Từ hợp tác vũ trụ Mỹ-Nga đến ‘‘làng quốc tế’’ trên Mặt Trăng



mediaNgôi làng trên Mặt Trăng, cơ hội mới cho hợp tác quốc tếẢnh : Wikipedia
Trong những năm gần đây, căng thẳng quốc tế gia tăng tại nhiều khu vực, thế đối đầu địa chính trị giữa các cựu thù thời Chiến tranh Lạnh khiến công chúng lo ngại nguy cơ xung đột bùng phát vượt tầm kiểm soát. Trên thực tế, cho dù đối địch trên nhiều mặt trận, các cường quốc trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh đã tìm được lĩnh vực để hợp tác, đặc biệt trong chinh phục không gian. Là đối thủ trên Trái Đất, nhưng trong suốt 20 năm qua, Mỹ và Nga đã phối hợp thành công trên trạm vũ trụ ISS. Còn giờ đây, dự án xây dựng « làng quốc tế » trên Mặt Trăng của châu Âu đang mở ra triển vọng hợp tác quốc tế mới.
Cách nay đúng 20 năm, dự án Trạm Không Gian Quốc Tế (ISS) chính thức ra đời. Tại Washington, ngày 29/01/1998, 16 quốc gia đã ký kết thỏa thuận xây dựng dự án không gian lớn chưa từng có, trị giá 100 tỉ đô la. Mỹ và Nga là hai thành viên sáng lập của dự án, cùng với 11 quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, Canada và Brazil. 
Không có phi thuyền Soyouz không có ISS
Theo ông John Logsdon, cựu giám đốc Viện Chính sách Không gian ở Washington, Mỹ và Nga đã đóng góp tổng cộng 80% phương tiện và thiết bị của dự án. Hoa Kỳ đóng góp phần chính, nhưng Nga cũng cung cấp nhiều yếu tố quan trọng, đặc biệt là phi thuyền Soyouz. Trạm vũ trụ nói trên đã không thể vận hành được trong 7 năm gần đây, nếu như không có phi thuyền Nga đưa các phi hành gia Mỹ, Nga, Nhật Bản và châu Âu lên đổi phiên mỗi sáu tháng một lần. 
Hiện tại, Hoa Kỳ phải trả khoảng 80 triệu đô la cho tập đoàn không gian Nga Roscosmos, với một phi hành gia được đưa lên quỹ đạo, trong khi chờ đợi các công ty Mỹ hoàn tất phi thuyền mới. 
Theo chuyên gia Mỹ Logsdon, trong lĩnh vực này, hai bên đều rất cần đến nhau, và nói một cách hình tương là họ đã « dựng lên một vành đai bảo vệ », để ngăn cản mọi vấn đề chính trị ảnh hưởng đến quan hệ đối tác quan trọng này. Sử gia về ngành không gian Mỹ Bill Barry ghi nhận rằng, trên trạm vũ trụ « quan hệ hàng ngày giữa người Mỹ và người Nga là rất tích cực ». 
Vị sử gia nói trên cũng nhắc lại là hợp tác không gian Mỹ-Nga trên thực tế đã bắt đầu ngay từ năm 1972, với cam kết sử dụng không gian một cách hòa bình, với kết quả là một chuyến thám hiểm vũ trụ chung được thực hiện vào năm 1975. Tuy nhiên, chỉ sau khi Liên Xô tan vỡ, Mỹ Nga mới có điều kiện đẩy mạnh hợp tác. 
Hội nhập Nga với phương Tây
Theo chuyên gia chính sách không gian Mỹ, nước Nga với rất nhiều kinh nghiệm về các chuyến bay thám hiểm không gian dài ngày có thể mang lại những đóng góp quan trọng. Mặt khác, xét về mặt địa chiến lược, hợp tác vũ trụ là phương thức để đưa Nga hội nhập hoàn toàn với phương Tây, và ngăn không để Nga xuất khẩu công nghệ nhạy cảm sang các nước độc tài như Bắc Triều Tiên, Iran hay Libya. 
Hợp tác về trạm không gian Nga-Mỹ hứa hẹn sẽ còn tiếp tục có nhiều bước phát triển mới. Phát biểu trước Quốc Hội Mỹ hôm thứ Năm, 25/1, một người phụ trách của NASA cho biết trạm ISS – dự kiến hoạt động ít nhất đến năm 2024 - vẫn cần đến các phi thuyền Soyuz của Nga, cho dù đến 2019, Mỹ sẽ hoàn tất phi thuyền riêng. Tiếp theo ISS, Washington và Matxcơva đã nhất trí hợp tác trong dự án xây dựng một trạm không gian đầu tiên trên quỹ đạo Mặt Trăng. Dự án mang tên « Deep Space Gateway ». 
