Phản ứng của văn nghệ sĩ trước Trung Quốc xâm lược

Mặc Lâm

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc tại vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam đang khuấy động toàn bộ xã hội với những ưu tư lo lắng khác nhau. Người dân đang đối diện với một cuộc chiến tranh không cân sức và hệ quả của nó chưa ai có thể lường trước, tuy nhiên điều mà hầu như tất cả người Việt trong và ngoài nước đều cùng một ý với nhau: giàn khoan này lộ rõ dã tâm xâm lược của Trung Quốc đối với lãnh thổ Việt Nam và dã tâm ấy đã xóa sạch những ngụy biện mang tên hữu nghị từ nhiểu chục năm qua, kể cả với những người gắn bó với Trung Quốc mật thiết nhất.

Văn nghệ sĩ là thành phần nhạy cảm nhất khi quốc gia nguy biến. Tuy không cầm súng nhưng nhận định của họ có tầm quan trọng cho những người làm chính sách vì phản ánh tâm trạng, nhận thức cũng như các đối sách hợp lý căn cứ trên lòng dân mà họ nhận được từ xã hội.

Chúng tôi có những cuộc trao đổi ngắn với văn nghệ sĩ để tìm hiểu tâm trạng của từng người trước bức tranh ảm đạm của cuộc chiến có thể khó tránh nhưng kết quả lớn nhất vừa thu được là chiếc mặt nạ hữu nghị đã thực sự rơi xuống, không ai còn bám víu vào để cầu xin một nền hòa bình trong quỳ gối được nữa.

Cần đoàn kết

Bắt đầu câu chuyện xin được chia sẻ với nhạc sĩ Tuấn Khanh, người mới đây đã hòa cùng dòng người biểu tình tại Bình Dương để ghi lại bài phóng sự mang tên “Đi giữa dòng bạo động”. Kinh nghiệm mà anh có từ biến cố này được anh chia sẻ:

“Qua sự kiện bạo loạn ở Bình Dương nó dẫn tới một vài vấn đề. Rõ ràng sự phân hóa của người dân đối với trường hợp Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 thể hiện sự phân hóa về lòng yêu nước rất rõ, chúng ta có thể nhận ra được hai vấn đề. Một, khi người ta xuống đường biểu lộ lòng yêu nước thì lại lo sợ bị chụp mũ là bạo động. Điểu này phân hóa tập trung sức mạnh của lòng yêu nước và nó không nhất quán được.

Tình trạng người dân cầm cờ đỏ sao vàng xuống đường rồi hò hét yêu nước và sau đó là đập phá, bản thân của những người khác người ta thấy sợ hãi và không biết làm sao để phân biệt giữa mình và những kẻ như vậy, đó là lý do vừa rồi ngày 18 tháng 5 rất nhiều người xuống đường đã không cầm cờ đỏ sao vàng nữa, họ không muốn bị đánh đồng với những người như vậy. Điều này dễ dàng tìm thấy trên các video clip hay hình ảnh thực tế.

Điều thứ hai là tâm trạng bài Trung xuất hiện rất nhiều trong nước sau sự kiện Bình Dương dẫn đến chuyện nhiều người chỉ chống sự xâm lược của Trung Quốc chứ họ không bài xích những dân tộc khác cho nên bản thân họ cũng rất hoang mang.

Nói về văn nghệ thì ở Bình Dương có những tụ điểm biểu diễn mà ca sĩ gốc Hoa bị bài bác nặng nề thậm chí các băng rôn bị xé, chẳng hạn như ca sĩ Lương Bích Hữu. Những người bạn của Tuấn Khanh cho biết tình trạng căng thẳng đến mức những người tổ chức chương trình đã vội vã hồi lại những lời mời vì không muốn xảy ra tình trạng đáng tiếc nào.

Những sự phân hóa như vậy nói chung đang diễn ra và tổng kết lại những chuyện ấy thì nó đã làm mất đi sức mạnh tập trung của Việt Nam lúc này trong việc chống ngoại xâm.”

Trong khi đó đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nhìn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc vừa qua như một kết quả tất nhiên từ lòng yêu nước. Tuy nhiên sự khao khát thể hiện quyền được phát biểu của người dân bị đối phó bởi lòng nghi kỵ, sợ hãi của chính quyền cùng với nguội lạnh văn hóa đã nảy sinh bi kịch:

“Tôi thấy trong một giai đoạn dài do bản thân cách ứng xử trong nội bộ có lẽ không thống nhất với nhau trong lãnh đạo về vấn để biểu tình. Biểu tình là phương thức mang thể chế dân chủ. Phương thức này biểu hiện ý chí hay nguyện vọng của người dân mà hiện nay ở ta nó vẫn có những nghi kỵ và đề phòng vì thế cho nên khi biểu tình chống Trung Quốc diễn ra như vừa rồi thì nó có vấy một phần định kiến đấy.

Nhưng thực sự mà nói việc biểu tình như vừa qua để biểu hiện khí tiết dân tộc, sự dũng mãnh của lòng dân khi chủ quyển đất nước bị xâm phạm. Đây là vấn để muôn thuở, cách biểu hiện muôn thuở từ thời xa xưa người ta cũng đã tụ tập nhau lại để phản đối hay ủng hộ những vấn đề gì liên quan đến vận mệnh của đất nước. Thế nhưng bây giờ do nhìn dưới cặp mắt ý thức hệ, nhìn dân chủ hóa theo tính chất đối nghịch hay đối phó nó làm người ta cư xử với biểu tình thiếu hẳn văn hóa yêu nước của những người lãnh đạo do đó người ta vẫn giữ lập trường là dường như sợ có những phản đối chế độ len vào trong các cuộc biểu tình đó cho nên trong cách cư xử nó làm giảm độ hồn nhiên phóng khoáng của hoạt động cả một dân tộc. Nó thoát hẳn những vấn đề cụ thể của một thể chế, một nhóm người hay phe phái, đấy là những đáng tiếc.

Như vừa rồi qua thực tế cho thấy lòng dân rất tốt và sự biểu tình được họ thể hiện rất hồn nhiên từ cội nguồn sâu thẳm trong tâm thức dân tộc chứ không phải là những cuộc biểu tình thuê hay từ sự kích động.
Còn chuyện đập phá các nơi tôi cho là có một thế lực nào đó nó muốn chống phá, bôi bẩn lòng yêu nước của nhân dân chứ không phải do nhân dân họ làm như thế.”

Nhà văn Tạ Duy Anh, người có nhiều bài viết phân tích yếu tố Trung Quốc cho rằng đối với hành động xâm lược của họ thì người Việt tuy lo lắng, mất mát và có thể phải hy sinh nhưng chiến tranh sẽ giúp xóa sạch những ảo tưởng về Trung Quốc:

“Tôi cũng như rất nhiều nhà văn anh em trí thức khác tìm mọi cách thể hiện trách nhiệm trí thức của mình. Chúng tôi sẽ đưa ra những nhận định giống như sự hiến kế may ra các phương kế của mình sẽ được dùng chăng? Cũng là lúc theo tôi giời trí thức phải khích lệ tinh thần dân tộc. Phải đoàn kết, gắn kết lại với nhau trong và ngoài nước. Hiện nay những người quan tâm như tôi khá nhiều và nó phản ảnh một thực tế nữa khi có giặc ngoại xâm thì tất cả vấn đề khác đều gác lại. Những bất đồng, bực tức những nọ những kia… nói chung bây giờ phải giữ được nước, phải giữ được biên giới lãnh thổ.

Nhưng thực chất Trung Quốc hiện nay khi họ hạ giàn khoan cũng đã gặp bế tắt. Họ đã quá chủ quan và quá ngạo mạn. Có lẽ họ không ngờ cái dòng máu Đại Việt hàng nghìn năm nay vẫn chảy nguyên vẹn cho đến tận bây giờ cho nên phản ứng của dân Việt mình nằm ngoài tiên đoán của Trung Quốc.”

Buồn vì vô cảm

Nhà thơ Đỗ Trung Quân, một người không vắng mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xưa nay đã buồn bã thốt lên rằng ông cảm thấy sự dửng dưng vô cảm đang len lỏi trong từng ngõ ngách của xã hội. Không những từ những người trẻ người non dạ mà đang lan tràn cả những người không còn trẻ và nay cả trong bộ máy chính quyền: sự vô cảm đã biến thành đàn áp, sách nhiễu:

“Cá nhân tôi trong mấy năm vừa qua tôi có trạng thái tâm lý như thế này: thoạt đầu là sự bực bội. Khi Trung Quốc bắt đầu tấn công vào tàu ngư dân thì từ bực bội dần dần tới phẫn nộ và hành động đó mỗi ngày ngang nhiên hơn. Thời đó nhà nước còn gọi là tàu lạ nhưng hôm nay thì nhà nước đã gọi thẳng tên là Trung Quốc

Từ những bực bội phẫn nộ đó, thú thật hôm nay tôi đang ở tâm trạng buồn nản. Những người viết lách thông thường được coi là những người nhạy cảm và có lẽ tôi cũng không ngoại lệ. Trạng thái của tôi bây giờ sau khi tham gia những cuộc xuống đường ôn hòa thì luôn luôn nhận được thái độ rất rõ ràng của nhà nước hôm nay nên tôi có cảm giác chán nản. Vận mệnh đất nước hàng triệu người cũng đã thấy rồi, nó ở giai đoạn mà chúng ta lo lắng: mất nước, chiến tranh và chúng ta lo lắng nhiều thứ.

Nhưng điều tôi sợ nhất là những dửng dưng vô cảm. Tôi sợ nhất là đến hôm nào đó mình sẽ rơi vào trạng thái vô cảm với thời cuộc.

Có một hình ảnh như thế này, sau buổi xuống đường hôm trước, trên đường về tôi ghé vô một quán nước, một quán café khá lớn. Mọi việc xung quanh những người bạn trẻ đó cho thấy họ hoàn toàn không quan tâm đến những gì đã diễn ra tại Sài gòn sáng hôm ấy. Họ chơi game, nghe nhạc, vào mạng làm những công việc của mình. Tất nhiên những hình ảnh đó nó trái ngược hình ảnh những người bạn trẻ tôi gặp trong cuộc tuần hành. Như vậy không hẳn ràng những người trẻ hôm nay đã vô cảm hết mặc dù vẫn có những hình ảnh tương phản nhau như thế.

Nói thật, cho đến hôm nay, đến giờ này tôi cảm thấy sự dửng dưng ấy nó lan rộng ra không chỉ trong những người trẻ nữa mà tới cả những người không còn trẻ. Sự chán nản giống như buông xuôi trước tình hình, thái độ rất khó hiểu của nhà nước đối với phản ứng của những người tạm gọi là có thái độ với đất nước trong lúc cần có thái độ.”

Nhà văn Tạ Duy Anh nhìn thấy hình ảnh giàn khoan qua lăng kính tích cực khi chính bản thân Trung Quốc đã tự bôi bẩn hình ảnh của mình cũng như lộ ra chân tướng của một tay trộm đạo:

“Thực ra Trung Quốc đưa giàn khoan xuống là họ đã mất mát rất lớn, Tôi nói vì dụ, từ trước tới nay vùng biển quần đảo Hoàng Sa dứt khoát nó không công nhận là tranh chấp. Mình yêu cầu đàm phán nó bảo không có tranh chấp thì đàm phán làm gì. Vậy tàu Trung Quốc tàu Việt Nam vờn nhau mấy tuần nay ở quần đảo Hoàng Sa, cái được chưa thấy đâu nhưng mà chính Trung Quốc tạo cú hích để cho Việt Nam sắp tới đây phải thay đổi lại cách thức tìm kiếm những người bạn.

Đương nhiên cửa ngõ Việt Nam, vùng an ninh phía nam với Trung Quốc bây giờ sẽ nguy hiểm hơn.
Ba nữa sự bất chính của nó hiện rất rõ bởi vì nếu đấy là vùng biển thật sự của Trung Quốc thì từ mấy hôm nay mấy chục chiếc tàu của Việt Nam đã bị Trung Quốc nó bắt sạch nó mang về cảng Liêu Ninh rồi. Chính bản thân họ cũng biết họ đi ăn cắp, ăn trộm họ cũng làm điều bất chính nên họ không dám mà phải điều đến hàng trăm chiếc tàu ra coi như là khoa trương và cũng sơ hở rất nhiều và khiến cho người Việt coi thường.

Trong vài tuần vừa rồi thực ra nó cũng rèn luyện cho người Việt Nam tâm lý để chuẩn bị đối phó và tâm lý này tôi cho là rất quan trọng nó khiến nhiều ông Việt Nam mở mắt ra về công tác tình báo khi mà tình báo Hoa nam nó đã tràn ngập lãnh thổ.”

Nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo thì nhìn thấy chỉ một con đường duy nhất trong tình hình hiện nay: đánh sập giàn khoan dù có xảy ra chiến tranh. Ông nói:

“Việt Nam hôm nay đã có nguy cơ mất nước bởi vì giặc Tàu nó vào tận cửa nhà mình nó khoan dầu mà mình chưa dám đánh đuổi nó.

Tôi ghĩ rằng trong lúc này cần phải có một người như ông Lê Duẩn. Ông Lê Duẩn là người chống Tàu nhất, ông ấy khẳng định Trung Cộng là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ta. Phải có một ý chí của ông Lê Duẩn trong ban lãnh đạo thi chúng ta mới dám đuổi Tàu đi. Muốn đuổi Tàu đi không thể quỳ gối xin xỏ, không bao giờ. Chỉ có dùng vũ khí đánh tan cái giàn khoan đó thì mới được.

Chiến tranh có thể xảy ra cục bộ nhưng toàn thế giới đứng về phía Việt Nam. Bản thân tôi rất sợ chiến tranh vì tôi đã đi qua chiến tranh rồi tôi không muốn chiến tranh, chiến tranh đau khổ lắm.

Nhưng nếu sợ chiến tranh thì chúng ta phải làm nô lệ cho giặc Tàu thôi. Dân tộc ta với truyển thống thà chết không làm nô lệ. Chúng ta bị Tàu xâm lược và chiếm đóng 1.000 năm và bây giờ nếu thả ngang thì lại rơi vào 1.000 năm tăm tối đã đang và sẽ xảy ra nếu chúng ta không dám đánh sập cái giàn khoan đó. Việc đánh sập giàn khoan của Tàu nó thông báo cho ngàn sau cho con cháu là dứt khoát không dựa vào Trung Hoa. Không bắt tay bắt chân không 4 chữ vàng 16 tốt với chúng nó nữa. 4 tốt 16 chữ vàng đều là lừa đảo.

Các vị lãnh đạo chế độ có yêu nước hay không yêu nước thì cái đáp số ngày hôm nay sẽ giải thích.”

Câu chuyện giàn khoan HD 981 có lẽ còn kéo dài cho tới khi nào phát súng đầu tiên nổ ra mở đầu cho một trang sử mới của Việt Nam đối với kẻ thù phương Bắc. Cuộc chiến tranh nào cũng đau thương mất mát nhưng Việt Nam có lẽ là nước duy nhất trong khu vực dám đương đầu và chiến thắng trước một Trung Quốc bá quyền đầy tham vọng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?