Pháp-Việt 'sẽ lập đối tác chiến lược'


Cập nhật: 09:45 GMT - thứ năm, 28 tháng 3, 2013

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hội kiến người tương nhiệm Laurent Fabius.
Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Việt Nam và Pháp bàn việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vốn có quan hệ gần gũi về lịch sử và văn hóa này vào dịp 40 năm ngày Paris và Hà Nội lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã hội kiến người tương nhiệm Laurent Fabius hôm thứ Tư ngày 27/3 trong khuôn khổ chuyến thăm Paris ba ngày bắt đầu từ ngày 26/3.

Hai ngoại trưởng đã ra thông cáo chung sau buổi hội đàm cho biết sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên ‘đối tác chiến lược’ trong năm nay.

Quan tâm đến Biển Đông

Thông tấn xã Việt Nam cho biết hai vị ngoại trưởng đã nhất trí về nội hàm và lộ trình thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong cuộc hội đàm.
Theo đó, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ tập trung vào các nội dung chính trị, quốc phòng-an ninh; kinh tế-thương mại-đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục đại học, khoa học-công nghệ.
Ở châu Âu, hiện Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với Đức và Vương quốc Anh, trong khi quan hệ với Pháp vẫn chưa được nâng lên mức đó mặc dù nước này là nhà đầu tư lớn thứ hai và là nước viện trợ ODA lớn thứ ba ở châu Âu cho Việt Nam.
Pháp hứa sẽ thúc đẩy Liên minh châu Âu sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Về vấn đề Biển Đông, Thông tấn xã Việt Nam cho biết Pháp ‘bày tỏ quan tâm’ đến các tranh chấp trên vùng biển này và khẳng định nước này ủng ‘hòa bình, ổn định, tự do hàng hải’ và ‘giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình tuân thủ luật pháp quốc tế’.

Thăm viếng cấp cao

VN tuyên án tù đối với Việt Kiều Pháp Phạm Minh Hoàng vì tội "âm mưu lật đổ chính quyền'.

Ông Fabius và ông Minh cũng đã bàn bạc để sắp xếp các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo hai nước trong năm nay, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao.
Năm nay cũng đánh dấu tròn 20 năm chuyến thăm Việt Nam lịch sử của cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand vào năm 1993. Khi đó ông Mitterrand đã đến thăm Điện Biên Phủ và tuyên bố ‘mở ra một chương mới’ trong quan hệ giữa hai nước.
Chuyến thăm gần đây nhất của một vị tổng thống Cộng hòa Pháp đến Việt Nam là chuyến thăm của ông Jacques Chirac cách đây gần một thập kỷ.
Cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, người kế nhiệm ông Chirac, trong nhiệm kỳ 5 năm của mình chưa từng đến thăm Việt Nam nhưng lại nhiều lần đi Bắc Kinh do ông đặt ưu tiên mối quan hệ với Trung Quốc.
Các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cũng thường xuyên đến Pháp. Hai đời tổng bí thư liên tiếp là Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh đều đến nước này vào các năm 2000 và 2005.
Ba đời thủ tướng liên tiếp là Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng đều đã viếng thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đã công du Paris vào năm 2002.
Theo thông cáo chung sau cuộc hội đàm của hai vị bộ trưởng mà Bộ Ngoại giao Pháp đăng tải thì hai nước cũng cùng nhau thúc đẩy ‘nhà nước pháp quyền và quyền con người’ trong tinh thần đối thoại giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
Năm 2013 đã được tuyên bố là Năm Pháp tại Việt Nam và năm 2014 sẽ là năm Việt Nam tại Pháp với nhiều hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, thể thao sẽ được tổ chức.
Trong năm Pháp tại Việt Nam, Pháp sẽ tổ chức một phái đoàn hùng hậu gồm hơn 130 doanh nghiệp, phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Pháp đến châu Á trong vòng 5 năm qua, sang Việt Nam dự Diễn đoàn Doanh nghiệp Pháp - Việt, Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier thông báo tại cuộc họp báo cách đây 1 tuần.
Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước lớn trên thế giới với mô hình thể chế và quyền lợi khác nhau, gồm Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và Nam Hàn.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Hà Nội với Washington lại không thể nâng cấp được do những rào cản về nhân quyền.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?