Đọc báo Pháp – 30/01/2020

Đọc báo Pháp – 30/01/2020

Virus corona: Các hãng hàng không “né” Trung Quốc

Thanh Phương
Virus corona vẫn là cụm từ chiếm trang nhất nhật báo Kinh tế Les Echos, với hàng tựa lớn: ” Mối lo ngại của một nước Trung Quốc tự cô lập”. Tờ báo quan tâm đến việc nhiều hãng hàng không như British Airways và Lufthansa  đã tạm ngưng các chuyến bay đến Trung Quốc do nguy cơ dịch bệnh. Air France thì chưa hủy toàn bộ các chuyến bay đến Trung Quốc, nhưng thi hành các biện pháp ngăn ngừa, như tạm ngưng ba chuyến bay hàng tuần đến Vũ Hán và giảm bớt các chuyến bay đến Bắc Kinh và Thượng Hải. Theo Les Echos, kể từ nay không thể loại trừ hiệu ứng domino đối với các hãng hàng không khác của châu Âu.
Tại châu Á, một số hãng hàng không cũng đã đình chỉ hoặc giảm bớt các chuyến bay đến Trung Quốc. Tai Mỹ, chính quyền Donald Trump đang nghiên cứu khả năng này. Trước mắt, họ chỉ khuyên công dân Mỹ nên tránh đến Trung Quốc trong lúc này. Nhưng không cần đợi chỉ thị chính thức, United Airlines đã hủy nhiều chuyến bay đến Trung Quốc.
Hiện giờ, chưa có số liệu nào từ các hãng hàng không, nhưng chỉ riêng việc chính quyền Bắc Kinh cấm các chuyến đi ra nước ngoài và ngược lại, nhiều du khách hoặc nhà doanh nghiệp đã hủy các chuyến đi Trung Quốc chắc chắc có ảnh hưởng đến tỷ lệ lấp đầy số ghế trên máy bay. Les Echos lưu ý là nếu máy bay chỉ chở phân nữa khách thì mức thiệt hại đối với các hãng hàng không sẽ tăng vọt. Ấy là chưa kể phi công và chiêu đãi viên của các hãng này rất có thể sẽ từ chối làm việc trên các chuyến bay đến Trung Quốc.
Hồi hương công dân ngoại quốc từ Vũ Hán: Bắc Kinh “thọc gậy bánh xe”
Tờ Le Figaro thì chú ý đến thái độ khó chịu của Bắc Kinh khi thấy nhiều nước, trong đó có Pháp, hồi hương các công dân của mình từ Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc là cản trở việc hồi hương những người này.
Tờ báo cho biết việc hồi hương các công dân Pháp ban đầu được thông báo là sẽ được thực hiện giữa tuần này, nhưng đến ngày mai, thứ sáu, mới có chuyến bay đầu tiên đáp xuống nước Pháp, chở theo khoảng 200 người. Theo Le Figaro, việc dời đi dời lại chuyến bay nói trên là do tính chất phức tạp về mặt hầu cần và y tế của việc này. Nhưng khó khăn này trước hết là về mặt ngoại giao và cho thấy có sự đôi co trong hậu trường. Một nhà ngoại giao của một nước châu Âu cho biết là đă có sự cản trở từ phía Trung Quốc. Nhưng trước thái độ kiên quyết của các nước có liên quan, cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới cuối cùng không chống lại việc di tản công dân nước ngoài. Tuy vậy, trên thực tế họ vẫn “thọc gậy bánh xe”. Theo một nguồn tin ngoại giao, Pháp cũng như Đức phải khó nhọc lắm mới được cấp giấy phép đáp xuống Vũ Hán. Bắc Kinh còn gây khó dễ cho những người muốn rời khỏi Vũ Hán bằng những đòi hỏi quan liêu giấy tờ.
Theo Le Figaro, các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc không muốn cho di tản công dân nước ngoài vì họ sợ mất mặt với quốc tế, sợ bị xem là không có đủ khả năng đối phó với khủng hoảng này.
Virus corona và tự do báo chí
Cũng về virus corona, tờ Libération đề cập đến khía cạnh tự do báo chí, nhân việc một tờ báo Đan Mạch khiến Bắc Kinh giận dữ vì đã đăng một bức biếm họa về dịch bệnh này.
Trong số báo ra ngày 27/01, tờ Jyllands-Posten đăng một bức biếm họa về virus corona tại Trung Quốc với 5 ngôi sao vàng trên nền đỏ của lá quốc kỳ Trung Quốc được thay thế bằng … 5 con virus! Ngay lập tức, sứ quán Trung Quốc tại Copenhague ra thông cáo cực lực phản đối và yêu cầu ban biên tập tờ báo Đan Mạch, cũng như tác giả bức biếm họa này phải xin lỗi.
Nhưng trả lời tờ Libération, tổng biên tập Jyllands-Posten, Jacob Nybroe nói: “Dứt khoát không có chuyện xin lỗi Trung Quốc. Một mặy, bức vẽ này không có gì đáng chê trách, mà nó chỉ minh họa một cách rất hiệu quả chủ đề mà mọi người đang quan tâm, mà không hề có ý đồ xúc phạm tình cảm của một người nào. Mặt khác, không thể chấp nhận việc Trung Quốc quyết định cái gì được đăng, cái gì không được đăng trên một tờ báo Đan Mạch”.
Theo Libération, hôm 28/01, toàn bộ chính giới Đan Mạch, kể cả nữ thủ tướng Mette Frederiksen, đều ủng hộ nhật báo Jyllands-Posten và kiên quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại nước này.

Kế hoạch hòa bình: Trump “khoán trắng” cho Israel

Kế hoạch hòa bình của tổng thống Mỹ Donald Trump cho Israel và Palestine là đề tài chiếm trang nhất nhật báo Le Monde hôm nay, với hàng tựa « Kế hoạch của Trump khoán trắng cho Israel »
Hôm 28/01/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump đã long trọng công bố một kế hoạch hòa bình đáp ứng toàn bộ các đòi hỏi của Israel và chuẩn y việc sát nhập các lãnh thổ Palestine, bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Kế hoạch này xem Jerusalem là thủ đô « không thể chia cắt » của nhà nước Israel. Một nhà nước Palestine sẽ được thành lập, nhưng mất đi 30% lãnh thổ của năm 1967 và thủ đô của họ sẽ được đặt ở ngoại ô phía đông Jerusalem.
Trong bài xã luận, tờ Le Monde ghi nhận, đúng là kế hoạch này phác thảo khả năng hình thành một nhà nước Palestine, nhưng kèm theo nhiều điều kiện gắt gao đến mức viễn cảnh này trở nên mơ hồ, xa vời như đường chân trời. Tờ báo đặt câu hỏi: Washington lấy quyền gì mà trao cho đàn em của mình chủ quyền trên một lãnh thổ không phải của họ ? Quyền gì, nếu không là quyền của cường quốc có cách hành xử như của một nhà nước côn đồ, giống như đã được thể hiện qua việc Nga sát nhập vùng Crimée năm 2014?
Nhật báo Công Giáo La Croix cũng dành tựa lớn trên trang nhất: « Kế hoạch một chiều » để nói về kế hoạch hòa bình của tổng thống Trump.
Trong bài xã luận, tờ báo này viết : « Kế hoạch này chà đạp lên luật pháp quốc tế khi công nhận rằng các lãnh thổ bị chiếm đoạt bằng vũ lực có thể được trao một cách chính đáng cho kẻ xâm lược. Nếu được đưa ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, chắc chắn nó sẽ bị bác bỏ, bởi vì quốc gia nào cũng ý thức được rằng chấp nhận một việc làm trái luật như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ mà một ngày nào đó sẽ gây bất lợi cho mình. »
Về phần Libération, tờ báo phỏng vấn chuyên gia về Trung Đông Jean-Paul Chagnollaud. Vị chuyên gia này cũng đánh giá rằng kế hoạch của tổng thống Trump bất lợi cho người Palestine. Nhưng trong khi các lãnh đạo Palestine đã bác bỏ kế hoạch này, thì người dân lại không có một thái độ chống đối mạnh mẽ. Ông Jean-Paul Chagnollaud giải thích: ” Người dân Palestien đã quá mệt mõi vì họ  đấu tranh từ bao năm nay mà chẳng đạt kết quả nào đáng kể. Giới trẻ không còn tin vào hiệu quả của hành động chính trị và bây giờ chỉ mưu cầu một tương lai cho cá nhân”. Nhưng theo vị chuyên gia này, người dân Palestine vẫn gắn bó với mảnh đất của họ, với những biểu tượng của họ và với quyền của họ. Cho nên, tình hình có thể thay đổi ngày mai, vì người dân Palestine vẫn giữ thái độ ngoan cường. Họ sẽ không chịu đầu hàng như mục đích của kế hoạch do Trump đề ra.

Anh Quốc mở cửa cho Hoa Vi

Bất chấp các áp lực của Mỹ, Luân Đôn đã bật đèn xanh cho tập đoàn thiết bị viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc vào thị trường Anh Quốc. Đây là một trong những đề tài thu hút sự chú ý của tờ Le Monde.
Như vậy là Luân Đôn đã không làm theo lệnh của Donald Trump đòi Anh Quốc cấm cửa hoàn toàn đối với Hoa Vi, nhưng cũng không lơ là vấn đề an ninh quốc gia. Trong bài xã luận, Le Monde viết : « Trước bài toán nan giải mà tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi đặt ra, giữa một bên là lòng trung thành với đàn anh Hoa Kỳ và bên kia là lợi ích quốc gia, thủ tướng Boris Johnson đã tìm ra phương thuốc : Cho Hoa Vi tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở hạ tầng ít nhạy cảm nhất trong lĩnh vực 5G ».
Theo Le Monde, Hoa Vi đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Và trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington, tổng thống Trump hãy còn xa mới giành được phần thắng. Hoa Vi đã thuyết phục được Ấn Độ và nhiều nước đang trỗi dậy khác, như Brazil và Nam Phi, mở cửa thị trường của họ. Tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc cũng đang đàm phán thuận lợi với Nga và các đồng minh Trung Á của Matxcơva.
Le Monde cho biết nước Úc, vốn nằm trong tầm ngắm của gián điệp Trung Quốc, đã theo gương Mỹ và đã gạt bỏ Hoa Vi, trong khi New Zealand và Canada đang do dự. Châu Âu thì đang bị phân hóa. Trong khi Ba Lan cam kết không « chơi » với Hoa Vi vì lý do an ninh, thì thủ tướng Hungary Viktor Orban muốn rãnh tay thương lượng với tập đoàn Trung Quốc. Để các nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu có thể ra quyết định dễ dàng, hôm 29/01, Bruxelles vừa công bố những khuyến cáo giúp cho các nước này cưỡng lại áp lực của Mỹ, nhưng vẫn không để tác hại đến an ninh quốc gia.

Sinh viên Oxford và nỗi lo Brexit

Ngày 31/01/2020, Anh Quốc chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Trong loạt bài về sự kiện này, tờ Le Monde đề cập đến nỗi lo của các sinh viên đại học danh tiếng Oxford.
Le Monde nhắc lại, cũng như các đại học khác ở Anh Quốc, Oxford được hưởng các khoản tài trợ hào phóng của Liên Hiệp Châu Âu cho các dự án nghiên cứu của trường đại học này. Đến cuối năm 2019, Oxford đã nhận được tổng cộng 56 triệu euro của Hội đồng Nghiên cứu châu Âu. Sau Brexit, nguồn tài chính dồi dào này dĩ nhiên sẽ không còn nữa. Tờ báo đặt câu hỏi : Sau khi Luân Đôn chia tay với Bruxelles, liệu đại học Oxford có sẽ còn thu hút nhiều sinh viên châu Âu như hiện nay? Hiện giờ các sinh viên từ những nước châu Âu khác trả tiền học phí bằng với mức của sinh viên Anh ( khoảng 10 ngàn euro/năm ). Có nguy cơ là chính phủ Anh sẽ bắt các sinh viên đó trả tiền học phí như sinh viên ngoài châu Âu, tức là nhiều hơn gấp đôi.

