Tàu Trung Quốc bắn cháy tàu cá Việt Nam


Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2013-03-24

000_Hkg7832039-305.jpg
Ngư dân Lý Sơn đang chuẩn bị tàu cá ra khơi.
AFP photo


Sau một thời gian im ắng tàu Trung Quốc lại bắn trực tiếp vào một tàu cá Việt Nam khi chiếc tàu này đánh bắt cá trong vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn với anh Phạm Quang Thạnh, thuyền trưởng chiếc tàu nạn nhân này khi nó vừa cặp bến đảo Lý Sơn.
Phạm Quang Thạnh: Tên em là Phạm Quang Thạnh sinh năm 1980, thuyền trưởng của phương tiện tàu anh Bùi Văn Phải, số tàu là 96382, công suất máy là 105 CV. Bây giờ em trình bày chuyến đi vừa rồi.
Tụi em xuất bến vào ngày 28 tháng 2, em đi đến đảo Hoàng Sa ngay Gò Đá Lồi, em neo tại đó để tránh gió. Ngày 13 thì em đã đến vị trí làm ở đảo Lin Côn tọa độ là 16-32 phút 112-36 độ kinh đông.
Mặc Lâm: Anh vui lòng cho biết tàu Trung Quốc xuất hiện vào lúc nào và khi ấy thì anh và các thuyền viên đang làm gì?
Phạm Quang Thạnh: Sáng ngày 13 trong lúc anh em đang lặn thì em phát hiện có hai chiếc tàu của Trung Quốc màu trắng. Tàu của Trung Quốc mang biển số là 262 và 263 áp sát vào em để đuổi em. Tàu này màu trắng nhưng thủy thủ mặc đồng phục màu xanh biển và có cầu vai, mũ bằng. Em suy nghĩ là tàu cảnh sát biển.
Hai tàu nầy áp sát vào tàu em, mỗi tàu kẹp một bên để đuổi em ra khỏi vùng biên. Em chạy tầm 15 hải lý thì tàu Trung Quốc quay vào. Chiều ngày hôm đó em quay lại vị trí cũ để làm tiếp tục cho tới ngày 20 thì tụi em gặp một chiếc tàu Trung Quốc khác mang số hiệu 786.
Mặc Lâm: Chiếc tàu này xuất hiện khi tàu của mình đang tác nghiệp hay đang trên đường tìm chỗ để đánh cá?
Phạm Quang Thạnh: Dạ dạ không anh, khi phát hiện ra nó thì tụi này ở đàng xa đã bỏ chạy rồi. Sau đó cỡ tầm 30 tới 40 phút sau thì nó đã đến sát tàu em. Khi tới sát rồi nhưng nó cũng không ra tín hiệu gì còn mình thì lo chạy phần mình, nó lo kè phần nó. Dí đuổi mãi tới vài mươi phút sau nó đấu đầu tàu em buộc phải quay tàu. Sau khi quay xoay tròn vài vòng bắt đầu em cắt hướng đi để về hướng Đông ra khỏi vùng biên. Nhưng lúc đó nó đứng sát em nó dùng súng bắn thẳng vào tàu em.
Mặc Lâm: Anh có nhận ra là lính Trung Quốc dùng súng gì để bắn vào tàu của mình vậy, đó là loại súng cá nhân hay là loại được gắn vào tàu?
Phạm Quang Thạnh: Dạ đó là súng cá nhân tại vì em thấy những người trên tàu của nó cầm súng ra chĩa vào tàu em để bắn. Lúc đó em đã chạy vào cabin, em nghe bốn tiếng nổ và phát hiện là tàu em đã bị cháy ở cabin, nó bị bốc lửa và cháy. Lúc đó em hô cho tất cả anh em thuyền viên múc nước biển để cứu lửa. Lúc đó lửa nó cháy gần tới bốn bình gas đang nằm ngay trên cabin, em sợ bốn bình gas này phát nổ thì anh em trong tàu không ai sống sót nên em mạo hiểm tính mạng tới ngay cabin để dập tắt ngọn lửa.
Dạ đó là súng cá nhân tại vì em thấy những người trên tàu của nó cầm súng ra chĩa vào tàu em để bắn. Lúc đó em đã chạy vào cabin, em nghe bốn tiếng nổ và phát hiện là tàu em đã bị cháy ở cabin, nó bị bốc lửa và cháy.
Anh Phạm Quang Thạnh
Mặc Lâm: Khi thấy lửa cháy rồi thì nó còn tiếp tục áp sát vào tàu mình hay không hay là bỏ đi?
Phạm Quang Thạnh: Khi ngọn lửa cháy nó đã bỏ đi. Cỡ 30 phút sau thì bọn em mới dập tắt được ngọn lửa. Khi lửa tắt rồi em mới ngó lại thì thấy chiếc tàu đó đã cách xa từ 5 tới 6 hải lý.
Mặc Lâm: Như vậy là coi như nó không hề bước sang tàu mình mặc dù có nguy cơ tàu này sẽ chìm sau khi bị bắn?
Phạm Quang Thạnh: Vâng, nó bỏ đi không có tinh thần để giúp đỡ hay dừng lại để coi thử tàu mình như thế nào có bị chìm hay bị nổ tung… coi như là nó muốn hủy mình rồi bỏ đi vậy.
Mặc Lâm: Trước khi bị bắn anh em trên tàu có thu được nhiều ít gì chưa?
Phạm Quang Thạnh: Dạ chưa, trên tàu chỉ có được mấy chục con ốc, mấy chục con hải sâm vậy thôi chứ chưa có con cá nào trong tàu.
Mặc Lâm: Anh có chắc rằng tàu mình đã nằm đúng vị trí chủ quyền của Việt Nam hay không? Và từ trước giờ anh em có được nhà nước huấn luyện hay chỉ dẫn cách sử dụng hải đồ để xác định mình hành nghề đúng trong vùng chủ quyền của mình hay không?
Phạm Quang Thạnh: Dạ trong hải đồ thì em được biết từ xưa tới nay là chủ quyền của Việt Nam, khu vực đảo Hoàng Sa này hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chủ phương tiện, các nghiệp đoàn nghề cá mỗi lần có cuộc họp gì thì người đầu tàu đứng ra đi họp cho nên em cũng không nghe thông tin đó. Tuy nhiên em có nghe thông tin ra đó làm thì cũng được thôi, và họ có hướng dẫn cho những anh đầu tàu hay chủ phương tiện.
Mặc Lâm: Khi tàu anh về tới địa phương thì chính quyền cũng như các ban ngành liên quan có hay biết và tiếp xúc với anh em chưa?
Phạm Quang Thạnh: Dạ chính quyền đã hay rồi vì khi tụi em về tới đất liền là ngày 22. Em vào thông báo với trạm kiểm soát biên phòng Quảng Ngãi và Đồn Biên phòng 328, và cũng có trình báo qua Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải. Bên trạm Kiểm soát Biên phòng có nhân viên trinh sát xuống để làm việc. Họ gọi anh em vô để lấy lời khai, và đến tại hiện trường để điều tra ,và đồng thời có quay phim chụp ảnh làm việc với bọn em nữa.
Mặc Lâm: Trước tình cảnh khó khăn và tính mạng đang dối diện với chết chóc như vậy anh có định tiếp tục hành nghề nữa hay không?
Phạm Quang Thạnh: Dạ với em thì trong lương tâm của em thì em sẽ có đủ can đảm để làm nghề tiếp vì thứ nhất em là giòng họ Phạm. Trước đây ông Phạm Quang Hành em nghe qua lịch sử thì vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17 ông đã ra ngoài đảo Hoàng Sa để sống ở đó. Bây giờ em là con cháu thì em tiếp tục vẫn ra ngoài đó để làm.
Thứ nhất là chuyện kinh tế, cuộc sống sinh nhai của gia đình. Thứ hai em cũng phải giữ được nguyện vọng của ông bà tổ tiên thiêng linh của dòng họ nhà em. Dù có khó khăn hay sinh mạng sống chết thế nào thì em cũng vẫn tiếp tục. Hiện nay điều kiện không lo nổi kinh phí vì quá nhiều lần bị nó phá phách cho nên thất thu, gia đình chật vật eo hẹp mình không biết vay mượn ở đâu. Nợ nần chồng chất không biết còn điều kiện cho em ra đó nữa hay không…chứ còn nguyện vọng của em thì em vẫn đi mãi mãi!
Mặc Lâm: Xin cám ơn anh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện