Tin Việt Nam – 29/03/2017


Tin Việt Nam – 29/03/2017

Một năm bất nhất của chính quyền về thảm họa Formosa

Cát Linh, phóng viên RFA
Nhà máy luyện thép Formosa vào đầu tháng tư năm ngoái xả thải hóa chất độc hại ra môi trường biển gây thảm hỏa môi trường khiến cá, hải sản chết hàng loạt từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Thừa Thiên- Huế. Tuy nhiên hành xử của chính quyền Việt Nam suốt thời gian qua bị cho là bất nhất, khó hiểu khiến công luận bức xúc.
Sau một năm…
Tấm ảnh người ngư dân hai tay cầm những con cá chết há miệng, mềm rũ, ngồi xổm trên bãi biển với gương mặt khắc khổ, đen sạm vì nắng gió biển, xuất hiện trở lại trên mạng xã hội hơn một tuần qua với số lượng nhiều hơn trước.
Thêm vào đó, rất nhiều các ảnh đại diện của người dùng facebook trong và ngoài nước đều được đổi sang biểu tượng cá chết, hoặc khẩu hiệu “Formosa cút khỏi Việt Nam”.
Cho đến nay, là một năm tôi vẫn chưa nghe thấy ông ta lên án hay trách móc hay phê phán gì về việc làm sai trái của Formosa. 
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Các trang mạng xã hội đồng loạt đăng tải những hình ảnh liên quan đến vấn nạn môi trường biển từ tháng 4 năm 2016 đến nay. Trong đó nổi bật là kiến nghị về việc giải quyết Thảm hoạ Formosa được mọi người chia sẻ kêu gọi có đủ 75.000 chữ ký nhằm kiện Formosa ra toà quốc tế.
Tất cả sự việc đó là những lời nhắc nhở nhau đã một năm kể từ tháng 4 năm 2016, người dân bốn tỉnh ven biển miền Trung điêu đứng vì thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển.
Thế nhưng, đó chỉ là những lời nhắc nhở, kêu gọi và hành động từ phía người dân, những người quan tâm đến sự sống, môi trường cũng như hậu quả mang tính hàng loạt chưa biết bao giờ mới kết thúc.
Từ thảm hoạ trở thành sự cố
Về phía chính quyền, những người trực tiếp cho phép Formosa bước vào Việt Nam thì vẫn chưa có cách giải quyết triệt để. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội, cho biết ông nhìn phản ứng của nhà cầm quyền suốt một năm qua là sự nhất quán bao che, bảo vệ, nâng đỡ cho Formosa.
Rồi đến lúc không thể che giấu được nữa thì tìm mọi cách để làm nhẹ bớt cho những việc làm sai trái của Formosa. Ông nhấn mạnh:
“Cái đầu tiên tôi xin nhắc lại, khi thảm hoạ đã xảy ra thì ông trùm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vào Formosa, và đã uý lạo Formosa về những việc làm của họ và không hề có một câu nào về vấn đề Formosa đã gây ra thảm hoạ. Cho đến nay, là một năm tôi vẫn chưa nghe thấy ông ta lên án hay trách móc hay phê phán gì về việc làm sai trái của Formosa. Từ người lãnh đạo cao nhất như thế thì cả hệ thống có hành xử như vậy cũng không có gì là lạ.”
Phía Việt Nam đã chừa đường lùi cho Formosa, để cho họ tỏ thiện chí hơn nữa trong vấn đề khắc phục sai phạm mà không đẩy các bên đi đến căng thẳng.
- Nhà báo Nguyễn An Dân
Phải mất hai tháng nguyên nhân cá chết hàng loạt mới được công bố. Đáng chú ý, chính người dân đã biết nguyên nhân vì đâu biển nhiễm độc, cá chết hàng loạt dẫn đến đời sống ngư phủ phải bị kết án tử.
Sau đó, hai sự kiện duy nhất được cho là câu trả lời chính thức từ nhà nước và các cơ quan ban ngành có liên quan, là buổi họp báo của văn phòng chính phủ vào ngày 30 Tháng Sáu và cuộc trao đổi của ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, với báo giới trong nước về vấn đề cấp phép đầu tư cho Formosa.
Buổi họp báo từng thu hút rất nhiều sự quan tâm của truyền thông trong và ngoài nước, thế nhưng hoàn toàn chưa thuyết phục được dư luận xã hội. Những nhà báo, nhà quan sát sau đó đều cho rằng cách giải trình của cả hai bên, chính phủ Việt Nam và Formosa không có tính minh bạch.
Nhà báo Nguyễn An Dân ngay sau đó trả lời Đài Á Châu Tự Do cho rằng vụ việc Formosa sẽ không kết thúc đơn giản nếu chỉ với buổi họp báo của chính phủ, ngược lại chỉ là mới bắt đầu.
Cách giải thích của ông không khác với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đó là có sự “bảo vệ, nâng đỡ.”
“Chính phủ Việt Nam vì để giữ quan hệ ngoại giao, nên họ không thể tuyên bố là tôi tha bổng hay kết tội anh được, vì trên nguyên tắc nếu không phải là Tòa án thì anh không được phép nói điều đó. Có nghĩa là phía Việt Nam đã chừa đường lùi cho Formosa, để cho họ tỏ thiện chí hơn nữa trong vấn đề khắc phục sai phạm mà không đẩy các bên đi đến căng thẳng.”
Sự khôn khéo của chính phủ Việt Nam mà nhà báo Nguyễn An Dân nhìn thấy được thể hiện rõ ràng trong buổi họp báo qua lời nhận lỗi của tập đoàn Hưng Nghiệp và số tiền bồi thường 500 triệu USD.
Các nhà quan sát một lần nữa đã lên tiếng phản đối khi con số 500 triệu USD được đưa ra  không theo qui chuẩn bồi thường nào cả.
Điều đó cho thấy chính phủ Việt Nam đã thật sự muốn hoá giải thảm hoạ môi trường biển Việt Nam thành một sự cố công nghiệp, và chỉ có sự cố mới dễ dàng được giải quyết bằng cách đền bù nhanh và gọn như thế.
