VN qua những ống kính máy ảnh đầu tiên

Image copyrightLoan de Fontbrune
Image captionBìa cuốn sách Những nhiếp ảnh gia Pháp đầu tiên ở Việt Nam
    Việt Nam là chủ đề quyến rũ với nhiều nhiếp ảnh gia Pháp ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân đến đây. Nhiều người trong số họ đã chọn ở lại và thắm thiết với Việt Nam đến những ngày cuối cùng.
Viện Hàn lâm khoa học hải ngoại Pháp vừa ra mắt cuốn sách "Những nhiếp ảnh gia Pháp tiên phong tại Việt Nam" của tác giả Loan de Fontbrune chủ biên.
Bà là sử gia nghệ thuật, đồng thời là thành viên của viện, đã dành 400 trang với 150 ảnh giới thiệu về công việc và sáng tác cuối thế kỷ 19 của những nghệ sĩ đầu tiên Pháp chụp về Việt Nam.
Những bức ảnh nói trên đi kèm bài viết của các học giả như Philippe Francini, Stephane Richemond, Trương Phillipe, Ngô Kim Khôi, Đinh Trọng Hiếu, François Thierry, Christine Hemmet, đánh giá, giới thiệu về từng vùng đất, phác hoạ chân dung những người Pháp chữ ‘tâm’ đi với chữ ‘tài’ đã để lại những kho tàng quý báu cho Việt Nam.
Họ là Firmin Andre Salles, Pierre Dieulefils, Gustave Trumelet Faber, Charles-Edouard Hocquard, Emile Gsell, Lemoine, Camille Paris, Auguste Pavie, Charles Marie Eugene Haffner...
Mỗi người đều có những hành trình khác nhau, nhưng có cùng giao điểm là lao động nghiêm túc, gắn bó sâu nặng với mảnh đất hình chữ S.
Image copyrightLoan de Fontbrune
Image captionHai công chúa nhà Nguyễn - tác giả Pierre Dieulefils
Những bức ảnh của họ chuyên chở những giá trị dân tộc học cũng như Việt học đáng quý.
Firmin André Salles xuất thân từ một sĩ quan hải quân, tham gia trận đánh thành Hà Nội lần thứ hai năm 1883.
Sau đó ông trở thành Tổng thanh tra thuộc địa và các lãnh thổ hải ngoại Pháp, tuy nhiên những bức ảnh của ông quan to rất gần gũi với đời thường.
Ống kính André Salles rất sống động, ghi lại cuộc sống thị thành Tonkin (Bắc Kỳ), hay khóa thi cuối cùng thế kỷ 19 tại Trường thi Nam Định năm 1897.
Kỳ thi năm Đinh Dậu vẫn dùng tiếng Hán này, ngoài chuyện Phan Bội Châu bị can án mang mầu sắc chính trị không được dự, còn một sĩ tử được biết đến là Trần Tế Xương. Nhà thơ với bút danh Tú Xương, người để lại những dòng thơ trào lộng:
"Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
"Mười người đi học chín người thôi
"Cô hàng bán sách lim dim ngủ
"Thầy khóa tư lương thấp thỏm ngồi
"Sĩ khí rụt rè gà phải cáo
"Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi…"
Nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils, người có chỗ đứng vững chắc sách sử về Hà Nội với cầu Thê Húc hay những bức ảnh phong trào khởi nghĩa Yên Thế của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám, lần này giới thiệu cho chúng ta về sinh hoạt trong cung đình Huế với ảnh về vua Thành Thái.
Image copyrightLoan de Fontbrune
Image captionVua Thành Thái và triều thần - tác giả Pierre Dieulefils
Dieulefils từng có hiệu ảnh ngay cạnh Hồ Gươm.
Hay những bức ảnh của Andre Eugene Disderi về phái đoàn Khâm sai đại thần Phan Thanh Giản năm 1863 trước khi lên đường sang Pháp điều đình sau khi mất ba tỉnh miền Tây.
Một nhiếp ảnh gia Charles Edouard Hocquard,đồng thời là nhà văn được biết đến với những tác phẩm như "Ba mươi tháng ở Tonkin", "Hành trình vòng quanh thế giới", cũng có mặt trong tập sách.
Những bức ảnh chân thực, tôn trọng sự thật về lịch sử cũng như tìm hiểu về ngành nghề Việt Nam cuối thế kỷ 19 của ông là những ghi nhận xúc động.

Hoàng Sa, Trường Sa

Người biên soạn sách Loan de Fontbrune với nhiều ảnh trong bộ sưu tập cá nhân cũng giới thiệu Gustave Trumelet Faber, một tên tuổi gần như chưa được biết đến.
Trumelet Faber đã để lại cho chúng ta những tư liệu có giá trị cao như bức ảnh về Hải Vọng đài tại Đà Nẵng năm 1888-1889, Ngũ Hành Sơn, hoặc những địa điểm đã hoàn toàn biến mất ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng.
Image copyrightLoan de Fontbrune
Image captionNgự y - tác giả Pierre Dieulefils
Đây là thời điểm vua Đồng Khánh ký đạo dụ nhượng Đà Nẵng cho Pháp. Cửa biển mang cái tên Pháp đầu tiên trên bản đồ Việt Nam là Tourane.
Tại đây Toàn quyền Đông Dương tuyên bố ngày 8/3/1925, Tourane (Đà Nẵng) cùng Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Pháp bằng văn bản còn lưu giữ trong Văn khố thuộc địa.
Nhiều bức ảnh có một không hai, chưa bao giờ ra mắt do Trumelet Faber chụp như Vườn Thượng Uyển Đại Nội Huế, Thuỷ Nguyệt đình, tư thất hay chùa chiền vua chúa Nguyễn trong Tử cấm thành, tháp Phước Duyên tại Huế năm 1888- 1891.
Trumelet Faber cũng chụp ảnh gia đình phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, người không lâu sau đó đã mang vua Hàm Nghi rời Huế ra Tân Sở và phát hịch Cần Vương.
Bộ ảnh về 53 dân tộc thiểu số Việt Nam của Henry Célestin Giard, Pierre Dieulefils, Lemoine, Camille Paris, Auguste Pavie, Gustave Trumelet Faber, Charles Marie Eugene Haffner đóng góp một cái nhìn tổng thể về những sắc dân với nền văn hóa đa sắc tộc của Việt Nam.
Chân dung phụ nữ Dao Tiền, Dao Đỏ, người Dao Lan với cách tết tóc dân tộc độc đáo, người Dao quần chẽn, thiếu nữ H'mong Trắng, người Lô lô, người Mường, người Thái trắng, Tầy, Nùng, người dân tộc Tây nguyên với tập tục an táng,hay đôi chân đặc biệt của người Giao Chỉ…là những bức ảnh nghiên cứu dân tộc học độc đáo và khiến chúng ta phải suy ngẫm lại về từ "thực dân".
Việt Nam, sau gần 150 năm vẫn thiếu vắng một công trình khoa học nghiêm túc, toàn diện trong lĩnh vực dân tộc học. Tiêu chí của Viện Hàn lâm khoa hải ngoại Pháp: "Biết, hiểu, tôn trọng và yêu mến" tặng lại cho chúng ta một Việt Nam đã mất.
Một Việt Nam trong mắt những người nghệ sỹ thắm thiết không rời.
Bài viết thể hiện văn phong và cách nhìn của nhà báo Phạm Cao Phong từ Paris.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện