Tổng Thống Trump muốn vấn đề di dân của Hoa Kỳ giống Âu Châu?


Đoàn di dân “caravan” với hàng ngàn người bên ngoài thị trấn Arriaga, tiểu bang Chiapas, Mexico, hôm Thứ Bảy, 27 Tháng Mười, 2018, chuẩn bị tiến vào Hoa Kỳ. (Hình: AP Photo/Rebecca Blackwell)
Hẳn chúng ta ai cũng đã nghe nói đến một đoàn nhiều ngàn di dân và người xin tị nạn đang từ từ đi bộ từ Trung Mỹ đến Hoa Kỳ. Tổng Thống Donald Trump đã biến cuộc hành trình của họ trở thành tin tức hàng đầu, cả quyết họ là một đe dọa cho an ninh quốc gia.
Và để chứng tỏ lý luận của mình, ông đã đưa ra khuyến cáo thường xuyên mà ông vẫn đưa ra để khuyến cáo người Mỹ: Hãy nhìn vào cái mà ông gọi là “total mess” mà di dân đã tạo ra cho Âu Châu.
Những người Âu Châu không hiểu tổng thống nói gì. Nhưng cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi tổng thống nghĩ Âu Châu là một vùng đại nạn. Ông đã từng cáo buộc Luân Đôn như là “một bãi chiến trường,” nói là một người bạn bí mật của ông tên là Jim không đi đến thủ đô nước Pháp nữa vì “Paris không còn là Paris nữa,” và nói đến những biến cố kinh khủng ở Thụy Điển vốn chưa từng xảy ra.
Một số người Pháp hỏi là nếu tổng thống “sợ Paris” đến thế thì tại sao tổng thống nhận lời mời đến dự cuộc duyệt binh ngày 14 Tháng Bảy của Tổng thống Emmanuel Macron. Còn dân Luân Đôn thì hỏi “bãi chiến trường nào vậy” khi mà Luân Đôn là một trong những nơi tiếp đón nhiều du khách nhất thế giới với năm 2017 thành phố tiếp đón 19.1 triệu du khách quốc tế. So với thủ đô Washington DC, vốn năm 2017 chỉ có 2 triệu du khách quốc tế đến thăm và ngay cả New York cũng chỉ có 13.1 triệu khách quốc tế đến thăm.
Nhưng tổng thống đã có thành kiến với Âu Châu và nay khi cuộc bầu cử giữa kỳ gần kề, tổng thống lại nhắc lại hình ảnh kinh khủng của di dân ở Âu Châu để biện minh cho những biện pháp nghiêm ngặt ở Hoa Kỳ.
Thực sự thì mức độ của tình hình dọc theo biên giới Hoa Kỳ và Mexico chưa bao giờ đến mức của vấn đề mà Âu Châu đối diện năm 2015 và 2016. Chỉ xin đơn cử một vài con số. Năm 2015 có hơn 1.3 triệu đơn xin tị nạn chính trị ở Âu Châu so với chỉ có 331,700 đơn ở Hoa Kỳ.
Vả lại hầu hết sự xáo trộn về di dân không phải là về di dân mà là về sự tranh cãi bên trong Liên Hiệp Âu Châu giữa các quốc gia vì có quốc gia cảm thấy gánh nặng chấp nhận và trông nom cho di dân không được chia sẻ công bằng – và rằng chính sách biên giới của liên hiệp không đủ để đối phó với vấn đề. Là một quốc gia thống nhất, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ phải đối phó với những chia rẽ như vậy.
Cũng là một sự hiển nhiên là Âu Châu không sụp đổ trong một thứ xáo trộn và rối loạn mà chúng ta sẽ nghĩ nếu chỉ đọc các tweet của tổng thống. Ở Đức, nơi nhiều trăm ngàn di dân và người tị nạn đã tràn vào trong làn sóng đến Âu Châu năm 2015, thống kê chính thức cho thấy là số tội phạm giảm 10% trong năm đó.
Trong khi dân tị nạn và di dân có thể là một gánh nặng ngắn hạn cho ngân quỹ của các quốc gia Âu Châu, cũng có bằng cớ là về lâu về dài di dân có thể đóng góp. Thực vậy, ở Thụy Điển, họ có vẻ đang giúp làm nền kinh tế tăng trưởng.
Kinh tế gia Lars Christensen nói với Bloomberg Businessweek vào mùa Hè năm nay: “Những người tị nạn và di dân đến vào thời điểm đúng nhất,” bởi vì Thụy Điển đang thiếu công nhân. Nhờ số di dân này là nền kinh tế Thụy Điển tăng trưởng 3% so với tốc độ trung bình của Âu Châu là 2%.
Chính trị cũng cho thấy một hình ảnh pha trộn không đơn giản. Trên toàn lục địa, những đảng mỵ dân chống di dân đã tìm cách lợi dụng. Một số đã đạt được thành công trong bầu cử – đáng kể nhất là Liên Minh Phương Bắc, đảng đang là một phần của chính phủ liên hiệp ở Ý. Sự thành công của UKIP trong việc thúc đẩy lá phiếu Brexit cũng là một thí dụ thứ nhì. Một số đã thúc đẩy các đảng dòng chính hãy có những lập trường cứng rắn hơn để giữ phiếu bài di dân của cử tri.
Nhưng đó cũng không hẳn là một chiến lược tốt. Đảng Liên đoàn Xã Hội Ki-tô Giáo gọi tắt là CSU, đảng đàn em của Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo của Thủ Tướng Angela Merkel ở Bavaria, đã chọn một chính sách cứng rắn về di dân để chống lại đảng cực hữu và duy trì vị thế mà đảng đã chế ngự ở Bavaria từ nhiều năm nay. Thay vì vậy, trong cuộc bầu cử địa phương hôm 14 Tháng Mười, cử tri bỏ chạy. Trong khi cánh cực hữu AfD thắng khá, nhưng đảng ủng hộ di dân, đảng Xanh còn thắng hơn nữa, dành vị thế thứ nhì.
Lãnh tụ đảng Xanh Tarek Al-Wazir ở bang Hesse giải thích: “Chúng tôi là đảng duy nhất đã không bị thúc đẩy trở thành khùng điện vì chủ nghĩa dân túy cánh hữu.”
Nhưng có lẽ tổng thống tin là một lập trường cứng rắn về di dân vẫn tiếp tục là một vấn đề ăn khách ở Hoa Kỳ. Tạp chí online Politico nói là tổng thống và toán thăm dò dư luận của ông tin là những dữ liệu cho thấy biên giới và di dân vẫn còn nhiều âm hưởng đối với cử tri, đặc biệt là trong các cuộc bầu khít khao. Politico viết: “Những người đã nói chuyện với ông về việc này nói ông thề là sẽ đưa ra đề tài đoàn người dầu ở đâu và lúc nào, ngay cả khi ông không bị nhắc nhở bởi những người khác.”
Trong tờ The Atlantic, nhà bình luận bảo thủ David Frum viết: “Đối với Tổng Thống Trump, đoàn người này tiêu biểu cho một cơ hội chính trị. Đây là loại vấn đề kích thích những người Mỹ bảo thủ – và cho ông được quyền trở thành người bênh vực tức giận và hung hăng cho họ.”
Có một điều giống nhau giữa những di dân đến Âu Châu và Hoa Kỳ ngày nay – nhưng có lẽ lại là điều mà tổng thống không muốn nhắc đến.
Ông Nick Miroff của tờ Washington Post viết: “Thời đại của di dân hàng loạt của những công nhân lao động người Mexico đổ vào California và vùng sa mạc của Arizona đã qua rồi” kết thúc từ những chính sách khắt khe hơn và tăng cường phòng vệ biên giới.
Đó là những người tìm đến để làm những công việc như hái rau trái, cắt cỏ, làm vườn. Họ không thực sự là di dân hay dân tị nạn. Nhiều khi họ sang Hoa Kỳ một thời gian rồi trở về quê với một số vốn. Thay vì vậy, những di dân đang đến Hoa Kỳ ngày càng giống những người đến Âu Châu trong những năm gần đây: Những người xin tị nạn, mang theo với họ “những câu chuyện về tra tấn, bị tuyển vào các băng đảng tội ác, bị tống tiền bởi cảnh sát tham nhũng.”
Như Âu Châu đã học được, đối phó với những người xin tị nạn vốn có những câu chuyện có thể tin được về bị đàn áp là một tiến trình phức tạp – không những chỉ vì những lý do đạo lý, mà còn về hành chánh nữa. Số những vụ đang chờ ở các tòa án di dân Hoa Kỳ nay lên trên 750,000 hồ sơ và ông Miroff giải thích là những người nộp đơn phải chờ lâu mới có hẹn ra tòa.
Kể cũng mỉa mai là định kiến của tổng thống về di dân bất hợp pháp có thể giúp tạo nên những vấn đề mà nay đang làm ông nổi giận. Việc ông đã làm ồn lên về một đoàn người nhỏ hơn hồi Tháng Ba có vẻ đã giúp thúc đẩy đoàn người lớn hơn đang tiến về Hoa Kỳ, trong khi chính sách chia cách gia đình không đủ để làm người ta sợ hãi.
Điệu này rồi Hoa Kỳ có thể gặp một cuộc khủng hoảng di dân kiểu Âu Châu mà tổng thống đã vô tình tạo nên. (Lê Phan)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện