Tin Việt Nam – 30/03/2017

Tin Việt Nam – 30/03/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories
Tin Việt Nam – 30/03/2017

Nghị quyết chống treo cờ đỏ sao vàng ở San Jose

Cuối tháng 1 vừa qua, Hội đồng thành phố San Jose, bang California bỏ phiếu thông qua nghị quyết 3.8 chống lại việc treo cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam XHCN trên các cột cờ thuộc sở hữu của thành phố đồng thời công nhận là cờ vàng ba sọc của chính thể Việt Nam Cộng hòa là cờ đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại đây.
Nghị quyết này được thông qua với 11 phiếu thuận trên 0 phiếu chống.
San Jose đã trở thành thành phố đầu tiên trong vùng Vịnh San Francisco chống treo cờ đỏ sao vàng trên các cột cờ thành phố. Trước đây, thành phố Westminster đã thông qua một nghị quyết tương tự, nhưng chống việc treo cờ đỏ trong toàn thành phố này.
Nghị quyết 3.8 khi thông qua đã nhận được nhiều sự đồng tình, nhưng cũng có một số phản đối.
Trong cuộc thảo luận với Hồng Nga ghi hình hôm 11/3 tại San Jose, nghị viên Hội đồng thành phố Diệp Thế Lân giải thích tại sao ông ủng hộ, trong khi người đang muốn tranh cử nghị viên năm 2018 Chris Lê giải thích tại sao ông phản đối điều mà ông gọi là “đi ngược lại giá trị tư tưởng Hoa Kỳ”.

Tình trạng ‘sếp nhiều như nhân viên’

trong bộ máy hành chính Việt Nam

Trong những ngày cuối tháng 3, các đoàn giám sát của Quốc hội Việt Nam về cải cách bộ máy hành chính đã làm việc với một loạt các tỉnh. Đầu tháng này, các đoàn giám sát cũng làm việc với một số bộ.
Báo chí Việt Nam tường thuật rằng sau các cuộc làm việc này, các đoàn giám sát một lần nữa xác định rằng một số tỉnh, bộ có số lượng lãnh đạo đông bằng hoặc hơn nhân viên, một tình trạng đã tồn tại trong những năm gần đây và hiện chưa có dấu hiệu gì sẽ cải thiện.
Chưa có thống kê đầy đủ được công bố chính thức về tình trạng tại các bộ và các tỉnh, nhưng thông tin trên báo chí nêu lên những con số bị đánh giá là “khó coi”.
Tại Bộ Giao thông Vận tải, Vụ Pháp chế có 6 lãnh đạo, 8 chuyên viên; Vụ Tổ chức Cán bộ có 8 lãnh đạo, 14 chuyên viên, Cục Đường sắt 30 lãnh đạo, 72 chuyên viên. Nhiều đơn vị số lãnh đạo vượt cả số nhân viên, như Thanh tra Bộ có đến 20 lãnh đạo quản lý, trong khi chỉ có 18 chuyên viên và người lao động. Tương tự, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông có tỉ lệ lãnh đạo trên nhân viên là 41/31. Thậm chí Cục Quản lý Xây dựng Đường bộ có số lượng lãnh đạo gần gấp đôi nhân viên là 28/15.
Tình trạng ở Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không sáng sủa hơn. Tỷ lệ lãnh đạo so với chuyên viên, người lao động ở Vụ Tổ chức cán bộ 11/11, ở Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục là 20/26.
Trong số các tỉnh, Thanh Hóa gây chú ý vì có nhiều đơn vị có số lãnh đạo cao hơn nhân viên. Sở Tư pháp tỉnh có 25 lãnh đạo cấp phòng trở lên và chỉ có 18 công chức với một người lao động. Sở Tài nguyên và Môi trường có tới 6 phó giám đốc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến cuối năm 2016 có 5 phó giám đốc.
Không dừng ở đó, một số đơn vị của tỉnh chỉ có lãnh đạo mà không hề có nhân viên, như Qũy Bảo trợ Trẻ em chỉ có một cấp trưởng, một cấp phó và không có nhân viên. Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử cũng có một cấp trưởng và hai cấp phó.
Hai tỉnh khác được báo chí nhắc đến vì có vấn đề tương tự là Quảng Ninh và Hải Dương với các tít báo như “Đề nghị Quảng Ninh không để tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên” trên báo Tiền Phong, hay “Hải Dương: Lãnh đạo nhiều gấp 2 lần nhân viên” trên báo Người Lao Động.
Giải trình với đoàn giám sát của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Hải Dương nói việc bổ nhiệm cán bộ của họ là theo đúng quy định của chính quyền trung ương.
Lý giải về điều tưởng như là nghịch lý này, chuyên gia Đinh Duy Hòa viết trong một bài đăng trên trang VietnamNet: “Tỉnh quyết sở ấy có bao nhiêu biên chế, ví dụ sở A có 45 người. Theo quy định của trung ương, sở A được tổ chức 5 phòng. Như vậy tổng lãnh đạo của sở A sẽ gồm giám đốc sở, cộng 3 phó giám đốc sở, cộng 5 trưởng phòng, cộng 10 phó trưởng phòng, bằng 19 người (công chức lãnh đạo phòng tối đa là 3). Trong thực tế sẽ có phòng có 4 hoặc 5 biên chế, như vậy rõ ràng công chức lãnh đạo là nhiều hơn nhân viên, nhưng vẫn đúng quy định”.
Tất cả những chủ trương đó là những chủ trương mà ban bành thiếu khảo sát, cho nên đưa ra những chủ trương trên trời. Những quyết định, chính sách điều chỉnh mối quan hệ xã hội thì cần phải khảo sát, điều tra và nhất là cần phải hỏi các đối tượng đấy. Ban luật trên trời thì làm sao thực thi được. Đặt ra tổ chức là vì công việc, bố trí con người là vì việc chứ không vì người, nhưng cái đó cũng nói trên lý thuyết chứ không thực hiện được
Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Từng là Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ, đã nghỉ hưu năm 2014, chuyên gia Hòa cũng giải thích về công tác nhân sự ở cấp bộ trong bài viết của mình: “Mỗi bộ được tổ chức bao nhiêu vụ, cục; vụ nào được tổ chức bao nhiêu phòng [điều đó] được quy định trong nghị định của Chính phủ. Cái này thì bộ cũng như tỉnh đều chấp hành nghiêm chỉnh. Chuyện còn lại là của bộ: Quyết định vụ B bao nhiêu người, bổ nhiệm vụ trưởng và phó vụ trưởng, trưởng và phó trưởng phòng trong vụ (giả sử theo quy định của Chính phủ, vụ có 3 phòng thì công chức lãnh đạo của vụ sẽ là: 1 vụ trưởng, 3 phó vụ trưởng, 3 trưởng phòng và 6 phó trưởng phòng, [tổng cộng] bằng 13, trong khi biên chế chung cả vụ được duyệt là 18 hoặc 20). Cuối cùng lại là lãnh đạo nhiều hơn nhân viên mà vẫn đúng quy định”.
Ông Hòa cho rằng các cơ quan trung ương và địa phương làm đúng theo quy định hiện hành dẫn đến tình trạng “hòa cả làng”. Ông gợi ý rằng cách làm khác đi là nghiêm túc định nghĩa lại “những cái tưởng đơn giản như phòng là gì, vụ là gì, cục là gì, lúc nào thì tổ chức phòng, lúc nào thì tổ chức vụ, làm thế nào ra chính xác số lượng người trong một phòng, một vụ”. Chuyên gia này nhận định làm như vậy “sẽ ra ngay số lượng hợp lý lãnh đạo trong một phòng, một vụ”.
Từ góc độ từng là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, luật sư Trần Quốc Thuận ở thành phố Hồ Chí Minh nhận xét với VOA rằng cũng như nhiều luật khác, các quy định về bộ máy hành chính Việt Nam đã được xây dựng “thiếu cơ sở thực tế” nên dẫn đến lãnh đạo đông bằng hoặc hơn nhân viên. Ông nói:
“Tất cả những chủ trương đó là những chủ trương mà ban bành thiếu khảo sát, cho nên đưa ra những chủ trương trên trời. Những quyết định, chính sách điều chỉnh mối quan hệ xã hội thì cần phải khảo sát, điều tra và nhất là cần phải hỏi các đối tượng đấy. Ban luật trên trời thì làm sao thực thi được. Đặt ra tổ chức là vì công việc, bố trí con người là vì việc chứ không vì người, nhưng cái đó cũng nói trên lý thuyết chứ không thực hiện được”.
Tình trạng bộ máy hành chính các cấp có quá nhiều lãnh đạo làm cho nhiều người phải than trên mạng xã hội lẫn báo chí chính thống rằng “quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi”.
Theo số liệu trên báo chí trong nước, Việt Nam ước tính có 2,8 triệu cán bộ, công chức và viên chức. Bên cạnh đó là nhiều người đã nghỉ hưu và những người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Toàn bộ số người “hưởng lương và mang tính chất lương” lên tới 11 triệu người. Trong một cuộc phỏng vấn với một báo Việt Nam hồi giữa năm ngoái, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói “không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy”.
Việc tinh giản biên chế trong những năm gần đây ngày càng trở nên cấp bách ở Việt Nam. Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản đã ra một nghị quyết về vấn đề này hồi tháng 4/2015. Nhưng trên thực tế, các con số cho thấy dường như đang có diễn biến ngược chiều.
Tại một hội thảo về cải cách bộ máy hành chính nhà nước do đoàn giám sát của quốc hội tổ chức hồi cuối tháng 2, thông tin được công bố cho biết vào năm 2016, các cơ quan trung ương được giao quản lý 3.725.559 người. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/10/2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế là 3.734.302 người, vượt 8.743 người.
… hợp đồng nó sẽ loại những người vô tích sự ra. Thiếu gì giải pháp nhưng mà người ta không làm, bởi vì người ta quen cái thói là nói một đằng, làm một nẻo
Luật sư Trần Quốc Thuận
Luật sư Trần Quốc Thuận nói nhà nước Việt Nam đã đặt ra giải pháp là thay thế chế độ biên chế suốt đời bằng hợp đồng lao động, nhưng việc thực hiện còn chưa nghiêm chỉnh. Ông nói:
“Tất cả chuyển sang hợp đồng. Giờ những người đã làm lâu thì có thể hợp đồng 5 năm là dài nhất. Rồi 3 năm, 2 năm, 6 tháng. Tự nhiên cái hợp đồng nó sẽ loại những người vô tích sự ra. Thiếu gì giải pháp nhưng mà người ta không làm, bởi vì người ta quen cái thói là nói một đằng, làm một nẻo”.
Hội thảo về cải cách bộ máy hành chính nhà nước chỉ ra rằng vì có “tâm lý ngại va chạm” nên các cơ quan, tổ chức “chưa thực hiện nghiêm túc chủ trương về quản lý biên chế và tinh giản biên chế”. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện biên chế và quản lý biên chế “còn buông lỏng” và “chưa có chế tài cụ thể đủ mạnh”.

Đạo luật chế tài vi phạm nhân quyền

sẽ áp dụng thế nào với Việt Nam?

Ủy ban Cứu trợ Người Vượt biển (BPSOS) hôm 17/3 đã hoàn tất và đệ trình danh sách 168 tổ chức, cá nhân kể cả quan chức, vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam lên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để áp dụng các chế tài trừng phạt theo Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act).
Đạo luật được thông qua bởi cựu Tổng thống Barack Obama (23/12/2016) quy định các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân, tổ chức bị chính phủ Mỹ coi là đã tham gia các hoạt động tham nhũng hay vi phạm nhân quyền. Theo luật này, một số các Ủy ban của Hạ và Thượng Viện (bên lập pháp), hay bộ phận chuyên trách dân chủ, nhân Quyền và lao Động trong Bộ Ngoại Giao (bên hành pháp) đều có thể lập ra danh sách đề nghị chế tài. Nếu đề nghị được chấp thuận thì những cá nhân hay tổ chức có tên trong “sổ đen” sẽ bị đóng băng tài sản ở Hoa Kỳ cũng như bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Danh sách BPSOS vừa hoàn tất gồm có 5 giới chức thuộc chính quyền trung ương và 38 giới chức lãnh đạo cấp tỉnh. Số còn lại gồm các viên chức thừa hành cấp tỉnh hay lãnh đạo cấp địa phương. Ngoài ra, có một người đứng đầu một tập đoàn doanh nghiệp liên quan đến việc chính quyền dùng bạo lực để cưỡng chế đất của một xứ đạo Công Giáo năm 2010.
Tiến sĩ Nguyễn Đình thắng, Giám đốc điều hành BPSOS, cho VOA biết rằng ông và các cộng sự của mình đã điều tra, phối kiểm cũng như chuẩn bị danh sách này trong vào 3 năm liền, cho nên khi Đạo Luật này được áp dụng, BPSOS là tổ chức đầu tiên đệ trình danh sách chế tài liên quan.
Theo dự kiến, buổi họp báo mở đầu cuộc vận động áp dụng Luật Magnitsky Toàn Cầu đối với Việt Nam và một số quốc gia sẽ diễn ra trong tháng 4 tại Quốc Hội Hoa Kỳ và cuối tháng 6 sẽ diễn ra Ngày Vận Động thường niên cho nhân quyền Việt Nam. Quá trình vận động sẽ kéo dài đến tận cuối năm nay.
Tuy nhiên, với việc danh sách có tên nhiều quan chức chính quyền Việt Nam, đặc biệt có 5 lãnh đạo cấp cao, nhiều người nghi ngại rằng có thể chính phủ Hoa Kỳ sẽ né tránh và không đặt vấn đề nhân quyền lên trên lợi ích ngoại giao, thương mại giữa 2 nước.
Tiến Sĩ Thắng nói với quan ngại đó, trong năm đầu tiên khi lập danh sách đề nghị, tổ chức của ông cũng đã cố gắng hạn chế những nhân vật lãnh đạo quốc gia, nhưng mọi cuộc điều tra về đàn áp nhân quyền trầm trọng rốt cuộc cũng quay về các nhân vật chủ chốt.
“Nếu như chỉ cần một trường hợp bị đưa vào danh sách chế tài thì cũng đủ để tạo ra sự rúng động, quan tâm và chú ý trong giới lãnh đạo, trong các giới chức của Việt Nam,” Tiến sĩ Thắng chia sẻ.
Nhà hoạt động lâu năm tại khu vực thủ đô nước Mỹ này cũng hy vọng với Đạo Luật Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky, người dân trong nước sẽ thấy rằng “bây giờ quả thực có một công cụ để trừng phạt những người đàn áp nhân quyền một cách nghiêm trọng ở Việt Nam.”
Thông thường, thời gian để Bộ Ngoại Giao kết hợp với Bộ Ngân Khố và Bộ Tư Pháp mở cuộc điều tra về các nhân vật có trong danh sách đề nghị là từ 6 đến 9 tháng.
Ngày 10/12 năm nay là hạn chót để các cơ quan này nộp bản phúc trình đầu tiên lên Tổng thống Hoa Kỳ.

Chuyên gia:

Việt Nam đầu tư hạ tầng nhiều nhưng kém hiệu quả

Việt Nam có thể là một trong các nước tại Châu Á đang dẫn đầu cuộc đua đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam đang đầu tư có hiệu quả và tình trạng tham nhũng có thể là một phần khiến chi tiêu đầu tư tăng cao, theo các chuyên gia kinh tế Việt Nam.
Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết đầu tư khu vực công và tư của Việt Nam vào cơ sở hạ tầng đạt mức trung bình là 5,7 phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những năm gần đây, cao nhất ở Đông Nam Á, và chỉ đứng sau mức 6,8 phần trăm của Trung Quốc. Indonesia và Philippines chi tiêu ít hơn 3 phần trăm trong khi Malaysia và Thái Lan thậm chí còn ít hơn, dưới mức 2 phần trăm.
“Chính phủ [Việt Nam] biết rằng nếu họ muốn cạnh tranh giành đầu tư thì mức lương thấp là chưa đủ,” Bloomberg dẫn lời Eugenia Victoriano, một nhà kinh tế tại Ngân hàng Australia & New Zealand ở Sinagapore, nói. “Họ cần cơ sở hạ tầng đủ tốt để thu hút các công ty tới xây dựng nhà máy. Sự phát triển tới giờ khá dàn trải, với sân bay và và đường sá được xây dựng khắp cả nước.”
Tuy nhiên, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản Quốc gia Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, nhận định tỉ lệ cao như vậy chưa chắc là đầu tư nhiều và có hiệu quả. Ông nêu ra khái niệm hệ số sử dụng vốn (ICOR), một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng GDP.
“[ICOR] của Việt Nam rất là cao, có những năm như là năm 2008-2009 thì lên tới 6-7 và hiện tại bây giờ cũng nằm ở mức trên 5,” ông giải thích. “Như vậy tức là các nước phát triển họ cần 3-4 đồng vốn thì Việt Nam cần 6-7 đồng vốn. Nếu mà so với các nước trong khu vực, ngay cả với Trung Quốc, thì đòi hỏi đồng vốn của Việt Nam rất là lớn. Họ chỉ 4 mà Việt Nam tới 6-7.”
Ông lưu ý rằng trong một số năm, nhất là dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chủ trương đẩy mạnh sản xuất và mục tiêu tăng trưởng GDP 10 phần trăm, tỉ lệ đầu tư trên GDP của Việt Nam có khi lên tới 40 phần trăm, nhưng tốc độ phát triển giảm chỉ còn 5-6 phần trăm từ mức 7-8 phần trăm.
“Hoặc là Việt Nam làm không hiệu quả hoặc là đầu tư bị ‘ăn’ đi,” Tiến sĩ Việt nhận định, nhắc tới tình trạng tham nhũng.
Theo tính toán của chuyên gia này dựa trên số liệu thống kê mà ông có, lượng tiền chuyển lậu từ Việt Nam ra nước ngoài vào năm 2013 là 8 tỉ đôla so với tổng đầu tư là 45 tỉ đôla, chiếm khoảng 17,8 phần trăm. Đó là chưa kể tới tiền tham nhũng được giữ lại trong nước, theo lời ông.
“Như vậy có thể nói là tham nhũng ở Việt Nam là cực kỳ lớn,” ông kết luận.
Theo Chỉ số Nhận thức Tham nhũng 2016 của tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam xếp thứ 112 trong tổng số 176 nước và vùng lãnh thổ được đánh giá về mức độ tham nhũng, đứng trên ba nước trong khu vực là Lào (123), Myanmar (136) và Campuchia (156).
Tiến sĩ Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, cũng bày tỏ lo ngại về việc Việt Nam đổ tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trả lời phỏng vấn của báo Đất Việt hồi gần đây, ông nói rằng điều này có thể đưa tới chỉ số tăng trưởng cao nhưng hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế cũng như hiệu quả tăng trưởng thực cho nền kinh tế sẽ “rất thấp.”
“Người ta vẫn nói ‘chạy chức, chạy quyền’ và ‘chạy dự án,’ nếu như vậy sẽ lại có những địa phương điên đảo chạy đua với dự án, chạy đua với công trình, chạy đua vốn. Và tất nhiên, đi cùng với đó là những cuộc chạy đua với chia chác lợi nhuận và tham nhũng ngày càng phức tạp hơn,” ông được dẫn lời nói.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt cũng nhắc tới một vấn đề khiến cho hiệu quả đầu tư thấp là việc Việt Nam mua sắm máy móc, thiết bị kém chất lượng từ Trung Quốc. Ông dẫn ra ví dụ là những dự án nhà máy nhiệt điện, xi măng và sắt thép do nhà thầu Trung Quốc thực hiện bị đội vốn, xây mãi không xong.
Chuyên gia kinh tế này cảnh báo với những dự án đầu tư kém hiệu quả như vậy, cùng với việc “đầu tư nhiều với ý đồ muốn ăn trong khi nước nghèo thì phải đi vay,” sẽ đẩy Việt Nam tới đến tình trạng nợ như chúa chổm.
“Khi mất khả năng trả nợ sẽ đưa kinh tế đến khủng hoảng,” ông nói.

Việt Nam

chỉ trích giải Phụ nữ Dũng Cảm vinh danh blogger “Mẹ Nấm”

Việt Nam hôm thứ Năm chỉ trích giải Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ vinh danh blogger và cũng là nhà hoạt động môi trường Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Bà Quỳnh thường được biết đến dưới bút danh “Mẹ Nấm”.
Bà Quỳnh, 37 tuổi, bị bắt giam hồi tháng 10/2016 về tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Bà là một trong 13 phụ nữ trên toàn thế giới được Đệ nhất Phu nhân Melania Trump trao Giải Phụ nữ Can đảm Quốc tế hôm thứ Tư.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nói việc trao giải cho một người bị điều tra vì vi phạm luật pháp Việt Nam là “không phù hợp và không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước”.
Việt Nam gần đây rất quan tâm đến việc thiết lập quan hệ với chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Như bất kỳ nước nào khác, Việt Nam sẽ mất mát nhiều khi ông Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.
Việt Nam ngoài ra đang tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông và vì vậy đã tăng cường liên minh với Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Barack Obama.
Giải thưởng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh bà Quỳnh vì “đã viết nhiều blog về các vấn đề môi trường và nhân quyền ở Việt Nam, đưa ra các luận cứ chặt chẽ để truyền cảm hứng cho thay đổi và minh bạch hơn”.
Mặc dù Việt Nam có những cải cách sâu rộng về kinh tế và ngày càng cởi mở đối với những thay đổi xã hội, trong đó có quyền của người đồng tính và chuyển giới, Đảng Cộng sản vẫn duy trì kiểm duyệt chặt chẽ với truyền thông và không khoan nhượng đối với những lời chỉ trích.

Công ty giấy Lee & Man gây ô nhiễm không khí

Người dân sống quanh khu vực nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang than phiền về mùi hôi thối, khói bụi do nhà máy này thải ra khi mới được đưa vào hoạt động thử nghiệm từ ngày 10/3 vừa qua cho đến nay.
Báo trong nước loan tin cho biết người dân than phiền rằng những ngày gần đây mùi khí lạ gây khó thở từ nhà máy này phát ra xuất hiện dày đặc hơn, làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Họ cũng yêu cầu cơ quan chức năng cần có biện pháp khắc phục kịp thời, thực hiện việc di dời cho các hộ dân sống gần nhà máy.
Nhà máy Lee & Man Việt Nam thuộc tập đoàn Lee & Man Hồng Kông – Trung Quốc. Tháng 10/2016 Tổng cục môi trường, Bộ tài nguyên Môi trường đã thanh tra và ra kết luận cho thấy nhà máy này sử dụng công nghệ cũ, với nhiên liệu là than chất lượng kém, chưa bố trí bể lắng, tách rác; chưa có phương án thu gom, xử lý nước thải theo đúng quy định.
Nhiều nhà môi trường và giới khoa học cảnh báo việc cho phép ra đời nhà máy giấy tại Hậu Giang như vừa nêu sẽ gây tác động bất lợi cho môi trường vùng sông nước Cửu Long của Việt Nam.

