Tin Việt Nam – 28/03/2017

Tin Việt Nam – 28/03/2017

VN: Đấu tranh chống tham nhũng, lãnh án tù

Một người chuyên đấu tranh chống tham nhũng ở tỉnh Đắc Nông đã bị tuyên án tù về tội đưa hối lộ hàng chục triệu đồng.
Tòa án Nhân dân tỉnh Đắc Nông hôm 27 tháng 3 tuyên phạt ông Trần Minh Lợi, 49 tuổi, chủ trang Facebook “Diệt giặc nội xâm,” 4 năm 6 tháng tù giam về tội đưa hối lộ 90 triệu đồng, một cáo buộc mà ông Lợi bác bỏ.
Trong phần tự bào chữa, ông Lợi lập luận rằng việc làm này của ông là để thu tập tài liệu nhằm mục đích tố cáo tham nhũng. Trang tin VietNamNet tường thuật rằng ông Lợi đã đề nghị Hội đồng xét xử cho luật sư mở đoạn ghi âm cuộc đối thoại giữa ông với một cựu quan chức công an được nói là cho thấy quan chức này xin ông Lợi bỏ qua không tố cáo việc ông ta nhận hối lộ.
Tuy nhiên đại diện Viện kiểm sát nói rằng các luật sư và bị cáo không đưa thêm được tài liệu, chứng cứ mới nên viện kiểm sát không tranh luận lại, theo VietNamNet.
Ngoài ra ông Lợi cũng bị cáo buộc “xúi giục” những người khác thực hiện hành vi đưa hối lộ để thu thập chứng cứ. Hội đồng xét xử đi đến kết luận rằng hành động này “cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật,” theo báo Tuổi Trẻ.
Được biết tới trên mạng xã hội với chủ trương “chống tham nhũng không phải của riêng ai,” ông Lợi phanh phui những vụ tiêu cực bằng cách bí mật ghi âm, ghi hình những cán bộ công an liên quan đến việc chạy án, chạy việc sau đó gửi đơn tố cáo, báo Tuổi Trẻ cho biết.
Ông được nói là đã từng tố cáo nhiều lãnh đạo, cán bộ tại công an, Viện Kiểm sát Nhân dân liên quan đến việc chạy án, buôn lậu gỗ, khiến 11 cán bộ liên quan tại Công an huyện Cư Kuin bị kiểm điểm, kỷ luật.
Ông bị bắt vào ngày 22 tháng 3 năm ngoái, sau khi công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắc Nông tạm đình chỉ công tác ba cán bộ công an huyện bị ông tố cáo nhận hối lộ, trong một vụ việc được nói là do ông giúp ghi âm, ghi hình quá trình chung chi – nhận tiền.
Phiên tòa xét xử hôm thứ Hai cũng tuyên án tù giam và tù treo đối với bảy bị cáo khác trong vụ việc liên quan tới ông Lợi về về các tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trục lợi.
Không ai trong số này chịu mức án cao hơn ông.
(VietNamNet, Tuổi Trẻ)

Vụ Formosa:

Hơn 61.000 chữ ký ra thỉnh nguyện thư kêu cứu quốc tế

Một thỉnh nguyện thư đang được lưu hành với hơn 61.000 chữ ký gởi đến chính phủ Đài Loan và các tổ chức quốc tế gây áp lực buộc Công ty Formosa Hà Tĩnh phải đền bù thỏa đáng, cải tạo môi trường và trục xuất Formosa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Thỉnh nguyện thư do Ban Hỗ trợ Nạn nhân môi trường biển thuộc giáo phận Vinh đề xuất lấy chữ ký trực tiếp của ngư dân bị thiệt hại được thực hiện từ đầu năm 2017 và mở rộng lấy chữ ký online vào cuối tuần vừa rồi.
Con cháu chúng ta sau này sẽ hỏi: vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiểm, ông bà, cha mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng tôi?
Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, Giáo phận Vinh
Linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo phận Vinh cho VOA biết rằng hiện nay đã có hơn 61,531 người ký thỉnh nguyện thư trên trang thamhoaformosa.com, dù trang này thường xuyên bị tấn công.
Với hơn 200 chữ ký đầu tiên hầu hết là của các tu sĩ Công giáo thuộc Giáo phận Vinh, đứng đầu là Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh. Thông điệp của Đức cha Nguyễn Thái Hợp viết trên thỉnh nguyện thư là: “Con cháu chúng ta sau này sẽ hỏi: vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiểm, ông bà, cha mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng tôi?”
Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết thêm:
“Điều này thì chính Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Vinh, cũng như tất cả các linh mục trong giáo phận Vinh đã ký vào thỉnh nguyện thư này.”
Linh mục Nam cho biết lý do thực hiện thỉnh nguyện thư như sau:
“Formosa gây họa tại Việt Nam, người dân là nạn nhân trực tiếp của thảm họa này. Suốt ba tháng trời mặc dù người dân phản ứng bằng cách biểu tình khắp nơi, từ Hà Nội đến Sài gòn, nhưng nhà cầm quyền đàn áp một cách dã man, rồi chối tội cho Formosa, còn thảm họa thì nhân dân phải gánh chịu. Trong một hoàn cảnh như vậy, Ban hỗ trợ ngư dân, các linh mục trong giáo phận Vinh trợ giúp cho người dân, không chỉ là xuống đường biểu tình, lễ cầu nguyện, mà còn ký thỉnh nguyện thư xin can thiệp từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền, bảo vệ môi trường lên tiếng để góp phần làm minh bạch cũng như giải quyết thảm họa Formosa.”
Ký thỉnh nguyện thư xin can thiệp từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền, bảo vệ môi trường lên tiếng để góp phần làm minh bạch cũng như giải quyết thảm họa Formosa
Linh mục Đặng Hữu Nam
Theo linh mục Nam, trong gần một năm qua, chính quyền Việt Nam quay lưng lại lợi ích của người dân trong sự cố Formosa, người dân đệ đơn lên tòa án thì bị ngăn cản, bức hại, sách nhiễu.
Anh Lê Văn Sơn, một nhà vận động vì môi trường biển đã ký vào thỉnh nguyện thư và chia sẻ như sau:
“Cùng nhau lên tiếng, vận động thế giới quan tâm đến thảm họa Formosa tại Việt Nam. Tôi thấy việc làm này là hết sức có ý nghĩa đối với môi trường sống của người Việt Nam và tôi ký tên. Tôi ký tên yêu cầu công ty Formosa phải ra khỏi Việt Nam. Đó là một quan điểm dứt khoát, rõ ràng. Công ty Formosa phải chấm dứt việc xả thải, chất độc ra biển miền Trung. Chấm dứt sự hoạt động, hiện diện của Formosa tại đất nước Việt Nam.”
