Biểu tình tại Iran: Bất ổn nghiêm trọng nhất trong vòng 40 năm

Báo Mới 
Hồng Phúc
28/11/2019

Chính phủ Iran mới đây đã quyết định tăng giá nhiên liệu. Điều này đã ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân nước này, đặc biệt là những người nghèo và những người có thu nhập thấp, dẫn đến làn sóng biểu tình phản đối dữ dội. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất của người dân Iran trong vòng 40 năm qua, khiến nước này đang đối mặt với tình trạng bất ổn nghiêm trọng.
Hơn 60 người thiệt mạng
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cố gắng để trấn an người dân và làm dịu tình hình. Ông cho biết ông hiểu hoàn cảnh của người dân, đồng thời kêu gọi không tiếp diễn các hành động bạo lực. Ông nhấn mạnh trong vô vọng: “Biểu tình là quyền của người dân, song biểu tình khác với bạo loạn. Chúng ta không thể chấp nhận bất ổn trong xã hội.” Tuy nhiên, các cuộc biểu tình trên toàn quốc không dừng lại mà vẫn tiếp tục leo thang, và hiện đã lan ra hơn 100 TP của nước này. Ở một số TP nhỏ, lực lượng an ninh đã không còn kiểm soát được tình hình. Tại TP Buschehr, nơi đặt lò phản ứng hạt nhân thương mại duy nhất của Iran, các nhân chứng cho biết tình hình đã rơi vào hỗn loạn.
Ông Alireza Nader, chuyên gia Mỹ có nhiều năm nghiên cứu về Iran, nhận định các cuộc biểu tình hiện nay là nghiêm trọng nhất trong vòng 40 năm qua, kể từ khi cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran thành công năm 1979. Theo hãng tin Fars, đã có hơn 150 tòa nhà công cộng, ngân hàng, trạm xăng, siêu thị, trường học, đồn cảnh sát đã bị thiêu rụi. Tại TP phía nam Schiras, các nhà báo địa phương cho biết có nhiều cột khói đen bốc lên và người biểu tình đã kiểm soát TP. Ở Tehran và Isfahan, những người chỉ trích chế độ cầm quyền đã đỗ xe giữa các tuyến đường trong TP, làm tê liệt các tuyến giao thông quan trọng nhất. Một chiếc xe tải đã đổ toàn bộ gạch ngói xuống một tuyến đường chính trong sự cổ vũ của những người biểu tình.
Đối với nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, người biểu tình trên các đường phố là những tên côn đồ do nước ngoài kiểm soát và chỉ đạo. Lãnh đạo của lực lượng Vệ binh cách mạnh Iran cho biết nếu các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, các lực lượng chức năng sẽ buộc phải can thiệp để ổn định tình hình. Kể từ ngày 17-11, mạng Internet tại Iran bị chính quyền nước này ngăn chặn, khả năng truy cập bị hạn chế tối đa, phần lớn các trường học bị đóng cửa.
Tuy nhiên, một số ít video vẫn được tải lên mạng internet và đã cho thấy, những người biểu tình trên các con phố đã bị bắn, một số thanh niên đang cầm các vỏ đạn nhặt được trên đường phố, một số người khác đang phá hủy các camera giám sát tại các giao lộ hoặc những nơi công cộng. Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết ít nhất hơn 60 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng.


Đất nước Iran đang chìm trong hỗn loạn vì biểu tình bạo lực. Ảnh tư liệu
Đòn trừng phạt của Mỹ đã có tác động lớn
Các cuộc biểu tình trên toàn quốc diễn ra một ngày sau khi chính quyền Iran quyết định tăng giá xăng từ 10.000 rial/lít lên 15.000 rial/lít (khoảng 0,13 USD) và quy định hạn chế lượng mua nhiên liệu của người dân. Theo đó, mỗi xe cá nhân chỉ được mua 60 lít xăng một tháng với giá này, nếu mua lượng lớn hơn sẽ phải trả mức giá cao hơn là 30.000 rial/lít. Thực tế giá bán này vẫn rất rẻ so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, động thái tăng giá nhiên liệu này đã ảnh hưởng đến những người nghèo trong số 80 triệu dân Iran, những người phải chịu cảnh thất nghiệp và lạm phát tăng cao trong nhiều năm qua, giờ đây họ còn phải gánh chịu chi phí thực phẩm và hàng hóa khác tăng lên do giá nhiên liệu tăng.
Ngoài ra, chính sách trợ cấp nhiên liệu hào phóng của Iran trong những năm qua đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng buôn lậu xăng dầu, thông qua đường bộ sang Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Pakistan và đường biển qua eo biển Hormuz. Theo ước tính, khoảng 10 đến 20 triệu lít nhiên liệu từ Iran đã bị đưa một cách bất hợp pháp ra nước ngoài mỗi ngày, gây ra thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm cho nước này. Tuy nhiên trên tất cả, các lệnh trừng phạt do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt từ năm ngoái đến nay đã gây ra thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế của Iran. Ngay cả các quan chức Iran cũng phải thừa nhận rằng chưa bao giờ có một cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị tàn khốc như vậy trong vòng 40 năm qua. Giá trị đồng rial của Iran đang rơi tự do.
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của Iran sẽ giảm gần 10% trong năm 2019. Theo công bố của Văn phòng Tổng thống Rouhani, ngân sách nhà nước của Iran hiện tại là khoảng 35 tỉ Euro, trong đó 13 tỷ Euro đến từ các khoản thu thuế, 22 tỷ Euro còn lại là các khoản thu từ dầu mỏ. Do các lệnh trừng phạt từ Mỹ, nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ đã bị thu hẹp rất nhiều, khiến cho Iran không còn có thể tiếp tục trợ cấp giá nhiên liệu như trước đây nữa.
Những người dân Iran đang gặp khó khăn cũng chỉ trích gay gắt chính sách của chính quyền trong việc triển khai lực lượng vệ binh cách mạng tại Syria, Lebanon hay Iraq, vốn rất tốn tiền ngân sách.
Phản ứng trước diễn biến bất ổn nghiêm trọng tại Iran, lãnh đạo nhiều nước châu Âu đã kêu gọi chính quyền Iran tiến hành đối thoại với người biểu tình và giải quyết các mối quan tâm chính đáng của họ. Về phía Mỹ, Washington lên án chính quyền Tehran dùng các "lực lượng sát thương" để đối phó với người biểu tình và "các biện pháp hạn chế thông tin liên lạc," đồng thời cho biết Mỹ ủng hộ người dân Iran trong cuộc biểu tình ôn hòa. Washington tuyên bố giới lãnh đạo Iran đang đẩy mạnh chương trình hạt nhân của mình, ủng hộ khủng bố và bỏ bê người dân của họ.
Theo giới phân tích, tình hình Iran hiện nay đang rất phức tạp và khó lường. Nếu giải quyết không khéo những bất ổn đang diễn ra, cuộc biểu tình hiện nay rất có thể sẽ đẩy đất nước Iran vào một cuộc khủng hoảng đe dọa chế độ cầm quyền.
Hồng Phúc
----------
Iran: 731 ngân hàng và 140 trụ sở chính quyền đã cháy
Tác giả : Huỳnh Nguyễn Nguồn: Pháp Luật Ngày đăng: 2019-11-28


Các phương tiện lưu thông qua một tòa nhà bị cháy trong cuộc biểu tình chống tăng giá xăng dầu tại Tehran. Ảnh: AP
Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli nói với hãng tin IRNA trong một phát biểu hôm 27-11: Có khoảng 731 ngân hàng và 140 trụ sở chính quyền đã cháy trong tình trạng bất ổn gần đây của Iran.
Theo Reuters, hơn 50 căn cứ của lực lượng an ninh đã bị tấn công và khoảng 70 trạm xăng cũng bị đốt cháy, đồng thời cho biết thêm rằng vẫn chưa xác định được nơi các cuộc tấn công diễn ra.
Ông Rahmani Fazli nói với hãng tin IRNA rằng có tới 200.000 người trên toàn quốc tham gia vào cuộc biểu tình bắt đầu ngày 15-11 sau thông báo tăng giá xăng dầu ở Iran. Tổ chức Ân xá Quốc tế có trụ sở tại London hôm 25-11 cho biết họ đã ghi nhận ít nhất 143 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Trong khi đó, Iran đã phủ nhận thông tin số người chết trong cuộc biểu tình mà Amnesty đã đưa ra. Nước này nói rằng có một số người, bao gồm các thành viên của lực lượng an ninh, đã bị giết và hơn 1.000 người bị bắt giữ. Trung tâm nhân quyền ở Iran, nhóm vận động có trụ sở tại New York, cho biết số vụ bắt giữ có lẽ gần 4.000.
Các cuộc biểu tình ở Iran đã nhanh chóng chuyển sang vấn đề chính trị với những người biểu tình kêu gọi các nhà lãnh đạo hàng đầu từ chức. Chính phủ đã đổ lỗi cho những người Hồi giáo liên kết với những người lưu vong ở Mỹ, Israel và Saudi Arabia đã khuấy động tình trạng bất ổn trên đường phố Iran.
Cuộc biểu tình Iran diễn ra khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới làm cắt đứt gần như toàn bộ xuất khẩu dầu của Iran.
Cùng thời điểm này, các phong trào chống đối tương tự nổ ra ở Iraq và Lebanon nhằm chống lại các chính phủ bao gồm các phe ủng hộ Iran.
HUỲNH NGUYỄN


Iran protests: What happened while the internet was turned off? | The Stream

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?