Trấn an dư luận
Hàng loạt động thái tiếp theo của nhà cầm quyền Việt Nam được người dân và các nhà quan sát gọi là “trấn an dư luận”.
Ngày 22 tháng 8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra kết quả môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đã an toàn. Ông phát biểu trước hội nghị rằng diễn biến nước biển đang tốt dần lên và khẳng định, môi trường biển miền Trung có thể tự làm sạch.
Để chứng minh kết quả trên, thông tin và hình ảnh do báo chí trong nước đăng tải sau đó cho thấy bộ trưởng Hà và các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng tắm biển ở dùng hải sản ở biển Cửa Việt. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ các nhà khoa học, tri thức đều cho rằng quá sớm để đưa ra kết luận như thế. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng những động thái ấy hoàn toàn không thể mua niềm tin từ người dân, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Formosa.
“Tất cả những kiểu rất lừa bịp như thế chỉ làm cho người dân bất bình và càng cho thấy chính quyền này là chính quyền không bảo vệ được quyền lợi cho họ.”
Ngay cả chính lời cam kết ngừng xả thải của Formosa cũng không thể thoả mãn những bức xúc của người dân. Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang khẳng định việc ngừng xả thải để nâng cao thiết bị xử lý cũng không thể hoàn trả lại biển sạch cho môi trường.
“Tác động môi trường của ô nhiễm công nghiệp là mang tính tích luỹ, cũng như con người đã ăn những chất độc hại trong người thì dù không ăn nữa, chất độc hại đó vẫn tác động. Dù Formosa có thải tiếp tục hay không thải tiếp tục thì tác động vẫn rất lâu dài.”
Đánh lạc hướng dư luận?
Ngay từ khi xảy ra thảm hoạ môi trường biển, vào thời điểm ông Võ Kim Cự, chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh lên tiếng với báo giới, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, từng nói rằng đây là một việc lớn, không chỉ cán bộ cấp tỉnh mà có thể giải quyết được.
“Không những nó liên quan đến  việc lợi dụng quyền cán bộ mà nó còn liên quan đến những chính sách. Tôi đề nghị phải xem xét lại tất cả.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhìn lại sự việc và khẳng định không được ban lãnh đạo cấp cao thời đấy đồng ý thì việc cấp phép không thể xảy ra.
“Từ gốc, từ lúc người ta có chủ trương đầu tư, tiến hành những biện pháp cấp phép nhanh chóng, tôi không tin chỉ là 1 người nào đấy gọi là người chịu trách nhiệm chính về việc này.”
Tác động môi trường của ô nhiễm công nghiệp là mang tính tích luỹ, cũng như con người đã ăn những chất độc hại trong người thì dù không ăn nữa, chất độc hại đó vẫn tác động. 
- PGS-TS Nguyễn Tác An
Và thực chất những động thái tiếp sau đó của Bộ Chính trị và Đảng Cộng sản Việt Nam như kỷ luật, cắt chức hàng loạt cán bộ cao cấp có liên quan vụ Formosa và cả những vụ án khác, đưa nhiều thông tin về câu chuyện người nổi tiếng trong showbiz làm từ thiện… mặc dù đã lấy đi rất nhiều sự quan tâm của dư luận, nhưng vẫn không thể xoá tan những đám khói đen mịt mùng ngày đêm thải ra từ nhà máy công nghiệp Formosa. Càng không thể làm cho người dân quên đi thảm hoạ môi trường đã ảnh hưởng đến hàng triệu người ở Việt Nam.
Vì không thể quên đi và không bị đánh lạc hướng bởi nhà cầm quyền Việt Nam, những nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền trong và ngoài nước đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi sự minh bạch và giải quyết trách nhiệm. Họ phản ứng bằng những cuộc xuống đường khắp cả nước cùng với biểu ngữ “Formosa cút khỏi Việt Nam”.
Cũng từ đó mà rất nhiều nhà lên tiếng, blogger bị bắt theo điều 88 và 258 Bộ luật hình sự Việt Nam.
“Từ kỷ luật cho đến đền bù, tìm cách đàn áp tất cả cuộc lên tiếng của người dân ở miền Trung và nơi khác để làm sao chuyện này từ tai hoạ biến thành sự cố, từ sự cố lớn thành nho nhỏ, rồi theo thời gian sẽ im đi.”
Cá vẫn chết, thuyền vẫn neo
“Bây giờ mà trở lại ngư trường như trước đây là không thể. Nó phải có thời gian.
Cái đáng tiếc là chúng ta đã để cho Formosa thải ra một lượng thải mà khắc phục thì đòi hỏi rất lâu. Vì tác động tích luỹ, hoà tan trong nước, trầm lắng xuống, diệt tất cả những gì gọi là cơ bản nhất của phát triển đa dạng sinh học. Dù họ không xả thải nữa thì nó vẫn diễn ra những tác động như vậy.”
Đó là lời khẳng định của Tiến sĩ khoa học Nguyễn Tác An sau một năm từ khi xảy ra thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển đến nay.
Và đó cũng chính là sự thật mà qua những ngư dân ở các vùng biển từ Nam chí Bắc chúng tôi tìm đến hỏi về cuộc sống của họ, những gì chúng tôi nhận được đều là những cái lắc đầu cùng với câu nói “Biển Việt Nam không còn cá nữa.”

