Tin khắp nơi – 29/03/2017


Tin khắp nơi – 29/03/2017

Đệ nhất phu nhân Melania Trump

sẽ trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm 2017

Đúng vào lúc 11 giờ sáng nay 29/3 tại thủ đô Washington DC, tức 10 giờ tối thứ Tư 29/3 giờ Việt Nam, Đệ nhất phu nhân Melania Trump và thứ trưởng ngoại giao phụ trách Chính trị sự vụ, Thomas Shannon sẽ chủ trì buổi lễ vinh danh, trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm cho 13 phụ nữ trên thế giới.
Trong số những phụ nữ dũng cảm được chính phủ Hoa Kỳ vinh danh lần này có Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh của Việt Nam.
Buổi lễ sẽ được truyền hình trực tiếp tại trang web của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ www.state.gov.
Quý khán thính giả cũng có thể xem trực tiếp qua đường link trên trang facebook của Đài Á Châu Tự Do
Giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm của Hoa Kỳ nhằm tôn vinh những phụ nữ tỏ rõ lòng can đảm, nghị lực và khả năng lãnh đạo trong công cuộc giúp tăng tiến cuộc sống của những người khác trên khắp thế giới.
Lễ trao giải thưởng được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tổ chức long trọng như là một cơ hội đặc biệt nhằm thu hút quan tâm của quốc tế và hổ trợ cho những phụ nữ dám hy sinh cuộc sống và an nguy bản thân vì sự tiến bộ của cộng đồng

Một tài xế đâm vào xe cảnh sát ở Quốc hội Mỹ đã bị bắt

Cảnh sát ở thủ đô Washington của Mỹ nói một tài xế đã đâm vào xe cảnh sát của Điện Capitol tức Quốc hội Hoa Kỳ vào sáng thứ tư và đã bị bắt.
Tin nói có nổ súng vào chiếc xe. Các con phố gần Điện Capitol đã bị chặn lại.
Dự kiến thông tin chi tiết về vụ việc sẽ tiếp tục được công bố.

CBS: Mức ủng hộ ông Trump không đổi

sau thất bại Obamacare

Mức ủng hộ dành cho ông Donald Trump trong việc điều hành đất nước vẫn duy trì ở mức trên dưới 40% từ khi ông đảm nhiệm chức Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 1 năm nay, nhờ vào sự ủng hộ nhiệt tình của những người theo đảng Cộng hòa. Thành phần này tin rằng sự thất bại trong nỗ lực nhằm thay thế Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá Phải chăng – Obamacare, không phải là lỗi của ông Trump.
Một cuộc thăm dò mới đây do CBS News thực hiện từ ngày 25 đến 28/3, cho thấy 40% người Mỹ được phỏng vấn ủng hộ thành tích hoạt động của ông Trump, con số này nhìn chung không thay đổi so với mức 39% vào cuối tháng 2 và mức 40% hồi đầu tháng 2.
Những người theo đảng Cộng hòa tham gia cuộc thăm dò cho rằng dự luật thay thế Obamacare không được lòng công chúng là lý do của sự thất bại của dự luật này, chứ không phải vì Tổng thống Trumpxử lý vấn đề thực thi một trong những cam kết chủ yếu của ông khi ra tranh cử.
49% đối tượng thăm dò cho rằng dự luật thay thế Obamacre của đảng Cộng hòa thất bại vì “nó không được công chúng ưa thích”, so với 41% người theo Đảng Cộng hoà có câu trả lời tương tự. 34% người theo đảng Cộng hòa cho rằng dự luật này không được ủng hộ đúng mức vì “những người bên đảng Dân chủ không chịu thỏa hiệp”. Chỉ có 14% trong tổng số đối tượng nói chung có câu trả lời như vậy.
40% người Mỹ, trong đó có 67% người theo đảng Dân chủ, tin rằng Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 với mục đích giúp ông Trump đắc cử. Chỉ có 13% người theo đảng Cộng hòa đồng ý với đánh giá đó.

Tỉnh trưởng ở Afghanistan nói

triển khai thủy quân lục chiến Mỹ sẽ đẩy lùi Taliban

Các quan chức Afghanistan bày tỏ tin tưởng rằng kế hoạch triển khai khoảng 300 binh sĩ thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ giúp các lực lượng địa phương đảo ngược những thắng lợi của phe nổi dậy ở tỉnh Helmand.
Được không quân yểm trợ, Quân đội Quốc gia Afghanistan đã tăng cường các chiến dịch tấn công ở Helmand, tỉnh trồng cây thuốc phiện lớn nhất ở miền Nam Afghanistan, sau khi Taliban chiếm trung tâm huyện Sangin, một địa điểm có tầm quan trọng chiến lược, hồi tuần trước, mặc dù các giới chức chính phủ Afghanistan vẫn chưa công nhận tin này.
Tin cho hay các lực lượng Afghanistan đã phát động các cuộc hành quân trong đêm, giết chết hàng chục phiến quân và phá hủy một số xưởng sản xuất ma túy tại Helmand.
Tỉnh trưởng Hayatullah Hayat nói các lực lượng an ninh quốc gia đã chuẩn bị trước, và năm nay được bố trí tốt hơn để đánh bại quân Taliban. Họ đã đuổi sạch quân Taliban tạicác khu vực quanh Lashkargah, thủ phủ của tỉnh Helmand, và các khu vực lân cận.
Ngũ Giác Đài tuyên bố vào tháng 1 sẽ triển khai một lực lượng đặc nhiệm gồm khoảng 300 binh sĩ thủy quân lục chiến trở lại Helmand sau những thắng lợi quân sự của phe nổi dậy khiến các lực lượng Afghanistan chịu thương vong lớn trong mùa chiến sự 2016.
Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ sẽ trở lại khu vực mà trong nhiều năm họ đã tham chiến vào những trận đánh ác liệt và chết chóc với Taliban. Đây sẽ là lần triển khai đầu tiên kể từ năm 2014 khi các lực lượng chiến đấu quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đã rút khỏi Afghanistan.

