Ký Thiệt: “Mít thơm”, ai thắng ai?

10/27/2018

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, hay “mít thơm” (midterm) 2018 đang diễn ra sôi nổi vào những ngày cuối cùng, trước khi người dân Mỹ tới phòng phiếu để “chọn mặt gửi vàng”, hay chọn người thay mặt mình tại Quốc Hội trong giai đoạn đặc biệt quan trọng cho tương lai nước Mỹ.
Cuộc chạy đua giữa các ứng cử viên của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ  đang thu ngắn khoảng cách trước Điện Capitol. Cái được gọi là “ngọn trào xanh” (blue wave) của đảng Dân Chủ có vẻ đang yếu dần trước làn sóng đỏ (red wave) của Đảng Cộng Cộng Hòa, tuy truyền thông dòng chính (TTDC) và truyền thông thiên tả (TTTT) đang dốc toàn lực để thổi lên “ngọn trào xanh”, thậm chí NBC News còn quả quyết “chứng liệu ghi danh cử tri cho thấy ngọn trào xanh của phe Dân Chủ sẽ nghiền nát những người Cộng Hòa”.
NBC News vạch ra: “Trong những cuộc bầu cử kể từ năm 1946, khi tỉ lệ chấp thuận của tổng thống dưới 50 phần trăm vào lúc bầu cử giữa nhiệm kỳ thì đảng làm chủ Tòa Bạch Ốc đã mất trung bình 37 ghế tại Hạ Viện.”
Image result for vote midterm elections 2018
Nếu cứ “tin những gì TTTT nói” thì cử tri của phe Cộng Hòa sẽ chẳng ai tới phòng phiếu vào ngày 6 tháng 11 làm gì cho phí công. Đằng nào thì Hạ Viện cũng sẽ vào tay đảng Dân Chủ, và có thể cả Thượng Viện đảng Cộng Hòa cũng thua luôn.
Hiện nay, đảng Cộng Hòa kiểm soát Thượng Viện với đa số 51-49. Theo tính toán của phe tả thì đảng Cộng Hòa có thể mất 9 ghế mà cuộc chạy đua đang diễn ra so kè sát nút. Nhưng nhờ những thành quả nổi bật của TT Trump, nhất là sau vụ Kavanaugh, đã tạo ra một “ngọn trào đỏ”, và sẽ tiếp tục kiểm soát Thượng Viện, có thể với đa số cao hơn là 51-49 mong manh. Thế còn Hạ Viện?
Đảng Dân Chủ cần thắng 23 ghế để kiểm soát Hạ Viện mà theo TTTT thì Đảng Dân Chủ có thể giành được 25 ghế đang do Đảng Cộng Hòa chiếm giữ và những thăm dò liên tục cho thấy nhiệt tình của cử tri có lợi cho đảng Dân Chủ kéo dài trong nhiều tháng, nhưng từ đầu tháng 10 thì bắt đầu bốc hơi. Thăm dò của Rasmussen ngày 5 tháng 10 cho thấy chiều hướng của cử tri Cộng Hòa và Dân Chủ là “huề”, ngang nhau. Có thể hiểu lý do khiến nhiều cử tri ngả về phía Cộng Hòa khi họ có thêm tiền mỗi tháng do cắt giảm thuế má, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trong 50 năm vừa qua, kinh tế nở rộ, giảm bớt thể lệ rườm rà… Các ứng cử viên đảng Cộng Hòa chỉ cần hỏi cử tri: “Quý vị có muốn chấm dứt trào lưu này không? Hay là quý vị muốn chúng tôi làm cho quý vị nhiều hơn thế?” Hoặc: “Quý vị có thấy đời sống của quý vị bây giờ tốt đẹp hơn khi trước không?”
Rõ ràng là “It is economy. Stupid!”
Đảng Cộng Hòa có thể mất khoảng 20 ghế tại Hạ Viện theo chiều hướng của lịch sử – nhưng không phải là do trào lưu chống Trump như TTTT thổi lên – và hy vọng sẽ tiếp tục giữ Hạ Viện.
Nhưng điều quan trọng và sẽ quyết định “ai thắng ai” vẫn là cử tri phải tới phòng phiếu và bầu. Một thăm dò do CBS News thực hiện từ ngày 9 tới 12 tháng 10 cho thấy:
–         85 phần trăm cử tri Mỹ cảm thấy hăng hái về cuộc bầu cử “mít thơm”; 89 phần trăm người theo Cộng Hòa, 83 phần trăm người độc lập và 86 phần trăm người theo Dân Chủ đồng ý như trên.
–         75 phần trăm cử tri tính chung nói rằng sẽ bầu cho cùng một đảng mà họ “thường bỏ phiếu cho”; 87 phần trăm người theo Cộng Hòa, 53 phần trăm độc lập và 86 phần trăm theo Dân Chủ đồng ý như trên.
–          17 phần trăm cử tri tính chung nói rằng họ thay đổi ý kiến giữa hai đảng khi bầu; 7 phần trăm người theo Cộng Hòa, 35 phần trăm người độc lập và 9 phần trăm theo Dân Chủ đồng ý như trên.
–         15 phần trăm cử tri tính chung cho biết họ không hứng thú lắm với chuyện bầu bán năm nay; 11 phần trăm người theo Cộng Hòa, 17 phần trăm độc lập và 13 phần trăm theo Dân Chủ đồng ý như trên.
–         8 phần trăm cho biết sẽ bầu cho một “đảng khác” với đảng mà họ thường bỏ phiếu cho; 6 phần trăm người theo Cộng Hòa, 12 phần trăm độc lập và 5 phần trăm theo Dân Chủ đồg ý như trên.
CBS News là một hệ thống truyền hình nằm trong TTDC mà thăm dò trên đây cho thấy lợi điểm đang ngả về phía Cộng Hòa. Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử vào ngày 6 tháng 11 tới đây còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Như bên nào có nhiều tiền hơn, bên nào huy động cử tri phe mình đi bầu nhiều hơn, và ảnh hưởng của những biến cố bất ngờ xảy ra trong vài ngày tới đây, hay ảnh hưởng của sự can thiệp từ bên ngoài. Đặc biệt, sự xen lấn của Trung cộng vào cuộc bầu cử tại Mỹ năm nay đang được các giới chức Hoa Kỳ báo động.
Ngày 10 tháng 10 vừa qua, Giám đốc FBI Christopher Wray và  Bộ Trưởng Nội An  Kristjen Nielsen đã ra điều trần trước Ủy ban Nội An và Công Vụ Thượng Viện. Khi trả lời câu hỏi liên quan đến sự chính đại quang minh của cuộc bầu cử sắp tới, Bà Nielsen nói rằng: “Hiển nhiên là nước Tàu đang dùng đến một nỗ lực chưa từng thấy để gây ảnh hưởng đến công luận Mỹ.”
Giám đốc FBI, cơ quan có trách nhiệm đối phó với ảnh hưởng từ bên ngoài vào cuộc bầu cử, đã vạch ra mối đe dọa của Tàu cộng: “Tôi nghĩ nước Tàu là mối đe dọa về tình báo rộng lớn nhất, phức tạp nhất, dài hạn nhất mà chúng ta phải đương đầu. Nó ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của kinh tế nước ta, mọi tiểu bang, và mọi mặt trong đời sống của chúng ta.”
Ông ta chỉ ra cho thấy tại sao mối đe dọa của nước Tàu lớn hơn là của Nga: “Trong nhiều phương diện, nước Nga đang chiến đấu để tồn tại sau sự sụp đổ của Sô-viết. Họ đang chiến đấu cuộc chiến hôm nay. Tàu đang chiến đấu cuộc chiến của ngày mai. Nước Tàu có thể đang chiến đấu cuộc chiến của ngày mai, nhưng chính quyền Trump hôm nay đang chống trả.”
Trước đó, Phó Tổng thống Mike Pence, ngày 4 tháng 10, cũng đã đọc một bài diễn văn nảy lửa tại Viện Houston, tố cáo Tàu cộng đang cố gieo rắc ảnh hưởng vào Hoa Kỳ. Ông nói: “Không có gì nghi ngờ là nước Tàu đang xen lấn vào nền dân chủ Hoa Kỳ. Nói thẳng ra là sự lãnh đạo của TT Trump đang thành công và nước Tàu muốn có một tổng thống Mỹ khác.”
