Tin Biển Đông – 29/01/2018

Tin Biển Đông – 29/01/2018

Hoa Kỳ sẽ chuyển giao thêm tàu lớp Hamilton cho Việt Nam

Hoa Kỳ sẽ chuyển giao cho Việt Nam tàu tuần duyên USCGC Sherman sau khi giải nhiệm tàu này vào cuối tháng 3 tới đây.
Một số báo mạng Việt Nam trích dẫn trang tin kỹ nghệ quốc phòng Naval Today cho hay như vậy hôm Chủ Nhật 28/01. Tàu tuần duyên USCGC Sherman vừa trở về, sau hành trình cuối cùng kéo dài 76 ngày ở vùng biển Bering vào hôm 23 tháng 1. Đây là đợt điều động cuối cùng của tàu Sherman, sau gần 50 năm hoạt động trong lực lượng Duyên Phòng Hoa Kỳ.
Sherman là một trong bốn tàu lớp Hamilton còn lại của Duyên Phòng Hoa Kỳ. Con tàu sẽ tham gia cùng với tàu chị em của mình là chiếc USCGC Morgenthau vốn đã được chuyển giao cho Việt Nam hồi năm ngoái.
Trong chuyến tuần tiễu cuối cùng, thủy thủ đoàn tàu Sherman đã hỗ trợ một tàu đánh cá bị hỏng trong Vịnh Alaska đi hơn 800 dặm về đến Dutch Harbor. Tàu Sherman có chở theo trực thăng để thực hiện các nhiệm vụ cứu nạn tại vùng biển Bering.
Có một vài sự kiện đáng nhớ trong tiểu sử tàu Sherman. Vào năm 2001, Sherman là tàu tuần duyên đầu tiên của Hoa Kỳ thực hiện hải trình vòng quanh thế giới, sau khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát trong lực lượng Liên Hiệp Quốc ở vùng Vịnh Ba Tư và các dự án thiện chí ở Madagascar, Nam Phi và Cape Verde. Vào tháng 3 năm 2007, tàu Sherman bắt giữ 17 tấn cocaine trên một tàu hàng treo cờ Panama. Đây là một trong những vụ bắt giữ ma túy có giá trị lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, ước tính lên đến 600 triệu Mỹ kim.
Huy Lam / SBTN

Quan hệ Mỹ-Việt là cảnh báo

với chính sách bành trướng Trung Quốc

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis tới Việt Nam và tiếp theo là kế hoạch điều các tàu hải quân Mỹ có thể báo trước một chính sách cứng rắn hơn của Washington đối với Trung Quốc liên quan tới vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông, được coi là vụ tranh chấp biển phức tạp nhất ở châu Á.
Khi đến Việt Nam hồi tuần trước, ông Mattis đã gặp Chủ tịch Trần Đại Quang, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, và người đồng nhiệm, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Trang web của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết họ chia sẻ những quan ngại về tự do hàng hải và “tôn trọng luật pháp quốc tế”, hàm ý nói đến vụ tranh chấp 6 bên đòi chủ quyền ở Biển Đông, trong đó Bắc Kinh chiếm thế áp đảo. Một tàu sân bay Mỹ sẽ ghé thăm Việt Nam vào tháng 3 sắp tới. Việt Nam là nước có tiếng nói mạnh mẽ nhất chống lại Trung Quốc trong cuộc tranh chấp này.
Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định: “Chuyến thăm của ông Mattis và chuyến thăm của tàu sân bay vào tháng 3 là nhằm đánh đi một tín hiệu tới Trung Quốc về hành vi quyết đoán của họ ở Biển Đông”.
Ông nói thêm: “Các chuyến thăm này là một phần trong một loạt các bước của Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm gần đây nhằm tăng cường các quan hệ chính trị và an ninh giữa lúc Trung Quốc đang trỗi dậy và đẩy mạnh các hoạt động trên Biển Đông”.
Việc mở rộng quan hệ quân sự với Việt Nam có thể cho thấy lập trường mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Tổng thống Donald Trump về cuộc tranh chấp Biển Đông sau một năm có những nghi ngờ về liệu ông có sẽ thách thức thế áp đảo của Bắc Kinh, và ngả về 5 chính phủ khác đang cưỡng chống các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Ông Sean King, phó chủ tịch tổ chức tư vấn Park Strategies ở New York, cho biết chuyến thăm Việt Nam của ông Mattis trong tháng này cho thấy một “đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh nói chung” ở Washington. Tuy nhiên nhà phân tích này nói thêm rằng sự thay đổi có thể đã quá muộn.
Ông đưa ra ý kiến: “Quan hệ với Việt Nam giờ đây có tính quan trọng sống còn hơn bao giờ hết vì chúng ta dường như đã để mất Philippines trên Biển Đông”.
Ông nói tiếp: “Có thể mọi chuyện đã quá muộn khi việc Bắc Kinh khư khư nắm lấy Biển Đông hình như đã trở thành chuyện đã rồi”.
Quan hệ được cải thiện có thể dẫn tới việc Việt Nam mua vũ khí từ Hoa Kỳ, ông Hiebert nói. Năm 2016, Tổng thống Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương đã áp dụng trong nhiều thập kỷ đối với Việt Nam.
Tuy nhiên, dự kiến giới lãnh đạo tại Hà Nội không quá vội vã xích lại gần Hoa Kỳ để quan hệ song phương trở nên nồng ấm hơn. Họ vẫn coi trọng quan hệ với Trung Quốc trong tư cách là nước láng giềng và đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM, nhận định: “Tôi tin chắc rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rằng họ sẽ không đi quá nhanh tiến tới cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?