Giải thưởng của Mỹ ‘động viên tinh thần’ người Việt

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 29/3 tôn vinh “sự dũng cảm” của blogger Mẹ Nấm với giải thưởng mà Việt Nam từng nói là “sai trái”, nhưng lại được giới hoạt động người Việt, nhất là nữ giới, coi là “một sự động viên tinh thần”.
Nhà hoạt động xã hội với tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hiện bị giam giữ ở trong nước, được trao vắng mặt “Giải thưởng dành cho phụ nữ quốc tế can đảm” tại một buổi lễ với sự tham gia của Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump.
Người phụ nữ có hai con nhỏ ở thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, được Mỹ công nhận “sự dũng cảm vì nêu lên các vấn đề xã hội dân sự, truyền cảm hứng dẫn tới sự thay đổi ôn hòa, kêu gọi sự minh bạch hơn trong chính phủ và quyền cơ bản của con người, cũng như là một tiếng nói đại diện cho quyền tự do biểu đạt”.
Bà Quỳnh được vinh danh gần sáu tháng sau khi bà bị khởi tố và bắt giam với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”, một tội danh mà chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích.
Bốn năm trước, blogger Tạ Phong Tần cũng được Bộ Ngoại giao Mỹ tôn vinh vì sự dấn thân cho các hoạt động xã hội, trong khi đang thụ án tù cũng vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” năm 2013.
Trả lời VOA Việt Ngữ từ California, nơi cư trú hiện thời của bà sau khi được trả tự do năm 2015, bà Tần nói bà từng cảm thấy “hãnh diện”.
Người phụ nữ này nói thêm: “Đấy là một sự động viên tinh thần vô cùng to lớn, vì mình biết rằng sự đấu tranh của mình không đơn độc. Mình không đơn độc trong thế giới văn minh. Ở trong nhà tù, dĩ nhiên mình đơn độc giữa bầy sói cộng sản, nhưng đối với thế giới bên ngoài, mình không đơn độc. Mình vẫn được mọi người quan tâm đến mình. Cả thế giới văn minh quan tâm đến mình”.
Đấy là một sự động viên tinh thần vô cùng to lớn, vì mình biết rằng sự đấu tranh của mình không đơn độc.
Blogger Tạ Phong Tần nói.
Về giải thưởng mà Mỹ còn trao cho nhiều nhà hoạt động nữ khác trên khắp thế giới, blogger từng là công an Việt Nam cho rằng bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có lẽ “cũng nghĩ” như bà.
Tuy nhiên, bà Tần nói thêm: “Chúng tôi không ai muốn dấn thân đấu tranh. Là những người phụ nữ, chúng tôi vẫn muốn một cuộc sống bình yên như tất cả mọi người, nhưng cái tình thế nó bắt buộc như thế. Nếu Việt Nam có các quyền cơ bản thì đâu cần ai đấu tranh để mà có cái giải thưởng”.
Tới tối ngày 29/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phản ứng về việc Mỹ trao giải cho bà Quỳnh, nhưng trước đây, khi bà Tạ Phong Tần được vinh danh, Hà Nội từng nói rằng “đây là việc làm sai trái, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước”.
Khi ấy, báo chí trong nước cũng đồng loạt chỉ trích Washington, và bà Tần nói với VOA tiếng Việt rằng bà biết tin mình đoạt giải cũng nhờ một bài báo lên án hành động của Mỹ trên tờ Nhân Dân.
Tin về giải thưởng dành cho bà Quỳnh được cả Đại sứ Mỹ ở Hà Nội lẫn Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở TP HCM loan đi trên Facebook của hai nhà ngoại giao này sáng 29/3 (giờ địa phương), thu hút hàng nghìn lượt ‘like’ (thích) và hàng trăm comment (bình luận) trái chiều.
Từ Sài Gòn, nhà hoạt động xã hội Bùi Thị Minh Hằng nhận xét về “Giải thưởng dành cho phụ nữ quốc tế can đảm” dành cho một người phụ nữ Việt:
Tôi cho rằng đây là một sự nhìn nhận và động viên rất là kịp thời. Tình trạng mà chị Như Quỳnh hay bất cứ một người nào trong xã hội Việt Nam khi mà lên tiếng nói đấu tranh thì cái sự can đảm nó đều như nhau cả.
Nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng nói.
“Tôi cho rằng đây là một sự nhìn nhận và động viên rất là kịp thời. Tình trạng mà chị Như Quỳnh hay bất cứ một người nào trong xã hội Việt Nam khi mà lên tiếng nói đấu tranh thì cái sự can đảm nó đều như nhau cả. Tôi thấy là, bên cạnh đó, còn có chị Trần Thị Thúy Nga, hiện nay vẫn đang bị giam cầm [vì tội ‘tuyên truyền chống nhà nước] mà chưa hề có bản án. Tôi cho rằng mỗi người một cách, nhưng tất cả những con người dám đứng lên đấu tranh, dám đứng lên, lên tiếng nói sự thật ở trong một chế độ tà quyền như thế này, thì họ đều là những con người dũng cảm”.
Người phụ nữ trực ngôn, mới ra tù hồi tháng Hai vừa qua, nói tiếp: “Bình thường một người nam giới đi hoạt động nó đã vô cùng khó khăn nhưng mà đối với nữ giới chúng tôi, nhất là tình trạng chị em có con nhỏ, thì đấy quả là khỏ khăn vô cùng lớn, và phải có ý chí quật cường như thế nào thì những người phụ nữ đó mới có thể làm những công việc của mình trong suốt một thời gian dài được”.
Trong khi báo chí trong nước im tiếng về giải thưởng mà bà Quỳnh được Bộ Ngoại giao Mỹ trao, một số người Việt đã lên trang Facebook của Đại sứ Ted Osius và Tổng lãnh sự Mary Tarnowka.
Một Facebooker tên Do Thanh Lam viết rằng giải thưởng là “sự ghi nhận cho Mẹ Nấm” trong khi đó một người khác tên Khai Minh Tran lại nói nó “mang mùi chính trị”.

Việt Nam: Kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong ba năm

Quyết định giảm sản lượng điện thoại Note 7 của Samsung là một trong các l‎y do khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng mức chậm nhất trong quý‎‎‎ Một, theo hãng tin AFP.
Mức tăng trưởng 5.1% theo năm trong qu‎ý Một năm nay là mức kém nhất kể từ 2014, và cách xa mức 6,7% trong quý trước đó, theo Tổng cục Thống kê
Mức tăng này cũng không đạt dự báo 6,3% mà Bloomberg News đưa ra khi làm khảo sát.
“Nếu không có đột biến gì lớn thì khó có thể đạt tăng trưởng 6,7%,” ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, được dẫn lời.
“Công nghiệp tăng thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay, điều này kéo tụt tăng trưởng GDP, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đất nước “, ông Lâm nói. “Dự báo kinh tế nước ta sẽ có nhiều thách thức hơn thuận lợi, khó có thể đạt được mục tiêu đã đề ra”.
Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, vốn đầu tư nhiều vào Việt Nam, bị buộc phải giảm lượng điện thoại di động sau sự cố pin dòng điện thoại Galaxy Note 7 bị nổ khiến ngưng sản xuất loại này.
Đây là một trong những lý do được xem là yêu tố dẫn tới kinh tế quý một của Việt Nam tăng ở mức chậm nhất trong ba năm.
Sản lượng tập đoàn Samsung tại Việt Nam giảm 38% trong quí Một và ngành điện tử chiếm khoảng 1/3 lượng xuất khẩu 40 tỉ USD của Việt Nam.
Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết khu vực nông – lâm – thuỷ sản, ngành nông nghiệp cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (giảm 2,69%), lâm nghiệp và thuỷ sản đều có tăng trưởng tốt.
“Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh 11,4% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng 8,3%, tăng thấp nhất kể từ năm 2015.
“Ngành xây dựng tăng 6,1%, thấp hơn so với mức 8,6% của năm 2016″, báo này cho biết.
Việt Nam được xem là một trong các nền kinh tế phát triển tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á với động lực chính là hàng xuất khẩu từ giày Nike tới điện thoại thông minh.
Nhưng tăng trưởng hàng năm giảm từ 6,7% vào năm 2015 xuống 6,2% vào năm ngoái.
Chính phủ Việt Nam vào hôm thứ Tư cho biết chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Người Thượng Việt ‘vô tổ quốc ở Thái Lan’

Giữa Bangkok có một cộng đồng nhỏ người Thượng nói rằng họ thoát khỏi đàn áp tôn giáo của Hà Nội, theo tường thuật của Al Jazeera hôm 24/3.
Cộng đồng này gồm 150 gia đình người Thượng, sống trong những ngôi nhà bằng tre dựng trên kênh rạch.
Đa phần lớn đã cải đạo sang Tin Lành, những người Thượng này nói rằng họ đã phải đối mặt với sự áp bức và kỳ thị tôn giáo sau năm 1975.
Số lượng người Thượng Việt ở Thái Lan đã tăng lên trong những năm gần đây do có thêm người đào thoát những gì họ mô tả là trấn áp tôn giáo, cưỡng chế đất, và bắt giữ tùy tiện.
Không dễ tìm thấy nhóm người này. Họ sống trong các đồn điền và kênh rạch và bao quanh bởi những ngôi nhà tre nhỏ trên mặt nước.
“Họ sống ở đây thì an toàn hơn vì có quá nhiều cảnh sát ở khu trung tâm,” Grace Bui, giám đốc chương trình Thái Lan của Dự án trợ giúp người Thượng nói với Aljazeera.
Thái Lan không là nước ký kết Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc liên quan đến tình trạng người tỵ nạn hoặc Nghị định thư 1967 liên quan đến tình trạng tỵ nạn.
Những người Thượng xin quyền tỵ nạn được các quốc gia như Campuchia mô tả là những người di cư vì lý do kinh tế và không có giấy tờ.
Họ không có quyền và giấy tờ bất kể việc có đăng ký với Cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR hay không.
‘Vô tổ quốc’
Ayun Tre, 50 tuổi, đến từ tỉnh Gia Lai, kể về 15 ngày bị cưỡng bức lao động hồi năm 2003 do khước từ điều ông gọi là chối bỏ đức tin.
“Công an Việt Nam dùng một cái chai đánh tôi đến gãy răng và cắt vào mắt tôi,” ông nói.
Ông tìm đường đến Thái Lan năm 2015 vì lo sợ mất mạng sau khi ông bị bắt trở lại và đánh đập năm 2014.
“Tôi muốn mọi người biết rằng chúng tôi không có cuộc sống tốt đẹp hay công lý dưới chế độ cộng sản,” ông nói.
Từ cuối những năm 1960, một số dự án tái định cư và hiện đại hóa đã có tác động tới cộng đồng người Thượng ở Tây Nguyên.
Sau khi bán tất cả mọi thứ trong nhà, gồm bò và gỗ, ông đưa vợ con đến Thái Lan cuối năm 2016, trả chi phí cho đường dây buôn người khoảng 1.000 đôla/người lớn và 400 đôla/trẻ em.
Gia đình này đang chờ đợi cuộc phỏng vấn với UNHCR với hy vọng được công nhận là người tỵ nạn và tái định cư ở nước thứ ba.
“Thái Lan là đất nước tự do mà chúng tôi có thể tụ tập, không giống như Việt Nam”, ông nói.
Nhưng do không có giấy tờ, ông luôn sợ khả năng sẽ bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ, giam tại Trung tâm giam giữ Nhập cư (IDC) ở Bangkok và rốt cùng có thể bị trả về Việt Nam.
Pornchai Kamonsin, một mục sư Tin Lành Thái Lan ở Bangkok, là người giúp những người Thượng chi trả tiền thuê nhà ở và chi phí khám bệnh.
Kamonsin cũng giúp trẻ em người Thượng không có giấy tờ được đi học tại các trường ở Thái Lan.
“Khi Hội thánh Tin Lành mở cửa bảy năm trước, chỉ có 15 người Thái dự lễ. Còn bây giờ, có hơn 100 người Thái và 200 người Thượng,” ông nói.
Ông cho hay vấn đề là có rất ít nhân viên pháp lý của Liên Hiệp Quốc có mặt tại Bangkok để giúp những người xin tỵ nạn, và quá trình sàng lọc các trường hợp diễn ra chậm chạp.
Grace Bui cho biết thêm khó khăn là hầu như không có phiên dịch viên từ tiếng Jarai sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt trong lúc phần lớn người Thượng không nói tiếng của người Kinh.
Nay Hoch, một nông dân 45 tuổi đến từ Gia Lai, đang chờ cuộc phỏng vấn lần thứ 5 với UNHCR, dự kiến ​​vào tháng 7/2017, sau khi bị hủy bỏ và dời lại bốn lần.
Được biết hiện có hơn 8.000 người tị nạn sống tại thủ đô Bangkok từ các nước như Pakistan, Syria, Sri Lanka và Việt Nam.
Jennifer Bose, đại diện UNHCR tại Bangkok nói: “UNHCR nhấn mạnh đến tất cả những người xin tỵ nạn ở đây rằng việc tái định cư không phải là một quyền. Không có đủ nơi tái định cư cho tất cả những người xin tỵ nạn.”
“Chỉ dưới 1% số người tỵ nạn trên thế giới thực sự có cơ hội để bắt đầu cuộc sống mới ở nước thứ ba”.
Những người Thượng được phỏng vấn nói rằng họ biết Thái Lan không công nhận người tỵ nạn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản được họ tìm đường đến đây vì “dù sao vẫn tốt hơn so với những áp bức ở quê nhà”.
“Tôi hy vọng chế độ [Việt Nam] sẽ thay đổi để người dân có nhân quyền và tự do cho,” một người Thượng nói.
Al Jazeera nói họ đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok về câu chuyện này nhưng không nhận được phản hồi nào cho tới thời điểm đăng bài báo.