Theo trang ThamhoaFormosa.com, thỉnh nguyện thư được dịch ra nhiều thứ tiếng và gởi đến tổng thống, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ Đài Loan, Chương Trình Môi Trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), Liên Hiệp Âu Châu, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, Các tổ chức, hiệp hội bảo vệ môi trường quốc tế và những người yêu chuộng công lý và bảo vệ môi trường.
Thỉnh nguyện tư viết: “Tháng Tư, 2016, công ty Formosa đã thải một lượng lớn chất thải độc hại ra biển miền Trung Việt Nam gây ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài hơn 250 km bờ biển làm sinh vật chết hàng loạt. Độc tố từ chất thải công nghiệp đang tích tụ vào trầm tích đáy biển là hiểm họa có thể gây bệnh tật nguy hại cho tương lai lâu dài của người dân Việt Nam.”
Thỉnh nguyện thư viết tiếp: “thảm họa này đã cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá…Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập…Chúng tôi thật sự rất hoang mang lo sợ cho sức khỏe, tính mạng của chúng tôi và tương lai giống nòi của chúng tôi.”
Thỉnh nguyện thư cho biết số tiền bồi thường 500 triệu đôla là “rất nhỏ so với thiệt hại nhưng nhà cầm quyền chỉ phát lại một phần nào trong số đó cho các người dân trong danh sách mà họ lập ra, không phải toàn thể những nạn nhân. Đã vậy, nhà cầm quyền địa phương còn ma mãnh, phân phát theo ý riêng, không đúng thực tế khiến dân chúng biểu tình chống đối.”
Trước tình hình như thế, Ban Hỗ Trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển giáo phận Vinh và các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam kêu gọi “Chính quyền Đài Loan sử dụng thẩm quyền của mình để buộc Formosa phải hành xử có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh” trên đất nước Việt Nam.
Linh mục Nam cho biết việc truy cập vào trang của thỉnh nguyện thư có thể khó khăn vì bị chính quyền tấn công.
Anh Lê Văn Sơn cho biết rằng thỉnh nguyện thư sẽ được quốc tế chú ý vì đó là một tiếng nói hiệp nhất mạnh mẽ của người dân và các linh mục thuộc giáo phận Vinh:
“Có rất nhiều người dân, thậm chí có người không rành về máy vi tính, mạng xã hội, nhưng đã ký bằng cách danh sách với chữ ký sống, đặc biệt là các giáo sứ và giáo phận Vinh. Đó là một tiếng nói hiệp nhất vô cùng to lớn.”
Trong khi đó, chính quyền Nghệ An luôn tìm cách công kích và sách nhiễu các hoạt động hỗ trợ ngư dân của các linh mục thuộc giáo phận Vinh. Đài truyền hình Nghệ An và VTV hôm 24/3, nói rằng Linh mục Đặng Hữu Nam và linh mục Nguyễn Đình Thục của giáo phận Vinh “nhận tiền nước ngoài để lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện Formosa.”
Linh mục Đặng Hữu Nam cho VOA biết rằng, “mấy ngày qua, chính quyền dùng mọi nguồn lực để ‘đánh’ hội đồng chúng tôi, dùng đủ mưu hèn kế độc. Mục đích của chúng tôi là hỗ trợ cho người dân. Chúng tôi không làm gì sai.”
Theo nhận định của tác giả David Hutt trên báo The Diplomat hôm 22/3, các nhà hoạt động Việt Nam thời gian gần đây tập trung nỗ lực vào vấn đề môi trường, bởi vì vấn đề này đã trở thành quốc nạn.
Báo The Diplomat còn nhận định rằng những mối lo ngại về môi trường đang thách thức nghiêm trọng tính chính danh của nền chính trị Việt Nam, vốn không có bầu cử tự do và không có sự tham dự có ý nghĩa nào của công chúng. Tác giả dự đoán rằng, “nếu không giải quyết thành công các vấn nạn môi trường, nhà cầm quyền cộng sản chỉ còn một con đường là bóp nghẹt mọi ý kiến bất đồng và xem như không có chuyện gì xảy ra.”

Luật nhập cư của Hoa Kỳ sẽ ‘siết chặt hơn’?

Một luật sư người Mỹ gốc Việt từ Quận Cam, California cho rằng dự luật RAISE của Hoa Kỳ sẽ siết chặt nhập cư và nếu được thông qua, nó sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người, trong đó có người Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Lân, văn phòng Luật Nguyễn Quốc Lân và cộng sự, nói với BBC Tiếng Việt rằng dự luật là nỗ lực không chỉ nhằm giảm thiểu người di dân bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, mà cả người di dân hợp pháp.
Dự luật cũng “gia tăng khả năng sống tự lập của những người di dân hợp pháp mà không trở thành gánh nặng cho của xã hội Hoa Kỳ,” luật sư Lân nói.
Dự luật RAISE tạm diễn giải là Cải cách Di trú Mỹ Vì Việc làm tốt, thay đổi luật về di trú theo diện bảo lãnh gia đình.
Hôm 13/2, hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton và David Perdue đề xuất dự luật lên một ủy ban của Thượng viện, cho biết họ trông đợi nó có thể giúp cắt giảm 40% lượng dân nhập cư tại Mỹ trong năm đầu được áp dụng và đến 50% trong năm thứ mười.
“Hiện tại, bình quân mỗi năm, nước Mỹ đón gần 1 triệu dân nhập cư, tương đương số dân của cả bang Montana, nhưng ước tính chỉ 1/15 dân nhập cư là có tay nghề cao, còn lại hầu hết ít hoặc không có tay nghề,” ông Cotton nói trong cuộc họp báo ra mắt dự luật hôm 7/2.
Và để cắt giảm số lượng nhập cư, dự luật RAISE chỉ ưu tiên những trường hợp có liên hệ trực tiếp với người bảo lãnh: vợ hoặc chồng, con cái còn độc thân và dưới 21 tuổi.
Ông Cotton cho biết thêm: “Trong trường hợp cha mẹ của công dân Mỹ già yếu cần được chăm sóc, Mỹ sẽ cung cấp một loại thị thực có thể gia hạn cho những người này, với điều kiện họ không được phép đi làm, hay hưởng phúc lợi xã hội, và mọi trợ giúp về tài chính, bảo hiểm sức khỏe phải do con cái là công dân Mỹ cung cấp”.
Chấm dứt tình trạng nhập cư dây chuyền
Tháng trước, trả lời BBC từ bang California, ông Tâm Nguyễn, nghị viên hội đồng thành phố San Jose, cho biết “Luật này nếu thông qua sẽ chấm dứt tình trạng được gọi là ‘Chain immigration’ tức là chỉ cần một người qua Mỹ thì sau đó bảo lãnh vợ, con, gia đình sui gia, anh chị em, và sau đó đến lượt họ bảo lãnh gia đình kế tiếp.”
Theo dữ liệu cuối tháng 11/2016 của Trung tâm Visa Quốc gia Mỹ, có hơn 200,000 người Việt đang chờ thủ tục bảo lãnh di trú vào Mỹ.
Nếu RAISE Act được thông qua, chỉ có 8,470 đơn của dạng bảo lãnh diện Gia đình 2A là vợ,chồng, con cái dưới 21 tuổi sẽ được chấp nhận. Còn lại hơn 250.000 đơn sẽ bị hủy.
Con số 266.297 này cũng chỉ tính số lượng đơn đã được Bộ Ngoại Giao Mỹ thông qua, còn một số lượng lớn đang ứ đọng ở Sở Di trú Hoa Kỳ (USCIS).
Luật sư Nguyễn Quốc Lân nhận định nếu được thông qua, dự luật có thể giảm số lượng di dân toàn diện vào Hoa Kỳ từ một triệu xuống còn khoảng 500.000 người ngay trong năm đầu tiên.
‘Khả năng cao sẽ được thông qua’
Dự luật RAISE phải được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua, và chỉ trở thành luật sau khi Tổng thống Donald Trump ký thành luật.
Nghị viên Tâm Nguyễn nói: “Do lưỡng viện Mỹ đang bị phe Cộng hòa kiểm soát tuyệt đối, khả năng dự luật được thông qua tương đối dễ dàng.”
Ông Cotton nói trong cuộc họp báo rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Trump. Tuy không nói rõ ông Trump ủng hộ dự luật, nhưng ông cho rằng dự luật phù hợp với những ưu tiên trong chính sách về dân nhập cư của tổng thống.
Dự luật cũng đề cập đến một số thay đổi cho dạng bảo lãnh “may mắn” và giới hạn lượng dân tỵ nạn được nhận vào Mỹ.
Bài do Linh Nguyễn thực hiện

Dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay

Kim ngạch xuất khẩu cá tra từ Việt Nam sang thị trường Liên minh Châu Âu- EU sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN pangasius) cho biết như vậy trong hội thảo về ảnh hưởng kinh tế thế giới đối với ngành thủy sản Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ vào ngày 28 tháng 3.
Trong khi đó cũng theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, bao gồm Hong Kong trong những tháng qua vẫn tiếp tục tăng. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tính đến giữa tháng 2 đạt trên 27,4 triệu đô la, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong khoảng thời gian này chỉ đạt khoảng 25,2 triệu đô la, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân dẫn đến suy giảm kim ngạch xuất khẩu cá tra vào EU được Hiệp hội xác định là do những khó khăn tại thị trường EU khi tập đòan bán lẻ lớn nhất châu Âu là Carrefour ngưng tiêu thụ cá tra Việt Nam.
Ông Yoann Perrault, Giám đốc kỹ thuật và tiếp thị khu vực châu Á của Eurocham cho biết việc cá lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị EU trả lại đã ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Thời gian gần đây, EU đã trả lại 11 lô hàng của Việt Nam vì lý do nhiễm vi khuẩn, vi rút, thủy ngân và các hàm lượng thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng

Tàu hàng Việt Nam bị tàu lạ đâm chìm

Một tàu hàng của Việt Nam vào khoảng 0 giờ ngày 28 tháng 3 bị tàu lạ đâm chìm ngoài khơi khi đang trên đường chở hàng từ Hải Phòng đi Cần Thơ khiến 9 người mất tích. Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm- Cứu nạn cho biết tin này vào ngày 28 tháng 3.
Chiếc tàu bị nạn có tên Hải Thành 26 đang chở 3000 tấn hàng bất ngờ bị một tàu lạ đâm chìm  khiến 11 thuyền viên rơi xuống biển. 2 thuyền viên sau đó đã được vớt từ phao cứu sinh của tàu ngoài khơi Vũng Tàu.
Việt Nam đã huy động 8 phương tiện bao gồm các tàu của Cảnh sát Biển, tàu Biên phòng, tàu của Petrolimex và tàu Hàng hải đến hiện trường để làm công tác cứu hộ, tìm kiếm người mất tích.

Biển Việt Nam có còn cá để đánh bắt?

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Hầu hết vùng gần bờ không có cá tôm, các loài hải sản đều vắng ở những vùng gần bờ. Trong khi đó, hiện tượng cá chết đã bắt đầu xuất hiện cách bờ từ 15 đến 20 hải lý. Đặc biệt là hầu như cả vùng biển Việt Nam từ Nam chí Bắc đều không còn cá để đánh bắt.
Biển ngày càng hiếm cá
Một ngư dân đánh bắt xa bờ, không muốn nêu tên, từng bị tàu hải cảnh của nhiều nước rượt đuổi vì đánh bắt trộm, chia sẻ:
“Khó khăn quá nên qua vùng biển các nước để đánh thôi, bị rượt đuổi hoài. Bây giờ biển Việt Nam không còn cá nữa rồi nên chúng tôi phải qua vùng biển các nước mà tiền hỗ trợ dầu thì bây giờ nó khó khăn quá!”
Theo ngư dân này bộc bạch, ông cũng như hàng triệu người làm nghề biển Việt Nam khác chẳng bao giờ muốn chọn cái khổ, muốn bị tàu hải cảnh nước khác rượt đuổi nhưng vì gần một năm trở lại đây, biển Việt Nam hầu như không còn cá để đánh bắt.
Bây giờ biển Việt Nam không còn cá nữa rồi nên chúng tôi phải qua vùng biển các nước mà tiền hỗ trợ dầu thì bây giờ nó khó khăn quá!
- Một ngư dân 
Theo nhận định của ngư dân này, trước đây chừng 5 năm, biển Việt Nam đã bị giảm đi số lượng cá một cách trông thấy bởi kiểu đánh bắt bằng thuốc nổ. Hầu hết các loại cá đều bị chết sau mỗi lần đánh và một số ngư dân Việt Nam dùng thuốc nổ đánh bắt là chủ yếu, sau khi đánh thuốc nổ, chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước thì người ta mới dùng lưới để vây cá lại và thu hoạch. Với kiểu đánh bắt này, không có bất kì con cá nhỏ nào sống sót để duy trì nòi giống. Và vùng biển bị đánh thuốc nổ sẽ không có con cá nào dám bén mảng tới trong vòng ít nhất là ba tháng.
Ông lấy làm lạ là không hiểu sao các ngư dân kia lại có thuốc nổ để đánh bắt vì đây là thứ hàng nhà nước cấm. Và hơn nữa việc mang thuốc nổ xuất cảng để đi đánh bắt là chuyện rất khó nhưng một số ngư dân vẫn cứ dùng thuốc nổ để đánh bắt. Ông cho rằng có một đường dây chuyên bán thuốc nổ trên biển và nếu họ tiếp tục hoạt động cũng như ngư dân Việt Nam tiếp tục đánh bắt kiểu này thì chắc chắn hậu quả của nó là khó lường.
Nhưng đáng sợ hơn cả là gần một năm trở lại đây, biển Việt Nam hầu như không còn cá. Ông nhấn mạnh rằng không còn cá không có nghĩa là không còn con cá nào mà hầu như rất hiếm cá. Trước đây 5 năm, mỗi lần đánh bắt cách bờ chừng 16 đến 18 hải lý, cách gì ông cũng mang vào bờ được từ hai đến ba tấn cá. Nhưng 5 năm trở lại đây, mỗi chuyên đi của ông chỉ mang về cao nhất là 500kg cá. Còn hiện tại, sau một chuyến đi, có khi ông mang về nhà được 80kg cá, những bữa gặp may thì được 200 đến 300kg. Nhưng hiếm khi gặp may mà toàn là vừa bù xăng dầu. Với tình trạng này, ngư dân chỉ còn cách bỏ lưới.
Đáng sợ nhất là thời gian gần đây, biển nhiễm độc do Formosa xả thải đã làm cho các loài hải sản chết hàng loạt, biển Việt Nam trở nên trơ trọi. Trong khi đó, phần lớn ngư dân phải vay tiền ngân hàng để đóng tàu thuyền. Một khi thất thu, nợ nần sẽ nhanh chóng chồng chất và nguy cơ phá sản, mất nhà cửa là chuyện trước mắt.
Độc đã nhiễm vào đất liền
Ngư dân tên Ngọc, làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Hiện nay ngoài bờ 18 hải lý, tui thấy hai, ba con cá liệt, cá liệt cạn loại lớn cỡ bàn tay, cá sóc nổi lờ đờ, đi theo mé nước rứa. Anh em tui thấy rứa chứ không vớt làm chi. Ngoài bờ 18 hải lý cũng có những luồng nước màu vàng này, cứ khoảng 1 lý là có một luồng, bây giờ dân cũng không có ai dám bủa lưới xuống hết trơn.”
Ông Ngọc cho biết thêm là hiện nay, ngư dân làng chài Bình An khủng hoảng nặng bởi biển nhiễm độc một cách trầm trọng. Nếu như năm 2016, Formosa xả độc vào biển và sau đó cá chết hàng loạt các bờ biển miền Trung thì hiện nay, cá không còn để mà chết, những vùng nước đỏ, nước vàng tràn ngập bờ biển Thừa Thiên Huế trong vài ngày trở lại đây hoàn toàn không có bất kì con cá nào.
Nhiều ngư dân bị mất lưới bởi chất nước màu vàng này bởi nó là một loại hợp chất rất kì lạ, có màu vàng như nước phèn, nặng và đậm đặc, kéo đi từng luồng, cách nhau một hải lý thì có một luồng như vậy và có mùi rất hắc, tanh nồng khó chịu. Nếu đi ngang qua vùng có nguồn nước như vậy thì rất khó thở. Lưới bị luồng nước đó bám vào sẽ bị xuống đáy biển, không tìm lại được.
Ngoài bờ 18 hải lý cũng có những luồng nước màu vàng này, cứ khoảng 1 lý là có một luồng, bây giờ dân cũng không có ai dám bủa lưới xuống hết trơn.
- Ngư dân tên Ngọc
Lưới của gia đình ông Ngọc cũng bị dính luồng nước và mất hết một cuộn, cuộn còn lại, ông mở ra cho chúng tôi xem thì bám đầy chất nhầy màu vàng hôi thối, nồng nặc. Và ông Ngọc nói thêm là không có con cá nào dính lưới được khi luồng nước vàng đục đi qua.
Ông Ngọc khẳng định đây là luồng nước đến từ phía Bắc, bởi với kinh nghiệm đi biển lâu năm của ông, vài mùa tháng 12 âm lịch trở đi cho đến tháng 5 âm lịch, dòng hải lưu chuyển mạnh từ phía Bắc vào phía Nam. Chính vì vậy mà năm 2016, khi Formosa xả độc, vùng biển phía Bắc của nó ít bị ảnh hưởng hơn vùng biển phía Nam. Và năm nay cũng vậy, trước đây hai tháng, ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng gặp những luồng nước có màu đỏ, vàng như vậy ngoài khơi, chẳng bao lâu sau đó, luồng nước này di chuyển vào phía Nam và hiện nay, nó chính thức dạt vào bờ biển Bình An, Thừa Thiên Huế.
Cả một dải bờ biển vàng đục, hôi hám, nồng nặc, thuyền chài lại phải đắp chiếu, ngư dân lại tiếp tục ngồi nhìn ra biển và tìm một công việc lao động nào đó để kiếm sống qua ngày. Ông Ngọc cho rằng nếu tình trạng này kéo dài thì thị trường lao động Việt Nam sẽ rối loạn. Bởi chỉ số thất nghiệp của Việt Nam vẫn còn cao, bây giờ thêm hàng triệu ngư dân tìm việc nữa thì e rằng nguy cơ đói khổ là thấy trước mắt.
Lại một mùa biển chết đang kéo đến bờ biển miền Trung. Và lại một lần nữa, ngư dân Việt Nam phải lắc đầu, nói rằng biển Việt Nam không còn cá!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?