Tin khắp nơi – 28/03/2017

Tin khắp nơi – 28/03/2017

LHQ: 307 thường dân Mosul thiệt mạng kể từ giữa tháng 2

Cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi quân đội Iraq và liên minh do Mỹ dẫn đầu xem xét lại các chiến thuật của họ trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Mosul, và cảnh báo rằng họ không nên rơi vào “cái bẫy” của các phần tử cực đoan mà gây nguy hiểm cho thường dân.
Trong một tuyên bố ra hôm thứ Ba 28/3, ông Zeid Ra’ad Al Hussein nói: “Trong một môi trường trong đó có những dấu hiệu rõ rệt là ISIL (Nhà Nước Hồi giáo) dùng đông đảo thường dân làm bia dỡ đạn cho chúng, việc tiến hành các cuộc không kích vào các vị trí ISIL có thể đi kèm với những hậu quả tác động tới thường dân, gây chết chóc đáng kể”.
LHQ cho biết là ở khu vực phía tây Mosul, có ít nhất 307 người đã bị giết chết và 273 người khác bị thương trong khoảng thời gian từ ngày 17/2 đến ngày 22/3. Họ nói số tử vong vừa kể là do tất cả các bên tham chiến ở tây Mosul gây ra –cả các cuộc không kích của Iraq và của liên minh, cũng như các vụ pháo kích và thiết bị nổ tự chế của Nhà nước Hồi giáo.
Ông Zeid nói: “Chiến lược của ISIL sử dụng trẻ em, đàn ông và phụ nữ làm bia đỡ đạn cho chúng trong các cuộc tấn công là hèn hạ và đáng hổ thẹn. Hành động này vi phạm các tiêu chuẩn cơ bản nhất về nhân phẩm và đạo đức”.
Cao Uỷ nhân quyền LHQ hoan nghênh cam kết của liên quân do Mỹ lãnh đạo và quân đội Iraq, sẽ tiến hành điều tra một số sự cố nghiêm trọng nhất về số thương vong nơi thường dân.
Sự cố gây số tử vong cao nhất xảy ra vào ngày 17/3 tại khu phố cổ ở tây Mosul.
Quân đội Hoa Kỳ đang duyệt lại hơn 700 đoạn video riêng rẽ ghi lại trong 10 ngày diễn ra những cuộc không kích ở Mosul, để xác định tính đáng tin cậy của các bản tin cho rằng các cuộc không kích do liên minh chống IS phát động đã giết chết hàng trăm thường dân ở Mosul.

LHQ đàm phán cấm vũ khí hạt nhân,

Mỹ và một số nước tẩy chay

Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai đã bắt đầu các cuộc đàm phán về lệnh cấm vũ khí hạt nhân quốc tế. Các nước đã có vũ khí hạt nhân phản đối lệnh cấm này.
Hồi năm ngoái, hơn 120 quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ việc tiến hành đàm phán để đạt một hiệp định cấm vũ khí hạt nhân.
Đại diện Cấp cao của LHQ về Giải trừ Vũ khí, ông Kim Won-soo, nói vũ khí hạt nhân là “mối đe dọa hiện sinh đối với nhân loại” và nhu cầu giải trừ vũ khí chưa bao giờ lại cấp bách như thế này tại thời điểm này.
Hoa Kỳ, Anh, Pháp và khoảng 20 quốc gia khác hôm thứ Hai cùng sát cánh với nhau để chống đối lệnh cấm.
Bà Nikki Haley, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, nói: “Ngày hôm nay trông theo những người tiến vào phòng họp Đại Hội đồng để ra lệnh cấm vũ khí hạt nhân, chúng ta phải tự hỏi, liệu họ có lo cho nhân dân của họ không? Họ có thực sự hiểu được những mối đe dọa mà chúng ta đang đối mặt không? Tôi tin rằng họ có lo cho nhân dân của họ, nhưng tôi cũng biết rằng tất cả những người đứng sau tôi phải thực tế, và công việc của chúng ta là bảo đảm nhân dân chúng ta được an toàn và đó là những gì chúng ta sẽ tiếp tục làm”.
Hiệp định cấm vũ khí hạt nhân, nếu được thoả thuận, chỉ có hiệu lực đối với những nước phê chuẩn nó.

Ông Trump sắp bỏ luật lệ môi trường của Obama

Peter Heinlein
Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết ngày 28 tháng 3, Tổng thống Donald Trump sẽ ký lệnh hành pháp bãi bỏ các luật lệ về môi trường của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, vực dậy cuộc tranh luận gay gắt giữa hai đảng về ảnh hưởng của hoạt động con người đối với khí hậu trái đất, và làm sâu đậm thêm những quan tâm kéo dài nhiều thập niên về những công việc liên hệ đến các hiệp ước về khí hậu toàn cầu.
Ông Trump đã liên tục ra chỉ dấu cho thấy ông không đồng ý đối với chính sách khí hậu của người tiền nhiệm. Trong cuộc vận động tranh cử, ông gọi Kế hoạch Năng lượng Sạch của ông Obama là “ngu xuẩn” phần lớn là vì đã đặt ra những luật lệ mà ông gọi là “giết chết việc làm.” Lệnh hành pháp ông sẽ ký vào ngày 28 tháng 3 chỉ thị Cơ quan Bảo vệ Môi trường duyệt xét lại kỹ lưỡng các quy định trong Kế hoạch Năng lượng Sạch.
Đề nghị ngân sách năm 2018 của ông Trump cắt 31% ngân khoản của Cơ quan Bảo vệ Môi trường, trong đó hầu như hoàn toàn cắt tiền tài trợ cho việc nghiên cứu về khí hậu.
Giám đốc Ngân sách của ông Trump, Mick Mulvaney tuyên bố tại một cuộc họp báo Tòa Bạch Ốc rằng “chúng ta không tiêu tiền vào việc này nữa.”
Hiện chưa rõ cam kết của Tổng thống đối với những thỏa thuận quốc tế như Hiệp ước Khí hậu Paris ký vào năm 2015 sẽ ra sao. Ông Trump có ác cảm đối với những hiệp ước nhượng bớt quyền hành của Mỹ cho các tổ chức quốc tế. Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Scott Pruitt, phát biểu vào ngày Chủ Nhật trên chương trình ABC’s This Week, gọi hiệp ước Paris là một “thỏa thuận xấu.”
Dự thảo sơ khởi của lệnh hành pháp sắp ban hành ngày 28/3 bao gồm những lời lẽ chỉ trích hiệp ước Paris. Tuy nhiên , tin cho hay hai cộng sự thân cận của ông Trump là Ivanka, con gái ông, và Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Tổng giám đốc công ty năng lượng khổng lồ Exxonmobil, đã can thiệp để các điều khoản liên hệ đến Hiệp ước Paris bị loại bỏ khỏi bản thảo chung cuộc.
Ông Pruitt, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường, hôm 26 tháng 3 tuyên bố duyệt xét lại Kế hoạch Năng lượng Sạch nhằm cởi trói cho công nghiệp Mỹ.
Thông tin tiết lộ về lệnh hành pháp sắp ký tạo ra một cuộc tranh luận mạnh mẽ giữa các khoa học gia về khí hậu.

Con rể Tổng thống Trump sắp bị chất vấn

Con rể của ông Donald Trump cũng là cố vấn chính của Tổng thống, Jared Kushner, đồng ý bị chất vấn trong khuôn khổ một cuộc điều tra của Thượng viện về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, theo tin từ Tòa Bạch Ốc.
Cho đến nay, ông Kushner là tay chân thân cận nhất của ông Trump, bị Ủy ban Tình báo Thượng viện chất vấn. Ủy ban này đang điều tra về những liện hệ giữa các phụ tá của ông Trump với các giới chức Nga.
Ủy ban Thượng viện muốn tìm hiểu về hai cuộc gặp vào tháng 12 năm ngoái giữa ông Kushner với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak, theo báo New York Times.
Báo Times cũng cho biết là các Thượng nghị sĩ cũng quan tâm đến cuộc gặp trước đây của ông Kushner với người đứng đầu Vnesheconombank, một ngân hàng phát triển quốc doanh của Nga mà Hoa Kỳ đã áp đặt chế tài tiếp sau vụ Moscow sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Một phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói với báo New York Times là những cuộc gặp đó không phải là chuyện bất thường, vì vai trò của ông Kushner trong cuộc vận động tranh cử và trong giai đoạn chuyển tiếp đòi hỏi ông gặp thường xuyên với các giới chức nước ngoài, kể cả Nga.
Các giới chức tình báo Mỹ đã kết luận là chính phủ Nga đứng đằng sau một chiến dịch nhằm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bằng cách xâm nhập vào các tổ chức của đảng Dân chủ và công bố những thông tin có lợi cho ông Trump. Moscow bác bỏ những cáo buộc này.
Tuần trước, giám đốc FBI James Comey công khai xác nhận là có một cuộc điều tra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử và tìm hiểu xem những người phụ tá của Tổng thống có giúp phối hợp những nỗ lực của Nga hay không.
Có tin cho biết vài phụ tá thân cận với ông Trump đang bị FBI điều tra trong đó có cựu chủ tịch Ủy ban vận động tranh cử, Paul Manafort, cựu cố vấn Carter Page, và người được ông Trump tin cẩn lâu nay, Roger Stone.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn cũng bị buộc phải từ chức sau khi thông tin sai lệch cho các giới chức Tòa Bạch Ốc về tính chất các cuộc điện đàm của ông với Đại sứ Nga Kislyak.

