Tin Biển Đông – 28/03/2017

Tin Biển Đông – 28/03/2017

Nhật giao máy bay cho Philippines tuần tra Biển Đông

Philippines ngày 27/3 nhận 2 máy bay giám sát quân sự của Nhật giúp Manila tuần tra các hải lộ quan trọng tại Biển Đông dù Philippines đang ngày càng chứng tỏ quan điểm hòa giải với Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh hải.
Nhật sẽ cho Philippines thuê tổng cộng 5 máy bay Beechcraft TC-90, theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana.
Manila nói các máy bay này sẽ được triển khai tới khu vực Benham Rise và Biển Đông.
Nỗ lực củng cố hợp tác quốc phòng của Nhật với Philippines diễn ra giữa bối cảnh quan ngại trong khu vực gia tăng liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Phát biểu tại lễ bàn giao 2 máy bay hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Kenji Wakamiya, nhấn mạnh: “Trong khi chúng ta đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông, sự hợp tác của chúng ta với Philippines vì an ninh-ổn định khu vực hiện nay càng thiết yếu.”
Nhật, nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh tại Biển Hoa Đông, đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước khác để kiềm chế đối thủ.
Trung Quốc phản đối việc Philippines thuê mướn máy bay Nhật hầu như ngay lập tức sau khi tin này thoạt đầu được loan báo hồi năm ngoái, dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino của Philippines.
Đương kim Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, đảo ngược quan điểm cứng rắn của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc, hạ thang căng thẳng tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông để công khai kêu gọi mậu dịch và viện trợ từ Bắc Kinh.
Trong tháng này, ông Duterte tuyên bố cởi mở trong vấn đề chia sẻ nguồn lực với Bắc Kinh tại các vùng biển có tranh chấp, đồng thời cho biết không thể ngăn chặn Bắc Kinh xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm giữ từ tay Philippines vào năm 2012.

Trung Quốc đề xuất cơ chế khu vực mới

cho các nước ven Biển Đông

Hôm thứ Bảy, tại Diễn đàn về châu Á tổ chức tại thành phố Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hối thúc các quốc gia ven Biển Đông thiết lập một cơ chế hợp tác mới.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lưu phát biểu: “Cơ chế này sẽ là nền tảng để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, tăng cường hợp tác và chia sẻ lợi ích trong khi không can thiệp vào vấn đề của mỗi quốc gia”.
Vẫn theo Tân Hoa Xã, ông Lưu cho rằng: “Điều đó sẽ đóng góp cho những trao đổi trong các lĩnh vực như phòng chống thiên tai, cứu hộ hàng hải, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải”.
Ông Lưu nhấn mạnh là cơ chế được đề xuất sẽ “bổ sung” cho các mối quan hệ khu vực hiện hữu. Đáng chú ý, cơ chế này sẽ nằm ngoài khuôn khổ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á và các diễn đàn đa phương hiện có giữa Trung Quốc và ASEAN, kể cả Tuyên bố về Cách ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Đáng chú ý, ông Lưu không nêu rõ cơ chế mà ông đề xuất sẽ có bất kỳ vai trò gì trong việc giúp giải quyết tranh chấp hay không. Tân Hoa Xã cẩn thận lưu ý rằng đề xuất của ông Lưu vẫn có nghĩa là “các tranh chấp về lãnh thổ và quyền tài phán” cần được giải quyết “thông qua tham vấn và đàm phán giữa các nước trực tiếp liên quan” – đó là quan điểm của Trung Quốc bấy lâu nay về Biển Đông.
Hiện chưa rõ liệu đề xuất của ông Lưu có gây được sự chú ý của quốc gia Đông Nam Á nào hay không, đặc biệt là các nước có tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.
Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donald J. Trump dường như ít quan tâm hơn đến các vấn đề của Đông Nam Á, so với chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
(Theo The Diplomat, Tân Hoa Xã)

