Tin khắp nơi – 30/03/2017

Tin khắp nơi – 30/03/2017

TT Trump ký luật S.305,

chỉ định ngày 29/3 là Ngày Cựu chiến binh Việt Nam

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký dự luật S. 305 thành luật hôm thứ Ba 28/3, khuyến khích việc treo quốc kỳ Mỹ vào ngày 29/3 hàng năm để tôn vinh Ngày Cựu chiến binh Việt Nam.
Theo tin từ Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump viết trên Tweeter:
“Tối nay tôi rất tự hào đã ký dự luật S. 305, khuyến khích trưng bày quốc kỳ Hoa Kỳ vào Ngày Cựu chiến binh Việt Nam hàng năm, ngày 29/3″.
Phó Tổng thống Mike Pence hôm thứ Tư cũng lên Tweeter ca ngợi Tổng thống ký thành luật dự luật tôn vinh các cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu Việt Nam.
Thứ Tư vừa rồi đánh dấu một mốc điểm quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ. Cách đây đúng 44 năm vào ngày 29/3/1973, các binh sĩ Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Chương trình tin tức của đài FOX trích lời Tổng thống Nixon thời bấy giờ tuyên bố rằng: “ngày mà chúng ta mong đợi và cầu nguyện cuối cùng đã đến.”
Đài truyền hình FOX nhắc lại rằng nhiều cựu chiến binh đã bị đối xử tồi tệ sau khi hồi hương về nước vì nhiều người chống đối chiến tranh Việt Nam, và đổ lỗi cho các quân nhân về tình hình bi thảm ở Việt Nam.
44 năm sau, các cựu chiến binh giờ đã được thừa nhận và chính thức vinh danh nhờ nỗ lực của Thượng nghị sĩ Joe Donnelly, đại diện bang Indiana.
Ông Donnelly và Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ bang Pennsylvania Pat Toomey là đồng tác giả của Dự luật S. 305, công nhận các cựu chiến binh Mỹ chiến đấu tại Việt Nam.
Thông báo do Thượng nghị sĩ Donnelly công bố sau khi dự luật do ông tiến cử trở thành luật, có đoạn viết:
“Vào cuối cuộc chiến, rất nhiều cựu chiến binh của chúng ta trở về từ chiến trường Việt Nam đã không được giang tay chào đón, những cống hiến của họ không được công nhận. Dự luật lưỡng đảng này sẽ giúp đất nước chúng ta vinh danh thế hệ cựu chiến binh đã dạy chúng ta thế nào là lòng yêu nước và phụng sự tổ quốc. Họ xứng đáng được tôn vinh về cống hiến và hy sinh của họ. Tôi vui mừng được làm việc với Thượng nghị sĩ Toomey để cổ vũ cho Ngày cựu chiến binh Việt Nam.”
Dự luật này được Thượng viện phê duyệt với sự ủng hộ của lưỡng đảng hôm 8/2, và được Hạ viện thông qua hôm 21/3. Tổng thống Trump ký dự luật ấy thành luật, có hiệu lực từ đêm 28/3.
Trong số 2.7 triệu binh sĩ Mỹ từng phục vụ tại Việt Nam, hơn 58.000 binh sĩ đã hy sinh và hơn 304.000 người bị thương, theo Military Times.

Trung Quốc lãnh đạo thế giới bảo vệ môi trường

sau khi Mỹ rút lui

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba đã ký một sắc lệnh hành pháp bao trùm nhiều vấn đề mà trên thực tế có hiệu lực hủy bỏ các quy định về môi trường do người tiền nhiệm Barack Obama đưa ra.
Tại lễ ký sắc lệnh, ông Trump nói: “Chúng ta sẽ đưa các thợ mỏ trở lại làm việc và sản xuất than thực sự sạch”.
Một ngày sau, Trung Quốc nói hôm thứ Tư rằng họ quyết tâm tôn trọng các cam kết của mình trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng chống biến đổi khí hậu là một thách thức đối với toàn thế giới, và Trung Quốc sẽ duy trì cách tiếp cận của mình ngay cả khi các chính phủ khác thay đổi chính sách của họ.
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sean Spicer cho hay ông Trump tin rằng ông có thể cân bằng hai mục tiêu song hành là vừa bảo vệ môi trường vừa thúc đẩy sản xuất năng lượng ở Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp báo hàng ngày của Tòa Bạch Ốc, ông Spicer nói: “Tổng thống tin tưởng mạnh mẽ là bảo vệ môi trường và thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta không phải là những mục tiêu loại trừ lẫn nhau. Sắc lệnh hành pháp này sẽ giúp đảm bảo rằng chúng ta có không khí sạch và nước sạch mà không phải hy sinh tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm”.
Sắc lệnh của ông Trump nhắm đến việc đình chỉ, hủy bỏ hoặc rà soát hơn nửa tá các quy định, trong nỗ lực gia tăng sản xuất năng lượng trong nước bằng nhiên liệu hóa thạch.
Sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang lọc ra các quy định mà chính quyền nói là gây cản trở cho việc sản xuất năng lượng trong nước, đó là bước đầu tiên trong một quá trình 6 tháng để lập ra kế hoạch chi tiết cho chính sách năng lượng trong tương lai của chính quyền. Một phần trong việc rà soát sẽ là Kế hoạch Năng lượng Sạch, kế hoạch này hạn chế phát thải khí nhà kính tại các nhà máy nhiệt điện than.
Sắc lệnh cũng hủy bỏ nhiều sáng kiến về môi trường của Tổng thống Barack Obama và loại bỏ việc đòi hỏi các quan chức liên bang phải cân nhắc tác động của biến đổi khí hậu khi đưa ra quyết định.
Ngân sách dự kiến năm 2018 của ông Trump cắt 31% ngân sách của Cơ quan Bảo vệ Mội trường (EPA), trong đó gần như cắt toàn bộ ngân quỹ cho việc nghiên cứu khí hậu.
Các chi tiết của sắc lệnh bị rò rỉ ra đã làm bùng lên những phản ứng của các nhà khoa học về khí hậu.
Tim Barnett, nhà nghiên cứu địa vật lý học thuộc Học viện Hải dương học Scripps ở California, nói rằng ngay bản thân ông, một người ủng hộ Trump, cũng thấy việc hủy bỏ những quy định trong Kế hoạch Năng lượng Sạch là “vô lý”. Ông nói: “Tình trạng ấm lên toàn cầu không phải là một vấn đề của đảng Dân chủ hay một vấn đề của đảng Cộng hòa. Nếu nhìn vào những gì diễn ra ở Bắc cực, Nam cực, với việc tiếp tục đưa CO2 vào bầu khí quyển, chúng ta đang làm cho các đại dương có nồng độ axit cao hơn. Người ta cho rằng đến năm 2040, một nửa sinh vật phù du sẽ gặp nguy cơ”.
Giám đốc Điều hành Sierra Club Michael Brune gọi sắc lệnh của ông Trump là “cuộc tấn công lớn nhất vào hành động vì khí hậu trong lịch sử Hoa Kỳ”. Ông Brune nói việc làm này không chịu nhìn thấy nền kinh tế năng lượng sạch đang phát triển, nền kinh tế này chính là cách tốt nhất để bảo vệ cả người lao động lẫn môi trường.

Ngoại trưởng Mỹ

sẽ đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ và NATO trong tuần này

Cân nhắc các bước tiếp theo trong chiến dịch nhằm đánh bại nhóm chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo (IS) và ổn định cuộc khủng hoảng người tị nạn với các đồng minh trong khu vực, là chủ đề của chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ và các nước NATO trong tuần này.
Trong cuộc họp đầu tiên với các đối tác NATO, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ hối thúc các đồng minh vạch ra một con đường rõ ràng để tăng chi tiêu quốc phòng, theo tường thuật của Thông tín viên Nike Ching của VOA.
Các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo đang tăng cường chiến dịch tái chiếm thành phố Raqqa ở Syria từ tay quân chủ chiến Nhà Nước Hồi giáo.
Ổn định các khu vực nơi phiến quân đã trốn chạy và cho phép người tị nạn trở về quê nằm ở ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của Hoa Kỳ và các đối tác trong liên minh chống Nhà nước Hồi giáo.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson trong tuần này sẽ đi thăm Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó NATO – để tiếp tục đẩy mạnh những bước tiến đã đạt được trong cuộc họp với các đối tác trong liên minh tại Washington vào tuần trước.
Ông Tillerson nói:
“Trong khi một lộ trình cụ thể hơn cho Syria đang được xác định, tôi có thể nói Hoa Kỳ sẽ tăng áp lực đối với ISIS (Nhà Nước Hồi giáo) và al-Qaeda, chúng tôi sẽ làm việc để thiết lập các khu vực an toàn tạm thời thông qua các thoả thuận ngưng bắn để cho phép người tị nạn trở về nhà.”
Theo ông Daniel Serwer, chuyên gia về các vấn đề Trung Đông, đây là một mục tiêu khó thực hiện. Ông Serwer nói:
“Thổ Nhĩ Kỳ muốn có những khu an toàn, họ đã đề nghị lập những khu như thế này trong nhiều năm rồi, nhưng thực tế là rất khó tạo ra các khu an toàn, và khó có thể bảo vệ và duy trì chúng.”
Vài ngày trước cuộc họp đầu tiên của ông Tillerson với bộ trưởng ngoại giao các nước NATO, ông Tillerson gặp ngoại trưởng các quốc gia vùng Baltic. Họ bày tỏ tin tưởng vào sự ủng hộ mà Washington dành cho liên minh NATO.
Việc ộng Tillerson đến dự cuộc họp với NATO trước khi tới Moscow, sẽ ngưng những tranh cãi về quyết định của ông trước đây, tính bỏ qua cuộc họp với các Ngoại Trưởng NATO.
Dự kiến ông Tillerson sẽ nêu rõ rằng Hoa Kỳ không thể tiếp tục đóng góp quá nhiều để trang trải các chi tiêu quốc phòng của NATO. Ông nói tỷ lệ đóng góp bất cân xứng của Mỹ hiện nay là không thể kéo dài.
Ông Tillerson cũng sẽ thảo luận với các đồng minh về cam kết chung của họ nhằm cải thiện an ninh ở Ukraina và NATO cần hối thúc Nga hãy chấm dứt các hành động gây hấn đối với các nước láng giềng.

OCED ra khuyến cáo

cải cách kinh tế TQ trước thềm đại hội Đảng

Trong bối cảnh có những thay đổi chính trị lớn trong chương trình nghị sự Đảng Cộng sản trong năm 2017, Trung Quốc theo dự kiến sẽ tránh các biện pháp cải cách có tính quyết định vì điều này có thể dẫn đến những tổn thất do mất công ăn việc làm trên quy mô lớn và gây áp lực lên lãnh đạo.
Một trong những biện pháp này được OECD đề xuất và được công bố trong “Khảo sát Kinh tế Trung Quốc” vào tuần trước là việc đóng cửa hoàn toàn các công ty nhà nước làm ăn thua lỗ. Bản báo cáo của Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) cũng kêu gọi những thay đổi trong luật phá sản để trám những kẻ hở pháp luật mà đã tiếp tay cho các doanh nghiệp chây lười sống sót bằng nguồn ngân sách. Các công ty này đã tạo nên lên một khoản nợ doanh nghiệp khổng lồ, bằng 170% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc.
Cảnh báo của OECD
Ông Alvaro S. Pereira, Giám đốc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nói với VOA rằng: “70% nợ của doanh nghiệp là nợ của các doanh nghiệp nhà nước (SOE), những công ty này được gọi là công ty” thây ma ” nên loại ra khỏi thị trường, hoặc cải cách hoặc hợp nhất.
Ông Pereira nói: “Nếu bạn để quá nhiều công ty thây ma tồn tại, tôi nghĩ đây là điều tồi tệ đối với nền kinh tế vì chúng đang chuyển hướng các nguồn lực mà có thể được sử dụng tốt hơn ở một nơi khác”.
Chính trị trong cải cách
Những lời khuyên này dường như không được nêu ra trước Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra trong năm nay. Cuộc bầu cử quan trọng này dự kiến sẽ bầu ra một nhóm các nhà lãnh đạo mới trong Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và bầu lại Tổng bí thư, Chủ tịch Xi Jinping, cho nhiệm thứ hai trong kỳ 5 năm tiếp theo.
Tái cơ cấu hoặc đóng cửa các doanh nghiệp lớn có thể dẫn đến mất hàng loạt công ăn việc làm và sự phẫn nộ trong số các quan chức có các mối liên hệ hữu hảo với giới điều hành doanh nghiệp.
Max J. Zenglein, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện nghiên cứu Trung Quốc Merator ở Berlin (Merics) cho biết các nhà lãnh đạo cộng sản rất quan tâm đến việc đảm bảo ổn định chính trị và xã hội trong thời kỳ suy thoái kinh tế này hơn là thực hiện cải cách.
Ông nói: “Áp lực vào nền kinh tế giảm liên tục làm cho bất kỳ nỗ lực cải cách đáng kể nào trước Đại hội Đảng cũng khó khả thi. Chính phủ sẽ tránh bất kỳ hình thức nào gây bất ổn xã hội.”
Áp lực vào nền kinh tế giảm liên tục làm cho bất kỳ nỗ lực cải cách đáng kể nào trước Đại hội Đảng cũng khó khả thi. Chính phủ sẽ tránh bất kỳ hình thức nào gây bất ổn xã hội.
Ma J. Zenglein
​Mục tiêu quá cao
Một số chuyên gia cho rằng có một mâu thuẫn giữa nhu cầu cải cách và mục tiêu chính trị của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Ông Scott Kennedy, Giám đốc Dự án bộ phận Kinh doanh và Kinh tế Chính trị Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) cho biết: “Ông Tập Cận Bình rất tự tin với sự kiểm soát của chính phủ và đảng đối với thị trường.”
Ông Kennedy nói “Cho tới nay lãnh đạo Trung Quốc chưa tiến tới cải cách doanh nghiệp nhà nước vì lãnh đạo không tin vào cách tiếp cận này. Thay vào đó, họ muốn cứu các doanh nghiệp nhà nước vì chúng là chìa khóa cho quyền lực của Đảng Cộng sản và ảnh hưởng quốc tế”.
Cải cách có nghĩa là mở ra các lĩnh vực kinh tế dành phần cho các công ty nhà nước và trừng phạt các nhà quản lý phạm sai lầm dẫn tới gánh nặng nợ nần và thua lỗ nặng nề. Điều này cũng có nghĩa là mở ra một số khu vực trước đây cấm cửa các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài, sẽ không tuân thủ cơ chế kiểm soát của Đảng Cộng sản nữa.
Lộn xôn và lúng túng
Ông Warren B. Bailey, giáo sư tài chính tại trường cao học Quản trị Cornell Samuel Curtis Johnson, nhấn mạnh khoảng cách giữa các mục tiêu cải cách và các mục tiêu chính trị của các nhà lãnh đạo. Ông nói: “Vấn đề cơ bản hơn là việc phá sản DNNN gây ra lộn xộn, lúng túng, mất việc làm, cắt giảm lợi ích nguồn nuôi sống những doanh nghiệp này.”
Nhưng một số cải cách không thể tránh được. Các công ty trong ngành than và thép đã tích tụ hàng tồn kho khổng lồ chưa bán được, và bắt đầu làm chảy máu các ngân hàng vì cho các công ty vay tiền để tồn tại. Chính phủ đã dành 23 tỷ đô la để bồi thường cho những người lao động bị sa thải sau khi đóng cửa các mỏ quặng và các nhà máy trong vòng hai năm tới. Tuần trước, Trung Quốc đã chi bổ sung 4,36 tỷ đôla cho Quỹ Cải thiện Cạnh tranh DNNN, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp, và các hình thức tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước khác.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận thấy những biện pháp này không chỉ là làm trầy xước bề mặt của một vấn đề khổng lồ.
Ông Bailey nói: “Có ít bằng chứng về bất kỳ cải tiến đáng kể nào trong quản trị DNNN, bất chấp những thay đổi trong luật pháp, các quy định, niêm yết trên thị trường chứng khoán, hoặc những việc phát triển thể chế khác đòi hỏi phải nâng cao chất lượng. Tôi rất bi quan.”
Tôi nghĩ các ngân hàng Trung Quốc đang cho vay nợ rất nhiều, cả trong và ngoài bảng cân đối kế toán của họ, và việc thực thi một cách nghiêm túc việc phá sản doanh nghiệp có thể làm cho một số tổ chức tài chính bị tổn hại.
Scott Kennedy
Ông Kennedy nói có một lý do lý giải tại sao chính phủ đang thực hiện các mục tiêu cải cách một cách rất thận trọng. Việc đóng cửa hoặc tái cơ cấu các công ty thây ma sẽ là một cú huých mạnh mẽ đối với các ngân hàng đã cho các công ty thây ma vay mượn hàng tỷ đô la. Ông Kennedy nói: “Tôi nghĩ các ngân hàng Trung Quốc đang cho vay nợ rất nhiều, cả trong và ngoài bảng cân đối kế toán của họ, và việc thực thi một cách nghiêm túc việc phá sản doanh nghiệp có thể làm cho một số tổ chức tài chính bị tổn hại.”

Trung Quốc giảm quân ‘đúng tiến độ’

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay kế hoạch giảm quân của Trung Quốc đang được tiến hành theo đúng tiến độ. Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình loan báo Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ cắt giảm 300.000 binh sĩ và phần lớn các đợt cắt giảm sẽ diễn ra vào cuối năm 2017.
Trung Quốc hy vọng biện pháp này sẽ tiết kiệm tiền để sắm vũ khí công nghệ cao cho lực lượng hải quân và không quân, tạo ra một lực lượng quân đội tinh gọn và có tính chiến lược hơn. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn chật vật xoay sở để giải quyết những bức xúc của các quân nhân bị sa thải.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết đã có “các sắp xếp chi tiết” cho việc giảm quân và mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ.
Hồi tháng Hai, các cựu chiến binh Trung Quốc đã biểu tình ở Bắc Kinh trong hai ngày để đòi khoản trợ cấp hưu trí chưa được thanh toán. Đợt biểu tình mới cho thấy những khó khăn của Bắc Kinh trong việc quản lý các cựu binh.
Các cuộc biểu tình trước đây diễn ra là do vấn đề lương hưu của một số cựu binh từng tham gia trong trận chiến với Việt Nam năm 1979.

Phong trào nổi dậy Hồi giáo Rohingya tuyên bố

không liên kết với khủng bố

Trong tuần này, phong trào nổi dậy Hồi giáo Rohingya công bố một danh sách chi tiết nêu ra những đòi hỏi của họ, mô tả việc phong trào đã sử dụng bạo lực trong quá khứ như một cách để tự vệ mà thôi. Tháng 10 năm ngoái, chính nhóm này đã thực hiện các cuộc đột kích, giết chết 9 cảnh sát tại bang Rakhine ở miền bắc Myanmar. Những đòi hỏi nêu ra trong bản yêu cầu của họ cũng có vẻ thực tiễn hơn.
Ông Ata Ullah, chỉ huy Phong trào Tín ngưỡng, nay đổi tên thành Quân đội Cứu hộ Rohingya Arakan (ARSA), đã ký vào bản yêu cầu ngày 29/3. Ngày công bố tài liệu dường như đã được chọn cho trùng với kỷ niệm một năm từ khi bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền.
Trong lời mở đầu của bản yêu cầu 20 điểm, ARSA nói rằng nhóm này không liên kết với bất kỳ tổ chức khủng bố nào, xa lánh các cuộc tấn công nhắm vào thường dân và các nhóm tôn giáo thiểu số. Họ muốn xác minh rõ rệt rằng các cuộc tấn công mà họ cho là để “tự vệ” chỉ nhắm vào “chế độ áp bức Myanmar”. Họ tuyên bố ủng hộ các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế trong bang Rakhine.
Liên minh Dân chủ Toàn Quốc (NLD), chính đảng do bà Suu Kyi lãnh đạo, thắng cử vào cuối năm 2015, đưa ông Htin Kyaw lên nắm chức Tổng thống cách nay một năm. Bà Suu Kyi bị cấm tranh cử tổng thống vào năm 2008, đảm nhận vai trò Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn quốc gia. Nhưng quân đội vẫn kiểm soát 25% quốc hội và 3 bộ chủ lực trong chính phủ Myanmar.
Trong số những yêu sách của phong trào nổi dậy, có được đại diện chính trị, thực hiện quyền công dân, tiếp cận các dịch vụ cứu trợ, cơ hội giáo dục, tự do đi lại và tôn giáo, trả lại tài sản, tham gia các hoạt động thương mại và người tị nạn Rohingya được phép hồi hương.
Ông Matthew Smith, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Fortify Rights, nói trong một email rằng:
“Điều đáng kể là họ bác bỏ các mối liên hệ với các tổ chức khủng bố, nói họ không nhắm tấn công thường dân và phần lớn các mục tiêu phải dựa trên quyền con người. Chúng tôi không có bằng chứng cho thấy nhóm này được đào tạo bài bản, có nguồn tài chính hay được tổ chức tốt, nhưng rõ ràng là họ sẽ không đi đâu cả.”
Cuộc nổi dậy của người Hồi giáo được phát động từ những năm 1940.
Từ khi Myanmar giành được độc lập vào năm 1948, các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở Rakhine đã tiếp diễn trong nhiều thập kỷ trong những bối cảnh chính trị khác nhau, phản ánh ước vọng được quyền tự quyết của các nhóm tôn giáo, sắc tộc khác trên khắp nước. Myanmar không công nhận nhóm sắc tộc Rohingya là một trong các dân tộc của nước này, bác quyền công dân của họ và đã đẩy gạt họ ra bên lề các sinh hoạt chính trị.

Ông Trump sẽ tiếp ông Tập tại Florida

Trung Quốc xác nhận thời gian Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Hoa Kỳ và gặp gỡ với Tổng thống Donald Trump.
Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump tại Florida vào ngày 6 và 7 tháng Tư.
Thương mại sẽ là chủ đề chính trong cuộc trao đổi giữa hai người đứng đầu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bên cạnh chuyện Bắc Hàn.
Quan hệ hai nước đã có khởi đầu khá chông gai khi ông Trump sau khi đắc cử đã nhận cuộc điện thoại chúc mừng từ Tổng thống Đài Loan, thế nhưng đã sự căng thẳng đã dịu xuống khi tổng thống Hoa Kỳ tái thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc”.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng Mười Hai, ông Trump đã tỏ ý nghi ngờ khi nói rằng: “Tôi hoàn toàn hiểu chính sách ‘Một Trung Quốc’, nhưng tôi không hiểu tại sao chúng ta phải chịu theo chính sách ‘Một Trung Quốc’ trừ phi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc liên quan tới các vấn đề khác, trong đó gồm cả vấn đề thương mại.”
Tuyên bố này khiến phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng rằng chính sách “Một Trung Quốc” là cơ sở để đặt quan hệ với Washington.
Tuy nhiên, ông Trump đã làm giảm căng thẳng bằng việc gọi điện thoại cho ông Tập hồi giữa tháng Hai, ủng hộ ‘Một Trung Quốc’.
Tổng thống Hoa Kỳ nói cuộc trao đổi ‘rất nồng ấm’, và nói thêm: “Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện rất, rất tốt vào đêm qua, và đã thảo luận về rất nhiều chủ đề. Đó là một cuộc nói chuyện dài.”
Bắc Hàn cũng sẽ là một vấn đề then chốt được bàn tới.
Ông Trump nói Trung Quốc ‘đã không làm được mấy để giúp đỡ’ trong vấn đề Bắc Hàn, một quốc gia ma ông gọi trong một tin đăng trên twitter là ‘hành xử rất xấu’.
Quyết định chọn Mar-a-Lago làm địa điểm gặp gỡ khiến cho quy mô và tầm cỡ của cuộc gặp cấp nhà nước phần nào bị giảm nhẹ
Ông Tập trở thành nhà lãnh đạo thứ hai trên thế giới tới đây, sau chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng Hai.

Lãnh đạo EU phản ứng sau khi Anh kích hoạt Brexit

“Sau sáu tháng, Vương Quốc Anh đã trả lời,” Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk nhắn trên Twitter khi nhận được lá thư kích hoạt quá trình ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) của Thủ tướng Theresa May.
Giọng điệu trong bài phát biểu của ông tại Brussels mang đầy nuối tiếc. “Không có lý do nào để giả vờ rằng hôm nay là một ngày vui vẻ,” dù ở Brussels hay London, ông nói. “Chúng tôi đã thấy nhớ bạn rồi.”
Nhìn vào mặt sáng, ông nói Brexit “cũng có một điểm tích cực” là nó đã khiến 27 thành viên còn lại Liên minh Châu Âu thêm quyết tâm và đoàn kết hơn trước.
Tâm trạng nuối tiếc nhưng kiên cường này cũng được Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Antonio Tajani chia sẻ: “Hôm nay không phải là một ngày tốt. #Brexit đánh dấu một chương mới trong lịch sử của Liên minh, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ tiếp tục, hi vọng Anh vẫn là một đồng minh thân cận,” ông Tajani nói trong một đoạn tin nhắn trên Twitter.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, nói rằng đây là “ngày của nỗi buồn.”
Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng Brexit sẽ khiến Châu Âu “đau đớn về tinh thần” nhưng sẽ khiến Anh “đau đớn về kinh tế”.
Nhưng ông Hollande nói không có ý định “trừng phạt” Anh “vì nguyên tắc.”
“Nó sẽ kết thúc hiệp định thượng mại giữa Vương Quốc Anh và Châu Âu, chúng tôi hi vọng đó là hiệp định thương mại tốt nhất có thể,” ông nói trong một chuyến thăm tới Indonesia.
Tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel gây bất ngờ với một giọng điệu thực tế. Bà nói Đức và các nước thuộc EU “chắc chắn không muốn ngày này đến, bởi vì chúng ta đã mất đi một thành viên hùng mạnh và quan trọng”.
“Nhưng theo tự nhiên chúng ta phải chấp nhận quyết định dân chủ của người dân Anh,” bà nói thêm.
Bà Merkel cũng nói những cam kết của Anh với EU phải bị phá bỏ trước khi các cuộc đối thoại có thể diễn ra về mối quan hệ tương lại, một sự cự tuyệt rõ rệt cho lời kêu gọi thảo luận đồng thời.
Bà cũng nhấn mạnh cần thiết phải bảo vệ các công dân EU tại Anh.
Một phản ứng khác chua cay hơn đến từ một chính trị gia người Đức, Manfred Weber, lãnh đạo nhóm Đảng Nhân Dân Châu Âu trong Nghị viện Châu Âu.
Ông chỉ thẳng vào những chính trị gia Anh đã vận động cho Brexit, than phiền rằng họ đã có một cơ hội để phát triển trong một Châu Âu tự do nhưng giờ họ dựng lên những bức tường.
“EU đã làm tất cả mọi thứ để giữ Anh lại. Từ bây giờ, chúng tôi sẽ chỉ đáp lại nguyện vọng của 440 triệu người dân Châu Âu trông chờ chúng tôi,” ông nhắn trên Twitter.
Thủ tướng đảo Manta Joseph Muscat thể hiện sự lo lắng về mối liên kết giữa hiệp định thượng mại và hợp tác an ninh trong tương lai trong lá thư của bà May.
“Chúng ta cùng chung một gia đình,” ông Muscat nói ở Valletta, “chúng ta nên cam kết chống khủng bố và tăng cường an ninh dù cho chuyện gì có xảy ra.”
Nghị sĩ phe bảo thủ của Pháp Marion Maréchal-Le Pen không có gì ngoài những lời tán dương cho quyết định của Anh: “Người Anh đã tìm lại sự tự do của họ,” bà nhắn trên Twitter, và nói thêm rằng đảng của bà, Đảng Mặt trận Quốc gia, sẽ cho công dân Pháp một cơ hội độc lập.
Bộ trưởng bộ ngoại giao Hà Lan Bert Koenders nói Anh sẽ không thể có một thỏa hiệp tốt nếu ở ngoài EU thay vì bên trong.
Ông nói với BBC rằng ông không muốn một “ly dị đấu đá” với Anh, nhưng với một ly dị mà “các hóa đơn được trả và công dân được chăm sóc tốt.”
Tuy nhiên ông nói: “Nhưng anh không thể tự lấy bánh và ăn được, và tôi nghĩ chính phủ Anh biết điều đó.”

Nhân viên Bộ Ngoại giao

‘che giấu liên lạc với tình báo viên Trung Quốc’

Một nhân viên lâu năm của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có quyền tiếp cận thông tin tuyệt mật, bị tố cáo là đã che giấu liên lạc của bà ta với tình báo Trung Quốc, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ nói.
Một khiếu nại hình sự nói bà Candace Marie Claiborne, 60 tuổi, đã nhận quà cáp giá trị hàng chục ngàn đô la.
Nhân viên này đã bị truy tố cản trở người thi hành công vụ và khai gian với FBI.
Bà đã bị bắt giữ hôm 28/3. Trong phiên tòa hôm 29/3, bà ta vẫn nói bà vô tội.
Bà Claiborne bắt đầu làm cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ năm 1999 và đã có nhiều nhiệm vụ ở nước ngoài, bao gồm Iraq, Sudan và Trung Quốc.
Bà ta được tiếp cận hồ sơ an ninh cấp tuyệt mật, và buộc phải báo cáo về bất kỳ liên lạc nào với người bị nghi ngờ là liên quan đến cơ quan tình báo nước ngoài, Bộ Tư pháp nói trong một thông cáo.
“Bà Claiborne đã không báo cáo về những lần liên lạc với hai tình báo viên của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, mặc dù những tình báo viên này đã cung cấp quà cáp và ưu đãi trị giá hàng chục ngàn đô la cho bà ta và gia đình bà ta trong hơn 5 năm qua,” thông cáo ghi nhận.
Bà bị cáo buộc đã nhận gần $2,500 từ một tình báo viên Trung Quốc năm 2011 đổi lại thông tin về chính sách kinh tế của Mỹ liên quan đến nước này.
“Bà Claiborne, người đã trao đổi với người đồng mưu rằng những tình báo viên này là ‘gián điệp’, và đã lừa dối các điều tra viên Bộ Ngoại giao và điều tra viên FBI về những đợt liên lạc giữa bà ta và những tình báo viên này,” thông cáo của Bộ Tư pháp cho biết.
Thông cáo cũng nói thêm bà đã “chỉ thị cho người đồng mưu xóa các bằng chứng liên lạc giữa bà ta và các tình báo viên Trung Quốc” sau khi Bộ Ngoại Giao và FBI liên hệ bà ta.
Bà xuất hiện lần đầu tiên tại tòa án hôm 29/3. Phiên điều trần sơ thẩm sẽ diễn ra hôm 18/4.
Hình phạt cao nhất cho một người phạm tội cản trở người thi hành công vụ là 20 năm. Và khai gian với FBI, mức tù là 5 năm.
Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra lời bình luận nào về vụ việc này. Nhưng vụ việc phát giác ngay trước cuộc gặp diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình vào tuần tới.

Malaysia trả thi hài ông Kim Jong-Nam về Bắc Hàn

Thủ Tướng Najib Razak của Malaysia cho biết căng thẳng ngoại giao với Bắc Hàn đã được giải quyết, Bình Nhưỡng đồng ý cho 9 công dân Malaysia lên máy bay về lại Kuala Lumpur, và Malaysia trao trả thi hài ông Kim Jong-Nam về Bắc Hàn, thể theo lời yêu cầu của thân nhân người quá cố.
Trước khi thông báo quan trọng này được công bố, truyền thông Malaysia đưa tin nói thi hài ông Kim Jong-Nam được đưa ra phi trường, sẽ lên chuyến bay cất cánh lúc 6 giờ chiều, giờ địa phương, đi Bình Nhưỡng.
Theo lời Thủ Tướng Najib, Malaysia nhận được lá thư của thân nhân ông Kim Jong-Nam, yêu cầu đưa thi hài người quá cố về lại Bình Nhưỡng. Nhưng đến giờ vẫn chưa rõ thân nhân của ông Kim Jong-Nam là ai, đang cư ngụ tại đâu và viết lá thư gửi chính phủ Malaysia lúc nào.
Ông Kim Jong-Nam bị ám sát hôm 12 tháng Ba vừa rồi lúc quá cảnh ở phi trường quốc tế Kuala Lumpur chờ lên máy bay về Macao. Tên trong hộ chiếu của ông là Kim-Chol, nhưng Malaysia, Nam Hàn và cả Hoa Kỳ đều nói ông này là anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bình Nhưỡng Kim Jong-Un.
Các giới chức Malaysia cũng tin rằng Bắc Hàn chủ mưu vụ ám sát này, vì nạn nhân bị giết bằng một chất hóa học cực độc, và hiện đang truy lùng ít nhất 7 công dân Bắc Hàn, trong đó có 4 người được nói là đã về lại Bình Nhưỡng ngay sau khi án mạng xảy ra. Những người khác được nói là vẫn còn lẩn trốn trên đất Mã, bao gồm cả 2 người bị tình nghi đang trốn trong tòa đại sứ Bắc Hàn ở Kuala Lumpur.
Hiện mới có 2 phụ nữ bị bắt vì liên quan đến vụ án mạng, một người có quốc tịch Indonesia, người thứ nhì là Cô Đoàn Thị Hương, có quốc tịch Việt Nam. Cả 2 đều khai rằng tưởng được thuê để tham gia một chương trình truyền hình thực tế, không hề biết chất họ được dặn dò bôi trên mặt nạn nhân là chất độc giết người.

Quan hệ Mỹ-ASEAN : 5 khuyến cáo cho chính quyền Trump

Với tất cả những tiết lộ khác nhau về các động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông, giới phân tích càng lúc càng lo ngại trước điều được cho là sự thờ ơ tương đối của tân chính quyền Mỹ đối với Đông Nam Á so với thời Obama. Tuy nhiên, chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 30/03/2017 đã cho rằng nhìn kỹ hơn thì sẽ thấy là chính sách can dự vào châu Á của chính quyền Donald Trump vẫn là một sự tiếp nối của đường lối ngoại giao Mỹ nói chung, chứ không phải là một sự đoạn tuyệt như nhiều người bi quan thường nghĩ. Trong chiều hướng đó, tờ báo đã nêu bật 5 điểm mà Hoa Kỳ cần chú ý trong chính sách Đông Nam Á của mình.
Theo Prashanth Parameswaran, tác giả bài phân tích dài mang tựa đề « Trắc nghiệm ASEAN thực thụ của (tổng thống Mỹ) Trump – Trump’s Real ASEAN Test », tân tổng thống Mỹ Donald Trump thoạt đầu đã khiến cả Đông Nam Á lo ngại với ba quyết định được cho là phản ánh một chính sách đối ngoại theo kiểu « America First – Nước Mỹ trên hết » : Rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định TPP, đặt lại câu hỏi về chính sách Một nước Trung Hoa duy nhất và cấm cửa công dân từ 7 nước Hồi Giáo (dẫn tới những tin đồn vô căn cứ về khả năng mở rộng ra một số quốc gia Đông Nam Á).
Tuy vậy, theo The Diplomat, phải thấy rằng chính quyền Donald Trump chỉ mới ở những ngày đầu, và chính sách đối ngoại còn đang sơ khai. Trong bối cảnh đó, đã có một số dấu hiệu tích cực :
Đầu tháng Ba này, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gặp các đại sứ và đại biện của các quốc gia ASEAN tại Washington, và đã cố trấn an về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực. Bên cạnh đó, mặc dù việc bổ nhiệm dàn nhân sự chuyên trách tiến triển chậm hơn so với các chính quyền trước, nhưng các nhà ngoại giao và quan chức các nước ASEAN cũng đã bắt đầu tiếp xúc được với các quan chức chính quyền Trump ở các cấp khác nhau để lên kế hoạch thăm viếng cho năm nay.
Sắp tới đây sẽ có hai sự kiện quan trọng : Phó tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ thăm Indonesia trong khuôn khổ một vòng công du châu Á rộng lớn hơn, và một cuộc họp giữa ngoại trưởng Tillerson và các đồng nhiệm ASEAN.
Theo The Diplomat, vào lúc chính sách Đông Nam Á của chính quyền Trump bắt đầu hình thành, điều quan trọng là chính sách đó phải giúp Mỹ duy trì được vai trò một cường quốc Thái Bình Dương, có năng lực và quyết tâm củng cố an ninh, thịnh vượng và dân chủ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, biết cộng tác với nước Đông Nam Á để đối phó với những thách thức chung theo chiều hướng vừa thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ nhưng vẫn bảo đảm sao cho các đối tác giữ được quyền tự chủ và tự do hành động của họ.
Muốn thế thì theo bài báo, cần phải thực hiện năm điều :
Tiếp tục tập trung mối quan tâm vào Châu Á
Trước tiên hết, theo The Diplomat, chính quyền Trump phải đảm bảo rằng Hoa Kỳ vẫn tập trung vào châu Á trong chính sách đối ngoại.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á trên thế giới thường không phù hợp với vị trí của nó trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, với việc Washington thường xuyên bị phân tâm vì lo lắng đến các khu vực khác từ Balkans đến Trung Đông.
Chính sách tái cân bằng gần đây chính là một nỗ lực nhằm điều chỉnh lại vấn đề, với việc Mỹ ưu tiên cho châu Á nhưng vẫn tiếp tục giải quyết các mối quan ngại ở các nơi khác trên thế giới, điều mà bất kỳ một siêu cường toàn cầu nào đều làm.
Mặc dù có thể không chấp nhận thuật ngữ tái cân bằng, nhưng chính quyền Trump nên thể hiện tinh thần của nó và giảm bớt mối quan ngại về khả năng Hoa Kỳ lơ là khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Ngày nay, khi nói chuyện với một quan chức ngoại giao Đông Nam Á, khó tránh được đề tài Hoa Kỳ lại có thể bị lôi cuốn vào khu vực khác – có thể là Trung Đông – và xa rời châu Á…
Đối với The Diplomat, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump là làm sao gạt bỏ được mối quan ngại là quan điểm Nước Mỹ Trên Hết sẽ tác hại đến một chính sách đối ngoại theo hướng Châu Á Trước Hết.
Xây dựng lại nền tảng của sức mạnh Mỹ
Điểm thứ hai là chính quyền Trump nên xây dựng lại nền tảng tạo nên sức mạnh của Hoa Kỳ vốn là cơ sở giúp Mỹ dấn thân lâu dài vào vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Cho dù những dự báo về ngày tàn của Mỹ đã bị phóng đại quá mức…, phải nói là chính sách tài chính thiếu trách nhiệm và những chệch choạc chính trị mà chúng ta đã chứng kiến trong vài năm qua đã làm tăng thêm nỗi lo về sức mạnh của Hoa Kỳ.
Mặc dù đây là nhiệm vụ của nhiều chính phủ, nhưng chính quyền của tổng thống Trump đang có cơ hội bắt tay vào việc xây dựng nền móng tại Hoa Kỳ cho chính sách của Mỹ ở Châu Á.
Về phương diện quân sự, điều này đang được tiến hành với triển vọng rất khả quan nhờ ngân sách quốc phòng dồi dào hơn, không còn bị khống chế. Nhưng vế quân sự phải được cân bằng với những động thái trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao, bằng không thì Mỹ có thể bị chỉ trích là có chính sách quá nặng về quân sự.
Về phía kinh tế, chính quyền Trump phải giải quyết các vấn đề mang tính chất cơ cấu như phát triển cơ sở hạ tầng và đưa ra được một chính sách thương mại phù hợp hơn với mong muốn của đa số dân Mỹ. Việc rút ra khỏi Hiệp Định TPP buộc chính quyền phải tiến bước với một số sáng kiến kinh tế thay thế, kể cả với một vài thỏa thuận song phương quan trọng hoặc một vài hình thức sắp xếp nhỏ khác.
Tìm thế cân bằng trong quan hệ Mỹ-Trung
Điểm thứ ba, chính quyền Trump phải tìm được thế cân bằng trong việc vừa hòa dịu, vừa cảnh giác trong quan hệ với Trung Quốc.
Mặc dù các chính quyền Mỹ vẫn thường cho thấy là thoạt đầu họ luôn gặp khó khăn khi xử lý quan hệ với Trung Quốc, tuy nhiên, dù đúng hay sai, thì nhiều nhà quan sát nghiêm túc ở Đông Nam Á đều đã có cảm giác là chính quyền Trump thay đổi quá đột ngột, từ một lập trường cực kỳ hiếu chiến, qua một thái độ quá mềm mỏng.
Một ví dụ được The Diplomat nêu lên là hiện đang có tâm lý hoài nghi về khả năng chính quyền Trump đã « đi đêm » với Bắc Kinh trên hồ sơ Bắc Triều Tiên, và hy sinh các vấn đề khác như Biển Đông. Mặc dù những nỗi lo ngại đó hoàn toàn sai lạc, nhưng tại vùng Đông Nam Á, các cảm nhận có thể nhanh chóng biến thành suy nghĩ thực.
Chính quyền của tổng thống Obama được cho là đã làm tốt hơn trong việc lôi kéo Trung Quốc thay vì đối đầu trên những vấn đề không cần thiết. Chính quyền Trump cần sớm tìm ra thế cân bằng tốt hơn và báo hiệu điều này cho khu vực biết, bởi vì điều đó sẽ quyết định cách tiếp cận của các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc…
Trên bình diện này, các nước Đông Nam Á sẽ xem xét kỹ lưỡng hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình, dự kiến diễn ra vào tháng 4. Việc đạt được thế cân bằng cũng sẽ làm tăng khả năng làm việc của chính quyền Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, về cách đối phó với một Trung Quốc đang vươn lên, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nước này.
Thận trọng xử lý các mối đe dọa
Điểm thứ tư là chính quyền Trump nên dấn thân vào vùng Đông Nam Á không chỉ thông qua lăng kính của những mối đe dọa hạn hẹp đối với Mỹ, mà là nhằm vào những lợi ích lâu dài.
Việc yêu cầu các các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN cố gắng nhiều hơn để giúp Hoa Kỳ giải quyết những vấn đề quan trọng đối với lợi ích của Hoa Kỳ – chống lại Nhà Nước Hồi Giáo hay đối đầu với Trung Quốc – có thể đạt hiệu quả nếu được làm đúng. Tuy nhiên, chính quyền Trump cũng phải thấy rằng một chính sách Trung Quốc không cân bằng, hoặc là một mối đe dọa liên quan đến chủ nghĩa khủng bố bị đánh giá là quá mức, cũng có thể khiến cho cư dân các nước Đông Nam Á thiếu tích cực trong việc ủng hộ Mỹ, hay cũng như hạn chế phạm vi hoạt động của giới hoạch định chính sách…
Tương tự như vậy, ngay cả khi việc ông Trump tham gia các hội nghị thượng đỉnh tại châu Á còn được chú ý hơn Obama, thì chính quyền của ông phải chứng minh rằng họ ủng hộ chính sách đa phương ở Đông Nam Á . Cho dù ASEAN làm việc chậm chạp, thì các nước Đông Nam Á và ASEAN là một tác nhân quan trọng trong việc giúp ông Trump và các cố vấn của ông đối phó với những thách thức mà họ cho là quan trọng như khủng bố và an ninh hàng hải.
Cho dù ông Trump và những thành viên khác trong chính phủ của ông phải kiên nhẫn khi dự những cuộc họp thượng đỉnh như vậy, thì đấy cũng là cơ hội để tiến hành những cuộc gặp gỡ song phương quan trọng với nhiều nước khác bên lề hội nghị, kể cả với chủ tịch ASEAN (Philippines năm 2017, Singapore 2018). Song phương và đa phương không hề mâu thuẫn với nhau.
Xử lý đúng đắn vấn đề nhân quyền và dân chủ
Điểm cuối cùng là chính quyền Trump cần bảo đảm rằng dân chủ và nhân quyền vẫn là trụ cột của chính sách châu Á của Mỹ. Ông Trump thường được mô tả là ít quan tâm đến việc thúc đẩy giá trị của Mỹ mà chỉ quan tâm đến những quyền lợi thương mại hẹp hòi.
Theo The Diplomat, xử sự không đúng trên vấn đề các quyền (tự do) thật sự là một sai lầm, vì điều đó cho thấy là Mỹ muốn vứt bỏ dân chủ và nhân quyền đối với một số quốc gia như Thái Lan hay Philippines, và sẽ giảm đi khả năng gây sức ép của Mỹ trên các quốc gia này…
Vạch ra một đường lối rõ ràng cũng giúp cho ê kíp của ông Trump đi trước các sự kiện, với các cuộc bầu cử ở Malaysia và Cam Bốt trong năm tới đây, với khả năng diễn ra những thay đổi quan trọng hay phản ứng dữ dội…

Nga muốn mở rộng ảnh hưởng ở vùng Bắc Cực

Diễn Đàn Quốc Tế về Bắc Cực lần thứ tư được tổ chức từ ngày 28 đến 30/03/2017, tại Arkhangelsk, Nga, với sự tham dự của tất cả các nước nằm kế cận Bắc Cực (Canada, Hoa Kỳ, Na Uy, Đan Mạch, Nga, Greenland) cũng như các quốc gia quan tâm đến những thách thức thương mại tại đây, như Trung Quốc, Nhật Bản. Bởi vì Bắc Cực có một vị trí chiến lược về mặt quân sự và thương mại. Nhất là khi nhiệt độ trên trái đất tăng, làm tan băng, giúp cho việc khai thác trở nên dễ dàng hơn. Do vậy, từ nhiều năm qua, Nga đã không dấu diếm tham vọng của mình đối với vùng Bắc Cực.
Thông tín viên Muriel Pomponne từ Matxcơva cho biết thêm thông tin :
Dimitri Rogozine, phó thủ tướng Nga phụ trách tổ hợp công nghiệp quân sự, ngay từ năm 2015, đã giải thích : Bắc Cực, đó là lãnh thổ của chúng ta và chúng ta sẽ bảo đảm an ninh cho khu vực này. Chúng ta cũng sẽ làm ăn tại đây.
Để khẳng định sự hiện diện của mình, Nga đã triển khai một hạm đội 40 tàu phá băng tại vùng này, trong đó có một tàu phá băng mới của quân đội. Nga cũng xây dựng tại Bắc Cực một căn cứ và tổ chức các cuộc tập trận trên quy mô lớn.
Thế nhưng, Nga rất muốn chứng minh rằng thềm lục địa của nước này trải dài, vượt ra ngoài giới hạn 200 hải lý hiện nay, để đòi thêm 1,2 triệu cây số vuông.
Bởi vì Bắc Cực chiếm tới 20% trữ lượng dầu lửa của thế giới và khác với Nam Cực, lãnh thổ này không nằm trong phạm vi điều chỉnh của các thỏa thuận quốc tế. Nơi đây thu hút sự quan tâm của các tập đoàn dầu khí lớn. Ví dụ dự án khí đốt rất lớn của hãng Total đang được hoàn tất, ở phía bắc bán đảo Yamal.
Nga không chỉ muốn khai thác vùng này mà còn muốn kiểm soát các hoạt động trung chuyển dầu khí thông qua tuyến đường mới ở phía bắc, nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Các nước kề cận như Canada, Hoa Kỳ, Na Uy, Đan Mạch cũng muốn tham gia kiểm soát tuyến đường này mới này.

Trung Quốc đóng tầu đổ bộ tấn công cực lớn

Trung Quốc đã bắt đầu đóng một thế hệ tầu đổ bộ tấn công mới nhằm tăng cường vai trò của lực lượng hải quân trong việc phô trương sức ở nước ngoài. Những chiếc tầu này sẽ giúp Bắc Kinh quyết đoán hơn trong yêu sách chủ quyền đối với các vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời tăng cường đội tầu tuần tra tại eo biển Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc đang trở nên căng thẳng.
Theo một số nguồn tin quân sự, được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 30/03/2017 trích dẫn, tầu đổ bộ chở trực thăng 075 LHD (Landing Helicopter Dock) hiện đang được một công ty đóng tầu ở Thượng Hải chế tạo. Chiếc tầu lội nước này có kích thước lớn hơn các tầu tương tự được thiết kế trước đó cho Hải Quân Trung Quốc.
Giới chuyên gia quân sự cho biết kiểu tầu 075 LHD có thể đóng vai trò một hàng không mẫu hạm, là nơi cất cánh của nhiều loại trực thăng khác nhau để tấn công tầu đối phương, các lực lượng trên bộ, hoặc tầu ngầm ở Biển Đông.
Quyết định đóng chiến hạm lớn nhất được đưa ra vào lúc Trung Quốc nâng tầng quan trọng của lực lượng hải quân trong việc xác quyết chủ quyền ở Biển Đông. Quân đội Trung Quốc cũng tăng số lượng tầu tuần tra gần Đài Loan, trong bối cảnh quan hệ giữa hai bờ eo biển trở nên căng thẳng hơn kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành tổng thống.
Theo thiết kế, tầu 075 LHD có trọng lượng rẽ nước 40.000 tấn, dài 250 mét, có thể chứa ít nhất 30 máy bay trực thăng được trang bị vũ khí. Nhà sản xuất là tập đoàn Hỗ Đông Trung Hoa (Hudong Zhonghua Shipbuilding) ở Thượng Hải.

Chính sách nhập cư của TT Trump:

Liệu người châu Á ở Mỹ có bị vạ lây?

Các cuộc tranh luận về chính sách nhập cư mới của chính quyền Donald Trump chủ yếu tập trung vào cộng đồng người châu Mỹ Latinh. Thế nhưng, theo nhận định của các chuyên gia, chính sách mới này cũng tác động mạnh nhiều nhóm dân nhập cư trái phép khác, đặc biệt là châu Á.
Theo các thống kê từ chính phủ và các nhà nghiên cứu, trong số 11 triệu người nhập cư trái phép vào Mỹ, có đến 80% đến từ Mêhicô hay các nước châu Mỹ Latinh. Nhưng cộng đồng nhập cư lớn thứ hai khoảng 1,5 triệu người là từ châu Á.
Phần đông những người này là gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines hay Hàn Quốc. Quan sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew và Viện Chính Sách Di Dân cho thấy đây cũng là cộng đồng nhập cư trái phép có mức tăng nhanh nhất tại Hoa Kỳ từ năm 2000. Chỉ riêng trong giai đoạn 2009-2014, số dân nhập cư không có giấy tờ đã tăng từ 130 ngàn lên gần nửa triệu người.
Tuy cho đến lúc này, cộng đồng người châu Á nhập cư trái phép vẫn nằm ngoài các cuộc tranh luận, không là tâm điểm tấn công như người Mêhicô hay châu Mỹ Latinh, nhưng việc chính quyền Donald Trump siết chặt chính sách nhập cư khiến họ cảm thấy lo âu.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Joon Bang, giám đốc điều hành Korean American Coalition tại Los Angeles ghi nhận kể từ khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng, nỗi sợ hãi trong cộng đồng người Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể. Nỗi lo này liên quan đến tất cả mọi đối tượng, từ những người có hay không có giấy tờ cho đến cả những người đã có visa hay đang trong quá trình xin nhập quốc tịch.
Khác với những người nhập cư trái phép vào Mỹ qua ngã biên giới Mêhicô, đa phần những người di dân châu Á không hẳn là người nghèo, và họ đã từng có giấy tờ nhập cảnh theo cách riêng, như visa du lịch hay du học chẳng hạn, rồi sau đó ở lại, một khi giấy tờ hết hạn.
Cũng theo ông Joon Bang, rất nhiều người châu Á không có giấy tờ, đặc biệt là người Hàn Quốc, đã được hưởng lợi nhờ vào các chính sách nhập cư thời Obama như Chương Trình Tạm Hoãn Trục Xuất Những Người Đến Mỹ Bất Hợp Pháp Từ Lúc Nhỏ (Deferred Action for Childhood Arrivals – DACA) và Chương Trình Tạm Hoãn Trục Xuất Cha Mẹ Của Công Dân Mỹ (Deferred Action for Parents of Americans – DAPA).
Giờ đây, với Donald Trump mọi thứ đều trở nên bất định. Nhiều sinh viên châu Á bắt đầu lo lắng, sợ hãi cho tương lai và cũng không biết bám víu vào đâu.
“Con đường nào để được ở lại hợp pháp ? Mua nhà hay là làm đám cưới với một công dân Mỹ ?”, là những câu hỏi mà ông Stephen Yale – Loehr, nhận được từ các sinh viên trong thời gian gần đây.
“Nhưng đôi khi họ đến cũng chỉ để trút nỗi lòng, nỗi khó khăn nhọc nhằn và lo âu liệu rằng họ có sẽ tiếp tục chuyện học hành tại Cornell nữa hay không ?”
Là một chuyên gia tư vấn về nhập cư và là giáo sư trường luật Cornell Law School, nhưng bản thân ông Stephen cũng chẳng biết được điều gì hơn là khuyên họ hãy kiên nhẫn đợi chờ.

Mỹ: Thượng Viện chính thức điều tra

vụ Nga xen vào bầu cử tổng thống

Chủ tịch Uỷ Ban Tình Báo của Thượng Viện Mỹ hôm nay 30/03/2017 chính thức mở cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua theo hướng có lợi cho ứng viên Donald Trump.
Thượng nghị sĩ Richard Burr, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo của Thượng Viện Mỹ hôm qua phát biểu trong cuộc họp báo là mục đích của phiên điều trần hôm nay là cung cấp thông tin cho công chúng, không chỉ ở Mỹ mà ở khắp nơi trên thế giới biết về những gì Nga đã làm.
Theo thượng nghị sĩ Burr, ủy ban điều tra của Thượng Viện có trách nhiệm cho tất cả mọi người biết thông tin vì các nước hiện đang phải đối đầu với nạn vu khống ứng viên tổng thống, và nước Mỹ nên cảnh báo các nước sắp có bầu cử về khả năng và ý đồ của Nga.
AFP cho biết cũng trong cuộc họp báo này, thượng nghĩ sĩ Burr khẳng định là Matxcơva cũng can thiệp vào chiến dịch tranh cử tổng thống ở Pháp.
Ứng viên tổng thống cực hữu Marine Le Pen của Pháp hôm thứ Sáu tuần trước đã được tổng thống Nga Vladimir Putin đón tiếp tại điện Kremlin. Tuy nhiên, chủ nhân điện Kremlin khẳng định Matxcơva không can thiệp vào bầu cử tổng thống Pháp.
Thẩm phán liên bang ở Hawai gia hạn lệnh đình chỉ sắc lệnh di trú mới của TT Donald Trump trên toàn quốc
Thẩm phán Derrick Watson giải thích là quyết định đình chỉ tạm thời mà ông đưa ra hôm 15/03 đã thành mệnh lệnh chính thức và bắt buộc phải thực hiện.
Tổng chưởng lý Hawai Doug Chin cho biết là lệnh này sẽ có hiệu lực vô thời hạn và chính quyền của tổng thống Donald Trump không thể thực thi sắc lệnh di trú. Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ sẽ kháng quyết.

Thủ tướng Đức Merkel

không muốn có các cuộc đàm phán song song

Ngay sau khi nước Anh chính thức thông báo rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, vào hôm qua, 29/03/2019, thủ tướng Đức Angela Merkel đã lấy làm tiếc về quyết định này nhưng đồng thời cũng thể hiện thái độ cứng rắn, không chấp nhận đề nghị của Luân Đôn muốn tiến hành đàm phán về các điều kiện ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu cùng lúc với các cuộc thương lượng về quan hệ đối tác song phương trong tương lai.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình :
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố : Chúng ta, những nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, sẽ tiến hành các cuộc thương lượng một cách đúng đắn và cân bằng. Lãnh đạo Đức lấy làm tiếc về quyết định của Anh, đồng thời cũng mong muốn là nước Anh và Liên Hiệp Châu Âu vẫn sẽ là những đối tác gần gũi và cùng chia sẻ các giá trị chung.
Cho dù có những tuyên bố hòa dịu như vậy, nhưng thủ tướng Đức vẫn ủng hộ đường lối cứng rắn của Bruxelles và chống lại việc tiến hành các cuộc thương lượng về quan hệ trong tương lai giữa Luân Đôn và Bruxelles, trước khi đạt được thỏa thuận về các điều kiện nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Như vậy, bà Merkel đã bác bỏ một cách gián tiếp mong muốn của thủ tướng Anh Theresa May tiến hành đàm phán song song hai hồ sơ này.
Với việc nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nước Đức mất đi một đồng minh truyền thống chia sẻ các quan điểm chung về tự do kinh tế hoặc sự gần gũi với Hoa Kỳ. Giới kinh tế Đức lo ngại những hậu quả của Brexit đối với hoạt động xuất khẩu và tình hình công ăn việc làm tại Đức, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Đặc biệt là Đức có nguy cơ phải gia tăng đóng góp cho ngân sách châu Âu sau Brexit, và mức đóng góp này có thể tăng tới 25%.

Cư dân mạng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay hàng Pháp

Sau vụ một người Hoa, ở quận 19 Paris, bị cảnh sát bắn chết, hôm Chủ Nhật 26/03/2017, cư dân mạng Trung Quốc sôi sục bình luận và bày tỏ phẫn nộ. Bắc Kinh cũng lên tiếng đòi Paris bảo vệ cộng đồng người Hoa. Hôm qua, một bài xã luận trên báo chí chính thức Trung Quốc chỉ trích gay gắt nước Pháp và nhấn mạnh « không thể nào tha thứ » cho cái chết của nạn nhân.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schimdt gửi về bài tường trình :
Trên mạng xã hội Tân Lãng Vi Bác – Sina Weibo, một dạng Twitter của Trung Quốc, hơn 710 ngàn người đã đăng bình luận, đôi khi rất cay độc, như cảnh sát đối xử với Hoa Kiều như chó, họ đã bắn chết đồng bào của chúng ta như một con chó. Có người thì khuyên là nên ở lại Trung Quốc vì tại đây không có tệ nạn phân biệt chủng tộc.
Một cư dân mạng đề nghị : Trung Quốc mạnh hơn nước Pháp, Bắc Kinh cần gây sức ép với chính phủ Pháp. Những người khác thì kêu gọi đồng bào mình ở Pháp hãy xuống đường bày tỏ bất bình, rằng người Hoa ở hải ngoại cần đoàn kết với nhau để đòi công lý. Cũng có người tuyên bố : thật là vô ích ngồi đợi kết quả điều tra, hãy biểu tình phản đối.
Trên mạng xã hội cũng không thiếu những lời kêu gọi tẩy chay : Hỡi đồng bào, hãy tẩy chay các siêu thị Carrefour. Một người khác thì đe dọa hãng xe hơi Pháp Citroen. Thậm chí có người đề nghị : cần tẩy chay hàng hóa Pháp cho đến khi nước Pháp xin lỗi.
Trong số các bình luận, có người đặt câu hỏi liên quan đến việc số lượng du khách Trung Quốc giảm sau các vụ khủng bố ở Paris, ví dụ, làm thế nào mà nước Pháp có thể thu hút thêm du khách Trung Quốc nếu chính quyền không kiểm soát nổi cảnh sát của họ.
Cho đến lúc này, các cơ quan phụ trách internet của Trung Quốc chưa can thiệp cho dù họ có thói quen kiểm duyệt rất nhanh cư dân mạng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?