Tin khắp nơi – 29/01/2018

Tin khắp nơi – 29/01/2018

Khodorkovsky: ‘Putin là tù nhân của quyền lực ở Kremlin’

Trả lời một báo Anh, cựu tỷ phú Mikhail Khodorkovsky nói Tổng thống Putin “là tù nhân của quyền lực” dù không muốn cầm quyền tới lúc chết.
Trong bài phỏng vấn trên trang The Sunday Times hôm 28/01/2018, ông Khodorkovsky, hiện sống lưu vong tại London, nói cả về hoạt động cho Quỹ Nước Nga Mở (Open Russia) để vận động dân chủ cho quê hương ông.
Mỗi năm, ông đóng góp cho tổ chức này 5-6 triệu USD để ủng hộ các hoạt động “truyền thông độc lập và nhân quyền” cho xã hội Nga.
Phát biểu vài tháng trước kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm nay của Nga, khi mà ông Vladimir Putin sẽ ra tranh cử lần nữa, ông Khodorkovsky nói ông Putin “thực chất đã là tù nhân của quyền lực Điện Kremlin”.
Dù không muốn cầm quyền đến chết, ông Putin “không có chiến lược rút lui” (exit strategy) để “hưởng tài sản khổng lồ tích lũy được mà không sợ bị trừng phạt,” theo Khodorkovsky.
Trả lời báo The Sunday Times rằng có ý kiến cho rằng xã hội Nga và người Nga không chấp nhận dân chủ, ông Khodorkovsky coi đây là một “hình thức phân biệt chủng tộc”.
“Người ta từng nói người da đen không thể từ lo cuộc sống của họ thiếu người da trắng. Nay họ nói người Nga không giống người châu Âu khác và phần còn lại của thế giới và không tự lãnh đạo mình được nếu thiếu một bàn tay sắt. Điều đó từng được dùng để nói về người Đức, và đây là một dạng phân biệt chủng tộc.”
Bị tù và nay vận động cho dân chủ ở Nga
Năm nay 54 tuổi, ông Khodorkovsky bị bắt năm 2003 và xử vì các vấn đề liên quan đến công ty dầu khí Yukos của ông.
Sau 10 năm ngồi tù tại một trại cải tạo ở vùng Viễn Đông, gần biên giới Trung Quốc, ông được Tổng thống Putin ân xá và sang sống tại Phương Tây.
Hiện ông có căn nhà tại khu Mayfair, London và nói mình là “người tự do”.
Dù không muốn cầm quyền đến chết, ông Putin không có chiến lược rút luiMikhail Khodorkovsky
Năm 2015, ông tham gia lễ khai trương văn phòng của Nước Nga Mở tại Moscow qua đường video từ nước ngoài nhưng không thể về Nga.
Hồi 2016, chính quyền Nga đáp lại tin về việc ông Khodorkovsky ủng hộ hoạt động đối lập ở Nga bằng cách đưa ra vụ một việc mới cho rằng ông có liên quan đến vụ giết chết một chính trị gia ở Siberia năm 1998, theo báo Anh.
Nếu quay trở lại Nga, ông Khodorkovsky sẽ bị bắt, theo báo The Guardian trong bài về ông và hoạt động của Quỹ Nước Nga Mở.
Trước bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3, các kênh truyền hình hàng đầu do Nhà nước Nga kiểm soát bắt đầu mô tả ông Putin như một vị cứu tinh của quốc gia.
Ông được cho là người chữa lành sự phân rẽ trong lịch sử Nga và cứu đất nước khỏi hỗn loạn, theo Adam Robinson viết cho BBC Monitoring.
Ngoài ông Putin còn có ngôi sao showbiz, Ksenia Sobchak cũng nói sẽ tham gia tranh cử tổng thống.
Là con gái của người từng bảo trợ cho ông Putin, nguyên Thị trưởng St Petersburg, Anatoly Sobchak, bà Ksenia nói bà cũng ủng hộ ứng viên đối lập Alexei Navalny.
Tuy nhiên, ông Navalny đã bị chính quyền loại khỏi vòng đua ngay trước giờ bắt đầu vì các lý do thủ tục.
Sinh năm 1952, ông Putin lần đầu cầm quyền thủ tướng vào năm 1999 và “đổi chỗ” cho người thân cận là Dmitry Medvedev để sau khi rời chức Tổng thống sau hai nhiệm kỳ thì giữ chức Thủ tướng Liên bang Nga năm 2008-2012.
Lý do là luật của Nga không cho ai cầm quyền tổng thống liên tiếp ba nhiệm kỳ.
Sau đó, ông Medvedev quay lại giữ chức Thủ tướng còn ông Putin lại tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ nữa từ 05/2012 đến nay.