TT Trump ra lệnh sửa đổi luật môi trường của cựu TT Obama

Tổng thống Donald Trump đang thay đổi các chính sách của chính quyền Tổng thống Obama về khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Một lệnh hành pháp được ký hôm thứ Ba 29/3 nhắm vào các quy định về khí thải từ nhà máy điện và các chính sách khác mà chính quyền của ông Trump đổ cho là đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Các nhóm bảo vệ môi trường nói rằng tổng thống bất chấp mối đe dọa nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu và họ dự tính sẽ chống lại các chính sách mới của Tổng thống Trump.
Tổng thống Trump ra lệnh soạn thảo lại các luật lệ và quy định nhằm cắt giảm khỉ thải gây hiệu ứng nhà kính từ các nhà máy điện ở Mỹ. Ông nói mục tiêu là để mang công việc làm trở lại.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phát biểu: “Có lẽ không có một quy định nào đe dọa người lạo động hầm mỏ, người lao động ngành năng lượng và các công ty của chúng ta cho bằng quy định tấn công phá nát ngành công nghiệp của Mỹ.”
Chính quyền của cựu Tổng thống Obama đặt ra mục tiêu cho đến năm 2030 sẽ cắt giảm lượng khí carbon dioxide từ các nhà máy điện thải ra xuống một phần ba so với mức của năm 2005.
Lệnh hành pháp của Tổng thống Trump ký hôm thứ Ba cũng bãi bỏ một số quy định về sản xuất than đá, dầu hỏa và khí đốt, và giảm nhẹ vai trò của biến đổi khí hậu trong các quy định khác của chính phủ liên bang.
Lệnh hành pháp về khí hậu này được ban hành tiếp theo sau một lệnh khác về việc xem xét thay đổi các quy định nghiêm ngặt của chính quyền Obama về mức chuẩn hiệu suất nhiên liệu của xe cộ.
Giám đốc ngân sách của Tòa Bạch Ốc, ông Mick Mulvaney, nói đề xuất ngân sách của Tổng thống Trump nhắm cắt giảm ngân khoản cấp cho các chương trình về biến đổi khí hậu của các cơ quan chính phủ liên bang.
Ông Mulvaney nói: “Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, tôi cho rằng quan điểm tổng thống khá rõ ràng. Chúng tôi sẽ không chi thêm ngân sách cho vấn đề này nữa. Chúng tôi xem đó là việc lãng phí ngân sách.”
Chính quyền của Tổng thống Trump không đồng ý với sự nhất trí của các nhà khoa học rằng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người làm ra đang làm hành tinh của chúng ta ấm dần lên một cách nguy hiểm.
Ông Tomas Carbonell, trưởng ban chính sách của Quỹ Bảo vệ Môi trường , nói chính phủ liên bang có nghĩa vụ ngăn chặn tình trạng đó.
Ông Carbonell nói: “Tối cao Pháp viện đã chủ trì ba phiên thảo luận rằng Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) có thẩm quyền và trách nhiệm theo Đạo luật Không khí Trong sạch để đối phó với mối đe dọa của khí hậu biến đổi.”
Các nhà quản lý sẽ phải đặt ra những quy định mới để thay thể những quy định cũ mà tổng thống đã bãi bỏ. Các nhóm bảo vệ môi trường dự trù sẽ thách thức những thay đổi đó tại tòa án.
Lệnh hành pháp này không rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước khí hậu Paris. Nhưng các chuyên gia nói rằng Hoa Kỳ trông có vẻ ngày càng ít muốn đạt đến những mục tiêu được mà hiệp ước khí hậu Paris đề ra.

Đảng Cộng Hòa ra dấu

sẽ tiếp tục tìm cách cải cách bảo hiểm y tế

Các thành viên đảng Cộng Hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ ra dấu hiệu cho thấy họ vẫn quyết tâm theo đuổi nỗ lực cải cách hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia sau khi thất bại trong việc huỷ bỏ chương trình bảo hiểm y tế mang dấu ấn của cựu Tổng thống Barack Obama vào tuần trước.
Giới lãnh đạo tại Hạ viện đã chọn phương án không biểu quyết dự luật bảo hiểm y tế khi nhận thức ra rằng dự luật của đảng Cộng hòa không đoạt được đủ đa số phiếu cần thiết để có thể được thông qua. Một số người chống đối lo ngại dự luật này sẽ khiến quá nhiều người mất bảo hiểm y tế, trong khi những người khác cho rằng dự luật chưa đủ quyết liệt để cải cách Obamacare.
Hôm thứ Ba, sau cuộc họp với các nhà lập pháp đảng Cộng hòa, Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan nói rằng các thành viên đã sẵn sàng “cùng làm việc và cùng nhau lắng nghe.”
Ông Ryan nói: “Công việc này quá hệ trọng. Obamacare đang gây quá nhiều thiệt hại cho các gia đình và vì vậy chúng ta sẽ làm tốt việc này. Trong khi chờ đợi, chúng ta sẽ làm tất cả những công việc khác mà chúng ta đến nơi này để thực hiện”.
Dân biểu Kevin McCarthy, lãnh đạo khối đa số của Hạ viện, cũng tỏ ra lạc quan, nói rằng phe Cộng hòa sẽ thực thi lời hứa của mình là sẽ bãi bỏ và thay thế Obamacare.
Ông McCarthy nói: “Sau buổi hội thảo, tôi cảm thấy tự tin hơn rằng chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ cải cách bảo hiểm y tế.”
Trong phản ứng đầu tiên của ông trước sự thất bại của dự luật cải cách y tế hôm thứ Sáu, Tổng thống Donald Trump nói ông sẵn sàng quay sang các ưu tiên khác như cải cách thuế. Nhưng ông tiếp tục chỉ trích hệ thống bảo hiểm y tế hiện hành và hôm thứ Ba ông nói chắc chắn sẽ có những cải cách trong lĩnh vực này.
Trong một cuộc tiếp tân tại Tòa Bạch Ốc với quan khách gồm các thượng nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, ông Trump nói:
“Tôi biết rằng tất cả chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận để cải cách bảo hiểm y tế. Đó là một điều dễ dàng, tôi tin chắc rằng điều đó sẽ xảy ra rất sớm.”
Cả ông Trump lẫn các nhà lãnh đạo tại Hạ viện đều không ra một dấu hiệu nào cho thấy khi nào sẽ có một dự luật bảo hiểm y tế mới. Bên cạnh những tuyên bố có vẻ tích cực của họ hôm thứ Ba, vẫn có những tín hiệu trái ngược về mức độ ưu tiên mà đảng Cộng hòa dành cho vấn đề bảo hiểm y tế ngay tại thời điểm này.

Mỹ siết chặt xổ số thị thực, Châu Á hưởng lợi

Chương trình thị thực không định cư H1-B dành cho lao động có trình độ đặc biệt làm việc cho các công ty ở Hoa Kỳ trong các lĩnh vực mà lao động địa phương không thể đáp ứng được. Tuy nhiên vì có nhiều người nộp đơn để xin cấp thị thực loại này, nên chính phủ Hoa Kỳ đặt ra một chương trình xổ số thị thực nhằm xác định người được cấp visa.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, chương trình này trở nên khó khăn hơn, nhằm hướng tới việc buộc các công ty nội địa thuê lao động Mỹ.
Giới hữu trách di trú Hoa Kỳ loan báo rằng dịch vụ xét duyệt ưu đãi cho thị thực H-1B, qua đó cho phép người nộp đơn trả thêm 1.225 đô la để yêu cầu được xét duyệt nhanh hơn, sẽ ngưng trong năm nay.
Những lao động bị từ chối thị thực H1-B, vốn có tay nghề cao cộng với nền tảng kiến thức từ du học Mỹ, quay về làm việc tại các nước Châu Á do cơ hội tăng cao ở khu vực này.
Xác suất được ‘trúng số’ visa H-1B thấp cộng với nỗi lo từ chính sách siết chặt nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump đang giúp Trung Quốc thu hút nhiều nhân tài trở về nước.

Bảo vệ di dân bất hợp pháp sẽ bị cắt tài trợ?

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions hôm thứ hai kêu gọi công dân Mỹ nên tuân thủ luật di trú. Tuy nhiêncác biện pháp gắt gao đối với di dân không có giấy tờ mà nhiều người Mỹ cho là vô nhân đạo, đang gặp sự chống đối rộng rãi trong công chúng. Thông tín viên Zlatica Hoke của VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây.
Các cuộc biểu tình lẻ tẻ chống việc trục xuất di dân đã diễn ra trên khắp nước. Một số chính trị gia công khai lên tiếng phản đối, như nghị viên Raphael Anchia thuộc Đảng Dân chủ ở bang Texas:
“Các vụ trục xuất gây sợ hãi trong cộng đồng chúng tôi… cả cộng đồng di dân lẫn cộng đồng rộng lớn hơn. Các vụ trục xuất di dân làm cho chúng tôi cảm thấy như thể mình đang bị tấn công. Các bạn nên lưu ý rằng điều này xảy ra tiếp theo sau những phát biểu của vị Tổng Tư lệnh Quân đội Mỹ, ông Donald Trump, gọi người Mexico là những kẻ hiếp dâm và những kẻ tội phạm,”.
Nhiều trường học, nhà thờ và cả một số thành phố đã tuyên bố sẽ là nơi ẩn náu cho những người di dân không có giấy tờ. Như nhà thờ Thánh Luke ở Buffalo, bang New York. Mục sư Justo Gonzalez phát biểu:
“Chúng tôi sẽ mở rộng cánh cửa, chúng tôi sẽ cung cấp nơi tạm trú, thực phẩm và phương tiện để họ cảm thấy được an toàn và yên bình.”
Tuy nhiên Bộ trưởng Tư pháp Sessions hôm Thứ Hai khuyến cáo người dân Mỹ rằng không trục xuất người nước ngoài sau khi họ bị kết án và giam giữ vì một tội ác nào đó sẽ có những hậu quả nhất định.
“Ngoài ra, Bộ Tư pháp sẽ yêu cầu các đơn vị tài phán vận động hoặc nộp đơn yêu cầu Bộ Tư pháp chứng nhận việc tuân thủ điều khoản 1373 của Luật pháp Hoa Kỳ, như một điều kiện để được tưởng thưởng như vậy.”
Nguy cơ bị cắt tài trợ của liên bang đã khiến một số thành phố từ bỏ ý định thành lập những khu an toàn để bảo vệ di dân.
Ông Carlos Gimenez, Thị trưởng quận Miami-Dade ở bang Florida nói:
“Điều quan trọng là chúng tôi không nên can dự vàođó bởi vì chúng tôi không muốn đối mặt với nguy cơ bị cắt tài trợ liên bang- ngân khoản mà chúng tôi đang nhận được bây giờ và số tiền mà chúng tôi có thể nhận được trong tương lai”.
Tuy nhiên phản ứng này không đồng bộ. Bang Maryland, kế cận thủ đô Washington, đang cân nhắc một dự luật sẽ khiến toàn bộ tiểu bang này trở thành nơi an toàn cho người di dân. Ông Sessions nói làm như vậy sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.
“Tôi khẩn thiết kêu gọi cư dân Maryland hãy hiểu cho rằng điều này sẽ khiến tiểu bang của họ dễ gặp nguy cơ bạo lực và tội phạm hơn, đây không phải là chính sách hay ho”.
Vào tháng trước, Tổng thống Donald Trump nói với Quốc hội rằng chính quyền của ông đang đáp lại lời kêu gọi của nhân dân Mỹ yêu cầu chính phủ thực thi luật di trú và bảo vệ an ninh biên giới.
Tổng thống Donald Trump nói:
“Bằng cách thực thi luật di trú, chúng ta sẽ có thể tăng thu nhập, giúp đỡ người thất nghiệp, tiết kiệm hàng tỷ đô la và làm cho cộng đồng của chúng ta trở nên an toàn hơn cho tất cả mọi người.”
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói các khu vực pháp lý tìm cách bảo vệ những kẻ phạm tội hành hung, trộm cắp, tội ma túy, hãm hiếp và giết người, đẩy cả cộng đồng vào tình trạng lâm nguy, trong đó có cả các cộng đồng di dân.

Hiền tế của Tổng thống Trump

lãnh đạo ‘Văn phòng Canh tân Mỹ quốc‘

Cố vấn cấp cao của Tòa Bạch Ốc, ông Jared Kushner đồng ý điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện về các liên hệ của ông với Nga trong thời gian diễn ra cuộc vận động tranh cử tổng thống hồi năm ngoái và trong giai đoạn chuyển đổi chính phủ. Tổng thống Donald Trump lại vừa giao thêm cho hiền tế trẻ một nhiệm vụ mới trong lịch công tác vốn đã dầy đặc.
Nhà đầu tư bất động sản đời con của tổng thống, phu quân của ái nữ Ivanka Trump, nay sẽ lãnh đạo Văn phòng Canh tân Nước Mỹ mới được thành lập của Tòa Bạch Ốc.
Văn phòng này sẽ tìm cách điều hành chính phủ liên bang trông giống như một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Văn phòng mới này sẽ hoạt động tách biệt với Tây Cung đầy quyền lực của Tòa Bạch Ốc. Nhân sự của Văn phòng Canh tân này gồm các cựu lãnh đạo các tập đoàn kinh tế như Microsoft, General Motors hay ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã gạt qua những câu hỏi liệu ông Kushner, 36 tuổi, một người mới tham gia công việc chính phủ, có đủ năng lực để lãnh đạo Văn phòng Canh tân Nước Mỹ hay không.
Nhiều nhiệm vụ nặng nề khác cũng đã được giao cho ông Kushner, bao gồm tiến trình hòa bình Trung Ðông và cố vấn cho nhạc phụ về các nước như Trung Quốc và Mexico.
Phát ngôn viên Sean Spicer nói: “Nếu quý vị từng thực sự làm việc với chính phủ và nhận thấy nhiều bộ phận trong đó đã lỗi thời và không được canh tân như thế nào, và thực trạng đó không thể phục vụ nhân dân Mỹ hiệu quả được. Nhiều bộ phận ban ngành không phục vụ cử tri Mỹ. Và theo tôi, tìm cách mang lại những cái mới, cụ thể là mang lại những công nghệ mới là điều quan trọng.”
Thách thức vẫn bao trùm. Ông Stephen Goldsmith, chuyên gia của Trung tâm Canh tân và Quản trị Dân chủ thuộc Trường Kennedy của Đại học Harvard, nói với đài VOA:
“Có nhiều vấn đề hành chánh nặng nề, nhiều chuyện liên quan đến Quốc hội, và nhiều vấn đề phức tạp, nhưng có một nỗ lực canh tân được điều khiển từ cấp cao nhất của chính phủ, như rõ ràng trong trường hợp này, theo tôi sẽ mang lại hy vọng là có thể tạo được một sự đổi khác.”
Văn phòng mới, theo ủy nhiệm vừa được công bố, sẽ nhắm mục tiêu “cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Mỹ” và “thúc đẩy kiến tạo công văn việc làm.”
Các giới chức nói rằng văn phòng này cũng sẽ đề nghị các ban ngành chức năng nào của chính phủ cuối cùng nên tư nhân hóa.

Đài Loan tự làm tàu ngầm chống Trung Quốc

Đài Loan đang theo đuổi việc nâng cấp lực lượng vũ trang trong lúc người dân đang lo lắng về hành động giương oai diễu võ của Trung Quốc trong giai đoạn bế tắc chính trị hiện nay trên đảo quốc này.
Tuần trước, hải quân Đài Loan đã ký một bản ghi nhớ với hai công ty trong nước về việc phát triển tàu ngầm trong bốn năm tới. Người phát ngôn Bộ quốc phòng Đài Loan cho biết chi phí làm các tàu ngầm, vốn lý tưởng để chiến đấu chống lại kẻ thù mạnh hơn, có thể lên tới 85,8 triệu đôla, mặc dù giá cả cuối cùng chưa được xác định.
Tham vọng tự thiết kế tàu ngầm của Đài Loan thành hình một phần là do Trung Quốc gây áp lực với các nước, không cho họ bán vũ khí cho đảo quốc này. Tuần trước, Tổng thống Đài Loan gọi dự án tàu ngầm là “mặt thách thức lớn nhất” trong kế hoạch mở rộng nhằm củng cố ngành công nghiệp quốc phòng độc lập, theo truyền thông địa phương.
Theo dữ liệu của GlobalFirePower, Đài Loan hiện đang vận hành hai tàu ngầm Hai Lung do Hà Lan thiết kế, được mua lại vào đầu những năm 1980, và hai tàu ngầm lớp Guppy II có từ năm 1946. Trung Quốc có lực lượng vũ trang hùng mạnh thứ ba trên thế giới, trong khi Đài Loan đứng ở vị trí thứ 19.
Hải quân Ðài Loan chưa quyết định sẽ chế tạo bao nhiêu chiếc tàu ngầm trong thỏa thuận ký hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết.
Nhà lập pháp cấp cao Đài Loan Lí Quân Nghị cho biết: “Trước đây, Đài Loan có công nghệ đóng tàu, chúng tôi hy vọng sẽ tận dụng được ngành công nghiệp trong nước”. Ông nói thêm: “Chúng tôi hy vọng chúng tôi có thể dùng dự án đóng tàu ngầm để khuyến khích các ngành công nghiệp trong nước, và dĩ nhiên là giúp cho ngành công nghiệp quốc phòng của Đài Loan.”
Đài Loan trông cậy vào Mỹ
Trong một diễn tiến khác, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể sẽ chấp thuận bán vũ khí tân tiến cho Đài Loan trong nửa đầu năm nay, theo truyền thông Washington.
Bà Sonia Urbom, người phát ngôn của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), nói: “Nếu không nói đến bất kỳ trường hợp cụ thể nào, chúng tôi có thể nói rằng theo chính sách lâu dài của Mỹ, việc bán vũ khí cho Đài Loan… dựa trên đánh giá nhu cầu quốc phòng của Đài Loan.” AIT là văn phòng đại diện không chính thức cho lợi ích của Hoa Kỳ ở Đài Bắc.
“Vũ khí phòng thủ rất cần thiết cho an ninh của Đài Loan,” bà Lý nói. “Chúng tôi mong muốn có vũ khí phòng thủ. Tất cả chúng tôi cũng hy vọng Hoa Kỳ sẽ bàn thảo kỹ càng hơn về quân sự và sẽ thông qua gói vũ khí này càng sớm càng tốt để Đài Loan có thể đưa chúng vào hoạt động càng sớm càng tốt.”
Hôm thứ Hai, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Trần Trung Cát cho biết chính phủ sẽ hối thúc Washington bán vũ khí cho Ðài Loan.

Bão Debbie đổ bộ vào Úc, hàng chục nghìn người sơ tán

Một cơn lốc xoáy dữ dội đã tiến vào khu vực đông bắc nước Úc hôm 28/3 trong khi các giới chức cảnh báo về sức tàn phá của gió lớn và mưa lụt.
Bão Debbie ập vào đất liền gần bãi biển Airlie vào giữa ngày 28/3. Bão đã suy yếu đi trong ngày nhưng vẫn có sức gió lên tới 155km/h vào đêm 28/3.
Thủ hiến bang Queensland Annasctacia Palaszczuk nói “Hơn 45.000 căn nhà đã mất điện và nhiều cây lớn bị đổ. Đây là một trận bão nguy hiểm. Mọi người nên ở trong nhà.”
Giám Đốc Cảnh sát bang Queensland Ian Stewart nói người dân cần chuẩn bị tinh thần để đón nhận thêm tin tức về những tổn thất, các trường hợp bị thương và có thể tử vong do trận bão gây ra.
Ngay sau khi tâm bão Debbie tiến vào đất liền, Cơ quan dự báo Thời tiết của Úc ghi nhận sức gió mạnh 262km/h gần đảo Hamilton, nơi nhiều khách du lịch tạm trú trong các khách sạn.
Hàng chục nghìn người sinh sống dọc theo bờ biển phải sơ tán tới các vùng cao hơn.
Các nhà dự báo thời tiết cho biết bão Debbie có thể trút những lượng mưa lớn, có nơi cao đến 50cm. Họ cảnh báo rằng mưa có thể dẫn đến lụt lội nghiêm trọng khi nước sông tràn bờ trong tuần này.
Tâm bão dự kiến sẽ tiến sâu khoảng 50km vào đất liền vào sớm ngày 29/3 với sức gió ít nhất lên tới 125km/g.

Thi thể Kim Jong Nam vẫn ở Malaysia

Bộ trưởng Y tế Malaysia Subramaniam Sathasivam hôm 28/3 cho biết xác của ông Kim Jong Nam đang ở Kuala Lumpur, trong khi có tin cho biết thi thể của người anh cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ sớm được đưa về nước.
Theo Reuters, trọng tâm của các cuộc thương lượng là nhằm giải quyết xung đột ngoại giao giữa 2 chính phủ từng có quan hệ hữu nghị với nhau xoay quanh việc Malaysia sẽ làm gì với xác chết của ông Kim Jong Nam, và chính quyền Malaysia quyết liệt tới đâu trong việc truy lùng 3 người đàn ông Bắc Hàn bị tình nghi có dính líu trong vụ án mạng. Ba người này được tin là đang trốn trong đại sứ quán Bắc Triều Tiên.
“Chúng tôi cần kiểm tra với phòng giảo nghiệm xem liệu có cần mang xác ông Kim ra khỏi nơi này hay không, nhưng cho tới lúc này thì về phía chúng tôi, tình hình không có gì thay đổi.”
Subramaniam Stathasivam, bộ trưởng Y tế Malaysia
Malaysia đang vận động để 9 người mang quốc tịch Malaysia bị cầm giữ ở Bình Nhưỡng được phóng thích sau khi Bắc Triều Tiên ban hành lệnh cấm du hành đối với những người Malaysia muốn rời khỏi Bắc Triều Tiên vì giận dữ với những nghi hoặc xoay quanh cuộc điều tra của cảnh sát Malaysia.
Để đáp trả, Malaysia cũng ban hành lệnh cấm du hành tương tự và kêu gọi Bắc Triều Tiên lập tức thả tất cả các công dân nước họ.
Có những đồn đoán cho rằng hai bên đã đạt một số thỏa thuận hôm 27/3 và truyền thông tường thuật thi thể của ông Kim Jong Nam đã được đưa từ bệnh viện tới một nhà tang để được chuẩn bị đưa lên máy bay trực chỉ Bắc Kinh.
Tờ New Straits Times của Malaysia hôm 28/3 cho biết dự kiến thi thể của ông Kim Jong Nam sẽ được đưa từ Bắc Kinh về lại Bắc Triều Tiên.
Mặc dù vậy Bộ trưởng Y tế Malaysia nói tình hình vẫn không có gì thay đổi.
“Chúng tôi cần kiểm tra với phòng giảo nghiệm xem liệu có cần mang xác ông Kim ra khỏi nơi này hay không, nhưng cho tới lúc này thì về phía chúng tôi, tình hình không có gì thay đổi.”
Ông Subramaniam nói bộ Y tế Malaysia không thể làm gì với xác của ông Kim cho tới khi nhận được chỉ thị từ “những người có trách nhiệm.”
Bộ trưởng Y tế Malaysia nói “Thân nhân trực hệ của ông Kim Jong Nam chưa tới để giúp chúng tôi quyết định nên làm gì với xác của ông.”
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói bà có biết về tin liên quan tới những thương lượng giữa Malaysia và Bắc Triều Tiên, nhưng bà không biết chi tiết.
Trong cuộc họp báo thường ngày, bà Hoa nói: “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể giải quyết vấn đề một cách thích nghi thông qua đối thoại và tham vấn.”
Bộ trưởng Y tế Malaysia nói các cuộc thảo luận giữa 2 bên đã được bộ Ngoại giao và văn phòng Thủ tướng tiến hành nhưng chính phủ Malaysia không bình luận gì về vụ việc này.
Các giới chức Mỹ và Hàn Quốc tố cáo chế độ Bắc Triều Tiên có can dự vào vụ ám sát ông Kim Jong Nam.
Hai phụ nữ, một người Indonesia và một người Việt Nam bị cáo buộc về tội giết người. Cả 2 nói họ đã bị lừa để tham gia vụ giết ngời mà các giới chức Mỹ và tình báo Hàn Quốc nói là do gián điệp của Bắc Triều Tiên dàn xếp.

Thủ tướng Anh ký thư kích hoạt Brexit

Thủ tướng Anh Theresa May vừa ký thư thông báo chính thức rằng Anh Quốc sẽ bắt đầu quá trình rời Liên hiệp châu Âu.
Thư được gửi cho ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ngày thứ Tư 29/3 theo giờ London.
Trong bài diễn văn tại Hạ viện sau đó, thủ tướng sẽ nói các nghị sĩ rằng đây là “thời điểm để nước Anh đoàn kết”.
Động thái này theo sau cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2016 với kết quả là người dân chọn rời EU.
Thư của bà May sẽ được ông Tim Barrow, Đại sứ Anh tại EU chuyển cho ông Tusk vào lúc 12:30 giờ địa phương hôm 29/3.
Thủ tướng, người sẽ chủ trì cuộc họp nội các vào buổi sáng, sau đó sẽ đọc diễn văn xác nhận việc đếm ngược đến thời điểm rời EU của Anh.
Bà sẽ cam kết “đại diện cho mỗi người trong Vương quốc Anh” trong các cuộc đàm phán – gồm các công dân EU mà tình trạng cư trú thế nào tại Anh sau khi Brexit chưa được giải quyết.
“Quyết tâm của tôi là đạt được thỏa thuận đúng đắn cho mọi người ở nước Anh”, bà nói.
“Vì, khi chúng ta đối mặt với những cơ hội phía trước của chúng ta trong cuộc hành trình quan trọng này, những giá trị, lợi ích và tham vọng của chúng ta có thể nối kết chúng ta lại với nhau.”
Các mốc sự kiện
29/3/2017 – Vương quốc Anh kích hoạt Điều 50
29/4 – Hội nghị thượng đỉnh EU với 27 lãnh đạo (không có Vương quốc Anh) đồng ý trao Ủy hội châu Âu nhiệm vụ thương lượng với Anh
Tháng 5 – Ủy hội châu Âu công bố Bản hướng dẫn đàm phán dựa trên sự ủy nhiệm của các nhà lãnh đạo EU. EU có thể tuyên bố khả năng đàm phán song phương về thỏa thuận thương mại EU – Anh trong tương lai
Tháng 5 / Tháng 6/2017 – Các cuộc đàm phán bắt đầu
23/4 và 7/5 – Bầu cử tổng thống Pháp
24/9 – Bầu cử Quốc hội Đức
Mùa thu 2017 – Chính phủ Anh dự kiến ​​chấm dứt quyền hạn của luật EU đối với Anh với “Dự luật Hủy bỏ Lớn”
Tháng 10/2018 – Mục tiêu hoàn tất các cuộc đàm phán
Từ tháng 10/2018 đến tháng 3/2019 – Quốc hội Anh, Hội đồng châu Âu và Quốc hội châu Âu bỏ phiếu về những thỏa thuận
Tháng 3/2019 – Vương quốc Anh chính thức rút khỏi Liên minh châu Âu (Các cuộc đàm phán Điều 50 có thể kéo dài, nhưng điều này phải được 27 quốc gia thành viên khác của EU chấp thuận)
Sir Tim Barrow, Phát ngôn viên của Phố Downing nói chính phủ Anh muốn quá trình đàm phán bắt đầu càng sớm càng tốt, nhưng “hoàn toàn hiểu rõ rằng 27 nước EU khác cần có thời gian để thống nhất lập trường của họ”.
Năm ngoái bà May nói bà sẽ thông báo cho EU về Brexit vào cuối tháng Ba. Việc này đã được Quốc hội thông qua hai tuần trước, với lưỡng viện chấp thuận cho phép bà thủ tướng bắt đầu quá trình.
Lãnh đạo châu Âu thì nói họ muốn hoàn tất đàm phán trong 18 tháng để các điều khoản có thể mang ra Quốc hội châu Âu và Quốc hội Anh thông qua, cũng như thông qua tại đa số các quốc gia EU như yêu cầu bắt buộc.
Bà Theresa May nói các dân biểu Anh sẽ có bỏ phiếu về các thỏa thuận mà bà đạt được sau này, nhưng ngay cả khi Nghị viện bác bỏ thì Anh Quốc vẫn rời khỏi EU.
Chính phủ Anh nói hy vọng đạt kết quả khả quan nhưng có khả năng sẽ không có thỏa thuận chính thức giữa các bên.

Trung Quốc và phiến quân gốc Hoa ở Myanmar

Bạo lực bùng phát tại vùng Kokang vì phiến quân gốc Hoa giao tranh với quân chính quyền Myanmar đặt lại câu hỏi về vai trò của Trung Quốc trong việc ổn định tình hình khu vực Tam Giác Vàng.
Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi cũng đang gặp khó khăn khi quá trình đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang sắc tộc.
Cùng lúc, giới quan sát tin rằng Trung Quốc có thể tác động đến phiến quân Kokang nhưng đang theo đuổi tính toán chính trị riêng của mình.
Theo tin AFP 15/03/2017 từ Yangon, quân chính phủ Myanmar cho hay có 28 thường dân và cảnh sát bị giết, và chừng 45-46 phiến quân Kokang thuộc Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia (MNDDA) thiệt mạng.
Hàng nghìn dân Kokang nói tiếng Hoa, vốn có gốc từ Vân Nam sang sinh sống tại Myanmar từ nhiều năm trước, đã bỏ chạy về bên kia biên giới.
Trung Quốc yêu cầu các bên ngay lập tức ngưng bắn.
Theo tin Reuters 14/03/2017, các nhóm phiến quân Kokang đã đóng giả cảnh sát Myanmar để tấn công các trạm gác của quân chính phủ bằng súng B-40 và các loại vũ khí bộ binh.
Reuters cũng cho hay có bảy xe bọc thép chở quân Trung Quốc đi về phía Tây, dọc vùng đồi núi giáp Myanmar.
Đây là vụ giao tranh bùng nổ trở lại sau lần xảy ra năm 2015.
Hồi đó, bom đạn rơi sang đất Trung Quốc làm chết năm công dân nước này.
Nhà quan sát Yun Sun tại Trung tâm Stimson ở Washington D.C. cho hay Bắc Kinh muốn đưa vấn đề Kokang vào đàm phán hoà bình với chính phủ Aung San Suu Kyi.
Tuy nhiên, phía quân đội Myanmar bác bỏ đề nghị đó và ra điều kiện các đơn vị Kokang chỉ có thể tham gia hội nghị hòa bình sau khi buông súng.
Theo bà Yun Sun, “Trung Quốc ngầm ủng hộ nhóm Kokang tham gia đàm phán nhưng không nói ra công khai.”
Một số nhà quan sát khác, như ông Jacod Shapiro, cũng từ Mỹ, thì tin rằng Trung Quốc đang dùng nhóm Kokang để gây ra khó khăn cho sáng kiến hòa bình của bà Aung San Suu Kyi.
Theo ông, Trung Quốc không muốn can dự trực tiếp vào chính trị các nước Đông Nam Á nên thường dùng các tác nhân địa phương để “gây bất ổn chính trị nội bộ” của láng giềng.
Kokang đến từ đâu?
Vùng Kokang thuộc bang Shan của Liên bang Myanmar có chừng 200 nghìn dân, trong đó 90% là người nói tiếng Hoa.
Trên thực tế, giới nghiên cứu cho rằng không hề có một sắc tộc nào gọi là Kokang mà đây chính là nhóm Hán (Han Chinese), từ Vân Nam chạy sang Myanmar từ cuối đời nhà Minh (thế kỷ 17).
Họ tự nhưng nhận là con cháu các chiến binh, những người Quả Cảm (Guogan) để phân biệt với các sắc tộc khác cũng từ Trung Quốc sang, và được người bản địa gọi là Kokang.
Sang thời thực dân Anh làm chủ Miến Điện, có khoảng 600 làng của người gốc Hoa ở cả vùng Kokang.
Đến thập niên 1950, tàn quân Quốc Dân Đảng chừng 1000 tay súng đã đóng lại ở đây, lập ra các nhóm vũ trang.
Sau đó, các nhóm khác từ Vân Nam xuống cùng làn sóng dân chúng bỏ nước Trung Quốc cộng sản đi sang Đông Nam Á khiến con số người Hoa ở Kokang và vùng Bắc Myanmar nói chung tăng lên cao.
Năm 1953, chính quyền Myanmar đã phải điều quân vào tấn công lực lượng trên 5000 tay súng Quốc Dân Đảng ở dọc sông Salween.
Trung Quốc ngầm ủng hộ nhóm Kokang tham gia đàm phán nhưng không nói ra công khaiBà Sun Yun
Các nhóm này sau đó tùy vào tình hình mà ký hòa ước với chính quyền nhưng vẫn kiểm soát địa bàn biên giới.
Nhà nước riêng?
Tuy thế, theo Myint Myint Kyu trong một tài liệu mang tên ‘Kokang – The rise of Chinese Minority: a New Neo-Liberal State’ thì một số đông người ở Laukkai, thủ phủ của Kokang, đến từ Trung Quốc sau năm 1989.
Lợi dụng chính sách kiểm soát biên giới quá lỏng lẻo của Myanmar, những người này lập làng và mở hàng quán buôn bán tại vùng ven sông Salween.
Họ tiếp tục theo các phong tục Trung Quốc và dùng tiếng Trung trong giao tiếp hàng ngày và thu lợi từ các hoạt động casino, buôn lậu xuyên biên giới.
Cũng có các nhóm Kokang di cư ra khỏi khu vực này để sang Thái Lan hoặc xuống vùng Hạ lưu Myanmar.
Những cộng đồng ở lại tiếp tục duy trì văn hóa Hoa và chỉ gửi trẻ em đến các trường tiếng Hoa chứ không học tiếng Miến Điện.
Đã có các đài truyền hình địa phương và sách báo tiếng Hoa xuất bản tại đây, phục vụ cho cộng đồng dân cư không dùng tiếng Miến Điện của Liên bang Myanmar.
Myint Myint Kyu, một người gốc Kokang, đã thừa nhận rằng vùng đất này, trên thực tế là ‘một nhà nước bên trong nhà nước’ Myanmar.
Quan hệ ngày càng chặt chẽ về buôn bán với Trung Quốc cũng đem lại tài lực cho các nhóm quyền lực địa phương,
Thủ lĩnh địa phương, Bành Gia Thanh (Peng Jiasheng, sinh năm 1931) từng là lãnh đạo của lực lượng vũ trang mang tên Quân đội Giải phóng Nhân dân Kokang.
Trong thập niên 1970, ông ta nhập nhóm này với Đảng Cộng sản Miến Điện để gia tăng thanh thế.
Nhưng đến năm 1989, nhóm của Bành Gia Thanh lại tách riêng ra và lấy tên là Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDDA) và hoàn toàn kiểm soát vùng Bắc của bang Shan.
Đàm phán với chính phủ trung ương để biến các đơn vị Kokang thành lực lượng biên phòng đã đổ vỡ năm 2009 và giao tranh lại rộ lên năm 2015.
Dù nhân vật Bành Gia Thanh, bị cáo buộc buôn ma tuý, đã trốn khỏi vùng này, xu hướng tự trị của Kokang vẫn còn.
Nhìn về lâu dài, chưa rõ cuộc xung đột Kokang sẽ diễn biến ra sao khi mà Trung Quốc vẫn không rõ ràng trong việc ủng hộ nhóm vũ trang tiếng Hoa, hay ủng hộ chính quyền Myanmar.

Giới trẻ ”thế hệ Putin” chống Putin

Cuộc biểu tình phản đối nạn tham nhũng và chế độ Putin trên gần 100 thành phố khắp nước Nga ngày Chủ nhật, 26/03/2017, gây bất ngờ đối với chính quyền. Đây là đợt biểu tình lớn nhất kể từ năm 2012, theo một số nhà quan sát. Điều nổi bật được giới quan sát ghi nhận đó là sự hưởng ứng của giới trẻ trước lời kêu gọi của lãnh đạo đối lập, một thế hệ trẻ trưởng thành chính trong thời kỳ cầm quyền của tổng thống Nga Putin, như hàng tựa của một bài viết trên Le Monde “Thế hệ Putin xuống đường” (1).
Theo nhà báo Nga Oleg Kachine (2), cùng với việc nhiều đô thị vốn được coi là “trì đọng” đã tham gia vào ngày phản kháng, việc đông đảo thanh thiếu niên dưới 18 tuổi hiện diện trong phong trào là điều mới mẻ thứ hai. Bởi những thiếu niên ấy đều sinh ra và lớn lên “dưới thời Putin”.
Cách nay một tháng, vào lúc đối lập tuần hành tại Matxcơva để tưởng niệm Boris Nemtsov, hai năm sau ngày ông bị sát hại năm 2015, người ta đã không thấy những người trẻ như vậy.
Nhật báo Nga có xu hướng tự do Moskovski Komsomolets châm biếm : cuộc tuần hành hôm Chủ nhật trên khắp đất nước khiến cho đợt kỷ niệm 19 năm ngày Putin lên nắm quyền bị “lỡ dở”.
Theo OVD-Info, một tổ chức phi chính phủ chuyên theo dõi các phong trào phản kháng tại Nga, trong số 1.030 người bị câu lưu hôm đó tại Matxcơva, ít nhất có 46 người dưới 18 tuổi. OVD-Info không có thống kê chính xác trên toàn quốc, nhưng ước tính tại mỗi trụ sở cảnh sát, ít nhất cũng có hai đến ba thiếu niên bị giữ.
Vịt nhựa, giày thể thao… : Các biểu tượng châm biếm
Những lời kêu gọi chống tham nhũng, trước hết là chống lại đế chế tham nhũng của thủ tướng Nga, do lãnh đạo đối lập Alexei Nalvany 40 tuổi khởi xướng, dễ dàng đến được với giới trẻ, do tính chất châm biếm. Hình ảnh những “kiểu giày thể thao” đắt tiền mà thủ tướng Dmitri Medvdev ưa dùng, các “con vịt nhựa” để nhắc đến các nơi ở sang trọng, với trang trại gia cầm của thủ tướng Nga… được tung lên mạng hồi đầu tháng ba.
Vịt nhựa”, “giày thể thao” của thủ tướng Nga là các biểu tượng được giới trẻ mang theo trong cuộc biểu tình.
Tại thành phố Tomsk, cũng ở Siberi, phát biểu của một thiếu niên tên Gleb, mới học lớp 6, lên án tệ nạn “chính trị hóa học đường” trong cuộc tuần hành hôm Chủ nhật đã lan truyền rộng rãi. Theo người thiếu niên này, “không quan trọng ai là người nắm quyền, Navalny, Putin hay ai khác. Điều quan trọng nhất là thay đổi hệ thống của chúng ta, chính trị, giáo dục, y tế.
Tôi ngạc nhiên khi thấy trường học của mình bị chính trị hóa như thế nào ! Học sinh có thể bị điểm xấu, chỉ vì không mô tả về chính quyền hiện nay đúng theo những gì đã được dậy dỗ”.
Trong khi đó, trên đường phố Matxcơva, người ta có thể đọc thấy những khẩu hiệu mang phong cách bông đùa, như kiểu như “Đả đảo sự bất bình đẳng giữa những con vịt !”.
Tố cáo nạn “chính trị hóa” học đường
Làn sóng châm biếm tràn đi trên mạng trước cuộc xuống đường hôm Chủ nhật. Một sinh viên Học viện Âm Nhạc Matxcơva đã biến thành trò cười một buổi dạy “văn hóa chính trị” của trường, về “lực lượng thứ năm” (thực chất là một hoạt động tuyên truyền chống lại các tổ chức phi chính phủ, bị tố làm gián điệp cho phương Tây). Đoạn video về buổi học được phổ biến rộng rãi trên mạng. Người sinh viên bị đe dọa đuổi học.
Lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đã sử dụng được các mạng xã hội, để thoát khỏi hệ thống kiểm duyệt truyền thông của chính quyền, trong bối cảnh mà cỗ máy truyền hình tuyên truyền của Nhà nước “không tác động được đến giới trẻ và chủ nghĩa bài ngoại dân tộc chủ nghĩa cực đoan chính thống chỉ còn khiến người ta ghê tởm. Giới trẻ (muốn) lên mạng Internet để tìm kiếm sự thật về những gì diễn ra trong nước” (theo nhà xã hội học Igor Eidmann).
Một khía cạnh khác của truyền thông trong giới trẻ cũng được Novai Gazeta (3) (một tờ báo Nga có xu hướng cởi mở) nhấn mạnh, đó là ngay cả các mạng xã hội, như Facebook cũng bị giới bảo thủ và những kẻ phá rối thao túng. Những thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi hiện nay thích sử dụng mạng xã hội Nga Vkontakte hoặc trao đổi qua các dịch vụ trò chuyện trực tuyến hơn là Facebook.
Tại thành phố Krasnoiarsk, ở Siberi, một giáo viên đại học đã bị buộc phải thôi việc, chỉ vì cho sinh viên xem cuốn phim trên mạng tố cáo thủ tướng Nga tham nhũng, do lãnh đạo đối lập thực hiện và đưa lên mạng Youtube hồi đầu tháng.
Báo Novaia Gazeta cũng ghi nhận trường học Nga hiện nay đang cố phong tỏa tinh thần của giới trẻ, với “các khóa học về lòng yêu nước, giảng dạy các nền tảng của văn hóa chính thống và kiểm duyệt”. Ấn tượng của nhiều học sinh là sự ngự trị của cặp cầm quyền Putin-Medvedev, thái độ đối kháng với thế giới bên ngoài của chính quyền, tuyên truyền hung hăng và sự dối trá của người lớn.
Phẫn nộ về tình trạng bất công
Theo báo Libération, trước sự tham gia bất ngờ của đông đảo thanh thiếu niên trong phong trào phản kháng, chính quyền Matxcơva dường như đang tìm biện pháp ứng phó. Phát ngôn viên của chính quyền tố cáo những người tổ chức biểu tình hứa “thưởng tiền” cho các thiếu niên, nếu họ bị cảnh sát bắt bớ, nhưng không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Đa số những ngưỡi bị bắt đã được trả tự do ngay trong đêm Chủ nhật qua sáng thứ Hai, sau khi ký vào một biên bản “xử phạt hành chính”, vì tội tham gia vào một cuộc biểu tình không được phép. Tại một số địa phương khác, như Nijni Novgrod trên sông Volga, cha mẹ học sinh trung học tham gia biểu tình cũng bị phạt hành chính, vì tội “không thực hiện nghĩa vụ giáo dục” con cái, theo luật dân sự.
Theo nhà chính trị học Abbas Gallyamov (4), điện Kremlin hiện đang đứng ở ngã ba đường. Hoặc quyết định trừng phạt nặng nề những người trẻ tham gia biểu tình, và điều này sẽ hiến phong trào trở nên quyết liệt hơn, hoặc làm ngơ.
Một trang mạng thông tin địa phương Nga Znak (5) cho rằng vấn đề chủ yếu là sự nổi dậy của giới trẻ chống lại “tình trạng bất công của một chế độ cha truyền con nối” ở Nga, mà họ đang phải đối mặt hàng ngày. Suốt ngày phải nghe những rao giảng về đạo lý, về lòng yêu nước, nhưng trên thực tế họ không có triển vọng tương lai, các vị trí tốt nhất đã có con cái của tầng lớp tinh hoa xí phần.

Trung Quốc xác nhận

vụ bắt giữ một nhà hoạt động nhân quyền Đài Loan

Bắc Kinh vào hôm nay, 29/03/2017, xác nhận việc bắt giữ một người Đài Loan từng bị báo cáo là đã bị mất tích trong chuyến đến Trung Quốc, và cho biết nhân vật này đang bị điều tra, vì bị tình nghi có hoạt động « gây hại đến an ninh quốc gia » Trung Quốc.
Theo AFP, chính quyền đưa ra xác nhận trên, sau khi người vợ của nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Lý Minh Triết (Lee Ming-cheh), 42 tuổi, báo động là ông bị một đơn vị an ninh Trung Quốc bắt giữ.
Theo chính quyền Đài Bắc thì ông Lee, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, đã biệt tăm từ ngày 19/03, sau khi ông từ Macau đến thành phố Châu Hải.
Văn phòng đặc trách quan hệ với Đài Loan của Trung Quốc, một mặt xác nhận việc ông Lee bị điều tra theo thủ tục tư pháp, và mặt khác tìm cách trấn an : sức khỏe của ông vẫn rất tốt và người Đài Loan không phải lo ngại khi đến Trung Quốc.
Gia đình ông Lý Minh Triết và các tổ chức bảo vệ nhân quyền, trong đó có Ân Xá Quốc Tế, đã kêu gọi Bắc Kinh phải trả tự do ngay cho ông, cũng như cho biết ông bị giam giữ ở đâu.
Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh là một người vào Trung Quốc một cách hợp pháp, không thể bị bắt giữ ròng rã 9 ngày, mà không hề có thông báo với gia đình hay đại diện hợp pháp. Vụ bắt giữ cho thấy Bắc Kinh đang mở rộng chiến dịch đánh vào giới hoạt động xã hội, mục tiêu là giới hạn hoạt động các tổ chức phi chính phủ, khống chế xã hội dân sự.
Theo Hiệp Hội Nhân Quyền Đài Loan – Taiwan Association for Human Rights, ông Lý Minh Triết trước đây hoạt động trong đảng Dân Tiến, và thường xuyên trao đổi trên mạng về kinh nghiệm dân chủ Đài Loan với bạn bè Trung Quốc và gởi sách cho họ.

Công du Indonesia,

tổng thống Pháp ca ngợi Hồi Giáo “bao dung”

Ghé thăm Indonesia, chặng cuối cùng trong vòng công du Đông Nam Á, tổng thống Pháp François Hollande vào hôm nay, 29/03/2017, đã ca ngợi mô hình Hồi Giáo « bao dung » của quốc gia Hồi Giáo đông dân cư nhất thế giới này.
Tổng thống Pháp đã đưa ra lời khen ngợi trên đây trong một tuyên bố chung bên cạnh đồng nhiệm Indonesia Joko Widodo. Theo AFP, ông Hollande đã nhấn mạnh : « Indonesia đã phát triển một mô hình bao dung, cởi mở và độc lập với tư thế trung lập tôn giáo mà chúng ta có thể lấy làm cảm hứng ».
Ông Hollande nói thêm « nước Pháp có một mô hình khác, mô hình thế tục, nhưng cũng xuất phát từ cùng một nguyên tắc, đó là tự do tôn giáo ». Đối với ông Hollande, có quan điểm rõ ràng trên phương thức chung sống, thì cũng phải cứng rắn trong cuộc chiến chống khủng bố và xu hướng cực đoan.
Tổng thống Indonesia hoan nghênh sự hiện diện của khoảng 40 doanh nhân trong đoàn của tổng thống Pháp. Nhân dịp này, Pháp đã cam kết đầu tư 2,6 tỷ đô la vào Indonesia.
Theo điện Elysée, Indonesia và đã ký thư ngỏ ý về khả năng mua máy bay vận tải quân sự A400M của tập đoàn Airbus.
Ông Hollande là tổng thống Pháp đầu tiên đến thăm Indonesia từ hơn 30 năm nay, tức từ chuyến thăm của cố tổng thống Mitterrand năm 1986. Đây là chặng cuối vòng công du quốc tế trong nhiệm kỳ của ông. Tại Đông Nam Á, trước Indonesia, ông Hollande đã dừng chân ở Singapore, Malaysia.
Thêm phần quyến rũ cho chặng ghé Jakarta của đoàn Pháp, nữ diễn viên Pháp Catherine Deneuve đã có mặt và tham dự buổi diễn thời trang Pháp – Indonesia tại đây.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?