Ông chủ thật sự của đất đai Việt Nam là ai?


Đoàn Vương Thanh

ap_20110823080104630Trong dịp “được” tham gia ý kiến đóng góp vào Hiến pháp sửa đổi nói chung và Luật đất đai nói riêng, nhiều người dân đã lên tiếng. Lần này, dân lên tiếng góp ý vào Hiến pháp cũng như Luật đất đai sửa đổi thể hiện giác ngộ chính trị của dân ta khá cao, đồng thời cũng nói lên Hiến pháp và Luật của nước ta còn nhiều bất cập. Đã phát động người dân góp ý, nói như ông Phan Trung Lý là “không có vùng cấm”. Nếu có cấm kỵ thì, trước hết, người góp ý không biết rõ “vùng nào là vùng cấm” lỡ sa chân vào vùng cấm có làm sao không, hai là góp ý mà còn đặt ra vùng cấm thì còn kêu gọi góp ý làm gì. Góp ý dù có rộng rãi đến đâu, có “trái chiều” “nghịch nhĩ” đến đâu thì làm người “cầm cân nảy mực” vẫn phải hết sức bình tĩnh, lắng nghe, và nhất là biết phân biệt phải trái, phân biệt cái đã lạc hậu, cái phù hợp với tiến triển của thời đại, mà tiếp thu những “tinh hoa”, sáng kiến, do tâm huyết góp ý mang lại.
Ở đây, chúng tôi chỉ có mấy ý kiến nhỏ trong việc góp ý xây dưng Luật đất đai (sửa đổi), vì luật này từ khi ra đời chưa thấy giúp ích nhiều cho quản lý, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, có lợi nguồn tài nguyên đất đai của Tổ quốc, mà hầu như chỉ sinh ra những hệ lụy, có khi dẫn đến mâu thuẫn “đối kháng” giữa chính quyền (và các công cụ của
chính quyền) với nhân dân, đặc biệt là người được giao quyền sử dụng đất, chủ yếu là ở nông thôn đồng bằng, trung du và miền núi. Điểm qua
một vài nét khái quát để thấy, luật đất đai những năm qua chưa phát huy mặt tích cực mà lại nảy sinh nhiều tiêu cực, dẫn đến nhưng điều đáng buồn lẽ ra không thể có trong chế độ mới tươi đẹp của chúng ta mới phải.
Đất nước Việt Nam ta qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tổ tiên, ông cha ta đã không ngừng mở rộng bờ cõi, thống nhất giang sơn, chiến đấu máu xương để gìn giữ từng tấc đất ông cha để lại. Quốc gia là nước nhà. Quốc gia cũng là đất nước. Đất và nước là thiêng liêng. Có đất nước mới có quốc gia và các dân tộc sống nghìn đời trên mảnh
đất quốc gia ấy phải là người làm chủ đất đai, sông ngòi, vùng trời, vùng biển thuộc lãnh thổ, lãnh hải của mình, bất khả xâm phạm. Đất nước Việt nam từng là “miếng mồi” béo bở làm mờ mắt bao nhiêu loại xâm lược từ bên ngoài. Phải đổi bằng xương máu nhiều thế hệ người Việt Nam mới có được đất đai cho Tổ quốc. Những người thừa hưởng gia tài đất đai ông cha để lại càng ngày càng có trách nhiệm sử dụng, quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá và phong phú này phục vụ xây dựng đất nước ngày càng giầu đẹp văn minh.
Những điều tôi nói đây học sinh tiểu học của tac bây giờ cũng hiểu. Tuy nhiên, qua 68 năm có chế độ mới, nghĩa là có Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, việc quản lý, sử dụng, phát huy tiềm năng đất đai của chúng ta vẫn chưa thật tốt. Từ đất đai vẫn sinh ra nhiều chuyện phức tạp, mà các nhà lãnh đạo tầm vĩ mô chưa có cách hữu hiệu nhất để quản
lý, sử dụng tốt đất đai. Điểm lại, thời gian qua, trên nhiều mặt, chính sách về đất đai còn nhiều khe hở, còn nhiều bất cập, để ngay bản thân người trong nước, vẫn lợi dụng để làm lợi cho nhóm lợi ích, gia đình và cá nhân, thậm chí vì lợi ích nào đó, một số người còn đang tâm bán rẻ đất đai cho người nước ngoài, thu về những món lợi kêch sù cho
nhóm lợi ích và cá nhân gia đình họ. Một loạt cán bộ, đảng viên có chức có quyền từ cơ sở trở lên đã làm giầu bất chính từ đất đai mà ta gọi là “tham nhũng” đất đai. Bên cạnh đó một bộ phận dân nghèo, chủ yếu là nông dân nghèo không có đất, bị mất đất, mất đi nguồn tư liệu đặc biệt để sinh ra của cải vật chất nuôi sông bản thân và gia đình, đồng thời góp phần nuôi sống cả xã hội.
Trước hết, nhìn vào nguồn tài nguyên rừng và đất rừng, khoảng hai ba thập kỷ qua, nghĩa là từ khi có luật đầu tiên về đất đai, về cơ bản chúng ta đã “hoàn thành việc phá rừng”, tài nguyên rừng không những bị cạn kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, môi sinh, nguồn nước, sinh ra lũ lụt ở nhiều vùng rộng lớn. Trong “chiến dịch” phá rừng, như nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, có cả sự tiếp tay của “kiểm lâm nhân dân” tức là sự tiếp tay của người bảo vệ rừng. Nhiều khu rừng “đặc dung”, rừng đầu nguồn, vườn sinh thái quốc gia, rừng phòng hộ…đã bị tán phá không thương tiếc. Hậu quả của nó, không phải ai cũng lường được. Chỗ này chỗ kia, ta nói do “lâm tặc” tức là
“giặc phá rừng” phá, nhưng nếu không có “lâm tặc” sẽ hạn chế việc dùng các loại gỗ tốt cực tốt để đóng đồ trang bị cho nhiều cơ quan, đơn vị, nhà giầu, và “đại gia”. Thậm chí có một nguyên chủ tịch tỉnh xây dựng một khu biệt thự trị gia hàng trăm triệu bằng các loiaj gỗ quý đắt tiền. Chưa nói đến số tiền ông ta lấy đâu ra, nếu không phải là tham
nhũng, mà chỉ nói đến số lượng gỗ quý ông dùng cho khu biệt thự của ông cũng phải “phá” không biết bao nhiêu khu rừng đặc dụng rồi ! Trồng rừng thì kết quả ít, nhưng phá rừng thì vô kể. Những cây gỗ có tuổi thọ mấy chục năm đến hàng trăm năm, bị chặt hạ và…Vậy thì ai là chủ rừng, ai là chủ đất rừng, ai có quyền bảo vệ và ai có quyền phá rừng.
Có một người cộng sản Liên Xô cũ nói rằng, phá một công trình chỉ cần mấy cân thuốc nổ, nhưng xây dựng một công trình, ví dụ như đạp thủy điện “Quy-bi-sép” chẳng hạn phải mất nhiều năm…Suy cho cùng là do chính sách quản lý rừng của chúng ta còn lỏng lẻo, luật pháp còn có nhiều khe hở…
Chúng ta sau thống nhất nước nhà, có gần 4 triệu ha đất trồng lúa ở cả hai miền Nam Bắc với nhiều khu đồng bằng phì nhiêu ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng ven biển miền Trung và các cánh đồng “lý tưởng” ở Điện Biên, đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Những cánh đồng lúa bạt ngàn, phì nhiêu này là nguồn tài nguyên, tư liệu sản xuất đặc biệt mà ông cha ta đã có công xây dựng hàng nghìn năm mới có được, để lại cho chúng ta tiếp tục bồi bổ và khai thác chủ yếu đưa vào trông lúa. Lịch sử cây lúa nước ở Việt Nam đã có trên 2000 năm. Người Việt Nam chủ yếu sống bằng lúa gạo. Vậy mà chỉ trong vong hai thập kỷ, do buông lỏng quản lý, do sơ hở của luật đất đai. do lợi dụng, tham nhũng, chúng ta đã biến khoảng gần một triệu ha đất mầu mỡ “bờ xôi ruộng mật ấy” thành những mặt bằng dùng vào việc khác như xây dựng công nghiệp, dịch vụ, trong khi chúng ta vẫn có thể tận dụng nhiều khu đất trống đồi trọc chưa sinh lợi bao nhiêu đưa vào làm mặt bằng công nghiệp và dịch vụ, dành đất trồng lúa trả lại cho người trồng lúa, có lẽ tốt hơn rất nhiều. Tóm lại, làm ăn của chúng ta hiện nay vẫn là cái anh “bóc ngắn cắn dài” chú trọng đến cái lợi trước măt, chưa tính chuyện lâu dài một cách khoa học. Xã chúng tôi ở đồng bằng Bắc Bộ, có 450 ha đất lúa, năm làm hai vụ, chí ít cũng thu 40.000 tấn thóc. Đùng một cái có chủ trương “chuyển nhượng” (vì là sở hữu toàn dân) 400 ha cho các khu công nghiệp và dịch vụ (nhờ đó, một số đông cán bộ ăn theo giầu lên trông thấy, nổi bật là cán bộ địa chính và chủ tịch xã, hiện có tiền tỷ). Lúc đầu, các doanh nghiệp vào đầu tư, mở mang một số ngành nghề, thu hút một lực lượng lao động đáng kể vào làm việc. Nhưng dần dần, có đất rồi, họ thi nhau “bỏ của chạy lấy người” sản xuất đình đốn, sa thải công nhân, ruộng đất không thể trả lại nông dân mà có trả lại nông dân thì bà con cũng “bó tay.com“. Có hai doanh nghiệp, một