Pháp : Ứng cử viên tranh đua về môi trường

Tờ Le Figaro hôm nay đưa tựa trên trang nhất về bầu cử hội đồng thành phố tại Pháp vào tháng 3 tới, với các ứng cử viên chức thị trưởng tranh nhau đưa ra các đề nghị về bảo vệ môi trường.
Chẳng hạn như tại Paris, ứng cử viên đảng Cộng Hòa Tiến Bước Benjamin Griveaux đề ra dự án xây một « Central Park » rộng 30 hectare cho thủ đô Pháp, còn ứng cử viên Đảng Xã Hội Anne Hidalgo thì mơ đến một thành phố mà trong đó xe đạp sẽ ngự trị. Những đề nghị như thế đang gây nhiều phản ứng trái chiều, khiến mọi người không chú ý nhiều đến ứng cử viên đảng Xanh ở Paris David Belliard.
Ở các thành phố khác cũng thế, ví dụ như tại Lyon, ứng cử viên của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa Etienne Blanc đề nghị biến thành phố này này « thành phố-vườn lớn nhất châu Âu ».
Le Figaro cho biết, hiện nay, dựa trên kết quả các thăm dò ý định bỏ phiếu rất thuận lợi cho họ, đảng Xanh hy vọng sẽ giành được nhiều thành phố lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 3.

Tin tổng hợp

(Nikkei Asian Review) – Nhật Bản 523 lần chặn máy bay Trung Quốc trong vòng 9 tháng. 
Đây là số vụ mà lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản phải can thiệp từ tháng 04 đến 12/2019 và tăng thêm 9,9%, theo thông tin ngày 29/01/2020 của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Phần lớn các vụ can thiệp diễn ra ở Biển Hoa Đông, trong khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có tranh chấp.
(RFI) – Liên Hiệp Châu Phi họp về khủng hoảng Libya. 
Cuộc họp lần thứ 8 về Libya của Hội Đồng Châu Phi được tổ chức tại Brazzaville, thủ đô của Congo, ngày 30/01/2020 và do tổng thống Congo Denis Sassou-Nguesso chủ trì. Liên Hiệp Châu Phi muốn đóng một vai trò trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Libya do nhận thấy Liên Hiệp Quốc vẫn loay hoay tìm giải pháp thỏa đáng và tình hình ngày càng nghiệm trọng ở Libya. Trước đó, Nga, Đức và Algérie đã tổ chức các cuộc họp tương tự về Libya.
(Reuters) – Nhật Bản phát thêm ba lệnh bắt trong vụ Carlos Ghosn bỏ trốn. 
Ngày 30/01/2020, Viện công tố Tokyo đã phát ba lệnh bắt đối với ba người, trong đó có một cựu thành viên của đặc nhiệm Mỹ, ông Michael Taylor, bị nghi ngờ đã giúp cựu chủ tịch liên doanh Renault-Nissan trốn khỏi Nhật Bản, trong khi ông Ghosn đang được tại ngoại điều tra.
(AFP) – Lần đầu tiên từ 22 năm qua, Boeing bị lỗ. 
Theo báo cáo mới nhất được công bố ngày 29/01/2020, nhà sản xuất máy bay của Mỹ đã mất ròng 636 triệu đô la trong năm 2019, lý do là loại máy bay Boeing 737 MAX không hoạt động từ ngày 13/03/2019 sau hai tai nạn khiến 346 người chết. Năm 2018, lãi ròng của Boeing là 10,5 tỉ đô la.
(US Navy & Bloomberg) - Hải quân Mỹ công bố hình ảnh tuần tra Đá Chữ Thập.
 Khác với lệ thường,Hải quân Mỹ đã nhanh chóng công bố các hình ảnh về cuộc tuần tra của chiến hạm USS Montgomery gần Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa ngay trong ngày đầu năm mới. Hôm qua 29/01/2020 đại úy Hải quân Joe Keiley phát ngôn viên Đệ thất Hạm đội khẳng định có quyền « đi qua vô hại » trên Biển Đông, sau khi Trung Quốc cáo buộc phía Mỹ « khiêu khích », có « ý đồ xấu », « muốn làm bá chủ trên biển ».
