Đọc báo Pháp – 28/03/2017

Đọc báo Pháp – 28/03/2017

Putin đã chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới

Chủ Nhật, 26/03/2017, khoảng 20 ngàn người – theo lời ban tổ chức – đã xuống đường tại Matxcơva, để bày tỏ sự bất bình, ngán ngẩm về tệ nạn tham nhũng tại Nga. Ngày 27/03, nhà đối lập Alexeï Navalny bị kết án 15 ngày tù giam và bị phạt 20 ngàn rúp. Về vụ này, báo Les Echos trích lời giới chuyên gia nhận định « Putin đã chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ».
Theo ông Thomas Gomart, giám đốc Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri), các cuộc biểu tình cũng như việc Matxcơva trấn áp ngay lập tức và mang tính phô diễn, cho thấy « chiến dịch vận động bầu cử tổng thống cho năm 2018 đã bắt đầu ». Điều này cũng thể hiện rõ qua việc chính quyền đưa ra những biện pháp để giới hạn, kiểm soát các cuộc tranh luận, tiến hành kiểm tra thuế và bắt giữ nhằm đập nát mọi hình thức đối lập.
Vẫn theo chuyên gia này, gần đây, ông Putin tiến hành trẻ hóa đội ngũ cố vấn thân cận, muốn tránh hiện tượng « Brejnev hóa » chính quyền. (Leonid Brejnev, sinh năm 1906, là tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô từ năm 1964 cho đến khi chết, năm 1982). Nhưng cho đến nay, chưa rõ người được chọn đóng vai ứng viên đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống 2018. Cách nay hai năm, ông Boris Nemtsov bị bắn chết ngay tại Matxcơva. Còn ông Alexei Navalny thì không thể ra ứng cử vì ông bị kết án vào năm ngoái trong một vụ biển thủ công quỹ khó hiểu.
Trong khi đó, tỷ lệ được lòng dân của ông Putin vẫn cực kỳ cao và ông có thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư. Theo chuyên gia Thomas Gomart, « dân Nga mong muốn có một xã hội kỷ cương, với Putin là hiện thân, nhưng họ cũng ngày càng khó chấp nhận tệ nạn tham nhũng trong cuộc sống thường nhật, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục ».
Nếu như dân Nga hài lòng về việc nước Nga tái xuất hiện trên chính trường quốc tế với tư cách một siêu cường thì họ cũng tỏ ra mệt mỏi và chán ngán về việc tầng lớp lãnh đạo không được đổi mới. Khủng hoảng kinh tế cũng làm cho người dân ngày càng bất bình với tệ nạn tham nhũng. Les Echos cho biết, tuy Nga lại có được tăng trưởng kinh tế vào cuối năm ngoái, nhưng thu nhập thực của người dân trong tháng Hai vừa qua, đã giảm 4,1% tính theo tỉ lệ cả năm.
Navalny: Chiếc gai đối với chính quyền Matxcơva
Việc nhà đối lập Alexeï Navalny bị bắt cũng được các tờ báo khác của Pháp quan tâm. Le Monde có bài « Tại Nga, Navalny thách thức Putin ». Nhà đối lập bị bắt nhưng phong trào chống tham nhũng do ông khởi xướng đã huy động được người dân xuống đường ở gần một trăm thành phố, hôm Chủ Nhật, 26/03.
Trong khi đó, Le Figaro chạy tựa « Navalny bị kết án tù sau các cuộc biểu tình khổng lồ tại Nga ». Tờ báo cho biết là cách nay một tháng, Quỹ Chống Tham Nhũng do Alexei Navalny lãnh đạo, đã công bố kết quả một cuộc điều tra liên quan đến khối tài sản khổng lồ của thủ tướng Nga Dimitri Medvedev và đây là yếu tố làm dấy lên cuộc biểu tình chống tham nhũng. Cuộn băng video về cuộc điều tra đã có tới gần 12 triệu lượt người xem trên YouTube nhưng các phương tiện truyền thông chính thống vẫn lờ tảng, coi như không biết đến.
Libération thì đặt câu hỏi « Phải chăng Alexei Navalny là một sự lăng nhục đối với điện Kremlin ? » Sau khi làn sóng phản kháng năm 2012 bị chính quyền bóp nghẹt, nước Nga không còn những gương mặt đối lập nổi tiếng nữa. Năm 2015, ông Boris Nemtsov bị ám sát. Chính quyền thì ban bố những quy định hạn chế biểu tình, khóa miệng truyền thông và tiến hành bắt giữ tùy tiện để răn đe. Trong bối cảnh đó, ông Alexei Navalny nổi lên như gương mặt đối lập duy nhất tại Nga. Tại một quốc gia mà mọi sinh hoạt chính trị đều do điện Kremlin chỉ đạo, điều khiển, thì thành công chủ yếu của ông Navalny là ông đã trở thành một vấn đề đối với chính quyền Matxcơva.

Cấm vũ khí nguyên tử : Một sự ảo tưởng ?

Từ hôm qua, 27/03/2017, bất chấp sự phản đối của Hội Đồng Bảo An, một hội nghị về cấm vũ khí nguyên tử đã diễn ra tại Liên Hiệp Quốc với sự ủng hộ của 113 thành viên. Mục tiêu của hội nghị đầy tham vọng : Đặt vũ khí hạt nhân ra ngoài vòng pháp luật quốc tế, giống như vũ khí sinh học, bị cấm từ năm 1972, vũ khí hóa học từ năm 1993. Do vậy, cần phải có một công cụ pháp lý mang tính ràng buộc trong việc cấm vũ khí nguyên tử rồi từ đó tiến tới việc cấm hoàn toàn loại vũ khí hủy diệt này.
Báo Le Monde cho rằng, dường như mục tiêu này là ảo tưởng bởi vì 5 thành viên Hội Đồng Bảo An, tất cả đều có vũ khí nguyên tử, đã không tham gia hội nghị. Các cường quốc nguyên tử muốn tránh bằng mọi giá đứng ra bảo lãnh cho tiến trình phi hạt nhân hóa dẫn tới một hiệp định cấm loại vũ khí trên. Cho dù nếu có đạt được văn bản này thì các cường quốc nguyên tử cũng không ký.
Lập luận của họ là từ 60 năm qua, vũ khí nguyên tử đã giúp tạo lập một sự « cân bằng » về mối đe dọa khủng khiếp và giúp tránh được các cuộc đối đầu trực tiếp.Ví dụ, lập trường của Pháp là cần phải làm rõ phải chăng đây là một quy trình phi hạt nhân hóa ngay lập tức và dựa trên vấn đề đạo lý, hay đây là một tiến trình được thực hiện từng bước và chú ý tới những đòi hỏi bảo đảm an ninh.
Phe chống vũ khí nguyên tử cho rằng đây vừa là vấn đề đạo lý vừa là chính trị : trước các mối đe dọa mới, vũ khí nguyên tử không giúp ích được nhiều và việc sử dụng lại gây ra những hậu quả vô nhân đạo khủng khiếp.
Áo, Thụy Điển, Ailen, Mêhicô, với sự ủng hộ của nhiều tổ chức quốc tế, đã hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực này. Chiến lược của các nước này là vận động công luận và tập hợp tối đa các nước tham gia cuộc đấu tranh đòi hủy bỏ vũ khí nguyên tử, gia tăng cô lập các nước có loại vũ khí hủy diệt này. Nếu không cấm được thì ít ra cũng làm cho các nước muốn sử dụng vũ khí nguyên tử phải hổ thẹn.

Rác thải hạt nhân : Hậu quả thuộc về thế hệ tương lai ?

Cũng trên hồ sơ hạt nhân, Libération trên trang nhất chú ý đến vấn đề hạt nhân dân sự và cảnh báo : « Rác thải hạt nhân : Hẹn 100 000 năm sau ». Phóng viên nhật báo đã có dịp đến tham quan một bunker nằm sâu 500m dưới lòng đất thôn Bure, nơi sẽ được dùng để chôn giấu các chất phóng xạ của các lò phản ứng hạt nhân Pháp kể từ năm 2035.
Nằm ở giữa vùng Meuse và Haute-Marne, đông bắc nước Pháp, công trình ngầm khổng lồ tại Bure đang được thi công với tổng trị giá là 30 tỷ euro. Tại đây, những con đường hầm dài 250 km được thiết kế sâu 500m dưới lòng đất, và kể từ năm 2035 sẽ là nghĩa trang chôn cất khoảng 70 000 m3 chất thải hạt nhân từ các nhà máy điện nguyên tử của Pháp.
Một công trình đang gặp phải sự phản đối của những người dân xung quanh. Libération đơn cử ví dụ khu chứa rác thải hạt nhân “tạm thời” La Hague. Tại đây, tuy lượng chất thải hạt nhân chỉ chiếm có 0,2% so với tổng số lượng hạt nhân được sử dụng , nhưng 98% số này là chất phóng xạ và có thể phát thải ra trong vòng vài giây một lượng gây chết người khi có một sinh vật sống nào đến gần.
Mối nguy hiểm không chỉ dừng ở đó, mà tuổi thọ tồn tại kéo dài hàng chục năm, hàng thế kỷ, thậm chí hàng ngàn năm của các chất phóng xạ này : césium 137 có tuổi đời phóng xạ là 30 năm, chất américium 241 là 432 năm, plutonium 239 có thể lên đến 24.000 năm, hay như chất neptunium 237 hoàn toàn có thể tồn tại đến hơn 2 triệu năm.
Từ đó, Libération lấy làm băn khoăn cho việc truyền đạt ký ức về địa điểm bị nguyền rủa này. Liệu có nên cho các thế hệ kế tiếp biết về chúng bằng mọi giá hay không, hay là ngược lại nên quên chúng đi để cho không một ai có ý nghĩ xấu xa xuống xem nơi đó ? Chuyện gì sẽ xảy ra nơi sâu thẳm trong lòng đất nếu như trong 1.000 hay 10.000 năm sau khi có xảy ra chiến tranh hay có thiên tai ? Trước mắt chẳng ai biết được điều gì cả. Riêng có một điều chắn chắn là món « thuốc độc » này đã bị hầu hết các ứng viên tranh cử tổng thống quên lãng, như nhận định của bài xã luận đề tựa “Thuốc độc”.
« Cần suy nghĩ lại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ »
Đây là nhận định của cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine, khi trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde. Lời đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đang căng thẳng và Ankara nhiều lần đe dọa xem xét lại toàn bộ quan hệ với Bruxelles.
Theo ông, bởi vì ngay từ đầu, dường như cả Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã có một sự hiểu lầm về khả năng Ankara ra nhập khối này. Các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ không bao giờ phê chuẩn hiệp định kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. Cần phải thoát ra khỏi tình huống khó xử này và chấm dứt tình trạng giả dối. Liên Hiệp Châu Âu cần xem xét lại thỏa thuận tự do đi lại Schengen sao cho hiệu quả nhất, qua đó tránh được việc bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt chẹt trong hồ sơ đón tiếp di dân và tị nạn.

Khủng hoảng xã hội tại Guyan : Chủ đề chính trên trang nhất

Đề tài chính trên trang nhất các báo Pháp tập trung phân tích tình hình khủng hoảng xã hội tại Guyane. Nạn bạo lực lộng hành cũng như tình trạng y tế xuống cấp đã dẫn đến một cuộc «Tổng đình công chống mất an ninh» như thông báo của Le Monde.
Còn theo ghi nhận của Le Figaro, « Căng thẳng gia tăng khiến chính phủ lo lắng ». Cuộc tổng đình công vô thời hạn bắt đầu từ hôm qua 27/3 tại lãnh thổ của Pháp ở vùng Nam Mỹ này cũng đang len dần vào cuộc tranh cử tổng thống. Chính phủ và các ứng viên tố cáo lẫn nhau về tình trạng bế tắc này.
Trong bối cảnh căng thẳng này, « Matignon muốn làm dịu tình hình tại Guyane như thế nào ? » là thắc mắc của Les Echos. Nhiều biện pháp xử lý sẽ được phủ thủ tướng thông báo tại chỗ vào cuối tuần này. Về phần mình, nhật báo công giáo La Croix cố gắng giải thích « các nguyên nhân của cơn phẫn nộ tại Guyane » trên các lĩnh vực kinh tế, dân số và xã hội, những vấn đề được tích từ nhiều năm qua không được đáp ứng.

Tại Pháp, phụ nữ sinh con đầu lòng ngày càng muộn

Viện thống kê Pháp Insee đã có kết luận như trên vào ngày hôm qua (27/3). Theo khảo sát, phụ nữ tại Pháp bắt đầu làm mẹ ở độ tuổi trung bình là 28,5, thay vì là 24 tuổi vào năm 1974. Đây cũng là năm tuổi sinh con đầu lòng bắt đầu tăng.
Tuy nhiên, xu hướng trở thành mẹ muộn đó còn phụ thuộc theo từng trường hợp, yếu tố xã hội – nghề nghiệp và quốc gia xuất xứ. Khảo sát năm 2012 cho thấy những phụ nữ có bằng cấp cao có con đầu lòng ở độ tuổi trung bình 29,6, cao hơn những người có học thức thấp hơn hay không có bằng cấp đến bốn tuổi. Những người có con sớm nhất đa phần là phụ nữ di dân.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?