CHIẾN DỊCH “ĐẬP PHÁ ĐÒI LẠI VỈA HÈ” ĐÃ THẤT BẠI KHI ĐẬP NHÁT BÚA ĐẦU TIÊN

Ba Sàm

Nguyễn Đức Thắng

29-3-2017
Ông Đoàn Ngọc Hải và đoàn tùy tùng trong chiến dịch đập phá vỉa hè. Ảnh: báo TN.
Tóm tắt sự kiện:
Chiến dịch do Phó chủ tịch quận 1, TP.HCM Đoàn Ngọc Hải khởi xướng: “Chúng tôi sẽ kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, không làm kiểu “đánh trống bỏ dùi” như những năm trước. Mục tiêu là xây dựng khu vực quận 1 sạch đẹp như Singapore. Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn”. Ào ạt, như một cơn lốc phá dỡ, đuổi bắt người bán hàng, trước con mắt chứng kiến của những người dân trong và ngoài nước, tập trung vào các đối tượng “lấn chiếm” sau:
a) Các bậc tam cấp, bậc thềm.
b) Các biển hiệu quảng cáo, chậu hoa trang trí, mái che nắng mưa.
c) Những người buôn bán vỉa hè.
Chiến dịch này đã lan ra Hà Nội, một vài quận huyện rầm rộ ra quân phá dỡ. Dọc tuyến quốc lộ 32, đoạn qua xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, hàng chục cây xanh mới vài năm tuổi đã bị đốn hạ, giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Đa số những ý kiến bình luận trên các báo mạng ủng hộ chiến dịch đập phá, xua đuổi này với 2 lý do: (i) Luật lệ, kỷ cương phép nước phải tôn nghiêm, lấn chiếm vỉa hè, đất công là không được và (ii) Buôn bán vỉa hè làm nhếch nhác bộ mặt đô thị.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: “Anh Hải hăng hái nhưng đôi khi cũng phải kiềm chế để làm sao đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Phải làm thiệt như thế mới được. Giờ này còn ngồi bàn giấy chỉ đạo là không ‘ăn’”.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM: “Quận 1 đang dẹp vỉa hè nhanh quá, làm như một cơn lốc. Vì nhanh quá nên người dân đặt câu hỏi: Hình như ông này đi nhanh quá, có đúng quy trình không?”.
Hai ý kiến trên đã chứng minh một điều là chiến dịch này không nằm trong kế hoạch, chủ trương đã được phê duyệt ở cấp quốc gia, cũng như cấp thành phố.
Nhiệt huyết và động cơ của Phó Chủ tịch Quận 1 là tốt, nhưng giải pháp đập phá thì thực sự là đau lòng, là mất mát cho toàn xã hội, sẽ lưu giữ lâu trong tiềm thức của người người dân trong và ngoài nước. Giải pháp không hướng tới đạt mục tiêu, chỉ để lại những vết sẹo nham nhở cho thành phố, đã thất bại ngay từ nhát búa đầu tiên, vì nó đối kháng với những thực tiễn, qui luật vận động và phát triển của xã hội, đơn giản như dưới đây:
1- Buôn bán trên vỉa hè là một nhu cầu tất yếu của xã hội:
Việc lấn chiếm và buôn bán trên vỉa hè là cả một quá trình lịch sử lâu dài, rất nhiều các cơ quan, đơn vị công quyền cũng lấn chiếm. Chính quyền các cấp, trên phạm vi cả nước đã “chấp nhận” cho tồn tại. Vì những bậc tam cấp, các biển quảng cáo, các chậu hoa trang trí, làm đẹp ấy không hề ảnh hưởng đến ai, không hề gây phiền toái cho người hàng xóm, không hề gây ùn tắc giao thông, không hề ảnh hưởng đến nồi cơm, manh áo của ai. Tại sao lại phải đập phá bỏ chúng đi?
Buôn bán trên vỉa hè luôn song tồn với sự phát triển của xã hội loài người. Thế giới luôn và vĩnh viễn tồn tại những người giầu, người nghèo; như 5 ngón tay luôn có ngón dài, ngón ngắn, cũng luôn tồn tại những sản phẩm cao cấp và thấp cấp. Buôn bán trên vỉa hè, nhà hàng ăn uống bầy bàn ghế lấn chiếm vỉa hè, hiện có ở khắp nơi trên thế giới, ở cả những đô thị văn minh bậc nhất thế giới như Singapore, Praha, Bratislava, Budapest, Viên, Amsterdam, Venice, Florence, Roma, Geneva, Pari, London v.v(1) Người giầu thì buôn bán có cửa hàng, cửa hiệu sang trọng. Người nghèo thì buôn bán kiếm sống bằng những xe lăn, xe đẩy với những hàng hóa đơn giản hơn, kém chất lượng hơn. Sự khác nhau giữa ta và họ ở những điểm sau:
– Đất nước họ ít người nghèo, nên mức độ buôn bán vỉa hè ít hơn.
– Xứ lạnh của họ không tạo cơ hội nhiều cho văn hóa, nếp sống vỉa hè như ở ta.
– Ở Việt Nam nhiều món ăn vặt “để đời, trước khi chết cần phải ăn” đối với nhiều người giầu cũng như nghèo lại là những món ăn “truyền thống” chỉ có ở vỉa hè. Hình ảnh người thiếu nữ Hà Nội bán hoa trên chiếc xe đạp di động đầy hoa, làm rung động trái tim nhiều người, cả khách quốc tế, thực sự là nét đẹp văn hóa chỉ riêng có của Hà Nội và của Việt Nam.
– Có cầu, ắt có cung, vì tính tiện dụng và cơ động của buôn bán vỉa hè, nên người giầu ở Châu Âu vẫn cần, ví dụ hot dog, kem vào mùa hè, cốc nước cam hay coktail, chai nước khoáng, một quả cam v.v… họ không thể đi xa, tìm đến các siêu thị để mua. Những quầy hàng di động bán các quần áo, sản phẩm lưu niệm giá rẻ (của Trung Quốc), bưu ảnh, bản đồ thành phố v.v… luôn tồn tại để phục vụ triệu triệu khách du lịch từ khắp nơi đổ về Châu Âu và giữa các nước Châu Âu với nhau.
– Tất cả các nước giàu có trên thế giới đều chọn giải pháp kinh tế, hợp pháp hóa buôn bán trên vỉa hè, một hình thức để hỗ trợ giảm nghèo; công khai, minh bạch, có tổ chức, hướng dẫn qui củ, cũng là biện pháp để loại bỏ công chức “thoái hóa, bảo kê”. Vì được Nhà nước bảo hộ nên họ yên tâm, kinh doanh văn minh, lịch sự, sạch đẹp.
– Ở ta thì “nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, người vi phạm pháp luật” nên cấm đoán, đuổi bắt đẩy người buôn bán vỉa hè vào tâm lý sợ hãi, đối phó, tạm bợ để cơ động dễ chạy, nên mới tạo ra sự nhếch nhác, bừa bãi, bẩn thỉu. Cấm đoán đã tạo cơ hội cho một loạt lưu manh, đầu gấu thu phí, ăn chặn của họ. Cấm đoán cũng đã sinh ra đội ngũ cán bộ bảo kê, sách nhiễu, như Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thừa nhận “Khi làm Giám đốc Công an thành phố, tôi thống kê trên 180 quán bia hơi vỉa hè thì 150 quán có công an đứng đằng sau”.
2- Các bậc tam cấp, biển quảng cáo, mái che là những tiện nghi thiết yếu, không thể thiếu được của cuộc sống:
Nền nhà bắt buộc phải cao hơn vỉa hè hay sân, vườn. Không thể để nước mưa từ sân, vỉa hè chảy ngược vào trong nhà. Đây là yêu cầu cơ bản của thoát nước, của tiện nghi cuộc sống. Đặc biệt người dân Tp. HCM đã nhiều năm sống cơ cực vì ngập úng và trong tương lai còn nặng nề hơn do biến đổi khí hậu, do vậy đòi hỏi phải tôn cao nền nhà hơn nữa. Bậc tam cấp mặt tiền lại là lối duy nhất chui ra, chui vào tổ ấm của mỗi gia đình. Vì vậy, người dân đã đầu tư tốn kém, mua nguyên tấm đá mài đủ chiều dài mặt tiền, nhẵn bóng và đẹp; xây sao cho vững chắc, đảm bảo đi lên đi xuống tiện ghi và an toàn. Phần lớn các nhà mặt tiền đều kinh doanh buôn bán, hoặc cho thuê làm cửa hàng, văn phòng công ty tạo nên nền kinh tế mặt tiền có ích cho xã hội. Chính vì vậy mà các bậc tam cấp, biển quảng cáo, bồn hoa, cây cảnh đã được nhiều gia đình đầu tư tốn kém.
Xây các bậc tam cấp thường là khâu cuối cùng của xây nhà xây cửa. Trong quá trình xây dựng, không một ngôi nhà nào thoát khỏi sự thanh kiểm tra của các cán bộ chức năng; kể cả nhà trong ngõ ngách. Có giấy phép hay không phép, tùy qui mô xây dựng lớn bé, xây mới hay chỉ cơi nới, tùy vị trí mặt tiền phố lớn hay trong ngõ nhỏ, người dân 100% đều biết nghĩa vụ thực hiện “luật” đối với cán bộ thanh kiểm tra. Việc xây dựng các bậc tam cấp là khâu cuối cùng, thợ thường cũng chỉ làm có 1 ngày là xong. Người dân đã thực hiện “nghĩa vụ”, nên muốn xây gì mặc họ.
Mái che mưa, che nắng cũng vậy, là những tiện nghi rất hữu ích. Thật là vô lý khi qui kết cho nó tội cản trở cho người đi bộ hay làm xấu bộ mặt đô thị. Đối với người đi bộ, khi gặp mưa to, gió lớn hay nắng gay gắt thì những mái che lấn chiếm khoảng không này thự sự là quí. Vậy tại sao lại đập bỏ chúng đi?
3- Luật lệ, kỷ cương phép nước phải tôn nghiêm:
Điều này rất đúng, luôn đúng, phù hợp với một qui luật vận động của xã hội là “Mặt bằng thực thi pháp lý gồ ghề sẽ làm tha hóa cả xã hội”. Tương tự ông cha ta ngày xưa cũng răn dậy “Thượng bất chính, hạ tất loạn”.
Lấn chiếm vỉa hè, đất công, khoảng không ở trên cao tại những đại lộ, mặt phố lớn, phố nhỏ, trong ngõ đều có bản chất như nhau, giống nhau là lấn chiếm đất công, đều là vi phạm pháp luật, đều cần được xử lý bình đẳng như nhau, trên cùng một mặt bằng. Tại sao lại chỉ thực hiện kỷ cương phép nước ở những mặt phố lớn mà không cần thực hiện ở những mặt phố nhỏ và trong ngõ? Vỉa hè, lòng đường ở đâu cũng là phục vụ cho mục đích giao thông, đi lại như nhau. Có những trường hợp mà việc lấn chiếm ở các ngõ nhỏ, phố nhỏ cũng gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Trên phạm vi cả nước “chiến dịch” này chỉ có thể phá dỡ được khoảng 10% vụ việc, 90% vụ việc lấn chiếm vẫn tồn tại như cũ, vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Như vậy là công bằng? là duy trì kỷ cương phép nước? Qui luật nghiêm minh của kỷ cương phép nước không cho phép việc xử lý chỉ có 10%, hoặc làm điểm để làm gương, răn đe, 90% còn lại sẽ phải sợ hãi, phải tự phá dỡ? Nếu nghĩ như vậy thực sự là ảo tưởng. Chúng ta có thể đập phá được lên đến 50% vụ việc lấn chiếm không? Không, thực sự là không thể, vì như vậy vô tình chúng ta sẽ đẩy có đến cả triệu bà con ruột thịt của chúng ta trở thành kẻ thù. Rất nguy hiểm!
10% gia đình bị cưỡng chế phải chịu đắng cay, họ đương nhiên là uất ức. Họ không may thuộc trong địa phận của những lãnh đạo trẻ đầy nhiệt huyết. Đất mặt tiền phố lớn là những mảnh đất đắt giá nên nhiều hộ gia đình không thể có diện tích rộng. Nếu xây lại bậc thềm, lùi vào thì diện tích sử dụng trong nhà bị thu hẹp. Do vậy một số gia đình chọn giải pháp gia công các bậc lên xuống di động, tạm thời, bằng tre, bằng gỗ, bằng sắt. Người dân gắng gượng, cơ cực leo lên leo xuống. Tuy nhiên, phụ nữ, đặt biệt những người có mang, có tuổi không thể leo trèo như vậy trong suốt cuộc đời còn lại của mình; nguy cơ ngã què chân, gẫy tay là hiện hữu; thêm vào đó 90% các bậc tam cấp khác lấn chiếm vẫn tồn tại vô tư đập vào mắt họ. Nghe ngóng, chờ đợi một thời gian, họ “bắt buộc” lại phải lấn chiếmtái vi phạm, với hy vọng “ông chính quyền” mới sẽ tha bổng, thương cho, để phụ nữ, ông già, bà già đỡ khổ, để bậc tam cấp tiện cho khách đến mua hàng, kiếm kế sinh nhai.
4- Nguyên nhân thực sự của ùn tắc giao thông:  Đáp ứng nhu cầu xây dựng mở đường mới, theo quy hoạch, thì kể cả nhà có giấy tờ hợp pháp, không lấn chiếm vẫn cần phải phá dỡ. Chỗ nào họp chợ buôn bán, thực sự gây ùn tắc giao thông, việc giải tỏa là cần thiết, hoàn toàn đúng, mọi người dân đều ủng hộ. Tuy nhiên, hầu như 100% các bậc tam cấp hiện nay và 100% biển quảng cáo trên cao thực sự không hề gây ùn tắc giao thông, không gây phiền toái cho người đi bộ, ngược lại còn có ích cho gia đình và cho xã hội vậy tại sao lại phải đập phá?. Thật vô lý!
Đã mấy chục năm nay, Hà Nội và Tp. HCM làm gì có người đi bộ mà đòi lại vỉa hè cho họ. 90% nhu cầu đi lại được thực hiện bằng các phương tiện giao thông cá nhân. Cho dù có 10% người đi bộ, thì chẳng có 1 người đi bộ nào lại đi sát vào các bậc tam cấp cả và cũng chẳng có một ai cao tới mức chạm vào các biển quảng cáo ở trên cao. Vậy cớ gì chúng lại bị đập phá, dỡ bỏ? Hà Nội và Tp. HCM hiện có gần 16 triệu xe máy và ô tô con, phủ kín đậm đặc mặt đường, lên cả vỉa hè mới là yếu tố chính lấn chiếm vỉa hè, gây ùn tắc giao thông, làm “biến mất” người đi bộ, làm cho nhiều cầu đường bộ, hầm đường bộ từ nhiều năm nay vắng bóng người đi. Phó chủ tịch quận 1, TP.HCM Đoàn Ngọc Hải bất lực trước hiện tượng ùn tắc giao thông, xe máy đầy lòng đường, vỉa hè, quay ra đập phá các bậc tam cấp và tháo dỡ các biển quảng cáo. Giận cá chém thớt. Một giải pháp không bình thường! Đòi lại vỉa hè cho vô hư! vì không có người đi bộ!
5- Văn minh đô thị, xanh, sạch, đẹp:
Sự bẩn thỉu, nhếch nhác, tràn ngập rác, hoàn toàn không phải do các bậc tam cấp, biển quảng cáo, người buôn bán vỉa hè gây ra. Nó là do yếu kém của công tác quản lý môi trường gây ra. Do tư duy “sản xuất trước, môi trường xem xét sau” đang ngự trị rất nhiều năm gây ra. Do nhận thức thấp về môi trường của người dân và cả quan chức gây ra. Người dân chỉ biết đóng thuế, đóng phí cho thu gom xử lý rác thải, nước thải, cống rãnh, mương thoát nước. Tuy nhiên, tại các đô thị việc tìm được nhà vệ sinh công cộng, thùng đựng rác để bỏ thực sự là khó khăn. Do vậy, thực sự là oan khi đổ lỗi cho các bậc tam cấp, biển quảng cáo và đập phá chúng đi.
Giải pháp đập phá có làm cho Quận 1 sạch đẹp như Singapore? Chắc chắn là không! Giải pháp “thần kinh, đập phá” đã làm thiệt hại cho nhiều gia đình, cho toàn xã hội. Bỏ ra bao nhiêu tiền để có được những tấm đá dài, bóng nhẵn nguyên tấm, làm đẹp cho gia đình và cho bộ mặt thành phố, nay lại phải bỏ công sức, nguồn lực ra phá bỏ để thay thế bằng những thứ tạm bợ bằng gỗ, bằng tre, bằng ghế nhếch nhác, dễ đổ, dễ ngã. Nếu xét theo kỷ cương phép nước thì những vật dụng này vẫn phạm luật là lấn chiếm vỉa hè, đất công. Tuy nhiên, nó là những vật dụng cuối cùng rồi! để con người có thể leo lên, leo xuống, kể cả khách đến chơi nhà, nên ông Đoàn Ngọc Hải đành phải chấp nhận, cho phép tồn tại. Giải pháp phá dỡ đã đổi các bậc tam cấp tiện nghi, sạch đẹp, vững chắc thành các bậc lên xuống tạm bợ, nhếch nhác, xấu cả mặt tiền, xấu cả Quận 1, xấu cả cho Tp. HCM và Hà Nội.
6- Việc thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật:
Điều này được thể hiện rõ nhất qua phát biểu của ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM “Quận 1 đang dẹp vỉa hè nhanh quá, làm như một cơn lốc. Vì nhanh quá nên người dân đặt câu hỏi: Hình như ông này đi nhanh quá, có đúng quy trình không?.  Theo những qui định của pháp luật, để thực hiện được việc mang máy móc thiết bị đến cưỡng chế phá dỡ phải qua rất nhiều bước. Việc đầu tiên và rất quan trọng là phải đến đo đạc, xác minh, đối chiếu với sổ đỏ nhà đất, từ đó hai bên thống nhất là các bậc tam cấp có thực sự lấn chiếm vào đất công? lấn chiếm bao nhiêu? bậc thềm nào lấn chiếm, bậc nào không? chủ nhà cam kết tự phá dỡ? v.v…
7- Cần phải hợp pháp hóa, sử dụng giải pháp kinh tế:
Quyền lực quản lý dành cho cán bộ thực thi chức năng nhiệm vụ được gia tăng khi chúng ta luôn coi quá nhiều hoạt động, nhu cầu thiết yếu của cuộc sống là những thứ ngoài vòng pháp luật. Nhân danh quản lý Nhà nước, chăm lo cho dân, vì dân, người ta đã đưa ra rất nhiều “chức năng, nhiệm vụ cơ bản, thiết yếu”, nhưng không nhiều người bỏ sức ra phục vụ dân, họ thường khéo léo chuyển hóa chức năng, nhiệm vụ thành những chiếc gậy. 
Lịch sử phát triển của đất nước đã chứng minh, mấy chục năm chúng ta đã luôn coi các hoạt động kinh tế tư nhân là vi phạm pháp luật. Mọi hoạt động của tư nhân trong trao đổi, buôn bán hàng hóa đều bị cấm. Thương nhân đã được gọi là “con buôn, con phe, gian thương”. Mặc dù những hoạt động của họ là để kiếm sống sinh tồn. Tư duy “nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, thấy người vi phạm pháp luật” đã đẩy nhiều triệu người dân thành những người vi phạm pháp luật. Ngay cả rất rất nhiều công chức, viên chức Nhà nước buổi tối, hay ngày chủ nhật sản xuất thêm được ra những sản phẩm nào đó, đem đi tiêu thụ để kiếm sống cũng phải vụng trộm. Cấm đoán này đã đẩy cả đất nước chúng ta xuống đáy của sự phát triển.