Tổng tư lệnh Myanmar

nhấn mạnh vai trò quân đội trong chính trị

Tổng tư lệnh quân đội Myanmar khẳng định quân đội vẫn là một lực lượng chính trị dù nước này hiện được chính phủ dân cử đầu tiên điều hành trong gần nửa thế kỷ dưới sự cai trị của quân đội.
Hơn 10.000 binh sĩ tuần hành tại thủ đô chính trị Nay Pyi Taw ngày 27 tháng 3 khi Myanmar chào mừng lần thứ 72 Ngày Lực lượng Võ trang đánh dấu phong trào kháng chiến do người hùng của nền độc lập Myanmar, Tướng Aung San, thân phụ của đương kim Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, lãnh đạo vào năm 1945.
Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, trong bài diễn văn nhấn mạnh quân đội phải giữ vai trò chỉ đạo trong nền chính trị đất nước vì vị trí của quân đội trong lịch sử và tình hình cấp thiết của đất nước.
Ông nói: “Chúng ta đã thấy đặt quá nhiều trọng tâm vào chính trị đảng phái không đưa đến ổn định quốc gia, nhưng đặt ưu tiên vào chính trị quốc gia có thể là cách duy nhất mang lại ổn định.”
Chính phủ do Liên đoàn Toàn quốc vì Dân chủ do bà Suu Kyi lãnh đạo lên nắm quyền từ tháng 3 năm ngoái sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử, nhưng hiến pháp do hội đồng quân nhân soạn thảo phân bổ cho quân đội một phần tư số ghế trong Quốc hội—và do đó có quyền phủ quyết—và kiểm soát 3 Bộ quan trọng trong Nội các.
Từ năm 1962 đến năm 2011, Myanmar bị đặt dưới quyền cai trị của một hội đồng các tướng lãnh chuyên chế, đàn áp hầu hết tất cả những người bất đồng chính kiến, và theo cáo giác, vi phạm nhân quyền sâu rộng, khiến cho quốc tế lên án và chế tài.
Tuy nhiên, những năm độc tài đã chấm dứt vào năm 2010 bằng cuộc tổng tuyển cử mà nhiều người xem rằng có sự gian lận của quân đội.
Quyền hành được chuyển giao vào năm 2011 cho một chính phủ bán dân sự được lãnh đạo bởi Đảng Đoàn kết và Phát triển do quân đội hậu thuẫn và Tổng thống Thein Sein, một nhà cải cách, đồng thời cũng là một đại tướng hồi hưu. Tiến trình đưa Myanmar thoát vòng bị thế giới cô lập, chấm dứt hầu hết những chế tài và đẩy mạnh việc phát triển kinh tế.
Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar,Tướng Min Aung Hlaing, hôm 27/3 cũng kêu gọi cảnh giác về “sự can thiệp của nước ngoài” trong cuộc xung đột tại Myanmar, nhấn mạnh đến tình hình ở bang Rakhine phía tây Myanmar, nơi quân đội mở các chiến dịch sau những cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát làm nhiều người thiệt mạng. Các cuộc hành quân của lực lượng chính phủ đã bị các tổ chức nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ.
Tướng Min Aung Hlaing nói bóng gió rằng khoảng 1,2 triệu người Hồi Giáo Rohingya tại Rakhine là những di dân bất hợp pháp từ nước láng giềng Bangladesh.
Ông nói rằng “rõ ràng có những sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề người tị nạn sau những cuộc tấn công bạo động của một số người Bengal vào năm 2016 và hệ quả là có những các cuộc hành quân tại khu vực này.”
Ông Min Aung Hlaing nói thêm là “Về vấn đề chủng tộc, chúng tôi đã nói rõ là những người Bengal không phải là sắc tộc thiểu số Myanmar.”
Myanmar bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì đàn áp những người Hồi Giáo Rohingya sau những cuộc tấn công vào cảnh sát tại khu vực Maungdaw thuộc miền bắc Rakhine, hồi tháng 10 năm ngoái.
Tuần trước, Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc quyết định cử một phái bộ quốc tế tìm hiểu sự thật đến Myanmar để điều tra những cáo buộc về vi phạm nhân quyền, đặc biệt là chống lại những người Rohingya.
Tướng Min Aung Hlaing nói “đáp ứng của quốc tế đối với những vấn đề nội bộ của chúng tôi có thể là một đe dọa đối với chủ quyền của chúng tôi.”
Người Rohingya tại tiểu bang nghèo khó Rakhine bị phủ nhận quyền công dân do một đạo luật được ban hành dưới thời ông Ne Win, một người hùng quân đội đã thực hiện cuộc đảo chánh. Trong thời gian ông Ne Win lãnh đạo từ năm 1962 đến năm 1988, đã có những chính sách bài ngoại.
Giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy sắc tộc đã diễn ra tại miền bắc bang Kachin và vùng đông bắc bang Shan giáp ranh với Trung Quốc.
Nguồn Anadolu Agency/AFP

