Tin Việt Nam – 28/10/2018

Tin Việt Nam – 28/10/2018

Công an Trà Vinh bắt giữ nhà hoạt động trẻ

phát truyền đơn chống luật đặc khu

Công an ở tỉnh Trà Vinh vừa bắt giữ và hành hung một nhà hoạt động trẻ bị cho là đã phân phát truyền đơn ở thành phố Cần Thơ hồi tháng 6, với nội dung chống luật đặc khu.
Theo trang mạng Defend the Defenders, công an Trà Vinh hôm Thứ Sáu 26/10 ập vào căn chung cư nơi anh Đặng Văn Thanh, 25 tuổi, một thợ điện, đang ở thuê. Họ đánh đập anh rồi đưa anh về đồn công an phường. Tại đây anh bị công an thẩm vấn trong hai ngày liên tiếp. Anh cũng bị đánh đập tại đồn công an và thậm chí còn bị buộc phải cởi hết quần áo trước mặt các công an viên.
Công an cho anh Thanh về nhà vào hôm Thứ Bảy nhưng đặt anh trong tình trạng quản chế tại gia. Nhà hoạt động trẻ này đã kể lại sự việc qua trương mục Đặng Thanh trên mạng xã hội Facebook. Anh cũng cho biết trong những ngày tới sẽ phải tiếp tục tới đồn công an để bị thẩm vấn.
Trang mạng Defend the Defenders dẫn lời một số nhà hoạt động khác cho rằng, việc bắt giữ anh Đặng Văn Thanh có liên quan tới tổ chức Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết của ông Lưu Văn Vịnh. Hồi tháng 8 vừa qua, một phiên tòa tại Sài Gòn đã kết án năm thành viên của tổ chức này gồm ông Vịnh và các ông Nguyễn Văn Đức Độ, Phan Trung, Nguyễn Quốc Hoàn và Từ Công Nghĩa về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”, với những bản án từ 8 tới 15 năm tù và 3 năm quản chế.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/cong-an-tra-vinh-bat-giu-nha-hoat-dong-tre-phat-truyen-don-chong-luat-dac-khu/

Vụ công an khám nhà chủ tiệm vàng

lấy 20 viên kim cương có dấu hiệu lạm quyền

Một số luật sư trong nước và chủ tiệm vàng ở Cần Thơ vừa lên tiếng về hàng loạt điều khuất tất trong vụ công an thành phố này ập vào nhà chủ tiệm vàng lấy đi nhiều viên kim cương và tài sản rồi vội vàng sung vào công quỹ, trong khi khổ chủ chưa kịp khiếu nại hay thưa kiện.
Báo Pháp Luật hôm Thứ Bảy 27/10 dẫn lời ông Lê Hồng Lực, giám đốc công ty Nhân Đạt, chủ tiệm vàng Thảo Lực, kể lại rằng người thợ điện tên Nguyễn Cà Rê vào tiệm vàng nói là đi lỡ đường, không có tiền trả tiền xe, và năn nỉ ông đổi 100 Mỹ kim ra nội tệ. Khi ông đang đổi tiền thì có những người tự xưng là lực lượng trinh sát đứng ngay đó, tuyên bố bắt quả tang tiệm vàng đang kinh doanh ngoại tệ bất hợp pháp.
Được biết trong một lệnh khám nhà sau đó, do chủ tịch quận Ninh Kiều ký, cảnh sát kinh tế ập vào nhà ông Lực thu giữ tất cả bạch kim, đá nhân tạo và cả 20 viên kim cương cất trong phòng ngủ. Ông Lực nói các viên kim cương đó là quà của hai vợ chồng ông tặng nhau từ nhiều năm qua, chỉ cất trong tủ chứ không trưng bày để bán, nhưng cũng bị “tạm giữ”. Ông Lực đã tỏ ra ngạc nhiên vì chuyện chưa ngã ngũ thì thấy báo chí loan tin số tài sản của ông đang bị công an “tạm giữ” giờ đây bị nói là đã được “sung vào công quỹ”.
Báo Tuổi Trẻ trong cùng ngày Thứ Bảy dẫn lời luật sư Lê Trung Phát từ Sài Gòn cho rằng, trong vụ này có dấu hiệu của sự lạm quyền và áp dụng sai quy định pháp luật. Theo luật sư Phát, trong vụ án đổi ngoại tệ bất hợp pháp thì tang vật và phương tiện vi phạm chỉ là một tờ bạc 100 Mỹ kim và 2.26 triệu đồng Việt Nam được đổi. Nơi xảy ra vi phạm và chứa tang vật là tiệm vàng chứ không phải nhà riêng của chủ tiệm. Luật sư cũng chỉ ra rằng, vi phạm ở đây là về kinh doanh ngoại tệ, nhưng công an lại thu giữ cả kim cương và đá nhân tạo.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/vu-cong-an-kham-nha-chu-tiem-vang-lay-20-vien-kim-cuong-co-dau-hieu-lam-quyen/

Yêu cầu xem xét lại quy định

trong vụ đổi 100 đôla bị phạt 90 triệu đồng

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được yêu cầu xem xét lại quy định về giao dịch hối đoái sau khi một người bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 đôla Mỹ tại một tiệm vàng ở thành phố Cần Thơ, truyền thông trong nước đưa tin, khơi lên tranh luận nóng bỏng trong dư luận và trong nghị trường Quốc hội.
Các bản tin cho hay Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lí” của mức tiền phạt 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê, một thợ điện, vì đổi 100 đôla tại một cơ sở kinh doanh nữ trang ở Quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Nhà chức trách được nói là đã tịch thu số tiền 2,26 triệu đồng được quy đổi từ 100 đôla của ông Rê và cũng xử phạt cơ sở kinh doanh này 295 triệu đồng.
Theo quy định, các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới là những địa điểm hợp pháp mua bán ngoại tệ. Ngoài ra các điểm kinh doanh của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cấp phép kinh doanh ngoại tệ là những lựa chọn khác. Tuy nhiên người dân có thói quen đổi ngoại tệ tại các tiệm vàng “chợ đen” mà hầu hết không được cho phép.
Trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên, ông Rê nói ông thấy số tiền nhỏ nên ông không mang đến đến ngân hàng đổi. Ông cũng không biết tiệm vàng này không thuộc diện được phép mua bán ngoại tệ và ngỡ ngàng với mức tiền phạt quá lớn so với mức lương tháng hơn 3 triệu đồng của ông, Thanh Niên cho hay.
Vụ việc này thu hút sự chú ý của dư luận với phần lớn ý kiến bày tỏ sự cảm thông với ông Rê và bất bình về mức tiền phạt bị xem là “vô lí.”
“Cái đáng nghiêm thì không nghiêm, cái có thể linh động thì áp dụng luật một cái máy móc khô khan, không hợp lí hợp tình,” một độc giả bình luận trên bài báo của Thanh Niên.
Trong một phiên thảo luận tại Quốc hội hôm thứ Bảy, Đại biểu Nguyễn Chiến gọi vụ việc này “là điển hình về thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý nhà nước làm dư luận không đồng tình.”
Báo điện tử VnExpress cho biết ông nói rằng việc xóa bỏ tình trạng đôla hoá cần được thực thi, đổi ngoại tệ không đúng nơi cấp phép phải bị phạt, nhưng cơ quan chức năng có trách nhiệm giúp người dân nhận diện, phân biệt nơi nào được đổi, nơi nào không được đổi.
“Sự tồn tại của những nơi đổi ngoại tệ bất hợp pháp còn rất nhiều, trước hết đó là trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước,” ông Chiến được dẫn lời nói.
Vị phó chủ tịch Liên đoàn luật sư cho rằng phải xem xét lại mức phạt vì đổi 10, 100 hay 1.000, 100.000 đôla đều bị phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng là “không phù hợp.”
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khi tiếp xúc với báo chí sáng ngày thứ Sáu cho biết đã giao cho giám đốc Ngân hàng Nhà nước cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ vụ việc của ông Rê và sau đó lãnh đạo Ngân hàng sẽ tư vấn cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ hướng xử lí phù hợp, trang tin điện tử Zing cho hay.
Ông Hưng nói Ngân hàng “đang có kế hoạch” sửa đổi nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/yeu-cau-xem-xet-lai-quy-dinh-trong-vu-doi-100-dola-bi-phat-90-trieu-dong/4631895.html

Vụ đổi 100 USD phạt 90 triệu:

Trả lại 100 USD và miễn giảm phạt?

TTO – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ tư vấn UBND TP Cần Thơ trả lại 100 USD và xem xét miễn giảm phạt ông Nguyễn Cà Rê.
Vụ đổi 100 USD: Bất thường từ lệnh khám nhà chủ tiệm vàng
Vụ đổi 100 USD ở tiệm vàng, vì sao phạt nặng?
Chiều 27-10, trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Hà – giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết đã nhận được chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đồng thời, đã tư vấn cho UBND TP Cần Thơ (thông qua phó chủ tịch UBND TP Trương Quang Hoài Nam – PV) xung quanh việc đổi 100 USD bị phạt 270 triệu đồng. Tuy nhiên ông Hà nói mới chỉ trao đổi qua điện thoại, còn văn bản tư vấn thì đầu tuần sau phía Ngân hàng mới gửi đến UBND TP Cần Thơ.
Nội dung tư vấn, ông Hà cho biết UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực là đúng quy trình. Doanh nghiệp phải thượng tôn pháp luật, chủ doanh nghiệp phải biết doanh nghiệp mình không được phép mua bán ngoại tệ. Còn cá nhân ông Nguyễn Cà Rê có thể không biết.
“Không biết và hoàn cảnh khó khăn có thể xem xét miễn giảm theo điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính”, ông Hà nói và cho biết đã tư vấn UBND TP Cần Thơ trả lại tang vật 100 USD cho ông Cà Rê. Tuy nhiên, việc miễn hay giảm hoặc trả lại tang vật vi phạm còn tùy thuộc vào UBND TP Cần Thơ quyết định.
Trước đó, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 26-10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đã chỉ đạo giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ của vụ việc, sau đó tư vấn cho UBND TP Cần Thơ có hướng xử lý phù hợp trường hợp ông Nguyễn Cà Rê bị xử phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD.
https://tuoitre.vn/vu-doi-100-usd-phat-90-trieu-tra-lai-100-usd-va-mien-giam-phat-20181027170300426.htm

Khi nào cơ quan chức năng

có quyền khám xét nhà dân?

TTO – Vụ một công dân đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực (TP Cần Thơ) bị bắt quả tang, sau đó cơ quan chức năng khám xét nhà chủ tiệm, thu giữ tài sản đặt ra câu hỏi: Khi nào cơ quan chức năng được khám xét nhà? Trường hợp nào được tịch thu tài sản?
Vụ mua bán 100 USD, phạt 270 triệu: Coi chừng tiền lệ xấu
Vụ mua bán 100 USD, phạt 270 triệu: Những người trong cuộc nói gì?
Tiệm vàng Thảo Lực – nơi xảy ra vụ mua bán 100 USD bị phạt 270 triệu đồng – Ảnh: CHÍ QUỐC
“Công an Cần Thơ bắt quả tang tiệm vàng tôi đổi 100 USD thì tôi tuyệt đối chấp hành, tuân thủ quyết định phạt của chính quyền. Tuy nhiên, doanh nghiệp bị khám xét 2 lần trong vòng 6 tháng là một nỗi thống khổ vô cùng lớn cho chúng tôi”, ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực) kể lại tình cảnh hoạt động kinh doanh của mình.
“Phải chi doanh nghiệp chúng tôi làm ăn bất chính thì không nói. Nhưng không, chúng tôi chỉ vướng vài vi phạm hành chính nhỏ về nhãn mác, sản xuất. Vấn đề này chắc nhiều doanh nghiệp khác đôi khi cũng mắc phải. Đáng lẽ ra chính quyền cần tuyên truyền, phạt để răn đe, nhắc nhở doanh nghiệp sửa sai, đằng này lại đi tịch thu tài sản cá nhân của gia đình là quá mức”, ông Lực nói thêm.
Ông Lê Hồng Lực (chủ tiệm vàng Thảo Lực):
Nỗi thống khổ của doanh nghiệp
Là doanh nghiệp, ai cũng muốn làm ăn yên ổn, đóng góp cho sự phát triển cho gia đình và xã hội. Chúng tôi cũng không muốn kiện tụng, mà cần sự tư vấn, hướng dẫn. Chỉ mong muốn ai sai thì nên nhìn nhận mà sửa chữa, đừng làm khổ doanh nghiệp nữa. Mỗi năm, cơ quan thuế, quản lý thị trường đều đến kiểm tra hoạt động kinh doanh định kỳ. Nếu bất thường liệu doanh nghiệp có yên thân?
Nhắc đến những đợt bị khám xét nhà, có thể nói đó là nỗi ám ảnh vô cùng lớn. Nó không những gây tổn thương tinh thần của doanh nghiệp. Nó khiến những người trẻ lo sợ khi bắt đầu khởi nghiệp. Nó còn khiến bản thân doanh nghiệp có thâm niên gần 20 năm như chúng tôi cũng muốn phát bệnh. Có lúc, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện dẹp tiệm nghỉ cho xong.
Tài sản bị thu giữ nhiều tháng trời, gây ảnh hưởng kinh doanh, bạn bè, khách hàng xì xầm bàn tán ra vô. Doanh nghiệp cũng bị triệu tập lên xuống hàng chục lần, ôm sổ sách đi chứng minh nhiều tháng trời.
Thử hỏi ai còn tinh thần để kinh doanh, buôn bán?
Ông Nguyễn Văn Chung (viện trưởng Viện KSND quận 8, TP.HCM):
Tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ
Về nguyên tắc, tài sản của dân được pháp luật công nhận và bảo vệ nên không thể bỗng dưng mà sung công tài sản thu giữ chỉ vì nó không chứng minh được nguồn gốc. Hiện nay, trong rất nhiều gia đình, người dân luôn giữ vàng như một thứ tài sản và đương nhiên không phải món nào cũng có hóa đơn mua bán của tiệm vàng, nhất là vàng lá được truyền từ đời trước đến đời sau. Nếu chỉ vì không truy xuất được nguồn gốc mà thu thì chắc 80% tài sản là vàng trong dân cũng bị thu.
Pháp luật luôn bảo vệ quyền tài sản của người dân, nếu đó không phải là tài sản do phạm pháp mà có thì không thể thu giữ hay sung công quỹ.
Trước đây TP.HCM cũng đã có vụ khám xét thu giữ tài sản của tiệm vàng sau đó phải trả lại. Bởi vậy, việc thực thi công vụ cần phải cẩn trọng hết sức trước khi mang một cái lệnh để khám xét hay thu giữ tài sản.
Bà Bùi Hồng Giang (ngụ quận Hoàn Kiếm, Hà Nội):
Khám xét nhà phải rõ ràng
Người dân đương nhiên không ai thích thú gì khi có lực lượng chức năng đến khám xét nơi ở, nơi làm việc của mình. Bởi vậy, nếu có việc buộc phải khám xét thì người dân cần phải hỏi xem lực lượng công vụ thực hiện việc khám xét là ai, họ có lệnh khám xét không, nếu lệnh này của cơ quan chức năng ký thì cần phải có sự phê chuẩn rõ ràng theo quy định của pháp luật.
Người gần gũi nhất với người dân là tổ trưởng tổ dân phố, hoặc trưởng khu, hoặc trưởng thôn và cảnh sát khu vực sẽ đi cùng lực lượng kiểm tra đến đọc quyết định.
Với những gia đình có buôn bán nhỏ thì việc khám xét càng cần phải thận trọng, thậm chí ngoài việc xem quyết định, lệnh khám xét còn phải xem giấy tờ ngành, trang phục của người thực thi công vụ. Bởi nếu người dân không xem xét cẩn trọng các loại giấy tờ liên quan đến việc khám xét thì có thể có lực lượng “giả” đến khám xét và trộm cắp, cướp tài sản…
Tiệm vàng Thảo Lực – nơi xảy ra vụ mua bán 100 USD bị phạt 270 triệu đồng – Ảnh: CHÍ QUỐC
Khám xét không đúng chỗ, quản lý thị trường phải trả lại tang vật
Theo một luật sư của Đoàn luật sư TP.HCM, mấy năm trước có một doanh nghiệp kinh doanh thuốc tây ở Q.1 (TP.HCM) nhờ luật sư tư vấn pháp lý, liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong việc khám xét và tạm giữ tang vật của quản lý thị trường (QLTT).
Cụ thể, doanh nghiệp này chỉ đăng ký kinh doanh mặt bằng phía trước của một căn nhà. Trong quá trình kiểm tra, khám xét cơ sở kinh doanh có dấu hiệu sai phạm, QLTT đưa ra lệnh khám xét doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình khám xét doanh nghiệp, QLTT đã khám xét luôn… căn nhà (phía sau cửa hàng thuốc) và tạm giữ nhiều tang vật (những thùng thuốc tây có giá trị) trong căn nhà.
Sau khi thuê luật sư tư vấn, làm việc với cơ quan chức năng, phía QLTT đã nhận ra sai sót của mình và sau đó trả lại tang vật cho doanh nghiệp.
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM):
Ai được ra lệnh khám xét, khi nào?
Thẩm quyền ra lệnh khám xét (hình sự) gồm viện trưởng, phó viện trưởng viện KSND và viện kiểm sát quân sự các cấp; chánh án, phó chánh án TAND và tòa án quân sự các cấp; hội đồng xét xử; thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra các cấp (lệnh khám xét phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn).
Khi khám xét chỗ ở, phải có mặt người liên quan hoặc trực tiếp liên quan, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến. Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Theo Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng nhiều biện pháp, trong đó có việc “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.
Những người được quy định tại khoản 1 điều 123 (chủ tịch UBND cấp xã, trưởng công an phường; trưởng công an cấp huyện…) có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định. Khi khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện, phải có mặt người chủ nơi bị khám hoặc người thành niên trong gia đình và người chứng kiến.
Khi khám xét xong và lập biên bản thì người dân đọc kỹ biên bản, không hài lòng về điều gì (dù chưa rõ đúng hay sai) cũng yêu cầu ghi vào biên bản. Sau khi ghi vào biên bản và ký tên, người dân yêu cầu giao cho mình một bản lưu giữ.
Sau đó, người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện đối với cơ quan thực hiện khám xét về những điều mình chưa đồng ý. Nếu cơ quan này giải quyết không thỏa đáng, tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện lên cơ quan cấp trên của họ. Đối với những người thực thi việc khám xét sai phạm thì tùy theo mức độ mà có hình thức xử lý tương ứng theo quy định pháp luật.
Phó thủ tướng chỉ đạo xem xét tính pháp lý của vụ việc
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về vụ xử phạt 90 triệu đồng đối với trường hợp đổi 100 USD ở tiệm vàng Thảo Lực tại Cần Thơ. Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý việc UBND TP Cần Thơ phạt người đổi 100 USD ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-10.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Quốc Hà, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cần Thơ, nhận định UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tiệm vàng Thảo Lực là đúng (do mua bán ngoại tệ trái phép).
Còn với cá nhân ông Nguyễn Cà Rê thì “có thể xem xét miễn giảm mức phạt theo điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính”.
Theo đó, UBND TP Cần Thơ có thể trả lại tang vật là 100 USD cho ông Cà Rê. Tuy nhiên, việc miễn hay giảm hoặc trả lại tang vật vi phạm tùy thuộc vào UBND TP Cần Thơ quyết định.
B.NGỌC – LÊ DÂN
https://tuoitre.vn/khi-nao-co-quan-chuc-nang-co-quyen-kham-xet-nha-dan-20181028093729204.htm

‘Mắt thấy tai nghe’ từ Vĩnh Tân

Luật sư Phùng Thanh SơnGửi cho BBC từ Sài Gòn
Hệ lụy mà nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân gây ra cho người dân nơi đây đã được báo chí, mạng xã hội phản ánh gần như đầy đủ nên tôi không đi sâu về tác hại và sự thống khổ của người dân nơi đây. Cái mà tôi quan tâm là tình trạng ô nhiễm tro xỉ ở đây có thể chấm dứt được không và khi nào?
Chuyện gì thực sự xảy ra ở Phan Rí?
Đề xuất đổ thêm bùn xuống biển Bình Thuận
Nổ ở nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4
Theo thiết kế, khi các nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân đi vào hoạt động thì mỗi năm phát sinh đến 4 triệu tấn xỉ. Nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch, đến năm 2020, lượng tro, xỉ do các nhà máy nhiệt điện than thải ra là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 lên tới 422 triệu tấn.
Trong khi quỹ đất quốc gia dành để chứa tro xỉ thì hạn chế. Đứng ở góc độ môi trường, bãi tro xỉ càng cao thì nguy cơ về môi trường càng lớn. Khi gió thổi mạnh hoặc do vô ý hay chủ ý, bãi xỉ bị vỡ, nổ tung thì tro xỉ bay càng xa. Đặc biệt là các nhà máy nhiệt hầu hết là do Trung Quốc đầu tư và quản lý.
Nếu giữa Việt Nam và Trung Quốc có xảy ra xung đột, lợi dụng lúc gió mạnh họ đồng loạt cho nổ các bãi xỉ trên cả nước thì hậu quả do bụi xỉ gây ra cho người dân sẽ rất khủng khiếp. Lúc đó, cả hệ thống chính trị buộc phải lo khắc phục thảm hoạ về môi trường thì nguồn lực dành để chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia sẽ bị giảm đi. Do đó, giải pháp tăng chiều cao tường bao các bài xỉ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về môi trường và an ninh quốc phòng.
Thứ trưởng công an vào Bình Thuận
Tranh cãi việc đổ 1 triệu m3 bùn cát gần Hòn Cau
Đề xuất đổ chất thải xuống biển Bình Thuận
‘Vượt khỏi tầm tay’
Theo quan sát của tôi, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm và cũng đã nỗ lực hết sức để giảm thiểu ô nhiễm cho người dân, nhưng theo tôi vấn đề này nó thực sự vượt khỏi tầm tay của chính quyền địa phương lẫn trung ương.
Hiện tại, xỉ than được sử dụng để sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, gạch không nung… Đầu ra của những sản phẩm này cũng rất hạn chế. Ngay cả, đầu ra những sản phẩm này có tốt đi chăng nữa thì với quy mô thị trường tiêu thụ của Việt Nam hiện nay cũng không thể xử lý được hết khối lượng xỉ than phát sinh hàng ngày của các nhà máy nhiệt điện.
Hiện nay xỉ than ở Vĩnh Tân chất thành núi, và đang quá tải. Chỉ cần một cơn gió lớn thổi qua cũng đủ làm xáo trộn đời sống người dân nơi đây ngay tức thì. Người dân cho biết, chính quyền địa phương ở đây rất sợ gió. Bởi mỗi khi có gió lớn là tro xỉ bay tung toé, người dân live stream là ảnh hưởng ngay đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, an ninh huyện phải nháo nhào lên.
Than là nguồn nguyên liệu hoá thạch. Khi đốt, nó sẽ thải ra nhiều khí độc, kim loại nặng như: sulphur dioxide (SO2), nitrogen dioxide (NO2), carbon dioxide (CO2) các vi hạt rắn (PM), các kim loại nặng và các đồng vị phóng xạ… những chất này ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, gây ra những vấn đề cho sức khỏe con người từ các bệnh hô hấp, tim mạch, ung thư…
Cứ mỗi bốn tấn than được đốt lại sản sinh ra một tấn tro bay. Các nghiên cứu ước tính một tấn tro bay có thể bay trong trên phạm vi 150.000km2. Tro bay có thể bay với tốc độ 40-50km nếu thuận chiều gió. Sau lắng xuống, nó sẽ gây thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước và không khí trầm trọng cũng như các bệnh ở cây trồng, động vật và cả con người.
Đối với ô nhiễm nguồn nước, người dân đôi khi không thể nhận ra bằng mắt thường mà phải qua kiểm nghiệm, qua vị giác, xúc giác. Hình ảnh không thể lột tả được hết mức độ ô nhiễm. Để bưng bít mức độ và quy mô ô nhiễm, chính quyền sẽ không công bố hoặc công bố không đúng sự thật về các chỉ số ô nhiễm. Tuy nhiên, đối với ô nhiễm do tro xỉ nhiệt điện gây ra thì chính quyền không thể bưng bít được.
Với các cột khói bụi cao hàng trăm mét, xỉ than bay mịt mù thì chính quyền không tài nào có thể che mắt dân chúng. Chính quyền không thể nói nhà máy nhiệt điện không gây ô nhiễm được và buộc phải thừa nhận. Một khi đã thừa nhận thì không thể dung túng cho hành vi gây ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, như đã nói trên, hiện nay chính quyền gần như đang bất lực trước các núi tro xỉ.
Chiều cao của các núi tro xỉ này đang tỷ lệ thuận với bức xúc của người dân. Nếu chính quyền cứ tiếp tục để các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm thì người dân sẽ đặt câu hỏi là chính quyền này, chế độ này đang bảo vệ cái gì? Bảo vệ người dân Việt Nam hay bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư Trung Quốc?
Con người muốn sống được thì cần phải hít thở không khí. Không khí đầy tro xỉ thì không thể nào sống được. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác thì chắc chắn người dân Vĩnh Tân không thể nào ngồi yên chờ chết. Họ buộc phải có hành động để ngăn chặn việc đó.
Một khi người dân đã mất niềm tin vào chính quyền thì biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất đối với họ không gì khác là biểu tình và bạo loạn lật đổ. Theo tôi, đứng ở góc độ đấu tranh sinh tồn thì việc người dân biểu tình và bạo loạn lật đổ trong tình huống này là một quy luật tất yếu.
Vì vậy, theo tôi, mối đe doạ đối với sự tồn vong của chế độ không phải là các thế lực thù địch, hay cái gọi là “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của các đảng viên mà là từ vấn nạn ô nhiễm môi trường. Trong đó, ô nhiễm từ nhiệt điện là một “ngòi nổ” gần như không thể dập tắt, trừ khi nhà nước đóng cửa các nhà máy nhiệt điện hoặc có giải pháp và cơ chế để có thể xử lý toàn bộ tro xỉ phát sinh một cách an toàn.
Nếu nhà nước chỉ chăm chăm phát triển nhiệt điện theo đúng “quy hoạch” đến năm 2030 mà không có phương án xử lý tro xỉ một cách hiệu quả, không khéo chính những núi tro xỉ sẽ “chôn vùi” cả chế độ.
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45966019

Tòa án Việt Nam cần phải được thêm quyền?

LS Ngô Ngọc TraiGửi cho BBC từ Hà Nội
Hôm 17/10 tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết trong năm 2017 có tới 5.639 văn bản trái pháp luật do các bộ ngành địa phương ban hành. Tính trung bình mỗi ngày có 23,6 văn bản trái pháp luật.
Thống kê cũng cho thấy giai đoạn 1995 – 2015, Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp kiểm tra 3,6 triệu văn bản, phát hiện hơn 90.000 văn bản trái pháp luật được ban hành.
Những văn bản này gây tác hại rất xấu tới hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp, và làm hư hoại hình ảnh về một nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật.
Theo ý kiến từ Ban dân nguyện Quốc hội thì đây là vấn đề đã tồn tại lâu, cử tri kiến nghị rất nhiều nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Vai trò của tòa án
Các văn bản ban hành trái pháp luật có thể là nghị định, thông tư của các cơ quan chính phủ, nghị quyết của hội đồng nhân dân và quyết định của ủy ban nhân dân các cấp.
Nhưng trái với một hệ thống hành pháp quá lớn quyền có thể ban hành cả văn bản quy phạm pháp luật thuộc về lập pháp, thì hiện tại ở Việt Nam bộ máy nhà nước duy trì một hệ thống tư pháp quá yếu quyền.
Tòa án hành chính hiện nay chỉ được quyền xét xử đối với quyết định hành chính của từ bộ trưởng trở xuống, mà không được quyền phán xét đối với nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng và thông tư của các bộ.
Không chỉ thế, với các quy định hiện nay về văn bản quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Và quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước ban hành quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với đối tượng cụ thể.
Tòa án hành chính hiện nay cũng không được quyền xét xử đối với những văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các văn bản của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp tỉnh, huyện, xã.
Từ đó dẫn đến một số lượng rất lớn các cơ quan trên phạm vi cả nước được ban hành các văn bản có khả năng tác động lớn tới đời sống kinh tế xã hội, nhưng lại thoát khỏi chế tài của tòa án về sự sai trái của nó so với quy định của Luật do Quốc hội ban hành.
Tòa án hành chính như thế là quá yếu kém, không đảm bảo được cơ chế ngăn chặn giúp ích cho quản trị quốc gia.
Nhưng không chỉ có thế, ở Việt Nam cũng không có một Tòa án Hiến pháp hoặc cơ chế tương đương để xét xử đối với những việc làm trái với quy định của Hiến pháp.
Theo đó toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dù là trái với quy định của Hiến pháp cũng không ai làm gì được.
Do vậy, trên thực tế có những hành vi xâm phạm quyền của công dân như cản trở quyền lập hội, quyền biểu tình, cản trở quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí của công dân song vẫn ngang nhiên tồn tại.
Kinh nghiệm bản thân
Mới đây, tôi trải qua hai sự việc cho thấy về một văn bản quy phạm ban hành có nội dung trái pháp luật và một sự việc về sự yếu quyền của tòa án.
Việc thứ nhất, một lần tôi vào Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội để gặp bị can nhưng nhân viên quản giáo không cho gặp. Họ trình ra một công văn của cơ quan điều tra đề nghị khi luật sư vào gặp thì phải báo cho cơ quan điều tra biết để họ cử người tham gia giám sát.
Việc làm này rõ ràng là trái pháp luật vì Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định luật sư bào chữa được quyền gặp bị can.
Họ đã căn cứ vào nội dung của Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT của liên ngành Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn phối hợp giữa cơ sở giam giữ và cơ quan điều tra.
Văn bản này đưa ra thêm nội dung quy định về giám sát gặp gỡ giữa luật sư bào chữa và bị can trong khi Bộ luật Tố tụng Hình sự không hề quy định.
Đây là một ví dụ về văn bản được ban hành trái pháp luật.
Việc thứ hai liên quan đến ông Trần Huỳnh Duy Thức, người đang thụ án 16 năm tù về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Căn cứ vào quy định mới của Bộ luật Hình sự về sự phân biệt giữa hành vi phạm tội và hành vi chuẩn bị phạm tội, và mức hình phạt nhẹ cho hành vi chuẩn bị chỉ từ 1 đến 5 năm tù, ông Thức đòi hỏi các cơ quan áp dụng để trả tự do cho mình.
Luật sư đã giúp ông gửi văn bản đến các cơ quan tư pháp đề nghị xem xét đặc xá trả tự do.
Chúng tôi đã gửi 12 lá thư tới Chủ tịch nước, là người có thẩm quyền trong việc này, nhưng không nhận được phản hồi và lâm vào tình trạng bế tắc vì theo quy định hiện nay thì cũng không thể khởi kiện Chủ tịch nước.
Trong khi cũng văn bản đó chúng tôi gửi đến các cơ quan có trách nhiệm liên quan trong hoạt động đặc xá là Chính phủ, Bộ Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, thì các cơ quan này đều có phúc đáp cho chúng tôi.
Các cơ quan tuy không trả lời chấp nhận giải quyết việc đặc xá nhưng bộ phận văn phòng của họ cũng cho biết là đơn thư đã được xem xét xử lý.
Như vậy đáng ra Văn phòng Chủ tịch nước cũng cần phản hồi là đơn đang được xem xét, để chúng tôi khỏi phải chời đợi thấp thỏm và phải gửi đến 12 lượt thư đi trong khoảng thời gian 6 tháng.
Theo quy định hiện tại thì Văn phòng Chủ tịch nước có thể bị khởi kiện.
Nhận thấy sự im lặng của Văn phòng Chủ tịch nước đã vi phạm nghĩa vụ của họ được quy định tại Quyết định số 585-QĐ/CTN ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chủ tịch nước về chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng Chủ tịch nước, chúng tôi đã tiến hành khởi kiện Văn phòng Chủ tịch nước về hành vi hành chính thiếu trách nhiệm, như là cách tạo ra một kênh gặp gỡ đối thoại về việc xử lý đơn thư cũng như giải quyết đặc xá cho khách hàng.
Tuy vậy, Tòa án thành phố Hà Nội lại không thụ lý giải quyết.
Điều này gây thất vọng về năng lực của ngành Tòa, và cho thấy quyền lợi của người dân và doanh nghiệp sẽ kém được bảo vệ bởi một cơ chế tư pháp yếu quyền.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, trưởng một văn phòng luật sư ở Hà Nội.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46002997

Thư ngỏ của giới trí thức về Giáo sư Chu Hảo

nhắm vào 4 triệu đảng viên còn trong đảng

Ít nhất đã có 9 trí thức, đảng viên và cựu đảng viên kỳ cựu của đảng Cộng sản tham gia ký một bức thư ngỏ hôm 27/10/2018 gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ chính trị phản đối quyết định kỷ luật đối với Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc nhà xuất bản Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.
Hôm 25/10, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ra quyết định đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo vì lý do “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hoá; có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước”. Không những thế, kết luận của uỷ ban còn cho rằng nhà xuất bản Tri thức của Giáo sư Chu Hảo đã “xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng, nhà nước, vi phạm luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu huỷ”
Trong thư ngỏ được lan truyền rộng rãi trên mạng, các trí thức cho rằng “quy kết như vậy của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về ông Chu Hảo là không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước”.
Quy kết như vậy của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về ông Chu Hảo là không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước.
Các trí thức đề nghị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương rút lại kết luận sai trái về ông Chu Hảo và kêu gọi lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên khuyến khích các nhà xuất bản trong nước làm những việc như nhà xuất bản Tri Thức đang làm, động viên phong trào ham học, ham đọc sách trong nước, giúp khắc phục tình trạng tụt hậu, đưa Việt Nam tiến nhanh theo con đường dân tộc và dân chủ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sáng lập viên của Vện Nghiên cứu Phát triển đã giải thể, người đồng ký tên, cho rằng bức thư có mục tiêu chính không phải là nhắm vào Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng: “Tôi nghĩ mục tiêu của những người ký là không phải với uỷ ban kiểm tra trung ương đó mà với 4 triệu đảng viên còn lại và với giới trí thức đang làm ở cơ quan nhà nước. Tất nhiên nếu nó có tác động gì tới uỷ ban kiểm tra trung ương thì cũng là điều tốt.”
Sau khi có kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, đã có một loạt những đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố từ bỏ đảng, trong đó có những người có tên tuổi trong xã hội và đã là đảng viên hàng chục năm như nhà văn Nguyên Ngọc, Phó giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang.
Những người quyết định bỏ đảng sau quyết định kỷ luật Giáo sư Chu Hảo cho biết họ ủng hộ Giáo sư Chu Hảo và nhận thấy đảng Cộng sản Việt Nam đã đi ngược lại lý tưởng ban đầu mà họ theo đuổi là vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho người dân.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói với Đài Á Châu Tự do về quyết định bỏ đảng hôm 26/10: “các trí thức nhiệt tình góp ý kiến, trong đó có tôi, thì không nghe. Nhiều người lên tiếng phản đối thì thậm chí còn bị bắt đi tù”.
Nhà văn Nguyên Ngọc, người tham gia ký tên bức thư ngỏ, viết trên thư công bố bỏ đảng hôm 26/10: “Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài”.
Trong khi đó, vào ngày 27/10, ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã công bố một bức thư ngỏ khác gửi bạn bè gần xa, phản đối việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo. Ông Nguyễn Trung cũng là một trong những người ký bức thư gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Trung viết trong bức thư của mình rằng án kỷ luật mục đích thật là “qua việc ra tay này muốn răn đe và bóp nghẹt những nỗ lực của giới trí thức cả nước – những người ngày đêm mong mỏi góp phần mở mang dân trí nước nhà”.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/intellectuals-sign-petition-about-chu-hao-10282018084535.html

Facebook bị cáo buộc đóng trương mục

những người vừa tuyên bố bỏ đảng CSVN

Cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao phản ứng sau khi trương mục Facebook của giáo sư Mạc Văn Trang bị xóa ngay sau khi ông tuyên bố bỏ đảng CSVN.
Báo Người Việt hôm Thứ Bảy 27/10 dẫn lời ái nữ của ông Trang là nhà báo Mạc Việt Hồng, chủ bút báo điện tử Đàn Chim Việt ở Ba Lan, cho hay như vậy. Trong cùng ngày, một người khác cũng mới tuyên bố bỏ đảng là Trung Tá Trần Nam cũng bị xóa lời “tuyên bố ra khỏi đảng” trên Facebook.
Ông Trang và ông Nam, cũng như nhà văn Nguyên Ngọc cùng nhiều người khác, mới đây tuyên bố bỏ đảng để phản ứng với sự việc ủy ban kiểm tra trung ương đảng cộng sản đề nghị kỷ luật giáo sư Chu Hảo, giám đốc nhà xuất bản Tri Thức. Ông Hảo bị cho là đã “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa” khi xuất bản sách và có những phát ngôn “trái chủ trương” của đảng cộng sản.
Đây không phải là lần đầu tiên Facebook bị cộng đồng mạng Việt Nam cáo buộc xóa trương mục và kiểm soát bài đăng theo kiểu tuyên giáo CSVN. Hầu hết các trường hợp này là do kết quả đánh phá của đội ngũ dư luận viên đông đảo do nhà cầm quyền CSVN chỉ huy.
Trước các cáo buộc của giới blogger, nhất là giới bất đồng chính kiến, đại diện Facebook ở Việt Nam vẫn chưa đưa ra một bình luận nào. Điều đó khiến người ta hoài nghi rằng mạng xã hội này đã bắt tay với nhà cầm quyền cộng sản để trấn áp các ý kiến bất đồng.
Huy Lam / SBTN
https://www.sbtn.tv/facebook-bi-cao-buoc-dong-truong-muc-nhung-nguoi-vua-tuyen-bo-bo-dang-csvn/

