Tin khắp nơi – 31/03/2017


Tin khắp nơi – 31/03/2017

Cầu sập trên xa lộ I85 ở Atlanta, Mỹ,

không liên can đến khủng bố

Một chiếc cầu bắc ngang xa lộ xuyên tiểu bang I85 tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ đã sập giữa lúc một đám cháy lớn bùng phát bên dưới cầu vào giờ cao điểm hôm qua, 30/3.
Hỏa hoạn bùng phát vào lúc 18 giờ, giờ địa phương hôm 30-3 và đến khoảng 19 giờ 30 phút thì chiếc cầu sập. Khói đen bốc nghi ngút lên bầu trời khiến người dân thoạt tiên ngỡ rằng một cơn bão đang ập đến.
Hiện vẫn chưa có thông tin về số thương vong, nhưng vụ sập cầu đã gây ùn tắc giao thông khiến xe bị kẹt hàng cây số.
Thống đốc bang Georgia Nathan Deal cho biết chính quyền đang thẩm định mức tổn thất và thời gian sửa chữa. Ông Deal ban bố tình trạng khẩn cấp cho hạt Fulton.
Đến khuya hôm 30-3, nguyên nhân đám cháy vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, Thống đốc Deal cho biết các nhà điều tra nghiêng về giả thiết những ống nhựa PVC lớn chồng chất bên dưới cầu đã bốc cháy. Nhà chức trách không biết ai là chủ nhân của các ống nhựa PVC đó.
Tất cả các làn xe trên tuyến đường cao tốc đều bị phong toả, nhà chức trách kêu gọi dân chúng nên tránh lái xe vào khúc xa lộ này.
Theo CNN, trong buổi họp báo đêm 30-3, Thị trưởng Thành phố Atlanta Kasim Reed không nêu chi tiết nguyên nhân làm sập cầu, nhưng ông nói vụ sập cầu không có liên quan đến khủng bố và nhà chức trách đang xúc tiến điều tra.

Diễn tiến mới trong cuộc điều tra Nga xen vào bầu cử Mỹ

Các nhà lập pháp thuộc Uỷ ban Tình báo quốc hội đang tìm hiểu vụ Nga xen vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái đã được mời đến Toà Bạch Ốc để xem xét những tài liệu mật. Thông tín viên Jeff Custer của VOA tường trình thêm chi tiết:
Các nhà lập pháp xác nhận rằng Uỷ ban Tình báo của lưỡng viện quốc hội đã nhận được thư mời hôm qua, thứ Năm 30/3. Các tài liệu sẽ được xem xét dường như là cơ sở dẫn đến những bình luận gây nhiều tranh cãi của Dân biểu Cộng hoà Devin Nunes, mà nhiều người cho là có mục đích hậu thuẫn lời tố cáo lạ lùng của Tổng thống Donald Trump, rằng ban vận động tranh cử của ông đã bị nghe lén hồi năm ngoái theo lệnh cuả cựu Tổng Thống Barack Obama.
Dân biểu Adam Schiff, thành viên cao cấp nhất của Đảng Dân chủ trong Uỷ ban Tình báo Hạ viện, nói các tài liệu này đặt ra nhiều nghi vấn hơn là cung cấp những câu giải đáp.
Dân biểu Schiff, đại diên cho bang California, phát biểu:
“Chúng tôi đã gửi văn bản trả lời cho Toà Bạch Ốc. Tôi sẵn sàng tới Toà Bạch Ốc ngay khi có cơ hội sớm nhất để xem xét các tài liệu đó. Tuy nhiên trong thư trả lời gửi cho cố vấn luật pháp của Toà Bạch Ốc, tôi có bày tỏ quan tâm sâu sắc nhất của mình về cách mà các tài liệu đó đã được phổ biến cho uỷ ban.”
Ngay cả lúc loan báo mời các nhà lập pháp tới Toà Bạch Ốc xem thông tin mật hôm qua, phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Sean Spicer vẫn tránh né những câu hỏi của các nhà báo về hành vi bất thường của ông Nunes khi ông tới Toà Bạch Ốc cách đây hơn một tuần để xem các báo cáo tình báo. Ông Sean Spicer nói:
“Các ông cứ bị ám ảnh về chuyện ai nói chuyện với ai và nói vào lúc nào, đó không phải là câu trả lời ở đây, vấn đề phải nằm ở nội dung của nó. Cũng tương tự như khi các ông đăng bài viết về một chuyện trích dẫn tới 18 nguồn tin giấu tên, thì các ông bị ám ảnh bởi nội dung câu chuyện. Hình như các ông vẫn tiếp tục nhìn vấn đề này qua một lăng kính đi ngược, như điều gì đã xảy ra, ai lái xe qua cổng nào, họ gặp những ai, họ mặc trang phục gì vào ngày ấy, thay vì chú trọng tới nội dung bên trong sự việc.”
Nhà nghiên cứu lão thành của Trung tâm vì sự Tiến bộ Hoa Kỳ, ông Ken Gude, nói với VOA qua SKYPE rằng hình như các giới chức Toà Bạch Ốc trao thông tin cho ông Nunes để phần nào “bao che” cho Tổng thống Trump. Ông nói:
“Ở đây tiến trình là cả câu chuyện. Thật là phi lý khi nói chúng ta quá chú tâm đến tiến trình và đó là điều sai trái, trong khi tiến trình cho thấy là Toà Bạch Ốc về cơ bản, đã sử dụng ông Nunes, Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Hạ viện, để phát tán một số thông tin mà họ có được, để tìm cách phần nào đó bao che cho ông Trump về lời tố cáo của ông, nói rằng Tổng Thống Obama đã nghe lén ông bất hợp pháp trong thời gian vận động tranh cử và trong giai đoạn chuyển tiếp.”
Báo New York Times tải lên mạng một bài viết ngay trước cuộc họp báo của ông Spicer hôm thứ Năm, trong đó tờ Times công khai tên tuổi của hai quan chức Toà Bạch Ốc mà tờ báo nói đã cung cấp tin tuyệt mật cho ông Nunes, theo đó ông Trump và các cộng sự đã lọt vào tầm ngắm trong các hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi các giới chức nước ngoài.
The New York Times cho biết hai quan chức này là Ezra Cohen-Watnick, một giám đốc cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia, và Michael Ellis, một luật sư tại Văn phòng Luật sư Toà Bạch Ốc.
Người phát ngôn Spicer từ chối, không bình luận về bài báo của tờ Times.

Ngoại trưởng Mỹ thảo luận với NATO

về hành động ‘gây hấn” của Nga

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cho biết ông sẽ thảo luận về “hành động hung hăng của Nga ở Ukraine” khi ông gặp các đồng minh NATO hôm thứ Sáu.
Vừa đặt chân đến Brussels, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói theo ông, có ba lĩnh vực quan trọng để thảo luận: các nguồn lực cho sứ mệnh của NATO, cuộc chiến chống khủng bố của NATO, bao gồm cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo và vị thế của NATO ở Châu Âu, “đặc biệt là phản ứng tại Đông Âu về hành động hung hăng của Nga ở Ukraina và những nơi khác.”
Phát biểu của ông Tillerson liên quan đến Moscow là một trong những phát biểu mạnh mẽ nhất mà chính quyền Tổng thống Trump từng đưa từ khi lên nắm quyền vào tháng Giêng năm nay.
Ông Tillerson đến thăm Brussels một ngày sau khi gặp gỡ các quan chức hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara, thủ đô nước này.
Ông ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh đáng tin cậy sau cuộc họp với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và các nhà lãnh đạo khác hôm thứ Năm.
Ông Tillerson nhấn mạnh tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, hai đồng minh NATO này vẫn tranh cãi về sự hậu thuẫn mà Washington dành cho PYD, nhóm người Kurd ở Syria đang chiến đấu chống lại Thổ Nhĩ Kỳ,và lực lượng dân quân YPG trong cuộc chiến chống các phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.
Ankara tố cáo PYD là một tổ chức khủng bố liên kết với Đảng Công nhân Kurdistan (gọi tắt là PKK).
Trong một cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Mỹ hậu thuẫn nhóm người Kurd PYD, nhưng không trực tiếp chỉ trích chính quyền ông Trump.

Nhà Trắng không bình luận

về tin 2 quan chức lén giúp cuộc điều tra về Nga

Chính quyền Trump từ chối bình luận về một bài báo cho biết hai quan chức Nhà Trắng được nói là đã cung cấp cho người dẫn đầu cuộc điều tra của Quốc hội những thông tin tình báo cho thấy các thành viên của nhóm chuyển tiếp quyền hành của ông Trump đã lọt vào tầm ngắm của hoạt động do thám nước ngoài do các cơ quan tình báo của Mỹ thực hiện.
Báo The New York Times loan tin các “quan chức” Nhà Trắng này là Ezra Cohen-Watnick, một giám đốc cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia, và Michael Ellis, một luật sư tại Văn phòng Luật sư Nhà Trắng.
Khi được hỏi về bài báo này tại cuộc họp báo thường ngày hôm thứ Năm, phát ngôn viên của Tổng thống Sean Spicer nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ không bắt đầu bằng việc bình luận về các nguồn tin ẩn danh nhất thời.”
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, Dân biểu Devin Nunes, đã gặp gỡ một nguồn tin trong khuôn viên Nhà Trắng trước khi tiết lộ những báo cáo tình báo vào tuần trước cho biết rằng đội ngũ chuyển tiếp của Donald Trump đã lọt vào tầm ngắm của hoạt động do thám, theo phát ngôn viên Jack Langer. Ông Langer hôm thứ Hai nói rằng ông Nunes muốn “ở gần một vị trí an toàn nơi mà ông ấy có thể xem thông tin do nguồn này cung cấp.”
Trước đó, ông Nunes không cho biết ông đã gặp nguồn tin của mình ở đâu, và vẫn chưa tiết lộ danh tính của nguồn tin này.
Ông Nunes đã nói chuyện với các phóng viên và Tổng thống về tài liệu này vào tuần trước mà không báo cho 21 thành viên khác của Ủy ban Tình báo Hạ viện biết, khiến các thành viên Đảng Dân chủ trong ủy ban nổi giận và đặt nghi vấn về uy tín của ông Nunes. Ông Nunes sau đó xin lỗi ủy ban vì đã không báo cho họ biết về thông tin này.
Bài báo, cho thấy các quan chức Nhà Trắng đã giúp sức trong việc tiết lộ những báo cáo tình báo, có thể sẽ khơi lên thêm nhiều chỉ trích nói rằng ông Nunes, từng là quan chức trong ban vận động tranh cử của ông Trump, quá nhiệt tình giúp đỡ chính quyền Trump hơn là tiến hành một cuộc điều tra độc lập, khách quan.

Điều trần

phơi bày mức độ can dự của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ

Nga đã tiến hành một một chiến dịch chưa từng có và hết sức thành công nhằm gây ảnh hưởng tới dư luận ở Mỹ trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm ngoái, theo các chuyên gia khai chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm.
“Nga hy vọng giành chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Lạnh thứ hai thông qua sức mạnh chính trị thay vì vũ lực,” chuyên gia an ninh mạng Clinton Watts của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại nói. Ông Watts mô tả chi tiết việc Nga sử dụng các cuộc tấn công trên mạng Nga và một chiến dịch thông tin sai lạc nhằm khiến cử tri Mỹ ngộ nhận và đẩy người Mỹ vào thế chống lại nhau.
Lời khai chứng này xác nhận những gì mà các nhà lập pháp của cả hai đảng đã nói suốt nhiều tháng.
“Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị tiến hành một chiến dịch có chủ ý, được hoạch định một cách cẩn thận để làm suy yếu cuộc bầu cử của chúng ta,” Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mark Warner của bang Virginia nói.
Trước cuộc điều trần công khai, ông Putin đã lên tiếng đả kích những cáo buộc Nga can dự vào cuộc bầu cử ở Mỹ là “những hành động khiêu khích và lời nói dối trá.” Khi được hỏi trên một chương trình truyền hình liệu Moscow có tìm cách ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ hay không, ông Putin nói, “Nhìn môi tôi này: không.”
Các nhân chứng trước Ủy ban Tình báo Thượng viện mô tả những bằng chứng đồ sộ và không thể chối cãi được.
“Chúng tôi đã có 10 năm theo dõi,” Kevin Mandia, Giám đốc điều hành của công ty an ninh mạng FireEye ở Mỹ, nói. “Cho rằng Nga không dính dáng là điều hoàn toàn viển vông.”
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio của bang Florida chia sẻ trải nghiệm từ nỗ lực tranh cử bất thành của ông hồi năm ngoái.
“Các cựu thành viên của ban vận động tranh cử tổng thống của tôi, những người có quyền tiếp cận thông tin nội bộ của chiến dịch tranh cử tổng thống của tôi, đã bị nhắm mục tiêu bởi những địa chỉ IP với địa điểm không rõ là ở đâu tại Nga. “Nỗ lực này đã không thành công.”
Ông Watts nói rằng Nga đã được tiếp tay bởi nhiều bản tin của các cơ quan truyền thông Mỹ về những tài liệu bị tin tặc Nga xâm nhập và tung lên những trang như WikiLeaks, cũng như những lần mà ban vận động tranh cử của ông Trump lặp lại thông tin sai lệch mà Moscow phát tán về đối thủ của ông, Hillary Clinton. Ông nói thêm rằng Nga một ngày nào đó có thể dùng sức mạnh thông tin của mình để quay sang chống ông Trump.
Đây là phiên điều trần đầu tiên trong nhiều phiên điều trần mà ủy ban dự kiến sẽ tổ chức trong những tháng tới – một số phiên mở cửa cho công chúng tham dự, nhưng nhiều phiên diễn ra sau cánh cửa đóng kín. Chủ tịch ủy ban Richard Burr, một thành viên Đảng Cộng hòa đến từ bang North Carolina, đã nhiều lần tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc truy tìm sự thật một cách vô tư và thấu đáo, và ông khẩn cầu các thành viên khác của ủy ban tránh đưa ra những phát biểu mang tính đảng phái.
Ông Trump vẫn nhất quyết phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với Nga trong suốt hoặc sau chiến dịch tranh cử. Ông đặt nghi vấn về kết luận của giới tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga và cáo buộc giới truyền thông tiến hành một chiến dịch bôi nhọ ông. Mặc dù vậy, Tòa Bạch Ốc thừa nhận cuộc điều tra cần phải tiếp diễn.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình thăm Mỹ vào ngày 6 – 7 tháng 4

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm xác nhận rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Hoa Kỳ, hội đàm với Tổng thống Donald Trump vào ngày 6/4.
Tổng thống Trump sẽ tiếp Chủ tịch Tập trong hai ngày tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida.
Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết chương trình nghị sự sẽ bao gồm “các vấn đề toàn cầu, khu vực và song phương mà hai bên cùng quan tâm” mà không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào.
Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống, ông Trump thường xuyên phàn nàn về các hoạt động thương mại của Trung Quốc. Ông doạ sẽ áp đặt thuế xuất nhập khẩu cao đối với hàng hóa của Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã thăm Trung Quốc hồi đầu tháng này để xúc tiến cho chuyến thăm Mỹ của ông Tập.
Trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc, ông Tillerson nói Tổng thống Trump mong muốn tăng cường sự hiểu biết giữa hai nước.

Ông Putin sẵn sàng gặp ông Trump ở Phần Lan

Hôm thứ Năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Phát biểu tại một diễn đàn Bắc Cực, Tổng thống Putin và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói họ sẵn lòng xem xét ý kiến về một cuộc gặp gỡ như vậy, và Tổng thống Niinisto nói ông sẽ rất vinh dự và sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga ở Phần Lan.
Ông Putin nói Nga có rất nhiều bạn hữu ở Washington và quan hệ giữa hai nước sẽ tốt hơn trong tương lai.
Ông Putin bác bỏ là đã có dính dáng vào bất kỳ hành động nào nhằm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hồi năm ngoái, ông mô tả những lời tố cáo nói rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ là “dối trá” và có tính cách “khiêu khích.”
Ông Putin nói bất cứ cuộc tiếp xúc nào của các nhà ngoại giao Nga ở Hoa Kỳ cũng nằm trong khuôn khổ công việc thường nhật.
Ông nói Nga từ lâu đã đề xuất một nỗ lực an ninh mạng hỗn hợp với Hoa Kỳ, tuy nhiên Washington đã bác đề nghị này.

Trung Quốc cấm tour đi Seoul

tác động lên ngành du lịch Hàn Quốc

Bắc Kinh trả đũa kinh tế Hàn Quốc như tin nói vì Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tiếp tục nhắm vào một số ngành và hoạt động, như mỹ phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc, hoặc không cho phép đoàn ca nhạc K-pob biểu diễn, và cấm các tour du lịch sang Hàn Quốc. Du khách Trung Quốc bỗng dưng vắng đi đang được cảm nhận tại các khu vực du lịch chính của thủ đô Hàn Quốc.Từ Seoul, thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường trình:
Đám đông ít người hơn thường lệ tập trung trước Tháp Namsam để xem các tiết mục trình diễn văn hóa nghệ thuật Triều Tiên mỗi ngày.
Xe buýt chở du khác quốc tế vẫn ghé đến đây hàng ngày, nhưng du khách Trung Quốc rõ ràng đã vắng hẳn trong tháng qua.
Nhiều hãng tour du lịch và nhà hàng chuyên phục vụ du khách Trung Quốc ở Seoul đã phải tạm đóng cửa.
Bà Kim Sun-hee, một hướng dẫn viên du lịch người Malaysia, nói về tình hình đáng lo ngại này.
” Với tôi là một hướng dẫn viên du lịch, ít du khách hơn thì công việc nhàn hơn, khi mà du khách không cần phải xếp hàng chờ quá dài và có thể tránh được những phiền hà khác, nhưng có đông du khác đến Nam Triều Tiên luôn tốt hơn. Tình hình này thật đáng buồn.”
Trung Quốc cấm du khách đi Hàn Quốc như tin nói được cho là để trả đũa việc chính phủ Nam Triều Tiên triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Washington và Seoul quả quyết rằng THAAD là cần thiết để chống mối đe dọa tên lửa và vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của Bắc Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh xem việc Mỹ tăng cường quân sự ở Triều Tiên như một mối đe dọa đối với an ninh của Trung Quốc.
Bắc Kinh không công nhận đã ra lệnh cấm du khách đi thăm Nam Triều Tiên, nhưng các hãng du lịch ở Seoul được các đối tác của họ ở Bắc Kinh cho biết rằng các tour du lịch đã bị hủy dưới áp lực của Tổng cục Du lịch Trung Quốc.
Ông Shon Ho-kwon của hãng du lịch quốc tế Modetour ở Seoul cho biết:
“Không có văn bản chính thức nào chứng minh điều đó, nhưng rõ ràng mọi người đều hiểu rằng Trung Quốc tỏ ý muốn như vậy.”
Năm ngoái có tám triệu du khách Trung Quốc du lịch Hàn Quốc. Việc du khách Trung Quốc bất ngờ vắng hẳn ảnh hưởng nặng đến hoạt động kinh doanh tại quận thương mại sầm uất Myeongdong nổi tiếng ở Seoul.
Và cũng không thấy có một giải pháp nào được đưa ra từ một số cơ quan du lịch báo cáo rằng không có du khách Trung Quốc đặt tour du lịch trong những ngày nghỉ mùa mùa xuân sắp tới, mà trước đây thường là mùa du lịch tấp nập và nhộn nhịp nhất.

Nhật Bản cân nhắc nới lỏng thị thực cho du khách Trung Quốc

Nhật Bản đang cân nhắc nới lỏng các thủ tục visa cho khách du lịch từ Trung Quốc với hi vọng kéo dài bùng nổ du lịch và hỗ trợ tiêu dùng.
Kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhậm chức cuối năm 2012, chính phủ của ông đã dần dần giảm bớt những quy định về thị thực cho các nước châu Á, khiến số lượng khách vào Nhật Bản tăng cao kỷ lục và thúc đẩy những công trình xây dựng khách sạn.
Chính phủ Nhật đang xem xét giảm mức thu nhập tối thiểu hàng năm mà một công dân Trung Quốc cần phải có để xin thị thực nhập cảnh nhiều lần xuống 3 triệu yen (26.983,27 đô la) từ khoảng 4 triệu yen hiện nay, các nguồn tin nói với Reuters.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Nhật Bản, số du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã tăng 21,8 % lên mức kỷ lục 24 triệu du khách vào năm ngoái. Trung Quốc là nước có lượng du khách đến Nhật Bản đông nhất, chiếm 26,5 % tổng số du khách.

Cựu tổng thống Hàn Quốc bị bắt giữ về cáo buộc tham nhũng

Các quan chức Hàn Quốc hôm thứ Sáu đã bắt giữ Tổng thống Park Geun-hye đã bị truất quyền liên quan tới các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền.
Tòa án Quận Trung tâm Seoul ra lệnh bắt giữ bà Park về cáo buộc hối lộ, lạm quyền, cưỡng ép và rò rỉ bí mật của chính phủ. Lệnh này được ban hành sau một buổi nghe chứng kéo dài tại Seoul hôm thứ Năm.
Bà Park bị cáo buộc cho phép một người bạn tống tiền từ các công ty để đổi lấy những ưu ái về chính trị. Bà phủ nhận những cáo buộc này, nhưng năm ngoái bà tuyên bố sẽ chịu trách nhiệm nếu bị kết tội.
Bà là cựu tổng thống thứ ba của Hàn Quốc bị bắt giữ vì những cáo buộc hình sự, theo thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc.
Bà Park bị truất quyền sau một cuộc biểu quyết luận tội của quốc hội vào ngày 10 tháng 3. Cuộc bầu cử tổng thống mới được ấn định vào ngày 9 tháng 5.
Người bạn của bà Park, Choi Soon-sil, bị bắt vào tháng 10 năm 2016 vì bị nghi ngờ gây ảnh hưởng không thỏa đáng đối với các vấn đề quốc gia.

Tổng Thư ký LHQ thăm Iraq: ‘ưu tiên tuyệt đối’ cho thường dân

Trong chuyến thăm Iraq, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng việc bảo vệ thường dân ở Mosul phải là “ưu tiên tuyệt đối”.
Sau khi đến Baghdad, ông Guterres đã gặp Tổng thống Fuad Masum, Chủ tịch Quốc hội Salim al-Juburi, và Ngoại trưởng Ibrahim al-Jaafari để thảo luận về “tình hình thảm khốc” do chiến dịch lật đổ Nhà nước Hồi giáo ra khỏi căn cứ ở Iraq gây nên.
Ông Guterres cũng trao đổi với Thủ tướng Haider al-Abadi trước khi bay đến khu tự trị người Kurd ở phía bắc Iraq.
Hơn một nửa triệu thường dân vẫn được cho là vẫn kẹt lại trong các khu vực do Nhà nước Hồi giáo Hồi chiếm giữ ở Mosul. Nhiều người trong số đó bị các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo sử dụng làm bia đỡ đạn khi lực lượng Iraq tiến công.
Các thường dân, nhóm cứu trợ nhân đạo và các quan chức giám sát cảnh báo về khả năng thương vong nơi thường dân sẽ tăng hơn nữa vì nhiều cuộc không kích và pháo kích đang diễn ra.
Một vị chỉ huy hàng đầu của Hoa Kỳ cho biết các kẻ chủ chiến Hồi giáo đã bắt đầu buộc thường dân ở Mosul di chuyển vào các tòa nhà bị phá hủy. Mỹ đang điều tra các báo cáo về khoảng 100 thường dân bị giết trong một vụ sập một tòa nhà ở thành phố Mosul, xảy ra cùng thời điểm máy bay Mỹ không khích các vị trí IS trong khu vực.

Thi thể Kim Jong-nam ‘về tới Bình Nhưỡng’

Thi thể ông Kim Jong-nam, người anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, đã về tới Bình Nhưỡng, các quan chức Trung Quốc nói.
Bắc Hàn đã đòi Malaysia trao trả xác, nhưng không xác nhận danh tính người thiệt mạng.
Nay, việc trả xác được thực hiện, là một phần trong thỏa thuận trong đó chín công dân Malaysia trước đó bị cấm rời Bắc Hàn nay được phép về nhà.
Hai nước đã lâm vào thế bế tắc ngoại giao trong vụ sát hại ông Kim tại Kuala Lumpur hồi tháng trước.
Cả hai bên đều đã cấm công dân nước kia xuất cảnh.
“Thi thể của công dân Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) chết tại Malaysia và các công dân DPRK có liên quan đã trở về DPRK trong hôm nay, qua ngả Bắc Kinh,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói trong cuộc họp báo thường lệ, trong đó ông dùng đến tên gọi đầy đủ của Bắc Hàn.
Bình Nhưỡng bị nghi ngờ rộng khắp là đã đứng đằng sau và tổ chức vụ giết người bằng chất độc thần kinh tại sân bay Kuala Lumpur.
Ba người Bắc Hàn bị giới chức truy nã nhằm thẩm vấn về vụ việc nay đã được phép rời Malaysia, cảnh sát trưởng Malaysia nói.
“Chúng tôi đã có được những gì chúng tôi muốn có từ họ” và “hài lòng” với các lời tuyên bố, ông Khalid Abu Bakar nói.
Trong vụ ông Kim bị sát hại hôm 13/2, Bình Nhưỡng đã phản ứng giận dữ khi Malaysia không chịu trao trả xác ngay lập tức, trước khi làm giảo nghiệm.
Giới chức Malaysia nói họ có quyền tiến hành giảo nghiệm bởi nạn nhân bị giết trên đất Malaysia, và họ sẽ chỉ trao xác cho gia đình ông Kim.
Hôm thứ Năm, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói giới chức đã nhận được yêu cầu chính thức từ gia đình, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Ngày hôm sau, cảnh sát trưởng quốc gia Khalid Abu Bakar nói “xét về mặt pháp lý, Kim Jong-un là người thân thiết” nhưng không nói ai là người đã gửi yêu cầu cho giới chức Malaysia.
Gia đình riêng của ông Kim Jong-nam trước đó sống tại Macau nhưng nay được cho là đã lẩn trốn.
Con trai ông là Kim Han-sol trong một đoạn video công bố hồi trong tháng xác nhận rằng anh đang ở cùng mẹ và chị gái tại một địa điểm bí mật.
Tuy là con trưởng của cố lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-il, nhưng ông đã bị ông Kim Jong-un chiếm mất vị trí lãnh đạo và vào thời điểm cha qua đời, ông đang sống bên ngoài Bắc Hàn.

EU đưa ra chiến lược đàm phán Brexit

Liên hiệp Âu châu đã phác thảo chiến lược đàm phán Brexit, tỏ ý rằng việc đàm phán về thỏa thuận thương mại có thể đạt được một khi có “tiến độ thích hợp” trong việc chia tay giữa Anh quốc và EU.
Bản dự thảo hướng dẫn đàm phán do Chủ tịch Hội đồng Âu châu Donald Tusk công bố nói tới “cách tiếp cận theo từng giai đoạn” trong quá trình đàm phán.
Bản dự thảo sẽ được gửi ra để 27 quốc gia thành viên của khối phê chuẩn. Những nội dung hướng dẫn này sẽ đặt nền tảng cho việc đàm phán trong hai năm tới.
Anh quốc đã chính thức khởi động tiến trình Brexit hôm thứ Tư.
Nước này kêu gọi hãy tiến hành đồng thời các cuộc thảo luận về điều kiện ra khỏi khối và các mối quan hệ thương mại trong tương lai.
Nội dung hướng dẫn kêu gọi hãy áp dụng “cách tiếp cận theo từng giai đoạn, ưu tiên cho việc rút ra trong trật tự”.
Bản dự thảo gợi ý việc khởi đầu bằng các thảo luận về thỏa thuận chia tay, sau đó là các thảo luận về tương lai quan hệ thương mại giữa EU và Anh Quốc.
Bản dự thảo nói mục tiêu chung của EU “sẽ là bảo vệ các lợi ích của mình, của các quốc gia thành viên, của các công dân và các doanh nghiệp EU”.
‘Không mặc cả’
Thủ tướng Anh Theresa May chính thức kích hoạt tiến trình Brexit với việc gửi thư thông báo về Điều 50 cho ông Tusk hôm thứ Tư.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Malta hôm thứ Sáu, ông Tusk nói rằng trong lúc các cuộc thảo luận sẽ “khó khăn, phức tạp và đôi lúc thậm chí sẽ có đối đầu”, nhưng ông hy vọng các bên sẽ có cách tiếp cận tích cực.
“Khối EU gồm 27 thành viên không, và sẽ không theo đuổi cách áp dụng biện pháp trừng phạt – Brexit bản thân nó đã đủ là sự trừng phạt rồi,” ông nói.
Ông nói với các phóng viên rằng EU chia sẻ với Anh quốc về khát vọng duy trì mối quan hệ hợp tác gần gũi. “Những mối quan hệ mạnh mẽ vượt ra khỏi vấn đề kinh tế, và gồm cả việc hợp tác an ninh, vẫn là mối quan tâm của chúng ta,” ông nói.
“Không ai muốn dùng vấn đề an ninh là con bài mặc cả,” ông Tusk nói thêm.
Thư của bà May đã được một số người diễn giải như lời đe dọa sẽ rút khỏi việc hợp tác với EU trong các vấn đề an ninh.
Ông Tusk cũng nêu chủ đề các khoản phí tổn tài chính mà Anh phải trả cho EU, ước tính lên tới 60 tỷ euro (64 tỷ đô la Mỹ).
Ông nói: “Chúng tôi cần đảm bảo rằng Anh sẽ tôn trọng toàn bộ các cam kết và các nghĩa vụ tài chính mà họ đã đưa ra trong vai trò một quốc gia thành viên của khối.”
Ông cũng nói EU sẽ tìm kiếm “các giải pháp linh hoạt và sáng tạo” để tránh tạo ra đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Ông Tusk sẽ gặp bà May tại London trước khi có kỳ họp thượng đỉnh về Brexit tại EU vào ngày 29/4 tới đây, là kỳ họp sẽ diễn ra mà không có sự tham dự của bà May.

Michael Flynn ‘muốn quyền miễn trừ’ để làm chứng

Cố vấn an ninh quốc gia bị sa thải được ghi nhận muốn quyền miễn trừ truy tố để đổi lại việc làm chứng tại phiên điều trần về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Luật sư của ông Michael Flynn nói rằng khách hàng của mình “có câu chuyện muốn nói ra”, nhưng cần được đảm bảo việc không bị “truy tố không công bằng”.
Ông Flynn bị sa thải vào tháng Hai sau khi lừa gạt Nhà Trắng về các cuộc trao đổi của ông với Đại sứ Nga tại Mỹ.
Những liên hệ của ông với Nga đang được FBI và Ủy ban Tình báo Thượng viện và Thượng viện xem xét kỹ lưỡng.
Robert Kelner, luật sư của ông Flynn, nói: “Tướng Flynn chắc chắn có một câu chuyện để nói ra, và ông rất muốn nói, nếu hoàn cảnh cho phép”.
Ông nói sẽ không bình luận về các cuộc thảo luận của ông Flynn với Ủy ban của Quốc hội đang điều tra các cáo buộc Moscow tìm cách giúp ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
‘Xâm nhập’
Luật sư này nói truyền thông đầy những cáo buộc vô căn cứ và những lời ám chỉ ác độc”.
Thông cáo của luật sư viết: “Chẳng có người nào sẵn lòng chịu thẩm vấn trong một vụ bị chính trị hóa và mang tính thanh trừng mà không có sự bảo đảm cho người đó miễn bị truy tố không công bằng”.
Ông Kelner không bình luận gì về bài báo của tờ Wall Street Journal rằng ông Flynn muốn được miễn trừ khỏi bị truy tố.
Ủy ban Tình báo Thượng viện mở phiên điều trần hôm 30/3 và một ủyviên nói rằng Moscow đã tìm cách “xâm nhập và chiếm quyền điều khiển” bầu cử Mỹ.
Nghị sĩ Dân chủ Mark Warner nói rằng Nga có thể đã tận dụng công nghệ để truyền bá thông tin sai lệch, bao gồm cả tin giả cho cử tri ở các bang trọng điểm như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.
Chủ tịch Ủy ban Richard Burr, thuộc đảng Cộng hòa, cảnh báo: “Chúng tôi là mục tiêu tấn công của một đối thủ xảo trá và lão luyện.”
Ông Burr cũng xác nhận đã có “những cuộc trao đổi” về việc thẩm vấn ông Flynn, nhưng việc này chưa được xác nhận.
Chính quyền Trump không thể rũ bỏ cáo buộc rằng các thành viên trong êkíp của tổng thống đã thông đồng với quan chức Nga trong chiến dịch tranh cử.
Tổng thống thường xuyên bác các cáo buộc là “tin giả” và phía Nga cũng chế nhạo các cáo buộc này.
Hôm 30/3, Tổng thống Nga Putin mô tả các cáo buộc đó là “vô nghĩa” và “vô trách nhiệm”.

Syria : Loại trừ Assad không còn là « ưu tiên » của Mỹ

Trong chính sách về Syria, chính quyền Mỹ vừa có một quyết định quan trọng: Không còn coi sự ra đi của tổng thống Assad là một « ưu tiên ». Sau tuyên bố của ngoại trưởng Rex Tillerson trong chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua, 30/03/2017, đến lượt thông báo của đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikky Haley gây bất ngờ.
Thông tín viên Marie Bourreau tường trình từ New York:
« Cách chưa đầy 24 giờ, đại sứ Nikki Haley vẫn bảo đảm trước các chuyên gia về chính sách quốc tế là không thể làm việc được với một lãnh đạo có thể đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân nước mình. Nhưng chỉ vài giờ sau, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đã thay đổi hoàn toàn quan điểm. Theo bà Nikki Haley, tổng thống Syria Bachar al-Assad vẫn còn có thể tại vị. 
Trước một nhóm các nhà báo, đại sứ Nikki Haley bản đảm là số phận của tổng thống Syria không còn là ưu tiên của chính phủ Mỹ. Bà giải thích : ‘‘Cần phải lựa chọn cuộc chiến nào là chính. Khi các vị xem xét tình hình hiện nay, rõ ràng là chúng ta phải thay đổi thứ tự ưu tiên. Ưu tiên của chúng tôi không còn trong vấn đề này nữa, chúng tôi không còn tập trung vào việc buộc Assad phải ra đi’”. 
Đây là một bước ngoặt 180°C trong chính sách của Washington. Kể từ khi xung đột bùng phát cách nay sáu năm, chính quyền Mỹ vẫn cho rằng sự ra đi của Assad là điều kiện tiên quyết để vãn hồi hòa bình tại Syria. 
Với tuyên bố này, bà Nikki Haley đã khiến cho các cộng sự thân cận nhất hốt hoảng, tìm cách chữa cháy. Để bào chữa cho sự thay đổi khó hiểu này, họ trấn an là ưu tiên của Washington không còn chỉ tập trung vào số phận của Bachar al-Assad, mà còn là tiêu diệt Daech, loại trừ ảnh hưởng của Iran, bảo vệ các đồng minh của Mỹ tại khu vực và mang lại hòa bình cho người dân Syria ».
Đại sứ Mỹ khẳng định muốn cộng tác với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Nga để tìm ra một giải pháp chính trị về dài hạn cho Syria.
Đối lập Syria lo ngại trước thông báo nói trên của các lãnh đạo ngoại giao Mỹ. Một phát ngôn viên của HCN, tập hợp các nhóm đối lập chính đang thương lượng tại Genève, khẳng định : « Đối lập không chấp nhận vai trò của Bachar al-Assad vào bất cứ thời điểm nào ». Một người phát ngôn khác của HCN hy vọng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò « quan trọng hơn, quyết định hơn » trong hồ sơ Syria.
Việc nhà độc tài Assad, bị cáo buộc về hàng loạt tội ác chống lại người Syria, phải ra đi vốn là điều kiện tiên quyết của Hoa Kỳ và nhiều đồng minh phương Tây, để tìm ra một giải pháp cho hòa bình. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay dưới thời tổng thống Obama, trước sự can thiệp của Nga, Washington đã chuyển hướng ưu tiên cho cuộc chiến chống Daech.

Thông điệp cứng rắn của Mỹ gởi châu Âu :

Chi nhiều hơn cho quốc phòng

Tại hội nghị đầu tiên của ông với các đồng nhiệm còn lại trong khối NATO vào hôm nay, 31/03/2017, ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã nhấn mạnh đến nhu cầu của Liên Minh là phải có đủ « nguồn lực, tài chánh cũng như những phương tiện khác », để có thể làm tốt nhiệm vụ của mình. Dấu nhấn đặt trên từ tài chánh chính là thông điệp quan trọng nhất mà chính quyền Donald Trump gởi đến các đồng minh, chủ yếu là châu Âu trong NATO : Phải chi phí nhiều hơn cho quốc phòng, và tối thiểu là phThông điệp cứng rắn của Mỹ gởi châu Âu: Chi nhiều hơn cho quốc phòng và tối thiểu là thực hiện cam kết dành 2% GDP cho chi tiêu quân sự.
Tại Bruxelles, trước mặt ngoại trưởng của 27 thành viên còn lại trong NATO, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã tuyên bố : « Các đồng minh nào chưa có chương trình cụ thể để dành 2% GDP cho quốc phòng từ nay cho đến năm 2024 phải đưa ra kế hoạch ngay từ bây giờ. Còn những ai đã có chương trình, thì cần phải đẩy mạnh nỗ lực của mình và tạo ra kết quả ».
Theo nhận định của hãng tin Anh Reuters, tuyên bố này của ông Tillerson giống như một lời đe dọa, theo đó Hoa Kỳ sẽ chỉ yểm trợ về quân sự cho quốc gia thành viên nào tôn trọng cam kết chung là có một ngân sách quốc phòng tương đương với 2% GDP của họ.
Phải nói là yêu cầu của Mỹ có phần hợp lý, vì lẽ cho đến nay, trong 28 quốc gia khối NATO, Hoa Kỳ là nước phải gánh vác đến 68% tổng chi phí quốc phòng của toàn khối.
Trong nhiều năm qua, và dĩ nhiên là ngay cả trước khi tổng thống Donald Trump lên nắm quyền ở Washington, chính phủ Mỹ vẫn luôn luôn phàn nàn về sự mất cân đối trong việc chi phí cho cơ cấu chung là NATO, với Hoa Kỳ phải gánh vác một phần quá nặng so với các đồng minh châu Âu. Yêu cầu 2% GDP mà ông Tillerson nêu bật cũng chính là đòi hỏi của các chính quyền Mỹ tiền nhiệm.
Trước sự thúc ép của Mỹ, nhân một hội nghị thượng đỉnh NATO tại xứ Wales (Vương Quốc Anh) vào năm 2014, các nước châu Âu đã cam kết đạt được mục tiêu này trong thời hạn 10 năm. Thế nhưn,g tính đến năm ngoái 2016, chỉ có 4 quốc gia châu Âu là đạt yêu cầu : Hy Lạp, 2,38%, Anh Quốc, 2,21%, Estonia, 2,16%, và Ba Lan, 2%.
Trong số các nước còn lại chưa đạt yêu cầu, Pháp đứng đầu danh sách với 1,78%, theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 1,56%, kế đến là Na Uy, 1,54%. Nước Đức, cường quốc châu Âu cũng chỉ dành 1,19% GDP của mình cho quốc phòng.
Việc châu Âu chi phí ít cho quốc phòng phải chăng đã có một hệ quả trông thấy : NATO hầu như phải dựa hoàn toàn vào Mỹ trong các lãnh vực như phương tiện tình báo, giám sát, do thám, cũng như khi cần chuyển quân nhanh chóng, tiếp liệu trên không. Bên cạnh đó, châu Âu cũng phải dựa vào Hoa Kỳ trong lãnh vực chống tên lửa đạn đạo hay tiến hành chiến tranh điện tử trên không.
Trước những lời chỉ trích hợp lý của Mỹ, các nước châu Âu đã cố bổ khuyết. Trong cuộc họp báo ngày 30/03, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ghi nhận rằng riêng trong năm ngoái, ngân sách quốc phòng các nước châu Âu đã tăng bình quân 3,8%. Ngoài ra, NATO cũng đang nghĩ đến phương án buộc tất cả các nước thành viên thông qua những « kế hoạch quốc gia » mang tính chất ràng buộc để tăng đầu tư quân sự.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ gặp rắc rối

Bị các đồng nghiệp Dân chủ kêu gọi từ chức, chiếc ghế đồng chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ của Devin Nunes đang lung lay. Với chức vụ then chốt này, dân biểu Cộng Hòa này có trọng trách điều tra vụ tai tiếng Matxcơva hỗ trợ cho Donald Trump thắng cử. Vấn đề là mỗi ngày lại có thêm dấu hiệu cho thấy ông thiếu công tâm. Nhật báo New York Times ngày 30/03/2017 tiết lộ chủ tịch Ủy ban Tình báo nhận tin từ hai nhân vật ở … Nhà Trắng.
Từ New York, thông tín viên Grégoire Pourtier tường thuật :
” Devin Nunes bám trụ được bao lâu nữa ? Uy tín của đồng chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện mỗi ngày mỗi mất dần : ông Devin Nunes bị nghi ngờ bảo vệ tổng thống Donald Trump và tiết lộ thông tin với chủ nhân Nhà Trắng trong khi ông có trách nhiệm điều tra về chuyện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Cách nay vài hôm, Devin Nunes đã xác nhận là các dữ kiện mới cho phép nghĩ rằng giới thân cận của tổng thống bị các cơ quan tình báo Mỹ nghe trộm « một cách tình cờ ». Sự kiện này làm Nhà Trắng rất thích thú. 
Nhà Trắng hài lòng với tin này vì tổng thống Donald Trump nhiều lần cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama nghe lén ông. Do vậy, « tiết lộ » của dân biểu Devin Nunes « củng cố » lời tố cáo này. Nhưng, vấn đề là « nguồn tin » của Devin Nunes dường như xuất phát từ… Nhà Trắng, địa điểm mà vào một buổi tối, ông bí mật đi tới bằng taxi thay vì dùng xe riêng với tài xế.”
Vận đen tiếp tục bám chân tổng thống Donald Trump. Theo The Wall Street Journal, cựu cố vấn an ninh Michael Flynn muốn « điều trần» với FBI và ủy ban Hạ viện và Thượng viện đặc tránh điều tra mối quan hệ giữa tổng thống Donald Trump với chính quyền Nga . Luật sư của tướng Michael Flynn đề nghị « có qua có lại » : Michael Flynn sẽ khai báo thông tin đổi lấy an toàn bản thân, tránh bị truy tố. FBI và hai ủy ban quốc hội chưa chấp thuận đề nghị này.
Do tai tiếng « tiếp xúc nhiều lần » với đại sứ Nga, tướng Michael Flynn phải từ chức cố vấn an ninh quốc gia vào ngày 13/02/2017, vài hôm sau khi được tổng thống Donald Trump bổ nhiệm.

Kiều dân Pháp tại Trung Quốc được kêu gọi cảnh giác

Tòa đại sứ Pháp tại Bắc Kinh kêu gọi cộng đồng người Pháp ở Trung Quốc « đề cao cảnh giác » sau một vụ « tấn công thô bạo » xảy ra tại Thượng Hải, mà nạn nhân là một thanh niên Pháp. Đại diện ngoại giao Pháp kêu gọi chính quyền Trung Quốc phải bảo vệ an ninh cho kiều dân Pháp, trong bối cảnh báo chí Trung Quốc làm ầm ĩ vụ cảnh sát Pháp bắn chết một đàn ông người Hoa tại Paris.
Trong một bản thông báo công bố trên website ngày 31/03/2017, sứ quán Pháp tại Bắc Kinh cho biết một thanh niên Pháp ở Thượng hải bị tấn công bằng dao. Một người bạn tiếp cứu làm hung thủ bỏ chạy, nhưng sau đó hung thủ bị bắt.
Thông cáo không nêu danh tính của nạn nhân, cũng không liên kết vụ việc này với vụ một người Hoa, tên Lưu Thiếu Nghiêu (Liu Shao Yao), bị một cảnh sát Pháp bắn chết hôm chủ nhật, nhưng kêu gọi cộng đồng người Pháp gia tăng cẩn trọng.
Sứ quán Pháp cho biết đã nhắc nhở chính quyền Trung Quốc an ninh của kiều dân Pháp là « ưu tiên số một » của chính phủ Pháp.
Theo cảnh sát Thượng Hải, nghi can là một thanh niên họ Mao, 27 tuổi, mang bệnh tâm thần.
Trong khi đó tại Paris, 5 ngày sau khi một người Hoa 59 tuổi bị cảnh sát Paris bắn chết trong một vụ can thiệp còn gây tranh cãi, chiều hôm qua, khoảng 300 người Hoa lại biểu tình đòi « công lý » và « sự thật » tại quảng trường République (Cộng hoà). Đây là cuộc biểu tình lần thứ tư, lần này có nhiều người tham dự không thuộc cộng đồng người Hoa, lên án « bạo lực cảnh sát » nói chung.
Khác với những lần trước diễn ra trong bạo lực, cuộc biểu tình đêm qua rất ôn hoà. Bên cạnh những tấm biển « cảnh sát thực dân », « cộng đồng châu Á hãy thức tỉnh », là lá cờ Trung Quốc và một biểu ngữ lớn « Vì hoà bình, vì công lý, chấm dứt bạo lực ».

Mỹ-Trung:

Trump dự báo một cuộc họp gay go với Tập Cận Bình

Một tuần lễ trước hội nghị thượng đỉnh với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua, 30/03/2017, đã tỏ thái độ cứng rắn khi cho biết ông dự kiến một cuộc gặp « rất khó khăn » với chủ tịch Trung Quốc. Trái ngược với thông điệp bi quan của tổng thống Mỹ, phía Bắc Kinh đã bày tỏ hy vọng về một cuộc tiếp xúc « thành công ».
Theo hãng tin Pháp AFP, trong một tin nhắn Twitter, tổng thống Mỹ cho là « cuộc gặp vào tuần tới với Trung Quốc sẽ rất khó khăn ». Ông Trump giải thích thêm : « Chúng ta không thể tiếp tục bị thâm thủng thương mại to lớn (với Trung Quốc) (…) và để mất đi công ăn việc làm. Các công ty Mỹ phải sẵn sàng tìm kiếm giải pháp thay thế ».
Thông điệp của tổng thống Mỹ đã lập lại những gì mà ông từng nói đi nói lại trong thời gian qua, nhưng điểm đáng chú ý là nó được đưa ra đúng một tuần trước khi ông đón tiếp chủ tịch Trung Quốc tại tư dinh Mar-a-Lago (Florida) trong hai ngày 06-07/04.
Như để đáp lại tuyên bố của ông Trump, Trung Quốc hôm nay đã tỏ ra lạc quan về cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với tân tổng thống Mỹ. Phát biểu với các nhà báo, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang (Zheng Zeguang) tuyên bố : « Hai bên hy vọng sẽ thành công, vạch ra một hướng tốt cho việc phát triển quan hệ song phương ».
Về vấn đề thương mại, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định rằng Bắc Kinh không hề tìm kiếm thăng dư thương mại với Hoa Kỳ và cũng không có ý định « thúc đẩy xuất khẩu bằng cách phá giá đồng tiền để cạnh tranh ». Theo ông, khi nâng tiêu thụ trong nước, Trung Quốc sẽ gia tăng phần nhập từ Mỹ và ông cũng đề nghị Washington giảm nhẹ kiểm soát việc xuất sản phẩm công nghệ cao cấp sang Trung Quốc.
Ông Trịnh Trạch Quang còn nhấn mạnh là đầu tư Trung Quốc tại Mỹ đã tăng khá mạnh những năm gần đây, điều này đã cho phép « tạo công việc làm (cho người Mỹ) và giảm bớt tình trạng mất cân đối trong thương mại ».
Cuộc tiếp xúc ở Florida là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ Trung và diễn ra trong bối cảnh Bắc Triều Tiên thử tên lửa. Chỉ cách nay ít lâu, một cuộc gặp thương đỉnh như vậy còn có vẻ khó tưởng tượng, khi mà trong cuộc tranh cử ông Trump đã tố cáo Trung Quốc « đánh cắp » hàng triệu công ăn việc làm của người Mỹ, và còn hăm dọa áp đặt thuế trừng phạt hàng nhập từ Trung Quốc.
Thâm hụt thương mại : Trung Quốc là thủ phạm « số một »
Hôm nay 31/03, theo AFP, tổng thống Mỹ Donald Trump có kế hoạch ký hai sắc lệnh liên quan đến vấn đề thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ, mà Trung Quốc bị điểm mặt.
Bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ, Wilbur Ross, thông báo, thừa lệnh của tổng thống, cơ quan này sẽ lập một danh sách các thủ phạm gây ra tình trạng thâm hụt thương mại Mỹ, « theo từng nước, từng sản phẩm một », cũng như những cam kết trong các thỏa thuận mậu dịch tự do mà đối tác không tôn trọng.
Danh sách, được hoàn tất trong 90 ngày, sẽ được dùng làm cơ sở cho các quyết định của tổng thống. Bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross nhắc lại Trung Quốc là thủ phạm « số một ».
Hai sắc lệnh nói trên, đưa ra chỉ cách một tuần trước cuộc hội kiến giữa hai nguyên thủ Mỹ-Trung tại Florida, được coi là một cảnh báo mà Washington gửi đến Bắc Kinh.
Vẫn theo bộ trưởng Thương Mại Mỹ, khoảng 15 nước sẽ có mặt trong danh sách này. Ngoài Trung Quốc, còn có Nhật Bản, Đức, Mêhicô, Hàn Quốc, Việt Nam… Tuy nhiên, ông Wilbur Ross cũng nhấn mạnh là không phải toàn bộ các nước có mặt trong danh sách này đều bị trừng phạt, « trong một số trường hợp, đơn giản là…. các sản phẩm có chất lượng hơn, hoặc giá thành sản xuất thấp hơn ».
Trong suốt thời gian tranh cử, ứng cử viên Donald Trump liên tục khẳng định rằng Hoa Kỳ là bên thiệt hại nặng nhất trong các thỏa thuận thương mại trong những thập niên qua.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?