Pháp: EU nên kết hợp với Châu Á đánh bại chủ nghĩa bảo hộ

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 27 tháng 3 tuyên bố EU có thể chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong mậu dịch và trong các hình thức khác bằng cách đoàn kết và giao tiếp với châu Á.
Trong bài diễn văn tại Singapore nhân chuyến thăm chính thức đảo quốc này hai ngày, ông Hollande đề cập cụ thể đến chính phủ của Tổng thống Donald Trump rằng: “Nước Mỹ lại đưa ra một số quyết định và một số lựa chọn ảnh hưởng đến kinh tế của chính họ và kinh tế trên toàn thế giới.”
Tổng thống Pháp nói cần phải giải thích ý nghĩa của việc đóng cửa biên giới, xây tường biên giới, cũng như chính sách về di trú bất bình đẳng vì theo lời ông, ‘không thể xây dựng một quốc gia lớn mạnh bất chấp những nước khác.’
Vào tháng 3 năm nay, các cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, bỏ cam kết hoàn toàn chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại hội nghị Khối G20 ở Đức.
Tuyên bố của khối nói rằng các quốc gia “đang làm việc để củng cố sức đóng góp của mậu dịch” đối với kinh tế các nước trong khi cuộc họp năm ngoái kêu gọi các quốc gia chống lại “tất cả các hình thức” của chủ nghĩa bảo hộ.
Ông Hollande nói để chống lại việc này, các nước phải ký những thỏa thuận thương mại, như đã làm, giữa châu Âu và các nước ASEAN.Malaysia
Pháp và Singapore đã ký một Tuyên bố Chung về Đối tác Chiến lược vào năm 2012 để củng cố các mối liên hệ trong những lãnh vực như thương mại và đầu tư, quốc phòng và công nghệ không gian.
Đầu tuần này, hai nước hứa tăng cường hợp tác trong các lãnh vực như công nghệ không gian, lập kế hoạch về những thành phố thông minh và y sinh học.
Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam nói “Singapore và Pháp cùng chia sẻ một tầm nhìn chung về một thế giới cởi mở đa dạng, toàn cầu hóa và cai trị theo luật pháp. Chúng ta cùng chia sẻ những thách thức chung, nhưng sẽ không tìm ra giải pháp trong việc hướng nội.”
Tổng thống Pháp ngày 28/3 sẽ rời Singapore đi thăm Malaysia.

Đụng độ ở Paris sau khi một người TQ bị cảnh sát bắn chết

Cảnh sát Pháp cho biết khoảng 35 người đã bị bắt giữ ở Paris hôm 28/3 sau khi đụng độ với người biểu tình phản đối vụ cảnh sát giết hại một người đàn ông Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong khi đó cho biết đã triệu tập nhân viên ngoại giao Pháp tại Bắc Kinh để truyền đạt yêu cầu chính phủ Pháp có biện pháp bảo vệ công dân Trung Quốc ở nước này.
Người biểu tình Trung Quốc ban đầu tụ tập bên ngoài một đồn cảnh sát ở Paris vào đêm thứ Hai 27/3, trước khi sự việc trở nên bạo lực.
Tân Hoa Xã đưa tin nói hàng trăm người từ cộng đồng Trung Quốc ở Paris đã tham gia cuộc biểu tình hôm thứ Hai.
“Cảnh sát dùng dùi cui và hơi cay để giải tán người biểu tình, khiến ít nhất một người gốc Trung Quốc bị thương.”
Paris: Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình TQ
Đám đông giận dữ trước vụ giết hại người đàn ông 56 tuổi, hôm Chủ nhật. Cảnh sát cho biết họ nhận được cuộc gọi báo có vụ cãi nhau trong một gia đình, và bắn ông Lưu Thiếu Cao (Shaoyo Liu) sau khi ông ta đâm một trong những cảnh sát. Tuy nhiên luật sư của gia đình đưa ra một phiên bản hoàn toàn khác của sự việc, kể lại rằng “ông ta không làm bất kỳ ai bị thương”, luật sư Calvin Job được báo Le Monde dẫn lời.
“Một người hàng xóm gọi cảnh sát báo rằng có tiếng hò hét”, nhưng theo lời thân nhân, “đã không xảy ra tranh chấp trong gia đình,” luật sư nói thêm.
Một người con của ông Liu nói với truyền thông Pháp rằng, cha cô, chỉ nói được chút ít tiếng Pháp, ra mở cửa và mang theo cây kéo ông đang dùng để mổ cá.
“Họ phá cửa xông vào, rồi nổ súng và cha tôi nằm trên sàn,” cô nói với báo Le Parisien bằng tiếng Pháp.
Trả lời phóng viên, cô nói đã rất sợ vì có tiếng động “ngày càng lớn như có ai muốn phá cửa”, khi cửa mở, có tiếng súng nổ “ngay lập tức”, và khi “những người đó vào nhà, họ không mặc đồng phục”.
“Mọi thứ diễn ra quá nhanh, có lẽ chưa đầy năm giây sau ông ấy đã nằm trên sàn,” cô nói.
‘Không cảnh báo’
Trang tin tiếng Anh của South China Morning Post dẫn lời con ông Lưu nói cảnh sát đã không cảnh báo hai lần như luật pháp yêu cầu trước khi nổ súng.
Cũng theo Le Monde, ba cảnh sát bị thương trong vụ đụng độ, một xe cảnh sát bị đốt, nhiều đoạn rào chắn bị xô đổ và có tiếng người biểu tình hét lên: “Bọn sát nhân” trong cuộc xuống đường ở khu vực Quận 19, Paris.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp ra thông cáo về vụ ông Lưu nhưng hầu như không đưa thêm chi tiết cụ thể nào.
“Đại sứ quán rất quan tâm tới sự việc này và đã ngay lập tức kích hoạt cơ chế khẩn cấp để tìm hiểu thêm về sự việc từ phía cảnh sát Pháp,” South China Morning Post trích dẫn.
Cơ quan giám sát hoạt động của cảnh sát sẽ nói chuyện với gia đình vào thứ Ba, 28/03, theo luật sư Job.
Cơ quan an ninh Pháp đang chịu áp lực trước một số vụ bạo lực xảy ra gần đây liên quan tới cảnh sát, đặc biệt là với vụ một công nhân da đen cáo buộc bị hiếp dâm bằng dùi cui của cảnh sát. Đã có nhiều cuộc biểu tình nổ ra từ hồi đầu tháng Hai sau vụ việc.

