ĐIỂM BÁP PHÁP NGÀY 28/5/2014

Nhật Bản và Hoa Kỳ trong đợt tập trận trên bộ tháng 9/2013 - REUTERS /Kyodo

Nhật Bản và Hoa Kỳ trong đợt tập trận trên bộ tháng 9/2013 - REUTERS /Kyodo

Nhật muốn tăng cường vai trò quân sự trên thế giới

Theo RFI
Lê Phước
Thứ tư 28 Tháng Năm 2014 

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới. Đây là trọng tâm kinh tế thế giới thế kỷ 21. Đây cũng là nơi đang chứng kiến những diễn biến phức tạp làm thay đổi bàn cờ địa chính trị của khu vực. Một trong những nhân tố chính đang góp phần vào sự thay đổi đó là Nhật Bản. Nhật báo Le Monde đăng bài phân tích về chủ đề này với dòng tựa khá ấn tượng : "Nhật Bản muốn có vai trò quân sự trên thế giới".


Tờ báo đặt trọng tâm vào điều 9 trong bản hiến pháp được xem là « hiếu hòa » có hiệu lực tại Nhật Bản từ sau thế chiến thứ hai. Đây là bản hiến pháp được soạn thảo trong giai đoạn Mỹ chiếm đóng Nhật Bản, trong đó quy định rằng nước Nhật sẽ « từ bỏ vĩnh viễn chiến tranh», « từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực », « quyền tham chiến ở nước ngoài của Nhật không được thừa nhận ».
Tiếp đến, tờ báo cho biết, chủ trương hiếu hòa này đang có nguy cơ bị Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe « diễn giải lại » một cách có chủ ý, với mục đích là cho quân đội Nhật Bản được quyền can thiệp nhiều hơn ở nước ngoài.
Tờ báo nhấn mạnh, nếu Quốc hội Nhật Bản thông qua sự thay đổi này, thì một trong những nguyên tắc chỉ đạo chính sách quốc phòng của Nhật Bản từ sau thế chiến thứ hai sẽ bị xóa bỏ. Tờ báo cho biết, các đảng trong chính phủ liên hiệp Nhật Bản đang thảo luận về hồ sơ này.
Theo Le Monde, « chủ nghĩa xét lại » hiến pháp đã xuất hiện ở Nhật Bản từ mấy chục năm nay. Theo hiến pháp, Nhật Bản không được có quân đội, thế nhưng dưới sức ép của Mỹ và viện dẫn vào quyền « tự vệ chính đáng », Nhật Bản đã tái lập lực lượng an ninh dự bị vào năm 1950. Vào năm 1954, Nhật Bản tái lập lực lượng phòng vệ (FAD), và hiện tại đội quân này xếp hàng thứ 6 trên thế giới.
Tờ báo nhắc lại, trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và chiến tranh Việt Nam (1955-1975), Nhật Bản đóng vai trò là hậu cứ của quân đội Mỹ. Sau Chiến Tranh Lạnh, vai trò của FAD không ngừng tăng lên, và đã gửi quân tham gia công tác gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Tờ báo nhận định, mấy chục năm qua, phe bảo thủ tại Nhật Bản đã không ngừng sử dụng có chủ đích những mối đe dọa bên ngoài để làm suy yếu tâm lý chống sửa đổi bản hiến pháp hiếu hòa trong xã hội Nhật Bản.
Trong hiện tại, trở lại trường hợp của chính phủ Shinzo Abe, Le Monde cho rằng, những người theo chủ nghĩa xét lại bản hiến pháp xung quanh ông Abe đang thấy rằng tình hình vô cùng thuận lợi.
Đảng Tự Do Dân Chủ (PLD) hiện chiếm đa số áp đảo tại nghị viện, mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên vẫn thường trực. Căng thẳng gia tăng với Trung Quốc cũng là một thuận lợi cho phe muốn thay đổi hiến pháp tại Nhật Bản. Tờ báo nhấn mạnh, những vụ việc vừa qua trên Biển Đông đã cho thấy rõ ràng rằng « tham vọng bá quyền » của Trung Quốc đang gây quan ngại trong khu vực.
Le Monde nhấn mạnh, Thủ tướng Shinzo Abe ra sức vận động cho việc diễn giải bản hiến pháp trên cơ sở của các mối đe dọa từ bên ngoài và trên nguyên tắc quyền tự vệ chính đáng. Nếu sự diễn giải đó thuyết phục được mọi người, thì sẽ tránh được việc cải cách hiến pháp, mà việc sửa đổi hiến pháp thì cần tổ chức trưng cầu ý dân, mà nếu trưng cầu ý dân thì chưa chắc gì người Nhật chịu sửa đổi hiến pháp.
Tờ báo kết luận : từ việc « từ bỏ quyền tham chiến » đến « quyền tự vệ chính đáng », Nhật Bản đang chuyển dần sang « một chủ nghĩa hiếu hòa chủ động », tức là có thể chủ động tham chiến, nhưng tham chiến trong mục đích gìn giữ hòa bình.

Trung Quốc hành động đơn phương ở Biển Đông

Nhìn sang điểm nóng trên Biển Đông liên quan đến vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhật báo Les Echos đăng bài tường trình của thông tín viên tại Bắc Kinh : « Căng thẳng nghiêm trọng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ».
Tờ báo thuật lại, theo Hà Nội thì tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào hôm thứ Hai rồi. Tờ báo cũng cho biết Tân Hoa Xã thì cáo buộc tàu cá Việt Nam đã tấn công tàu Trung Quốc. Les Echos nhắc lại, vào năm 2007, một ngư dân Việt Nam đã một tàu Trung Quốc bắn chết.
Les Echos nhấn mạnh, căng thẳng hiện tại bắt nguồn từ việc Trung Qu ốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng biển mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền. « Hành động đơn phương » này của Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng chống Trung Quốc dữ dội ở Việt Nam.
Việt Nam đã khẳng định không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Giải pháp này có thể sẽ làm Bắc Kinh nổi đóa bởi vì, theo tờ báo, Bắc Kinh « kiên quyết xem thường tất cả ý kiến bên ngoài » về một hồ sơ mà Bắc Kinh cho là chỉ mang tính song phương.
Philippines đã kiện Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, mà theo Les Echos, là để « ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc » trong tranh chấp lãnh thổ với Philippines trên Biển Đông. Les Echos cũng nhìn sang Biển Hoa Đông và cho biết, cuối tuần rồi, các máy bay tiêm kích của Trung Quốc bay rất thấp trên vùng biển mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp.
Trả lời phỏng vấn trên tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố là Nhật Bản « sẽ không bao giờ chấp nhận việc sử dụng vũ lực và đe dọa để làm thay đổi hiện trạng ». Ông Abe cũng nói trên tờ báo Mỹ rằng Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Mỹ : chính sách ngoại giao Obama bị chỉ trích