Trung Quốc sắp hoàn tất các đường băng ở Trường Sa

Trung Quốc gần hoàn tất việc xây dựng 3 sân bay để đáp các máy bay chiến đấu ở khu vực quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Một báo cáo của Minh bạch Hàng hải thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Hoa Kỳ, được công bố vào ngày  27 tháng 3, nhận định như vừa nêu.
Báo cáo của CSIS dựa vào những bức hình vệ tinh chụp được và đi đến kết luận các đường băng, nhà vòm chứa máy bay, khu vực đặt radar và công trình để tên lửa đất đối không kiên cố đã hoàn tất hoặc gần hoàn tất.
Các cơ sở này được xây dựng trên ba bãi đá là Subi, Vành khăn và Chữ Thập. Việt Nam hiện đòi chủ quyền đối với toàn bộ các bãi này.
Theo báo cáo, tại mỗi đảo, Trung Quốc đã xây dựng đủ số nhà vòm bằng bê tông có thể chứa đến 24 phản lực cơ chiến đấu và 4 hoặc 5 máy bay loại lớn hơn như máy bay ném bom hoặc máy bay cảnh báo sớm.
Hiện Trung Quốc đang sử dụng một sân bay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Tại đây hơn một năm qua, Trung Quốc cho bố trí tên lửa đất đối không HQ-9; và ít nhất một lần đưa tên lửa hành trình chống tàu thuyền đến đảo này.
CSIS cho rằng các đường băng và các thiết bị hiện đại cùng giàn radar mà Trung Quốc lắp đặt tại Trường Sa và Hoàng Sa sẽ cho phép quân đội Trung Quốc hoạt động gần như trên toàn bộ biển Đông. Các cơ sở mới ở Trường Sa cũng cho phép nước này triển khai các vũ khí quân sự bao gồm máy bay chiến đấu, giàn phóng tên lửa di động đến quần đảo Trường Sa vào bất cứ lúc nào.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào về báo cáo mới này của CSIS.
Trước đó Trung Quốc đã phủ nhận những cáo buộc từ Hoa Kỳ cho rằng nước này đang quân sự hóa khu vực biển Đông. Hồi tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng các thiết bị quân sự được đặt trên các đảo là để đảm bảo tự do hàng hải.
Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vào ngày 28 tháng 3 nói rằng bà không biết chi tiết báo cáo của CSIS nhưng vẫn khẳng định quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền Trung Quốc cho nên Trung Quốc có toàn quyền trong việc triển khai các vũ khí phòng vệ ra các đảo.

AMTI :

Trung Quốc sẵn sàng bố trí chiến đấu cơ tại Trường Sa

Kế hoạch của Trung Quốc bồi đắp và xây dựng cơ sở quân sự ở các đảo nhân tạo ở Biển Đông gần như hoàn tất. Bắc Kinh có thể bố trí máy bay quân sự bất cứ lúc nào tại Trường Sa. Trên đây là nhận định của một cơ quan tham vấn chiến lược Mỹ Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (AMTI), một bộ phận của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ở Washington công bố hôm thứ Hai 27/03/2017.
Reuters trích dẫn tuyên bố của giám đốc cơ quan tham vấn Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI Greg Poling cho biết hình ảnh vệ tinh chụp trong tháng này cho thấy Trung Quốc vừa trang bị thêm nhiều « ăng-ten » ra-đa trên hai đảo đá Chữ Thập và Subi . Như vậy, Trung Quốc dường như đã hoàn tất phần lớn cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa và có thể bố trí bất cứ lúc nào từ máy bay chiến đấu, tàu chiến cho đến các trang thiết bị quân sự khác từ đại pháo cho đến tên lửa ở ba đảo đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Theo chuyên gia Greg Poling, với hai « ăng-ten » mới này, Trung Quốc chuẩn bị các động thái mới trong nay mai.
Tại hai quần đảo tranh đoạt với Việt Nam và Philippines, Bắc Kinh đã xây dựng xong ba căn cứ quân sự ở Trường Sa và một căn cứ quân sự ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) ở phía bắc. Bốn tiền đồn này, với phi đạo và ra-đa cho phép chiến đấu cơ Trung Quốc hoạt động bao trùm toàn bộ Biển Đông.
Từ một năm nay, Trung Quốc bố trí tên lửa phòng không HQ-9 ở Phú Lâm và ít nhất một lần đưa tên lửa chống hạm ra đảo này. Vệ tinh còn phát hiện các cơ sở có mái che « đóng mở » ở ba đảo Chữ Thập và Subi và Vành Khăn, bảo vệ các dàn tên lửa di động. Đảo Chữ Thập còn có cơ sở đủ lớn để chứa 24 máy bay quân sự.
Được Reuters đặt câu hỏi, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ, Gary Ross từ chối bình luận các thông tin này, viện lý do Lầu Năm Góc không bình luận « tin tình báo ».
Tuần qua, khi thăm viếng Úc, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vẫn tuyên bố « không có ý đồ quân sự hóa Biển Đông » mà chỉ muốn « bảo vệ lưu thông hàng hải quốc tế ».

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?