Vợ ứng viên cánh hữu Pháp bị thẩm vấn

Bà Penelope Fillon, vợ của ứng viên cánh hữu François Fillon, là trung tâm của xì-căng-đan việc làm ma bị tiết lộ cách đây hai tháng, hôm nay 28/03/2017 bắt đầu bị thẩm vấn và có thể bị đặt trong vòng điều tra.
AFP dẫn một nguồn tin thông thạo cho biết bà Penelope, 61 tuổi hôm nay phải trả lời các thẩm phán về tài chính. Từ năm 1986 đến 2013, bà đã nhận được 680.380 euro tiền lương, tức bình quân 3.600 euro một tháng, cho vai trò trợ lý cho ông François Fillon tại Quốc Hội và sau đó là cho ông Marc Joulaud, người dự khuyết của ông Fillon.
Bà Penelope còn là nhân viên của tạp chí La Revue Des Deux Mondes, mà ông chủ là một doanh nhân thân cận với chồng bà, từ tháng 5/2012 đến tháng 12/2013, được trả 5.000 euro một tháng tuy chưa bao giờ đặt chân đến tòa soạn.
Ông François Fillon, 63 tuổi, trước đó đã bị đặt trong vòng điều tra vào ngày 14/3, chủ yếu với cáo buộc biển thủ công quỹ.
Đây là lần đầu tiên ứng cử viên tổng thống thuộc một đảng lớn bị điều tra, đặc biệt là vào thời điểm cận kề ngày bầu cử. Sau vụ việc làm ma cho vợ và hai con, cuộc điều tra được mở rộng sang các tội danh hối mại quyền thế, cũng như nghi vấn lừa đảo với tình tiết tăng nặng sau khi báo chí lần lượt tiết lộ thêm một số vụ nữa như hai bộ com-lê sang trọng được tặng.
Tỉ lệ ủng hộ ông François Fillon, ứng cử viên thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu, đã sụt giảm mạnh và theo thăm dò thì ông khó thể vượt qua vòng một. Cựu thủ tướng thời ông Nicolas Sarkozy (2007-2012) vốn đặt sự trong sạch làm trọng tâm tranh cử, nay bị ứng viên cực hữu Marine Le Pen và Emmanuel Macron (tự cho là cánh trung) qua mặt trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp dự kiến vào ngày 07/05.

Syria : lực lượng Kurdistan và Ả Rập tái chiếm sân bay Tabqa

Chiến sự diễn biến nhanh chóng trên chiến trường mới do Hoa Kỳ và các đồng minh mở ra ở Tabqa, cách Raqqa, khoảng 50 km về phía tây bắc, nơi mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự tuyên bố là thủ phủ tại Syria.
Theo AFP, ngày hôm qua, lực lượng Kurdistan và Ả Rập, với sự hỗ trợ của không quân Hoa Kỳ, đã chiếm được sân bay Tabqa từ tay quân khủng bố. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại trước mắt là do chiến sự, đập nước trên sông Euphrate không hoạt động, làm mực nước dâng cao, với nguy cơ vỡ đập, gây ngập lụt cho các tỉnh ở phía nam.
Thông tín viên trong khu vực, Paul Khalifeh cho biết thêm thông tin :
« Sự kiện Lực Lượng Dân Chủ Syria, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, đánh chiếm được sân bay quân sự Tabqa, có phần nào không được chú ý do những thông tin đáng lo ngại liên quan đến đập nước trên sông Euphrate, đập lớn nhất tại Syria. Theo một chuyên gia, được các hãng thông tấn chính thức của Syria trích dẫn, thì một phần của đập bị hư hại do các vụ ném bom của không quân Mỹ và có nguy cơ đập bị vỡ.
Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria cho biết, nhà máy điện phục vụ cho đập nước bị ngừng hoạt động, do vậy, công trình này không vận hành được nữa. Vẫn theo nguồn tin này, quân thánh chiến hiện kiểm soát các bộ phận chính của đập, cũng như các tuốc bin điện. Về phần mình, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo nói rằng đập thủy điện này có nguy cơ bị vỡ bất kể lúc nào do các vụ oanh kích của không quân Hoa Kỳ và mực nước sông Euphrate lên cao.
Đài truyền hình Ả Rập al Mayadeen đưa tin, quân thánh chiến dùng loa kêu gọi người dân ở Tabqa hãy sơ tán khỏi nhà do có thể bị ngập lụt trong trường hợp đập bị vỡ.
Theo nguồn tin từ phía bộ phận kỹ thuật, nếu các bộ phận của đập không được sửa chữa trong vòng 20 ngày tới, hoặc nếu Thổ Nhĩ Kỳ không giảm lưu lượng nước trên sông Euphrate, thì đập có thể vỡ, và sẽ gây ra ngập lụt tại các tỉnh Raqqa và Deir Ezzor của Syria, ở phía nam ».

Trung Quốc sẽ tăng lực lượng hải quân lên 100.000 người

Theo tờ báo Hồng Kông South China Morning Post, Trung Quốc có kế hoạch tăng lực lượng hải quân từ 20.000 lên 100.000 quân. Tờ báo dẫn một nguồn tin nội bộ ẩn danh và các chuyên gia được phỏng vấn, lực lượng này có thể trú đóng ở nước ngoài, trong đó có cảng Djibouti ở vùng Sừng Châu Phi, và Gwadar, ở miền tây nam Pakistan.
Hải quân Trung Quốc đang dần mở rộng tầm vóc trong những năm gần đây. Vùng hoạt động cũng được dần dà trải rộng ra, từ các hoạt động ở vùng duyên hải Trung Quốc – trong đó có việc bảo việc lợi ích của Bắc Kinh tại biển Hoa Đông và Biển Đông, chuẩn bị cho khả năng đổ bộ tấn công Đài Loan – cho đến những nhiệm vụ mang tính toàn cầu.
« Hải quân Trung Quốc có thể được tăng lên đến 100.000 quân, gồm sáu lữ đoàn trong thời gian tới, để hoàn thành các nhiệm vụ mới của đất nước chúng tôi » - một nguồn tin nói với South China Morning Post. Nguồn tin này cũng cho biết hai lữ đoàn tác chiến đã sẵn sàng được điều sang hải quân, làm tăng quân số của hai lữ đoàn đang thiếu người từ 12.000 lên 20.000.
Mỗi lữ đoàn hải quân được chia làm một trung đoàn thiết giáp và hai tiểu đoàn lính thủy. Lữ đoàn được trang bị xe tăng lội nước ZBD05 và xe tăng trang bị pháo tự hành ZLT05. Loại ZBD05 được cho là một trong những kiểu chiến xa lội nước nhanh nhất, có thể chạy đến 45 km/h trên biển.
The Diplomat dẫn trang tin chuyên về quốc phòng IHS Jane’s cho biết, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cũng có thể xem xét trang bị cho các lữ đoàn hải quân loại chiến xa lội nước Norinco ZTL-11 trang bị súng cối 105 ly, có thể mang theo hỏa tiễn chống tăng tầm bắn 5.000 mét, tấn công được trực thăng bay thấp.
Trung Quốc đang chuẩn bị tăng lực lượng cơ giới thủy quân lục chiến (AMID) từ hai lên bốn lữ đoàn, tức từ 30.000 lên 60.000 quân. Mỗi lữ đoàn được trang bị đến 300 thiết giáp và xe lội nước, trong đó có ZBD05 và ZLT05, cũng như các chiến xa hạng nặng đầy đủ trang thiết bị.
Tuy nhiên hiện hải quân và thủy quân lục chiến chưa có hệ thống chỉ huy chung.
Trong khi Trung Quốc có thể tăng cường hai lực lượng này, điểm yếu nhất vẫn là năng lực vận chuyển lính thủy đánh bộ. Theo ước lượng của RAND Corporation, quân đội Trung Quốc có thể huy động 89 tàu đổ bộ trong năm 2017, kể cả năm chiếc tàu đổ bộ cấp Ngọc Châu (Yuzhao) Type 071, cho đến hai chiếc tàu đổ bộ lớn hơn cấp Tây Sa (Xisha) Type 081.
Tàu Type 071 có thể vận chuyển đến 600 quân và từ 15 đến 20 xe bọc thép, còn Type 081 loại lớn nhất chở được 900 đến 1.100 lính thủy và 30 đến 40 thiết giáp (cùng với 8 trực thăng). RAND ước lượng tổng năng lực vận chuyển một chiều của Trung Quốc đến cuối năm 2017 là 2,7 sư đoàn hay khoảng 40.000 quân.
Tuy nhiên, ước tính này dựa trên kịch bản xâm lược Đài Loan, không áp dụng cho việc triển khai các đơn vị hải quân rộng rãi hơn trên toàn cầu. Dù vậy, đến giai đoạn này Trung Quốc chắc chắn có khả năng tiến hành thành công các chiến dịch đổ bộ lên những hòn đảo có diện tích trung bình tại Biển Đông, hoặc xa hơn nữa.

Liên Hiệp Anh bay vào vùng gió lốc

Ngày 29/03/2017, Luân Đôn chính thức thông báo với Bruxelles quyết định giã từ Liên Hiệp Châu Âu. Từ lúc khởi động điều khoản 50 của hiệp định Lisboa cho đến khi « ly dị », chính phủ Anh có hai năm đàm phán gay go để «bảo vệ quyền lợi ». Tuy nhiên, dù muốn dù không, Brexit là tiếng chuông kết liễu chuyến du hành châu Âu của Anh Quốc, và sẽ không tránh được thiệt hại khó lường, theo nhận định của giới kinh tế và ngoại giao.
Khi vận động cử tri Liên Hiệp Anh tham gia trưng cầu dân ý 23/06/ 2016, phe chống Brexit vẽ ra một bức tranh hấp dẫn nhân danh chủ quyền quốc gia : chống làn sóng di dân, bảo vệ thị trường, bảo vệ công ăn việc làm, bảo vệ sức mua của người dân… Nói tóm lại, một khi thoát khỏi « guồng máy quyết định từ Bruxelles » thì Liên Hiệp Anh sẽ lấy lại uy thế đại cường của thời vàng son nhờ vào khối thịnh vượng chung và… đồng minh Hoa Kỳ. Thực tế ra sao ?
Chín tháng trôi qua kể từ khi 51,9 % cử tri quyết định Brexit, tình hình kinh tế Liên Hiệp Anh tương đối yên ổn, không xảy ra « bão tố tài chính » như dự báo của những người chủ trương ở lại với châu Âu. Với tân thủ tướng Theresa May cương nghị, với Ngân Hàng Trung Ương sẵn sàng bơm hàng tỷ bảng Anh chống khan hiếm tiền mặt, cùng với niềm tin và kỷ luật của người tiêu dùng, kinh tế của quốc đảo vượt qua được thử thách đầu tiên. Tăng trưởng GDP có thể lên đến 2% trong năm 2017.
Vấn đề mấu chốt là người tình ly thân này chưa đụng với « thực tế khăn gói ra khỏi nhà ». Thời gian đàm phán trong hai năm tới, tính từ ngày 29/03/2017 mới chỉ là giai đoạn chuẩn bị hành trang rời bến cảng. Theo nhận định đầy lo âu của Paul Drechsler, chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân CBI, thì nước Anh chỉ mới « bò lên đỉnh dốc của điều khoản 50 » và sẽ biết thế nào là « gió lốc » khi ngồi vào bàn đàm phán. Chủ nhân của giới chủ doanh nghiệp Anh lo ngại kịch bản tồi tệ nhất là không đạt được thỏa thuận mới về thương mại hầu giảm nhẹ cơn chấn động một khi rời thị trường chung. Về điểm này, thủ tướng Anh tuyên bố rất tự tin : Luân Đôn bất cần thỏa thuận nếu Bruxelles đặt điều kiện quá khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia kinh tế Nina Skero được AFP trích dẫn, tuyên bố của bà Theresa May chỉ là đòn tâm lý trước khi mặc cả. Xác suất cao nhất là hai bên sẽ đạt được một hiệp định thương mại song phương trong hai năm tới. Nhưng thời gian dằng co, bất định sẽ làm hoạt động kinh tế Anh, nhất là 50% mậu dịch tùy thuộc vào thị trường châu Âu, bị trì trệ.
Trong bối cảnh này, đồng minh Hoa Kỳ lại chọn tỷ phú Donald Trump với chủ trương bảo hộ kinh tế Mỹ, làm tổng thống.
Nếu thương lượng thất bại, hai lãnh vực kinh tế chủ lực của Anh là xe hơi, đang manh nha khởi sắc, và dịch vụ tài chính sẽ trả giá nặng. Trở lại quy chế của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, xe hơi của Anh sẽ bị đánh thuế nhập khẩu thêm 10%. Trong tình hình bất trắc này, không có công ty xe hơi nào muốn phát triển.
Mà muốn phát triển thì cũng cần nhân lực. Theo AFP, giới doanh nghiệp Anh kêu gào phải duy trì làn sóng di dân từ Liên Hiệp Châu Âu để trẻ hóa lao động, để thay thế những người về hưu. Mọi lãnh vực từ thương mại khách sạn, nhà hàng, xây dựng đều đối mặt với nguy cơ thiếu nhân công.
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng bị đe dọa. Khi ra khỏi thị trường chung, doanh nghiệp Anh sẽ mất « hộ chiếu châu Âu » bảo đảm quyền tự do cung cấp dịch vụ trên toàn châu lục. Hệ quả là nhiều công ty tài chính và ngân hàng chuẩn bị bỏ nước Anh. Theo dự đoán, ít nhất 240.000 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ sẽ biến mất.
Sức mua của người dân cũng giảm xuống. Do hàng nhập khẩu lên giá vì khan hiếm và vì bảng Anh mất giá, dân Anh bắt đầu cảm nhận được hệ quả tiêu cực của Brexit.
Cuối cùng, nguy cơ toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia cũng bị đe dọa. Với chủ trương ở lại châu Âu, 62% phiếu chống Brexit, trong cuộc trưng cầu dân ý, Scotland tính chuyện độc lập với Liên Hiệp Anh. Sau vụ tấn công làm chết 4 người hồi tuần trước, mà Daech tự cho là thủ phạm, đích thân thủ tướng Theresa May nhìn nhận « rất cần chia sẻ thông tin tình báo » với Liên Hiệp Châu Âu, nên không thể mặc cả được.
Bình luận về những hệ quả xấu của Brexit, nhà ngoại giao Anh lão thành 86 tuổi, Crispin Tickell, thành viên phái đoàn đàm phán gia nhập Thị Trường Chung Châu Âu trong thập niên 1970 than tiếc : « Chính sách ngoại giao Anh do những kẻ không hiểu gì và rất có thể bị nung nấu bởi tâm lý ghét người nước ngoài, quyết định. Thật là một thảm họa ».