Người dân Hà Tĩnh biểu tình sang ngày thứ ba

Dân chúng xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục biểu tình sang đến ngày thứ ba phản đối chính quyền địa phương không công tâm trong việc kê khai bồi thường thiệt hại do thảm họa môi trường Formosa gây nên.
Tin mà chúng tôi ghi nhận được là đến 6 giờ chiều ngày 30 tháng 3 nhiều người dân vẫn còn biểu tình trước trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Thạch Bằng, cũng như trên đường gần đó đòi hỏi được gặp các cấp chính quyền để giải quyết những thắc mắc liên quan của người dân.
Một người tham gia biểu tình cho Đài Á Châu Tự do biết:
“Vào ngày 7 tháng 9 năm ngoái, họ đưa cho dân tờ kê khai và tất cả đều kê khai. Nhưng sau khi xét duyệt chỉ cho 1/3 thôi. Hồ sơ nộp tại Ủy ban Nhân dân xã khoảng 2500, nhưng chỉ xét duyệt chừng ¼ nên dân không đồng tình. Cách xét duyệt là ai quen thì duyệt còn không thì thôi.”
Người dân cho biết ngày đầu tiên xã cử đại diện ra gặp đoàn biểu tình, nhưng sang ngày hôm sau dân quân và công an được điều động đến bao vây, không cho người dân dùng điện thoại quay cảnh biểu tình. Đến ngày 30 tháng 3 Ủy ban Nhân dân xã Thạch Bằng đóng cửa không tiếp người dân.
Ngoài công tác kê khai không thỏa đáng như dân chúng tố cáo, hiện nay số hải sản, đặc biệt là sứa, mà những nhà được chính quyền yêu cầu thu mua khi xảy ra thảm họa môi trường xảy ra, nay hư thối, bốc mùi và những nơi này phải chịu đựng.
“Huyện, tỉnh Hà Tĩnh và các bộ ngành ở trung ương không giải quyết được cho số sứa đã quá hạn và hiện nay bốc mùi mà chúng tôi làm biết bao nhiêu đơn từ ra đến bộ, ngành trung ương nhưng không được giải quyết. Nay số đó phân hủy mà không biết đổ đâu và hằng ngày chúng tôi phải gánh chịu.”
Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa xả hóa chất độc hại ra biển từ tháng tư năm ngoái khiến hải sinh vật biển chết, gây tác động không chỉ đến ngư dân mà như phát biểu của người dân vừa rồi còn đối với dân chúng sống tại các vùng dọc ven biển của những tỉnh miền Trung Việt Nam.

Nông sản tồn kho vì Trung Quốc ngưng thu mua

Hàng loạt sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang bị ép giá và lâm vào tình trạng tồn hàng do phát triển tự phát và phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam cho biết những tháng đầu năm, đặc biệt là dịp giáp tết nguyên đán, giá thành thịt heo giảm sút mạnh do Trung Quốc bất ngờ ngừng mua khiến người dân phải chịu thua lỗ nặng. Hiện tại giá heo đã tăng lên nhưng không đáng kể và người dân vẫn chưa dám nuôi nhiều vào thời điểm này.
Gà lông trắng cũng bị giảm giá mạnh hồi đầu tháng 3 do số lượng gà quá nhiều mà Trung Quốc lại hạn chế mua. Hiện tại giá gà mới bắt đầu rục rịch tăng lên do nhu cầu tăng và gà Mỹ đang tạm dừng nhập khẩu.
Nhiều mặt hàng nông sản khác bị ảnh hưởng do Trung Quốc đột ngột ngừng mua, bị ép giá hoặc không tiêu thụ được dẫn đến tồn hàng như dưa hấu ở Sóc Trăng, chuối ở Đồng Nai, chanh dây ở Gia Lai…

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?