Tập Cận Bình ngập đầu giữa muôn trùng rắc rối

Việt Tin
Mạnh Kim
28/11/2019
Chưa bao giờ Tập Cận Bình ngập đầu giữa muôn trùng rắc rối bằng lúc này, từ vụ biểu tình Hong Kong đến “vụ án Huawei” rồi mới đây là vụ một điệp viên Trung Quốc đào thoát sang Úc khai nhiều tình tiết kinh thiên động địa và hôm nay thì sự kiện Tòa Bạch Ốc ký Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong.
Chưa hết, một mặt trận ít được chú ý nhưng rất quan trọng và ảnh hưởng dữ dội đến vai trò Trung Quốc tại Đông Nam Á. Đó là Đài Loan. Cần nhắc lại, trong báo cáo “Indo-Pacific Strategy Report - Preparedness, Partnerships, and Promoting a Networked Region” mà Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ công bố ngày 1-6-2019, Mỹ đã làm Bắc Kinh điên tiết khi lần đầu tiên gọi Đài Loan là “quốc gia”, thay vì công nhận lãnh thổ này là một tỉnh của Trung Quốc, như chính sách mà Bắc Kinh luôn yêu cầu thế giới “cấm được cãi”. Báo cáo trên có đoạn: “Vì các nền dân chủ Ấn-Thái Bình Dương như Singapore, Đài Loan, New Zealand và Mông Cổ là đáng tin, có năng lực cũng như là đối tác tự nhiên của Hoa Kỳ nên cả bốn quốc gia này đều đóng góp cho các sứ mạng của Mỹ khắp thế giới. Họ cũng đang thực hiện những bước tích cực trong việc duy trì một trật tự quốc tế mở và tự do”.
Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Trước đó, cũng có một vụ “kỳ cục” chưa tiền lệ nữa, khi John Bolton, với tư cách cố vấn an ninh quốc gia, đã gặp một trong những viên chức quốc phòng cao cấp nhất của Đài Loan – Tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Đài Loan Lý Đại Duy (David Lee) – vào đầu tháng 5 tại Washington. Đây là cuộc gặp đầu tiên của giới chức an ninh hàng đầu Mỹ-Đài Loan kể từ năm 1979.
Nói đến chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, vấn đề đạo luật, đặc biệt những đạo luật được Quốc hội đề xuất và chuẩn y, là rất quan trọng vì chúng không mang tính nhất thời mà có sức ảnh hưởng về chiến lược lâu dài. Cần nhắc lại, tháng 3-2018, Đạo luật du lịch Đài Loan (Taiwan Travel Act – TTA) với nội dung khuyến khích các cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan đã được phê chuẩn từ Tòa Bạch Ốc. Trước đó, ngoại giao Washington-Đài Bắc bị chi phối bởi Đạo luật quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act-TRA), vốn chỉ cho phép giới chức cấp thấp của Đài Loan gặp Mỹ. Gần một năm sau, tháng 5-2019, Hạ viện Hoa Kỳ lại chuẩn y Đạo luật bảo trợ Đài Loan (Taiwan Assurance Act-TAA), bày tỏ ủng hộ Đài Loan trước sức ép ngoại giao lẫn quân sự từ Bắc Kinh. Khuyến khích Đài Loan mua thêm “đồ chơi” quốc phòng cũng như tham gia các tổ chức quốc tế, TAA được Hạ viện thông qua với tỷ lệ 414/0!
Tiếp đó, Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ cũng nhất trí thông qua (ngày 22-5-2019) dự luật ủng hộ Đài Loan “tái chiếm” vị trí quan sát viên trong Hội đồng Y tế Thế giới (cơ quan có quyền đề ra các quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới-WHO), nơi đã không mời Đài Loan dự họp kể từ năm 2017 bởi sự cản trở từ Bắc Kinh. Một trong những “minh họa” rõ rệt nhất cho loạt diễn biến nóng hổi trong quan hệ Washington-Đài Bắc là một cơ quan ngoại giao của Đài Loan đặt tại Washington đã được đổi tên, từ “Hội đồng điều phối Bắc Mỹ” thành “Hội đồng Hoa Kỳ vụ của Đài Loan” (“Trú Mỹ quốc Đài Bắc kinh tế văn hóa đại biểu xứ”) vào cuối tháng 5-2019. Còn nữa, giữa tháng 6-2019, một thông điệp khác lại được Washington đưa ra mà giới nghiên cứu chính trị Đài Loan đã diễn giải theo chiều hướng tích cực cho họ. Đó là sự kiện tướng hưu Không quân Hoa Kỳ David Stilwell, người thông thạo tiếng Hoa và tiếng Triều Tiên, được Thượng viện chuẩn y vị trí trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương.
Cùng với các đạo luật liên quan Đài Loan và bây giờ là Hong Kong, câu chuyện “đạo luật” từ nước Mỹ liên quan chính sách đối ngoại của họ cho thấy một điều: sức mạnh Quốc hội Hoa Kỳ. Họ không chỉ ảnh hưởng nguyên thủ của mình mà còn có thể làm nguyên thủ gần như bất kỳ quốc gia nào cũng ít nhiều ngán ngại. Tập Cận Bình có thể hô phong hoán vũ trong nước và Tập có thể so găng tay đôi với một nguyên thủ quốc gia khác nhưng Tập sẽ bất lực trong việc đối diện với một tập thể gọi là “Quốc hội Hoa Kỳ”.
------------



Tổng thống Trump ký luật nhân quyền cho Hong Kong, Trung Quốc tức giận
Nguồn: RFA Ngày đăng: 2019-11-28


Hình minh hoạ. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 20/11/2019 AFP
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Tư, ngày 27/11 đã chính thức ký Luật Dân Chủ và Nhân Quyền cho Hong Kong, khiến Trung Quốc tức giận.
Theo luật này, Hoa Kỳ có thể áp dụng cấm vận đối với các quan chức Trung Quốc và Hong Kong bị xác định vi phạm nhân quyền. Luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm phải xem xét tình hình Hong Kong, đảm bảo khu vực này có được các tự do đặc biệt, nếu không Washington sẽ rút lại quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong.
Trong tuyên bố đưa ra khi ký ban hành luật, Tổng thống Trump phát biểu: “Tôi ký luật này là vì sự tôn trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và Hong Kong. Luật được đi vào hiệu lực với hy vọng là các lãnh đạo và các đại diện của Trung Quốc và Hong Kong có thể giải quyết được những khác biệt của họ một cách hoà bình dẫn đến hoà bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả”
Việc Tổng thống Mỹ ký luật nhân quyền cho Hong Kong diễn ra vào giữa lúc Bắc Kinh và Washington vẫn chưa đạt được thống nhất trong các đàm phán về thương mại.
Cho đến cuối tuần trước, Tổng thống Trump vẫn còn nói ông có thể sẽ không ký luật vì ông coi Chủ tịch Tập Cận Bình là bạn và ông phải cân bằng các lợi ích cạnh tranh trong quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, hai dự luật về Hong Kong được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tuần trước nhận được nhiều sự ủng hộ của các dân biểu và thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng. Vì vậy có những nhận định cho rằng Tổng thống Trump có rất ít lựa chọn. Ngay kể cả nếu Tổng thống Trump dùng quyền phủ quyết thì có nhiều khả năng luật cũng sẽ đi vào hiệu lực nếu Quốc hội biểu quyết với 2/3 số phiếu, vô hiệu hoá sự phủ quyết của Tổng thống.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức có phản ứng, chỉ trích việc Tổng thống Trump ký thành luật là “can thiệp nghiêm trọng vào chuyện của Hong Kong, chuyện nội bộ của Trung Quốc, và vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và các tiêu chuẩn cơ bản trong quan hệ quốc tế”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi đây là hành động bá quyền và chính phủ Trung quốc cũng như người dân Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc này.
Bắc Kinh tránh không nói gì đến các đàm phán về thương mại giữa hai nước khi lên án Hoa Kỳ dù trước đó đã rất mạnh mẽ đe doạ sẽ có các hành động đáp trả.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?