻ xây dựng nhân cách trong quá trình phát triển và đủ mạnh mẽ để đối mặt với cuộc sống sau này.
    ThS. Lê Tuyết Ánh, Sài Gòn:26/01/2016Nghe
    RFI: Kính chào Thạc sĩ Lê Tuyết Ánh. Những năm gần đây có nhiều hình ảnh phát tán trên mạng quay cảnh Thầy/Cô giáo đánh trò. Nhiều bậc phụ huynh cũng bắt đầu lên tiếng phản đối việc đánh phạt trẻ ở học đường. Xin hỏi thạc sĩ liệu đánh đòn có còn là một phương pháp giáo dục hiệu quả?
    ThS. Lê Tuyết Ánh: « Nói đến giáo dục, đánh trẻ con là sai, cho dù trong hoàn cảnh nào. Trẻ con khi bị đánh đòn, nếu những em nó yếu, nó sẽ cảm thấy sợ hãi. Mà sợ hãi thì các xem sẽ không tích cực được, không thể hiện nó được trước người khác, trong quá trình dạy và học. Còn nếu những em nào nó mạnh mẽ thì nó sẽ lì đòn roi. Một khi đã chai lì với đòn roi rồi thì giáo dục không làm gì được nữa, không thay đổi được nữa. Trong cả hai trường hợp như vậy, không thể nói dùng roi vọt để dạy trò, mà phải dùng đến nhân tâm, động viên, lời khuyên, an ủi, dùng sự thông cảm và độ lượng của người Thầy, người Cô mới giáo dục được. 
    Trong gia đình cũng vậy, muốn giáo dục con cái, cha mẹ cũng phải nhẹ nhàng, đồng cảm, và biết cách vỗ về cón cái. Như vậy, các em mới cảm thấy được khi mình sai lầm có người khác hỗ trợ để cho mình bình tĩnh vượt qua sai lầm. Còn nếu cứ sai thì bị đòn, thì trẻ sẽ không biết cách nào để sửa đổi. Do đó, giáo dục không thể chấp nhận sự đòn roi. Điều này đã được đưa vào trong luật giáo dục Việt Nam. »
    RFI: Ông bà có câu «Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi ». Muốn con thành đạt, nên người thì phải đòn roi uốn nắn, đưa vào nề nếp kỷ luật. Theo thạc sĩ, liệu châm ngôn này có còn giá trị trong xã hội Việt Nam hiện nay ?
    ThS. Lê Tuyết Anh: « Đó là câu nói ngày xưa. Ông bà mình khái quát từ ngày xưa. Nhưng quan niệm giáo dục ngày xưa khác với ngày nay. Và chúng ta không thể vận dụng câu nói này vào trong giáo dục hiện đại được. Con trẻ ngày nay không chỉ bó gọn trong gia đình, hay làng xóm của đứa trẻ được nữa mà các em tiếp cận ra bên ngoài rất là nhiểu, cho nên đòi hỏi những người giáo dục như là cha mẹ hay là thầy cô là phải nâng tầm mình lên, để đáp ứng yêu cầu đứa trẻ trong thời kỳ hiện đại. 
    Chúng ta không thể lấy quan niệm của ngày xưa, mà thời kỳ đó còn quá đơn giản, chúng ta có thể đưa cái chuẩn của người lớn, rồi tác động lên trẻ thì kiểu gì trẻ cũng chấp nhận. Các em bây giờ có nhiều điều kiện rơi vào, khi mà chúng ta không biết cách giáo dục đứa trẻ bằng tấm lòng, bằng lương tri, bằng sự quan tâm, thì đứa trẻ sẽ từ bỏ chúng ta, và tác động của chúng ta không được nữa. 
    Do đó, câu nói này chỉ đúng theo quan niệm xưa, còn theo quan niệm ngày nay không như vậy được. Trong thực tế, có gia đình nào đánh đập con cái, mà con cái có nên người. »
    Wikimedia
    RFI: Thạc sĩ có thể giải thích rõ hơn là khi trẻ bị phạt đòn ở trường hay trong gia đình như vậy sẽ có những hậu quả ra sao lên sức khỏe tâm thần của trẻ ?
    ThS. Lê Tuyết Ánh: « Về việc tâm lý là bị ảnh hưởng rất nhiều. Theo nhiều phản ảnh của nhiều phụ huynh, khi các cháu chưa có khả năng phản ứng, khi đến trường bị cô phạt, nhiều em không còn muốn đi học, không muốn đến trường, đến lớp. Có em còn đòi ba mẹ chuyển trường, thì mới chịu đi học. 
    Trong trường hợp đó, tinh thần của trẻ bị tổn thương. Khi còn quá nhỏ mà các em đã sợ nơi học tập, sợ thầy cô rồi. Điều này là không ổn. Nếu như cha mẹ về nhà, khi các em bị đánh, bị cô phạt (đòn, úp mặt vào tường, hay nạt nộ...), lúc về nhà các em sẽ chia sẻ với cha mẹ, nhưng mà cha mẹ lại không biết cách, đi trách lại con (chẳng hạn như « ai biểu con hư chi cho cô phạt…), thì cuối cùng đứa trẻ không biết dựa vào đâu. 
    Trong những lúc như vậy, cha mẹ nên quan tâm, vỗ về con trẻ và như vậy trẻ sẽ cảm thấy được động viên an ủi. Còn nếu cha mẹ trách lại con thì đứa trẻ sẽ còn cảm thấy nặng nề hơn về mặt tinh thần.
    Thứ hai, cha mẹ cũng không nên làm chuyện khi đứa trẻ về đòi chuyển trường, không muốn đi học, thay vì cha mẹ phải biết cách động viên, vỗ về đứa trẻ để nó cảm thấy yên tâm đi học thì cha mẹ lại cảm thấy vì con, mình quá lo lắng cho con, lo chạy chuyển trường. Điều này cũng làm cho trẻ cảm thấy không an toàn.
    Bởi vì, mỗi khi đối mặt những tình huống như vậy, trẻ lại không biết phấn đấu, không biết chia sẻ, mà cứ đòi ba mẹ thay đổi. Như vậy, trẻ lại không có sự ổn định. 
    Do đó, trong giáo dục trẻ, đương nhiên không được dùng đòn roi, nhưng phải có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, để cho trẻ yên lòng. Còn nếu như cha mẹ không biết cách, trẻ sẽ bị chới với. Các bậc cha mẹ trẻ ngày nay ít có chuyện đánh đập con trong gia đình, nhưng trong nhà trường vẫn còn (...) 
    Nhưng vì nhiều bậc cha mẹ xót con, nhưng lại không biết cách hành xử. Nếu cha mẹ biết bình tĩnh, họ sẽ biết cách làm gì để cho con mình an toàn lớn lên. Còn nếu cha mẹ không bình tĩnh, dường như mình đang hỗ trợ con, nhưng đó chỉ là hình thức, chứ còn về nội dung thì con lại không cảm thấy an toàn. 
    Bởi vì khi đi lớp khác, nó cũng sống với nội dung tinh thần như vậy. Mà nó không mạnh mẽ, cũng bị đe dọa, rồi cũng bị thầy cô la rầy, rồi lại chuyển trường. Làm cha mẹ trẻ đòi hỏi phải có kinh nghiệm, học tập. Đôi khi cũng phải biết chấp nhận hoàn cảnh nào đó đối với con cái, để bình tĩnh, từ từ khuyên răn và động viên con cái. Mỗi ngày cha mẹ cũng phải quan tâm đến con cái nhiều hơn. ở trường có thế nào, thì ở nhà phải là nơi để các cháu chia sẻ để cân bằng tinh thần của cháu. 
    Về phía nhà trường, phụ huynh cũng phải làm việc, gặp cô giáo, nói chuyện với cô để cô hiểu hơn về tính cách con mình, thay đổi cách trừng phạt ( như là nhắc nhở, phê bình…). Đây cũng là độ tuổi các cháu chưa có đủ nhận thức sâu sắc để đối diện với người lớn.»
    RFI : Đó là hệ quả trước mắt. Liệu việc trẻ bị phạt đòn như vậy có để lại những tác hại lên tính cách của trẻ trong tương lai ?
    ThS. Lê Tuyết Ánh : « Đương nhiên là có. Bởi vì tâm lý tinh thần bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, môi trường các cháu sống, để lớn lên. Giáo dục là ảnh hưởng tự giác về mặt xã hội lên một cá nhân, có nghĩa là xã hội có mục đích, nên cô giáo đánh đòn cũng có mục đích. 
    Trong trường hợp này, mục đích là cô giáo cũng muốn trò tốt lên, nhưng do phương pháp là sai, nên tinh thần đứa trẻ bị bấn loạn. Nên tuổi thơ mà để đứa trẻ lớn lên làm người trưởng thành sau này thì dấu ấn đó không xóa. Khi lớn lên, trẻ bị đánh đòn thì nó giam mình lại, thiếu tự tin, mặc cảm, không đối diện mạnh mẽ với cuộc đời. Trước rủi ro cuộc sống, các em khó đương đầu, bản lĩnh sống của một con người bị ảnh hưởng vì đã từ sớm bị cuộc đời giày xéo nên không đủ mạnh. Mà sức mạnh đó phải được tích lũy trong quá trình lớn khôn của một con người. Đó chính là do tác động của môi trường. 
    Nhưng nếu đứa trẻ bị nuông chiều quá, sau này khi bước vào đời trẻ cũng dựa dẫm. Mà như vậy trẻ cũng không đủ sức. Giáo dục không phải là mình nuông theo đứa trẻ, mà cũng không phải mạnh mẽ đánh đòn roi đứa trẻ để răn đe. Cả hai cách đều sai lầm hết. Tinh thần tâm lý do hoàn cảnh tác động vào, con người lấy đâu ra tinh thần đó, chưa ra đời thì chưa có. 
    Con người bị tương tác giữa hai bên, giữa mình với hoàn cảnh của mình. Khi còn nhỏ, nếu thầy cô, cha mẹ cứ đòn roi với trẻ, khi lớn lên đến một độ tuổi nào đó, nhất là đến cấp 2, các em có phản ứng gay gắt, các em hay bướng bỉnh, ngạo mạn. Một phần vì các em muốn phản ứng, nhưng phản ứng của các em lại sai lầm. Sai lầm ở chỗ các em chưa có kinh nghiệm, chưa biết phản ứng như thế nào là đúng với thầy cô, trong lễ độ của người học trò, trong sự lễ phép mà giáo dục yêu cầu.
    Chính vì thế, lúc này lớn hơn, thì các em sẽ nghĩ mình là người lớn phải phản ứng như người lớn, các em chỉ nghĩ đơn giản như vậy. Mà như vậy các em cũng sai luôn, sau đó các em sẽ ấn tượng về thời thơ ấu để lớn để làm người trưởng thành sau này thấy là chẳng lành mạnh gì hết. Nên khi đối diện với một cuộc đời như vậy, có em khi trưởng thành lại hận đời, sống bất kể. Đó là một kiểu ảnh hưởng. Còn không thì có em buông xuôi cuộc đời vì « cuộc đời như vậy với ta, ta chẳng may mắn », nên thiếu sự phấn đấu.
    Đã là giáo dục thì phải đúng về phía tiếp cận tâm lý mới giáo dục được. Nên khi nhà giáo mà không hiểu về tâm lý con người thì khó mà giáo dục được thành công. »

    Nhận xét

    Bài đăng phổ biến từ blog này

    Xứ Sở Hận Thù

    Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?