Trưng cầu dân ý về độc lập Scotland:

Anh và Scotland không nhượng bộ nhau

Chỉ còn hai ngày nữa là kích hoạt điều 50 của hiệp ước Lisboa để khởi động tiến trình Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, hôm qua, 27/03/2017, thủ tướng Theresa May đến Scotland để cố gắng chận đứng những lời kêu gọi tổ chức lại trưng cầu dân ý về độc lập của xứ này. Nhưng cuộc gặp gỡ giữa bà May và người đồng nhiệm Scotland Nicola Sturgeon không có tiến triển nào đáng kể.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix cho biết thêm chi tiết :
« Cuộc gặp tay đôi lần thứ hai này tuy được cho là « nghiêm túc và thân mật », nhưng không khí đã khác hẳn so với cuộc hội kiến hồi tháng 07/2016. Lần này không có bắt tay, không họp báo, chỉ có vài bức ảnh chính thức, cho thấy hai nhà lãnh đạo kém thoải mái như thế nào. Phải nói rằng nếu bà Theresa May đến để thảo luận về việc kích hoạt điều 50, thì bà Nicola Sturgeon chủ yếu lại muốn bàn về một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về độc lập.
Thủ tướng Scotland cũng không giấu diếm sự bất mãn sau cuộc gặp, cho rằng người đồng nhiệm Anh đã không lắng nghe các đòi hỏi của bà về Brexit, trong khi người Scotland đa số đã bỏ phiếu ủng hộ ở lại Liên Hiệp Châu Âu. Hơn nữa bà Theresa May không hề bảo đảm việc giao bớt quyền lực cho Scotland, một khi Luân Đôn nắm lại quyền hành từ tay Bruxelles sau Brexit.
Về phía thủ tướng Anh thì nhận định đây không phải là lúc để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về độc lập, nhấn mạnh rằng trong lúc này rất cần đoàn kết giữa bốn nước đã hợp thành Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, để tạo nên sức mạnh.
Cả hai nữ thủ tướng đều tỏ ra không hề muốn nhượng bộ. Và cuộc bỏ phiếu tại Quốc Hội Scotland hôm nay để cho phép bà Nicola Sturgeon đòi hỏi trưng cầu dân ý lần hai, chắc chắn sẽ được Downing Street đón nhận với cùng một mức độ cứng rắn ».

Malaysia muốn mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp

Tổng thống Pháp François Hollande hôm nay 28/03/2017 đã đến thăm Malaysia trong chuyến công du châu Á. Thủ tướng Malaysia Najib Razak, sau cuộc tiếp xúc, khẳng định Malaysia sẽ mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Tổng thống Pháp François Hollande cũng tin tưởng rằng Kuala Lumpur sẽ đặt mua chiến đấu cơ Rafale vào một thời điểm thích hợp. Hai nhà lãnh đạo cùng bộ trưởng Quốc Phòng của Pháp và Malaysia cùng tham dự buổi trình diễn Rafale tại căn cứ quân sự Subang.
Các trao đổi thương mại giữa hai nước liên quan rất nhiều tới lĩnh vực quân sự. Malaysia đã mua máy bay vận tải quân sự Airbus A400M và nhiều tầu ngầm của Pháp.
Ngày mai 29/03/2017, tổng thống Pháp François Hollande sẽ tới thăm Indonesia. Hôm nay, trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP về khả năng áp dụng trở lại lệnh tạm đình chỉ thi hành án tử hình, tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ tham khảo ý kiến dân chúng. Nếu người dân đồng tình ủng hộ, ông Widodo sẽ cho chuẩn bị việc này.
Tuy nhiên, tổng thống Widodo cũng cho biết theo cuộc thăm dò dư luận thực hiện năm 2015, 85% số người được hỏi ủng hộ hành quyết những kẻ buôn lậu ma túy bị kết án tử hình.
Từ khi Joko Widodo lên lãnh đạo Indonesia vào năm 2014, đã có 18 người, chủ yếu là người nước ngoài, bị hành quyết vì tội buôn lậu ma túy, vài chục người khác đang chờ thi hành án, trong đó có 1 người Pháp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?