Hôm nay, tại học viện quân sự West Point, Tổng thống Obama đọc bài diễn văn quan trọng giải thích chính sách ngoại giao của Mỹ trong thời gian qua và đưa ra những định hướng cho giai đoạn còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Nhận định về chính sách ngoại giao của ông Obama, nhật báo Le Figaro đăng bài : « Đường lối ngoại giao không phương hướng ».
Tờ báo nêu ra một loạt hồ sơ mà trong đó chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama bị chỉ trích. Trong cuộc khủng hoảng Syria, Tổng thống Obama đã đặt giới hạn đỏ cho việc sử dụng vũ khí hóa học. Thế nhưng, khi vũ khí hóa học được sử dụng, chính quyền Obama đã không mạnh tay như đã hứa, trái lại ở phút chót còn thỏa hiệp trong việc chấp nhận hủy kho vũ khí hóa học của chính quyền Assad. Le Figaro cho rằng, vụ việc đã tạo hình ảnh một nước Mỹ đang bị suy yếu trong mắt các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Trong hồ sơ Ai Cập, Mỹ hình như không còn ảnh hưởng trên thực địa khi có thái độ thụ động để mặc quân đội Ai Cập muốn làm gì thì làm.
Khủng hoảng Ukraina cũng cho thấy điểm yếu của chính sách Obama. Trong cuộc đối đầu này, Mỹ chỉ dùng đi dùng lại chiêu bài trừng phạt kinh tế đối với Nga mà rốt cuộc không thể đẩy lùi chủ nghĩa ly khai tại Ukraina. Trong khi đó, theo tờ báo, thì Tổng thống Nga Putin đã đẩy « cuộc chiến tư tưởng » tới giữa trái tim Châu Âu trước sự bất lực của Mỹ.
Tờ báo nhắc lại, hồi năm 2009, Tổng thống Obama đã tăng cường quân lực trên lãnh thổ Afghanistan. Để rồi sau đó nhanh chóng thay đổi lập trường và xúc tiến rút quân về nước đến cuối năm 2014. Trên hồ sơ Libya, Mỹ chỉ tham chiến ở vị trí phụ dưới sức ép của các đồng minh. Bên cạnh đó, chiến dịch sử dụng máy bay không người lái của Mỹ trên chiến trường Pakistan và Yemen cũng không cho kết quả như mong đợi.
Giải thích về thái độ quá « thận trọng » của Tổng thống Obama, Le Figaro dẫn lời các cố vấn của Nhà Trắng cho rằng ông Obama không dám đi quá xa và không dám can thiệp sâu vào các hồ sơ vì sợ lặp lại sai lầm của Mỹ ở Irak.
Le Figaro trích lời của một chuyên gia Mỹ cho rằng, chính sách ngoại giao Obama mang tính thực dụng, nó thay đổi tùy theo tình hình và những trường hợp cụ thể. Chuyên gia này cảnh báo, chính sách đó sẽ khiến cho thế giới nghĩ rằng Mỹ chỉ lo cho lợi ích của riêng mình.
Tóm lược chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama tính đến hiện tại, Le Figaro cho rằng : trước sự leo thang của các cuộc khủng hoảng từ Syria đến Ukraina, từ Ai Cập đến Libya, Nigeria, khu vực Biển Đông, thì siêu cường Mỹ có vẽ giống như một con tàu đang không biết đâu là bến bờ và không rõ đâu là nhiệm vụ.

Trung Quốc : thủ phạm gây ô nhiễm số 1 thế giới

Liên quan đến nhóm 20 nước giàu nhất thế giới (G20), nhật báo Le Figaro có bài khá ấn tượng : « Than đá là nguồn năng lượng số một của các nước G20 ».
Than là loại năng lượng được cho là thải ra nhiều khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính nhất. Thế nhưng, nó lại là loại năng lượng được sử dụng nhiều nhất ở các nước G20. Đó là nội dung của « Bản thống kê năng lượng 2013 » vừa được công bởi Tập đoàn Enerdata của Pháp.
Theo bản thống kê, trong giai đoạn 2000-2013, tiêu thụ năng lượng của nhóm G20 chiếm đến 80% thế giới. Riêng về than, trong giai đoạn này, mức cầu than đá ở các nước G20 đã tăng 66%.
Thủ phạm lớn nhất trong G20 là Trung Quốc. Một mình nước này đã chiếm đến 52% trên tổng số than được tiêu thụ ở các nước G20. Trong khi đó, tiêu thụ than đá của cả khối EU chỉ chiếm có 11%.
Tờ báo cho biết, Trung Quốc dùng than chủ yếu là phục vụ cho các nhà máy điện. Hiện tại, nước này tiêu thụ điện nhiều nhất thế giới. Trong giai đoạn 2012-2013, mức cầu về điện tại Trung Quốc đã tăng 8%, trong khi con số này của cả nhóm G20 chỉ có 2%, còn EU thì lại giảm 1%.

Ukraina : Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Đến với điểm nóng Ukraina, nhật báo Le Monde có bài xã luận nhận định : « Ukraina được củng cố, nhưng vẫn còn ở trong vòng chiến ». Tờ báo cho rằng, tân Tổng thống Porochenko dù đã giành được chiến thắng áp đảo, nhưng sẽ đối mặt với « những nhiệm vụ bất khả thi ». Đó là đất nước đang bị xâu xé bởi các cuộc đối đầu quân sự ở miền đông. Đó là một nền kinh tế èo uột.
Le Monde nhận định, ông Porochenko phải hiểu là muốn giải quyết xung đột ở miền đông, thì chính phủ của ông phải cần hợp tác với Nga. Giải pháp quân sự là không thể. Các tay súng miền đông được Nga ủng hộ, bởi thế nếu không hợp tác với Nga thì không thể ổn định tình hình.
Một hồ sơ khác cũng không kém phần quan trọng, đó là tân chính phủ phải triệt tiêu cho được tệ tham nhũng, vốn đã trở nên thâm căn cố đế và cũng là nguồn gốc gây bất ổn ở Ukraina. Tờ báo nhắc lại, những người biểu tình ở quảng trường Maidan đầu tiên không phải là để ủng hộ việc xích lại gần với Châu Âu, mà là để phản đối « một hệ thống quyền lực dựa trên tham nhũng ».
Về phần mình, nhật báo Libération đặt trọng tâm vào chiến sự tại Donesk với bài phóng sự thuật lại tình hình trên thực địa. Đó là một quang cảnh bất ổn ngự trị, tên bay đạn lạc. Quân đội chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát sân bay Donesk, nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Tờ báo dẫn lời của những tay súng chống chính phủ lên án chiến dịch trấn áp của quân đội chính phủ.
Libération dẫn lời một quan chức thân cận của tân Tổng thống Porochenko nhận định rằng, quân Donesk rất đông, bởi thế mà quân đội của chính phủ Kiev chỉ có thể giành được chiến thắng cục bộ mà thôi, chứ không thể kiểm soát được nhiều nơi trong khu vực. Thêm vào đó, nhiều khu vực biên giới đã bị quân chống chính phủ chiếm đóng.

Thất nghiệp kéo dài đến năm 2019

Trong hồ sơ việc làm, Le Figaro đăng bài có tính cảnh báo : « Thất nghiệp trên thế giới sẽ tiếp tục tăng đến năm 2019 ». Một trong những hồ sơ gây đau đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua là tình trạng thất nghiệp. Dù hiện tại, kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, nhưng tình trạng thất nghiệp sẽ còn kéo dài. Đó là nội dung của bản báo cáo vừa được công bố bởi Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (ILO).
Báo cáo cho hay, trong năm 2013, trên thế giới đã có thêm 4 triệu người thất nghiệp, nâng tổng số người thất nghiệp lên mức 200 triệu người. Các nước có nền kinh tế phát triển có tỷ lệ thất nghiệp cao trung bình 8,5%, con số này ở các nước đang phát triển thì thấp hơn, ở mức 5,4%.
Hiện tại, ở Trung Đông và Bắc Phi, hơn 30% thanh niên không có việc làm. Và hậu quả là sẽ làm gia tăng làn sóng lao động di cư. Tổ chức ILO dự báo, tình trạng thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng ở mức độ nhẹ tới tận năm 2019. Vào năm 2019, số người thất nghiệp trên thế giới có thể ở mức 213 triệu người.
Tổ chức này kêu gọi, bên cạnh việc hỗ trợ các nước nghèo chăm lo giáo dục để nâng cao trình độ và chất lượng lao động, thì tình hình hiện tại đòi hỏi phải có chính sách đa dạng hóa sản phẩm. Bằng không, nền giáo dục chỉ sẽ tạo ra những người thất nghiệp có bằng cấp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện