Đọc báo Pháp – 29/01/2020

Đọc báo Pháp – 29/01/2020

Trung Quốc đóng cửa

sống trong nỗi sợ virus corona

Anh Vũ
Virus corona từ Vũ Hán tiếp tục hoành hành tại Trung Quốc và đe dọa cả thế giới. Vụ xử phế truất tổng thống Mỹ Donald Trump trở nên nóng khi cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton lộ diện. Tổng thống Trump bắt tay Israel đưa ra kế hoạch hòa bình mới với người Palestine. Trên đây là những chủ đề nổi bật được các báo Pháp chú ý đặc biệt.
Virus corona Vũ Hán tiếp tục lây lan, số người thiệt mạng tăng thêm mỗi ngày mặc dù tỉnh Hồ Bắc, nơi phát dịch, đã bị gần như cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Mỗi nơi, mỗi nước đang nỗ lực theo cách riêng của mình cố gắng kiểm soát dịch và bảo vệ người dân.
Nhật báo Le Monde có bài phóng sự mang tiêu đề « Bắc Kinh, thành phố chết, khép kín trong nỗi sợ » cho thấy, không chỉ Vũ Hán, nơi ổ dịch, mà giờ đây người dân thủ đô Trung Quốc đang cố gắng tránh bị phơi nhiễm virus corona 2019-nCoV. Thông tín viên của Le Monde tại Bắc Kinh mô tả : « Các cửa hàng đóng cửa, phố xá vắng tanh, hiếm hoi có vài chiếc xe bus gần như trống không chạy trên đường, Bắc Kinh thành phố 21 triệu dân giống như một thành phố ma. Ngay cả những người giao hàng, thường ngày có mặt ở khắp nơi, giờ cũng biến mất ».
Tác giả bài phóng sự nhận thấy người Trung Quốc giờ đây cảnh giác với chính đồng bào mình. Người Trung Quốc nhìn người nước mình như là mối đe dọa. Ở ngoại ô Bắc Kinh, có nhiều làng hay các khu phố, người dân tự dựng rào chắn không cho người lạ vào. Các khách sạn từ chối khách người Hồ Bắc. Bảo vệ giờ đây kiểm tra chất vấn những người lạ đến tòa nhà chung cư để biết có tiếp xúc hay liên quan gì đến Vũ Hán hay không. Điều mà người dân bắc Kinh sợ lúc này là phải đến bệnh viện, ngay cả khi mắc các bệnh thông thường. Họ đóng kín cửa, tích trữ lương thực thực phẩm, sống trong nhà chờ dịch đi qua, nhưng không khí sợ hãi bao trùm khắp thành phố.
Hồng Kông cắt đứt với đại lục
Báo Les Echos nhìn sang Hồng Kông với bài : « Bị ám ảnh ký ức dịch SARS, Hồng Kông cắt đứt với Trung Quốc ». Đặc khu hành chính đang có những phản ứng nhanh chóng và dứt khoát trước dịch viêm phổi cấp đến từ Hoa Lục.
Trận dịch virus corona lần này gợi lại cho Hồng Kông những ký ức đau thương của trận dịch SARS 2002-2003, từng làm 300 người chết tại thành phố. Lần này, chính quyền đặc khu đã quyết định đóng cửa gần như hoàn toàn với Trung Quốc hy vọng ngăn chặn dịch virus corona. Tất cả các tuyến giao thông, đường sắt và đường thủy nối với Hoa Lục đều đã bị ngừng lại từ hôm 25/01. Các chuyến bay đến từ đại lục cũng bị cắt giảm còn một nửa. Gần một nửa số trạm kiểm soát biên giới bị đóng cửa chờ có lệnh mới. Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh ngừng cấp giấy thông hành cho du khách cá nhân đến Hồng Kông, các công ty du lịch cũng nhận được lệnh hủy tour đến đặc khu. Les Echos nhận xét : « Từ trước đến nay, chưa bao giờ Hồng Kông có các biện pháp mau lẹ và triệt để như vậy. Ngay cả thời điểm xảy ra dịch SARS hồi 2002-2003, Hồng Kông cũng không không đến nỗi cô lập với Hoa lục như lúc này ». Hiện tại mới có 8 người bị phát hiện nhiễm virus corona tại Hồng Kông. Họ đều đến từ Hoa lục bằng tàu hỏa.
Đặt trong tình trạng báo động y tế cao nhất từ thứ Bảy tuần qua, Hồng Kông quyết định đóng cửa nhiều địa điểm công cộng, như công viên giải trí, bảo tàng, trường học. Hàng loạt các hoạt động thương mại, du lịch, khách sạn, nhà hàng bị đình trệ. Các chuyên gia kinh tế nhận định những biện pháp khẩn cấp như vậy sẽ làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế của đặc khu hành chính, vốn đã phải chịu nhiều hậu quả của cuộc thương chiến Mỹ-Trung và phong trào biểu tình phản kháng trong nhiều tháng qua.
Dịch có thể lên đến đỉnh điểm những ngày tới
Nhật báo Le Figaro có bài « Trung Quốc đối mặt với « con quỷ » virus corona » với cảnh báo, dịch có thể lên tới đỉnh điểm trong chục ngày tới. Ở Trung Quốc hiện tại, hầu như ai cũng là những bệnh nhân tiềm ẩn. Họ được đề nghị đóng cửa ở trong nhà, người dân trong vùng bị cách ly tiếp tục cuộc sống khép kín trong thành phố chết, những người dân khác được khuyến cáo hủy tất cả các chuyến đi ra nước ngoài nếu không phải là cần kíp.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc cố gắng minh bạch tình hình, nỗ lực huy động mọi nguồn lực để ngăn chặn dịch nhưng tình hình có vẻ vẫn không làm cho yên tâm. Trong nước số người chết và lây nhiễm tiếp tục tăng. Ở ngoài nước, virus corona bắt đầu xuất hiện thêm ở nhiều nước.
Theo Le Figaro, các nước có kiều dân ở Trung Quốc đang khẩn trương đề nghị đưa người của mình hồi hương. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp đều đã lên kế hoạch đưa máy bay đến Vũ Hán đón các công dân về nước. Trong khi đó Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) có vẻ như vẫn mập mờ, không khuyến cáo di tản người nước ngoài khỏi Trung Quốc, theo như phát biểu của tổng giám đốc WHO trong chuyến thăm Bắc kinh hôm qua, được một thông cáo của chính quyền Trung Quốc trích dẫn. WHO thông báo Bắc Kinh đã chấp nhận để các chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc nghiên cứu virus và điều hành hoạt động phòng chống dịch của quốc tế. Mọi người đang hy vọng sau khi lên đến đỉnh điểm, dịch sẽ lắng xuống tuy còn kéo dài vài tháng, như vẫn thường thấy trong các đợt dịch khác.

Mỹ -Israel ban phát hòa bình cho Palestin ?

Một thời sự khác thu hút sự chú ý của dư luận diễn ra tại Washington hôm qua: Tổng thống Mỹ Donal Trump và thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou hoan hỉ công bố bản kế hoạch hòa bình cho vùng đất tranh chấp triền miên bao thập kỷ nay giữa người Israel và người Palestin.
Tựa lớn trang nhất của nhật báo Le Figaro: « Trump đề xuất một kế hoạch hòa bình dành riêng cho Israel » đã cho dư luận thấy có điều gì không ổn. Kế hoạch hòa bình Israel-Palestin nhưng lại chỉ được chuẩn bị soạn thảo với một trong hai bên tranh chấp, với lợi thế chủ yếu dành cho Israel, nước từ trước đến nay vẫn ỷ vào sức mạnh để lấn át người Palestin. Xã luận Le Figaro gọi đó là « nền hòa bình đơn phương ». Nội dung của kế hoạch khập khễnh không tính đến các yếu tố lịch sử, thực tế. Để đổi lại được công nhận là Nhà nước độc lập, Palestin sẽ phải chịu thiệt thòi về lãnh thổ, đất đai đã bị Israel chiếm đóng từ trước, đặc biệt là thành phố thánh Jerusalem sẽ là thủ đô chính thức của Israel.
Kế hoạch ngay lập tức đã bị người Palestin bác bỏ vì nó chỉ xác nhận lập trường thân Israel của chính quyền Trump. Xung đột Israel – Palestin không thể chấm dứt được bằng một kế hoạch gọi là hòa bình áp đặt từ một phía.

Mỹ : Tình tiết mới trong vụ xử phế truất tổng thống

Nhiều tờ báo quan tâm đến tình tiết mới phát hiện liên quan đến phiên xử phế truất tổng thống đang diễn ra tại Thượng Viện Mỹ.
Trong lúc phiên xử phế truất tổng thống đang dành cho phần bào chữa thì trong một cuốn sách, được nhật báo Mỹ New York Times số ra hôm 26/01 tiết lộ một phần, cựu cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, bị ông Trump sa thải hồi tháng 9/2019, đã có những cáo giác tổng thống trong vụ Ukraina. Trong cuốn sách ông Bolton khẳng định có việc ông Donald Trump dùng khoản viện trợ quân sự cho Ukraina để mặc cả với việc đề nghị Kiev mở điều tra các vụ việc liên quan đến đối thủ Joe Biden. Cựu cố vấn An ninh của Nhà Trắng khẳng định đã từng cùng các quan chức như ngoại trưởng Mike Pompeo, bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper phản đối quyết định này của tổng thống Trump.
Đây sẽ là nhân chứng quan trọng mà đảng Dân Chủ đang rất cần đưa ra trước phiên tòa nhưng Thượng Viện từ chối ngay từ đầu. Các báo đều có chung phân tích là sự xuất hiện tình tiết mới này không chắc làm thay đổi cục diện phiên xử nhưng sẽ làm khó cho các luật sư biện hộ cho tổng thống trong những ngày tới và ít nhiều làm lung lay sự đồng lòng ủng hộ của các thượng nghị sĩ Cộng Hòa với tổng thống Trump.

Nghiện màn hình nguy hại cho trí tuệ trẻ

Cuối cùng xin được đến với mục sự kiện của nhật báo Libération với thói quen gây không ít nguy hại đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đó là chứng nghiện màn hình.
Libération dành 5 trang báo đề đề cập đến hiện tượng xã hội đang trở thành vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ nhỏ. Tờ báo cho biết : « Một nghiên cứu mới được công bố hôm 29/01 này đã chỉ rõ những nguy hiểm của hiện tượng phổ biến hiện nay là để trẻ em cứ dán mắt vào màn ảnh của máy thu hình, điện thoại thông minh, máy tính bảng. Điều này cho thất các bậc phụ huynh không được thông tin đầy đủ. »
Các chuyên gia đều nhất trí cần phải tránh xa trẻ nhỏ khỏi các loại màn hình. Các nhà tâm lý học khẳng định một đứa trẻ ra đời bắt buộc cần phải có những giao tiếp tương tác con người, trước tiên là với cha mẹ. Thay thế mối quan hệ đó bằng các màn hình sẽ làm phát triển về tinh thần, trí tuệ của trẻ bị chậm lại.

Tin tổng hợp

(Bloomberg) – Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ có « ý đồ xấu » trên Biển Đông.
Một phát ngôn viên quân đội Trung Quốc tố cáo việc Hoa Kỳ điều chiến hạm USS Montgomery đi qua Đá Chữ Thập hôm 25/1, ngay trong dịp Tết cổ truyền là hành động với « ý đồ xấu », « cố tình khiêu khích » ; đồng thời tái khẳng định « chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc tại Biển Đông và các đảo ». Hôm nay phát ngôn viên Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ tuyên bố bất kỳ tàu nào, quân sự hay dân sự, đều có thể « đi qua vô hại ».
 (AFP) - Ngoại trưởng Mỹ đến Luân Đôn sau vụ Hoa Vi.
Vào lúc còn hai ngày nữa là đến Brexit, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay 29/01/2020 đến Luân Đôn để cố gắng làm dịu bớt các bất đồng với đồng minh truyền thống, đặc biệt là việc Anh quốc bật đèn xanh cho Hoa Vi (Huawei) tham gia mạng lưới 5G, bất chấp mọi cảnh báo của Hoa Kỳ. Ông Pompeo sẽ « tái khẳng định mối quan hệ đặc biệt Anh-Mỹ », đồng thời « thảo luận về cách thức mở rộng và đào sâu quan hệ thương mại » sau khi Anh chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu ngày 31/1.
(AFP) – Modi : Ấn Độ có thể đánh bại Pakistan trong 10 ngày. 
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay 29/01/2020 khẳng định với năng lực quân sự hiện nay, Ân có thể đánh bại Pakistan trong không đầy 10 ngày nếu xảy ra xung đột vũ trang. Ông nhấn mạnh Pakistan đã ba lần thua cuộc, và cáo buộc Islamabad tiến hành « chiến tranh ủy nhiệm » qua việc ủng hộ các nhóm nổi dậy ở vùng Cachemir thuộc Ấn. Thủ tướng Modi đang chịu áp lực với các cuộc biểu tình liên miên phản đối luật quốc tịch, và nền kinh tế của đất nước 1,3 tỉ người đang chậm lại.
(AFP) - Môi trường : Nhật khảo sát hạt nhựa ô nhiễm duyên hải
Một kế hoạch đại quy mô do giới khoa học Nhật Bản và quốc tế (Tara Oceance) sẽ tiến hành trong hai năm để khảo sát nạn ô nhiễm hạt nhựa trong vùng duyên hải của nước Nhật, một trong những quốc gia tiêu thụ plastic hàng đầu thế giới. Kể từ tháng 04, các trạm hải dương học sẽ lấy mẫu nước biển để đo lường hệ quả của hạt nhựa tác hại như thế nào cho môi trường thiên nhiên và để cổ động ý thức công luận. Quỹ Tara Oceance, với con tàu buồm Tara vừa hoàn tất một chương trình khảo sát song ngòi ở châu Âu. 100% mẫu nước đều có chứa hạt nhựa kể cả trên thượng nguồn các dòng sông chảy qua Luân Đôn và Hamburg.
(AFP) - Khủng bố : Nga cố chận tin báo động giả làm an ninh điên đầu.
Từ hôm nay, chính quyền Nga phong tỏa công cụ loan tải thông điệp mã hóa Protonmail để ngăn chận tin báo động giả làm xáo trộn các cơ quan an ninh. Protonmail, cơ sở đặt tại Thụy Sĩ, bị cảnh sát viễn thông Nga ngăn cấm vì đưa các thông điệp báo động giả nhất là trong tháng 01/2020. Một tuần trước, Starmail.com, một công cụ khác chuyển tải thông điệp mã hóa bị chận, sau khi gửi hàng ngàn báo động đặt bom trên 16 vùng của liên bang làm FSB phải sơ tán hàng ngàn người. Chỉ riêng ở Matxcơva, hơn 16.000 người phải di tản hôm thứ Hai vừa qua sau khi một loạt trường học, nhà thương, tòa án và Metro nhận được báo động khủng bố.
(AFP) - Pháp : Lại biểu tình chống cải tổ hưu trí. 
Hôm nay, 29/01/2020, các công đoàn lại tổ chức một ngày đình công biểu tình toàn quốc lần thứ tám chống dự án cải tổ hệ thống hưu trí. Tuy nhiên, phong trào đình công đang gần như chấm dứt trong các phương tiện giao thông công cộng, kể cả tại Paris. Giao thông của hệ thống metro và xe lửa vùng Paris hôm nay gần như bình thường. Dự luật cải tổ hệ thống hưu trí đã được hội đồng chính phủ Pháp thông qua hôm thứ Sáu tuần trước và sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc Hội kể từ ngày 17/02.

Điểm tin thế giới 29/1:
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (29/1) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:
Phát hiện ca viêm phổi Vũ Hán đầu tiên ở Trung Đông
AFP cho biết, các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) hôm nay thông báo phát hiện ca viêm phổi do virus corona, đánh dấu ca nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán đầu tiên được xác nhận tại khu vực Trung Đông.
“Bộ Y tế và Dự phòng UAE thông báo ca nhiễm virus corona mới từ các thành viên trong một gia đình đến từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc”, hãng thông tấn nhà nước WAM của UAE hôm nay đưa tin, nhưng không tiết lộ có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh.
Bộ Y tế và Dự phòng cho biết thêm, tình trạng sức khỏe của những người bệnh hiện ổn định và đang được theo dõi. Bộ cũng cho biết họ đã thực hiện “tất cả biện pháp phòng ngừa cần thiết” theo các tiêu chuẩn được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Trung Quốc từ chối cho chuyên gia Mỹ tới Vũ Hán
Mail Online cho biết, Mỹ ba lần đề nghị Trung Quốc cho phép nhóm chuyên gia y tế tới Vũ Hán tìm hiểu về dịch viêm phổi nhưng đều bị từ chối.
Sau 2 lần chính quyền Tổng thống Trump đề xuất trực tiếp với Trung Quốc về việc gửi nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tới thành phố Vũ Hán, Washington tiếp tục đưa ra đề xuất gián tiếp thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhưng vẫn không được Bắc Kinh chấp thuận.
“Chúng tôi hối thúc Trung Quốc hợp tác hơn và minh bạch là bước đi quan trọng nhất để hướng tới biện pháp ứng phó hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Azar nói trong cuộc họp báo tại Washington hôm 28/1. Ông đề nghị Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về dịch bệnh ở nước này vì giới chức y tế trên thế giới cần hợp lực để ngăn chặn dịch bùng phát nghiêm trọng hơn.
Đến phiên hỏi đáp cuối cuộc họp báo, một phóng viên nói với ông Azar rằng WHO vừa thông báo việc Trung Quốc cho phép các chuyên gia quốc tế tới nước này hỗ trợ đối phó dịch viêm phổi, nhưng không rõ các nhân viên y tế Mỹ có được tham gia hay không.
Ông Azar đáp ông không nhận được thông tin đó trước khi tổ chức họp báo và không biết gì về quyết định mới của phía Trung Quốc. “Nhưng nếu đúng như vậy, đó là tin tốt lành và tôi cho rằng các nhân viên CDC sẽ tham gia vào nỗ lực này”.
Đan Mạch từ chối xin lỗi Trung Quốc vì tranh biếm họa virus corona
The Telegraph đưa tin, nhật báo Jyllands-Posten của Đan Mạch từ chối xin lỗi Trung Quốc vì in hình lá cờ Trung Quốc trong đó các ngôi sao bị thay bằng những virus corona – động thái khiến Bắc Kinh tức giận.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói rằng tự do ngôn luận của nước này bao gồm cả tranh biếm họa.
“Chúng tôi có một truyền thống rất, rất mạnh ở Đan Mạch, không chỉ về tự do ngôn luận mà còn về những bức vẽ biếm họa, và chúng tôi vẫn sẽ duy trì chúng trong tương lai”, bà Frederiksen nói. “Đó là một lập trường được biết tới rộng rãi của Đan Mạch và chúng tôi sẽ không thay đổi điều đó”.
Hôm 28/1, Tổng biên tập của tờ Jyllands-Posten, ông Jacob Nybroe phát biểu: “Chúng tôi không thể xin lỗi đối với điều chúng tôi không thấy sai. Chúng tôi không có ý định hạ thấp hay chế nhạo, chúng tôi cũng không nghĩ bức vẽ đó có ý nghĩa như vậy”. Ông nói thêm: “Theo những gì tôi thấy, vấn đề ở đây chỉ là về cách thông hiểu văn hóa khác biệt”.
Ấn Độ sắp dùng công nghệ nhận diện ở ga tàu
Reuters hôm 28/1 đưa tin, giới chức Ấn Độ sẽ sử dụng công nghệ nhận diện để truy quét tội phạm trên hệ thống đường sắt, gây lo ngại về quyền riêng tư nếu không có luật nghiêm ngặt.
Một quan chức Ấn Độ cho biết, hầu hết các ga đường sắt lớn tại nước này sẽ được áp dụng công nghệ nhận diện vào cuối năm nay.
Hệ thống này đang được thử nghiệm tại trung tâm công nghệ Bengaluru thông qua trí tuệ nhân tạo (AI). Khoảng 500.000 gương mặt được quét mỗi ngày và khớp với các gương mặt được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát về các tội phạm.
Kế hoạch dùng công nghệ nhận diện cũng sẽ được áp dụng trên tàu. Các camera giám sát được lắp đặt ở 1.200 trong số 58.000 toa. Nhà chức trách cũng thử nghiệm cảm biến để phát hiện âm thanh, từ các cuộc tranh luận đến tiếng thét.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?