(AFP) - Quân đội Israel tăng cường tại Cisjordanie sau khi Mỹ đưa ra kế hoạch Trung Đông. 
Quân đội Israel từ tối qua 29/01/2020 đã tăng cường sự hiện diện tại Cisjordanie và gần dải Gaza, sau khi loan báo của Mỹ về kế hoạch hòa bình Trung Đông được hoan nghênh tại Israel nhưng bị chống đối kịch liệt tại lãnh thổ Palestine. Một quả rốc-kết được bắn sang từ dải Gaza ngay sau thông báo, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra. Chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas chờ đợi cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong 15 ngày nữa để lên tiếng đòi bác bỏ kế hoạch.
(AFP) -Erdogan tố cáo Nga không tôn trọng thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ. 
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua 29/01/2020 tố cáo Matxcơva không tôn trọng thỏa thuận liên quan đến miền tây bắc Syria, nơi đang bị phi cơ Nga và Syria liên tục oanh tạc. Trong khi đó Liên Hiệp Quốc than phiền các xe tải chở thuốc men cứu trợ cho các thường dân ở đông bắc Syria bị chận lại tại Irak, trong bối cảnh Matxcơva và Bắc Kinh ngăn trở Hội Đồng Bảo An tiếp tục cho phép việc đưa hàng viện trợ nhân đạo qua biên giới.
(RFI) - Mỹ : Thử nghiệm cho bầu cử bằng smartphone. 
Tại Hoa Kỳ, công dân sẽ được bỏ phiếu bằng điện thoại thông minh trong cuộc bầu cử địa phương ở Seattle, vốn có tỉ lệ cử tri đi bầu rất thấp, có khi chỉ 1%. Biện pháp này nhằm khuyến khích cử tri tham gia, được quỹ liên bang và một số quỹ tư nhân tài trợ.
(AFP) - Việt Nam : Năm người bị bắn chết vì một vụ đánh bạc. 
Hôm nay 30/01/2020 thêm một nạn nhân bị bắn chết tại Củ Chi, vụ này được cho là có cùng thủ phạm với vụ bốn người bị sát hại tại một sòng bạc hôm qua. Theo báo chí trong nước, nghi can là cảnh sát, đã thua sạch tiền nhưng không được cho « làm cái » trong ván bài cuối, đã tức giận nổ súng vào chiếu bạc, sau đó cướp xe chạy trốn. Hàng trăm cảnh sát cơ động đang vây bắt, và bộ Công An đã đồng ý cho tiêu diệt nếu nghi can chống đối.
(AsiaTimes) – Việt Nam đặt mua chiến đấu cơ của Nga, trị giá hợp đồng 350 triệu đô la. 
Tờ báo kinh tế Nga Vedomosti ngày 29/01/2020 nhắc lại, Nga hiện là nguồn cung cấp vũ khí lớn nhất của Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á. Hợp đồng nói trên đã được ký kết từ năm 2019 và theo thỏa thuận Việt Nam mua vào 12 chiến đấu cơ loại Yak-130 của Nga. Thời điểm giao hàng không được công bố.
(AFP) – Pháp : Liên hoan truyện tranh tổ chức tại thành phố Angoulême lần thứ 47 khai mạc.
Từ ngày 30/01 đến 02/02/2020 thành phố Angoulême, miền tây nước Pháp là điểm hội tụ của giới mê thích truyện tranh.Trước giờ khai mạc ban tổ chức trao giải thưởng đặc biệt vinh danh sự nghiệp của họa sĩ Emmanuel Guibert. Ông là tác giả loạt truyện tranh mang tên La guerre d’Alan, lấy nguồn cảm hứng từ một người bạn Mỹ nhiều lần vào sinh ra tử trên chiến trường. Năm 2019, giải thưởng lớn của ban giám khảo festival truyện tranh Angoulême đã được trao tặng cho nữ họa sĩ Nhật Bản Rumiko Takahashi. Bà là một gương mặt nổi bật trong thế giới manga với những tác phẩm như Ranma hay Ngôi nhà của Ikkoku.