Ứng dụng theo dõi sức khỏe làm lộ căn cứ quân sự

Ứng dụng theo dõi sức khoẻ trực tuyến Strava vừa tung ra “bản đồ nhiệt” hiển thị sơ đồ đường mà người dùng đăng nhập khi họ chạy hoặc đạp xe.
Nó dường như cho thấy cấu trúc của các căn cứ quân sự nước ngoài ở các quốc gia như Syria và Afghanistan, khi binh lính di chuyển quanh các căn cứ này.
Quân đội Hoa Kỳ đang kiểm tra bản đồ này, một phát ngôn viên cho biết.
Strava cho biết công ty này đã loại trừ các hoạt động được đánh dấu là riêng tư trên bản đồ.
Những người sử dụng lưu lại dữ liệu vận động của họ trên ứng dụng Strava có thể lựa chọn chế độ hiển thị hoặc riêng tư. Công ty cung cấp ứng dụng cho biết các dữ liệu hiển thị không bao gồm các thông tin cá nhân.
Sự xuất hiện của các căn cứ quân sự trên bản đồ cho thấy rằng một số lượng lớn quân nhân trên toàn cầu đã chia sẻ công khai dữ liệu vị trí của họ.
Phiên bản mới nhất của bản đồ được phát hành vào tháng 11/2017, nhưng sự việc liên quan đến căn cứ quân sự chỉ được nêu ra vào cuối tuần qua.
Nathan Ruser, một sinh viên Úc là người lần đầu tiên nêu ra vấn đề trên, nói rằng anh nhìn thấy bản đồ các khu quân sự trong khi đang xem một blog về bản đồ vào tuần trước.
“Tôi nhìn nó và nghĩ, ôi không, điều này không tốt chút nào. Nó không nên xuất hiện ở đây”, anh này nói với BBC.
Ruser, 20 tuổi, cũng nói bị sốc khi thấy mức độ chi tiết của bản đồ mà anh nhìn thấy.
Vị trí của các căn cứ quân sự nhìn chung được biết đến rộng rãi, từ kiến thức địa phương cũng như qua các công cụ hình ảnh vệ tinh hiện có như Google Earth.
Mối lo ngại về bản đồ nhiệt của Strava tập trung chủ yếu vào thực tế là nó hiển thị cường độ vận động – thể hiện qua đường ánh sáng mạnh hơn – và di chuyển của binh lính bên trong khu quân sự.
Cũng có vẻ như dữ liệu vị trí cũng được hình thành ở khu vực bên ngoài căn cứ quân sự – nó hiển thị các tuyến đường thường được dùng làm đường chạy hoặc tuần tra.
Ứng dụng này phổ biến ở phương Tây nhiều hơn các nơi khác – có nghĩa là các căn cứ quân sự nước ngoài nổi bật như những điểm nóng “bị cô lập” ở Trung Đông.
Những căn cứ dễ nhận biết bao gồm những căn cứ được Mỹ sử dụng ở Syria và Iraq, căn cứ RAF ở Falklands, và một căn cứ quân sự của Pháp tại Niger.
Hàng triệu người dùng theo dõi dữ liệu vị trí của họ bằng ứng dụng Strava trong khi luyện tập, thông qua một thiết bị đeo trên cổ tay hoặc tải ứng dụng trên điện thoại cho phép tự động hiển thị vị trí của người dùng khi họ chạy bộ hoặc đạp xe.
Trong một bài viết về kỹ thuật đăng tải trên mạng từ tháng 11, Strava cho biết phiên bản mới nhất của bản đồ này được xây dựng từ một tỷ hoạt động – khoảng ba nghìn tỷ dữ liệu, tương đương khoảng 27 tỷ km chạy bộ, đi bộ hoặc bơi lội.
Strava đưa ra một tuyên bố ngắn gọn nhấn mạnh rằng dữ liệu được sử dụng đã được ẩn danh và “loại trừ các hoạt động đã được đánh dấu riêng tư hoặc các địa điểm riêng tư theo định nghĩa của người sử dụng.”
“Chúng tôi cam kết giúp mọi người hiểu rõ hơn các cài đặt của chúng tôi nhằm giúp họ có thể kiểm soát những gì họ chia sẻ.”
Các cài đặt sẵn có trong ứng dụng của Strava cũng cho phép người dùng không chọn việc thu thập dữ liệu cho bản đồ nhiệt – ngay cả đối với các hoạt động không được đánh dấu là riêng tư – hoặc cho phép họ thiết lập “khu vực riêng tư” ở một số vị trí nhất định.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu được thu thập và khả năng nhận dạng người dùng.
Anh Ruser, người đang học về an ninh quốc tế tại Đại học Quốc gia Úc, cho biết bất cứ ai cũng có thể lần theo các thông tin này.
Anh này nói: “Tôi nghĩ cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là làm thông báo rộng rãi về các lỗ hổng của ứng dụng, như vậy nó có thể được khắc phục.”

Người Hàn Quốc chinh phục nỗi sợ ăn một mình

Các bữa ăn cho một người nấu sẵn đang bán chạy hơn ở Hàn Quốc khi người dân chinh phục nỗi sợ ăn một mình, vốn tiềm ẩn trong tâm lý người Hàn nhiều năm nay.
Theo các con số mới ra của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, lượng tiêu thụ các bữa cơm ăn liền cho một người đang ngày một tăng trong khi lượng tiêu thụ gạo trên cả nước đang có xu hướng giảm, trang Korea Bizwire đưa tin.
Theo các quan chức của cơ quan thống kê, đó là do ngày càng có nhiều người có thói quen “honbap” (ăn một mình), điều mà cho tới gần đây, vẫn được coi là cấm kỵ trong xã hội Hàn Quốc.
Nhà báo Chang May Choon của tờ thời báo Straits Times (Singapore) viết hồi năm 2016 rằng thói quen ăn một mình đi ngược lại với mong mỏi được thuộc về một nhóm nào đó và không bị tẩy chay của người dân Hàn Quốc.
“Cái mà họ sợ là mang tiếng nếu mọi người nghĩ họ là kẻ đơn độc (wangda), và đó là điều cấm kỵ lớn,” cô Chang viết.
‘Bị xã hội ruồng bỏ’
Một người ăn một mình (không ngạc nhiên là người này không muốn lộ danh tính) nói với tờ Korea Herald rằng anh thấy ngại khi ăn một mình ở nơi công cộng, vì anh nghĩ người khác có thể đánh giá anh là “kẻ bị xã hội ruồng bỏ”.
“Tôi nghĩ mọi người vẫn còn nghĩ là nếu bạn ăn một mình, phải có điều gì sai sai trong cuộc sống giao lưu của bạn,” anh nói với tờ Korea Herald trong một bài phỏng vấn năm 2016.
Nhưng thực trạng những hộ gia đình một người ngày một tăng và nền văn hóa ngày càng coi trọng “thời gian riêng cho tôi” đang làm thay đổi tình hình, tờ Maiel Business Newspaper đưa tin.
Xu hướng đi ngược lại quan niệm truyền thống này đang lan rộng đến nỗi ngay cả các nhà hàng loại sang cũng xếp nhiều bàn cho một người hơn. Tờ MBN còn đưa tin có cả một ứng dụng điện thoại di động gợi ý các nhà hàng thân thiện với người ăn một mình.
Bài do phóng viên BBC Tae-jun Kang và Alistair Coleman tổng hợp.

Các luật sư Hong Kong lên án

biện pháp cấm các nhà hoạt động dân chủ

Hôm thứ Hai 29 tháng 1 năm 2018, một nhóm luật sư Hồng Kông ký tên trong bản tuyên bố lên án lệnh cấm của chính phủ đối với một nhà hoạt động dân chủ, nhằm ngăn cản không cho người này tranh cử, vì cho rằng đây là một hành động đàn áp tự do ngôn luận và kiềm chế bầu cử.
Lệnh cấm được chính quyền đặc khu Hồng Kong loan báo từ cuối tuần qua đối với cô Chu Đình, một đồng minh thân cận của lãnh tụ Phong trào “Cây Dù Vàng” Hoàng Chi Phong. Tin này đã làm dấy nên nỗi lo ngại về việc Bắc Kinh đang thao túng chính trường đặc khu, nhằm ngăn chặn việc tham gia chính trị của giới trẻ Hồng Kông.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, Đặc khu trưởng đặc khu Hồng Kông, từng nói trong buổi nhậm chức hồi năm ngoái rằng chính quyền của bà phải bảo vệ điều được gọi là “đường dây đỏ” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, để đảm bảo không có những thách thức đối với chủ quyền quốc gia, an ninh cũng như quyền lực của chính quyền trung ương.
Nhóm 30 luật sư ký tên trong bản tuyên bố chủ yếu là những luật sư được xem là có tư tưởng tự do, bao gồm cả những người đứng đầu và hiện tại của Hiệp hội luật sư. Những vị luật sư này cũng nói rằng họ không có ý tán thành quan điểm chính trị của cô Chu Đình, nhưng thay vào đó, muốn bảo vệ quyền tự do của ứng cử viên.

Trung, Nhật đồng ý tổ chức thượng đỉnh Hàn – Nhật – Trung

Trung Quốc và Nhật Bản đã đồng ý sẽ sớm tổ chức cuộc gặp lãnh đạo ba nước Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Hàn. Quyết định này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp người tương nhiệm Nhật Bản là ông Taro Kono hôm chủ nhật, 28/1 ở Bắc Kinh.
Thông cáo báo chí sau cuộc gặp cho biết các trao đổi cấp cao giữa các bên đóng vai trò hàng đầu trong việc cải thiện quan hệ hai nước.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm chủ nhật cho báo chí biết quan hệ Trung Quốc Nhật Bản thời gian gần đây đã có những cải thiện, mặc dù ông nhìn nhận hai nước vẫn còn những khác biệt.
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa ba nước lần cuối cùng diễn ra hồi năm 2015 ở Seoul, Nam Hàn. Các cuộc gặp này vẫn được ba nước lần lượt tổ chức định kỳ từ năm 2008. Tuy nhiên cuộc gặp lần thứ 5 vào năm 2012 đã bị ngưng lại do quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Nhật bản liên quan đến tranh chấp ở quần đảo Senkaku do Nhật quản lý mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc đã thúc giục phía Nhật bản tuân thủ cam kết về nguyên tắc một nước Trung Hoa liên quan đến vấn đề Đài Loan, tôn trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc đối với vấn đề Tây Tạng và Tân Cương. Thông cáo báo chí giữa hai nước cho biết hai bên cũng đồng ý làm việc cùng nhau để xây dựng biển Hoa Đông hòa bình, hợp tác và hữu nghị.

Hoa Kỳ chuyển giao trực thăng,

giúp Jordan tự vệ trước mối đe doạ ISIS

Zarqa, Jordan. (Reuters)- Hôm qua 28/01, Hoa Kỳ đã chuyển những chiếc phi cơ trực thăng Black Hawk cuối cùng đến Jordan để giúp nước này đối phó với mối đe doạ của phiến quân Nhà nước Hồi Giáo.
Buổi lễ chuyển giao được tiến hành tại Căn cứ không quân King Abdullah thứ hai ở Zarqa, cách thủ đô Amman khoảng 35 cây số, tương đương 21 dặm. Đặc sứ Hoa Kỳ tại Jordan Henry Wooster nói rằng Washington cam kết vẫn tiếp tục yểm trợ quân đội Jordan bảo vệ vùng biên giới của mình. Chuyến vận chuyển nói trên đã nâng tổng số phi cơ trực thăng Black Hawk của Hoa Kỳ chuyển giao cho Jordan lên tổng cộng 12 chiếc trong vòng 9 tháng qua.
Jordan là một trong số ít các quốc gia Ả Rập tham gia chiến dịch không kích do Hoa Kỳ cầm đầu nhắm các địa điểm của phiến quân Hồi giáo cực đoan. Từ khi bắt đầu cuộc nội chiến Syria năm 2011 cho đến nay, Washington đã chi hàng triệu Mỹ kim để giúp Amman thành lập hệ thống giám sát được gọi là Chương Trình An Ninh Biên Giới, để ngăn chận các đợt xâm nhập của phiến quân Hồi giáo từ Syria và Iraq.
Trong năm tài khoá 2017, quốc hội Hoa Kỳ đã dành 470 triệu Mỹ kim viện trợ cho quân đội Jordan thông qua các đợt huấn luyện phi công, cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự, trong đó có 12 chiếc phi cơ trực thăng Black Hawks.
Jordan nằm trên hành lang tiếp vận quan trọng, trong đó có địa điểm đồn trú của quân đội Hoa Kỳ tại vùng sa mạc ở phía đông nam Syria. (Song Châu)

Tổng Thống Trump

đe dọa trả đũa chính sách thương mại của Liên Âu

Washington DC. (Reuters) – Hôm qua 29/01, Tổng Thống Trump đe dọa sẽ đối mặt với Liên Minh Châu Âu vì chính sách thương mại “rất không công bằng” của liên minh này đối với Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump đưa ra phát biểu trên trong buổi phỏng vấn của Đài ITV Anh Quốc, được phát sóng vào tối Chủ Nhật 28/01. Theo tin Reuters, tuần trước ông Trump yêu cầu chính phủ của ông thực thi chặt chẽ các quy tắc thương mại, đồng thời ký một mức thuế 30% đối với mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời nhập cảng. Đây là một trong những hạn chế thương mại đơn phương đầu tiên do chính phủ ông Trump đưa ra, là một phần của chương trình nghị sự về chế độ bảo hộ công nghiệp trong nước.
Trả lời phỏng vấn, Tổng Thống Trump nói ông gặp rất nhiều vấn đề với Liên Minh Châu Âu, và từ quan điểm chính sách thương mại, đó có thể là những vấn đề lớn. Hoa Kỳ không thể đưa sản phẩm của họ vào thị trường Liên Âu, và sau khi vào được, các công ty Mỹ cũng bị đánh thuế một cách không công bằng. Ngược lại, sản phẩm của họ được đưa vào Hoa Kỳ với chính sách không thuế hoặc thuế rất thấp.
Tuy nhiên, theo Tổng Thống Trump, Liên Minh Châu Âu không phải là nơi duy nhất bắt chẹt hàng hóa của Hoa Kỳ. Ông có thể kể tên một số quốc gia “chơi không đẹp.” Nhưng Liên Âu là nơi bắt chẹt hàng hóa Hoa Kỳ một cách trắng trợn, và họ sẽ phải chịu thiệt hại cho cách đối xử đó. (Mai Đức)

Vòng đàm phán NAFTA mới nhất kết thúc

với nhiều thách thức tồn đọng

Các đại diện thương mại hàng đầu từ Canada, Mexico và Hoa Kỳ theo lịch trình hôm thứ Hai sẽ cập nhật về tiến trình tái thương thuyết Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), trong khi những người nắm rõ tiến trình này nói rằng một thỏa thuận cuối cùng có thể bị đẩy lùi, lâu sau ngày được chọn làm mục tiêu trong tháng 3.
Ba nước trước đó đã cố gắng hoàn tất các cuộc đàm phán trước cuối năm 2017, nhưng đã trì hoãn hạn chót không chính thức trong khi họ nỗ lực tìm kiếm những điểm chung ở một số vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Vòng đàm phán mới nhất tại Montreal bao gồm thương thuyết về một cơ chế giải quyết tranh chấp, và các quy định cho ngành sản xuất xe hơi.
Mỹ muốn loại bỏ phần lớn các ban giải quyết tranh chấp và tăng tỉ lệ hàm lượng sản phẩm của Mỹ cần phải có trong một chiếc xe. Mỹ cũng đề xuất một điều khoản mà nếu được áp dụng, sẽ kết thúc hiệp định thương mại này sau năm năm, trừ phi cả ba nước đều đồng ý giữ lại hiệp định.
Dân biểu Mỹ Dave Reichert bày tỏ sự lạc quan hôm Chủ nhật sau khi ông và một nhóm nhà lập pháp khác gặp đại Điện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer. Ông nói ông Lighthizer bày tỏ “hy vọng” trong khi cũng thừa nhận rằng “còn rất nhiều việc cần phải làm.”
Nhà thương thuyết chính của Canada Steve Verheul hôm thứ Bảy nói: “Chúng tôi đang tiến theo hướng tích cực hơn một chút.”
Ông Lighthizer hôm thứ Hai sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo để xem xét tiến bộ mà đội ngũ của ba nước đã đạt được và báo cáo về tình trạng của các cuộc đàm phán.
Một lý do khiến ba nước muốn kết thúc đàm phán vào tháng 3 là cuộc bầu cử tổng thống Mexico vào tháng 7.
Một vòng đàm phán khác dự kiến sẽ bắt đầu tại Mexico City trong khoảng một tháng nữa. Tói cuối tháng 3 mà không có thỏa thuận thì mục tiêu đó có thể lùi xa hơn nữa trong năm 2018, gây gián đoạn cho tiến trình thương thuyết vì cuộc bầu cử ở Mexico và những cân nhắc tương tự quanh các cuộc bầu cử Quốc hội ở Mỹ vào tháng 11.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi NAFTA nếu không có những thay đổi có lợi cho Mỹ.

Đánh bom tự sát ở Kabul, 11 binh sĩ Afghanistan chết

Một vụ đánh bom tự sát vào rạng sáng thứ Hai 29/1 tại một học viện quân sự ở Kabul đã giết chết 11 binh sĩ thuộc Lực lượng Quân đội Quốc gia Afghanistan và làm 16 người khác bị thương.
Ông Dawlat Waziri, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Afghanistan, nói: “Cuộc tấn công nhắm vào một đơn vị quân đội đảm bảo an ninh cho học viện quân sự, chứ không nhắm tấn công học viện.”
Các nhân chứng nói cuộc đánh bom gần Đại học Quốc phòng Mafia Fahim vẫn tiếp diễn sau khi mặt trời mọc.
Cũng theo ông Waziri, 5 kẻ đánh bom tự sát đã phối hợp thực hiện vụ tấn công.
Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố nhận trách nhiệm cuộc đánh bom thông qua hãng thông tấn Amaq của họ.
Cuộc tấn công diễn ra giữa lúc thành phố Kabul vẫn chưa hết bàng hoàng vì cuộc tấn công hồi cuối tuần rồi đã giết chết hơn 100 người, trong đó có nhiều cảnh sát.
Cuộc tấn công hôm thứ Hai xảy ra trùng hợp với chuyến viếng thăm Afghanistan của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
Ông Javid Faisal, phó phát ngôn viên văn phòng của chính phủ Afghanistan, cho hay 5 kẻ đánh bom tự sát là thành viên của mạng lưới Haqqani.
Đây là cuộc tấn công thứ ba tại Kabul, thủ đô của Afghanistan, trong 10 ngày qua. Trước đó, một cuộc tấn công vào khách sạn Intercontinental ở Kabul đã giết chết hàng chục người, trong đó có 14 người nước ngoài.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận trong số các nạn nhân người nước ngoài có công dân Mỹ nhưng không tiết lộ bao nhiêu công dân Mỹ đã chết trong vụ này.

Sợ tội phỉ báng hoàng gia, công dân Thái bỏ nước ra đi

Một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ của Thái Lan hôm 28/1 nói rằng bà đã chạy khỏi Thái Lan sau khi biết rằng mình sẽ bị truy tố tội phỉ báng hoàng gia vì chia sẻ trên Facebook một bài báo của hãng BBC năm 2016.
Trên Facebook, theo Reuters, bà Chanoknan Ruamsap cho biết rằng bà đã nhận được giấy triệu tập hồi đầu tháng này về cáo trạng sỉ nhục hoàng gia theo Điều 112 vì đã đăng tiểu sử của vua từ ban tiếng Thái của BBC mà nhiều nhiều người coi là xúc phạm Vua Thái Lan.
Bà Chanoknan nói: “Tôi chỉ có chưa đầy 30 phút để quyết định xem nên ở lại hay ra đi. Đó là một quyết định khó khăn vì lần này tôi sẽ không thể quay trở lại”.
Bài báo của BBC được đăng ngay sau khi Vua Maha Vajiralongkorn lên ngôi hồi tháng 12 năm 2016 sau khi thân phụ ông là Bhumibol Adulyadej qua đời tháng 10 năm đó, thọ 88 tuổi.
Thái Lan có luật hà khắc về tội “mạ lị và sỉ nhục” hoàng gia, hay còn gọi là Điều 112, với án tù lên tới 15 năm tù giam.
Theo Reuters, Jatupat Boonpattararaksa, một nhà hoạt động từng tổ chức một vài cuộc biểu tình chống chính quyền quân nhân, bị bắt năm 2016 và năm ngoái bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì tội đăng tải bài báo trên của BBC.

Nga bắt thủ lĩnh đối lập

Cảnh sát Nga hôm 28/1 đã bắt giữ thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny ít lâu sau khi ông xuất hiện tại một cuộc tuần hành để kêu gọi các cử tri tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Ba tới.
Reuters nhận định rằng ông Navalny ít có cơ hội tác động tới cuộc bầu cử mà Tổng thống Vladimir Putin nhiều khả năng dễ dàng giành thắng lợi, nhưng việc ông có thể sử dụng mạng xã hội để vận động nhiều bạn trẻ tại các thành phố lớn đã khiến Kremlin lo ngại.
Tuy nhiên, theo hãng này, con số người tham gia các cuộc biểu tình khắp nước Nga hôm 28/1 thấp hơn so với con số mà ông Navalny từng kêu gọi và dường như dây là dấu hiệu cho thấy sức mạnh huy động của ông có thể đã giảm.
Trang Twitter của ông Navalny đăng tải một đoạn tweet cho biết rằng ông đã bị bắt.
“Nhưng không sao. Các bạn không phải ra đường vì tôi, mà vì tương lai của các bạn”, thủ lĩnh đối lập viết.
Reuters dẫn lời cảnh sát cho biết trong một thông cáo rằng ông Navalny sẽ bị truy tố tội vi phạm luật lệ về tổ chức tuần hành.
Tội danh đó có thể dẫn tới mức án cao nhất là 30 ngày tù giam đối với ông Navalny.
Tháng 10 năm ngoái, ông đã được thả sau khoảng 3 tuần bị cầm tù. Theo Reuters, ông Navalny bị cảnh sát bắt cuối tháng Chín rồi sau đó bị kết án 20 ngày tù giam vì cáo buộc liên tiếp vi phạm pháp luật khi tổ chức các cuộc tuần hành công khai.

Từ hợp tác vũ trụ Mỹ-Nga

đến ‘‘làng quốc tế’’ trên Mặt Trăng

Trong những năm gần đây, căng thẳng quốc tế gia tăng tại nhiều khu vực, thế đối đầu địa chính trị giữa các cựu thù thời Chiến tranh Lạnh khiến công chúng lo ngại nguy cơ xung đột bùng phát vượt tầm kiểm soát. Trên thực tế, cho dù đối địch trên nhiều mặt trận, các cường quốc trong kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh đã tìm được lĩnh vực để hợp tác, đặc biệt trong chinh phục không gian. Là đối thủ trên Trái Đất, nhưng trong suốt 20 năm qua, Mỹ và Nga đã phối hợp thành công trên trạm vũ trụ ISS. Còn giờ đây, dự án xây dựng « làng quốc tế » trên Mặt Trăng của châu Âu đang mở ra triển vọng hợp tác quốc tế mới.
Cách nay đúng 20 năm, dự án Trạm Không Gian Quốc Tế (ISS) chính thức ra đời. Tại Washington, ngày 29/01/1998, 16 quốc gia đã ký kết thỏa thuận xây dựng dự án không gian lớn chưa từng có, trị giá 100 tỉ đô la. Mỹ và Nga là hai thành viên sáng lập của dự án, cùng với 11 quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản, Canada và Brazil.
Không có phi thuyền Soyouz không có ISS
Theo ông John Logsdon, cựu giám đốc Viện Chính sách Không gian ở Washington, Mỹ và Nga đã đóng góp tổng cộng 80% phương tiện và thiết bị của dự án. Hoa Kỳ đóng góp phần chính, nhưng Nga cũng cung cấp nhiều yếu tố quan trọng, đặc biệt là phi thuyền Soyouz. Trạm vũ trụ nói trên đã không thể vận hành được trong 7 năm gần đây, nếu như không có phi thuyền Nga đưa các phi hành gia Mỹ, Nga, Nhật Bản và châu Âu lên đổi phiên mỗi sáu tháng một lần.
Hiện tại, Hoa Kỳ phải trả khoảng 80 triệu đô la cho tập đoàn không gian Nga Roscosmos, với một phi hành gia được đưa lên quỹ đạo, trong khi chờ đợi các công ty Mỹ hoàn tất phi thuyền mới.
Theo chuyên gia Mỹ Logsdon, trong lĩnh vực này, hai bên đều rất cần đến nhau, và nói một cách hình tương là họ đã « dựng lên một vành đai bảo vệ », để ngăn cản mọi vấn đề chính trị ảnh hưởng đến quan hệ đối tác quan trọng này. Sử gia về ngành không gian Mỹ Bill Barry ghi nhận rằng, trên trạm vũ trụ « quan hệ hàng ngày giữa người Mỹ và người Nga là rất tích cực ».
Vị sử gia nói trên cũng nhắc lại là hợp tác không gian Mỹ-Nga trên thực tế đã bắt đầu ngay từ năm 1972, với cam kết sử dụng không gian một cách hòa bình, với kết quả là một chuyến thám hiểm vũ trụ chung được thực hiện vào năm 1975. Tuy nhiên, chỉ sau khi Liên Xô tan vỡ, Mỹ Nga mới có điều kiện đẩy mạnh hợp tác.
Hội nhập Nga với phương Tây
Theo chuyên gia chính sách không gian Mỹ, nước Nga với rất nhiều kinh nghiệm về các chuyến bay thám hiểm không gian dài ngày có thể mang lại những đóng góp quan trọng. Mặt khác, xét về mặt địa chiến lược, hợp tác vũ trụ là phương thức để đưa Nga hội nhập hoàn toàn với phương Tây, và ngăn không để Nga xuất khẩu công nghệ nhạy cảm sang các nước độc tài như Bắc Triều Tiên, Iran hay Libya.
Hợp tác về trạm không gian Nga-Mỹ hứa hẹn sẽ còn tiếp tục có nhiều bước phát triển mới. Phát biểu trước Quốc Hội Mỹ hôm thứ Năm, 25/1, một người phụ trách của NASA cho biết trạm ISS – dự kiến hoạt động ít nhất đến năm 2024 – vẫn cần đến các phi thuyền Soyuz của Nga, cho dù đến 2019, Mỹ sẽ hoàn tất phi thuyền riêng. Tiếp theo ISS, Washington và Matxcơva đã nhất trí hợp tác trong dự án xây dựng một trạm không gian đầu tiên trên quỹ đạo Mặt Trăng. Dự án mang tên « Deep Space Gateway».
Giai đoạn hợp tác mới của nhân loại 
Trong lĩnh vực chính phục không gian, trong lúc Trạm Không Gian Quốc Tế ISS sắp hoàn tất sứ mạng, viễn cảnh xây dựng một « ngôi làng quốc tế » trên Mặt Trăng đang bắt đầu thành hình, với sự thúc đẩy của cơ quan không gian của Liên Hiệp Châu Âu ESA.
Tổng giám đốc cơ quan không gian châu Âu ESA, ông Jan Woerner, nhấn mạnh đây không phải là một dự án theo nghĩa hẹp, mà là một viễn cảnh « rộng mở » cho sự tham gia của tất cả mọi quốc gia. Tháng 11/2016, chính ông là người đầu tiên khởi sự vận động cho một công cuộc chinh phục Mặt Trăng « mang tính toàn cầu ». Quan điểm của ESA là, sau dự án Trạm Không Gian Quốc Tế, ngôi làng Mặt Trăng cho phép nhân loại vượt sang một giai đoạn mới trong hợp tác không gian.
Hiện tại viễn cảnh về một căn cứ trên Mặt Trăng mới chỉ trong giai đoan phôi thai. Người phát ngôn của cơ quan không gian châu Âu ESA cũng lưu ý là không nên hiểu ngôi làng trên Mặt Trăng là một thị trấn với trường học, nhà ở và tòa thị chính như trên Trái Đất. Đây thực chất là nhiều dự án thám hiểm, cơ sở nghiên cứu khác nhau được tiến hành, thiếp lập với sự phối hợp.
Hàng trăm thực nghiệm đã được tiến hành trên Trạm Không Gian Quốc Tế, được ví với một phòng thí nghiệm khổng lồ trên quỹ đạo Trái đất. Các thực nghiệm thuộc đủ các lĩnh vực như vật lý học, vi sinh vật học, phản ứng của cơ thể con người trong vũ trụ, hay các nghiên cứu về vật liệu mới. Về phần mình, Mặt Trăng cung cấp một không gian thực nghiệm rộng lớn hơn nhiều, và hiển nhiên là rất khác.
Cho đến nay, cho dù Mặt Trăng là thiên thể lớn gần Trái Đất hơn cả, thế nhưng những hiểu biết về địa chất và hoạt động của vệ tinh này vẫn còn rất ít được biết đến. Quan sát vũ trụ từ Mặt Trăng cũng mang lại nhiều lợi thế hơn so với Trái Đất, nơi thường bị ánh sáng làm nhiễu loạn.
Mặt Trăng : Điểm dừng đầu tiên trên đường đi sao Hỏa
Trong những năm gần đây, giấc mơ chinh phục sao Hỏa đã thu hút gần như toàn bộ sự chú ý, tuy nhiên kể từ năm ngoái, kế hoạch lập cơ sở quốc tế lâu dài trên Mặt Trăng bắt đầu nhận được sự tán thưởng của các đối tác hàng đầu trong lĩnh vực này. Tỉ phú Mỹ Elon Musk – nổi tiếng với giấc mơ sao Hỏa – cũng thừa nhận rằng một căn cứ trên Mặt Trăng là điều cần thiết.
Theo một số chuyên gia, việc xây dựng được một cơ sở khoa học trên Mặt Trăng sẽ tạo điều kiện cho một công việc tương tự trên một hành tinh xa xôi, như sao Hỏa.
Đối với dự án Mặt Trăng, vấn đề đầu tiên là huy động các sáng kiến đóng góp. Tổng giám đốc ESA cho biết đã nhận được đề nghị của 150 đối tác muốn tham gia xây dựng làng trên Mặt Trăng. Hiện tại, hai cơ quan vũ trụ ngoài châu Âu, có quan hệ mật thiết với ESA, là cơ quan không gian Mỹ NASA và tập đoàn không gian Nga Roscosmos cũng đang có các dự án chinh phục Mặt Trăng.
Kế hoạch trạm không gian trên quỹ đạo Mặt Trăng Deep Space Gateway của Hoa Kỳ và Nga cũng được châu Âu, Nhật Bản và Canada ủng hộ. Về phần mình, Nga đang phát triển tàu đổ bổ Lunar-Rusers lander, có tên gọi Lunar 27, với nhiều công nghệ do cơ quan không gian châu Âu ESA cung cấp. Đầu năm 2017, cơ quan không gian Trung Quốc cũng đã ngỏ ý muốn tham gia kế hoạch làng Mặt Trăng.
(Theo AFP, France 24 và futura-science.com)

Afghanistan và Mỹ bất lực để Daech và Taliban hoành hành?

Ngày 29/01/2018, Kabul lại bị phiến quân thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech tấn công, khiến ít nhất 11 binh sĩ Afghanistan tử trận. Chỉ cách đấy hai hôm, một cuộc tấn công tự sát bằng xe có gài bom của lực lượng Taliban cũng xẩy ra ngay tại trung tâm thủ đô, khiến hơn 100 người chết.
Trong một tháng gần đây, hai lực lượng này đã dồn dập tấn công vào ngay thủ đô, trong sự bất lực của chính quyền Kabul. Điều này đặt ra nghi vấn về hiệu quả hậu thuẫn của Washington cho chính quyền Kabul.
Về hai tác giả những vụ tấn công, lực lượng tự nhận là thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech mới nổi lên từ năm 2014, sau khi Mỹ và NATO chính thức đình chỉ các nhiệm vụ chiến đấu tại Afghanistan. Còn Taliban là thành phần đã cai trị Afghanistan trước khi bị liên minh Mỹ-Afghanistan đánh đuổi sau loạt khủng bố 11/9/2001 tại Hoa Kỳ. Bị choáng váng lúc đầu, Tailiban đã tập hợp lại lực lượng và trong những năm gần đây, đã chiếm lại được một số khu vực trên lãnh thổ Afghanistan, và tiến hành các cuộc tấn công gần như hàng ngày, chủ yếu nhắm vào lực lượng an ninh Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn.
Cả hai nhóm trên đều muốn lật đổ chính phủ Afghanistan và đuổi các lực lượng nước ngoài ra khỏi lãnh thổ… Theo ông Andrew Wilder, phó chủ tịch Chương Trình Châu Á tại Học Viện Hòa Bình Mỹ, cả hai nhóm hy vọng là những cuộc tấn công của họ khiến chính quyền Kabul mất đi tính chính đáng và bị người dân xa lánh dần dần.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chính quyền Kabul và lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan, được Mỹ hậu thuẫn và đào tạo, lại không ngăn chặn được các cuộc tấn công ?
Theo hãng tin Mỹ AP, vấn đề then chốt nằm ở chỗ lực lượng này đã được thành lập quá vội vã, tập hợp nhiều thành phần dân quân khác nhau, thuộc các sắc tộc khác nhau, thậm chí có những nhóm trước đó còn đánh lại nhau. Thời gian huấn luyện cho lực lượng này lại không bao nhiêu, nhiều binh sĩ đã được tung lên chiến tuyến sau không đầy hai tháng huấn luyện.
Điều nghiêm trọng hơn cả là với cơ chế tổ chức lỏng lẻo như trên, người của phe Taliban đã thâm nhập vào hàng ngũ lực lượng Afghanistan, cho phép họ thực hiện các cuộc tấn công ngay từ bên trong, làm cho tình hình an ninh trở nên tệ hại hơn.
Chuyên gia Michael Kugelman, phó giám đốc Chương Trình Châu Á của Trung tâm Wilson Centre tại Hoa Kỳ nhận định : « Các biện pháp an ninh ở các thành phố của Afghanistan thường rất lỏng lẻo, khả năng thu thập thông tin tình báo của quân đội Afghanistan lại kém cỏi, trong lúc quân khủng bố lại có phần thông minh hơn. »
Còn theo chuyên gia Wilder, việc Taliban và Daech hoành hành dữ dội hơn tại Afghanistan trong thời gian gần đây, còn xuất phát từ việc Mỹ đã tái bố trí lực lượng tình báo, trinh sát và giám sát, chuyển từ Afghanistan qua việc chống lại Daech ở Irak và Syria, do đó không còn dự phòng tốt trước những vụ tấn công.
Chiến thắng gần đây tại Irak và Syria có thể cho phép đưa những phương tiện đó trở lại Afghanistan. Điều đó lại càng chứng tỏ vai trò thiết yếu của Mỹ trong việc hỗ trợ chính quyền Kabul.
Tháng Tám vừa qua, tổng thống Donald Trump tuyên bố một chiến lược mới, dựa trên việc gửi nhiều quân đội hơn và gây áp lực lên Taliban để buộc họ phải đàm phán hòa bình với chính phủ.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng gây áp lực trên Pakistan, loan báo cúp 2 tỷ đô la viện trợ cho Islamabad để buộc nước này ngừng nhắm mắt làm ngơ cho phe Taliban sử dụng phần lãnh thổ Pakistan ở vùng biên giới với Afghanistan để làm địa bàn đánh vào lực lượng Kabul.
Vấn đề cho đến lúc này là các tuyên bố và sức ép trên đây chưa thấy phát sinh tác dụng. Theo giới phân tích để chiến thắng Taliban và Daech, chính quyền Kabul phải thuyết phục được người dân Afghanistan rằng chính phủ có thể bảo vệ dân và cho thấy là họ thực thụ điều hành việc nước. Và đây không phải là một điều dễ dàng.

Nghi án Nga : Hai TNS Mỹ

khuyên Donald Trump “im lặng” về cuộc điều tra

Mai Vân Đăng ngày 29-01-2018 Sửa đổi ngày 29-01-2018 13:43
Hai thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa, vào hôm qua, 28/01/2018, đã cho rằng tổng thống Donald Trump nên giữ « im lặng » về cuộc điều tra độc lập đang tiến hành, liên quan đến các cuộc tiếp xúc của giới thân cận của ông với phía Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Lời khuyên được đưa ra vào lúc rộ lên thông tin về việc tổng thống Mỹ tìm cách cách chức công tố viên đặc biệt Robert Mueller phụ trách cuộc điều tra.
Theo hãng tin Mỹ AP, hai thượng nghị sĩ Lindsey Graham, bang South Carolina và Susan Collins, bang Maine, còn thúc giục ông Mueller, điều tra kỹ xem ông Trump có thực sự tìm kế cách chức ông hay không vào tháng 6 năm ngoái. Lời tố cáo bị chính tổng thống Mỹ cho là tin giả (fake news).
Theo tiết lộ của nhật báo Mỹ The New York Times và một số phương tiện truyền thông khác, thì tổng thống Trump từng có ý định cách chức ông Mueller, nhưng vào tháng Sáu vừa qua đã từ bỏ ý định này, sau khi luật sư của Nhà Trắng Don McGath từ chối chuyển chỉ thị của ông qua bộ Tư Pháp, và còn đe dọa từ chức, nếu ông Trump thúc đẩy vấn đề này.
Đối với thượng nghị sĩ Graham, nếu thông tin về việc ông Trump đòi cách chức ông Mueller là xác thực, thì đó là một sự việc rất nghiêm trọng và « mọi người ở Nhà Trắng đều biết là nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump sẽ kết thúc, nếu ông cách chức ông Mueller ».
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham là đồng tác giả một dự luật nhằm bảo vệ ông Mueller, để ông không thể bị bãi nhiệm, nếu không có cơ sở pháp lý. Ông hy vọng là dự luật này có thể được thông qua vào hôm nay. Tuy nhiên, ông Graham cũng nhấn mạnh là công tác của ông Mueller trước mắt không bị đe dọa, vì ông Trump biết cái giá phải trả khi bãi nhiệm viên công tố đặc biệt này.
Về phần thượng nghị sĩ Susan Collins, bà cho rằng tốt nhất là ông Trump đừng bao giờ nói về cuộc điều tra, dù rằng qua tin nhắn twitter, ngoại trừ khi nói chuyện với luật sư của ông. Đối với bà Collins, Quốc Hội Mỹ không bị thiệt hại gì khi thông qua dự luật bảo vệ ông Mueller.

Trung Quốc: Một luật sư bị buộc tội “lật đổ”,

vì kêu gọi bầu cử tự do

Sau khi lên tiếng kêu gọi tổ chức bầu cử tự do tại Trung Quốc, một luật sư đấu tranh cho dân quyền đã bị bắt giữ với một tội danh thông thường. Thế nhưng, luật sư của nhà đấu tranh vào hôm nay, 29/01/2018, cho biết là thân chủ của ông đã bị truy tố thêm về tội « xúi giục lật đổ chính quyền ».
Theo hãng tin Pháp AFP, luật sư Dư Văn Sanh (Yu Wensheng) đã bị bắt đi ngày 19/01 vừa qua. Hơn một chục công an trong đó có người của lực lượng đặc biệt đã bắt ông khi ông đưa con đến trường.
Theo bản cáo trạng đầu tiên, ông bị bắt về tội « gây xáo trộn trật tự công cộng ». Thế nhưng vào hôm thứ Bảy, 27/01, công an thành phố Từ Châu (Xuzhou), ở miền đông tỉnh Giang Tô, đã đưa thêm yếu tố nghiêm trọng hơn vào cáo trạng : « xúi giục lật đổ chính quyền ». Thân nhân của ông Dư Văn Sanh được thông báo là ông đang bị « quản thúc ở một nơi, do nhà chức trách chỉ định ».
Ông Dư Văn Sanh được biết đến năm 2016 khi ông đưa đơn kiện thành phố Bắc Kinh về nạn ô nhiễm không khí triền miên ở thủ đô.
Trước lúc bị bắt, luật sư Dư đã gởi đến các nhà báo một bức thư kêu gọi chính quyền cho phép tổ chức một cuộc bầu chủ tịch nước theo thể thức phổ thông đầu phiếu, với nhiều ứng cử viên.
Bắc Kinh siết chặt mạng Vi Bác
Chính quyền Trung Quốc mới đây đã quy tội cho mạng xã hội Vi Bác (Sina Weibo) đã truyền tải các thông tin « độc hại » và ra lệnh cho tập đoàn điều hành mạng này phải phong tỏa một số chức năng. Theo cơ quan kiểm duyệt đặc trách mạng internet, thì Vi Bác đã để người sử dụng « đưa lên mạng những nội dung xấu », đi ngược lại với quy định được đưa ra.
Vi Bác đã bị phạt, phải ngưng trong một tuần lễ một số chức năng, trong đó có việc tìm kiếm những chủ đề được chia sẻ nhiều nhất. Hai mạng xã hội Vi Bác và WeChat hiện bị kiểm duyệt rất chặt chẽ, và được « lệnh » là phải « hướng dẫn đúng đắn dư luận ».

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?