của trong nước, một của nước ngoài vào chiếm dụng 200 ha đất lúa, nhưng 7 năm rồi chưa thấy họ làm gì cho ra của cải vật chất, vẫn rào kín “nội được xuất nhưng ngoại bất nhập” ! Vậy ai làm chu những khu đất rộng lớn này ? Ai làm thiệt hại hàng trăm nghìn tấn thóc nếu vẫn trong tay nông dân. Có nơi “quy hoạch” 500 ha đất trồng lúa màu, chủ yếu trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, hàng năm thu ít nhất 100 triệu đồng/sào Bắc Bộ 360 mét vuông. Nay đưa vào “xây dưng khu đô
thị sinh thái” gần 10 năm rồi vẫn chỉ có mấy cái nhà “chọc trời” bỏ không, bán chưa có ai mua, gọi nước ngoài đổi bằng đô la chưa ai đến. Dân bức xúc quá, đấu tranh, đấu tranh thì bị “cưỡng chế”. Nguyên nhân cũng là do cái luật đất đai quy định quyền sở hữu mà ra cả.
Bây giờ nói đến những ông chủ thật sự của đất đai là những ai. Trong lịch sử nước ta cũng như trên nhiều nước, người ta cũng có luật đất đai, cũng đưa quản lý khai thác đất đai vào Hiến pháp của họ, nhưng theo hướng đất đai “đa sở hữu”, nghĩa là phân biệt rất rõ rành rành mạch đất nào thuộc phạm vị quốc gia quản lý, đất nào là đất quốc phong, đất công ích xã hội do ai quản lý sử dung, đất nào thuộc tổ chức kinh tế, do “ông bà chủ nào” quản lý và đất nào thuộc từng gia đình, từng cá nhân quản lý. Trong khi chúng ta có thể thừa nhận kinh tế thị trường đã thành phần, thì tại sạo đất đai để sinh lời, để sản xuất và phục vụ đời sống thì lại chỉ có một ông chủ duy nhất là Nhà
nước quản lý ? Mấy chục năm qua, toàn dân là chủ sở hữu đất đai quốc gia, Nhà nước là chủ đại diện, tức là quyền sở hứu thuộc về Nhà nước, nhưng bao nhiêu hệ lụy bao nhiêu tiêu cực đã xảy ra, liệu “ông chủ” Nhà nước có giải quyết được triệt để không? Trong nông nghiệp chủ yếu là ở miền Bắc, một thời gian khoảng ba thập kỷ, đất canh tác của nông dân đưa vào “tập thể hóa” toàn bộ, ngay cả ao chuôm, cũng “tập thể hóa 100%. Kết quả, ruộng canh tác “cha chung không ai khóc”, đất không được bồi bổ, năng suất cây trông èo ẹt, ngay người sản xuất ra lúa gạo mà bị đe dọa đói kém. Khi “đổi mới” chúng ta thực hiện triệt để khoán 100 và khoán 10 trả quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân, nay có thể kéo dài 50 – 100 năm (trước đây alf 20 năm), nông dân có thể tận dụng mọi khả nắng ẵn có về lao động, vật tư, trang thiết bị và ứng dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất cây trồng, chủ yếu là lúa. Nông dân đặc biệt phấn khởi yên tâm đầu tư sản xấu, đã cứu nền nông nghiệp nước nhà từ chỗ thiếu ăn đến chỗ có thừa lương thực mỗi năm xuất khẩu 7 – 7,5 triệu tấn gạo, đứng thứ nhất thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo, chưa nói các loại nông sản khác từ đất. Giá như nông dân được thừa nhận “quyền sở hữu đất đai” thì họ còn có thể giành được nhiều hiệu quả sản xuất cao hơn nữa. Đối với nông dân Việt Nam, không nên lo lắng nhiều họ sẽ trở thành “tư bản” cả đâu. Trong thực tế, vì ta có nhiều sơ hở và chính sách chưa phù hợp trong quản lý, sử dụng đất đai nên mấy thập kỷ qua đã xuất hiện nhiều “ông chủ” mà nước ngoài gọi là “tư
bản đỏ”. Nói đâu xa cho khó tìm, ngay bên cạnh nhà tôi ở, một ông giám đốc “Sở” cấp tỉnh không rõ moi đâu lắm tiền về mua tất cả các mảnh đất quanh nhà bố ông ta với giá bao nhiêu cũng được để xây dựng “một khu tư dinh” rộng gấp 10-15 lần tiêu chuẩn sử dụng đất thổ cư ở nông thôn. Một ông Phó chủ tịch xã hiện quản lý 4 mẫu Bắc Bộ đất làm vườn ao và chưa thật sự sinh lợi nhiều, nghiễm nhiên ông ấy là “chủ nhân của mảnh đất rộng gần 1500 mét vuông. Một ông nông dân có quan hệ anh em với
cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã, bống nhiên được mua 1,8 mẫu Bắc Bộ đất “thùng vũng” đổ nền bán từng xuất 400 triệu đông/xuất làm nhà ở, kể cả bán cho người Hà Nội về làm “Trại Đa-vít” Nhiều cán bộ chủ chốt của xã hiện có từ 3 xuất đến 10 xuất đất, có thời giá lên 1 tỷ đồng một xuất. Vậy ai là chủ sở hữu thật sự những mảnh đất ấy ? Nhà nước (cấp xã hay tư nhân)? Ai có tiền, về xã tôi mua đất dễ ợt. Một gia đình có cha “đi nhầm dép” phía bên kia hồi kháng chiến, nay cháu được “xã” giao một cái ao nghe nói rộng 7 sào Bắc Bộ, đổ cát lấp và cắt nhỏ bán 400 – 500 triệu đồng một xuất. Nếu ông ta không là chủ thì tại sao lại có quyền bán đất lấy tiền bỏ vào túi riêng ?
Còn 1001 chuyện cho, nhượng, bán đất ở quê tôi, tiếc rằng “trung ương thì ở xa, quan nha thì ở gần”, có luật để mà có luật chứ cái nạn “trên bảo dưới không nghe” đang tiếp tay cho tham nhúng, nhất là tham nhũng đất đai, mà không biết Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng hiện nay do đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban và “Tông tham mưu” Nguyễn Bá Thanh kè kè bên cạnh, liệu có thấu hiểu được “quân gia” của các vị ở cơ sở làm gì không. Chắc chăn khi các vị cho quân cán về điều tra thì chỉ vài ba chiếc phong bí là mọi chuyên êm xuôi, lại đâu vào đấy cả !
Tôi có một đề nghị đầy tâm huyết như thế này: trước khi làm một cái luật mới về bất kỳ lĩnh vực nào hoặc sửa đổi một số điều không còn phù hợp thì Quốc hội, Ban thường vụ quốc hội nên cử cán bộ và nằm sát với dân hỏi ý kiến dân xem nên sửa như thế nào, xây dựng luật như thế nào cho phù hợp chứ các vị cứ ngồi ở tháp ngà mà xây dựng luật và ra chính sách thì chưa tò ra lai phải thụt vào, chỉ làm khổ dân mà thôi như một số quy đinh về “phạt xe không chính chủ” về “phạt người đội mũ bào hiểm rởm”,,,Đất nước Việt Nam là của người Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ thì mọi mặt, mọi lĩnh vực kể cả đất đai cũng phải có chủ một cách rõ ràng minh bạc. Tại sao ta là cộng sản mà “sợ” nhiều thứ thế, vì “sơ” nhiều nên không tự do báo chí, không công khai minh bạch. Tất nhiên có nhiều thứ phải “bí mật” những nhiều thứ liên quan đến đời sông hằng ngày của dân thì cứ úp úp mở mở, hết sợ cái này đến sợ cái khác, trong khi Đảng còn cầm quyền, quyền tối cao vẫn là của Đảng…
Tác giả gửi Quê choa
(Bài viết thể hiện quan niệm riêng của tác giả)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?