Tổng kết chuyến đi bộ Hà Nội - Sài Gòn tăng tốc chương trình sách hóa nông thôn Việt Nam (từ 19/2 đến 21/6/2015)

Nguyễn Quang Thạch
11953260_10200605233208682_5556283479103423650_n.jpg
(Rất mong mọi người share đến bạn bè của mình ‪#‎SachHoaNongThonVietNam‬ vì 15 triệu trẻ em được nghe sách và đọc sách)
Tôi, Nguyễn Quang Thạch, đã hoàn thành chuyến đi bộ Hà Nội-Sài Gòn với 1.750 km vào ngày 21/6/2015. Mục tiêu của chuyến đi bộ Hà Nội-Sài Gòn là nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay giúp 15.000.000 trẻ em nông thôn Việt Nam được nghe sách và đọc sách ngang bằng trẻ em Hà Nội, Sài Gòn và các nước phát triển. Mặc dù chuyến đi đã kết thúc hơn 2 tháng, nhưng hôm nay tôi mới chia sẻ kết quả, vì tôi chờ ĐO HIỆU ỨNG SAU TRUYỀN THÔNG của chuyến đi, là những người gốc nông thôn liên hệ hỏi cách làm tủ sách cho trường cũ, dòng họ, xứ đạo của chính họ. Tôi xin chia sẻ kết quả chuyến đi như dưới đây.
1. VỀ TRUYỀN THÔNG: Hơn 30 kênh truyền hình, truyền thanh và các tờ báo đã hỗ trợ truyền thông từ đầu, trong và cuối chuyến đi. Ngoài ra, các facebookers trong và ngoài nước đã hỗ trợ truyền thông giúp chuyến đi lan truyền rộng khắp trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. 
2. VỀ TIẾP CẬN SÁCH CỦA CƯ DÂN DỌC QL1A VÀ VÙNG LÂN CẬN: Tôi phỏng vấn tập thể và cá thể trên 3.000 người từ 6 tuổi đến 80 tuổi, chủ yếu là độ tuổi từ 10-40, thì 90% cho biết rằng họ chưa từng mượn sách ở thư viện nhà trường hoặc nhà trường không cho mượn sách đưa về nhà đọc. 38/3.000 biết đến cuốn những tấm lòng cao cả. 20/3.000 biết cuốn Góc sân và khoảng trời. 10/1.000 biết đến cuốn Robinson Cruisoe.
3. VỀ QUAN TÂM CỦA NGƯỜI GỐC NÔNG THÔN: Đến hôm nay (23/8), hơn 150 người gốc nông thôn liên lạc hỏi cách xây dựng tủ sách nông thôn. Con số tôi kỳ vọng là hơn 1.000 người.
4. VỀ VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH: Tôi đã không trao tài liệu của Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp em đến các sở giáo dục như dự kiến vì qua phỏng vấn người cư dân dọc QL1A, tôi thấy rằng việc vận động chính sách ở cấp sở phải được thực hiện theo đúng trình tự ở Thái Bình là xây dựng tủ sách ở một số trường học và khai thác hiệu quả, sau đó sẽ vận động cấp phòng nhân rộng và đề nghị cấp sở ra chủ trương nhân rộng. Qua truyền hình, truyền thanh và các tờ báo, tôi đã vận động chính sách ở cấp Bộ Giáo dục &Đào tạo, Hội Khuyến học…
5. VỀ SỐ TỦ SÁCH ĐƯỢC XÂY DỰNG TRONG CHUYẾN ĐI: 42 tủ sách được xây dựng ở các tỉnh thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai. Song song với xây dựng tủ sách ở các tỉnh, trước và trong hành trình Đi bộ, tôi đã tặng hơn 3.000 bản sách cho những người du xuân, cho học sinh, sinh viên, giáo viên…
6. VỀ HỖ TRỢ TÀI CHÍNH CHO CHUYẾN ĐI: Số tiền ủng hộ cho chuyến đi gồm gửi qua tài khoản, qua Westen Union và tiền mặt trao tay là: 76.000.000 đồng. Báo cáo chi tiêu tài chính chuyến đi sẽ được công bố trong tháng 9/2015. 
7. VỀ CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI ĐỂ XÂY DỰNG TỦ SÁCH CHO NÔNG THÔN: Mặc dầu tôi chưa viết thư kêu gọi 500.000 người Việt chia sẻ trách nhiệm xã hội góp sách cho nông thôn nhưng các cá nhân đã liên lạc đóng góp qua tài khoản, qua Western Union và trao tiền mặt với số 162.500.000 đồng và 800 USD (con số tính đến ngày13/7/2015). Các khoản chi tiêu sẽ được minh bạch qua báo cáo cuối năm 2015. 

ĐÁNH GIÁ VỀ CHUYẾN ĐI

1. VỀ TRUYỀN THÔNG: Sự tham gia truyền thông của VTV, VOV, VTC, RFA, VOA, Báo Pháp luật TP HCM, Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao Động, Thể thao văn hóa… và các facebookers đã giúp chuyến đi được biết đến bởi người Việt trong và ngoài nước. Truyền thông đã ngoài mong đợi.
2. VỀ SỰ TIẾP CẬN SÁCH CỦA CƯ DÂN DỌC QL1: Quốc lộ 1A là con đường huyết mạch của đất nước. Thành phố, thị xã, thị trấn và thị tứ dày đặc. Việc lưu thông dễ dàng, các trường học đã được bê tông hóa. Thế nhưng, hầu hết học sinh vẫn KHÔNG ĐƯỢC MƯỢN SÁCH TỪ THƯ VIỆN ĐƯA VỀ NHÀ và học sinh chỉ đọc vài cuốn sách/năm ngoài sách giáo khoa. Cơ hội tiếp cận sách ngoài sách giáo khoa của các thế hệ trong 40 năm qua đều thấp như nhau. Qua hơn 3.000 người được hỏi dọc quốc lộ, cơ hội tiếp cận sách ngoài sách giáo khoa chỉ đạt 1-2 đầu sách/năm học/người, thấp hơn so với con nhà công chức ở các đô thị khoảng 8-15 lần. Những con số đo được dọc QL1A và từ hơn 20.000 người ở trên 30 tỉnh thành tôi đã phỏng vấn trong 18 năm qua, giúp chúng ta thấy được sự thiếu sách ở nông thôn, và chúng ta cần chung tay hành động vì một nông thôn được thay đổi trong tương lai. 
3. VỀ SỐ NGƯỜI QUAN TÂM ĐƯA SÁCH VỀ NÔNG THÔN: Nước ta có hơn 8.000 xã nông thôn. Tôi kỳ vọng rằng 1.000 người từ 1.000 xã thuộc khu vực đồng bằng và trung du sẽ gọi điện hỏi cách làm tủ sách hoặc đề nghị hỗ trợ sách. Trên thực tế, chỉ khoảng 150 người gọi điện hỏi cách làm. Tuy nhiên, trong 1 tháng qua, đã có một số nhóm ở Nhật và một doanh nghiệp đã liên lạc để tài trợ sách. Nói chung, con số người gốc nông thôn tham khảo cách đưa sách về trường cũ, dòng họ đã thấp hơn mong đợi 7 lần. Như vậy, sự quan tâm của công chức, doanh nhân, quan chức gốc nông thôn trong việc đưa sách về dòng họ, trường cũ còn rất hạn chế mặc dù 8 năm nay Chương trình Sách hóa nông thôn đã truyền thông liên tục về các loại tủ sách mà ai cũng có thể nhân rộng.
4. VỀ VẬN ĐỘNG CHÍNH SÁCH: Do chưa gửi thư đến Bộ Giáo dục & Đào tạo, Hội khuyến học và Giáo hội Công giáo nên tôi chưa thể đo kết quả. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu tốt đang đến với Sách hóa nông thôn Việt Nam. 
5. VỀ CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI ĐỂ XÂY DỰNG TỦ SÁCH CHO NÔNG THÔN: Tôi chưa viết thư kêu gọi quỹ NÊN CHƯA ĐO ĐƯỢC sự chia sẻ trách nhiệm xã hội của bao nhiêu người. SHNTVN kỳ vọng rằng 500.000 người Việt trong và ngoài nước sẽ chia sẻ 240.000 đồng/năm trong 2 năm để đến 2017 tất cả lớp học nông thôn có tủ sách (khoảng 240.000 tủ sách) và khoảng 60.000 dòng họ, giáo xứ và các gia đình giáo viên +chiến sĩ có tủ sách. 

CÁC CÔNG VIỆC CHÍNH TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Đăng thư kêu gọi 500.000 người Việt trong và ngoài nước tham gia giải quyết thiếu sách ở nông thôn Việt Nam bằng chia sẻ 240.000 đồng/năm trong 2 năm. 
2. Khảo sát để chọn ra danh mục sách với khoảng 400 đầu sách đáp ứng các yếu tố nuôi dưỡng tâm hồn, đam mê sáng tạo… dựa trên hơn 1.000 đầu sách đã được đưa về hơn 3.000 tủ sách ở Thái Bình. Ngoài ra, SHNTVN sẽ tham vấn các thành viên xã hội để thêm các đầu sách tốt cho trẻ em và người lớn ở nông thôn. 
3. Tiếp tục phối hợp với Sở giáo dục Thái Bình nhân rộng tủ sách phụ huynh đến tất cả các lớp học trên toàn tỉnh.
4. Làm việc với các sở giáo dục để nhân rộng Tủ sách phụ huynh, Tủ sách lớp em.
5. Tiếp tục vận động Bộ giáo dục, Hội khuyến học, Giáo hội Công giáo ra chủ trương nhân rộng các tủ sách ra toàn quốc. 
6. Tiếp tục hoàn thiện các hình thức khuyến đọc ở các trường học, và trên toàn xã hội bằng âm nhạc, sân khấu hóa… và tài liệu hóa để chia sẻ toàn quốc cũng như tài liệu hóa cách xây dựng và quản lý các tủ sách để chia sẻ ở cấp trường học, phòng giáo dục, sở giáo dục, Hội khuyến học... 
7. Đi bộ Sài Gòn-Cà Mau và Hà Nội-Lạng Sơn trong Tết 2016 để tiếp tục tăng tốc Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam.

LỜI CÁM ƠN

Chuyến đi bộ Hà Nội-Sài Gòn tăng tốc Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam được thực hiện là nhờ đóng góp tinh thần và tài chính của nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước. 
Chuyến đi bộ Hà Nội-Sài Gòn được biết đến bởi nhiều triệu người Việt Nam trong và ngoài nước là nhờ sự hỗ trợ truyền thông có chủ đích và tận tậm của các nhà báo, phóng viên, các facebookers trong và ngoài nước. 
Chuyến đi bộ đã thúc đẩy và sẽ thúc đẩy nhiều tủ sách ra đời. 
Tôi xin trân trọng cám ơn mọi người đã nắm tay vì Sách hóa nông thôn Việt
Nam của chúng ta. Chúng ta nắm tay xây dựng tương lai của đất nước bằng xây dựng nên tảng nhân văn và sáng tạo trong tâm hồn và trí não của tất cả trẻ em của đất nước chúng ta. 
Người lập báo cáo
Nguyễn Quang Thạch
- See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20150831/nguyen-quang-thach-tong-ket-chuyen-di-bo-ha-noi-sai-gon-tang-toc-chuong-trinh-sach#sthash.v4VEGOon.dpuf

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện