Tin khắp nơi – 31/01/2018


Tin khắp nơi – 31/01/2018

Sau Thông điệp Liên Bang,

Quốc hội nói còn rất nhiều việc phải làm

Phản ứng về Thông điệp Liên bang của Tổng thống Donald Trump, một số nghị sĩ Quốc hội ca ngợi giai điệu lưỡng đảng của bài phát biểu, trong khi những người khác muốn ông sử dụng nền tảng quốc gia để thảo luận cụ thể hơn về những vấn đề mà đất nước đang đối diện.
Nghị sĩ Cộng hòa Ryan Costello gọi đó là một thông điệp tích cực, đã nêu bật các ưu tiên trong nước như cơ sở hạ tầng và nhập cư. Ông nói Quốc hội cần xúc tiến những đề xuất của Tổng thống Trump với đầy đủ chi tiết hơn trong những ngày tháng sắp tới.
Ông Costello nói: “Theo tôi, tổng thống đã trình bày rất rõ về những gì chúng ta cần phải làm để giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu, để hỗ trợ các đồng minh của chúng ta, để khuyến khích những tiếng nói bất đồng chống lại các chế độ chuyên quyền trên thế giới. Tôi nghĩ rằng đó là một thông điệp tích cực.”
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons nói trước đó ông hy vọng Tổng thống Trump sẽ trình bày một thông điệp lưỡng đảng với các chi tiết cụ thể về cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới và đối đầu với Bắc Triều Tiên, và tổng thống đã phát biểu rõ ràng trong một số trường hợp, nhưng trong một số trường hợp khác thì ông đã đề cập đến rất ít.
Ông Coons nói: “Vấn nạn nghiện ma tuý ở Mỹ đang cướp đi hàng chục ngàn cuộc đời. Trước đó tôi trông đợi sẽ có một cái gì đó được đề cập cụ thể hơn trong bài phát biểu về cách thức mà chúng ta có thể cùng nhau hành động, bởi vì đó thực sự là một vấn nạn chung, bất cứ ai trong Quốc hội cũng cần và muốn cùng chung sức giải quyết vấn nạn này.”
Nghị sĩ Cộng hòa Brian Fitzpatrick nghĩ rằng Tổng thống Trump đã thành công trong việc cất lên được tiếng nói mang giai điệu lưỡng đảng.
Ông Fitzpatrick nói: “Tổng thống đã phát biểu về chế độ nghỉ bệnh của người lao động, về cơ sở hạ tầng, về vấn nạn ma túy. Tất cá đó là những vấn đề lưỡng đảng.”
Nghị sĩ Dân chủ Ted Lieu nói với VOA rằng Tổng thống Trump đã đạt được điểm cao trong bài phát biểu với các đề xuất về chế độ nghỉ phép để chăm sóc cho gia đình của người lao động, cải cách nhà tù và chi tiêu 1.500 tỉ đôla cho cơ sở hạ tầng, trong khi ông gây thất vọng với kêu gọi hạn chế di dân dựa trên bảo lãnh thân nhân, họ hàng.
“Tôi hài lòng là Thông điệp Liên bang ít tối hơn so với phát biểu nhậm chức của Tổng thống Trump,” nghị sĩ Lieu nói. “Tôi vui mừng là ông đã chọn một con đường khác so với khi ông mới nhậm chức. Hy vọng rằng ông sẽ giữ đúng hướng đi đó.”
Di dân là một chủ đề chính dằng dai của các nhà lập pháp, với việc không đạt được thỏa thuận về những người nhập cư không có giấy tờ đã đến Mỹ khi còn là trẻ nhỏ, cộng với cuộc giằng co về ngân sách đã khiến chính phủ liên bang phải ngừng hoạt động trong mấy ngày mới đây.
Tổng thống Trump kêu gọi thực hiện một hệ thống chặt chẽ hơn nhiều, bao gồm việc tăng cường an ninh biên giới với một bức tường thành dọc biên giới Mỹ-Mexico và hạn chế số người được phép nhập cư Mỹ.
Nghị sĩ Dân chủ Lou Correa nằm trong số những người không hài lòng với một kế hoạch cải cách di dân gồm bốn điểm mà Tổng thống Trump đã nêu lên trong bài phát biểu của ông cùng với việc nhấn mạnh đến bạo lực băng đảng mà ông quy lỗi cho chính sách nhập cư có nhiều lỗ hổng của Mỹ hiện nay.
Nghị sĩ Correa nói: “Đối với nhiều người trong chúng ta, việc xây dựng một bức tường là một biểu tượng của sự chia rẽ, của sự tiêu cực, và đó là những gì ông Trump muốn. Tôi nghĩ rằng chúng ta quên rằng đất nước này là đất nước của người nhập cư. Cho dù bạn là di dân hợp pháp, hay không có giấy tờ, ở đây bạn đều phải làm việc thực sự cật lực để xây dựng đất nước thịnh vượng. Và trong thông điệp hôm nay, tôi không hề nghe tới điều đó.”
Nghị sĩ Cộng hòa Joaquin Castro cũng không tán đồng với việc Tổng thống Trump liên kết di dân với tội phạm.
Ông Castro nói: “Ai cũng hiểu rằng luôn có những người xấu trong bất cứ nhóm người nào, nhưng họ không làm theo như vậy, bởi vì họ là những người nhập cư. Nếu ai đó là một kẻ giết người, không phải vì họ là người da trắng, da đen hay da nâu, mà bởi vì người đó là một người xấu. Và ông vẫn cứ liên hệ chúng với nhau, điều đó đáng tiếc.”
Nghị sĩ Costello bày tỏ ủng hộ kế hoạch bốn phần của Tổng thống Trump, trong đó bao gồm cơ hội nhập tịch cho những người nhập cư Mỹ khi còn nhỏ không có giấy tờ và chuyển hệ thống xổ số visa sang một hệ thống dựa trên công trạng thiết thực.
Nhiều nhóm các nhà lập pháp đã đề xuất các kế hoạch cải cách di dân khác nhau, bao gồm một số các ưu tiên tương tự, nhưng cho đến nay chưa có đề xuất nào nhận đủ sự đồng thuận để trở thành luật.
Nghị sĩ Fitzpatrick cho biết một biện pháp mà ông ủng hộ “nhắm thẳng vào việc cân đối giữa an ninh biên giới và cải cách nhập cư.”
Nghị sĩ Dân chủ Raja Krishnamoorthi nói rằng Tổng thống Trump không đưa ra một đề xuất nào kết hợp và cân đối các ưu tiên của Đảng Cộng hòa và Ðảng Dân chủ về cải cách di dân.
“Tôi không nghĩ rằng những phát biểu cứng rắn kết hợp với đề nghị cụ thể đó có thể lay chuyển được vấn đề,” nghị sĩ Krishnamoorthi nói. “Tôi nghĩ chúng ta phải ngồi vào bàn thương lượng và thực sự cùng làm việc với nhau để mang lại một thỏa hiệp.”
Nghị sĩ Dân chủ Eric Swalwell nói nếu Tổng thống Trump thực sự muốn tiếp cận với cả hai đảng về vấn đề di trú,” ông nên mời các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa vào Tòa Bạch Ốc ngay ngày mai” để làm việc về những chính sách đó.
Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump cũng nói rằng ông sẽ không lặp lại sai lầm của các chính quyền trước liên quan đến Bắc Triều tiên và sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng.
Nghị sĩ Cộng hòa Steve Chabot nói Bắc Triều tiên là thách thức lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, và rằng không thể lơ là trong vấn đề đó”Chúng ta đang ở thời kỳ đã được cảnh báo trước,” ông Chabot nói. “Vì vậy theo tôi, khi Tổng thống Trump nói về Bắc Triều tiên trong phát biểu tối nay, ông đã đặt ra một chiều hướng đúng, và đó là một vấn đề nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.”

Trump tuyên bố ‘Thời điểm mới của người Mỹ’

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố “thời điểm mới của người Mỹ” trong Thông điệp liên bang trước Quốc Hội tối thứ Ba 30/1.
Trong một bài diễn văn chính thức, ông nói với các nhà lập pháp rằng ông đang “mở rộng vòng tay” cho đảng Dân chủ để làm việc cùng nhau.
Ông Trump cũng cho biết ông yêu cầu không đóng cửa nhà tù trên Vịnh Guantanamo, ngược lại với cam kết của ông Obama cho đóng cửa nhà tù gây tranh cãi này.
Nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ nhưng tỷ lệ ủng hộ ông Trump sụt giảm.
Ông Trump nói chính quyền của ông đang “xây dựng một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và tự hào”, trong một thông điệp lạc quan khác xa giọng điệu của ông trong bài diễn văn nhậm chức cách đây một năm khi đề cập đến “sự tàn sát nước Mỹ”.
“Chưa bao giờ có thời điểm nào tốt hơn để bắt đầu sống giấc mơ Mỹ”, ông nói với các nhà lập pháp.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, khoảng 40 triệu người xem truyền hình được trông đợi lắng nghe ông Trump kêu gọi người dân đến với nhau như “một đội, một người và một gia đình Mỹ”.
Chính sách đối ngoại
Ông Trump lên án “một Bắc Hàn vô đạo đức”.
Ông cảnh báo việc Bình Nhưỡng “theo đuổi các chương trình tên lửa hạt nhân có thể sẽ sớm đe dọa quê hương của chúng tôi”.
“Chúng tôi đang tiến hành một chiến dịch gây áp lực tối đa để ngăn chặn điều này xảy ra.”
Ông Trump cũng tỏ lòng kính trọng đối với Ji Seong-ho, một người Bắc Hàn tàn tật đào tẩu và có mặt trong trong khán phòng.
Ông Trump cũng lưu ý rằng gần như toàn bộ lãnh thổ ở Syria và Iraq từng nằm trong sự kiểm soát của Nhà nước Hồi giáo đã được thu hồi.
Tổng thống thề: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi ISIS bị đánh bại.”
Trong khi hai người tiền nhiệm của ông Trump tại Nhà Trắng từng sử dụng Thông điệp Liên bang để dự đoán chiến thắng của quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan, ông Trump hầu như bỏ qua cuộc chiến dai dẳng nhất của Mỹ hiện nay.
Trong một phát biểu có vẻ thừa nhận về tình hình an ninh đang xấu đi ở đó, ông Trump nói rằng “quân đội Mỹ không bị suy yếu bởi khái niệm thời gian”.
Ông Trump chỉ đề cập đến Nga một lần, cùng với Trung Quốc, như một đối thủ của Hoa Kỳ.
Ông Trump cũng kêu gọi hợp tác lưỡng đảng – sự hợp tác nhìn chung hiếm hoi trong năm đầu tiên hỗn loạn tại Nhà Trắng.
Tổng thống Trump, người khiến Đảng Dân chủ dận giữ khi rút chính sách bảo hộ người nhập cư bấp hợp pháp vào Mỹ, đã đưa ra thông điệp hòa bình.
Ông nói: “Các cộng đồng dân cư đang gặp khó khăn, đặc biệt là cộng đồng người nhập cư, cũng sẽ được trợ giúp bởi các chính sách nhập cư tập trung vào lợi ích tốt nhất của người lao động Mỹ và gia đình người Mỹ.
“Vì vậy, tối nay tôi mở rộng vòng tay để làm việc với các thành viên của cả hai đảng, Dân chủ và Cộng hòa, để bảo vệ công dân của chúng ta, bất kể xuất thân, màu da và tín ngưỡng.”
Ông Trump nhắc lại kế hoạch xây dựng lại các con đường cũ và các cơ sở hạ tầng khác của Mỹ dù ông không cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch.
Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng khoảng 33% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong vòng 17 năm từ khi Mỹ phục hồi từ cuộc đại suy thoái cách đây một thập niên.
Tổng thống, người thường phàn nàn rằng ông không có đủ tín nhiệm cho một triển vọng tươi sáng, nói đã tạo ra 2,4 triệu việc làm mới sau bầu cử.
Năm ngoái, ông Trump có tỷ lệ ủng hộ chỉ đạt 38%, mức thấp lịch sử so với các tổng thống Mỹ trong năm lãnh đạo đầu tiên sau bầu cử, theo cuộc khảo sát do Viện Thăm dò dư luận Gallup thực hiện.

Sau một năm biến động,

TT Trump kêu gọi sự hợp tác và thống nhất

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ hãy nỗ lực hướng tới những thỏa hiệp về vấn đề nhập cư và cơ sở hạ tầng sau một năm với những trận chiến đảng phái gay gắt tập trung vào sự lãnh đạo của ông Trump.
“Tối nay, tôi kêu gọi tất cả chúng ta gạt sang một bên những khác biệt của mình, tìm kiếm những điểm chung, và đạt được sự thống nhất mà chúng ta cần có để giữ lời hứa với những người mà chúng ta được bầu lên để phục vụ,” ông Trump nói trong bài diễn văn Tình trạng Liên bang đầu tiên của ông trong nghị trường Hạ viện Hoa Kỳ.
Ông Trump sử dụng bài phát biểu này để cố gắng chứng tỏ năng lực lãnh đạo của một tổng thống và vượt qua những nghi ngờ về nhiệm quyền của ông, vào lúc ông đang chống chọi lại một cuộc điều tra về những mối liên hệ bị cáo buộc của ông với Nga và vào lúc tỉ lệ ủng hộ dành cho ông đang ở mức thấp. Bài diễn văn không cho biết nhiều chi tiết về các đề xuất chính sách của ông.
Dù ông Trump kêu gọi sự hợp tác lưỡng đảng, bằng chứng về sự chia rẽ sâu sắc giữa các bên hiện rõ. Các nhà lập pháp Cộng liên tục vỗ tay hoan hô nhiệt liệt trong khi phe Dân chủ thường ngồi im lặng.
Không rõ liệu ông Trump sẽ làm đúng như lời kêu gọi hòa hợp lưỡng đảng của mình hay không. Những nỗ lực trong quá khứ của ông Trump đưa ra một thông điệp thống nhất thường bị làm suy yếu bởi những dòng tweet gây gổ và những phát biểu gây chia rẽ của ông khiến phe Dân chủ tức giận và thường làm các nhà lập pháp Cộng hòa bực mình.
Lời kêu gọi đoàn kết này sẽ được đưa vào thử thách trong nỗ lực của ông nhằm bảo vệ 1,8 triệu “Dreamer” – những người được đưa đến Mỹ bất hợp pháp khi họ còn nhỏ và giờ đang đối mặt với hạn chót 5 tháng 3 để biết họ liệu có bị trục xuất hay không.
Ông Trump nói ông đang “chìa cánh tay ra” cho một thỏa thuận di trú và rằng ông sẽ cho các Dreamer một con đường tiến tới việc trở thành công dân Mỹ trong vòng 10 đến 12 năm để đổi lấy kinh phí cho một bức tường biên giới với Mexico và những hạn chế về di trú hợp pháp.
Ông Trump gọi kế hoạch của ông là “thỏa hiệp cân bằng,” nhưng một số nghị sĩ Dân chủ la ó phản đối khi ông nói rằng ông muốn kiềm chế “di cư dây chuyền,” việc những người nhập cư hợp pháp có thể để đưa một số lượng lớn người thân cỉa mình vào Mỹ.
“Chúng ta hãy đến với nhau, gạt chính trị sang một bên và cuối cùng làm phận sự của mình,” ông Trump nói.Ông Trump nhận công trạng cho những thành quả kinh tế Mỹ bao gồm thị trường chứng khoán đang tăng vọt và tỉ lệ thất nghiệp thấp. Ông nói về mức tăng trưởng kinh tế mà ông cho là kết quả của luật cắt giảm thuế mà phe Cộng hòa đã thúc đẩy thông qua tại Quốc hội vào cuối năm ngoái.
“Đây là một khoảnh khắc mới của nước Mỹ. Chưa bao giờ có lúc nào tốt hơn bây giờ để bắt đầu sống Giấc Mơ Mỹ,” ông nói.
Ông Trump nói ông muốn một thỏa hiệp về kế hoạch xây dựng lại các con đường, cầu cống cũ kỹ và các cơ sở hạ tầng khác. Ông nói rằng ông muốn có luật cấp ngân quỹ ít nhất là 1,5 ngàn tỉ đôla thông qua một sự kết hợp giữa chi tiêu liên bang, tiểu bang và địa phương cũng như những đóng góp của khu vực tư nhân.
“Tôi yêu cầu cả hai đảng cùng hợp sức để cung cấp cho chúng tôi cơ sở hạ tầng an toàn, nhanh chóng, đáng tin cậy và hiện đại mà nền kinh tế chúng ta cần và người dân chúng ta xứng đáng được hưởng,” ông nói.
Đứng trước một hạn chót về vấn đề di trú và sự chống đối mạnh mẽ của phe Dân chủ, ông Trump kêu gọi một sự hợp tác giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ mà ông đã không có được trong năm đầu tại nhiệm đầy biến động của ông.