Điểm tin chiều 30/1:

Số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu

tăng lên gần 8.000; WHO triệu tập ủy ban khẩn cấp

vì viêm phổi Vũ Hán

Quý Khải
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (30/1) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu tăng lên gần 8.000
Số trường hợp nhiễm virus corona mới (2019-nCoV) tại Trung Quốc đã tăng lên 7.771 tính đến sáng hôm nay, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn cầu lên ít nhất 7.892, gần bằng tổng ca mắc phải Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) hồi năm 2002, theo SCMP.
Số người tử vong vì nhiễm chủng virus họ corona đã tăng lên 170 người, tất cả đều ở Trung Quốc.
Virus corona được cho là bắt nguồn từ một chợ động vật hoang dã ở TP Vũ Hán hồi tháng trước. Dịch bệnh đã xuất hiện ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
WHO triệu tập ủy ban khẩn cấp vì viêm phổi Vũ Hán
Tổ chức Y tế Thế giới cho hay sẽ triệu tập ủy ban khẩn cấp sau cuộc họp kín hôm nay, trước diễn biến của viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.
“Trong vài ngày qua, virus corona có những biến chuyển đặc biệt ở một số quốc gia, nhất là lây truyền từ người sang người, khiến chúng tôi lo lắng”, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày hôm nay.
“Mặc dù số người nhiễm bệnh ở ngoài Trung Quốc vẫn còn tương đối nhỏ, chúng có khả năng bùng phát lớn hơn rất nhiều”, ông Ghebreyesus nhận định.
Nhiều ca nhiễm virus corona mới tại Nhật, Singapore dù không có triệu chứng
Giới chức y tế Nhật Bản xác nhận 3 người được sơ tán từ Vũ Hán nhiễm virus corona mới, trong đó 2 người không hề có triệu chứng gì, theo Japan Today.
Bộ Y tế Nhật Bản ngày hôm nay cho biết có 3 người trong số 206 hành khách trên chuyến bay từ Vũ Hán về Tokyo ngày hôm qua bị nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca tại Nhật lên 11 người.
Trong 3 người này có một người đàn ông khoảng 50 tuổi bị đau cổ họng và sau đó phát sốt, được xét nghiệm dương tính với virus corona mới.
Hai người còn lại gồm 1 nam, 1 nữ không hề có triệu chứng nhưng vẫn dương tính với loại virus nguy hiểm. Theo đài NHK, đây là 2 trong số những trường hợp dương tính với virus corona mới đầu tiên ngoài Trung Quốc không có triệu chứng.

Ấn Độ xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona

Ấn Độ hôm nay xác nhận một nữ bệnh nhân ở phía Nam bang Kerala dương tính với virus corona mới. Reuters cho hay, đây là trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở quốc gia này.
Chính phủ Ấn Độ hôm nay thông báo, nữ bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona là một sinh viên của trường Đại học Vũ Hán, Trung Quốc. Hiện bệnh nhân này đã được cách ly và điều trị tại bệnh viện.

Trung Quốc gây áp lực với Tổ chức Y tế Thế giới

Sau hai ngày họp và sau nhiều cuộc tranh cãi gay gắt, ngày 22/01/2020, các thành viên ủy ban khẩn cấp của Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn bị chia rẽ trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng ở cấp độ quốc tế liên quan dịch viêm phổi do virus corona mới.
Sau khi họp thêm một ngày, ủy ban này cũng không thống nhất được ý kiến. Theo nhận định của tờ Le Monde, dường như những tính toán về chính trị đã lấn át các lập luận khoa học, bởi vì Trung Quốc dứt khoát không muốn WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Theo một người nắm rành về hồ sơ này, được Le Monde trích dẫn, không phải là chính quyền Bắc Kinh xem nhẹ tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh, bằng chứng là họ đã thi hành những biện pháp rất nghiêm ngặt theo lệnh của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc không còn là một nước thế giới thứ ba nữa, mà nước này hoàn toàn có đủ khả năng để tự mình đối phó với khủng hoảng y tế, khác với lúc xảy ra dịch SARS. Một trong những điểm khác so với thời dịch SARS: lần này Trung Quốc đã công bố rộng rãi cho thế giới những dữ liệu mà họ nắm được từ con virus corona mới.
Một lý do khác khiến Bắc Kinh không muốn WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đó là vì họ sợ làm như vậy sẽ gây tác hại cho trao đổi mậu dịch và cho giao thông, điều mà Trung Quốc và các đồng minh của họ muốn tránh.
Trung Quốc công bố 3 loại thuốc trị virus corona mới gây viêm phổi Vũ Hán
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã tìm ra 3 loại thuốc hiện hữu có tác dụng ức chế khá tốt đối với virus corona mới ở cấp độ tế bào.
Tờ Hồ Bắc Nhật báo ngày hôm nay đưa tin các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra 3 loại thuốc chống virus corona mới gây viêm phổi Trung Quốc khá hiệu quả là Remdesivir, Chloroquine và Ritonavir.
Theo tờ Hồ Bắc Nhật báo, các nhà khoa học Trung Quốc hiện đang xúc tiến các thủ tục liên quan để giới hữu trách chấp thuận cho sử dụng lâm sàng đối với 3 loại thuốc Remdesivir, Chloroquine và Ritonavir.

Mỹ làm vắc-xin ngừa virus corona mới

theo kiểu vắc-xin Ebola

Viện nghiên cứu bệnh nhiễm quốc gia Mỹ thông báo đã bắt đầu phát triển vắc-xin ngừa virus 2019-nCoV. Dự kiến mất ba tháng để bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, theo CNBC.
Hôm 28/1 (giờ địa phương), tại cuộc họp báo ở Washington (Mỹ), tiến sĩ Anthony Fauci – giám đốc Viện Nghiên cứu bệnh nhiễm quốc gia – thông báo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Y tế quốc gia (NIH) và Tập đoàn dược phẩm Johnson & Johnson đã bắt đầu phát triển vắc-xin ngừa virus corona mới gây bệnh viêm phổi cấp.
Công tác phát triển vắc-xin được thực hiện với sự cộng tác của Công ty công nghệ sinh học Moderna (có trụ sở tại Cambridge, bang Massachusetts) đồng thời được tổ chức hợp tác công – tư Liên minh Vì đổi mới về chuẩn bị dịch tài trợ.
Ông Trump ký thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Canada
Tổng thống Trump đã ký ban hành thành luật Hiệp định thương mại Mỹ – Mexico – Canada (USMCA) trước sự chứng kiến của hơn 400 quan khách bên ngoài Nhà Trắng, tuyên bố “tương lai huy hoàng” cho nông dân, công nhân và nhà sản xuất Mỹ.
USMCA được xem là phiên bản mới của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – thứ mà ông Trump mô tả là “cơn ác mộng” trong buổi lễ ngày 29/1 ở Nhà Trắng.
“Ngày hôm nay, chúng ta đã chính thức chấm dứt cơn ác mộng NAFTA. USMCA sẽ là hiệp định thương mại lớn, công bằng, cân bằng và hiện đại nhất từ trước tới nay”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump nhấn mạnh.
Hiệp định thương mại tự do mới về cơ bản không thay đổi dòng chảy thương mại hơn 1,2 ngàn tỉ USD giữa ba nước. Điểm mới của nó là những điều luật cứng rắn hơn về người lao động, ngành sản xuất ôtô – những điều ông Trump tin rằng sẽ đem lại công bằng, việc làm và sự giàu có cho người Mỹ.

Đường hầm ma túy xuyên biên giới Mỹ – Mexico

Đặc vụ liên bang Mỹ phát hiện đường hầm 1.300 m, tuyến buôn lậu ma túy ngầm dài nhất từng được phát hiện ở biên giới với Mexico, theo CNN.
Sau nhiều năm điều tra, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) phát hiện đường hầm bắt đầu ở thành phố Tijuana, Mexico, đào xuyên biên giới dẫn đến thành phố San Diego, bang California của Mỹ . Đường hầm sâu hơn 20 mét dưới lòng đất, cao hơn 1,6 mét và rộng 60 cm, theo tuyên bố hôm qua của CBP.
Đường hầm được trang bị hệ thống thông gió, bơm nước, đường dây điện, một đường ray rộng và hệ thống xe kéo, thậm chí cả thang máy ở hai lối vào.
Với chiều dài 1.300 mét , đường hầm này xô đổ kỷ lục “đường hầm ma túy xuyên biên giới Mỹ – Mexico dài nhất” bị phát hiện ở San Diego vào năm 2014 có chiều dài gần một km.

Lũ lụt càn quét Brazil, giết chết 64 người

Trong nhiều ngày, mưa lớn đã liên tục trút xuống phía đông nam Brazil, gây ra lũ lụt trên diện rộng, những trận lở đất khiến cho hàng chục người chết và hàng ngàn người trở thành vô gia cư.
Mưa lớn dẫn đến lũ lụt đã kéo dài nhiều ngày ở Brazil. Những hình ảnh về trận lũ lụt kinh hoàng đã được đăng tải. Nhiều đoạn video cho thấy các đường phố bị nhấn chìm giữa biển nước, dòng nước chảy xiết thậm chí còn cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó, bao gồm cả ô tô.
Theo dữ liệu mới nhất, lũ lụt và lở đất mạnh ở Brazil đã cướp đi sinh mạng của 64 người, 65 người khác bị thương, ít nhất 19 người được báo cáo mất tích và khoảng 60.000 người khác đã buộc phải sơ tán khỏi khu vực.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?