Theo ông Pence, ước chừng 80 phần trăm County trên nước Mỹ đã bầu cho Trump năm 2016 đang trở thành mục tiêu xâm nhập của Tàu cộng. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới cuộc bầu cử tháng tới, mà còn có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020.
Nhưng các máy bỏ phiếu và các thiết bị điện tử của Mỹ cho đến nay đã tỏ ra an toàn trước sự đe dọa của Bắc Kinh. Bà Nielson nói: “Cho đến hôm nay, chúng tôi chưa thấy cố gắng nào của người Tàu nhằm gây thiệt hại cho hệ thống điện tử hạ tầng của chúng ta.”
Trước sự cảnh giác và ngăn chặn hữu hiệu của Mỹ, Trung cộng khó có thể gây ảnh hưởng gì tới cuộc bầu cử sắp tới, và tất cả tiên đoán về kết quả cuộc bầu cử cũng chỉ là phỏng đoán, có thể là rất ngang ngửa, phần lớn tùy thuộc vào số cử tri của mỗi phe đi bầu. Trong tình trạng ấy, số phiếu của cộng đồng người Việt, hay Mỹ gốc Việt, có thể đóng vai trò gì không?
Cử tri gốc Việt cũng chia hai phe, nửa theo Dân Chủ, nửa theo Cộng Hòa, nhưng lười đi bầu nên cũng không tạo ảnh hưởng gì vào kết quả cuộc bầu cử quan trọng này. Số còn lại thì đang ở trong tình trạng như được diễn tả trong các mùa bầu bán ở nước ta thời Việt Nam Cộng Hòa xa xưa:
Tay cầm lá phiếu tự do,
Bâng khuâng không biết bầu cho người nào?!
Với những người này, có vài góp ‎ý đọc được trên mạng điện tử xin trích đoạn dưới đây, may ra giúp được ít nhiều trong việc chọn mặt gửi vàng, và hết “bâng khuâng”:
Suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam từ TT Kennedy đầu thập niên 60 cho tới TT Ford giữa thập niên 70, Dân Chủ luôn luôn chiếm đa số Quốc Hội, các Tổng thống Cộng Hòa như Nixon, Ford luôn bị yếu thế. Đó là thời hoàng kim của Dân Chủ, họ nắm sinh mệnh VNCH và cả Đông Dương, chỉ cần cắt giảm quân viện vài năm để bức tử dải đất này. Họ có khả năng truất phế một tổng thống, Dân Chủ được giới truyền thông và phong trào phản chiến ủng hộ tuyệt đối nên rất mạnh.
Nhưng than ôi thời oanh liệt nay còn đâu, từ sau chiến tranh Việt Nam, Cộng Hòa đã nhiều lần nắm ưu thế Quốc Hội cho tới ngày hôm nay. (trích bài của Nhà biên khảo chính trị Trọng Đạt)
Và, dưới đây là trích từ một bài của Nhà báo Vũ Linh:
“Hầu hết dân tỵ nạn ta chẳng là đảng viên đảng chính trị Mỹ nào, phần lớn vì không hiểu rõ khác biệt về hai đảng. Một số lớn sẽ bầu cho ứng viên gốc Việt, bất kể thuộc đảng nào. Nếu có hai ứng cử viên gốc Việt thì đa số sẽ bầu cho ông/bà DC, chỉ vì thành kiến cố hữu DC là ‘đảng của dân nghèo’, DC là ‘đảng của trợ cấp’.
Thái độ đúng đắn nhất có phải là không a-dua theo chiều gió của TTDC không? Nên quên chuyện đảng phái chính trị Mỹ đánh nhau, quên chuyện cấp tiến, bảo thủ Mỹ đánh nhau, hay chuyện TTDC đánh tổng thống, quên luôn ba cái tuýt lăng nhăng của Trump mà chính mình cũng chưa đọc hay đọc mà không hiểu rõ, mà hãy nhìn cho kỹ đảng nào đang làm gì có lợi hay có hại cho gia đình và cá nhân mình, cho cộng đồng tỵ nạn, và cho quyền lợi dân và nước Việt của ta.
Với khối dân lao động, nhớ lại xem đảng nào đang mang lại công ăn việc làm cho dân, trong đó dĩ nhiên có dân tỵ nạn ta?
Nếu là dân trung lưu phải đóng thuế bá thở, thì có nên suy nghĩ lại xem đảng nào đã giảm thuế cho mình không? Hay nhìn xa hơn nữa, đảng nào chủ trương thu hồi luật giảm thuế của TT Trump?
Nếu là dân đang sống nhờ trợ cấp, cần tự hỏi trong lịch sử, đã có tổng thống CH nào cắt trợ cấp như phe cấp tiến hù dọa chưa?
Nếu là người có nhu cầu y tế, hãy coi lại xem với Obamacare, mình đóng bảo hiểm đắt hơn hay rẻ hơn, tiền deductible cao hơn bao nhiêu, lấy hẹn bác sĩ chờ lâu hơn bao lâu?
Nếu còn nghĩ đến quê nhà, nghĩ lại thử Mỹ bắt tay với Nga chặn Trung Cộng tốt hơn? Hay Mỹ đánh Putin, bắt tay với Tập Cận Bình lập đặc khu kinh tế tại VN tốt cho nước ta hơn?
Cuối cùng, nghĩ lại thân phận tỵ nạn có ‘sướng’ không? Rồi nghĩ lại đảng nào đã cắt hết viện trợ quân sự không cho QLVNCH súng đạn để tự vệ chống CSBV. Nhất là nghĩ lại đảng của các ông Biden, Kerry, Brown,… có hoan nghênh khi mình mới thoát nạn CS đặt chân đến nước Mỹ không?
Những câu hỏi trên, có cần viết câu trả lời ra không?” (hết trích)
Viết đến đây, chợt nhớ còn vài ngày nữa là 26 tháng 10, Quốc Khánh của Việt Nam Cộng Hòa thân yêu xa xưa và nghe tiếc thương Tổng thống Ngô Đình Diệm quá chừng. Năm 1954, nước Việt Nam bị chia đôi ở vĩ tuyến 17 do Hiệp Định Genève, ông Ngô Đình Diệm được Vua Bảo Đại phong chức thủ tướng và về nước chấp chánh. Năm sau, ngày 23.10.1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm cho tổ chức “trưng cầu dân ý” để truất phế Vua Bảo Đại, tạo lập chế độ Cộng Hòa và lên làm tổng thống.
Khi tổ chức trưng cầu dân ý, sợ nhiều người mù chữ không biết đọc và không biết bầu cho ai, chính quyền thời ấy đã có một sáng kiến tuyệt diệu: in hình hai người trên hai lá phiếu. Lá phiếu có chân dung Vua Bảo Đại in trên giấy màu xanh, lá phiếu in hình Ngô Đình Diệm trên giấy  màu hồng.
Trước ngày bầu cử, lá phiếu mẫu được phát cho toàn dân khắp miền Nam VN, từ thành thị tới thôn quê, kèm với hai câu “thơ”:
Hồng hào bỏ vào,
Xanh xao bỏ ra.
Toàn dân được xem mẫu phiếu bầu và học thuộc lòng hai câu thơ (hay vè) dễ nhớ. Thế là toàn dân Việt ở dưới vĩ tuyến 17 đã làm nên lịch sử: Vua Bảo Đại đã bị truất phế với số phiếu gần 100 phần trăm. Nền Cộng Hòa được thành lập với Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Trong lịch sử mấy ngàn năm của nước Việt Nam oanh liệt nhưng khốn khổ, lần đầu tiên người dân được sống trong tự do, ấm no và thái hòa. Tiếc thay, nền Cộng Hòa non trẻ đã bị lật đổ và Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị sát hại trong một cuộc binh biến vào ngày 1.11.1963 mà Tổng thống Kennedy (Dân Chủ) là người chịu trách nhiệm nặng nhất.
Hôm nay, trước cuộc bầu cử “mít thơm” quan trọng của nước Mỹ, xin hồn thiêng của TT Ngô Đình Diệm soi sáng cho dân Việt lưu vong trên xứ người và phù hộ cho nước Mỹ, quê hương thứ hai của chúng tôi, những nạn nhân bất khuất của bè lũ cộng sản ác ôn.
Ký Thiệt

https://baotgm.net/ky-thiet-mit-thom-ai-thang-ai/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?