Kiến nghị về Formosa ‘có hơn 70.000 chữ ký’

Một thỉnh nguyện thư về việc giải quyết thảm họa Formosa hiện thu thập được hơn 70.000 chữ ký tính đến hôm 29/3 và đặt mục tiêu có 100.000 chữ ký để gửi đến Tổng thống Đài Loan cũng như các tổ chức quốc tế.
Thỉnh nguyện thư do Ủy ban trợ giúp Nạn nhân môi trường biển thuộc giáo phận Vinh đề xuất lấy chữ ký của ngư dân bị thiệt hại được thực hiện từ cuối năm 2016 và gần đây mở rộng lấy chữ ký online tại đây.
“Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, là nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của thảm họa môi sinh do công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh – một chi nhánh của tập đoàn Formosa Đài Loan – gây ra tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam,” những người khởi xướng kiến nghị viết.
“Thảm họa cá chết cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.”
“Các nghề nghiệp liên quan như du lịch, khách sạn, nhà hàng… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập.”
“Chúng tôi rất cần sự hậu thuẫn của các cơ quan quốc tế, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lên tiếng bênh vực và có những hoạt động thiết thực để trợ giúp chúng tôi trong thảm họa này…”
‘Có lợi cho nạn nhân’
Hôm 29/3, BBC liên hệ với đức cha Paulus Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh nhưng không nhận được phản hồi.
Cùng ngày, trả lời BBC, Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, Giáo xứ Phú Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nói: “Điểm khác biệt của thỉnh nguyện thư này so với những bản thỉnh nguyện thư trước đây là đã một năm trôi qua nhưng những vấn đề của thảm họa cá chết vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.”
“Về khoản đền bù cho nạn nhân, tôi được biết chính quyền chỉ mới chi 150 trong số 500 triệu đôla mà họ công bố ban đầu.”
“Bên cạnh đó, việc chính quyền tiếp tục để cho nhà máy Formosa tồn tại, bao che những hiện tượng nước biển một số khu vực tại miền Trung gần đây và không có kế hoạch cải tạo biển là những điều công luận muốn làm rõ.”
Linh mục cũng nói thêm: “Trong việc quảng bá cho thỉnh nguyện thư này, các linh mục không phải là người toàn năng, không thể làm hết được.”
“Điều quan trọng hơn là hoạt động này có lợi cho nạn nhân của Formosa, nên ai có lòng thì giúp đỡ.”
Trong một diễn biến khác, báo Nghệ An hôm 20/3 tường thuật: “Tình hình an ninh trật tự vẫn còn có những vụ việc phức tạp như: một số chức sắc, cực đoan trên địa bàn tiếp tục chỉ đạo, thông báo kêu gọi việc hiệp thông với những người dân bị đàn áp trên đường đi nộp đơn khởi kiện công ty Formosa Hà Tĩnh với nhiều nội dung thông tin sai sự thật, vu cáo chính quyền và các lực lượng chức năng đàn áp nhân dân gây mất trật tự an ninh trên địa bàn”.

Ngư dân Hà Tĩnh tiếp tục biểu tình đòi bồi thường

Hằng trăm người dân xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 29 tháng 3 tiếp tục kéo đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã đòi bồi thường do tác động mà thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên.
Một phụ nữ địa phương tham gia biểu tình vào lúc 7 giờ tối 29 tháng 3 cho Đài Á Châu Tự do biết như sau:
“Sự cố Formosa xảy ra nhưng bà con không được bồi thường, các chủ doanh nghiệp kho đông lạnh, mắm ruốc, cá khô cũng không được bồi thường.
Bà con tập trung ra xã biểu tình. Hôm qua bà con ra thì họ cử đại diện trã lời nhưng chiều hôm nay ra thì họ đóng cửa. Một số người đưa máy ra quay thì họ cướp giật.”
Theo người phụ nữ này thì cuộc sống của người dân bị bế tắc không có thu nhập, nhiều người phải tìm đường sang Lào, Thái Lan để kiếm sống.
Xin được nhắc lại thảm họa môi trường do Formosa gây nên từ đầu tháng tư năm ngoái khi nhà máy xả trực tiếp ra biển nhiều loại hóa chất độc hại. Cá và hải sản chết hằng loạt từ Hà Tĩnh cho đến Thừa Thiên-Huế.

Ba gia đình người Việt vượt biên ở Indonesia

đang chờ được LHQ phỏng vấn

Hòa Ái, phóng viên RFA
Ba gia đình ở Bình Thuận, từng bị chính phủ Úc trả về, đang bị giữ ở Indonesia gần tròn 2 tháng sau chuyến vượt biên mới nhất. Số phận của nhóm 18 người này hiện giờ ra sao?
Vượt biên lần thứ nhì
Chuyến vượt biên lần thứ hai của nhóm 18 người rời Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên Đán Đinh Dậu, với quyết tâm thà chết trên biển chứ không hồi hương, được nữ Ký giả Shira Sebban nhắc lại trên báo mạng Independentaustralia.net đăng tải hồi trung tuần tháng Ba.
Bà Shira Sebban là người lập quỹ giúp cho một số gia đình ở Bình Thuận, vượt biên sang Úc hồi tháng 3 năm 2015 nhưng bị trả về Việt Nam và phải chịu án tù, mặc dù Chính phủ Hà Nội cam kết không trừng phạt họ.
Qua bài viết có nhan đề, tạm dịch là “Số phận may rủi của trẻ em Việt tìm quy chế tị nạn”, Ký giả Shira Sebban chia sẻ rằng bà thật sự bị sốc khi hay tin ba gia đình phụ nữ lại quyết định vượt biên bằng tàu đến Úc lần thứ hai.
Bà cho biết luôn dặn dò đừng bao giờ nghĩ đến ra đi lần nào nữa mỗi khi tiếp xúc với gia đình của bà Trần Thị Thanh Loan và bà Trần Thị Lụa trong thời gian chuyển tiền gây quỹ giúp cho 7 đứa con nhỏ của họ được đến trường, từ giữa năm 2016 cho đến lúc họ khởi hành chuyến vượt biên lần thứ hai hồi cuối tháng Giêng năm 2017.
Bà Sebban nói với RFA đã liên lạc được với 3 gia đình của bà Loan, bà Lụa và bà Phúc sau khi bị cảnh sát Indonesia bắt giữ tại bờ biển Java do tàu của họ bị chết máy, đụng phải đá ngầm và bị đắm:
“Chúng tôi trả chi phí cho chỗ ăn ở của 18 người này trong 5 ngày và trả tiền thuê 2 người bảo vệ cho họ. Đó là những gì chúng tôi làm giúp họ trong lúc chờ được gặp với Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc và bảo đảm họ được an toàn.”
Bà Trần Thị Lụa nói với Ký giả Shira Sebban 3 gia đình quyết định liều mình ra đi vì nỗi ám ảnh ở tù mà bà đã thụ án 2 tháng 18 ngày trước khi được tạm ngưng tại ngoại để nuôi con.
Bà Lụa sợ hãi khi sắp đến thời hạn bị vô tù trở lại, kéo dài gần 28 tháng nữa. Bà Lụa chia sẻ với RFA vài ngày trước khi rời Việt Nam cho chuyến vượt biên lần thứ hai:
Ở trong đó bị hành hạ, em bị ói ra máu. Em được cho ra tại ngoại điều trị và được cho hoãn thi hành án để ở nhà chăm sóc cho con mấy tháng. Nghĩ đến cảnh phải vô đó em sợ lắm. Khủng khiếp lắm! Hàng ngày em cứ sợ tới ngày đó. Bây giờ đang suy nghĩ không biết có lối thoát nào không
-Bà Trần Thị Lụa
“Ở trong đó bị hành hạ, em bị ói ra máu. Em được cho ra tại ngoại điều trị và được cho hoãn thi hành án để ở nhà chăm sóc cho con mấy tháng. Nghĩ đến cảnh phải vô đó em sợ lắm. Khủng khiếp lắm! Hàng ngày em cứ sợ tới ngày đó. Bây giờ đang suy nghĩ không biết có lối thoát nào không…”
Ký giả Shira Sebban cho biết thêm đã nhờ cô Grace Bùi, một thiện nguyện viên giúp cho 3 gia đình vượt biên đang bị bắt giữ ở Indonesia làm giấy tờ xin quy chế tị nạn, chuyển quà và một số tiền chọ họ phòng khi gặp trường hợp khẩn cấp để xoay sở.
Được chấp nhận “người tìm quy chế tị nạn”
Chúng tôi liên lạc với cô Grace Bùi vào sáng Chủ Nhật, ngày 26 tháng 3 và được cho biết về tình hình của nhóm 18 người này:
“Tuần vừa qua họ được Cao ủy chấp nhận cho là ‘người tìm quy chế tị nạn’ (asylum seeker), chưa là người tị nạn (refugee). Sau khi được là ‘người tìm quy chế tị nạn’ thì họ sẽ đợi được phỏng vấn để xem coi họ có đủ quy chế để trở thành ‘người tị nạn’ hay không.
Hiện bây giờ họ đang trong tình trạng đó. Không ai biết họ sẽ được Liên Hiệp Quốc (UN) chấp thuận cho họ sẽ trở thành ‘người tị nạn’ hay không mà UN cũng không biết tại vì họ chưa phỏng vấn.
Những người này mới có cuộc sơ vấn đầu tiên và có số ‘người tìm quy chế tị nạn’ thì họ được bảo vệ dưới quyền của UN. Nhưng điều đó không có nghĩa là Indonesia sẽ không gửi họ về Việt Nam. Tuy nhiên, chính quyền Indonesia rất tốt với những người này. Từ ngày họ tới đến bây giờ cũng chưa có chuyện gì xảy ra.”
Cô Grace Bùi cũng nói Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc đã liên lạc với cô và thông báo đang sắp xếp cho nhóm 18 người Việt được phỏng vấn lần hai để xác định họ được chấp thuận là người tị nạn hay không.
Tuần vừa qua họ được Cao ủy chấp nhận cho là ‘người tìm quy chế tị nạn’, chưa là ‘người tị nạn’. Sau khi được là ‘người tìm quy chế tị nạn’ thì họ sẽ đợi được phỏng vấn để xem coi họ có đủ quy chế để trở thành ‘người tị nạn’ hay không. Hiện bây giờ họ đang trong tình trạng đó
-Cô Grace Bùi
Trong khi chờ đợi được phỏng vấn lần thứ  nhì với Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, ký giả Shira Sebban cố gắng tìm cách giúp cho 12 em nhỏ trong số 18 người được đến trường ở Indonesia:
“Tôi cũng muốn chia sẻ rằng tôi thấy các em nhỏ cần phải được học hành. Đây là vấn đề quan trọng đối với tôi, những đứa trẻ phải được đến trường.
Dĩ nhiên vì là ‘người tìm quy chế tị nạn’ nên chúng không được đi học trong hệ thống trường của Indonesia, nhưng tại Indonesia có trường dành cho người tị nạn.
Tôi đã liên lạc với trường này và họ đã hồi đáp cho tôi đang xem xét để giúp những đứa trẻ. Thông tin này thật là lạc quan.”
Như cô Grace Bùi cho biết rằng không ai có thể tiên liệu được số phận của nhóm 18 người Việt, ở La Gi, Bình Thuận sẽ thế nào, được định cư ở nước thứ ba trong thân phận tị nạn hay trả về Việt Nam và chịu cảnh tù đày.
Nhưng rõ ràng, những người đã từng vượt biên chung với họ và bị Chính phủ Úc trả về hồi tháng 7 năm 2015 đang đối mặt với sự trừng phạt mạnh tay của chính quyền địa phương.
Bà Trần Thị Thanh Loan, lúc vừa bị bắt giữ ở Indonesia, nói với Ký giả Shira Sebban bà nhận được tin từ gia đình cho hay chồng của bà, ông Hồ Trung Lợi đang thụ án tù 2 năm và sẽ mãn án vào tháng Tư tới đây, được quản giáo trại giam thông báo vợ con đã chết trên biển do tàu bị đắm.
Ông Lợi bị biệt giam, không được gặp người nhà cũng như không được nhận thức ăn hay thuốc men của gia đình chuyển vào. Trại giam nói với gia đình rằng ông Lợi sẽ bị trừng phạt vì vợ con vượt biên.
Còn những gia đình khác không tham gia trong chuyến vượt biên lần hai, như gia đình của ông Nguyễn Minh Quyết và ông Nguyễn Tuấn Kiệt. Hiện, 2 ông đang thụ án tù vì tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.
Bà Huỳnh Thị Mỹ Vân, vợ của ông Kiệt, hiện đang thụ án 18 tháng tù treo, cho Đài Á Châu Tự Do biết cuộc sống của gia đình rất khó khăn vì bà không thể di chuyển, đi lại ra khỏi địa phương để kiếm sống nuôi các con nhỏ của mình. Bà Vân cũng cho biết tình trạng của chồng bà trong tù:
“Vô thăm ông xã một tháng cho thăm một lần mà chế độ ăn uống ở trong đó thì không có dinh dưỡng. Hàng ngày ăn rau luộc với muối chứ không có chất đạm gì hết mà phải làm lao động đúng giờ mới cho nghỉ. Làm đủ 8 tiếng lao động/ngày. Chế độ ăn uống không có dinh dưỡng nên ông xã suy yếu. Lúc trước bên ngoài mập, to nhưng vô trong tù bị ốm và xanh. Vô thăm ông xã gặp cứ khóc thôi.”
Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, Ký giả Shira Sebban nhấn mạnh mặc dù công việc gây quỹ để giúp cho 27 người trong số các gia đình vừa nêu gặp khó khăn, không được nhiều mạnh thường quân quyên góp như ban đầu, nhưng bà vẫn kiên trì công việc đó vì theo bà những ngày tháng tới của các gia đình này đều cùng chung số phận vô định, không biết sẽ về đâu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện