Sự thiếu kiên nhẫn ở Việt Nam


Jonathan London –

Dân Luận: Xin giới thiệu tới độc giả Dân Luận đánh giá của giáo sư Jonathan London về những biến động chính trị gần đây ở Việt Nam. Chúng tôi đồng ý với quan điểm của giáo sư rằng nên đánh giá kết quả của những biến động này không phải ở chỗ bản Hiến Pháp cuối cùng sẽ được thay đổi ra sao, mà ở chỗ nó đã tạo được sự quan tâm của dư luận như thế nào. Việc nhiều công dân thuộc nhiều tầng lớp đã dũng cảm cất tiếng nói công khai phản đối hệ thống chính trị độc đoán, tham nhũng và thiếu trách nhiệm giải trình cho thấy người dân đã không còn kiên nhẫn được nữa. Những chữ ký khởi đầu này sẽ là động lực để nhiều người hơn nữa hết sợ hãi và “bước ra khỏi hầm trú ẩn của mình” (@Huy Đức).
Hanoi-Hands.jpg
Chắc chắn rằng chủ đích ban đầu của nhà cầm quyền không phải là để đón nhận một cơn mưa rào những lời chỉ trích về hệ thống chính trị một cách tự do của người dân. Nhưng chiến dịch khởi động bởi Đảng CSVN nhằm tăng cường tính chính danh của mình thông qua việc tham khảo ý kiến công chúng về việc sửa đổi hiến pháp đã hóa thành một đợt tổng tấn công chưa từng có vào nguyên tắc cai trị độc đảng. Trong 2 tuần vừa qua, hàng ngàn người Việt Nam đã thẳng thắn nói không với thể chế độc đảng. Điều đáng chú ý là cơn bùng nổ chính trị này có nền tảng rộng khắp và bao gồm nhiều nhân vật có mối quan hệ lâu dài với hệ thống chính quyền và Đảng CSVN. Trong 90 năm tồn tại của mình, Đảng CSVN chưa từng đối mặt với thử thách nào lớn như ngày hôm nay.
Cơn bão ngày hôm nay có nguồn gốc từ cuối năm ngoái, khi mà các lãnh đạo quốc gia, bị suy yếu bởi nhiều tiếng nói bất tín nhiệm từ dân chúng, đã tuyên bố lấy ý kiến của công chúng trong 3 tháng về việc sửa đổi bản hiến pháp năm 1992. Ban đầu, chiến dịch này được chào đón bằng sự im lặng, thể hiện suy nghĩ thất vọng của người Việt Nam trước những vị lãnh đạo hiện tại của quốc gia, những người đã bị tê liệt bởi nhiều nguyên nhân như chủ nghĩa bè phái, tham nhũng, không có trình độ và bảo thủ. Điều này, cộng với cách mà nhà cầm quyền trừng phạt những tiếng nói bất đồng chính kiến chính trị, đã làm nhiều người suy đoán rằng, sẽ chẳng có gì mới mẻ trong cuộc lấy ý kiến lần này, sẽ chẳng có những thách thức chính trị công khai nào. Nhưng điều mới mẻ đã diễn ra. Chỉ trong vòng cuối tháng trước, người Việt Nam ở nhiều tầng lớp khác nhau đã tìm thấy tiếng nói chính trị của mình, và đã sử dụng web, đài phát thanh, và truyền đơn để tạo nên một cơn bão tự do ngôn luận chưa từng có trong lịch sử cận đại. Họ đã truyền cảm hứng cho nhau. Và họ đã xuất hiện một cách công khai.
Chuyện đó xảy ra như thế nào? Câu chuyện xuất phát từ một bản kiến nghị do một nhóm nhỏ các trí thức có quan hệ lâu dài và mật thiết với chính quyền và Đảng CSVN. ‘Kiến nghị 72’, bản kiến nghị được đặt tên bằng con số người ký đầu tiên, yêu cầu bãi bỏ điều 4 trong Hiến pháp, trong đó quy định sự lãnh đạo toàn diện của Đảng CSVN, và trực tiếp phản đối nguyên tắc cai trị độc đảng, và quân đội phải trung thành với một đảng chính trị. Trong những điểm đáng chú ý khác, bản kiến nghị cũng đòi hỏi quy định quyền sở hữu và một nền pháp trị rõ ràng hơn, và xóa bỏ lời nói đầu của Hiến Pháp, trong đó ca ngợi sự tồn tại của Đảng CSVN là hợ lý và không thể thiếu. Quan trọng hơn, bản kiến nghị này đã gây xúc động trong quần chúng, và nhanh chóng thu hút được hàng trăm chữ ký từ nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam, cả trong và ngoài nước.
Trong khi các trí thức và những người ủng hộ họ làm cho nước trong nồi sôi sùng sục, thì chính một nhà báo trẻ và ít được biết đến trước đó lại làm nắp nồi bật tung ra. Ở đây chúng ta nói đến hành động dũng cảm của một celebrity chính trị mới nổi, Nguyễn Đắc Kiên, một nhà báo cho tờ Gia Đình và Xã Hội. Sau khi nghe xong buổi phát hình trong đó Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng cuộc thảo luận sửa đổi hiến pháp đã bộc lộ ra những suy thoái về đạo đức và tư tưởng, Kiên đã đưa lên mạng lời phê phán trực tiếp Tổng bí thư và kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng. Bài viết này đã phát tán với tốc độ khủng khiếp. Kiên mất chỗ làm việc của mình. Anh gần như nắm chắc trong tay một sự trừng phạt nào đó. Nhưng anh cũng trở thành anh hùng. Và việc anh trở nên nổi tiếng được theo sau bằng một Lời kêu gọi trực tuyến đòi thành lập quốc hội lập hiến, và lời kêu gọi này cũng đã thu hút được sự ủng hộ của người Việt từ khắp mọi miền đất nước và trên thế giới. Điều đáng chú ý là rất nhiều người ký lời kêu gọi đã nêu rõ tên, nghề nghiệp và địa chỉ nhà riêng.
Nhiều người nghi ngờ và cho rằng những sự kiện gần đây ở Việt Nam cuối cùng cũng chẳng đưa tới một sửa đổi Hiến Pháp nào đáng kể. Thế nhưng quá trình thay đổi chính trị ở Việt Nam, cũng như ở bất kỳ một quốc gia độc tài nào khác, là rất khó tiên đoán trước, bởi vì những người sống trong xã hội đó che dấu cảm xúc thật sự của mình. Điều đáng nói của những sự kiện gần đây không phải ở chỗ nó sẽ dẫn đến những cải cách ngay lập tức, điều mà rất khó có thể xảy ra, mà ở chỗ nó đã tác động như thế nào tới phong cảnh chính trị ở đất nước này. Liệu những sự kiện này có phải là tín hiệu cho sự xuất hiện của một phong trào lớn, có nền tảng rộng, đòi hỏi cải cách chính trị, mà sẽ thu hút nhiều tầng lớp xã hội Việt Nam từ bên ngoài cũng như từ bên trong Đảng? Thời gian sẽ cho chúng ta biết. Trong mấy ngày vừa qua, Đảng CSVN và chính quyền đã liên tiếp tung ra những đòn để hạ uy tín của những người ký tên, biến họ thành những thành phần thù địch. Trong lúc đó, chúng ta không thể nói trước được điều gì.
Người dân Việt Nam mong ước một chính quyền có năng lực, có trách nhiệm. Ấy thế nhưng trong lịch sử chưa từng có một phong trào theo hướng này được khởi phát từ trên xuống. Mặc dù khó có thể tiên đoán được tình hình, cá nhân tôi thấy rằng Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới của lịch sử chính trị của mình, nhờ có sự tham gia đông đảo và đa dạng của những công dân mới tìm thấy giọng nói của mình. Người Việt Nam là những người yêu nước. Họ khắc khoải tìm kiếm con đường để tạo ra một chính quyền hiệu quả và có trách nhiệm hơn, trong bối cảnh những lãnh đạo thiếu tầm nhìn và tham lam đang khiến họ ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn với tình trạng hiện thời.
Jonathan London là giáo sư tại Khoa Nghiên Cứu Châu Á và Quốc Tế, và là thành viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á tại trường Đại Học Hồng Kông.
************************************
Entry này được tự động gửi lên từ Dân Luận, một số đường liên kết và hình ảnh có thể sai lệch. Mời độc giả ghé thăm Dân Luận để xem bài viết hoàn chỉnh. Dân Luận có thể bị chặn tường lửa ở Việt Nam, xin đọc hướng dẫn cách vượt tường lửa tại đây hoặc ở đây hoặc ở đây.
Dân Luận có các blog dự phòng trên WordPressBlogspot, mời độc giả truy cập trong trường hợp trang Danluan.org gặp trục trặc… Xin liên lạc với banbientap(a-còng)danluan.org để gửi bài viết cho Dân Luận!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?