Ví dụ nữa là hiện nay trong Hà Nội có đến hàng trăm nghìn các mảnh đất “xen kẹt”. Những mảnh đất này, trước kia là đất vườn, đất nông nghiệp của nông dân ngoại thành. Nay thì đều là “nội đô” hết cả rồi. Tuy nhiên, vì là đất nông nghiệp nên mọi công trình xây dựng trên nó đều là vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm. Vì chúng ở trong ngõ, trong ngách; vì cuộc sống cần phải khai thác sử dụng, nên người dân phải xây dựng, chỉ cần làm luật với cán bộ là đủ, để cho họ quay đi, không nhìn, không biết, không thấy. Trên phạm vi cả nước, một nguồn lực rất lớn những mảnh đất “xen kẹt” này không được hợp pháp hóa, không được khai thác sử dụng một cách có hiệu quả, thực sự là lãng phí.
Nhiều triệu các bậc thềm lên xuống ra vào tổ ấm, các biển quảng cáo, mái che nắng, che mưa là những tài sản, vật dụng thiết yếu, không thể thiếu của cuộc sống, của hàng triệu gia đình. Chúng đã được phép tồn tại, đang tồn tại. Chúng thực sự 100% không phải là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Chúng thực sự làm đẹp cho bộ mặt đô thị. 90% tổng nhu cầu đi lại tại Tp. HCM và Hà Nội được thực hiện bằng xe máy, ô tô cá nhân, do vậy làm gì có người đi bộ mà đòi lại vỉa hè cho họ. Lịch sử đã công nhận sự tồn tại của chúng. Toàn xã hội cần chúng nên đã khổ công xây dựng chúng. Do vậy, cần phải hợp pháp hóa chúng.
Không thể để giải pháp đập phá tiếp tục phá hại thêm nữa, gây đau đớn, uất hận tràn lan rộng hơn nữa!
Thủ tướng Chính phủ cần ra quyết định yêu cầu dừng lại, chuyển sang sử dụng giải pháp kinh tế; nếu không thì Chủ tịch UBND Tp. HCM và Hà Nội cần ra thông báo cho tất cả lãnh đạo cấp quận, huyện dừng ngay việc phá dỡ!
Chính phủ cần khẩn trương ban hành một Nghị định về việc xử phạt lấn chiếm vỉa hè bằng thu thuế cho ngân sách địa phương. Lợi ích của giải pháp kinh tế là:
  • Ngân sách địa phương sẽ có thêm một nguồn thu đáng kể.
  • Tiện nghi và sinh hoạt của dân sẽ khá hơn.
  • Pháp luật sẽ được thực thi nghiêm minh và đồng đều. Xã hội sẽ công khai, minh bạch hơn.
  • Bộ mặt của các đô thị, thành phố sẽ sạch đẹp hơn.
  • Đóng thuế để được hợp pháp nên sẽ được dân đồng tình ủng hộ.
  • Trên hết tất cả hạnh phúc toàn xã hội sẽ nhiều hơn!
Chính quyền cần phải đền bù cho các gia đình bị phá dỡ sau khi họ đóng thuế.
Ai thấy đúng, mong được ủng hộ, chia sẻ rộng hơn. Xin trân trọng cám ơn bạn đọc.
Nguyễn Đức Thắng
(1) Nguyễn Đức Thắng: Tháng 7 và 8/2015, tôi đã tự đi du lịch phượt qua 18 thành phố ở Châu Âu, chụp và lưu giữ khá nhiều ảnh đường phố.
PHỤ LỤC 1: Một vài hình ảnh trên mạng cho thấy sự thất bại của giải pháp đập phá “đòi lại vỉa hè cho người đi bộ”:
PHỤ LỤC 2: Một vài hình ảnh về buôn bán “lấn chiếm” vỉa hè ở Châu Âu
Một vài hình ảnh về buôn bán “lấn chiếm” vỉa hè, lòng đường  ở Châu Âu:
Advertisements

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?