Tổng thống Uzbekistan thải trùm an ninh 73 tuổi

Trùm an ninh Uzbekistan bị sa thải sau 23 năm tại chức.
Ông Rustam Inoyatov là một trong những nhân vật quyền lực nhất nước.
Nhưng ông bị thay thế tại cuộc họp hôm thứ Tư của Tổng thống Shavkat Mirziyoyev.
Tổng thống Mirziyoyev, 60 tuổi, đã thực thi các cải cách từ khi lên nắm quyền năm 2016, sau khi nhà lãnh đạo lâu năm Islam Karimov qua đời.
Đóng lại thời đại Karimov?
Ông đã cải thiện quan hệ với các láng giềng, thả một số tù nhân chính trị, kêu gọi truyền thông có lập trường phê phán hơn.
Tháng 12 năm ngoái, ông nói cơ quan an ninh quốc gia SNB sẽ trải qua một số thay đổi, như có luật mới hạn chế quyền lực của cơ quan này.
Ông Inoyatov nắm bộ máy tình báo kiểm soát hầu hết đời sống Uzbekistan.
Cố tổng thống Islam Karimov là người duy nhất nắm quyền lâu hơn ông Inoyatov.
Nhưng ông Inoyatov, 73 tuổi, đã bị thay thế, theo truyền thông địa phương.
SNB là cơ quan tình báo thay thế KGB tại Uzbekistan sau khi nước này độc lập vài tháng trước lúc Liên Xô tan rã năm 1991.
Rustam Inoyatov được tổng thống Islam Karimov trao nắm quyền SNB năm 1995.
SNB theo dõi và trừng phạt những ai dám chỉ trích chính phủ.
Đã có lúc Inoyatov là một trong ba ứng viên có thể thay Islam Karimov sau khi ông này qua đời năm 2016.
Nhưng Thủ tướng Shavkat Mirziyoyev đã lên làm tổng thống.
Dường như một cuộc đấu tranh quyền lực ngấm ngầm giữa hai người đã diễn ra.
Sau khi có tin ông Inoyatov phản đối các cải cách, Tổng thống Mirziyoyev công khai kêu gọi cải tổ SNB.
Nhưng một số nhà quan sát cảnh báo sau khi đối thủ đã bị loại bỏ, Tổng thống Mirziyoyev có thể lại giống người tiền nhiệm và tìm cách củng cố quyền lực cho mình.

Hawaii: Lãnh đạo từ chức sau cảnh báo tên lửa giả

Hai nhà lãnh đạo cấp cao của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp (EMA) tại Hawaii là Vern Miyagi và Toby Clairmont đã nộp đơn từ chức.
Nhân viên phát đi cảnh báo cũng bị sa thải.
Cảnh báo tên lửa giả phát đi ngày 13/1 đã dẫn tới tình trạng hoảng loạn lan rộng tại Hawaii và chính quyền đã mất tới 38 phút để khắc phục.
Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) cho biết trong báo cáo sơ bộ về vụ việc: “Một sự kết hợp giữa sai sót của cá nhân và thiếu sót trong hệ thống an ninh đã góp phần dẫn đến cảnh báo sai này.”
FCC nói nhân viên trực hôm đó đã nghĩ thực sự có một cuộc tấn công bằng tên lửa đến Hawaii nên đã bấm nút báo động.
Trước đó, Thống đốc Hawaii, ông David Ige nói do nhân viên trực ấn lộn nút.
Tin cảnh báo sai được gửi đến các thiết bị di động của người dùng và được phát trên kênh truyền hình và phát thanh.
Tin được cải chính qua email 18 phút sau đó nhưng không có tin nhắn trên điện thoại trong 38 phút sau, tờ Honolulu Star-Advertiser trước đó ghi nhận.
FCC cũng cho hay nhân viên trực, nay đã thôi việc, đã từ chối hợp tác với các nhà điều tra ngoại trừ gửi một văn bản tường trình.
Theo báo cáo của FCC, nhân viên này từng bị ghi nhận là có ‘hiệu suất làm việc kém’.
Người này cũng là ‘mối lo ngại’ của các đồng nghiệp trong 10 năm qua, ít nhất có hai vụ từng nhầm lẫn giữa luyện tập cứu hộ với các tình huống thật.
Báo cáo của FCC thừa nhận rằng EMA trước đó không có các biện pháp kiểm soát tại chỗ nhằm ngăn chặn việc một cá nhân gửi một cảnh báo đến các thiết bị di động và đài phát thanh và truyền hình quốc gia mà không có sự phê duyệt ở cấp cao hơn.

Chiến đấu cơ Nga SU-27 áp sát phi cơ hải quân Hoa Kỳ

ở Hắc Hải

Hắc Hải. (Reuters) – Lực Lượng Hải Quân Hoa Kỳ (Hạm Đội 6/Châu Âu-Châu Phi) vừa đăng một đoạn video rất ngắn trên trang YouTube của họ, cho thấy một chiến đấu cơ Su-27 của Nga bay quá gần phi cơ EP-3 Aries của Hoa Kỳ vào chiều thứ Hai 29/01.
Theo chú thích của Lực Lượng Hải Quân Hoa Kỳ, lúc đó chiếc EP-3 Aries đang bay trong không phận quốc tế trên vùng biển Hắc Hải, thì chiếc Su-27 xuất hiện khiêu khích. Chú thích còn cho biết “sự áp sát của chiếc Su-27 được xác định là không an toàn, vì khoảng cách lúc áp sát là chưa tới 5 feet (chưa tới 2 mét). Ngoài ra chiếc Su-27 còn băng qua đường bay của chiếc EP-3 Aries, làm cho chiếc EP-3 Aries phải bay vòng qua. Khoảng thời gian chiếc Su-27 áp sát chiếc EP-3 Aries kéo dài 2 giờ 40 phút.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phản đối hành động của phi công Su-27, gọi đó là “sự áp sát không an toàn”.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng đây là ví dụ mới nhất về các hoạt động quân sự của Nga không tuân theo tiêu chuẩn và thỏa thuận quốc tế, đồng thời kêu gọi Nga ngưng làm các hành động không an toàn này.
Hành vi khiêu khích được hãng thông tấn Nga RIA báo cáo đầu tiên. RIA trích dẫn Bộ Quốc Phòng Nga nói rằng “phi cơ của Hải Quân Hoa Kỳ EP-3 Aries không vi phạm không phận của Nga”. Bộ Quốc Phòng Nga nói rằng sau khi phi cơ giám sát của Hải Quân Hoa Kỳ đổi hướng, rời khỏi đường biên giới của không phận Nga, chiếc SU-27 quay trở về căn cứ. (Mai Đức)

Tổng thống Trump:

đề nghị di trú là một thỏa thiệp công bằng

Washington DC. (Reuters) – Tổng Thống Trump kêu gọi đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ đang chia rẽ sâu sắc nên quay lại với nhau, cùng làm việc cho thỏa hiệp về di trú và hạ tầng cơ sở, sau một năm bầm dập vì các cuộc chiến tranh đảng phái xoáy vào sự lãnh đạo của chính ông.
Lời kêu gọi đoàn kết được đưa ra trong bài diễn văn về “Chương Trình Việc Làm Của Liên Bang” đầu tiên của ông sau một năm nhậm chức. Lời kêu gọi được đưa ra qua nỗ lực của tổng thống về một thỏa hiệp nhằm bảo vệ 1.8 triệu di dân DACA, là những người được mang vào đất nước này bất hợp pháp khi còn nhỏ tuổi. Hiện nay di dân DACA phải đối mặt với thời hạn chót 5 tháng 3, sau đó họ có thể bắt đầu bị trục xuất. Tổng thống cho biết ông “dang rộng cánh tay” cho một thỏa thuận di trú, nói rằng ông sẽ cung cấp di dân DACA một con đường để trở thành công dân Mỹ trong vòng 10 đến 12 năm, để đổi lấy kinh phí cho bức tường biên giới với Mexico và những hạn chế về chính sách di dân hợp pháp.
Ông Trump gọi kế hoạch của ông là “thoả hiệp công bằng”. Nhưng nhiều người thuộc đảng Dân Chủ la ó lên khi ông Trump nói rằng ông muốn hạn chế chương trình “bảo lãnh thân nhân,” là khả năng để di dân hợp pháp đưa một số lượng lớn thành viên gia đình vào Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn về “Chương Trình Việc Làm Của Liên Bang” đầu tiên, tổng thống vinh danh song thân của hai cô gái bị truy đuổi và bị giết chết tàn nhẫn, cũng như tất cả nạn nhân trong một loạt 17 vụ giết người ở Long Island do băng đảng MS-13 thực hiện. (Mai Đức)

Tổng thống Trump ký sắc lệnh

tiếp tục mở cửa nhà tù Guantanamo Bay

Washington DC. (Reuters) – Tổng Thống Trump cho biết ông đã ký một sắc lệnh để nhà tù quân sự tại Vịnh Guantanamo, Cuba, tiếp tục hoạt động.
Người tiền nhiệm của ông là Tổng Thống Obama nhiều lần tìm cách đóng cửa nhà tù quân sự này nhưng không thành công. Tổng thống Trump đưa ra phát biểu trên trong bài diễn văn về “Chương Trình Việc Làm Của Liên Bang”, được đọc lên tại Quốc Hội và được phát sóng trực tiếp toàn quốc lúc 9 giờ tối hôm qua, tính theo giờ địa phương. Tổng Thống Trump chỉ thị cho Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Jim Mattis kiểm tra lại chính sách của nhà tù quân sự của Hoa Kỳ, tiếp tục cho cơ sở tại vịnh Guantanamo hoạt động.
Nhà tù quân sự này được Tổng Thống Cộng Hòa George W. Bush mở ra để giam giữ những nghi can khủng bố bị bắt ở ngoại quốc, sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nó trở thành biểu tượng cho tình trạng giam giữ rất khắc nghiệt, dẫn tới những cáo buộc trên toàn quốc về chương trình tra tấn và ngược đãi tù nhân.
Vào đầu năm nay, Tổng Thống Trump yêu cầu Quốc Hội cung cấp một khoản tiền để nâng cấp nhà tù Guantanamo. Trong thời gian vận động tranh cử, ông từng tuyên bố muốn nhét đầy vào nhà tù những phần tử xấu xa. Ông cũng nói với Quốc Hội rằng trong cuộc chiến chống ISIS và Al Qaeda, họ phải có quyền lực cần thiết để giam giữ bọn khủng bố. Và giờ đây nơi đó sẽ là Guantanamo Bay. (Mai Đức)

LHQ: Có Chứng Cứ Kho Hơi Độc Sarin Ở Syria

DAMASCUS  -    Kết quả phân tích trong Phòng thí nghiệm nhận thấy lần đầu tiên bằng chứng liên quan giữa kho vũ khí hoá học của bạo quyền Assad và trận tấn công bằng hơi độc sarin lớn nhất chống lại thường dân tại Syria.
Thông tin này hậu thuẫn các tố giác của phương tây về sự xử dụng vũ khí hoá học của chính quyền Damascus.
Các phòng thí nghiệm giúp việc “tổ chức cấm vũ khí hoá học – OPCW” đã so sánh các mẫu vật thu luợm tại Ghouta (ven đô Damascus) sau vụ tấn công bằng vũ khí hoá học ngày 21-8-2013, với hoá chất độc mà Damascus giao cho chuyên viên để phá hủy năm 2014.
Nguồn tin từ Phòng thí nghiệm xác nhận: mẫu vật từ Ghouta và 2 địa điểm khác cùng phù hợp với kho vũ khí hoá học của chế độ Assad.
Cũng các kết quả này là căn bản của phúc trình Tháng 10-2017 do OPCW và LHQ soạn thảo, quy trách nhiệm nhà cầm quyền Damascus về trận tấn công tại Khan Sheikhoun.
Các khám phá về vụ Ghouta đuợc Reuters xác nhận bằng 2 nguồn ngoại giao không bao gồm trong phúc trình này.
Damascus luôn chối cãi và Moscow phủ nhận.
Nhưng, thanh tra quốc tế thấy có bằng chứng về hoạt động sản xuất vũ khí hoá học tiếp diễn tại Syria.
Vụ Khan Sheikhoun bị tấn công bằng sarin Tháng 4-2017 gây thiệt mạng hơn 80 người khiến TT Trump ra lệnh bắn 49 phi đạn từ Địa Trung Hải nhắm phi trường xuất phát phi cơ dội bom hơi độc.
Chuyên gia cho hay: tín hiệu radar ám chỉ bom hơi độc xuất phát từ phòng tuyến của 1 lữ đoàn quân chính phủ, không có liên quan với quân nổi dậy, như lý lẽ của Damascus.

CTV Mueller định thẩm vấn

cựu phát ngôn viên của đoàn luật sư riêng của TT Trump

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller dự tính thẩm vấn cựu phát ngôn viên của luật sư đoàn bảo vệ Tổng thống Donald Trump trong khuôn khổ cuộc điều tra về cáo buộc cho rằng Nga đã xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, theo Reuters dẫn một người quen thuộc với cuộc điều tra.
Ông Mark Corallo là người phát ngôn đại diện cho các luật sư của ông Trump trong nhiều tuần lễ cho tới khi ông từ chức vào mùa hè năm ngoái.
Ngày thẩm vấn chưa được ấn định, theo nguồn tin của Reuters xin giấu danh tính vì cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.
Ê-kíp của ông Mueller đang điều tra xem có sự thông đồng nào giữa Moscow và chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump hay không.
Sự ra đi của ông Corallo hồi tháng Bảy năm ngoái diễn ra giữa lúc đang có thay đổi nhân sự và tin tức cho hay đoàn luật sư của ông Trump đang được tái tổ chức, và cân nhắc những cách nhằm hạn chế cuộc điều tra của công tố viên Mueller.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã xác định rằng Moscow đã làm việc để ảnh hưởng tới kết quả bầu cử theo hướng có lợi cho ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái. Moscow bác bỏ cáo buộc này, nói rằng họ không hề can thiệp, và ông Trump, một thành viên Đảng Cộng hoà, cũng tuyên bố không hề có “sự thông đồng” nào.
Ông Mueller, một cựu Giám Đốc của Cơ quan Điều tra Liên Bang Hoa Kỳ -FBI, đã được bổ nhiệm hồi tháng Năm để dẫn đầu cuộc điều tra liên bang. Cho tới nay, cựu Cố vấn An ninh của ông Trump, Michael Flynn, và cựu phụ tá ý chiến dịch tranh cử của ông là George Papadopoulos, đã tuyên bố nhận tội. Riêng cựu quản trị viên chiến dịch tranh cử Paul Manafort và phụ tá của ông này, là Richard Gates, tuyên bố không nhận tội, kể cả tội rửa tiền.
Ê-kíp của công tố viên Mueller đã thẩm vấn một số quan chức hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, một số thành viên trong nội các hiện thời cũng như các cựu giới chức Mỹ, và nhân viên của trang mạng xã hội Facebook.
Thượng nghị sĩ Diane Feinstein, thành viện cấp cao của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư Pháp Thượng viện Hoa Kỳ, cũng yêu cầu ông Corallo ra điều trần trước ủy ban. Ủy ban này chỉ là một trong 3 ủy ban quốc hội Mỹ đang điều tra về các hoạt động của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Bắc Kinh sẽ trả đũa

nếu Trump có hành động về thương mại

Người đứng đầu một tổ chức doanh thương Mỹ ngày 30/1 cho biết các giới chức Trung Quốc đã khuyến cáo ông rằng “sẽ có trả đũa” nếu Tổng thống Donald Trump đưa ra những biện pháp điều chỉnh thương mại trong các tranh chấp về công nghệ, thép và những vấn đề khác.
Các giới chức không cho biết chi tiết về chuyện gì có thể kéo theo hành động đáp trả hay điều gì Bắc Kinh có thể làm, ông William Zarit, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc nói. Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông không xác nhận tên họ của giới chức phía Trung Quốc ra lời khuyến cáo và cho biết họ trao đổi với nhau về khả năng Hoa Kỳ có hành động một cách bao quát, chứ không phải các trường hợp thương mại đơn lẻ.
Ông Trump đã cho phép tăng thuế quan đối với nhôm Trung Quốc, máy giặt và những hàng hóa khác mà Washington cho rằng bán giá thấp ra nước ngoài. Nhà cầm quyền Hoa Kỳ đang điều tra xem liệu Bắc Kinh có làm hại các công ty Mỹ bằng cách làm áp lực để những công ty này chuyển giao công nghệ hay không.
Bộ thương mại Trung Quốc trước đây nói Bắc Kinh sẽ “quyết tâm bảo vệ” những quyền lợi của họ nếu ông Trump tiến hành trừng phạt.
Một giới chức khác của phòng Thương mại, ông Lester Ross, nói tổ chức này được cho biết là Washington đang chuẩn bị loan báo kết quả điều tra về công nghệ sau khi ông Trump đọc “Thông điệp Liên bang” trước quốc hội Mỹ tối 30/1.
Các biện pháp trả đũa của Trung Quốc có thể nhắm vào những khu vực như xuất khẩu nông sản và máy bay của Mỹ. Ông Ross nói thêm là Bắc Kinh cũng có thể đưa ra các biện pháp chống phá giá hay mở các cuộc điều tra khác về hàng hóa của Mỹ.
Các công ty Mỹ muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại nhưng tin rằng đối thoại với Bắc Kinh không mấy mang lại một “mối quan hệ công bằng dựa trên đối xử hỗ tương,” ông Zarit chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ nói.

Căng thẳng Mỹ-Nga gia tăng

Tổng thống Vladimir Putin ngày 30/1 nói việc Hoa Kỳ công bố một danh sách những doanh nhân Nga có liên hệ với điện Kremlin là một hành vi không thân thiện, nhưng hiện Moscow không có kế hoạch trả đũa.
Bộ Tài chánh Mỹ liệt kê một số doanh nhân Nga quan trọng trong một danh sách được gọi là “danh sách đầu sỏ chính trị” công bố sáng ngày 30/1.
Danh sách được soạn thảo trong khuôn khổ của những chế tài được ký thành luật vào tháng 8 năm ngoái, không có nghĩa là những người có tên trong danh sách sẽ bị chế tài, nhưng danh sách này có thể làm cho nhiều người Nga giàu có có nguy cơ bị chế tài.
Ông Putin nói “Đây dĩ nhiên là một hành vi không thân thiện. Danh sách sẽ làm phức tạp thêm tình hình trong mối quan hệ Nga-Mỹ vốn đã khó khăn, và dĩ nhiên làm tổn hại mối quan hệ quốc tế nữa.”
Vẫn theo lời ông, thật là “ngu xuẩn” khi đối xử với Nga tương tự như với Triều Tiên và Iran trong khi yêu cầu Moscow làm trung gian để có được một thỏa thuận hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên nhà lãnh đạo Nga nói ông vẫn muốn cải thiện các mối quan hệ với Hoa Kỳ và tự chế không trả đũa ngay.
“Chúng tôi chờ danh sách này, tôi không giấu giếm chuyện đó, và chúng tôi sẵn sàng có những bước trả đũa nghiêm túc làm cho mối quan hệ giữa chúng ta trở thành con số không,” ông Putin nói.
“Hiện nay, chúng tôi sẽ tự chế không tiến hành các bước đó nhưng chúng tôi sẽ quan sát cẩn thận xem tình hình diễn tiến như thế nào.”

TQ bắt nạt doanh nghiệp in bản đồ không công nhận

đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh

Chính quyền Trung Quốc gần đây đã gia tăng các hành vi bắt nạt các quốc gia đã in hoặc hiển thị bản đồ không thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên các hòn đảo đang tranh chấp. Trung Quốc đã ra cảnh báo, thông báo và phạt tiền 8 công ty được cho là đã phổ biến các bản đồ không bao gồm các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ, chẳng hạn như Đài Loan, các hòn đảo trên Biển Đông và quần đảo Điếu Ngư.
Trang Zee News nói chuỗi khách sạn Marriott của Hoa Kỳ, hãng hàng không Delta và thương hiệu thời trang Zara trong những tuần gần đây đã gặp phải những rắc rối tương tự.
Cục Khảo sát, Bản đồ và Thông tin địa lý Quốc gia của Trung Quốc (NASMG) đã ra thông báo, cảnh báo và phạt tiền đối với 8 công ty, trong đó có nhà bán lẻ Muji của Nhật Bản và cổng thông tin Trung Quốc ifeng.com. Truyền thông Trung Quốc đề cập tới danh sách này như ‘danh sách xấu hổ’ ám chỉ các doanh nghiệp đã làm điều ‘sai trái, đáng xấu hổ’.
Trung Quốc phát hiện 8 trường hợp “bản đồ có vấn đề,” tức là theo họ, đã “làm làm sai lệch nghiêm trọng thông tin chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của TQ.” Các bản đồ này không nêu tên các đảo trong Biển Đông, Quần đảo Điếu Ngư, Đảo Chiwei hay Đài Loan.
Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền tại quần đảo mà người Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư và Đài Loan gọi là Điếu Ngư Đài.
Báo Japan Times trích lời một phát ngôn viên cao cấp của chính phủ Nhật hôm 31/1 nói Tokyo đã lên tiếng bày tỏ quan ngại với Bắc Kinh về việc ra lệnh hủy các ấn phẩm catalogue của nhà bán lẻ Muji có trụ sở ở Tokyo, vì trong đó có in những bản đồ không có quần đảo Điếu Ngư.
Bộ Trưởng Văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga phát biểu tại một cuộc họp báo:
“Không có tranh chấp lãnh thổ nào để được giải quyết tại quần đảo Senkaku. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận biện pháp dựa trên tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc.”
Bản đồ mà Trung Quốc phản đối được sử dụng trong catalogue phân phối tại một cửa hàng của Muji ở thành phố Trùng Khánh.
Tháng 10 năm ngoái, Cục Khảo sát, Bản đồ và Thông tin địa lý Quốc gia của Trung Quốc cũng than phiền rằng công ty Ryohin Keikaku đã in bản đồ trên catalogue mà không bao gồm đảo Điếu Ngư, hay các đảo khác mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết Tokyo đã nêu những quan ngại của phía Nhật với Bắc Kinh vào đêm thứ Ba 30/1 qua các kênh ngoại giao, sau khi biết có lệnh hủy catalogue.
Chính phủ Trung Quốc gần đây tố cáo một số công ty nước ngoài vì đối xử với Đài Loan và Hồng Kông như các quốc gia độc lập. Điều đó phản ánh lập trường cứng rắn hơn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Tập Cận Bình kêu gọi tập trung phát triển ‘kinh tế thực’

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa lên tiếng kêu gọi phát triển một nền kinh tế hiện đại với việc thúc đẩy mở rộng nền kinh tế thực, Reuters trích nguồn tin Tân Hoa Xã cho biết hôm thứ Tư.
Bản tin trích lời ông Tập nói tại cuộc họp của Bộ Chính trị rằng Trung Quốc sẽ tăng cường cải cách cơ cấu về mặt cung, đẩy nhanh phát triển ngành công nghiệp sản xuất tiên tiến và thúc đẩy phát triển hội nhập về internet, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo với nền kinh tế thực.
Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch Trung Quốc nói thêm rằng các khoản phân bổ nguồn lực sẽ tập trung vào nền kinh tế thực, trong khi các chính sách của chính phủ cũng nghiêng về việc thúc đẩy nền kinh tế thực.
Đây là năm thứ nhì Bắc Kinh tiến hành chiến dịch giảm rủi ro tài chính bắt nguồn từ việc nợ tăng nhanh và các mô thức tài chính có nhiều rủi ro.
Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt 6,9%, mức tăng đầu tiên kể từ năm 2010, vượt qua mục tiêu của chính phủ là khoảng 6,5% vào năm 2017.

Vận động viên Nam Hàn

sang Bắc Hàn tập huấn chung trước Olympic

Bộ Thống nhất ở Seoul cho biết đoàn thể thao 45 người của Hàn Quốc đã sang khu trượt tuyết Masikryong của Bắc Triều Tiên hôm 31/1 để bắt đầu chương trình tập huấn chung 2 ngày cho các vận động viên trượt tuyết như kế hoạch ban đầu.
Phái đoàn Hàn Quốc có khoảng 30 vận động viên đã đáp máy bay thuê bao của hãng hàng không Asiana Airlines, cất cánh váo lúc 01:40 giờ quốc tế GMT từ phi trường Yangyang ở phía đông bắc Hàn Quốc và đáp xuống sân bay Kalma ở Wonsan.
Hợp đồng thuê bao máy bay được lập để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên, phát ngôn viên Baik Tae-hyun của Bộ Thống nhất nói tại cuộc họp báo thường kỳ.
Ông Baik không cho biết chi tiết Asiana Airlines được chọn để cung cấp máy bay thuê bao như thế nào.
Theo lệnh trừng phạt của Mỹ, bất cứ chiếc tàu hoặc máy bay nào đến Triều Tiên sẽ không được đến Hoa Kỳ trong vòng 180 ngày sau đó.
Ông Baik cho biết thêm: “Hàn Quốc đã đàm phán với Mỹ để tránh xung đột với các biện pháp trừng phạt cho riêng thời gian này, và Washington đã đồng ý cho chuyến bay hôm thứ Tư.”
Đoàn thể thao của Bắc Hàn sẽ đi cùng đoàn Nam Hàn trở về Hàn Quốc để chuẩn bị tham dự Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang sẽ khai mạc vào ngày 9 tháng Hai.
Hai miền Triều Tiên đã nối lại đàm phán vào đầu tháng 1, sau khi lãnh tụ Triều Tiên, Kim Jong Un, tuyên bố trong bài diễn văn năm mới rằng ông sẵn sàng mở lại đàm phán với Seoul.
Hai bên đã đồng ý về một vài điều, bao gồm các buổi biểu diễn văn hoá của Bắc Triều Tiên ở miền Nam và thành lập một đội khúc côn cầu nữ chung để đi tranh Olympic.
Hai bên cũng dự kiến sẽ tổ chức một cuộc biểu diễn văn hoá chung tại khu nghỉ mát Núi Kumgang của Bắc Triều Tiên, nhưng hôm 29/1 vừa qua Bình Nhưỡng hủy buổi biểu diễn chung đó, và đổ lỗi cho truyền thông Nam Hàn đã tuyên truyền “xúc phạm” miền Bắc.
Khi được hỏi tại sao Hàn Quốc hay Triều Tiên không hủy cuộc tập huấn chung hôm 31/1, ông Baik nói tìm cách đánh giá ý định của Bình Nhưỡng là “không phù hợp,” trong khi Hàn Quốc chỉ thực hiện các thỏa thuận với Triều Tiên.
Phát ngôn viên Baik cho biết: “Dù Triều Tiên nghĩ gì đi nữa, chúng tôi tin rằng hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên cần được tạo ra bằng việc tận dụng những cơ hội mới và sự tham gia của Triều Tiên vào Thế vận hội Mùa Đông, do chúng tôi dẫn đầu.”

Quân đội Trung Quốc

muốn tăng cường khả năng ngăn chặn hạt nhân

Trung Quốc phải tăng cường khả năng ngăn chặn hạt nhân và phản công để theo kịp chiến lược phát triển hạt nhân của Mỹ và Nga, báo Quân đội Giải phóng Nhân dân PLA, cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc loan tin ngày 30/1.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể đang theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân mới và có thể công khai mở rộng khả năng trả đũa bằng hạt nhân đối với những cuộc tấn công phi hạt nhân quan trọng, theo dự thảo Đánh giá Thái độ Hạt nhân do báo Huffington Post tiết lộ.
Bình luận báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói động thái “chưa từng có từ trước tới nay của Hoa Kỳ, phối hợp với việc tiếp tục tăng tiến chất lượng của kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, có nghĩa là hai nước này đặt tầm quan trọng lớn hơn vào khả năng ngăn chặn và chiến đấu thực sự.
Bài bình luận này do hai nhà nghiên cứu thuộc Hàn lâm viện Khoa học Quân sự của PLA viết. Hàn lâm viện này là một viện nghiên cứu hàng đầu trực tiếp chịu trách nhiệm trước Quân Ủy Trung ương Trung Quốc.
Bài báo viết tiếp cần có thay đổi dù Trung Quốc đã phát triển vũ khí hạt nhân để tránh bị các cường quốc hạt nhân bắt nạt, nhưng Trung Quốc sẽ luôn luôn gắn bó với nguyên tắc “không sử dụng trước” và mục đích cuối cùng là loại bỏ vũ khí hạt nhân.
Cả Nga lẫn Hoa Kỳ đều không từ bỏ vũ khí hạt nhân và đang chấp nhận khả năng có vũ khí công nghệ cao, bài báo trích lời của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước lượng chi phí bảo trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ trong 30 năm tới lên đến hơn 1.200 ngàn tỉ đô la.
Tờ báo viết thêm là chi phí này của Mỹ tương đương với chương trình hiện đại hóa quân đội Nga nhắm đẩy mạnh phần vũ khí tiên tiến trong kho vũ khí hạt nhân của Nga lên đến ít nhất 90% vào năm 2021.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang giám sát chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng, trong đó có việc chế tạo phi đạn mang đầu đạn hạt nhân tiên tiến. Trung Quốc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1964.
Ông Trump ủng hộ chương trình hiện đại hóa hạt nhân của cựu Tổng thống Barack Obama khiến một số cựu giới chức chính phủ cao cấp, các nhà lập pháp và những chuyên gia về kiểm soát vũ khí cảnh báo về nguy cơ Hoa Kỳ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Báo cáo chiến lược quốc phòng Mỹ được công bố vào ngày 19/1 năm nay đã chuyển mục tiêu ưu tiên, đặt “sự cạnh tranh về sức mạnh to lớn” với Trung Quốc và Nga làm trọng tâm chiến lược quân sự của Hoa Kỳ, theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis.

Trung Quốc hủy chuyến bay vì tranh cãi với Đài Loan

Hai hãng hàng không Eastern Airlines và Xiamen Airlines của Trung Quốc ngày 30/1 cho biết đã hủy bỏ 176 chuyến bay hai chiều đến Đài Loan đã được bổ sung vào lịch bay để đáp ứng nhu cầu Tết Âm lịch trước những tranh cãi giữa Bắc Kinh và Đài Loan về đường bay.
Trong những tuyên bố riêng, hai hãng hàng không nói họ không có cách lựa chọn nào khác là hủy bỏ các chuyến bay sau khi cho biết là nhà cầm quyền Đài Loan từ chối chấp thuận các chuyến bay này.
Trong tháng, Trung Quốc mở thêm vài đường bay mới, trong đó có tuyến đi bắc đến Eo biển Đài Loan chia cách Hoa lục và Đài Loan. Đài Loan nói việc này không có sự đồng ý của họ, trái ngược với điều mà chính phủ dân chủ tại Đài Bắc nói là thỏa thuận 2015 thảo luận lần đầu tiên về những đường bay này.
Chính phủ tự trị Đài Loan đã từ chối không chấp thuận đơn của China Eastern và Xiamen Airlines (do China Southern Airlines chiếm đa số cổ phần) xin bổ sung chuyến bay nhân dịp Tết Âm lịch.
Đài Loan đã bày tỏ quan ngại là những đường bay mới quá gần với đường bay hiện hữu nối liền các phi trường với hai nhóm đảo do Đài Loan kiểm soát nằm gần Trung Quốc, và là một mối đe dọa đối với sự an toàn của các chuyến bay. Trung Quốc nói không có đe dọa về an toàn nào cả.
Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh bướng bỉnh, và các quan hệ đã nguội lạnh kể từ khi Tổng thống Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân tiến có khuynh hướng độc lập lên nắm quyền vào năm 2016.
Hãng hàng không China Eastern xin lỗi khách hàng và nói sẽ trả tiền lại và đặt lại vé cho những người nào đã mua vé trên các chuyến bay bị hủy.
Hãng Xiamen Airlines kêu gọi “giới hữu trách Đài Loan xúc tiến yêu cầu vì phúc lợi của người dân ở hai bên eo biển, tuân thủ nguyện vọng của quần chúng, đáp ứng những nhu cầu cấp bách của người dân, và không cản trở những người dân Đài Loan trở về nhà.”
Trong một nhận xét gay gắt ngày 30/1, cơ quan quản trị hàng không dân sự Trung Quốc nói Đài Loan phải một mình chịu trách nhiệm về bất cứ hậu quả nào phát xuất từ việc hủy bỏ các chuyến bay. Cơ quan này cho biết đã kêu gọi các hãng hàng không khác giúp du khách về quê.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo ngày 30/1 tại Đài Bắc, Bộ trưởng Giao thông Đài Loan Ho Chen Tan nói Đài Loan không buộc các hãng hàng không hủy bỏ các chuyến bay.
“Chúng tôi chưa bao giờ nói sẽ không chấp thuận cho các chuyến bay bổ sung của China Eastern hay Xiamen Airlines. Từ đầu tới giờ, chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi hy vọng tình hình có thể đáp ứng nhu cầu của hành khác và rằng tất cả chúng ta có thể thảo luận một sự dàn xếp thỏa đáng cho các chuyến bay tăng cường,” ông Ho nói.
Với giá vé tăng trước Tết Âm lịch, Bộ Giao thông Đài Loan cho biết sẽ cố gắng giúp người Đài Loan trở về nhà trong dịp lễ Tết.
Thêm vào những chuyến bay trực tiếp, người Đài Loan ở Trung Quốc có thể quá cảnh về nhà qua hướng Hong Kong hay Macau, hay đi phà từ tỉnh Phúc Kiến đến nhóm đảo Kim Môn và Mã Tổ do Đài Loan kiểm soát rồi dùng các chuyến bay nội địa trở về Đài Loan.

Biển Hoa Đông :

Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn với Nhật Bản

Tân Hoa Xã hôm qua 30/01/2018 bình luận, vào lúc quan hệ Trung-Nhật gần đây có nhiều tiến triển, Tokyo cần biến lời nói thành hành động nếu muốn cải thiện quan hệ. Thế nhưng về phía Bắc Kinh thì lời nói có gắn liền với hành động hay không ? Tác giả Ben Brimelow trên tờ Business Insider tố cáo « Quân đội Trung Quốc đang chuyển sang chiến thuật hung hăng hơn với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông ». 
Theo tác giả, các hành động khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông lâu nay thì đã quá rõ. Trung Quốc dùng đủ mọi biện pháp để tranh giành chủ quyền các hòn đảo tại đây với năm quốc gia khác, còn việc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản tại Biển Hoa Đông tương đối ít gay gắt hơn.
Thế nhưng tình hình bây giờ bắt đầu đổi khác. Bắc Kinh muốn thay đổi nguyên trạng, trực tiếp đe dọa Tokyo. Bên cạnh đó, Nga cũng muốn xây dựng hạm đội Thái Bình Dương trở thành lực lượng đáng kể trong khu vực.
Tờ báo dẫn lời chuyên gia Richard Weitz, giám đốc Trung tâm phân tích quân sự và chính trị thuộc Viện Hudson, nhận định Trung Quốc « muốn xác quyết yêu sách chủ quyền » qua việc buộc phi cơ các nước phải chấp nhận sự kiểm soát của Bắc Kinh trên không phận vùng biển tranh chấp. Còn Nga thì muốn « giám sát các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ » tại Nhật. Matxcơva xung đột với Tokyo về quần đảo Kuril, do quân Liên Xô chiếm của Nhật trong những ngày cuối cùng của Đệ nhị Thế chiến.
Hiện Trung Quốc và Nga hành động riêng rẽ, nhưng hai cường quốc này có thể xích gần với nhau trong trường hợp Mỹ can thiệp.
Với một sức mạnh Nga tái sinh ở hướng bắc, một Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí nguyên tử ở hướng tây và một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn về quân sự ở hướng tây nam, Nhật Bản có thể bị kẹt trong vòng vây.
Trung Quốc muốn thay đổi nguyên trạng tại Biển Hoa Đông
Trước hết về phía Trung Quốc, đã khởi đầu năm 2018 bằng việc cho một khu trục hạm Type 054 và một tàu ngầm nguyên tử lớp Shang xâm nhập vào vùng biển tiếp giáp Senkaku/Điếu Ngư hôm 11/1. Điểm khác biệt so với trước đây là việc công khai sử dụng tàu chiến thay vì tàu tuần duyên, và đây là lần đầu tiên một tàu ngầm tấn công được Bắc Kinh điều đến.
Các dữ liệu của chính phủ Nhật Bản được tiến sĩ Nori Katagiri dịch lại cho thấy các vụ xâm nhập của máy bay và tàu Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ kể từ 2012. Phi cơ Trung Quốc chiếm 51% tổng số vụ mà Lực lượng phòng vệ Nhật Bản phải xuất kích ngăn chặn, và càng ngày càng hung hăng hơn. Tháng 8/2017, Bắc Kinh lần đầu tiên cho oanh tạc cơ H-6K có thể mang theo vũ khí nguyên tử bay qua bán đảo Kii của Nhật, và khi Tokyo phản đối, thì được trả lời một cách ngang ngược là « phải tập làm quen » với việc này.
Nhà nghiên cứu Zack Cooper của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói với Business Insider là có hai điều ngăn trở Trung Quốc bớt tung hoành. Đó là quan hệ liên minh giữa Mỹ và Nhật, và năng lực vượt trội của quân đội Nhật Bản. Nếu không có Hoa Kỳ, thì Trung Quốc đã ngược ngạo hơn.
Nhật tăng cường sức mạnh quân sự
Tuy nhiên cũng theo ông Cooper, thì « cả Mỹ và Nhật đều biết rằng với quy mô và nhịp độ hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc hiện nay, thì việc Bắc Kinh vượt qua Tokyo trong nhiều lãnh vực quân sự chỉ còn là vấn đề thời gian ». Trong khi chờ đợi, Trung Quốc lấn dần từng bước, duy trì sức ép lên Nhật Bản.
Trước tình hình đó, Nhật phải tăng cường quân đội – chủ yếu là mua thêm nhiều thiết bị quân sự – và có thể sửa đổi Hiến Pháp. Thủ tướng Shinzo Abe vừa chấp nhận cho bố trí hai hệ thống chống hỏa tiễn Aegis Ashore từ đây đến năm 2023. Tháng 6/2017, Nhật Bản cũng sản xuất được chiến đấu cơ tàng hình F-35 đầu tiên. Đây là máy bay chiến đấu tối tân nhất, có thể được sử dụng với phiên bản cải tiến tàu chở trực thăng lớp Izumo, gần như mang lại sức mạnh của một hàng không mẫu hạm. Chính phủ Nhật cũng tăng ngân sách quốc phòng, chú trọng phòng vệ trước hỏa tiễn đạn đạo.
Tuy vậy theo tiến sĩ Katagiri, với Hiến Pháp chủ hòa hiện nay, Nhật Bản đứng trước nhiều trở ngại về luật pháp khi muốn sử dụng các loại vũ khí này.

Tổng thống Pháp công du Tunisia để cổ vũ nền dân chủ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chuyến công du Tunisia trong hai ngày, hôm nay, 31/01 và ngày mai, 01/02/2018. Chuyến đi này có mục tiêu trước hết là « nhằm ủng hộ nền dân chủ Tunisia », quốc gia « duy nhất thành công » cuộc chuyển hóa sang dân chủ, sau phong trào Mùa Xuân Ả Rập dấy lên năm 2011.
Phủ tổng thống Pháp ra thông báo nhấn mạnh, sau chuyến đi Maroc « với tư cách cá nhân » và một chuyến công du « hữu nghị và mang tính công việc » tại Algeri, đây là chuyến công du cấp Nhà nước đầu tiên tại của tổng thống Macron tại một quốc gia Ả Rập.
Cùng đi với tổng thống Pháp có hai bộ trưởng Quốc Phòng và Giáo dục, hai nghị sĩ trẻ gốc Tunisia thuộc đảng cầm quyền, và nhiều doanh nhân như lãnh đạo các công ty Orange, hay Free.
Hàng loạt thỏa thuận hợp tác về kinh tế, an ninh, giáo dục, văn hóa giữa hai nước sẽ được ký kết trong dịp này. Điện Elysée kêu gọi doanh nghiệp Pháp đầu tư mạnh mẽ vào Tunisia.
Trong bài trả lời nhật báo Pháp ngữ La Presse, tổng thống Emmanuel Macron cho biết trong chuyến công du này, ông sẽ đặc biệt chú ý đến các hợp tác trong ít nhất ba lĩnh vực. Thứ nhất là cuộc chiến đẩy lùi « bất bình đẳng, về xã hội và lãnh thổ », thứ hai là thúc đẩy công ăn việc làm cho giới trẻ Tunisia, và thứ ba là các lĩnh vực hứa hẹn tương lai, như năng lượng tái tạo, và các công nghệ mới.
Pháp cũng dự kiến có thỏa thuận hợp tác quan trọng khác, giúp Tunisia chống khủng bố.
Tổng thống Pháp sẽ phát biểu trước Quốc Hội Tunisia hôm nay, và sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ với các đại diện của xã hội dân sự Tunisia.

Đài Loan tập trận bắn đạn thật,

mô phỏng cuộc phản công chống đổ bộ

Quân đội Đài Loan vào hôm qua, 30/01/2018, đã tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật, mô phỏng một chiến dịch đối phó với một cuộc tấn công đổ bộ lên đảo. Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc càng lúc càng gia tăng sức ép trên chính quyền Đài Bắc.
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, cuộc tập trận huy động cả ba binh chủng hải, lục, không quân, với máy bay dọ thám được cử theo dõi « tàu địch » đang tiến lại gần đảo, trong lúc xe tăng nã pháo vào lực lượng địch đổ bộ lên cảng Hoa Liên (Hualien), bờ biển phía đông Đài Loan, nhìn ra Thái Bình Dương.
Trực thăng chiến đấu cũng lâm trận, thả tín hiệu giả để đánh lừa đối phương, và chiến đấu cơ F-16 mô phỏng các thao tác oanh kích để hỗ trợ cho binh lính ở dưới đất đang chiến đấu với « quân thù »đội mũ đỏ để dễ phân biệt.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan không nói rõ là kịch bản thao diễn thường niên này là dàn dựng một cuộc xâm chiếm từ phía Trung Quốc, nhưng cho biết mục tiêu nhằm « chứng tỏ quyết tâm của Đài Loan bảo vệ an ninh đất nước và hòa bình ở eo biển Đài Loan ».
Từ khi bà Thái Anh Văn lên nhậm chức tổng thống Đài Loan, quan hệ Bắc Kinh-Đài Bắc đã căng thẳng hẳn lên.
Tổng thống Đài Loan vào tháng qua đã lên tiếng cảnh báo về hành vi « bành trướng quân sự » của Trung Quốc, với liên tiếp nhiều vụ phô trương sức mạnh không quân và hải quân chung quanh đảo.
Đài Bắc còn phản đối việc Trung Quốc mở những hành lang hàng không mới bên trên eo biển, bị cho là « nguy hiểm » và có « ý đồ chính trị ». Chính quyền Đài Loan đảo rất bực tức vì « không được tham khảo ý kiến trước ».

Tổng thống Mỹ tuyên bố

sẽ gây áp lực ‘‘tối đa’’ với Bình Nhưỡng

Trong bài diễn văn đầu tiên về « tình hình Liên bang » trước Quốc Hội Mỹ, hôm qua 30/01/2018, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố Bắc Triều Tiên có khả năng « sớm » dùng vũ khí hạt nhân tấn công nước Mỹ. Tổng thống Mỹ khẳng định Washington sẽ « gây áp lực tối đa » để điều này không xảy ra.
Hãng tin Reuters cho hay trong bài diễn văn nói trên, tổng thống Mỹ lên án tính chất « suy đồi » của chế độ Bình Nhưỡng và việc Bắc Triều Tiên « liều lĩnh » theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân khiến quốc gia này trở thành mối đe dọa thực sự « đối với Hoa Kỳ và các đồng minh ». Ông Donald Trump cáo buộc các căng thẳng liên quan đến hồ sơ hạt nhân vẫn tiếp tục, bất chấp các thương lượng mới đây giữa hai miền Nam Bắc, đã rốt cục cho phép đoàn thể thao Bắc Triều Tiên tham dự Thế Vận Hội Mùa đông tại Hàn Quốc.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu hôm qua, tổng thống Mỹ không nêu ra bất cứ một biện pháp cụ thể mới, hay đặc biệt nào, sẽ được sử dụng để kìm chế tham vọng hạt nhân của quốc gia Đông Bắc Á này.
CIA : Bắc Triều Tiên có khả năng tấn công hạt nhân Mỹ
Theo AFP, hôm qua, 30/01, trong một trả lời phỏng vấn đài BBC, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, ông Mike Pompeo, khẳng định tình báo Hoa Kỳ đã « nắm khá rõ » khả năng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Lãnh đạo CIA dự báo Bình Nhưỡng có đủ thực lực, dùng tên lửa liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn hạt nhân tấn công nước Mỹ, chỉ trong vòng một vài tháng tới.
Trong khi đó, về phần mình, phó tư lệnh liên quan Hoa Kỳ, tướng Paul Selva, nhận xét là cho dù chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên đã có nhiều tiến bộ trong những tháng gần đây, nhưng « chưa có bằng chứng » rõ ràng nào cho thấy Bình Nhưỡng làm chủ được toàn bộ các công nghệ chủ chốt của tên lửa liên lục địa, đặc biệt công nghệ bảo vệ đầu đạn hạt nhân trong giai đoạn tái nhập khí quyển trái đất. Tướng Mỹ không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng đã nắm được công nghệ này, nhưng không thể hiện.
Riêng về mặt giữ bí mật các vụ phóng thử, Bắc Triều Tiên đã có bước tiến rõ rệt. Tình báo Hoa Kỳ và đồng minh chỉ phát hiện được các hỏa tiễn chuẩn bị rời bệ phóng, khoảng 12 phút trước đó, trong khi trước đây, thời gian này là khoảng một giờ.
Hồi cuối tháng 11/2017, Bắc Triều Tiên tuyên bố bắn thử một hỏa tiễn ICBM, về lý thuyết có khả năng bắn tới bất cứ địa điểm nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Trên thực tế, tên lửa bắn thử lên đến độ cao 4.500 km, nhưng rớt xuống biển ở khoảng cách 1.000 km so với điểm xuất phát.
« Ứng cử viên » chức đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc có quan điểm « ôn hòa » bị loại
Theo Reuters, hôm qua 30/01/2018, một giới chức Hoa Kỳ thông báo ứng cử viên số một vào chức đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, nhà ngoại giao Victor Cha, không còn nằm trong danh sách được xem xét. Vài giờ trước diễn văn về tình hình liên bang của tổng thống Trump, báo Washington Post đăng tải ý kiến của nhà ngoại giao nói trên. Theo ông, một cuộc tấn công quân sự phủ đầu của Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên không phải là biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, và có nguy cơ làm chiến tranh bùng nổ, khiến hàng trăm nghìn người Mỹ thiệt mạng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?