Giai đoạn hợp tác mới của nhân loại 
Trong lĩnh vực chính phục không gian, trong lúc Trạm Không Gian Quốc Tế ISS sắp hoàn tất sứ mạng, viễn cảnh xây dựng một « ngôi làng quốc tế » trên Mặt Trăng đang bắt đầu thành hình, với sự thúc đẩy của cơ quan không gian của Liên Hiệp Châu Âu ESA. 
Tổng giám đốc cơ quan không gian châu Âu ESA, ông Jan Woerner, nhấn mạnh đây không phải là một dự án theo nghĩa hẹp, mà là một viễn cảnh « rộng mở » cho sự tham gia của tất cả mọi quốc gia. Tháng 11/2016, chính ông là người đầu tiên khởi sự vận động cho một công cuộc chinh phục Mặt Trăng « mang tính toàn cầu ». Quan điểm của ESA là, sau dự án Trạm Không Gian Quốc Tế, ngôi làng Mặt Trăng cho phép nhân loại vượt sang một giai đoạn mới trong hợp tác không gian. 
Hiện tại viễn cảnh về một căn cứ trên Mặt Trăng mới chỉ trong giai đoan phôi thai. Người phát ngôn của cơ quan không gian châu Âu ESA cũng lưu ý là không nên hiểu ngôi làng trên Mặt Trăng là một thị trấn với trường học, nhà ở và tòa thị chính như trên Trái Đất. Đây thực chất là nhiều dự án thám hiểm, cơ sở nghiên cứu khác nhau được tiến hành, thiếp lập với sự phối hợp. 
Hàng trăm thực nghiệm đã được tiến hành trên Trạm Không Gian Quốc Tế, được ví với một phòng thí nghiệm khổng lồ trên quỹ đạo Trái đất. Các thực nghiệm thuộc đủ các lĩnh vực như vật lý học, vi sinh vật học, phản ứng của cơ thể con người trong vũ trụ, hay các nghiên cứu về vật liệu mới. Về phần mình, Mặt Trăng cung cấp một không gian thực nghiệm rộng lớn hơn nhiều, và hiển nhiên là rất khác. 
Cho đến nay, cho dù Mặt Trăng là thiên thể lớn gần Trái Đất hơn cả, thế nhưng những hiểu biết về địa chất và hoạt động của vệ tinh này vẫn còn rất ít được biết đến. Quan sát vũ trụ từ Mặt Trăng cũng mang lại nhiều lợi thế hơn so với Trái Đất, nơi thường bị ánh sáng làm nhiễu loạn. 
Mặt Trăng : Điểm dừng đầu tiên trên đường đi sao Hỏa
Trong những năm gần đây, giấc mơ chinh phục sao Hỏa đã thu hút gần như toàn bộ sự chú ý, tuy nhiên kể từ năm ngoái, kế hoạch lập cơ sở quốc tế lâu dài trên Mặt Trăng bắt đầu nhận được sự tán thưởng của các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực này. Tỉ phú Mỹ Elon Musk – nổi tiếng với giấc mơ sao Hỏa - cũng thừa nhận rằng một căn cứ trên Mặt Trăng là điều cần thiết. 
Theo một số chuyên gia, việc xây dựng được một cơ sở khoa học trên Mặt Trăng sẽ tạo điều kiện cho một công việc tương tự trên một hành tinh xa xôi, như sao Hỏa. 
Đối với dự án Mặt Trăng, vấn đề đầu tiên là huy động các sáng kiến đóng góp. Tổng giám đốc ESA cho biết đã nhận được đề nghị của 150 đối tác muốn tham gia xây dựng làng trên Mặt Trăng. Hiện tại, hai cơ quan vũ trụ ngoài châu Âu, có quan hệ mật thiết với ESA, là cơ quan không gian Mỹ NASA và tập đoàn không gian Nga Roscosmos cũng đang có các dự án chinh phục Mặt Trăng. 
Kế hoạch trạm không gian trên quỹ đạo Mặt Trăng Deep Space Gateway của Hoa Kỳ và Nga cũng được châu Âu, Nhật Bản và Canada ủng hộ. Về phần mình, Nga đang phát triển tàu đổ bổ Lunar-Rusers lander, có tên gọi Lunar 27, với nhiều công nghệ do cơ quan không gian châu Âu ESA cung cấp. Đầu năm 2017, cơ quan không gian Trung Quốc cũng đã ngỏ ý muốn tham gia kế hoạch làng Mặt Trăng. 
(Theo AFP, France 24 và futura-science.com)

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180129-tu-hop-tac-vu-tru-my-nga-den-‘‘lang-quoc-te’’-tren-mat-trang

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?