Từ sự kiện Giáo sư Chu Hảo

nghĩ về sức mạnh của tư tưởng

Nguyễn Trang Nhung
Ngày 25/10, báo chí trong nước cho hay GS. Chu Hảo – Giám đốc và là Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức – bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đề nghị kỷ luật trong kỳ họp thứ 30 vừa qua.[1]
Nguyên nhân là ông phải chịu trách nhiệm chính về việc NXB Tri thức đã xuất bản một số cuốn sách “có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản“.[2]
Theo UBKTTW, GS. Chu Hảo đã “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’”, và vi phạm, khuyết điểm của ông là ‘rất nghiêm trọng’“.[3]
Không rõ các cuốn sách có nội dung như trên là các cuốn sách gì. Chỉ biết rằng chúng đã hoặc sẽ “bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy“,[4] và người đọc Việt Nam giờ đây sẽ không còn, hoặc khó có cơ hội đọc chúng.
Theo một nguồn tin lề trái, các cuốn sách đó bao gồm ‘Đường về nô lệ’, ‘Bàn về tự do’, ‘Chủ nghĩa tự do truyền thống’, ‘Hòa bình tình yêu và tự do’, ‘Khảo lược Adam Smith’, ‘Bốn tiểu luận về tự do’, ‘Chính thể đại diện’, v.v.[5]
Tôi không chắc về tính chính xác của nguồn tin trên, song nếu nguồn tin đó đúng thì không có gì đáng ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên, nếu có, là các cuốn sách đó đã được xuất bản tại Việt Nam một cách không đến nỗi (quá) khó khăn.
Các cuốn sách đó đều là các tác phẩm về các tư tưởng tiến bộ của phương Tây, mà cụ thể hơn là về các giá trị nền tảng như tự do và dân chủ, vốn là ngọn nguồn của các thể chế chính trị hiện đại mà ngày nay chúng ta chứng kiến.
Đề nghị kỷ luật của UBKTTW đối với GS. Chu Hảo cho thấy cơ quan này đã e ngại trước sức mạnh của tư tưởng, và nhận ra rằng đây là mối đe dọa tiềm tàng đối với thể chế chính trị Việt Nam vốn không thân thiện với các giá trị tự do và dân chủ.
Đề nghị kỷ luật của UBKTTW đối với GS. Chu Hảo cho thấy cơ quan này đã e ngại trước sức mạnh của tư tưởng, và nhận ra rằng đây là mối đe dọa tiềm tàng đối với thể chế chính trị Việt Nam vốn không thân thiện với các giá trị tự do và dân chủ.
Tư tưởng, và nhất là tư tưởng tiến bộ, thực sự có sức mạnh. Thử lấy ví dụ về ‘Bàn về tự do’ của triết gia người Anh John Stuart Mill thế kỷ 19. Tác phẩm triết học này ra đời tại Anh vào năm 1859. Chưa đầy 10 năm sau, năm 1868, tác phẩm đã được dịch và phát hành tại Nhật Bản với số lượng lên tới 2 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản khi ấy là 36 triệu người. Khái niệm tự do mà tác phẩm nêu ra đối với người dân Nhật Bản hồi đó hết sức lạ lẫm, thế nhưng tác phẩm vẫn được đón nhận rộng rãi và trở thành một trong các cuốn sách gối đầu giường của nhiều người dân Nhật Bản lúc bấy giờ. Cùng với vô số tác phẩm khác, ‘Bàn về tự do’ đã góp phần đưa nước Nhật tiến đến văn minh khai hóa và trở thành đất nước dân chủ, tự do và cường thịnh như ngày nay.
Cũng tác phẩm này tại Việt Nam được dịch và phát hành lần đầu vào năm 2004, với số lượng 1000 bản, tức chậm hơn Nhật gần một thế kỷ rưỡi và số lượng thì ít hơn 2000 lần. Theo nhiều cách, người dân Việt Nam đã không đón tác phẩm này một cách rộng rãi như người dân Nhật Bản đã làm trước đó gần 150 năm. Các tác phẩm tương tự có chung tình trạng với số lượng phát hành trên dưới 1000. Hệ quả tất yếu là ít người Việt Nam biết đến các tư tưởng tiến bộ, và còn ít hơn nữa người Việt Nam hiểu rõ các tư tưởng đó. Sự chậm tiến trong tư tưởng của người Việt Nam về các giá trị nền tảng hẳn là một phần nguyên nhân của sự chậm tiến trong tiến trình dân chủ.
Hai ví dụ tương phản trên đây nhằm cho thấy sức mạnh của tư tưởng. Một cá nhân tiến bộ về tư tưởng sẽ đạt được tiến bộ về nhiều phương diện khác của đời sống, và ngược lại. Và điều này cũng đúng đối với một tập thể và xa hơn là một quốc gia.
Bởi thế, nhận thức đúng về sức mạnh của tư tưởng và từ đó học hỏi các tư tưởng tiến bộ là điều mà mỗi cá nhân, mỗi tập thể hay mỗi quốc gia cần làm, nếu muốn đạt được tiến bộ về nhiều phương diện khác.
Trở lại sự kiện GS. Chu Hảo, NXB Tri Thức với các tác phẩm về các tư tưởng tiến bộ đã góp phần thắp sáng trí óc của một bộ phận dân chúng Việt Nam, và các trí óc khi được thắp sáng thì mang sức mạnh. Hi vọng rằng, dù phía trước thêm phần khó khăn, song NXB Tri thức sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh thắp sáng của mình, để dân tộc này có thêm sức mạnh.
Chú thích:
[1][2][3][4] Giáo sư Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật
http://vietnamfinance.vn/giao-su-chu-hao-bi-de-nghi-ky-luat-201805042242…
[5] https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.56/posts/1231931950293099
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/from-chu-hao-incidence-think-about-ideology-might-10272018180727.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?